BÁCH GIA CHƯ TỬ
TUÂN TỬ
TRẦN VĂN HẢI MINH
Thảo Đường cư sĩ Trần Văn Hải Minh. Bách gia chư tử. Các môn phái triết dưới thời Xuân thu Chiến quốc. Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học Tp. Hồ Chí Minh, 1991.
Sau Mạnh Tử, Tuân Tử cũng là một Nho gia đại sư, cho nên các học giả đời sau, hễ nhắc đến Mạnh Tử là nhắc luôn Tuân Tử. Sách Sử ký hợp Mạnh Tử và Tuân Tử lại làm một truyện, cũng vì lý do ấy.
Tuân Tử truyện chép: "Tuân Khanh, người nước Triệu, tuổi 50 mới đến du "học" ở Tề (chữ "học" chép lầm). Bọn Điền Biền đã chết dưới thời Tề Tuyên Vương, mà Tuân Khanh còn là một lão sư. Nước Tề luôn luôn sửa cái khuyết "Liệt đại phu" mà Tuân Khanh 3 lần làm chức Tế tửu. Người nước Tề, có kẻ gièm pha ông, ông liền qua Sở, mà Xuân Thân Quân cho ông làm quan Lịnh đất Lan Lăng. Xuân Thân Quân chết, rồi Tuân Khanh bị phế và nhơn đó, cất nhà ở luôn nơi đất Lan Lăng... Trước kia Lý Tư Thường là đệ tử ông, bây giờ làm tướng nước Tần. Tuân Khanh ghét cái chánh trị ô trược của đời, bọn vong quốc, loạn quân kế tiếp nhau, không thể làm đạo lớn được, mà chỉ lo về việc bói toán, phù thủy, tin số mạng. Bọn tầm thường, câu nệ như Trang Châu lại hoạt kê việc làm nên hư của Nho, Mặc viết ra thành mấy vạn lời rồi mới qua đời... và luôn đó được chôn ở Lan Lăng." Sách Sử ký ghi chuyện Tuân Khanh đơn giản như thế, hơn nữa tên ông là gì không thấy ghi rõ. Dưới thời Tây Hán, Lưu Hướng hiệu đính sách Tuân Tử, ghi tên là Tôn Khanh tân thơ, ông đã ghi về chuyện của Tuân Khanh như sau: Tuân Khanh tên Huống, người nước Triệu. Vào lúc Tề Uy Vương và Tuyên Vương, tụ hiền sĩ trong thiên hạ ở Tắc Hạ và tôn kính, thương yêu, như Trâu Viễn, Điền Biền, Thuần Vu Khôn, số người như thế thật đông và gọi đó là "Liệt đại phu", họ được người đời khen tặng, và có kẻ đã viết sách châm biếm đời. Lúc đó Tôn Khanh đã có tài, tuổi 50 mới bắt đầu đi du thuyết đến thời Tề Tuyên Vương thì Tôn Khanh đã thành một lão sư được trọng vọng. Người nước Tề, có kẻ gièm pha Tôn Khanh, ông liền qua Sở, Sở tướng là Xuân Thân Quân cho ông làm quan lịnh đất Lan Lăng. Có người nói với Xuân Thân Quân: "Vua Thang dấy nghiệp có 70 dặm, vua Văn Vương 100 dặm, Tôn Khanh là người giỏi, mà lại cho đất 100 dặm, nước Sở sẽ bị nguy chăng?" Xuân Thân Quân liền tạ từ Tôn Khanh. Tôn Khanh qua Triệu, sau đó, có người lại nói với Xuân Thân Quân: Ông Y Doãn bỏ nhà Hạ mà vào nhà Ân, nhà Ân nên nghiệp vương mà nhà Hạ mất. Quảng Trọng bỏ nước Lỗ vào nước Tề, mà nước Lỗ yếu, nước Tề mạnh, cho nên kẻ hiền ở đâu, thì vua được tôn, nước được yên, bây giờ Tôn Khanh là kẻ hiền trong thiên hạ, ông bỏ nước nào ra đi, nước ấy có yên chăng? Xuân Thân Quân lại sai người đến mời Tôn Khanh, Tôn Khanh viết thơ cho Xuân Thân Quân, chua chát với nước Sở. Xuân Thân Quân giận liền không mời nữa. Sau đó, Xuân Thân Quân mất, ông liền làm nhà ở Lan Lăng. Trước kia, Lý Tư Thường là đệ tử ông, bây giờ làm tướng cho Tần, và nhóm Hàn Phi, hiệu thuyết với ông... cho đến lúc Tần dùng Ứng Hầu làm tướng quốc, đều không thể dùng ông... Ông đến nước Triệu, bàn luận việc binh với Tôn Tẩn, trước mặt Hiếu thành Vương, Tôn Tẩn nói về việc biến trá trong việc binh, Tôn Khanh lấy việc dùng binh theo vương đạo để vấn nạn, Tôn Tẩn không đáp được... và vì thế ông không được dùng. Tôn Khanh không được đời dùng, về an dưỡng tuổi già ở Lan Lăng, ông ghét các chánh sách của đời ô trược, bọn vong quốc, loạn quân bè đảng nhau, đại đạo không thi hành được, mà chỉ chạy theo đồng bóng, bói toán, tin số mạng, bọn tầm thường như Trang Châu lại hoạt kê, làm rối loạn phong tục, vì thế mới suy diễn cái đạo đức và việc làm nên hư của Nho, Mặc, ghi chép mấy vạn lời mà sau đó qua đời, và được chôn ở Lan Lăng. Người Lan Lăng giỏi về học vấn, là cũng nhờ Tôn Khanh vậy. Đến nay bậc trưởng lão còn khen ông: người Lan Lăng thích chữ nghĩa là nhờ ông... là vì bắt chước theo ông vậy. Tài liệu nầy so với Sử ký bổn truyện thì có phần đầy đủ hơn, nhưng chỗ sai lầm thì cũng y như trong Sử ký. Trong sách Tuân Tử lược khảo có chép thân thế của Tuân Tử, nhưng không y theo tài liệu của Sử ký, mà chỉ căn cứ theo tài liệu của Lưu Hướng. Xin chép ra sau : Tuân Tử Lược Khảo Tuân Tử tên Huống, người nước Triệu, gọi là Tuân Khanh là người đương thời tôn ông vậy. Cũng gọi là Tôn Khanh, Tuân thị, hậu duệ của Tuân Bá ngày xưa, chữ Tuân xưa có chữ "phụ" một bên, chữ Tuân hay Tôn, cũng là một âm mà chuyển ra. Tuân Tử thường bàn luận việc binh với Lâm võ Quân, trước mặt vua Triệu Hiếu Thành Vương, ông ra mắt chư hầu, bắt đầu từ lúc đó, ông lại thường vào nước Tần ở phía Tây, ra mắt Chiêu Vương và Ứng Hầu Phạm Thư, lúc đó tuổi Tuân Tử chưa đến 50. (Sách Tự lục và Hồ thị đều cho Lâm võ Quân là Tôn Tẩn, như thế là sai. Tôn Tẩn giúp tướng nước Tề là Điền Kỵ, đánh bại binh Ngụy ở Mã Lăng giết tướng Ngụy là Bàng Quyên vào năm thứ 28 đời Châu Hiển Vương (341 trước T.L.) còn Triệu Hiếu Thành Vương lên ngôi vào năm thứ 50 đời Châu Noãn Vương (265 trước T.L.) như thế cách nhau đến 86 năm, như thế thì Tôn Tẩn đâu có thể nào ở với Hiếu Thành Vương được. Sách Tuân Tử tập giải của Vương tiên Khiêm có phân tích rõ điều nầy). Năm 50 tuổi, ông bắt đầu đi thuyết đến nước Tề, lúc đó là năm đầu của Tề vương Kiến... Nước Tề sắp xếp về Liệt Đại phu, vì Tuân Tử tuổi tác và đức hạnh đều cao, cho nên nhiều lần được tôn làm Tế tửu, ông thường bàn luận với tướng quốc nước Tề, nhưng sau cùng không được dùng. Ông bỏ Tề qua Sở, nhằm năm thứ 8 Sở Khảo Liệt Vương, tức Tề vương Kiến năm thứ 10. Tướng quốc nước Sở là Xuân thân Quân, cho Tuân Tử làm quan Lịnh đất Lan Lăng, nhơn đó mà Tuân Tử cất nhà luôn ở Lan Lăng. Khảo Liệt Vương ở ngôi 25 năm, sau khi mất, Xuân thân Quân bị giết, lúc đó Tuân Tử vẫn còn. Tuân Tử đã an dưỡng tuổi già luôn ở Lan Lăng, bèn dạy học, viết sách, đệ tử ông như Hàn Phi, Lý Tư, Phù khâu Bá, đều nổi danh sách Hán chí phần Nho giáo, có Tuân Khanh Tử, tự Tuân Tử, cho đến bây giờ vẫn còn. [Hàn Phi và Lý Tư thường thọ nghiệp với Tuân Tử, trong sách Sử ký, trong phần Lý Tư truyện và Hàn Phi truyện có chép điều nầy. Phù khâu Bá thường học kinh Thi với Tuân Tử, thấy có chép trong Hán thơ. Ba người nầy là những đệ tử nổi tiếng nhứt của Tuân Tử. Theo sách Hán chí thì sách Tuân Tử gồm 33 thiên, Lưu Thượng trong sách Tự Lục thì ghi 32 thiên, giống với bổn chúng ta có ngày nay]. Tuổi thọ của Tuân Tử và ngày sanh, ngày qua đời của ông, không có tài liệu gì dùng để xác định được cả. Con cháu của ông cũng không có sách vở gì ghi lại.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC