Tư tưởng Việt Nam

Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta (kỳ 1)

 

CÁI ẢNH HƯỞNG CỦA KHỔNG GIÁO Ở NƯỚC TA

PHAN KHÔI (1887-1959)

 

I. MẤY LỜI NÓI ĐẦU

Cứ xem hiện trạng thì Khổng giáo (đạo của Khổng Tử) ở nước ta ngày nay chừng như không có thế lực gì nữa. Các sách Tứ thơ, Ngũ kinh không được đem dạy ở các nhà trường. Các hội Tư văn, Văn chỉ cũng không còn thạnh hành mấy ở dân gian. Nay, muốn tìm cho ra cái gì là cái biểu hiệu của Khổng giáo ngày nay, thì chỉ còn ra Trung, Bắc kỳ, đến tại các văn miếu hàng tỉnh hàng huyện mà cung chiêm hai kỳ xuân tế thu tế trong mỗi năm mà thôi, ngoài ra không còn có cách gì nữa.

Huống chi ở Nam kỳ nầy, bỏ học chữ Hán đã hơn 70 năm nay, theo ý nghĩ của nhiều người, hễ không học chữ Hán nữa tức là Khổng giáo cũng tuyệt diệt. Lại cả một xứ nầy, chỉ còn một sở Văn miếu tại Vĩnh Long, là nơi thờ đức thánh Khổng, hương lửa cũng bơ thờ. Thế là cả trong nước, Khổng giáo đã đến ngày hưu trí rồi, mà riêng về Nam kỳ đây, chẳng những mới hưu trí từ nay, lại còn như bị cách chức đã lâu rồi nữa.

Hiện bây giờ, đừng nói hạng người vô học, cho đến những kẻ tốt nghiệp ở các trường mà ra, cho đến những kẻ mà xã hội đã tôn cho vào hàng trí thức, chừng như cũng quên lửng Khổng Tử là ai. Hạng người trí thức ấy người ta đương sùng thượng những ông thánh hiện thời, ông Gandhi, ông Lénine, hay là ông Tôn Văn ; người ta đương đua theo văn hóa mới, người ta đương duy tân, đương theo Âu hóa, mà có ai lại nhớ cái ông thánh đời xưa quá cũ kỹ ấy làm chi ? Mà dầu có nhớ đến nữa, người ta cũng chỉ để bụng thôi, tôn ngài thì tôn, nhưng mà xin để ngài ra một nơi, vì biết rằng cái đạo của ngài là không hợp thời, không dụng được.

Thời nào, kỷ cương ấy. Hồi trước ta cai trị lấy ta, ta theo Khổng giáo. Bây giờ ta bị cai trị bởi người vả lại phải chiều theo cái trào lưu thế giới, thì tự nhiên Khổng giáo phải lui về mà ở ẩn. Người ta, mỗi người có một thời, đạo giáo cũng vậy. Khổng giáo đã thất thời rồi, lui về ở ẩn, cũng là yên phận, ta còn nói đến làm chi ?

Tôi là kẻ đọc sách họ Khổng từ hồi sáu tuổi cho đến bây giờ, chính mình đã đẻ ra và lớn lên trong cửa ngài. Tôi là một môn đồ của Khổng giáo. Ngày nay tôi ngồi mà nhìn đạo của ngài điêu tàn trước mặt tôi, sách vở của ngài bị người ta đem mà bồi bìa bồi liễn, vù hương bát nước ở đền thờ ngài mốc ra và có nhện giăng, thì tôi sẽ nghĩ làm sao ? Độc giả chư quân phải tưởng rằng nếu tôi đã là môn đồ của ngài, có lòng trung thành đối với thánh đạo, thì gặp hội nầy tôi phải rỏ nước mắt hai hàng mà khóc vì đạo ngài, cũng như ngài đã khóc với con lân què ngày trước. – Tưởng vậy thì sai với cái tâm tình của tôi xa quá. Trong sự nầy, cái lý nó, mặt nào cũng sẽ ngả về một mặt : một là tôi vong sư bội đạo, hai là tôi có cái lẽ của tôi.

Trước mặt chư quân, tôi xin khai thiệt ra rằng đối với sự thất thế của Khổng giáo, tôi cũng nghĩ như mọi người khác là người vốn không ở trong cửa Khổng mà ra. Tôi cũng nguội lạnh mà nói như họ rằng : thời nào kỷ cang ấy, người ta mỗi người có một thời, đạo cũng mỗi đạo có một thời, Khổng giáo hết thời thì Khổng giáo lui đi !

Chẳng những thế, tôi vẫn là nhà cựu học, nhưng tôi cũng dám nghĩ như hạng trí thức trên kia, tức là hạng nhân vật mới mà tôi nói rằng : Ta bây giờ đương cần phải duy tân, cần phải theo văn hóa mới, cho nên ta cũng cần phải quên đức Khổng Tử ta đi một lúc đã ; đối với ngài, trong thời kỳ nầy, ta phải làm lơ đi mới được, vì có vậy ta mới mong mau đạt đến mục đích.

Tôi lại còn nói thêm rằng : Cái đạo của ngài chẳng những không hợp thời, không dụng được trong thời nay, mà lại, những chỗ không hợp thời ấy, những chỗ không dụng được ấy, nếu còn vướng víu trong óc chúng ta, là kẻ cần phải kiếm cách “sanh hoạt mới” ở đời này, thì cũng còn là không lợi cho ta vậy.

Rồi sau này tôi sẽ nói rõ. Không phải là tôi chê bỏ hết thảy Khổng giáo đâu, nếu ai tưởng vậy lại là tưởng lầm. Tôi chẳng qua chỉ nói những chỗ không hợp thời, những chỗ không dùng được mà thôi.

Tôi nghĩ như vậy, tôi nói như vậy đã lâu nay, rồi tôi mới xem xét cho thật kỹ, thì tôi thấy ra Khổng giáo ở nước ta thế lực còn mạnh lắm, cái hiện tượng nói hồi nãy đến giờ đó chẳng qua là cái giả tượng nó phỉnh chúng ta đó thôi.

Thiệt ra thì những ngũ kinh tứ thơ ngày nay tuy không đọc nữa, mà cái tinh túy của nó, - chưa nói hay hay là dở, - đã thấm đến trong xương chúng ta mấy mươi đời nay. Giềng mối của các hội Tư văn tuy sa sút, mà sức ngầm của nó vẫn đương còn có trong xã hội. Đừng nói kẻ vô học là không có quan hệ gì với Khổng giáo, chính những kẻ ấy cũng vẫn giữ cái quan niệm của nhà nho. Cho đến mấy ông tân học, mấy ông tưởng mình là theo Âu hóa, mấy ông hằng ngày đọc luôn những sách của thánh Gandhi, chẳng hề biết một chữ nho, viết hai chữ Khổng Tử bằng “Confucius”, cũng nhồi chặt trong lòng những cái tinh hoa của Khổng giáo mà chính mình không biết. Cái tình trạng ấy, theo ý tôi, nửa đáng mừng mà nửa đáng lo : mừng, vì giữ được cái hay của Khổng giáo thì sau này khỏi mất cái đặc sắc của dân tộc ta từ xưa đến nay ; lo, vì ôm lấy những cái không hợp thời thì ngại cho đường tấn hóa.

Vì cớ ấy nên tôi viết bài nầy.

II. CÁI CHƠN TƯỚNG CỦA KHỔNG GIÁO

Theo sự tri thức của nhiều hạng người không đồng nhau, đối với Khổng giáo, người thì hiểu thế này, kẻ thì hiểu thế khác, nên trước khi bàn đến cái ảnh hưởng ở nước ta, tôi phải chỉ rõ cái chơn tướng của nó ra sao.

Khổng giáo có cái chơn tướng của Khổng giáo ; song ở nước ta đây, mỗi người thấy nó ra một khác, cái đó là tùy theo tầm con mắt của từng người.

Có người đàn bà đi tình cờ đạp miếng giấy chữ, liền lật đật hai tay lượm lên mà để qua trên đầu một cái rồi đem đốt đi, nói rằng : Kẻo mang tội với đức thánh. Chẳng những đàn bà, cái hạng nầy nhiều lắm, họ coi chữ tức là ông thánh, ông thánh tức là chữ ; vì họ hiểu lầm rằng ông Khổng Tử đã bày ra chữ Hán và chỉ có bởi chữ Hán thì mới học biết được đạo Khổng Tử.

Một hạng nữa hơi cao hơn hạng kia một chút, họ hiểu rằng hễ là sách chữ nho tức là của ông thánh hết. Chẳng những Luận ngữ, Trung dung là của ông thánh, mà cho đến “Minh tâm bỏ bọc, Ấu học dắt lưng” của mấy ông thầy du phương dạy trẻ, họ cũng cho là của ông thánh. Bao nhiêu những lời nói trong cuốn sách đóng lề bằng chỉ, là lời của Khổng Tử ráo, họ đều tin ráo. Rất đỗi đến những câu chưa hề thấy trong sách, chỉ nghe ở miệng người ta mà hễ là bằng chữ nho, ấy là họ nói lời của ông thánh rồi. Ở Nam kỳ đây, hạng tầm thường, hay lặp đi lặp lại cái câu “Quân sử thần tử, thần bất tử, bất trung ; phụ sử tử vong, tử bất vong, bất hiếu”, họ cho là lời thánh nói ra. Nhiều người đem hỏi tôi, tôi phải lấy làm lạ. Hoặc giả có, mà tôi lâu nay ít hay ôn nhuần lại sách cũ rồi quên đi chăng, chớ theo như cái trí nhớ trong đầu tôi, thì câu nầy chẳng có trong sách nào hết, chẳng ông thánh nào nói hết, mà chừng như là lời của Lê Tử Trình nói trong tuồng Sơn hậu hồi thứ ba ! Đó, một hạng người nữa, cứ ù ù cạc cạc, hễ nghe câu chữ nho, thấy cuốn sách chữ nho, thì cho là đạo Khổng Tử ở đó.

Một hạng cao hơn nữa thì cho Khổng giáo là ở tại cang thường luân lý. Họ nói rằng người An Nam mình biết kính tổ tiên, nhớ ngày ông ngày bà, trong bà con không lấy bậy nhau, ấy là nhờ tin theo Khổng giáo. Phần nhiều người có cầm cuốn sách đi học hay là có thi đỗ ông nọ ông kia, đều nói như vậy. Hạng nầy đã khá, nhưng cũng chỉ thấy Khổng giáo được một phía mà thôi, không thấy cả mọi bề. Tôi còn nhớ hơn 20 năm về trước, ở Trung kỳ bỏ thi, nhiều ông nghè ông cử vì đó mà buồn rầu than tiếc, cho rằng bỏ thi tức là bỏ Khổng giáo. Bỏ thi thì người ta không học chữ nho, không học chữ nho thì ít biết đạo Khổng, cũng có lẽ, song những người ấy họ lại không hiểu như vậy mà hiểu khác, họ hiểu rằng sự thi cử tức là Khổng giáo, bỏ thi cử ấy là bỏ Khổng giáo. Không có gì lạ, họ nhận thi cử là Khổng giáo cũng như nhận cang thường là Khổng giáo đó mà thôi.

Theo cái quan niệm của hai hạng trên đối với Khổng giáo thì thấp quá, không đủ kể ; còn sự sai lầm của hạng sau cùng vừa mới nói đây, ta cũng nên đính chánh lại. Có đính chánh lại những điều sai lầm ấy thì cái chơn tướng của Khổng giáo mới lòi ra.

Về luân lý, Khổng Tử dạy có ngũ luân mà rằng : “Vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bầu bạn : năm điều ấy là đạo thông trong thiên hạ vậy”[1]. Có lần ngài đáp lời Tề Cảnh Công hỏi mà nói rằng : “Vua phải đạo vua ; tôi phải đạo tôi ; cha phải đạo cha ; con phải đạo con”[2]. Nơi khác, nói về Văn Vương, ngài nói rằng : “Làm vua người, đỗ ở nhân ; làm tôi người, đỗ ở kính ; làm con người, đỗ ở hiếu ; làm cha người, đỗ ở từ ; giao với người trong nước, đỗ ở tín”[3]. Lại có chỗ ngài đáp lời Định Công hỏi mà rằng : “Vua lấy lễ khiến tôi ; tôi lấy trung thờ vua”[4].

Coi đó thì thấy rằng về ba luân vua tôi, cha con, chồng vợ, Khổng Tử không hề có ý nâng một bên lên, hạ một bên xuống mà khi nào ngài cũng nói một cách đối đãi với nhau. Bên nào ngài cũng buộc cho một cái bổn phận đối với bên kia, chẳng qua bổn phận tùy theo địa vị mà khác. Vậy, đức Khổng Tử chưa hề xướng ra cái thuyết tam cang. Và xét tra các sách từ đời ngài về trước cũng chưa hề có cái thuyết tam cang.

Thuyết tam cang mới bắt đầu có từ nhà Hán, thấy ra trong sách Bạch hổ thông của Hán nho. Sách ấy có nói rằng : “Quân vi thần cang ; phụ vi tử cang ; phu vi thê cang”. Bởi đó người ta gọi là tam cang.

Cang, nghĩa là cái giềng lưới. Theo thuyết ấy thì vua, cha, chồng như là cái giềng lưới, còn tôi, con, vợ thì như những cái mắt lưới. Cái giềng cứ ràng buộc lấy những cái mắt, và những cái mắt phải ở trong cái giềng. Cái giềng dương ra thì những cái mắt cũng dương theo, cái giềng xép lại thì những cái mắt cũng xép theo : giềng có tự do mà mắt không có tự do. Cái giềng ở ngoài những cái mắt, những cái mắt phải tùy cái giềng : mắt có nghĩa vụ mà giềng không có nghĩa vụ. Ấy là chỗ cốt yếu của thuyết tam cang đó, rõ là trái với cái bổn ý của đức Khổng Tử.

Bởi cớ gì sanh ra thuyết tam cang ? Nguyên bên Tàu, từ đời Xuân Thu Chiến Quốc về trước, quân quyền chưa thạnh lắm, vả bấy giờ trong nước, học thuyết chia ra nhiều phái, không phải một nhà nho mà thôi. Kế đó, nhà Tần thống nhứt thiên hạ, Thủy Hoàng đặt ra những cái lễ tôn quân ức thần, quân quyền mới mạnh lên. Nhà Hán nối lấy, y theo cả lễ pháp nhà Tần, lại bãi bỏ cả chư tử bách gia mà bắt thiên hạ chỉ tôn một Khổng giáo, ấy là nhà nho cũng nhờ quân quyền mà được mạnh. Nghề thế, chén tạc phải có chén thù, nhà nho mới càng bợ đỡ quân quyền cho mạnh thêm lên. Sách Bạch hổ thông nầy là do vua nhà Hán hội chư nho, Ban Cố đứng đầu, tại Bạch Hổ Các mà làm ra, cho nên lấy đó mà đặt tên. Bọn Hán nho đã mang sẵn tấm lòng đền ơn trả nghĩa, việc biên tập sách ấy lại thuộc dưới quyền quân chủ nữa, thì đẻ ra thuyết tam cang nầy ! Đẻ sau mà khôn trước ! Rồi đó các nhà vua thay đổi nhau mà bồng ẵm nưng niu cái thuyết tam cang ấy để nó binh vực quyền lợi cho mình, thành ra không bao lâu mà nó đè sấp cái thuyết ngũ luân của Khổng Tử. Cho đến bây giờ ai cũng nói “cang thường”, “cang luân” hay là “tam cang ngũ thường”.

Vậy cho biết bốn chữ cang thường luân lý hồi đức Khổng Tử chưa có ngũ luân mà theo nghĩa bình đẳng như nói trên kia mà thôi, chớ ngài không hề biết có tam cang là gì, và tam cang là cái thuyết của Hán nho nịnh nhà vua mà đặt ra vậy.

Hết Hán nho rồi tới Tống nho, đều là những kẻ tự xưng mình là nối lấy chánh truyền của Khổng Tử mà đã cắt nghĩa sai hoặc đã vẽ rắn thêm chưn trong học thuyết Khổng Tử, làm cho đạo ngài thay hình đổi dạng đi hay là mờ tối đi.

Tống nho cũng phụ họa theo thuyết tam cang của Hán nho. Về ngũ luân, họ cũng làm mất cái bổn ý của Khổng Tử, nghĩa là họ bỏ mất cái tinh thần bình đẳng về nghĩa vụ mà xoay ra mặt áp chế.

Ông Châu Hi nói rằng : “Nói với con lấy điều hiếu, nói với tôi lấy điều trung”. Ông gì đó (tôi quên tên) nói rằng : “Cái nghĩa vua tôi, không có thể trốn đâu trong trời đất”. Ông La Tùng Ngạn nói rằng : “Trong thiên hạ không có cha mẹ nào là chẳng phải”. Lại ông Trình Hy cấm đàn bà góa lấy chồng, nói rằng : “Chết đói là sự nhỏ, thất tiết là sự lớn”. Đó, coi bao nhiêu lời đó, đủ thấy cái ý kiến của Tống nho về luân lý là trái nhau với Khổng Tử, họ không thèm ké né chút nào hết, cứ trợn mắt phùng mang mà đè nén kẻ bề dưới (tôi, con, vợ) và ra mặt bợ đỡ kẻ bề trên (vua, cha, chồng).

Phái Tống nho cũng gọi là phái Lý học. Vì phái ấy chuyên giảng về tánh lý, biểu học giả phải dụng công trong sự tồn tâm dưỡng tánh, coi là sự hệ trọng nhứt của đạo nho. Một điều đó cũng tỏ ra rằng Tống nho sai với Khổng Tử xa quá, bởi chưng cái phạm vi của Khổng giáo thật là rộng rãi, mà đến họ thì họ khép bớt cho hẹp lại. Đại để mấy ông Tống nho, ngoài cửa cũng treo môn bài Khổng giáo, trước sân cũng dựng cờ Khổng giáo, nhưng cái chương trình trong bàn giấy họ thì khác, vậy mà họ dám tuyên ngôn rằng đạo Khổng Tử truyền đến Mạnh Tử rồi đứt đi cách hơn một ngàn năm đến bà con họ mới tiếp theo !

Hán nho cách đời Khổng Tử chưa xa mấy, nên dầu có sai lạc cũng còn ít ; đến Tống nho mới càng sai lạc nhiều hơn. Nhưng vì các học thuyết của họ dễ làm cho người ta trở nên hiền lành yếu đuối, lợi cho sự cai trị, nên từ đó về sau, Tàu cũng vậy, ta cũng vậy, các nhà vua đều tôn chuộng Tống nho và bắt thần dân mình phải học theo sách vở của họ đã làm ra hoặc đã chú thích. Đọc sử nước ta, thấy hồi nhà Lý nhà Trần cũng học đạo Khổng mà trong nước cường thạnh, đến nhà Lê về sau cũng học đạo Khổng mà quốc thể càng ngày càng suy kém, nhơn tài cũng không lỗi lạc bằng xưa, ấy hoặc vì còn có cớ gì khác nữa, song tin theo học thuyết Tống nho, là một cớ rất trọng yếu vậy.

Tôi đã theo sự biết của tôi mà cải chánh lại điều sai lầm của người mình tin tưởng về Khổng giáo, nhứt là về cang thường luân lý ; bây giờ tôi xin vẽ cái chơn tướng của Khổng giáo ra đây.

Tôi cũng như người ta, lại có lẽ người ta học rộng biết nhiều hơn tôi, thì sao tôi dám bảo người ta là sai lầm ? Tôi có một điều tin cậy ở mình được, là như trên đây, tôi đã đem lời của Khổng Tử ra mà đối chiếu với lời của Hán nho và Tống nho, sau khi đối chiếu, họ có sai lầm hay không, độc giả cũng đã thấy rồi. Tôi tưởng, nếu có người mạo cái giấy căn cước của tôi, mà quan tòa muốn xét cho ra sự giả mạo ấy thì chỉ có đòi tôi đem trình chính cái giấy căn cước của tôi ra là mạnh lẽ hơn hết. Vậy trên đây, tôi cũng chỉ đến trình cái giấy căn cước của Khổng Tử ra trước mặt độc giả mà thôi. Dưới nầy đến phiên tôi vẽ cái chơn tướng của Khổng giáo, tôi cũng chỉ trình giấy căn cước ấy ra một lần nữa mà hơi kỹ một chút.

Tôi chắc nhiều người cũng đã hiểu như tôi rằng Khổng giáo là không phải một cái tôn giáo, nhưng là một cái học thuyết. Nay ta kêu bằng Khổng giáo, Khổng học, hay là đạo Khổng, học thuyết Khổng Tử cũng được, chẳng qua theo sự tiện lợi trong khi hành văn đó thôi. Bởi vậy, Khổng giáo không cần đem mà so sánh với các tôn giáo khác, vì nó khác thứ : người ta đem so sánh lụa với lụa, chớ không ai đem so sánh lụa với “hàng lá môn” bao giờ.

Tôi biết vậy, song muốn cho dễ hiểu, tôi phải so sánh sơ qua. Các tôn giáo khác, như Phật giáo, Gia-tô giáo, đều trọng về việc ngoài thế gian, mà Khổng giáo thì trọng về việc thế gian. Các tôn giáo ấy trọng về việc vị lai, mà Khổng giáo thì trọng về việc hiện tại. Một điều rất khác là chính đức Khổng Tử, ngài xưng mình là một người thường, tổ thuật theo các thánh đời xưa, chớ không đưa cái bằng cấp “duy ngã độc tôn” và “Con Đức Chúa Trời” ra như Thích Ca và Jesus Christ. Ngài là người thường, cho nên đạo của ngài cũng chẳng qua là việc thường, dạy cái cách người ta ở đời với nhau mà thôi. Tôi nói thế, hình như con mắt tôi nhỏ quá ; song thật đấy, một lần Tử Lộ hỏi về sự thờ quỷ thần, ngài không trả lời ; lại về tánh và đạo trời, học trò ngài chưa được nghe ngài nói tới.

Tuy vậy, thâu lại thì nói rằng cái cách người ta ở đời, chớ bùng ra thì nội trong cái cách đó cũng đã bộn bề công việc.

Học thuyết của Khổng Tử lập nên trên một chữ “nhân”. Nhân thì yêu người, yêu người thì cứu người. “Hiếu đễ là gốc sự làm nhân”, rồi suy đến “rộng ra ơn và giúp chúng”, cái mục đích của nhân là ở đó. Cái phương pháp thì là, bắt đầu từ cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, rồi đến tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tu thân trở lên là về sự học ; tề gia trở xuống là về sự hành. “Từ thiên tử đến thứ nhân, hết thảy đều lấy tu thân làm gốc”. Nhờ cái gốc ấy đã vững vàng mà sự thiệt hành ra được đúng đắn, mọi người ở với nhau như “đo vuông”, nghĩa là bốn bên không lấn mác nhau mà xã hội được quân bình.

Trong chữ “nhân” có nghĩa bình đẳng. Vì chữ “nhân” bởi chữ “nhị là hai” và chữ “nhân là người” ráp lại. Cho nên nhân, nghĩa là cái lòng yêu của hai người đối với nhau, mà cũng là cái bổn phận của hai người đều phải có. Vì vậy mà trong ngũ luân, mỗi một luân, bên này phải có bổn phận đối với bên kia. Nếu chếch đi một bên thì thành ra bất bình mà không gọi là nhân được. Nhờ một chữ nhân đó, làm cho xã hội được quân bình, mọi người ở với nhau đằm thắm, ấy là cái phước lớn của nhân loại.

Tôi muốn vẽ ra cái chơn tướng của Khổng giáo mà chỉ nói có chừng nầy, thiệt là sơ lược quá. Song độc giả cũng biết rằng nếu nói cho đủ thì một cuốn sách cũng không đủ được, đây tôi chỉ từ trong thiên kinh vạn quyển mà rút ra một điều cốt yếu mà thôi. Thế nhưng tôi dám quyết rằng đó là cái ý chánh của Khổng giáo, còn kỳ dư có những gì nữa đều là phụ thuộc hết.

III. NGƯỜI NƯỚC TA THEO KHỔNG GIÁO CÁCH NÀO

Theo tôi thấy thì Khổng giáo là cái đạo dạy ở đời mà cốt bởi một chữ “nhân”, như đã nói trong bài trước. Song các lẽ đạo ấy tản mác ra trong các sách của họ Khổng, mỗi sách nói riêng một việc, có sách lại nói lung tung không biết mấy trăm ngàn việc, xưa nay các nhà giải sách cũng chỉ thấy đâu giải đó, chưa hề có ai theo đó mà lập ra một cái chương trình của Khổng giáo cho có thống hệ điều tự rõ ràng. Như sách Đại học, tuy có điều tự riêng của nó, song một sách ấy cũng chưa nhốt hết đạo họ Khổng. Lại chính đức Khổng Tử cũng nói rằng : “Đạo ta, lấy một điều mà xâu suốt nó”, tức là trungthứ mà thôi ; xem câu ấy thì thấy như ngài đã chỉ rõ chỗ bí quyết của đạo ngài. Mà đó là chỗ bí quyết thiệt, vì trung là ở với kẻ khác hết lòng, thứ là suy bụng mình ra bụng khác, do trung thứ mà đến nhân rất gần. Song le, đó chỉ là một cái phương pháp ngài xách ra mà chỉ cho độc giả, chớ chưa phải cái toàn thể của đạo ngài ở đó. Bởi những lẽ nói trên đó, kẻ theo đạo Khổng thật khó mà lãnh hội cả toàn thể ; cứ sách mà đọc tràn đi, rồi ai hiểu được chỗ nào thì hiểu, ai nhận lãnh về phương diện nào thì nhận lãnh đó thôi.

Huống chi, hơn hai ngàn năm nay, sách vở bị nhà Tần đốt đi một mớ, rồi lại đến các ông nho sau làm xạo bậy đi một mớ nữa thành ra kẻ hậu học trông vào đạo ngài càng như trông vào đám mây đám khói, có khi nhận cái giả làm thiệt, nhận cái sai làm trúng mà mình không biết được. Cái hại ấy, chính bên Tàu là chỗ Khổng giáo phát nguyên ra cũng vậy, không luận ở nước ta.

Nước ta từ ngày chưa có Gia-tô giáo thì trong nước có hai đạo : Nho và Thích. Ngang hồi đời Lý thì đạo Thích thạnh mà trở về sau thì đạo Nho thạnh. Hai đạo khác nhau song không chống báng nhau, lại hòa hiệp nhau. Trừ một số người chuyên theo đạo Thích ra, còn hết thảy những người theo đạo Nho là theo lúc sống, chớ khi chết cũng lại theo đạo Thích.

Đó là một cái tình trạng riêng về tôn giáo của nước ta, tưởng không nước nào có như vậy. Độc giả hãy nhớ lại, có phải là bất kỳ ai, khi chết mà liệm thì trên đầu đều đội mão Quan âm[5] không ? Và sau đó gặp các rằm nguyên đều có cúng không ? Đội mão Quan âm, cúng rằm, chẳng phải theo Phật là gì ? Còn chưa kể đến sự rước thầy tụng kinh và làm chay thí thực nữa là khác.

Cái vấn đề nầy hay lắm, đáng cho ta khảo cứu lắm. Song tôi hiện chưa đủ sức, vả lại ở đây cũng không phải chỗ đáng nói nhiều về sự đó, nên tôi chỉ nói tóm tắt rằng : Có lẽ là vì Khổng giáo chỉ dạy cách sống ở đời, chớ không dạy về những sự sau khi chết, như là cái thuyết thiên đường địa ngục của đạo Gia, cái thuyết luân hồi của đạo Phật, không được cho mãn nguyện người ta, nên người ta rủ nhau hễ chết thì trở về với Thích.

Trong Khổng giáo không có đặt riêng ra người cầm quyền chủ giáo như Giáo hoàng của đạo Thiên Chúa ; mà ông vua tức là người chủ giáo đó, vì ông vua là chức “Quân” mà kiêm cả chức “Sư”. Bởi vậy, người trong nước theo Khổng giáo, làm tín đồ Khổng Tử, đã đành, nhưng trong sự theo ấy lại còn phải ở dưới quyền vua nữa.

Nước ta từ hồi nhà Hậu Lê đến giờ (xin lỗi độc giả tôi không nhớ hẳn ông vua nào, mà trong tay cũng không có cuốn sách nào để tra khảo hết), nhà vua bắt kẻ học trong nước phải học theo sách họ Khổng mà Tống nho đã dọn lại và chú thích. Học trò đi thi phải theo nghĩa Tống nho chú thích mà làm bài, ai không theo thì đánh rớt. Ở các trường nhà nước lập ra, như Quốc tử giám, trường Đốc ở các tỉnh, trường Giáo huấn ở các phủ huyện, nhà vua đều ban cho các thứ sách ấy. Ấy là về sự giáo dục trong học hiệu. Còn về sự giáo dục phổ thông cho công chúng thì nhà vua đặt ra những bài gọi là “Giáo điều” như 24 điều của vua Lê Thánh Tôn, 10 điều của vua Tự Đức, nó là rút trong Khổng giáo ra song chẳng qua[6] cũng là dựa vào cái nghĩa cang thường của Hán nho và Tống nho. Cho nên 4-5 trăm năm nay trên nền Khổng giáo ở nước ta, thế lực của Tống nho trở lại mạnh hơn Khổng Tử ; và người An Nam mình, tiếng rằng theo đạo Khổng, chớ kỳ thật là theo đạo Tống nho vậy !

Ở đây nên nói đến cái hại của khoa cử, vì nó đã làm trở ngại cho Khổng giáo nhiều lắm. Nhà vua đặt ra các khoa thi hương và hội để chọn lấy nhân tài, là những người sau sẽ giúp vua trong việc cai trị. Ấy cũng là một cái chế độ như cái chế độ chọn nhân tài ở học hiệu ngày nay. Song cái chế độ khoa cử dễ sanh ra nhiều điều tệ. Cái tệ về sự học phải theo Tống nho đã cố nhiên rồi, lại thêm, những người đi học chỉ cốt thuộc sách cho nhiều, làm bài cho hay để thi đậu mà thôi, thi đậu rồi thì lo làm quan, không còn kể đến sự học nữa, vì vậy mà ít người suy nghĩ đến nghĩa lý trong các sách của Khổng giáo, không mấy ai thiệt hành theo đúng cái học thuyết của họ Khổng.

Bởi vậy ở nước ta, từ xưa đến giờ, cái hạng đi học làm quan thì nhiều, còn những người đi học mà xứng đáng gọi là “học giả” hay là “chơn nho” thì thật ít. Đừng nói đến sự có người xướng ra một cái học thuyết mới, chỉ đếm những người làm sách vở để vùa giúp cho Khổng giáo, cũng không có mấy người. Ấy là bởi cái học khoa cử nó làm cho lu lấp trí khôn của người ta đi ; ở trong vòng học vấn nô lệ thì khó mà kiếm ra được cái óc tự chủ !

Vì khoa cử làm tối tắt lòng người đi như vậy, cho nên trong chương trước tôi nói có nhiều người nhận khoa cử là Khổng giáo, không phải nói ngoa. Rất đỗi như cụ Phạm Phú Thứ, là một bực thông nho, mà trong bức thơ gửi cho con cháu, cụ cũng nói rằng : “Người đời xưa dạy con, chỉn e không chẳng làm nên thánh hiền ; còn người đời nay dạy con, chỉn e không thi đậu : sự thi đậu là cái hiếu nối đặng nghiệp nhà của sĩ phu ngày nay”. Lại năm 1908, chúng tôi bị cầm tù ở ngục Quảng Nam, trộm lịnh quan trên đem sách cả rương vào đọc. Bấy giờ ông Trần Văn Thống làm án sát, nghe tin, vào ngục tra xét, khi bắt mở rương sách ra thấy nhiều quá, ngài sửng sốt hồi lâu rồi cười ruồi mà nói rằng : “Ai cho các anh thi nữa mà các anh học”.

Ờ ! té ra chỉ có thi mới học thôi, còn không thì đốt sách ! Cái kiến thức của một ông Tấn sĩ An Nam (Trần công đậu tấn sĩ) là như vậy đó[7] !

Nội bài nầy, độc giả đã hiểu đại khái cách ta theo Khổng giáo ra sao rồi ; bài sau tôi sẽ nói tiếp về cái kết quả của nó.

IV. CÁI KẾT QUẢ CỦA SỰ THEO KHỔNG GIÁO DƯỚI QUYỀN NHÀ VUA

Nhà vua đã bắt nhân dân trong nước phải cứ theo sách vở của Tống nho mà tin Khổng giáo, và đặt ra khoa cử để làm cái lồng nhốt sĩ phu như vậy, rồi cái kết quả ra sao ? Jesus Christ có nói về bọn tiên tri giả mà rằng : “Cây nào tốt thì sanh trái tốt, nhưng cây nào xấu thì sanh trái xấu ; nào có ai hái trái nho nơi bụi gai hay là hái trái vả nơi bụi tật lê ?” – thật quả như vậy. Cái kết quả của nó là làm cho tâm chí của người ta trở nên hèn yếu và tri thức hẹp hòi. Mà muốn nói rằng cái kết quả của nó là mất nước, cũng không phải quá đáng.

Bây giờ đây, những người theo Khổng giáo đều mang tiếng là hủ lậu. Trong óc mọi người, khi nghĩ đến nhà nho thì tưởng tượng ra như vầy : một người mới vừa đứng tuổi mà đã ra vẻ lão thành, đầu cổ hơi dơ, móng tay dài, áo quần lượt thượt, ăn nói vụng về, cử động không được bặt thiệp, thấy cái gì cũng trầm trồ lấy làm lạ, gặp Tây thì tuồng mặt dớn dác... Than ôi ! tưởng tượng như vậy, có ai dám bảo là không đúng ? Mà có cái học gì lại đúc ra những người ta như kiểu nầy ?

Nếu có ai bảo rằng tại theo đạo Khổng Tử, tại bắt chước Khổng Tử mà ra thế, thì tôi bây giờ dầu có làm mặt lạ với ngài đi nữa, tôi cũng phải ra miệng đặng mà cãi lẽ cho ngài. Thật đức Khổng Tử không có như vậy đâu. Cái học của Khổng Tử là tự cường, độc lập, thượng chí và tinh tấn luôn luôn. Kinh Dịch nói rằng : “Bầu trời đi một cách mạnh, người quân tử bắt chước đó mà tự làm cho mình nên mạnh chẳng hề nghỉ”. Trung dung nói rằng : “Đứng giữa mà chẳng nương vào đâu”. Luận ngữ nói rằng : “Giữa ba quân còn có thể cướp ông tướng được, chớ một người thường, không có thể cướp cái chí của họ được”. Về sự học hành, theo lời ngài tự thuật, từ 15 cho đến 70 tuổi, cứ hễ 10 năm thì ngài tấn hóa lên một bậc. Ngài học luôn và làm việc luôn ; một lần đi trên sông, ngài thấy nước chảy mà than rằng : “Nước nó chảy như vầy đây, chẳng nghỉ ngày đêm !” Vậy thì ai dám bảo rằng mẹ hiền thế nầy mà lại đẻ ra con cú dường kia ?

Giết người là mấy ông Tống nho ! Những lời thánh dạy trên nầy, há các ông không biết hay sao ? Song các ông lại bày ra cái kiểu mới của các ổng.

Bấy giờ trong Phật giáo bên Tàu có thiền tông thạnh hành lắm. Các ông Tống nho muốn tranh thế lực với thiền tông, bèn ăn cắp kiểu họ mà đem vào làm của nhà nho. Ấy là cái kiểu “minh tọa” nghĩa là ngồi sững như pho tượng mà cặp mắt lim dim. Tức là cái kiểu “tọa thiền” hay “nhập định” của nhà Phật (méditation bouddhique) vậy.

Trước sân ông Châu Mậu Thúc[8] (một vị Tống nho) để cỏ mọc lút đầu mà không dẫy. Người ta hỏi ổng, ổng trả lời rằng : “Để vậy cho nó cũng phát đạt như cái sanh ý của mình” (!) Ông Trình tử (một vị Tống nho) đương ngồi như pho tượng, cặp mắt lim dim. Ngoài sân trời mưa tuyết. Hai người học trò là Dương Thi và Du Tạc vào hầu thầy. Thấy thầy đương “minh tọa” thì hai người đứng chầu hai bên như cặp hạc trước bàn thờ. Đến chừng Trình tử mở bựt mắt ra, hai người mới dám hỏi chuyện ; chuyện rồi, ra về, tuyết xuống đã sâu một thước (!)

Còn có nhiều chuyện như vậy chép trong sách của Tống nho. Họ cho là học đã đến được bực cao rồi mới có những câu chuyện ấy.

Cách minh tọa đó, họ nói để “cầu phóng tâm”, nghĩa là để “thâu lại cái lòng đã chạy lung”, có khác gì kiểu tọa thiền của nhà Phật là để “minh tâm kiến tánh” ? Song le, có một điều đáng bật cười hơn nữa, là Tống nho lại cự Phật thiệt riết, cho Phật là dị đoan hoặc thế !

Do cái thói để cỏ mọc lút đầu ấy mới có những móng tay dài, đầu cổ dơ ; do cái thói ngồi trơ trơ như pho tượng ấy mới sanh ra những con người ngẩn ngơ lừ đừ, khôn không ra khôn, dại không ra dại. Cho nên, những nhà nho của nước ta lâu nay thật là chính tay các ông Tống nho đúc ra, chớ đừng nói Khổng Tử đúc ra mà oan cho ngài !

Đại để cái học thuyết của Tống nho là cốt để “thúc thân quả quá” nghĩa là bó buộc mình lại cho ít lỗi chừng nào thì hay chừng nấy. Cái thái độ của họ là tiêu cực (négatif) trái với của Khổng Tử là tích cực (positif). Thầy như vậy, tránh sao kẻ học theo mà chẳng tâm chí càng ngày càng hèn yếu, tri thức càng ngày càng hẹp hòi ?

Vậy, ta thử coi, trong đám nhà nho nước mình gần đây, mà có những người nào siêu quần bạt tụy ra, đều là người phản đối với Tống nho hết. Tức như hai ông Phan Sào Nam, Phan Tây Hồ đó. Tây Hồ tiên sanh cho đến việc chút xíu cũng phản đối với Tống nho ; sự ấy thấy trong bức thơ của tiên sanh gởi cho vua Khải Định năm xưa.

Năm trước, khi ông Phan Văn Trường làm báo La Cloche félée, trên mặt báo có để câu của Mạnh Tử rằng : “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Có người đem hỏi tôi : chớ sao trong đạo nho ta có cái chủ nghĩa cao thượng như thế mà lâu nay dân ta không biết tới, cứ chịu đầu mãi dưới cái oai quyền quân chủ ? – Sự ấy có lạ chi ! Vì Tống nhỏ giải sách, cứ hễ đến những chỗ như vậy thì kiếm cách mà gìm đi. Lại ngày xưa quan trường theo ý vua, trong lúc chấm bài thi, hễ gặp ai dùng đến những ý ấy thì đánh rớt. Tôi nói câu đó thật không có chứng cớ, song hãy xin đem hỏi mấy ông nhà nho có đi thi ngày trước coi thử có ông nào dám dùng đến chữ “dân quý, quân khinh” vào trong bài của mình không, thì đủ biết. Nhà vua thật không ưa những câu ấy, nhưng không có lẽ xóa bỏ đi được, thì chỉ hất cái môi một cái là thiên hạ làm lơ nó đi.

Năm xưa, Tây Hồ tiên sanh có nói cùng tôi rằng : “Cái học thuyết của Tống nho là học thuyết vong quốc”. Mà quả vậy. Chính nhà Tống của họ bị người Mông Cổ cướp ngôi đi và cai trị nước Tàu hơn một trăm năm. Sau nhà Tống thì nhà Minh cũng bị Mãn Thanh chiếm đoạt. Chuyện sờ sờ trước con mắt như vậy mà ai lại dám cho là chuyện tình cờ ? Tài chi học theo cái kiểu minh tọa ấy mà biểu đừng đờ người đi sao được ? Biểu thấy giặc đừng đâm đầu chạy sao được ? Thế mà, lại có câu chuyện buồn cười nữa. Cũng hồi nhà Tống, Trương Tuấn đánh một trận với giặc Kim, bị đại bại, sau con va là Trương Thức, cũng bậc đại nho, khoe với người ta rằng : “Ông thân tôi thật có sở đắc về “tâm học” nhiều lắm, cho nên dầu bị thua xiểng đi như vậy mà lòng chẳng nao núng chút nào”. Thật mở miệng nói không biết xấu !

Nước ta cũng vậy, đương hồi Tự Đức là hồi mà nho học có tiếng là thạnh hơn hết từ xưa đến nay, thì người Pháp vừa chạy tàu xồng xộc sang. Bất kỳ thành nào, xổ súng bắn chơi một vài giờ đồng hồ, ấy là thành bị đổ, đua nhau kẻ đầu, kẻ chạy, kẻ chết. Triều thần có ông nào hơi biết một chút, xin biến pháp tự cường, thì bệ hạ ở trên phán xuống rằng : “Lẽ nào văn hiến như nước ta mà lại trở theo di địch”(!)

Một là tại Tống nho, hai là tại nhà vua. Nhà vua số là lợi dụng Tống nho làm mềm thần dân đi cho dễ cai trị, không ngờ mềm riết rồi không giữ được nước nữa ! kết quả đáng thương tâm thay !

V. CÁI ÓC PHÁN ĐOÁN CỦA KẺ HỌC ĐỜI NAY

Trong năm bài trước đó độc giả đã thấy nguyên hình của Khổng giáo thế nào và người ta đổi ra thế nào, lại nước ta theo Khổng giáo cách làm sao và cái kết quả làm sao. Tóm lại mà nói, lâu nay Khổng giáo đã mờ tối đi một phần lớn ; còn Khổng giáo mà nước ta theo đó chỉ là Khổng giáo của Tống nho đã pha trộn rồi, thành ra có cái kết quả không được tốt.

Nếu vậy thì Khổng giáo đã mất hẳn rồi, còn đâu mà nói rằng có ảnh hưởng ở nước ta ?

Không đâu. Tuy vậy, cái gốc của Khổng giáo tuy có sai đi, song những cái rễ con vẫn còn đâm trong đất, vì những cái ấy Tống nho chẳng những chẳng làm sai đi mà lại vẫn giữ đúng. Vì vậy nên trong lúc ta theo Khổng giáo của Tống nho thì những rễ ấy nó cũng ăn sâu vào đầu chúng ta mà lên chồi nứt nhánh, tức là cái ảnh hưởng còn lại đến ngày nay.

Xin phân bua cùng độc giả, tôi nói đến đây là đã thả Tống nho ra rồi, mà phạm vào bổn thân đức Khổng Tử.

Nhà nho đã đặt ra cái luật “phi thánh vô pháp” nghĩa là “chê đức thánh là lỗi phép”. Tôi đã biết luật ấy rồi mà tôi còn dám phạm đến Khổng Tử thì chẳng hóa ra tôi điên rồ dại dột lắm sao ?

Xin nhắc lại cho độc giả nhớ rằng trong bài đầu tôi đã nói : Trong sự nầy, cái lý nó, mặt nào cũng sẽ ngả về một mặt : một là tôi vong sư bội đạo[9][1]; một là tôi có cái lẽ của tôi.

Theo tôi tưởng, những người kêu là có học ở đời nầy, thật không nên nhắm mắt theo như đời xưa, mà phải có cái óc phán đoán riêng của mình. Cái óc phán đoán ấy, nó là độc lập tự do, không phụ thuộc ai hết, không thần phục ai hết. Thầy của cái óc ấy là chơn lý. Nó lấy chơn lý làm thuốc[10] mà đo hết thảy ông thánh ông hiền, đời xưa đời nay, phương đông phương tây, bất kỳ người nào, bất kỳ ở đâu. Nó cũng dùng cái thuốc10* chơn lý mà đo các tôn giáo, các học thuyết, rồi nó phê bình hết thảy và quyết định bỏ hay lấy.

Có người sẽ hỏi rằng : biết chơn lý ở đâu mà lấy nó làm thầy ?

Xin đáp : vẫn biết rằng chơn lý không nhứt định, - mà chơn lý không nhứt định là phải, vì võ trụ là đối đích thì chơn lý ở trong võ trụ cũng phải đối đích[11], - song ta nên tạm cho rằng hễ cái lương tâm của người có óc và cái lương tâm của nhân loại, tức là cái trào lưu của thế giới, hướng về chiều nào, ấy là cái chơn lý ở đó. Chơn lý đã là đối đích, vậy ta cũng không có thể giữ nó làm sản nghiệp đời đời, hễ khi nào cái mà ta cho là chơn lý đó bị đánh đổ đi, thì ta sẽ bị cáo phá sản. Song trong những ngày ta ở, ta phải có cái chơn lý của ta.

Tôi trừ ra những người có tôn giáo, trong óc họ có một ông Thần hay là ông Giáo chủ của họ, tôi không nói đến. Còn những người không thuộc về tôn giáo nào như tôi bây giờ đây, thì tôi tưởng phải có cái óc phán đoán ấy mới được.

Đừng nói Khổng giáo không phải là tôn giáo ; cho Khổng giáo là tôn giáo đi nữa, và tôi đọc sách họ Khổng từ hồi sáu tuổi, đẻ ra và lớn lên trong cửa ngài đi nữa, đến ngày nay tôi cũng có quyền phê bình ngài và phán đoán mọi lẽ về đạo ngài. Vì tôi ngày trước thuộc về ngài ; song tôi ngày nay, đối với ngài, tôi là người độc lập tự do.

Tôi không nổi cách mạng cùng Khổng Tử. Nhưng từ khi ngoài[12] 20 tuổi, tôi đã yêu cầu ngài “tháo khoán” cho tôi rồi, tôi đã dùng cách hòa bình đối với ngài mà tuyên cáo độc lập rồi.

Ví như nước Nam lâu nay thần phục dưới quyền nước Pháp, song nếu ngày mai đây, nước Pháp phải cho nước Nam độc lập, thì ngày mốt nước Nam sẽ có đại sứ ra giữa Vạn quốc hội mà bàn luận mọi việc như nước Pháp, vì bấy giờ ở giữa Vạn quốc, nước Pháp là một nước mà nước Nam cũng là một nước ; thì tôi đây cũng vậy, ngày nay đối với võ trụ, đức Khổng Tử là một người thì tôi đây cũng là một người, dầu tôi kém cỏi hèn mọn thua ngài, như nước Nam thua nước Pháp, cũng mặc tôi.

Tôi nói thế, nghĩa là tôi còn có tri thức ngày nào, còn sống giữa võ trụ ngày nào, ấy là tôi phải có cái nhân cách của tôi, cái nhân cách ấy, không ai dầy đạp lên được hay là làm cho tiêu mất đi được. Mà không những tôi, tôi tưởng những người như tôi cũng phải có cái nhân cách ấy cả, vì chúng ta làm người, là làm người đứng trong võ trụ kia mà.

Có kẻ sẽ nói vào tai tôi rằng : đã đành mỗi người phải có cái óc phán đoán, song phán đoán là phán đoán ai kia, chớ nhè ông thánh đời xưa, ông giáo chủ của mình hơn hai ngàn năm nay mà phán đoán, sự đó chẳng đủ cho ngài sờn một mảy lông nào mà chỉ tổ làm cho lòi cái dại của mình ra !

Cái lẽ ấy tôi đã biết và cũng đã nói rồi. Ngay đầu năm nay, vào ngày 11 Janvier, tôi có đăng một bài bằng chữ Hán trong Quần báo ở Chợ Lớn, cũng luận về Khổng giáo, tôi có nói rằng : “Người ta tuy là người ngu mấy đi nữa, cũng không ai nhè ông thánh vài ngàn năm trước mà công kích làm chi, hay là ra tay xô đổ các ngài làm chi. Tức như tôi đây, nếu hết sức một đời tôi mà công kích Khổng Tử, tôi biết rằng cũng không khờn[13] ngài chút nào. Nói cho quá ra, vì tôi công kích mà cho đến nỗi làm cho ngài rơi từ trên cái ngai đại thành chí thánh tiên sư rơi xuống, là cũng không có ai cho phép tôi trèo lên đó mà thay ngài đâu, vậy thì tôi công kích ngài làm chi ?”

Vậy thì tại làm sao tôi lại phê bình Khổng giáo ? – Cái lẽ đó trong bài tiếp theo đây tôi sẽ giải ra.

Theo như ở bên Tây hay bên Tàu thì chương nầy không cần viết, muốn phê bình hay là công kích ông trời đi nữa, cũng cứ việc phê bình và công kích. Song ở ta đây, sự nầy không khỏi làm cho lạ tai lạ mắt người ta, nhứt là làm lạ tai lạ mắt mấy nhà nho học, nên tôi phải có mấy lời nầy như là phân bua vậy.

May ra độc giả lượng thứ cho tôi, còn đức Khổng Tử, không may ngài lại không lượng thứ, ngài sẽ giở câu cũ ngài nói trong Trung dung mà mắng tôi rằng : “Ngu mà ưa tự dung, hèn mà muốn tự chuyên, sống ở đời nay mà trái đạo đời xưa, người như vậy, họa sẽ làm vào mình nó !” thì tôi cũng lại cười mà chịu.

VI. CÁI VẤN ĐỀ SANH TỬ CỦA CHÚNG TA NGÀY NAY – ÂU HÓA VỚI KHỔNG GIÁO

Chương nầy tôi giải ra cái cớ tại làm sao mà tôi phải phê bình Khổng giáo.

Từ trận thế giới đại chiến tranh phát ra, càng ngày càng thấy cách sinh hoạt của loài người càng thay đổi đi vì khó khăn hơn trước. Ở ngay các nước chịu thẳng cái chiến họa ấy chẳng nói làm chi ; cho đến những nước đứng ngoài mà cũng bị ảnh hưởng một cách sâu xa dữ dội. Coi như nước ta trong khoảng mươi năm nay thì biết.

Tức như nước Tàu ở một bên ta đây, họ cũng chịu lấy cái ảnh hưởng ấy mà trong xã hội họ bựt ra nhiều cái vấn đề rắc rối chẳng biết giải quyết cách nào. Rút lại, những người thức giả trong nước họ phải quyết định rằng từ nay phải bỏ hẳn lối cũ đi mà theo Âu hóa hết, vì vậy mới có cuộc “Tân văn hóa vận động” trong nước họ từ năm 1918 về sau.

Cái gì lại gọi là Tân văn hóa ?

Tân văn hóa ! Phô cái danh ra nghe cho tốt chớ kỳ thiệt chẳng qua là sự tư tưởng, sự làm lụng, sự ăn ở gì cũng hòa theo Tây hết. Theo Tây, cái tiếng đó nghe xấu quá, hồi trước nghe đến, chắc ai cũng lắc đầu phì môi ; song bây giờ người ta đã nghĩ nát gan nát dạ, nghĩ rằng không theo họ thì không còn có phương gì chọi nhau với họ mà giành lấy sự sống ở ngày nay được. Theo Tây là một cách cực chẳng đã của những dân tộc hèn yếu ở Á châu phải dùng đến để mà giành sự sống với Tây.

Còn nước ta thì sao ?

Nước ta hiện bây giờ ở dưới quyền nước Pháp thống trị, thật khó mà nói sự tự mình cải cách theo ý mình như ai. Song một điều buộc cho ta phải suy nghĩ, là dân tộc ta hơn 20 triệu, có lịch sử, có văn hóa, có chế độ, có tiếng nói, có cái tư cách xứng đáng làm một nước. Nghĩa là trong cuộc tấn hóa của thế giới sau nầy, dân tộc ta, tức là nước Việt Nam ta, cũng có gánh một phần trách nhiệm vào đó, chớ không chạy chối đi đâu được. Muốn chạy chối cái trách nhiệm ấy, chỉ có gần diệt chủng như bọn Chiêm Thành và dã man[14] như những Mán Mọi ở dựa theo dãy núi Trường Sơn (Chaine annamitique) kia.

Đã mang lấy cái trách nhậm ấy thì ở trong cái thời kỳ nầy chúng ta sẽ tính làm sao ? Nếu ai còn có phương pháp chi để mà tự tồn tự lập được thì thôi, bằng không thì tôi cũng nói : mọi sự phải theo Tây ráo ! Mà muốn nói cho lịch sự hơn thì nói : theo văn hóa mới.

Theo ngu ý tôi thì tôi cũng nghĩ như người ta, hễ theo văn hóa mới thì dân tộc ta còn mong sống, còn mong có ngày tấn tới mà giúp một chút công vào trong cuộc tấn hóa của loài người ; bằng không theo văn hóa mới thì sẽ chết, sẽ diệt chủng như người Chiêm Thành vậy. Bởi vậy, tôi cho cái sự theo văn hóa mới hay không theo văn hóa mới là cái vấn đề sanh tử của chúng ta ngày nay, nghĩa là do đó mà chia ra : nhứt chết nhứt sống.

Do cái vấn đề nhứt chết nhứt sống ấy mà sanh ra sự so sánh Âu hóa với Khổng giáo và cũng do đó mà tôi viết ra bài khảo cứu nầy, trong khi xét tới những cái ảnh hưởng của Khổng giáo, tôi có đôi lời đụng chạm đến đức Khổng Tử ta.

Từ bài sau trở đi, tôi sẽ chỉ rõ ra mấy cái thuyết của Khổng giáo đã có ảnh hưởng sâu ở nước ta mà trái hẳn với văn hóa mới bây giờ ; mình muốn theo văn hóa mới thì phải trừ tiệt những cái ảnh hưởng ấy trong óc mình đi mới được. Song hiện đây, tôi xin dịch một đoạn trong bài chữ Hán, luận về Khổng giáo, tôi đã đăng trong báo Tàu nói ở chương trước, đặng chỉ ra cái đại khái mà thôi. Đoạn ấy như vầy :

“Bình tâm mà luận, các nước Á châu ta nếu muốn sanh tồn ở thế giới ngày nay và muốn giục giã cuộc đại đồng của thế giới ngày mai cho mau thiệt hiện thì thế nào cũng phải hấp thọ văn hóa phương Tây mới được. Văn hóa phương Tây có hai mối lớn : một là khoa học, một là cái tinh thần dân trị (démocratie)[15]. Vậy muốn hấp thọ hai cái đó mà còn đem Khổng giáo xen vào thì cũng như muốn qua hướng bắc mà lại cho xe chạy về hướng nam đó thôi.

Lấy lẽ gì mà nói như vậy ? Bởi vì, không kể các học phái cuối cùng của Khổng giáo, như Tống nho, Minh nho, đã thiên về đường tâm tánh, và lại làm vây cánh cho quân quyền, đành rằng trái nhau với hai cái mối lớn của văn hóa phương Tây ; dầu cho đến chính mình đức Khổng Tử cũng có chỗ không hợp với hai cái mối lớn ấy. Không nói chi nhiều, chỉ một sách Châu Dịch, nghĩa lý lờ mờ, thật đã khó mà dung nhau với khoa học ; lại cái kiểu thờ vua của ngài rõ ra là phái bảo hoàng, đem sánh với chủ nghĩa dân trị, khác nào như nước với lửa ? Cứ đó mà nói thì ngày nay nước Tàu cũng vậy mà nước Nam cũng vậy, nếu chẳng chịu nhận lấy văn hóa phương Tây thì thôi, bằng chịu nhận lấy thì không có thế nào mà không lìa Khổng Tử ra được. Muốn đổi theo văn hóa mới mà còn trơ trơ giữ lấy học thuyết Khổng Tử thì thật chẳng được việc gì, rút lại cũng chỉ như cuộc duy tân của bọn Trương Chi Động[16] hồi cuối đời Mãn Thanh mà thôi”.

Mấy lời đó tuy không được tường tận cho lắm, song thật đã xách cái chỗ tương phản của hai bên ra mà chỉ ra hai năm rõ mười. Tôi tưởng dầu ai có cái tài biện luận đến đâu cũng không có thể cãi được ; hễ muốn nhận lấy bên nầy thì thế nào cũng phải bỏ bên kia.

Tuy vậy, những cái ảnh hưởng của Khổng giáo có cái dở mà không phải là không có cái hay. Sau nầy tôi sẽ chỉ ra từng cái, nói cái dở trước rồi đến cái hay sau. Xin độc giả hãy chú ý đến mà xem, tôi không hề nói cách mơ hồ ấp úng, mỗi một điều gì tôi sẽ đem những sự thiệt trong xã hội ta ra mà chỉ rõ rằng nó là do bởi cái thuyết gì trong Khổng giáo.

(xem tiếp kỳ 2)


Nguồn: Bài đăng trên Thần chung, Sài Gòn, 21 số liền: số 213 (1.10.1929); số214 (3.10.1929); số 216 (6&7.10.1929); số 218 (9.10.1929); số 219 (10.10.1929); số 220 (11.10.1929); số 221 (12.10.1929); số 222 (13&14.10.1929); số 223 (15.10.1929); số 225 (17.10.1929); số 227 (19.10.1929); số 229 (22.10.1929); số 232 (25.10.1929); số 235 (29.10.1929); số 236 (30.10.1929); số 239 (5.11.1929); số 241 (7.11.1929); số 242 (8.11.1929); số 247 (15.11.1929); số 248 (16.11.1929); số 249 (17&18.11.1929). Phiên bản điện tử: http://lainguyenan.free.fr



[1] Sách Trung dung, chương III

[2] Thấy trong sách Luận ngữ, thiên Nhan Uyên.

[3] Đại học, chương III

[4] Luận ngữ, thiên Bát dật

[5] Bản gốc viết là Quang âm, ở đây sửa lại

[6] Bản gốc là chẳng vua, có lẽ báo in lầm, ở đây sửa lại

[7] Xem thêm mục Câu chuyện hằng ngày (Thần chung số 221, ngày 12.10.1929) để thấy ảnh hưởng của việc Phan Khôi nêu ra ở đây trong dư luận đương thời

[8] Chu Đôn Di (1017 – 73) tự Mậu Thúc; Trình Tử: có thể là Trình Hạo (1032 – 85) hoặc Trình Di (1033 – 1107) – các nhà Lý học thời Tống ở Trung Quốc

[9] Bản gốc chỗ này còn có 6 từ: “- hai là phi thánh vô pháp” – có thể là báo in thừa, ở đây tạm bỏ 6 từ ấy

[10] Phải chăng là thước bị in sai ?

10* Phải chăng là thước bị in sai ?

[11] Đối đích: tức là tương đối.

[12] Bản gốc là : “... ngài 20 tuổi”, chắc in sai, ở đây sửa lại

[13] Khờn: sờn mẻ, mòn khuyết (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ)

[14] Bản gốc là : giã mang, ở đây sửa lại

[15] Démecratie từng được dịch là : dân trị, dân quyền, dân chủ

[16] Trương Chi Động (1837 – 1907), đỗ tiến sĩ, làm quan thời Quang Tự triều Thanh, chủ trương “Cựu học là thể, tân học là dụng”, duy trì cương thường phong kiến, chống biến pháp Mậu Tuất; là một trong những đại diện của học phái Dương Vụ cuối triều Thanh (theo Từ điển Nho, Phật, Đạo, bản dịch, Hà Nội; 2001)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt