VƯƠNG DƯƠNG-MINH
VƯƠNG DƯƠNG-MINH LÚC THIẾU THỜI
TRẦN TRỌNG KIM
Trần Trọng Kim. Vương Dương Minh. Nxb. Tân Việt. 1960. | Phiên bản điện tử: tusachtiengviet.com
Vào quãng cuối thế-kỷ thứ XV và đầu thế-kỷ thứ XVI tức là vào quãng đời vua Hiếu-tông, Võ-tông và Thế-tông nhà Minh bên Tàu và vua Thánh-tông, Hiến-tông, Túc-tông, Uy-mục, Tương-dực và Chiêu-tông nhà Lê bên nước ta, có một người đại hiền-triết, đem cái học tâm-truyền của nho-giáo mà phát-minh ra và lập thành một học-phái rất có thế-lực. Nhà đại hiền-triết ấy tên là Vương Thủ-Nhân 王守仁, tự là Bá-an 伯安 (1472-1528), người đất Dư-diêu, tỉnh Chiết-giang. Ông làm nhà ở Dương-minh-động cách thành Hàng-châu 20 dặm, cho nên các học-giả gọi ông là Dương-minh tiên-sinh 陽明先生. Dương-minh là dòng-dõi nhà nho-học có tiếng trong đời nhà Minh, tổ-phụ là Vương Luân 王倫, tự là Thiên-tự 天敘, hiệu là Trúc-hiên 竹軒, thân-phụ là Vương Hoa 王華, tự là Đức-huy 徳揮, hiệu là Long-sơn 龍山. Ông thuở nhỏ thông-minh lạ thường, năm lên 10 tuổi, thân-phụ là Long-sơn-công đỗ trạng-nguyên, bổ làm quan trong triều, năm sau Long-sơn-công đón Trúc-hiên-công lên Bắc-kinh, khi đi qua Trấn-giang vào chơi chùa Kim-sơn, Trúc-hiên-công ngồi uống rượu với một người khách, người ấy muốn làm bài thơ, nghĩ mãi không xong, ông đứng bên cạnh làm ngay một bài đọc lên, ai cũng lấy làm kinh-dị. Lúc còn trẻ tuổi, tính ông hào-mại, không chịu cái gì cả. Long-sơn-công thường lấy làm lo, duy có Trúc-hiên-công biết ông mà thôi. Một “hôm ông hỏi thầy rằng : « Ở đời việc gì là hơn cả ? ». Thầy nói : « Chỉ có học rồi thi đỗ là hơn cả ». Ông ngờ là không phải và nói rằng : « Học để làm thánh-hiền là hơn ». Long-sơn nghe nói, cười rằng : « Mầy muốn làm thánh-hiền à ? ». Xem những chuyện ấy thì biết rằng từ thuở nhỏ ông đã có chí lớn, khác hẳn người thường. Tuy thế, lúc mới lớn lên, tính ông rất hăng-hái, thấy cái gì quan-hệ đến việc học hay việc tu-luyện thì ham-mê đến nỗi quên cả mọi việc. Thuở ông 15 tuổi, một hôm đi chơi ở cửa ải Cư-dung ngoài Vạn-lý-trường-thành, thấy người ở ngoài cửa ải cưỡi ngựa giong-ruổi, ông liền khái-nhiên có cái chí muốn đi đánh-dẹp bốn phương. Ông bèn lưu lại ở đó, ngày ngày tập ngựa, tập bắn đến hơn một tháng mới về. Thuở ấy ông thấy trong nước có nhiều giặc nổi lên, ông làm cái thư định dâng lên triều-đình nói việc chính-trị. Long-sơn-công cho là ngông, ngăn lại mới thôi. Năm 17 tuổi ông đến Giang-tây cưới vợ, lấy con gái Chư Dưỡng-Hòa, làm quan tham-nghị ở Bố-chinh ty. Ngày hôm sắp làm lễ hợp-cẩn, ông đi chơi đến Thiết-trụ-cung, thấy người đạo-sĩ đang ngồi tu-luyện, ông vào nghe cái thuyết trường-sinh, rồi tương-đối ngồi với người đạo-sĩ suốt đêm, quên cả việc cưới vợ. Sáng hôm sau nhà họ Chư cho người đi tìm mới về. Ông ở nhà họ Chư, có mấy tráp giấy, ông lấy ra tập viết hết cả. Ông thường nói rằng : « Ta khi mới học viết cứ theo chữ thiếp mà tập, thì chỉ tập được cái hình chữ mà thôi. Sau ta cầm bút lên không dám khinh-dị viết ngay, phải lặng-yên nghĩ cái hình chữ ra trong tâm rồi mới viết, lâu mới hiểu được thư-pháp ». Năm 21 tuổi, ông đỗ hương-thi, đến năm 28 tuổi là năm Hoằng-trị thứ 12 (1499) đời vua Hiếu-tông nhà Minh, ông đỗ đệ-nhị giáp tiến-sĩ (Hoàng-giáp) rồi vào tập sự ở bộ Công. Năm sau bổ làm chủ-sự ở bộ Hình. Từ đó ông bước vào hoạn-trường phải chịu mọi điều cay-đắng. Nhưng ông là người có thiên-tài, lấy cái sức của một nhà văn-học mà đi đánh-dẹp lập công, chẳng những là ông tỏ ra người có tài làm đại-tướng mà lại là một nhà chính trị và một nhà kinh-tế vô song, gây thành công-nghiệp rất lớn. Ngoài những công-nghiệp ấy, ông lại phát-huy ra cái thuyết tâm-học từ đời Mạnh-tử về sau, mãi đến đời Tống có Lục Tượng-sơn và đến đời Minh có ông mới thật là sáng rõ. Vậy nay ta hãy xét cái công-nghiệp, rồi sau xét cái học-thuyết của ông.”
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC