Triết học giáo dục

Việc giảng dạy triết học trong viễn tượng một triết học dấn thân (phần 1)

Khi chuyển nền học chính Pháp sang học chính Việt, người ta chỉ bằng lòng dịch chương trình Pháp sang chương trình Việt, hoặc thêm bớt đôi chút. Đó là tình trạng chung cho các bộ môn và cho cả hai ngành Đại học và Trung học. Riêng về Triết học, sau ít lâu người ta thấy chương trình có vẻ tây quá, nên thêm một phần Triết Đông vào một cách miễn cưỡng. Nhưng trong thực tế, ở Trung học, phần Triết Đông không được giảng dạy hay có dạy nhưng không ra đề thi, nhất là phần siêu hình học. Còn ở Đại học Văn khoa, Triết Đông ngang hàng với Triết Tây, nhưng không liên quan gì với nhau, như thể hai đường song song, và cũng chẳng rõ chạy về đâu, nhất là phần Triết Đông.

Đã hẳn không thể bằng lòng tình trạng trên, nhưng cũng không thể thỏa mãn với những cải tổ chắp nối, vá víu. Phải tiến tới một cải tổ hợp lý, nhưng chỉ có thể tiến tới một cải tổ hợp lý, nếu trước hết suy nghĩ về nền tảng chế độ giảng dạy triết học trong hệ thống giáo dục bắt chước Pháp hiện nay, và phê phán triệt để nền tảng đó.

Lớp triết ở trung học là một tổ chức đặc biệt Pháp, vì hầu hết các hệ thống giáo dục khác đều không có lớp triết như năm cuối cùng và kết thúc bậc trung học. Cho đến đầu thế kỷ XX, tất cả học sinh ban trung học đều phải học một năm triết học ở lớp cuối cùng.

Việc tổ chức lớp triết ở trung học dựa vào một quan niệm giáo dục coi mục đích của ban trung học là nhằm đào tạo văn hóa tổng quát và có tính cách trưởng giả. Đào tạo văn hóa vì không hướng ngay về chuyên nghiệp, dạy nghề; có tính cách trưởng giả vì chỉ dành riêng cho con cái thuộc từng lớp trưởng giả; con cái bình dân được hướng về những trường kỹ thuật ngay sau khi xong ban tiểu học; do đó hệ thống Lycée đưa tới đại học thường chỉ dành riêng cho con cái trưởng giả.

Nhưng sự tiến bộ khoa học kỹ thuật bắt đầu gây khủng hoảng giáo dục, đặc biệt ở lớp triết, lớp cuối cùng ban trung học. Nhu cầu dạy nghề sửa soạn chuyên khoa, đồng thời tính chất dân chủ hóa của nền văn minh kỹ thuật làm rạn nứt lớp triết, đưa đến việc thành lập vào khoảng năm 1900 lớp toán học, bên cạnh lớp triết, dạy toán nhiều giờ hơn dạy triết. Đến năm 1942, lại mở thêm một lớp đệ nhất thứ ba: lớp khoa học thực nghiệm. Kết quả giờ triết trở thành môn phụ và dạy một cách miễn cưỡng trong các lớp toán, khoa học, đồng thời những lớp này cũng thu hút đa số học sinh, và nhất là nam sinh.

Từ tình trạng sa sút trên của triết lý, có người nêu ý kiến bỏ hẳng môn triết học ở lớp Đệ nhất, hoặc chưa bỏ hẳn được thì coi như một môn miễn cưỡng, phụ thuộc, xa xỉ…

Vấn đề bỏ hay giữ lớp triết ở năm cuối cùng ban trung học tùy thuộc vào một quan niệm về giáo dục ở bậc trung học: trung học chủ yếu nhằm đào tạo văn hóa hay sửa soạn nghề nghiệp; đồng thời cũng tùy thuộc vào quan niệm về triết học: triết học xa rời thực tế cuộc đời trước mặc và khoa học kỹ thuật hay triết học gắn liền với mọi nỗ lực nhận thức để tìm kiếm khoa học và với cuộc đời muôn vẻ?

Vấn đề trên cũng đặt ra ở bậc Đại học. Căn cứ vào một quan niệm về giáo dục mới và một quan niệm về triết học dấn thân, có nên cần thiết lập những lớp Triết ở tất cả các phân khoa, chứ không phải chỉ ở Văn khoa: triết học hiểu như một tri thức luận của khoa học (épistémologie des sciences) và như một ý thức hệ (idéologie)?

Một quan niệm về triết học

Khi nói đến triết học, phản ứng hầu như tự nhiên của dư luận là mỉm cười một cách châm biếm hay mỉa mai vì đã coi triết học là cái gì cao xa, trừu tượng, gàn dở, cách biệt với thực tế.

Những điều đã học được ở lớp triết đệ nhất, có lẽ với số đông, chẳng còn âm hưởng tác dụng gì sau khi đã rời bỏ trung học, lên đại học, hay khi lăn lộn ngoài đời. Thực ra, sở dĩ phải học triết chỉ vì triết là một môn trong chương trình, và học để đi thi; thi xong là hết, thế thôi. Hoặc đôi khi đọc sách báo, gặp phải triết học, cũng chỉ thấy một mớ lý luận trừu tượng, tối tăm, lẩn thẩn, lập dị, không liên quan gì đến những bận tâm thiết thực của mình về phương diện kiến thức chuyên môn hay về phương diện những vấn đề, những khó khăn do đời sống thực tế hằng ngày đặt ra.

Những thiên kiến ngộ nhận đối với triết học, sở dĩ có, một phần lớn cũng tại triết học, khi triết học xuất hiện chỉ như một hư ngôn, tách biệt khỏi cuộc đời. Nói cho đúng, triết học có bàn về cuộc đời, nhưng là cuộc đời hiểu theo những khái niệm tổng quát, những ý tưởng đời đời, chứ không phải cuộc đời trước mặt, trong những hoàn cảnh cụ thể, thiết thực và thiết thân. Nhà triết học tạo ra một vũ trụ khép kín, trống rỗng, không liên quan gì với đời sống thực sự, hoặc vì không chú ý đến đời sống cụ thể, hoặc có chú ý đến, nhưng lại chỉ suy nghĩ nó một cách trừu tượng, khởi điểm từ ý niệm, nguyên tắc, không phải từ chính thực tại.

Tư tưởng tách rời khỏi thực tế, không chú ý đến thực tế, phản ảnh một tình trạng vong thân tư tưởng. Tư tưởng tự thiết lập thành một thế giới riêng và tin như thế, chẳng qua chỉ vì đã quên những điều kiện vật chất đã cho phép sự tách biệt và do đó tư tưởng tách biệt thực sự vẫn bị qui định, bị điều kiện vật chất chi phối. Tư tưởng vong thân vì không ý thức được sự chi phối đó, đồng thời cũng không còn có nữa. Tư tưởng cái gì, để làm gì. Tư tưởng sẽ trở thành rỗng tuếch, vô nghĩa khi không gắn liền với thực tại.

Tư tưởng cũng còn vong thân và hơn nữa là ảo tưởng ngay cả khi tư tưởng chú ý tới thực tế, muốn giải quyết những vấn đề của thực tế, nhưng tưởng rằng đã có thể giải quyết những vấn đề cuộc đời cụ thể đặt ra chỉ bằng những ý tưởng, trên địa hạt lý thuyết. Nói cách khác, triết lý tư tưởng về cuộc đời cụ thể, nhưng lại không bám sát vào thực tại cụ thể, mà chỉ suy diễn bằng những khái niệm, hơn nữa cũng không gắn bó với một hành động tranh đấu, do đó không thể tác dụng gì được vào thực tại và tư tưởng dấn thân trở thành bất lực, vô ích như lời phê phán của một nhà triết học: “Họ quên rằng chính họ chỉ lấy những câu đối lập với những câu, chứ không hề nhằm chống lại thế giới đích thực và vì thế họ chỉ chống lại những câu.” (Ý thức hệ Đức).

Tình cảnh vong thân của triết lý dửng dưng và những ảo tưởng của triết lý dấn thân không xóa bỏ triết học mà chỉ tố cáo một tình cảnh lầm than và một quan niệm suông, đồng thời bày tỏ sự cần thiết có một triết học gắn liền với thực tế và thực sự sửa soạn, chuẩn bị cho hành động hiệu nghiệm.

Triết học và Khoa học

Triết lý, ở khởi điểm lịch sử, Đông cũng như Tây, đều xuất hiện như một đạo lý chủ yếu nhằm hướng dẫn cuộc sống, hành động. Sau đó, triết học Tây phương dần dần thu hẹp chỉ trong một tri thức, chủ yếu nhằm biết để mà biết, và cuối cùng, chỉ còn là một phê bình những điều kiện tri thức, nghĩa là chủ yếu nhằm tìm hiểu, không phải để biết điều nọ điều kia, mà là có thể biết được không và nếu có thể biết, thì biết được đến đâu. Suốt mấy thế kỷ triết học Âu chân chỉ lẩn quẩn với tri thức luận, không thoát khỏi vấn đề đó, rồi vì không thể giải quyết ổn thỏa, cho nên bỏ quên mọi sự, và dĩ nhiên bỏ quên cả cuộc đời… Triết học Đông phương sau khi một vài hệ thống lớn ra đời, cũng không sao thoát khỏi sự ràng buộc với những hệ thống đó và cứ kéo dài mãi tình trạng ngưng đọng cho đến lúc tiếp xúc với tư tưởng và văn minh tây phương.

Thế giới ngày nay dưới sự chi phối của tri thức khoa học và nền văn minh kỹ thuật, vẫn chưa tìm ra một thế giới quan có khả năng giải thích toàn thể một cách hợp lý và đích thực. Đã hẳn triết học cổ điển tây phương và đông phương, hoặc là không chú ý tới thế giới ngày nay, hoặc là để ý tới nhưng bất lực, không giải thích được vì thiếu những lược đồ, phạm trù thích hợp. Một vài khuynh hướng triết học hiện đại thể hiện qua các phong trào mác-xít, hiện sinh, nhân vị của Mounier, là những nỗ lực nhằm lãnh hội và giải thích thế giới ngày nay bằng những phạm trù lược đồ mới, tuy chưa hẳn  đạt tới một giải thích thỏa đáng, nhưng quả thực là đã gắn bó với thực tế cuộc đời.

Trong một quan niệm coi triết lý gắn liền với mọi khía cạnh của thực tại và mọi sinh hoạt của con người, dĩ nhiên triết học liên quan với khoa học. Suy tưởng triết học bắt đầu từ những kiến thức khoa học nhằm xác định ý nghĩa, đối tượng, lãnh vực của tri thức khoa học trong toàn thể tri thức của con người và xác định toàn thể tri thức trong toàn thể sinh hoạt của con người. Nói cách khác, triết học là một ý hướng bao quát, một dự định toàn thể hóa cuộc đời.[1] Vấn đề không phải là có thực hiện được dự định đó hay không, và nhất là thực hiện được mà kết quả là những hệ thống, có đích đáng chân thực hay không; vấn đề là con người có tránh được dự định toàn thể hóa cuộc đời hay không. Nếu không thể tránh được, triết học sẽ là một nhu cầu, và phải được biện minh.

Khi Marx nói: “Nhân loại chỉ đặt những vấn đề nó có thể giải quyết được”, ông có ý đả kích những triết học như một nỗ lực giải quyết những vấn đề không thể giải quyết được vì không phải là vấn đề của con người trong hoàn cảnh sinh sống cụ thể của mình.

Thực ra, nhân loại luôn đặt hai loại vấn đề : một loại có thể thực sự giải quyết dần dần được, đó là những vấn đề thuộc lãnh vực người đời (vấn đề cơm áo, giao thiệp, khoa học, kỹ thuật…) và một loại vấn đề không bao giờ giải quyết dứt khoát được mà vẫn phải đặt đi đặt lại mãi mãi, đó là loại vấn đề đụng chạm đến ý nghĩa toàn thể đời người. Con người vẫn phải đặt vấn đề không giải quyết dứt khoát được và giải pháp đề ra không có giá trị khách quan phổ biến  cho mọi người, chỉ vì con người là một vật biết tra hỏi về ý nghĩa mỗi khía cạnh thực tại, mỗi sinh hoạt của mình, và sau cùng, tra hỏi về ý nghĩa toàn thể thực tại, toàn thể sinh hoạt cuộc đời; tra hỏi để làm gì để có thể sống như là người. Con người có thể gán cho toàn thể thực tại, toàn thể cuộc đời mình một ý nghĩa, quan niệm nào đó, nhưng nó không thể không gán cho thực tại cuộc đời một ý nghĩa, nghĩa là nó không thể tránh được triết lý.

Bất cứ một sự kiện nào của thực tại, một sinh hoạt nào của con người, cũng đều có thể là con đường đưa tới suy tư triết học, nghĩa là thực hiện ý hướng bao quát cuộc đời, dự định toàn thể hóa thực tại. Trong viễn tượng đó những triết học buộc các nhà khoa học phải chú ý, là những triết học bắt đầu từ khoa học và có lẽ cũng chỉ những triết học đó mới thực sự nghiêm chỉnh. Người ta có thể nghĩ tới triết học của Merleau-Ponty dựa vào những kiến thức của tâm lý học thực nghiệm như bệnh lý học và tâm lý học loài vật, triết học của Claude Lévi-Strauss xuất phát từ những sưu tầm hiện đại nhất về nhân chủng học, và nhất là triết học của Teihard de Chardin. Căn cứ trên những kiến thức về cổ sinh vật học, linh mục đã phác họa một cái nhìn bao quát không những thực tại cuộc đời này, mà còn cả vũ trụ trong lịch trình diễn tiến của nó, từ khởi điểm đến tận cùng lịch sử. Người ta, kể cả các nhà khoa học, có thể hoài nghi hoặc không đồng ý về vũ trụ quan của Teihard de Chardin, nhưng không thể hoài nghi căn bản từ đó linh mục phác họa cái nhìn bao quát và do đó tính cách nghiêm chỉnh trong dự định toàn thể hóa của linh mục.

Triết học là một dự định nhận thức về toàn thể, khởi điểm từ kiến thức khoa học, nhưng vượt kiến thức khoa học. Khoa học tìm hiểu những sự kiện vật lý-hóa-sinh trong lãnh vực hiện tượng vật chất. Sự tìm hiểu khoa học chỉ chính đáng và hiệu nghiệm trong giới hạn trên. Nhưng khi tìm hiểu khoa học như một bộ môn nhận thức liên quan với toàn thể các bộ môn nhận thức để bày tỏ ý nghĩa của mối liên quan đó, sự tìm hiểu vượt khỏi lãnh vực khoa học, đồng thời cũng không thể thực hiện được với những phương tiện khoa học. Hỏi vật lý là gì trong viễn tượng liên hệ vật lý với toàn thể nhận thức thì đó không phải là một câu hỏi vật lý, cho nên vật lý học cũng không thể giải đáp được, vì câu hỏi vượt quá lãnh vực, phương pháp, khả năng vật lý học. Khoa học có đối tượng nghiên cứu sự kiện nọ, sự kiện kia, nhưng còn chính khoa học không bao giờ là đối tượng nghiên cứu của khoa học. Trong thực tiễn làm công tác khoa học, chỉ có những khoa học, không có khoa học, và ý niệm khoa học tự nó đã là triết học.

Triết học không cần thiết cho nhà khoa học với tư cách là nhà khoa học, trong thực tiễn nghiên cứu khoa học, nhưng cần thiết cho nhà khoa học với tư cách con người đứng trước công trình khoa học. Với tư cách nhà khoa học, việc nghiên cứu khoa học nhằm tìm hiểu ý nghĩa vật lý của sự kiện vật chất; nhưng nhà khoa học không thể không tìm hiểu ý nghĩa nhân loại của sự kiện vật chất vì nhà khoa học là con người dùng khoa học. Một vài trường hợp đặc biệt bó buộc nhà khoa học vượt lãnh vực thuần túy vật lý để tìm hiểu ý nghĩa nhân loại (luân lý, triết lý) của việc nghiên cứu khoa học như một đòi hỏi gắn liền với chính việc nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn vật lý nguyên tử. Việc nghiên cứu nguyên tử thúc đẩy nhà bác học phải suy nghĩ đến những hậu quả nhân loại của sự phát minh và xử dụng nguyên tử lực. Bom nguyên tử đã gây một khủng hoảng tinh thần, một thức tỉnh luân lý ở nơi các nhà bác học khi họ buộc phải tra hỏi về khả năng tàn phá của nguyên tử lực. Những Einstein, Oppenheimer, đã phải thắc mắc về số phận nhân loại và nhận ra rằng “ý niệm và tiến bộ khoa học từ nay mật thiết gắn liền với ý niệm và số phận nhân loại.”

Ý niệm “số phận” không phải là một ý niệm khoa học nhưng là một ý niệm luân lý, triết lý; tuy nhiên ý niệm số phận không còn phải là của riêng nhà triết học, luân lý nhưng là của cả nhà khoa học. Nó chi phối, quyết định việc nghiên cứu của nhà bác học. Những vụ một số nhà bác học chuyển tài liệu mật về nguyên tử, hay trốn sang một quốc gia thù định chứng tỏ sự chi phối ý thức đạo đức, lương tâm nhân loại trong công trình nghiên cứu khoa học. Hơn nữa những vụ đó còn bày tỏ sự phá sản của luân lý cựu truyền về quốc gia, tổ quốc. Những giá trị hay phản giá trị như lòng ái quốc, sự phản bội dân tộc, không còn nghĩa gì khi chính số phận nhân loại bị đe dọa ngay trong sự sống còn của nó. Chính bởi thế mà những nhà bác học trên không ngần ngại tiết lộ bí mật nguyên tử khi nghĩ rằng không thể để cho một nước độc quyền bí mật nguyên tử, dù nước này là nước mình, vì độc quyền nguyên tử bao hàm mối đe dọa thống trị bá chủ thế giới. Do đó, khoa học không phải là toàn thể nhận thức, càng không thay thế được toàn thể nhận thức, trái lại, thiết yếu gắn liền với những nhận thức khác (đạo đức, triết học) như một đòi hỏi phương pháp luận (exigence méthodologique) của chính việc nghiên cứu khoa học. Nhà khoa học phải từ bỏ dự định ngây thơ giản lược mọi nhận thức vào khoa học, vì chính quả quyết chỉ có khoa học mới là trí thức chân thực, đã tạo ra một quả quyết triết lý rồi; thái độ khoa học là thái độ quả quyết hay phủ nhận điều gì được đặt trên cơ sở thực nghiệm, nghĩa là có thể kiểm chứng bằng thí nghiệm. Như thế, việc quả quyết chỉ có khoa học (giản lược toàn thể thực tại vào khía cạnh vật chất, toàn thể khả năng nhận thức vào khả năng thực nghiệm) không phải là một quả quyết khoa học, vì chưa có đủ sự kiện chứng minh thực tại chỉ là vật chất.

Berthelot đã viết: “Thế giới ngày nay không còn huyền bí nữa. Dù sao vũ trụ vật chất cũng là lãnh vực của khoa học, và không ai dám chống lại đòi hỏi đó. Khái niệm phép lạ và siêu nhiên tan biến như một ảo ảnh vô ích, một thiên kiến lỗi thời.” Đó là một tuyên ngôn như thể một tuyên xưng đức tin của người tín hữu. Nếu hiểu huyền thoại là một niềm tin vào một điều gì được coi là niềm tin vào một điều gì được coi như chân lý hiển nhiên, nhưng không dựa trên một nền tảng kiểm chứng nào, thì niềm tin ở khoa học là một huyền thoại: tin ở khả năn vô hạn của khoa học, tin ở khoa học có thể giải quyết được mọi vấn đề, tin chỉ có vũ trụ hợp lý… Niềm tin trên đây có tính cách huyền thoại và không có giá trị khoa học, vì thực sự khoa học chỉ giải quyết được một số vấn đề nhất định, và cái hợp lý khoa học không phải là toàn thể cái hợp lý (le rationnel). Khoa học càng tiến bộ, càng giải quyết được nhiều vấn đề, và do đó, như thể càng mở rộng cái hợp lý và thu hẹp cái huyền bí của vũ trụ; nhưng phải chăng thực ra, tiến bộ khoa học chỉ làm cho ta ý thức sâu xa hơn tính cách hạn hẹp của cái hợp lý khoa học, và tính cách mênh mang của huyền bí vũ trụ như Einstein đã nói: “Vũ trụ này có thể hiểu được, nhưng điều không thể hiểu được chính là sự kiện vũ trụ này có thể hiểu được.” Vũ trụ này , và khoa học tìm hiểu những định luật giải thích sự vận chuyển và cách cấu tạo của nó. Luôn luôn khoa học bao giờ cũng chỉ là đứng trước cái đã có hay đang có, cái có đấy rồi. Nhưng nếu hỏi tại sao vũ trụ có như thế đấy, thì vấn đề nguồn gốc hiện hữu của vũ trụ vượt khỏi lãnh vực khoa học vì khi nhà khoa học bắt đầu tìm hiểu sự kiện, vũ trụ, thì sự kiện, vũ trụ đã có đấy rồi, trước khi nhà khoa học suy nghĩ về nó.

Cũng như chính nhà khoa học, sở dĩ có thể suy nghĩ về khoa học, là vì nhà khoa học không phải chỉ là đối tượng khoa học, như Jean Lacroix đã nói: “Con người không thể là nhà sử học nếu chỉ thuần túy là một vật lịch sử, cũng như không thể là nhà kinh tế học nếu chỉ thuần túy là một vật kinh tế.”

Nếu hiểu triết học chỉ là dự định toàn thể hóa, một ý hướng về nền tảng, đã rõ triết học gắn liền với mọi bộ môn khoa học, không những khoa học thiên nhiên, mà nhất là khoa học xã hội, nhân văn. Không thể chỉ học luật như một kiến thức chuyên môn (chỉ biết luật) mà không đặt pháp lý vào một toàn thể để tìm hiểu ý nghĩa và giá trị đích thực của nó trong toàn thể (toàn thể nhận thức, và toàn thể thực tại xã hội chính trị).

Do đó, nếu quan niệm bậc Trung học chủ yếu nhằm đào tạo văn hóa, nghĩa là đào tạo con người, không thể bỏ qua triết học là bộ môn nhằm khiêu gợi, đặt những vấn đề thái độ của con người trước cuộc đời, trước những sinh hoạt của con người (nhận thức, hành động), ở lớp kết thúc bậc trung học.

Hơn nữa trên Đại học, cũng không thể chỉ dành môn triết học cho riêng Đại học Văn khoa, nhưng là cho tất cả mọi phân khoa. Chỉ có nền Đại học Pháp chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa thực nghiệm lỗi thời, đã gạt ra khỏi các phân khoa, trong khi ở Đức, mỗi giáo sư trung học đều có thể dạy hoặc triết học hoặc một bộ môn khác (Văn, Sử, Toán, Khoa học), ở Bỉ năm đầu các phân khoa đều có giờ triết, ở Ý mọi phân khoa Luật đều có một ghế về triết học pháp lý.

 

(còn tiếp 1 kỳ)
NGUYỄN VĂN TRUNG
Kỳ tới: Triết học với đời sống

 

Nguồn: Tạp chí Bách Khoa Thời Đại, số 254, ngày 01-08-1967, trang 3-8. Bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.



[1]   Dự định toàn thể hóa là dự định nhận thức gán cho cuộc đời toàn diện một ý nghĩa nào đó.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt