Triết học Đông phương

Tư tưởng Nho gia và chủ nghĩa hậu hiện đại kiến tạo


TƯ TƯỞNG NHO GIA VÀ CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI KIẾN TẠO

 

THANG NHẤT GIỚI

(Giáo sư Khoa Triết học Đại học Bắc Kinh)

VIỄN PHỐ dịch

 

Sự phát triển méo mó của xã hội tư bản chủ nghĩa hiện nay khiến người ta không còn theo đuổi “lý tính” nữa mà đắm chìm vào lòng tham quyền lực và sự sùng bái kim tiền. Bởi vậy dù là người thuộc quần thể nào cũng đều sống trong đau khổ và xung đột tinh thần. Văn hóa truyền thống Trung Quốc rất có thể có cống hiến vạch thời đại cho xã hội loài người.

Chúng ta đang sống trong thời đại nào?

Nhìn về phía thế giới, thời đại chúng ta hiện đang sống có thể coi là một thời kỳ quá độ từ Phong trào Khai sáng trong xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại đầu thế kỷ XVIII đến “Phong trào Khai sáng thứ hai” trong xã hội hậu hiện đại. Nhìn về phía Trung Quốc, thời đại của chúng ta là thời khắc khắc nghiệt của việc thực hiện công cuộc phục hưng dân tộc vĩ đại trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tóm lại, đối với xã hội loài người, thời đại hiện nay sẽ là một cơ may khó có để đi tới thời đại mới.

Từ thời đại Khai sáng ở thế kỷ XVIII đến nay, chủ nghĩa tư bản phương Tây đã trải qua khoảng 300 năm, trong quãng thời gian này, thế giới phương Tây đã thực hiện công cuộc “hiện đại hóa” khiến người ta hoa mắt. Nhưng hiện nay, “xã hội hiện đại hóa” đang gặp những vấn đề ngày càng gay cấn. Kant cho rằng khẩu hiệu của Phong trào Khai sáng nên là lý tính, nhưng những năm gần đây, thứ “lý tính” này đang đứng trước rất nhiều vấn đề của mình. Lúc đầu, “lý tính” bao hàm hai mặt tương quan, “lý tính công cụ” và “lý tính giá trị”, trong tiến trình phát triển của loài người, hai mặt này đều đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nhưng hiện thực của thế giới ngày nay là “khoa học vạn năng” và “lý tính công cụ” đã khiến cho “lý tính giá trị” nhân tính hóa bị lép vế và dần dần bị gạt ra rìa. Bởi vậy mọi thứ đều biến thành “công cụ”: con người biến thành công cụ của kẻ khác, giới tự nhiên cũng biến thành công cụ để loài người dùng kiếm tìm lợi ích.

Loài người khai thác, phá hoại, lãng phí các nguồn tự nhiên một cách không hề tiết chế, đã phá hoại nghiêm trọng mối quan hệ bình thường, hài hòa giữa con người và tự nhiên. Ngược lại, tình trạng ngày càng tồi tệ đi của môi trường tự nhiên cũng đe dọa sự sinh tồn của loài người. Tuy ngay từ tháng 12 năm 1997 tại Tokyo của Nhật Bản loài người đã ký Nghị định thư Tokyo về hạn chế xả thải khí thể nhà kính, nhưng trong quá trình thực thi nó, một số nước phát triển đã đặt ra đủ loại chướng ngại. Điều đó nói lên rằng “lý tính” mà Phong trào Khai sáng đề xướng đang bị một số lãnh tụ phương Tây sửa đổi thành “phi lý tính” và “công cụ” công lợi chủ nghĩa.

Cùng với sự nổi lên của công nghiệp hóa, “kinh tế thị trường tự do” đã thúc đẩy gia tăng mạnh mẽ nguồn của cải của loài người, người ta thu lợi từ đó không ít. Nhưng không thể phủ nhận là nó cũng tạo ra sự phân hóa hai cực giàu nghèo nghiêm trọng. Nếu “kinh tế thị trường tự do” cứ tiếp tục tăng trưởng như con quái vật tham lam, không có sự giám sát, khống chế hoặc hạn chế hữu hiệu thì sớm muộn cũng dẫn đến khủng hoảng kinh tế và rối loạn xã hội. Giáo sư Paul Kennedy của Đại học Yale cho rằng chủ nghĩa tự do giải phóng người ta khỏi gông cùm của của thời đại kinh tế thị trường trước đây, nhưng nó lại đẩy người ta vào vòng hiểm nguy của khủng hoảng tài chính và tai họa xã hội. “Giải phóng cá tính”, một khẩu hiệu khác của Phong trào Khai sáng, lúc đầu là nhằm vào mê tín tôn giáo và sự ngu muội đại chúng, khích lệ người ta ý thức được toàn diện về chỗ mạnh của mình, từ đó khai thác toàn diện sức sáng tạo “tự do” của họ. Nhưng ngày nay, nhà nước đã trở thành công cụ để thống trị các quốc gia khác, các nước đế quốc chủ nghĩa đã có cách dùng khác đối với thứ công cụ này – dùng nó để duy trì bá quyền của mình, áp đặt hệ thống giá trị của mình lên các nước và các dân tộc khác, thúc đẩy một thứ chủ nghĩa phổ biến. Sự phát triển méo mó của chủ nghĩa tư bản hiện nay khiến người ta không còn theo đuổi “lý tính” nữa, mà đắm chìm vào lòng tham quyền lợi và sự sùng bái kim tiền, do vậy, bất luận người thuộc quần thể nào đều sống trong đau khổ và xung đột tinh thần: những người bình thường vắt kiệt sức lực sống trong môi trường tồi tệ; giới trí thức luôn trải qua sự tự trách và dằn vặt vì họ không giải quyết được sự hỗn loạn của xã hội, không giành được tín nhiệm của mọi người; các nhà chính trị sống trong trạng thái tự lừa dối mình; các nhà doanh nghiệp nghĩ mọi kế sách để tìm ra con đường cho mình nhằm giải quyết các quy tắc và chế độ mâu thuẫn nhau. Dù cấp bậc và thân phận thế nào, dường như cuộc sống hạnh phúc mà mọi người khao khát là khó với tới, còn hạnh phúc thì né tránh tất cả mọi người. Nhưng đây không phải là vấn đề do bất cứ cá thể nào tạo ra, mà là vết thương mà cả xã hội khó tránh khỏi trong cơn đau đẻ của thời kỳ quá độ quan trọng. Do vậy, đây là trách nhiệm mà mỗi người không thể từ chối, mỗi người chúng ta đều cần nỗ lực phấn đấu để đón chào thời đại mới xuất hiện.

Hai trào lưu tư tưởng rộ lên ở Trung Quốc trong những năm 90 của thế kỷ XX

Những năm 90 của thế kỷ XX, trong vùng tư tưởng hệ và văn hóa Trung Quốc xuất hiện hai xu thế tư tưởng hệ, làm lật nhào “nhất nguyên luận” truyền thống. Một xu thế là “chủ nghĩa hậu hiện đại”, một thứ tư tưởng bắt nguồn từ phương Tây, nhằm giải kiến tạo (deconstruct) “tính hiện đại”. Đầu những năm 80 của thế kỷ XX, “chủ nghĩa hậu hiện đại” đã đi vào Trung Quốc, song lúc bấy giờ chưa nảy sinh ảnh hưởng bao nhiêu. Nhưng đến những năm 90, các học giả Trung Quốc đột nhiên tỏ ra có hứng thú rất lớn đối với nó. Một xu thế khác là “cơn sốt quốc học”, một thứ theo đuổi cuồng nhiệt việc phục hưng văn hóa truyền thống Trung Quốc. Trên thực tế, trong những năm 80 của thế kỷ XX, các nhà tư tưởng Trung Quốc đã tuyên bố ầm ỹ là cần nhấn mạnh văn hóa truyền thống Trung Quốc, nhưng mãi đến những năm 90 điều này mới trở thành một trào lưu bức thiết, lúc này quốc học lặng lẽ nổi lên tại Đại học Bắc Kinh. Sự nổi lên của hai xu thế này có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

Những năm 60 của thế kỷ XX, để cứu vớt xã hội loài người, ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của tính hiện đại, trào lưu “chủ nghĩa hậu hiện đại” nổi lên đầu tiên ở phương Tây. Trong thời kỳ đầu của nó, chủ nghĩa hậu hiện địa là “chủ nghĩa hậu hiện đại giải kiến tạo”, là một phương pháp được dùng để giải quyết những vấn đề xuất hiện trong tiến trình phát triển xã hội hiện đại. Mục đích của nó là giải kiến tạo tính hiện đại, lật đổ nhất nguyên luận, xúc tiến đa nguyên hóa, phá vỡ quyền uy, triệt để tiêu diệt “tính quyền uy” và “tính chúa tể” của tính hiện đại. Nhưng chủ nghĩa hậu hiện đại giải kiến tạo không tạo ra được ảnh hưởng tích cực, cũng không phác ra được bất kỳ sơ đồ nào cho thời đại mới.

Ở điểm ngoặt vào thế kỷ XXI, “chủ nghĩa hậu hiện đại kiến tạo” dựa trên triết học quá trình  chủ trương liên kết những nhân tố tích cực của Phong trào Khai sáng thứ nhất với chủ nghĩa hậu hiện đại, do vậy kêu gọi “Phong trào Khai sáng thứ hai”.

Theo triết học quá trình của Whitehead, không nên coi “con người” là trung tâm của vạn vật. Trái lại, con người và tự nhiên nên được xem là một quần thể tương quan mật thiết với nhau. John Cobb Nhỏ, người đặt nền móng chủ yếu cho triết học quá trình cho rằng chủ nghĩa hậu hiện đại kiến tạo giữ thái độ phê phán đối với chủ nghĩa hậu hiện đại giải kiến tạo. Chúng ta đã hòa chủ nghĩa sinh thái vào trong chủ nghĩa hậu hiện đại. Trong thời đại hậu hiện đại, người và người sẽ chung sống hài hòa, người và tự nhiên cũng vậy. Thời đại này sẽ bảo lưu những nhân tố tích cực của tính hiện đại, vượt qua nhị nguyên luận, chủ nghĩa loài người trung tâm và chủ nghĩa đại nam tử, thời đại này nhằm kiến tạo một xã hội hậu hiện đại vì lợi ích chung.

Theo quan điểm của triết học quá trình, nếu khẩu hiệu mà Phong trào Khai sáng thứ nhất đề xướng là “giải phóng cái tôi” thì khẩu hiệu của Phong trào Khai sáng thứ hai phải là “quan tâm đến người khác” và “tôn trọng sự khác biệt”. Theo họ, nếu người ta dùng phương thức “tự do” cá nhân để làm tổn hại lợi ích của quần thể thì thế tất họ sẽ làm suy yếu “tự do” của chính mình. Do vậy, cần áp dụng khái niệm trách nhiệm và nghĩa vụ giải thích mối liên hệ bên trong giữa tự do và nghĩa vụ để xóa bỏ cái khái niệm trừu tượng là “tự do” này, từ đó theo đuổi thứ “tự do” sâu sắc, có trách nhiệm, ở phương Tây, chủ nghĩa hậu hiện đại kiến tạo chỉ là một trào lưu nhỏ, ảnh hưởng rất hẹp, nhưng ở Trung Quốc nó lại thu hút sự chú ý của một loạt học giả, những học giả này nhiệt liệt thiết tha mong đợi dân tộc phục hưng.

Sự phục hưng dân tộc cần được sự phục hưng văn hóa dân tộc trụ đỡ. Các học giả Trung Quốc có dịp suy nghĩ lại văn hóa truyền thống của chính chúng ta, chủ yếu là vì văn hóa truyền thống Trung Quốc (quốc học) đã trải qua hơn một thế kỷ chịu tác động của văn hóa phương Tây. Chúng ta dần nhận thức được là cần đề xướng những thành phần nào, loại bỏ những thành phần nào, hấp thu những thành phần nào trong văn hóa của chúng ta. Hơn 100 năm qua, các học giả Trung Quốc luôn dồn sức vào việc hấp thu và tiêu hóa “Tây học”, điều đó rõ ràng đã đặt cơ sở để “quốc học” quá độ từ ý nghĩa truyền thống của nó sang khái niệm hiện đại. Đối với sự phục hưng của Trung Quốc, “quốc học” mới hoặc hiện đại là động lực tinh thần lớn mạnh, đối với “hòa bình và phát triển” của xã hội loài người cũng vậy. Nó sẽ giúp Trung Quốc thực hiện toàn diện “hiện đại hóa”, hơn nữa là tránh những khó khăn mà xã hội phương Tây không ngừng gặp phải.

Nói cách khác, quốc học mới cần kiên trì nguyên tắc “phản bản khai tân”. Chỉ có “phản bản” (quay về nguồn) chúng ta mới có thể “khai tân” (mở ra những lĩnh vực mới). “Phản bản” đòi hỏi chúng ta hiểu thật sâu sắc tinh túy của quốc học, giữ vững tính chất cột trụ của nó trong văn hóa của chính chúng ta. Còn “khai tân” đòi hỏi chúng ta có hiểu biết hệ thống về những vấn đề mới mà Trung Quốc và xã hội loài người đang đối mặt, những vấn đề này bức thiết đòi hỏi giải quyết. Hai mặt này không thể tách rời nhau: chỉ có đi sâu vào tìm hiểu bản chất của quốc học chúng ta mới có thể mở ra những lĩnh vực mới vào thời cơ thích hợp. Chỉ có nhìn thẳng vào các vấn đề của xã hội loài người chúng ta mới có thể xúc tiến và đổi mới tốt hơn tinh túy của quốc học. Bởi vậy, ở thế kỷ 21 ngọn lửa quốc học lại một lần nữa được nguyên tắc “phản bản khai tân” nhen lên, cống hiến cho xã hội loài người.

Văn hóa Trung Quốc truyền thống rất có thể có cống hiến vạch thời đại cho xã hội loài người

Trung Quốc đang ở trong quá trình phục hưng dân tộc, phục hưng dân tộc phải do phục hưng truyền thống văn hóa dân tộc trụ đỡ. Nhưng trong thời đại toàn cầu hóa này, phục hưng văn hóa truyền thống đòi hỏi chúng ta không chỉ đối mặt với những vấn đề của xã hội mình mà còn phải đối mặt với những vấn đề có tính thế giới. Như vậy, trong khi phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc Trung Hoa, chúng ta cần chú ý là văn hóa ấy phải vừa dân tộc vừa thế giới. Điều đó đòi hỏi chúng ta không chỉ quan tâm chặt chẽ tới sự phát triển thực tế của văn hóa của chính chúng ta mà còn càng phải chú ý đến xu thế ban đầu của văn hóa phương Tây. Ở đây tác giả nêu ra một xu thế có thể để cùng thảo luận, tức là: liệu sự kết hợp giữa quốc học và chủ nghĩa hậu hiện đại kiến tạo (vế đầu là học tập văn hóa Trung Quốc truyền thống, vế sau thì mới nảy mầm ở phương Tây) có thể trợ giúp cho sự phát triển lành mạnh, duy lý của Trung Quốc và thế giới hay không?

“Con người và tự nhiên là một cộng đồng sống tương quan mật thiết với nhau” và “thiên nhân hợp nhất”

John Kobb Nhỏ nói: “Ngày nay chúng ta thừa nhận loài người là một bộ phận của giới tự nhiên, chúng ta sống trong một cộng đồng sinh thái”. Cách nói này tuy trực tiếp bắt nguồn từ Whitehead nhưng rõ ràng nó có quan hệ mật thiết với quan niệm “thiên nhân hợp nhất” của Trung Quốc. “Thiên nhân hợp nhất (trời, tức là giới tự nhiên, và con người hợp thành một khối thống nhất)” là một trong những quan niệm giá trị cốt lõi trong tư tưởng truyền thống Trung Quốc, nó và lý luận “thiên nhân nhị phân (giới tự nhiên và con người tách biện nhau thành hai thứ khác nhau)” lưu hành lâu dài ở phương Tây là hai mô hình tư duy khác nhau.

Ngay từ hơn 2500 năm trước, Khổng Tử đã cảnh báo người ta vừa phải “tri thiên” vừa phải “úy thiên”. “Tri thiên” là đòi hỏi người ta nhận thức giới tự nhiên để có thể tự giác lợi dụng giới tự nhiên nhằm mưu phúc lợi cho xã hội loài người: “úy thiên” là đòi hỏi người ta có sự kinh sợ đối với giới tự nhiên, trọn trách nhiệm bảo vệ giới tự nhiên. Một nhà tư tưởng vĩ đại khác của Trung Quốc là Chu Hy cho rằng “nhân bất ly thiên, thiên bất ly nhân (người không tách rời trời, trời không tách rời con người)”. Điều ông nói với chúng ta là, sau khi giới tự nhiên sinh ra con người, con người và giới tự nhiên liền ở trong một mối quan hệ hệ không thể tách rời, mối quan hệ này đòi hỏi loài người làm rõ các quy luật của tự nhiên, chịu trách nhiệm với nó.

Mọi người đều biết, đối với chúng ta, quyền con người vô cùng quan trọng, bởi vì con người không thể bị tước đoạt mất tự do, chỉ có “tự do suy nghĩ”, “tự do ngôn luận”, “tự do tín ngưỡng”, “tự do vận động” mới có thể thực hiện tiến bộ xã hội. Nhưng vấn đề bảo vệ quyền con người như thế nào thường xuyên chịu sự can thiệp thậm chí tước đoạt của lực lượng thế giới bên ngoài, Trung Quốc và nước ngoài đều như vậy. Rất nhiều nhà tư tưởng và nhà chính trị phương Tây mở rộng vô hạn khái niệm quyền con người, đến mức loài người có thể tùy tiện phá hoại giới tự nhiên. Vì vậy Vandermeersch cho rằng quyền lực của con người đối với tự nhiên cần được hạn chế, cần thu hút các nguồn tư tưởng có ý nghĩa từ tư tưởng “thiên nhân hợp nhất” của Trung Quốc.

Theo tín ngưỡi Kito giáo, chúa sáng tạo ra thế giới hoàn chỉnh, loài người không thể làm gì thêm cho nó nữa. Nhưng Vandermeersch cho rằng, sau khi chúa sáng tạo ra thế giới, cái còn lại chính là các vấn đề của loài người, loài người cần tự đối mặt với chúng. Đúng như nhà văn Pháp André Gide đã nói, “mưu sự tại thiên, thành sự tại nhân” [Ta thường nghe nói “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, tức là định làm gì là việc của con người, nhưng có thành công hay không lại do trời quyết định. Câu trong bài này tác giả coi là của nhà văn Pháp André Gide lại có ý nghĩa ngược lại]. “Tứ hải chi nội giai huynh đệ (trong vòng bốn biển, người ta đều là anh em)” trong tư tưởng Nho gia lại gắn với một quan niệm truyền thống khác, tức là “thiên hạ quan (quan niệm về thiên hạ, tức là về loài người)”. Quan điểm này cho rằng, lý tưởng mà loài người đề cao nhất là “thiên hạ đại đồng” (hoặc “hiệp hòa vạn bang”). Đúng như trong Đại học đã viết, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ (tu dưỡng bản thân, ổn định gia đình, quản lý tốt đất nước, làm cho thiên hạ thái bình), do vậy bất kỳ dân tộc hay quốc gia nào cũng không chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình, mà cuối cùng phải nghĩ đến “thiên hạ thái bình” (tức là lợi ích chung của toàn nhân loại), tôi cho rằng đây phải là hàm nghĩa bên trong của “quyền con người”. Nói cách khác, tư tưởng “quyền con người” của phương Tây cần và có thể tìm thấy trong truyền thống văn hóa tư tưởng các dân tộc khác (chẳng hạn như Trung Quốc) những nhân tố có giá trị có thể bổ sung và làm giàu cho chính nó, từ đó khiến cho xã hội loài người đi lên con đường càng hợp lý.

Phong trào Khai sáng thứ hai của chủ nghĩa hậu hiện đại kiến tạo và “nhân học” của Nho gia

Chủ nghĩa hậu hiện đại kiến tạo cho rằng, nếu khẩu hiệu của Phong trào Khai sáng thứ nhất là “giải phóng cá nhân” thì khẩu hiệu của Phong trào Khai sáng thứ hai phải là “quan tâm đến người khác” và “tôn trọng sự khác biệt”. Vế đầu được miêu tả thành “nhân” (thiện), quan niệm giá trị cốt lõi của trường phái Nho gia. Khởi điểm và cơ sở của “nhân ái” là “yêu mến người nhà của mình” (thân thân), nhưng Khổng Tử cho rằng chúng ta không nên chỉ yêu mến người nhà của mình mà càng cần yêu mến người khác. Tương tự, đúng như Mạnh Tử, một người kế thừa quan trọng khác của Nho gia đã nói, “lão ngô lão dĩ cập nhân chi lão, ấu ngô ấu dĩ cập nhân chi ấu (kính trong những người cao niên khác như kính trọng cha mẹ mình, yêu mến những trẻ nhỏ khác như yêu mến chính trẻ nhỏ của mình)”, tư tưởng của Mạnh Tử cũng nhất trí với “quan tâm, yêu mến người khác” mà chủ nghĩa hậu hiện đại kiến tạo đề xướng. Các học giả của chủ nghĩa hậu hiện đại kiến tạo cho rằng, triết học của họ là, trên cơ sở “bảo lưu những nhân tố tích cực nào đó trong tính hiện đại (chủ yếu là một số khái niệm quan trọng như tự do, dân chủ, quyền con người mà một số nhà tư tưởng phương Tây đề xướng trên cơ sở lý tính), nỗ lực “kiến tạo một thế giới hậu hiện đại, trong thế giới này tất cả các cộng đồng sống đều được coi trọng và quan tâm đầy đủ”. Đây có thể được coi là một cách biểu hiện sâu sắc hơn mệnh đề “quan tâm đến người khác”. Trong quá trình phát triển của xã hội loài người, văn hóa thường trải qua một quá trình tích lũy, kế thừa và sáng tạo. Xã hội hậu hiện đại chủ nghĩa cần bảo lưu một số nhân tố tích cực của tính hiện đại, như “tự do”, “dân chủ”, “quyền con người”…, như vậy thì ý nghĩa của việc “xây dựng một thế giới hậu hiện đại trong đó phúc lợi của mọi cộng đồng sống đều được coi trọng và quan tâm” mới được thể hiện đầy đủ. “Tôn trọng sự khác biệt” có thể được coi là một cách diễn đạt khác của “đạo tịnh hành nhi bất tương bội (các học thuyết cùng lưu hành mà không chống lại nhau)” mà tư tưởng Nho gia chủ trương.

Định nghĩa và lý giải thế nào về “con người” và “quyền con người” từ giác độ “lễ” trong quan niệm truyền thống Trung Quốc

Quyền con người là một khái niệm vô cùng quan trọng đối với xã hội hiện đại. Nhưng mỗi loại hệ tư tưởng và truyền thống xã hội đều cần phân tích sâu xem mình làm thế nào để đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng xã hội lý tính lành mạnh. Như trong cuốnSuy nghĩ qua Khổng Tử (do các nhà triết học Mỹ nổi tiếng David L. Hall và Roger T. Ames cùng viết) đã viết: “Chúng ta không chỉ cần nghiên cứu truyền thống Trung Quốc, mà còn cần làm cho nó trở thành một nguồn lực văn hóa khả dĩ làm giàu thêm và cải tạo nền văn hóa của chính chúng ta. Trường phái Nho gia đã định nghĩa “con người” từ giác độ xã hội, liệu có thể dùng điều này để sửa chữa và tăng cường mô hình chủ nghĩa tự do của phương Tây? Trong một xã hội kến tạo bằng “lễ” (lễ phép, lễ nghi) liệu chúng ta có thể phát hiện những nguồn có thể vận dụng để giúp chúng ta lý giải tốt hơn quan niệm quyền con người đang thiếu hụt căn bản nhưng rất giàu giá trị của chúng ta?” Đoạn này chủ yếu bàn về 3 vấn đề sau: Thứ nhất, phương Tây không cần ngừng học tập tư duy và văn hóa của Trung Quốc, càng cần vận dụng những tri thức này để “làm giàu và tái kiến tạo” văn hóa của mình; thứ hai, cần hiểu ý nghĩa sâu sắc của văn hóa Trung Quốc, nó đã định nghĩa “con người” từ giác độ xã hội; thứ ba, “lễ” của Trung Quốc nếu được áp dụng vào khái niệm quyền con người của phương Tây thì cũng bao hàm những nhân tố có giá trị.

Theo tôi, ba vấn đề mà David L. Hall và Roger T. Ames nêu ra này chính là nhằm vào hiện tượng “thiếu nền tảng” trong quan niệm triết học phương Tây. Sau Phong trào Khai sáng thứ nhất, xã hội hiện đại coi trọng cao độ quyền tự do của loài người, cũng chính là vì nhận thức như vậy nên xã hội mới có thể phát triển một cách nhảy vọt. Quyền tự do là một thứ sức sáng tạo to lớn. Cũng có nghĩa là, nếu trong tình huống nào đó một cá nhân, đất nước hay dân tộc lạm dụng quyền tự do thì sẽ tạo ra sự đe dọa, áp bức thậm chí xâm phạm cá nhân, đất nước hay dân tộc khác. Văn hóa truyền thống Trung Quốc định nghĩa “con người” từ giác độ xã hội thì có nghĩa là “không nên định nghĩa loài người từ giác độ cô lập là “cá nhân”, bởi vì từ khi sinh ra là con người đã cần sinh sống và lớn lên trong các loại quan hệ phức tạp”. Vậy chúng ta cần xử lý như thế nào “mối quan hệ xã hội phức tạp này của con người”? Ở Trung Quốc cổ đại, khi xử lý những mối quan hệ này, “lễ” được coi trọng cao độ. Tuy “lễ” là một thức thuộc hệ tư tưởng nhưng chắc chắn nó có sức chế ước đối với hành vi của người ta.

Đúng như thiên “Học nhi” sách Luận ngữ đã viết, “lễ chi dụng, hòa vi quý (việc thi hành lễ, lấy hài hòa làm quý)”. Tác dụng quan trọng nhất của “lễ” là, với tính cách là một lực lượng xã hội quy phạm, nó xúc tiến sự hài hòa trong xã hội. Trong Lễ ký viết, “quân tử lễ dĩ phòng dức, hình dĩ phòng dâm”, nhà thống trị chế định ra “lễ” để phòng ngừa và khắc phục tình trạng quy phạm đạo đức bị phá hoại, chế định ra hình pháp để duy trì an ninh xã hội.

Một nguyên nhân khác khiến “lễ” được coi trọng trong truyền thống của Trung Quốc là tầm quan trọng của quan hệ qua lại giữa người và người. Trong Lễ ký có viết: “Hà vị nhân nghĩa? Phụ từ tử hiếu, huynh lương đệ đễ, phu nghĩa phụ thính, trưởng huệ ấu thuận, quân nhân thần trung, thập giả vị chi nhân nghĩa (Nghĩa của con người à gì? Là 10 mặt: cha hiền từ, con hiếu thuận, anh tốt tính, em kính trọng, chồng giữ nghĩa, vợ nghe lời, lớn gia ân, nhỏ cung thuận, vua nhân đức, tôi trung thành)”. Có nghĩa là trường phái Nho gia cho rằng quan hệ đạo đức giữa người và người phải là quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ, chứ không phải chỉ một mặt hưởng thụ quyền lợi mà không thực hiện nghĩa vụ. Để cân bằng quyền lợi và nghĩa vụ trong các quan hệ xã hội này, “lễ” của Trung Quốc đã ra đời. Như vậy, liệu có thể coi xã hội tiền hiện đại Trung Quốc là xã hội “lễ pháp hợp trị (được quản lý bằng cả lễ tiết và luật pháp)” không? Đây đương nhiên là một thứ lý tưởng của trường phái Nho gia. Từ điểm này chúng ta có thể nghĩ, đồng thời với việc xây dựng Công ước về quyền con người phải chăng cũng cần xây dựng một bản Công ước về trách nhiệm, lấy đó để cân bằng “quyền lực” và “trách nhiệm”. Điều này phù hợp với nhận định của David L. Hall và Roger T. Ames: “Lễ” có thể có tác dụng “làm giàu và cải tạo” quan niệm “quyền con người” của phương Tây. Người ta có thể nghĩ rằng Công ước về trách nhiệm sẽ bảo vệ và tăng cường Công ước về quyền con người. John Cobb Nhỏ cho rằng “hệ tư tưởng Trung Quốc truyền thống có sức hấp dẫn rất mạnh đối với chủ nghĩa hậu hiện đại kiến tạo, nhưng chúng ta không thể hoàn toàn quy về nó”. Ngược lại, chủ nghĩa hậu hiện đại của chúng ta không cần thông qua phương pháp khoa học nghiêm ngặt khiến mình thích ứng với cái xã hội đang ngày càng biến đổi này để đổi mới mình. Truyền thống hiện đại cần hấp thu những nhân tố tích cực của Phong trào Khai sáng, như quan tâm và tôn trọng quyền cá nhân, sau đó mới có thể cống hiến cho xã hội hậu hiện đại. Đoạn văn này có ý nghĩa sâu xa đối với việc nghiên cứu hệ tư tưởng và văn hóa của Trung Quốc chúng ta. Văn hóa Trung Quốc truyền thống hoặc tiền hiện đại cần hấp thu, chứ không phải là bài xích, tất cả các thành quả tích cực của xã hội hiện đại từ Phong trào Khai sáng trở lại đây, như tư tưởng “quan tâm và tôn trọng các quyền cá nhân” như tự do, dân chủ, quyền con người. Ngoài ra, chúng ta cần đưa những quan niệm tích cực này vào thực tiễn. Có vậy chúng ta mới có thể kết hợp một cách thuận lợi văn hóa Trung Quốc truyền thống hay tiền hiện đại với chủ nghĩa hậu hiện đại, thúc đẩy xã hội hiện đại chuyển hóa thành xã hội hậu hiện đại.

Các học giả Trung Quốc không những năng tiếp xúc mà còn hợp tác tốt đẹp với các học giả phương Tây trong lĩnh vực chủ nghĩa hậu hiện đại kiến tạo. Các nhân vật đại biểu trong lĩnh vực chủ nghĩa hậu hiện đại kiến tạo cũng ý thức được rằng văn hóa truyền thống Trung Quốc rất có giá trị đối với nghiên cứu của họ và bắt đầu hấp thụ dinh dưỡng từ trong đó. Tương tự, một số học giả Trung Quốc cũng chú ý tới một thực tế là chủ nghĩa hậu hiện đại kiến tạo giúp xã hội loài người bước ra khỏi cảnh ngộ khó khăn, và họ đang quan tâm sít sao tới sự phát triển của học thuyết này. Nếu thực hiện được sự kết hợp hữu cơ “con sốt quốc học” vốn đang có sức ảnh hưởng rộng lớn với chủ nghĩa hậu hiện đại kiến tạo, sau đó triển khai sâu rộng và phát triển thêm một bước trong xã hội Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ có thể thực hiện thuận lợi tiến trình “Phong trào Khai sáng thứ nhất” của bản thân mình, thực hiện hiện đại hóa, sau đó tiến nhanh vào xã hội hậu hiện đại với tiêu chí là “Phong trào Khai sáng thứ hai”. Nếu có thể thực sự làm được như vậy thì những thành quả mà Trung Quốc đang thực hiện trong phục hưng văn hóa hiện nay chắc chắn sẽ có ảnh hưởng sâu xa tới cả xã hội loài người.

VIỄN PHỐ dịch

 


Nguồn: TN 2013 – 55. Phiên bản điện tử  https://caphesach.wordpress.com


 

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt