Triết học Đông phương

Triết lý Tam Luận Tông

 

TRIẾT LÝ TAM LUẬN TÔNG

 

JUNJIRO TAKASUSU

(高楠順次郎)

TUỆ SĨ dịch

 


Junjiro Takakuru. Tinh hoa triết học Phật giáo / The Essentials of Buddhist Philosophy. Tuệ Sĩ dịch. Nxb. Phương Đông. | Phiên bản điện tử: www.thuvienhoasen.org


 

 

Học thuyết Tam luận tông có ba phần: 1. phá tà hiển chính; 2. phân biệt chân đế tục đế; 3. bát bất Trung đạo (mādhyama-pratipad).

Mục tiêu của tông này là tất cánh không, tính không tuyệt đối, tức là cái không không thể bắt nắm (aprāptavya- śūnyatā: vô sở đắc không, bất khả đắc không), nghĩa là chính kiến về vô đắc (aprāptitva). Nói một cách tổng quát, khi một tà kiến bị bác bỏ thì một quan điểm khác lại được chấp trước vào và được coi như là chính kiến, như là một kết quả tự nhiên. Tuy nhiên, ở tông này, tuyển trạch cũng là một chấp trước hay một sở đắc về một quan điểm và do đó cũng bị loại bỏ. Chính sự phi bác về một tà kiến cũng đồng thời phải là sự minh thị về một chính kiến. Nghĩa là, phá tà và hiển chính là một, bởi vì không có gì được thu hoạch cả. Đây là một trong những đặc điểm của tông này. 

Tuy nhiên, cả hai mệnh đề này vẫn tách rời nhau trong mục đích thực tiễn, bởi vì phá là cần thiết để cứu độ tất cả chúng sinh đang chìm trong biển chấp trước, còn hiển cũng quan trọng vì để xiển dương lời dạy của Phật. 

Phá (phủ nhận) như thế là để viên toàn. Trước hết, tất cả các quan điểm y cứ trên chấp trước đều bị phủ nhận. Thế thì, những quan điểm như thuyết về ngã (ātman) của các triết gia Bà-la-môn, thuyết đa nguyên luận của các luận sư A-tì-đàm (Vaibhāṣika, Kośa) và những nguyên lý giáo điều của các luận sư Đại thừa, không bao giờ được thông qua mà không bị bác bỏ chi ly. Hữu (tất cả đều có), vô (tất cả đều không), thảy đều bị chỉ trích. 

Trong số những quan điểm Phật giáo Trung Hoa, thì với Huệ Quán, giáo lý của Phật được chia thành hai giáo và năm thời; Cát Tạng thì có nhất thể của nhị đế, chân và tục; và với Tăng Triệu cũng như Pháp Vân, là sai biệt tính của nhị đế; tất cả đều bị chỉ trích thậm tệ nếu những quan điểm này quá chấp trước. Tuy nhiên, trên khía cạnh tích cực, tông phái này thừa nhận có nhân chính và pháp chính. Long Thọ được coi như là nhân vật chân chính (tức nhân chính) bởi vì trong sự tiên đoán Phật có nói đến sự xuất hiện của ngài. Pháp chính đây là trung đạo, xa lìa danh và tướng, cả ngôn ngữ và tâm tưởng đều không thể đạt đến được. Pháp chính siêu việt tất cả những điểm tranh luận như “tứ cú” và “bách phi”, và như thế là đi xa hơn cả Yajñavalkya với lý thuyết thời danh “neti, neti” (không phải! không phải!) trong Upaniṣad. 

Chân lý chỉ có thể đạt được bằng phủ định hay bài bác các tà kiến bên trong và bên ngoài Phật giáo và những sai lầm của cả Đại Tiểu thừa. Khi ôm giữ những tà kiến sai lầm, con người sẽ mù quáng trong phán đoán. Làm sao mà một người mù có thể có được cái thấy đúng, và nếu không có nó thì hai cực đoan không bao giờ có thể tránh được? Cứu cánh vong ngôn tuyệt lự là buổi bình minh của trung đạo. Phá và chỉ có phá mới có thể dẫn đến cứu cánh chân lý. 

Con đường giữa, con đường xa lìa danh và tướng, không thể tiêu danh và không có đặc trưng, thế mà chúng ta bắt buộc phải nêu lên theo một cách thế nào đó để phân biệt. Do đó nó được gọi là “hiển chính”. 

Tóm tắt, có hai khía cạnh của chính: thể chính và dụng chính. Thể chính là chân lý siêu việt vượt cả chân và tục đế. Trong lúc dụng chính là chân lý nhị đế, chân và tục. Trung luận cho rằng chư Phật trong quá khứ đã tuyên thuyết những giáo lý của mình cho chúng sinh bằng phương tiện là nhị đế. Chính theo tục đế (samvṛti-satya) mà đức Phật giảng rằng tất cả các pháp mà có là do nhân duyên; nhưng theo chân đế (paramārtha-satya) thì tất cả các pháp đều không. Thực ra, nhị đế được giảng thuyết là để dẫn mọi người đi vào chính đạo. 

Đối với những kẻ chấp vào không của hư vô luận, lý thuyết về hữu sẽ được giảng giải theo phương diện tục đế, với những ai chấp hữu thì học thuyết về phi hữu (vô) sẽ được giảng theo phương diện chân đế để dạy cho họ cảnh giới vô danh vô tướng và đó là “thể chính” vậy. 

Dù chúng ta có thể nói đến sự hữu, nhưng nó giả tạm và bất ổn. Ngay cả sự phi hữu (không) cũng giả tạm và bất ổn. Vì vậy không có sự hữu thực sự cũng không có cái không đích thực. Hữu thể và vô thể chỉ là hậu quả của tương quan nhân quả và do đó, bất thực. Như thế, lý tưởng của hai cực đoan về hữu thể và vô thể bị xóa bỏ. Do đó, khi chúng ta đề cập đến tục đế, chúng ta có thể nói về thế giới hiện tượng mà không làm điên đảo thế giới bản tính. Khi đề cập đến chân đế, chúng ta có thể vươn tới thế giới bản tính mà không làm xáo trộn thế giới giả danh. Phi hữu cũng là hữu. Danh hình và tướng sắc đồng thời là không và rồi không cũng tức thị hình danh sắc tướng. 

Như thế bản tính của tất cả các pháp là không có tự tính. 

Do đó, ta có thể thấy rằng nhị đế được giảng dạy chỉ vì mục đích giáo hóa. Tam luận tông này coi thuyết nhị đế như là ngôn giáo, nghĩa là giáo lý có mục đích biện giải, trong khi các nhà Đại thừa khác coi nó như là lý giáo, nghĩa là nhị đế chính là nguyên lý mà Phật giảng dạy. Vấn đề gây ra những dị biệt là: Chân lý (đế) là phương tiện hay cứu cánh. Tam luận tông xem nó như là phương tiện. Đây là một đặc điểm nữa của tông này. 

Thuyết Bát Bất cũng có mục đích tương tợ. Nó được Long Thọ nêu lên trong bài tụng tán khởi của Trung luận và đây là bản dịch tiếng Anh của Stcherbatsky (The conception of Buddhist Nirvana, tr. 69):[1]

Tôi kính lễ Đức Phật toàn giác,

Bậc nhất trong tất cả hàng thuyết giáo. 

Ngài đã tuyên thuyết

Nguyên lý tương đối tính phổ quát. 

Đó như là tịnh lạc (Niết-bàn),

Sự tĩnh chỉ của đa nguyên tính.

Không có gì biến mất,

Cũng không có gì xuất hiện,

Không có gì kết thúc,

Cũng không có gì vĩnh cửu,

Không có gì đồng nhất (với chính nó), 

Cũng không có gì dị biệt,

Không có gì vận chuyển, 

Không đến đây cũng không đến kia.[2]

Theo bản dịch của La-thập như sau: 

Bất sinh diệc bất diệt 不生亦不滅

Bất thường diệc bất đoạn 不常亦不斷

Bất nhất diệc bất dị 不一亦不異

Bất lai diệc bất xuất 不來亦不出

Năng thuyết thị nhân duyên 能說是因緣

Thiện diệt chư hý luận 善滅諸戲論

Ngã khể thủ lễ Phật 我稽首禮佛

Chư thuyết trung đệ nhất 諸說中第一[3]

Như thế tất cả những sắc thái đặc hữu của hiện thể đều bị phủ nhận. Sự thực chính bát bất ấy không có một mục đích đặc biệt nào cả. Ta có thể coi nó như một móc tréo càn quét tất cả tám thứ sai lầm gắn liền với thế giới của biến dịch, hay một sự đào thải hỗ tương của bốn cặp thiên kiến, hay một chuỗi dài xuyến quán gạt bỏ từng sai lầm này đến sai lầm khác. Tỉ dụ: phá hủy ý niệm về sinh khởi bằng ý niệm về diệt; phá hủy ý niệm về diệt bằng ý niệm “đến” (lai); phá hủy ý niệm “đến” bằng ý niệm “đi” (khứ); rồi phá ý niệm này bằng ý niệm về thường hằng; phá hủy thường hằng bằng đoạn diệt; phá hủy đoạn diệt bằng nhất thể; phá hủy nhất thể bằng đa thù; phá hủy đa thù bằng sinh khởi. 

Theo cách đó, tất cả những biện biệt về tự hay tha, về bỉ hay thử đều bị tuyệt diệt. Do đó, phá một tà kiến hay thiên kiến đồng thời cũng là hiển thị chính kiến. Khi chính đối lập với tà, đó là một thứ chính phản đề (đối thiên chính), nghĩa là cái chính với tư cách là đối nghịch với tà. Khi tà hoàn toàn bị phá hủy, bấy giờ sẽ có cái chính không lệ thuộc phản đề (tận thiên chính), nghĩa là, cái chính siêu việt. Khi ý niệm về chính và tà hoàn toàn bị triệt hạ, bấy giờ sẽ là chính tuyệt đối (tuyệt đãi chính), nghĩa là chân lý.[4]

Chính là một khoảng giữa. Khoảng giữa chiếm chỗ hai thái cực là một khoảng giữa của phản đề, hay khoảng giữa của tương quan: đối thiên trung. Khoảng giữa vượt ngoài cả hai thái cực hoàn toàn bị phá hủy là khoảng giữa vượt ngoài các thái cực: tận thiên trung. Khi ý tưởng về hai thái cực hoàn toàn bị xóa bỏ, bấy giờ là khoảng giữa tuyệt đối: tuyệt đãi trung. Như vậy tuyệt đãi chính cũng là tuyệt đãi trung.[5]

Khi tuyệt đãi trung được đem ra giáo hoá quần chúng, nó trở thành một thứ Trung đạo hay chân lý giả tạm: thành giả trung. Như vậy, ta có bốn thứ Trung đạo. 

Vì nhu cầu thực tiễn để dắt dẫn quần sinh, thêm một trình tự khác nữa được chấp nhận. Trình tự này được giải thích qua bốn lớp như sau: 

1. Khi hữu đối lập với không thì hữu được coi như tục đế và không là chân đế: tục hữu, chân không. 

2. Khi hữu và không đối lập với phi hữu phi không thì hữu không là tục đế và phi hữu phi không là chân đế; hữu không: tục; phi hữu phi không: chân. 

3. Nếu cả bốn quan điểm đối lập nói trên thảy đều thuộc tục đế, thì những quan điểm nào cao hơn, phủ nhận chúng, được xem là chân đế; hữu không phi hữu không: tục; phi phi hữu phi phi không: chân. 

4. Khi những quan điểm được diễn tả trong giai đoạn trên đây trở thành tục đế, thì sự phủ nhận tất cả chúng sẽ là chân đế; phi phi hữu phi phi không: tục; phi phi bất hữu phi phi bất không: chân.[6]

Như thế, càng tiến lên cao bao nhiêu, nếu ta thừa nhận một quan niệm hay một nhóm những quan niệm, chúng ta sẽ lại gặp sự phủ định về chúng tiếp diễn mãi. Chỉ có phủ định mới có thể dẫn ta đến cửa chân lý tuyệt đối. Nói tóm, điều chúng ta đang hướng tới là lý vô đắc (aprāptitva) mà ta đạt được bằng thuyết phủ định toàn diện được trình bày qua móc tréo bát bất và qua chuỗi dài bốn trùng nhị đế. Sự thực, đó là một phủ định vô cùng cho đến khi màu sắc của tục đế được tẩy sạch hoàn toàn. Do đó, chân lý cứu cánh đạt được bằng phương pháp biện chứng như thế được gọi là bát bất trung đạo, hay nhị đế trung đạo. 

Thêm nữa, nhị đế trung đạo được trình bày bằng nhiều phương thức phức tạp. Nếu có người chủ trương thuyết thực sinh thực diệt của thế giới hiện tượng, thì đó lại là tục đế phiến diện (đơn tục). Nếu, đàng khác, có người dính vào thuyết bất diệt của thế giới hiện tượng, đó lại là chân đế phiến diện (tục). Nếu người ta thấy rằng có giả sinh và giả diệt của các hiện tượng, đó là trung đạo của tục đế. Nếu có người thấy rằng không có giả sinh hay giả diệt (giả bất sinh giả bất diệt) đó là trung đạo của chân đế.[7] Nếu ta nhận định rằng không có sinh diệt hay bất sinh bất diệt thì đó là trung đạo được biểu thị bằng sự kết hợp của tục đế và chân đế (nhị đế hiệp minh trung đạo). 

Trên đây được gọi là năm huyền nghĩa và ba trung đạo. Đó là trung đạo thật tướng. 

Tam luận tông chia giáo pháp thành hai tạng (Piṭaka): Thanh văn tạng và Bồ-tát tạng. Giáo pháp lại được chia làm ba thời chuyển pháp luân (dharmacakra): 1. Căn bản pháp luân là Hoa nghiêm; 2. Chi mạt pháp luân là các kinh điển Tiểu thừa và Đại thừa; 3. Nhiếp mạt qui bản pháp luân là thời Pháp hoa.[8]

Căn bản pháp luân trước hết được giảng cho các Bồ-tát ngay khi Phật thành đạo. Đó là chân lý mà Phật chứng đắc qua sự giác ngộ của Ngài, nhưng Phật thừa này quá sâu xa khó hiểu đối với hàng phàm phu nên Phật bắt đầu xiển dương ba thừa (Thanh văn, Độc giác và Bồ-tát thừa) để đưa đến một Phật thừa duy nhất. 

Śūnya về mặt tiêu cực là “Không”, về mặt tích cực là “duyên sinh”, nghĩa là “viễn ly thực tại tự hữu”, hay “viễn ly tự tính”, như thế śūnyatā là vô thể và đồng thời là duyên sinh, nghĩa là pháp chỉ có duyên khởi. Hình như quan niệm về duyên khởi này được truyền bá rất mạnh trong phái Trung quán Ấn độ. Về phía Trung hoa, Tam luận tông cũng vậy, chúng ta có chữ “duyên hội”, như là đồng nghĩa với trung đạo, vô tự tính (svabhāva-abhāva), pháp tự tính (dharma-svabhāva) và Không. Những chữ này chắc chắn cùng mang một quan niệm tương tợ, bởi vì ai cũng biết rằng duyên khởi được gọi là tính không. Nhưng tôi không thể xác quyết được các luận sư Tam luận Trung hoa có đi quá xa khi giải thích duyên khởi như là một đồng nghĩa xác thực với śūnyatā hay không. Tuy nhiên, chắc chắn rằng Trung hoa không quá chú trọng về duyên khởi, bởi vì śūnyatā theo Hán văn là Không, bao hàm tất cả những giai đoạn thiết yếu của ý nghĩa: trước hết, Không trong ý nghĩa đản không hay thiên không; thứ đến là vô tự tính (tự tính không; śvabhāva-śūnyatā), vô tự tướng; (svalakṣaṇa- abhava) thứ ba, Không trong ý nghĩa cao nhứt hay Không siêu việt, (atyanta-śūnyatā), nghĩa là tổng hợp tất cả những đối lập (paramārtha śūnyatā: thắng nghĩa không, hay đệ nhất nghĩa không) và còn nhiều nữa. 

Danh từ “Không” không hoàn toàn thích hợp và thường bị lầm lẫn, nhưng nếu chúng ta tìm một danh từ khác, thì lại không có chữ nào đúng hơn. Rốt lại, Không là một ý niệm được thiết lập bằng biện chứng pháp. Nó vô danh (akhyati) và vô tướng (alakṣaṇa). Đó chỉ là sự phủ định một thực tại tự hữu hay phủ định cá tính đặc hữu. Ngoài sự phủ định, không có gì nữa. Hệ thống Tam luận tông do đó là một phủ định luận (negativism), lý thuyết về sự tiêu cực. Vạn hữu đều không có thực tại tính tự hữu, nghĩa là, chúng chỉ là hiện hữu tương quan, hay tương quan tính theo nghĩa bất thực trên cứu cánh nhưng thực ở hiện tượng. 

TÓM TẮT 

Đối tượng phủ định luận là chứng ngộ trí tuệ viên mãn. Trí tuệ ở đây đối lập với tất cả kiến thức cục diện, hay đúng hơn, nó bao hàm tất cả kiến thức cục diện. Như thế, do không chấp vào tri kiến về những sự thể đặc dị, người ta có thể đạt đến trí tuệ viên mãn, và do không trước vào vật này hay vật kia mà ta đạt được tự do viên mãn. Tuyệt đối Không, bao hàm vạn hữu. Không, khác hẳn với hư không (không gian) bởi vì hư không là cái có thể chiếm cứ. Học thuyết về không của phái này thực ra là bất không, nghĩa là, cái không, không phiến diện, không trừu tượng, bởi vì nó có thể dung nạp bất cứ sự thể nào. 

Tiêu cực hay phá hủy chỉ là phương pháp để đạt được trạng thái bạch tịnh thay cho trạng thái ô nhiễm mà chúng ta thường có, đam trước vào và không thể xả ly được. Một lần nữa, đây cũng là lý vô đắc. 

Sau cùng, luyện tập bằng sự phủ định có nghĩa là không có tri kiến cục bộ, không ẩn trú ở định kiến nào, không trừu tượng hóa cái không, không đắm trước vào thành tựu đặc hữu, không thừa nhận tự tính và không mong cầu phước lợi nào cả. 

 

 


[1] Nguyên văn tiếng Anh dẫn trong nguyên bản: The perfect Buddha,/ The fore most of all teachers I Salute,/ He has proclaimed/ The principle of (universal) relativity./That is like Blissful (nirvāṇa),/ Quiescence of plurality./ There nothing appears,/ Nothing has an end,/ Nor is there anything eternal,/ Nothing is identical (with itself),/ Nor is there anything differentiated, / Nothing moves,/ Neither hither no thither.” Việt văn cố dịch sát theo tiếng Anh, theo bản ý của tác giả để làm cơ sở đối chiếu với bản Hán dịch của Cưu-ma-la-thập. TS 

[2] Skt. anirodham anutpadam anucchedam aśāśvatam/ anekrtham annrtham angamam anirgama// yaḥ prattyasamutpdaṃ prapañcopaamaṃ śiva/ deaysa sabuddhastaṃ vande vadatāṃ vara// Có thể dịch lại cách khác từ bản Sanskrit để đối chiếu với các bản dịch dẫn trong đây: “Tôi kính lễ Phật Chính Đẳng giác, vị tối thượng trong các vị thuyết giáo. Ngài đã tuyên thuyết lý duyên khởi, vốn là sự tĩnh chỉ của hý luận, là sự an lành. (Lý duyên khởi) đó là: sự không tịch diệt cũng như sự không sinh khởi, không gián đoạn cũng không thường hằng, không nhất thể cũng không đa thù, không quy hướng cũng không phân ly.” TS 

[3] Tham chiếu Hán dịch của Ba-la-phả-mật-đa-la, Bát-nhã đăng luận (T30n1566, tr. 51c15): Bất diệt diệc bất khởi, bất đoạn diệc bất thường, phi nhất phi chủng chủng, bất lai diệc bất khứ; duyên khởi hý luận tức, thuyết giả thiện diệt cố, lễ bỉ Bà-già-bà, chư thuyết trung tối thượng. 不滅亦不起/ 不斷亦不常/ 非一非 種 種/ 不來亦不去/ 緣起戲論息/ 說 者善滅故/ 禮彼婆伽婆/ 諸說中最上. TS 

[4] Ba nghĩa chính: Đối thiên chính 對偏正, tận thiên chính 盡偏正, tuyệt đãi chính 絕待正, xem Tam luận huyền nghĩa, T45n1852, tr. 7b24.

[5] Bốn nghĩa trung: đối thiên trung 對偏中, tận thiên trung, 盡偏中 , tuyệt đãi trung, 絕待中, thành giả trung 成假中. op.cit. T45n1852, tr. 14b21. Cf. Trung quán luận sớ 1 (T42n1824, tr. 2a13): ba lớp trung. TS

[6] Bốn lớp nhị đế, xem Trung quán luận sớ 1 (tr. 28b11). TS 

[7] op.cit. tr. 24b09: lấy không-hữu làm thế đế, thì thế đế là giả sinh giả diệt. Đối thế đế giả sinh mà thuyết minh chân đế giả bất sinh; đối thế đế giả diệt mà thuyết minh chân đế giả bất diệt. Bất sinh bất diệt là trung đạo của chân đế. Cf. ibid., 26a18, 35b5. TS 

[8] Ba pháp luân, xem Trung quán luận sớ 1 (tr. 8b25). TS 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt