CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC (BÀI 28)
GIÁO DỤC TRONG VIỄN TƯỢNG "ĐẠO ĐỨC HÓA"
BÙI VĂN NAM SƠN
Bùi Văn Nam Sơn. “Giáo dục trong viễn tượng ‘đạo đức hóa’”. Người Đô Thị, Bộ mới, số 19, 05.06.2014 | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do tác giả gửi.
Ta đã biết bốn trách vụ chủ yếu của giáo dục theo Kant: kỷ luật hóa, văn hóa hóa, văn minh hóa và đạo đức hóa. Ta có thể nhận ra cung cách suy nghĩ cơ bản của Kant thông qua trách vụ thứ tư (đạo đức hóa) thường bị ngộ nhận do không hiểu đúng hay hiểu quá hạn hẹp về khái niệm "đạo đức". Nơi Kant, "đạo đức" hàm nghĩa rất rộng, như là một sự cam kết đối với "thế giới đạo lý trong tương lai". Đạo đức hóa có nghĩa là làm cho con người - thông qua giáo dục - có thái độ hướng thiện và biết lựa chọn những mục đích tốt đẹp. "Mục đích tốt đẹp là những gì nhất thiết được sự tán đồng phổ quát và đồng thời là mục đích của mọi người.". Như thế, việc giáo dục, vun bồi phẩm chất đạo đức, theo Kant, gắn liền với phẩm giá của mọi con người. Trong cách hiểu ấy, "đạo đức hóa" nhất thiết mang tinh thần của việc làm "người công dân thế giới", chống lại mọi hình thức chà đạp phẩm giá con người của chủ nghĩa vị chủng, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa đặc tuyển v.v… Đó là lý do khiến Kant cho rằng trách vụ thứ tư này là khó khăn nhất và là nhiệm vụ trường kỳ mà nhân loại phải phấn đấu trong tương lai lâu dài. Triết thuyết giáo dục của Kant bắt rễ sâu trong toàn bộ triết học của ông, nhất là trong tư tưởng đạo đức học. "MỆNH LỆNH NHẤT QUYẾT" "Mệnh lệnh nhất quyết” (cũng thường được dịch là “mệnh lệnh tuyệt đối") là thuật ngữ trung tâm của đạo đức học Kant. Mệnh lệnh là tên gọi chung cho những gì ta nên làm hoặc không nên làm trong lĩnh vực hành động, khi trả lời câu hỏi: Tôi phải làm gì? Thế nhưng tại sao lại là "mệnh lệnh"? Đơn giản chỉ vì ta không phải lúc nào cũng sẵn sàng và tự nguyện làm điều đúng và điều tốt một cách tự động, vì thế, cần phải được yêu cầu làm thế này chứ không phải thế khác, hoặc không được phép làm nếu thấy (hoặc có thể thấy) rằng đó là không ổn, không đúng về mặt đạo đức. Như ta đã biết, theo Kant, con người đồng thời là "công dân" của hai thế giới: thế giới khả giác, thường nghiệm và thế giới siêu cảm giác hay khả niệm (thế giới của lý tính, có thể suy xét được). Người ta thường gọi đó là "thuyết hai thế giới". Là sinh thể xác thịt, có nhu cầu, ta hoàn toàn thuộc về thế giới khả giác và phụ thuộc vào việc thỏa mãn những nhu cầu. Nhưng, mặt khác, là sinh thể có lý trí, ta lại có thể - dù một phần nào đó - vượt lên khỏi ranh giới của thế giới khả giác, và ít ra cũng có thể hành động ngược lại với xu hướng, dục vọng trực tiếp của mình. Chính năng lực mà ai cũng thừa nhận này, theo Kant, là bằng chứng cho thấy ta có thể là những tác nhân luân lý, đạo đức, nghĩa là, kỳ cùng, ta có thể là tự do, tự trị, tức có thể quyết định một hành động cần thiết về đạo đức mà không chịu ảnh hưởng từ bên ngoài (hoặc bên trong). Ở đây, ta không nên vội hiểu lầm. Kant không hề chủ trương rằng cứ phải chống lại xu hướng, ham muốn mới là tốt theo kiểu "diệt dục", trái lại, ông chỉ nhấn mạnh đến năng lực vượt lên khỏi xu hướng, ham muốn tự nhiên, nhất là về phương diện đạo đức. Một ví dụ: khi người thân yêu của ta gặp nạn, ví dụ rơi xuống nước, ta làm mọi cách để cứu sống. Nhưng, nếu đó không phải là người thân mà là kẻ xa lạ, thậm chí kẻ thù của ta thì sao? Cứ để mặc cho người ấy chết đuối là việc dễ dàng, không ai biết và cũng không ai trách móc. Trong hai trường hợp, tính chất "đạo đức" có khác nhau không? Theo Kant, chỉ trong trường hợp sau, ta mới chứng tỏ rằng mình có năng lực lấy thái độ đạo đức và hành động tương ứng với nghĩa vụ đạo đức. Trong trường hợp trước, điều ấy không bộc lộ rõ. Tất nhiên, trong cả hai trường hợp, ta đều được kêu gọi phải làm hết sức mình để cứu người bị nạn. Lời kêu gọi này, hay đúng hơn, "mệnh lệnh" đạo đức này đều là "nhất quyết", đối với ai có thể cứu giúp và cho những ai cần được cứu giúp. Thậm chí, Kant không chỉ nói về "con người", mà cho cả mọi "sinh vật hữu hạn và có lý tính" nói chung. Nghĩa là, mệnh lệnh này cũng “nhất quyết" có giá trị khi giả định ta gặp một… người ngoài hành tinh bị lâm nạn! Bây giờ, thêm một tình huống khác. Trong lúc khẩn cấp, ta ném cho người bị nạn (dù là người thân hay kẻ thù) một khúc gỗ để họ bám vào. Không may, khúc gỗ ấy rơi đúng vào đầu nạn nhân! Ta có thể cho rằng việc ném ấy chịu trách nhiệm về cái chết của nạn nhân? Độc lập với việc quy kết trách nhiệm như thế nào thì về phương diện đạo đức, không thể quy kết và lên án được, bởi ai cũng đồng ý rằng, trong tình huống ấy, động cơ của hành động là nhằm cứu giúp chứ không phải để giết người! ĐỘNG CƠ VÀ TRÁCH NHIỆM Từ khi Max Weber, trong luận văn "Chính trị như là nghề nghiệp" (1919), phân biệt giữa đạo đức học trách nhiệm và đạo đức học động cơ, Kant được xem như người chủ soái của đạo đức học động cơ, chủ trương phán xét đạo đức chủ yếu dựa vào động cơ hay ý đồ chủ quan hơn là vào những hậu quả của hành động. Sự phân biệt này có ảnh hưởng không nhỏ đến những tranh cãi trong lĩnh vực luật hình sự (chẳng hạn, chủ nhà máy hóa chất làm ô nhiễm nguồn nước và môi trường có thể thoái thác trách nhiệm viện cớ không biết hay không mong muốn?). Một khảo sát thú vị: trẻ em thường bắt đầu từ đạo đức học trách nhiệm rồi dần dần sẽ đến đạo đức học động cơ. Một em bé hăng hái giúp mẹ làm bếp và lỡ tay đánh vỡ cả đống chén bát. Một bé khác không chịu giúp mẹ mà còn giận dỗi ném vỡ ly nước. Hỏi những đứa bé 5 tuổi, chúng cho trường hợp trước là xấu, trong khi các bé lớn hơn thì đánh giá ngược lại, rõ ràng từ việc xem xét động cơ của hành động! Việc đối lập triệt để giữa hai loại đạo đức học chắc hẳn không thể giải quyết vấn đề đạo đức vốn rất phức tạp và Kant cũng không muốn rơi vào một sự lựa chọn cực đoan. Tuy nhiên, quả thật Kant rất xem trọng động cơ của hành động, mà ông gọi là "những châm ngôn", tức những cơ sở chủ quan của ý chí. Trong một tình huống quan trọng về đạo đức và ta tự hỏi phải làm gì, thì theo Kant, điều hệ trọng là phải xét xem châm ngôn hướng dẫn hành động có thể được phổ quát hóa mà không gặp mâu thuẫn hay không. Vượt qua được cuộc trắc nghiệm này sẽ là mệnh lệnh nhất quyết. Tất nhiên, không phải là trắc nghiệm những quy tắc cụ thể (vd; muốn cứu người, phải ném cho một khúc gỗ!). Vả lại, không phải cái gì có thể phổ quát hóa cũng có ý nghĩa đạo đức, vì bên cạnh mênh lệnh đạo đức, còn có những loại mệnh lệnh khác mà ông gọi là mệnh lệnh giả thiết, mang tính kỹ thuật hay thực dụng, không xét đến ý chí của con người (vd: muốn làm giàu, phải kinh doanh, nhưng chưa chắc ai cũng muốn... làm giàu!). Chúng là có điều kiện, không phải vô điều kiện, là tương đối, không phải tuyệt đối. "Mệnh lệnh nhất quyết" của Kant không khô khan, khắc nghị, trái lại, là tiền đề cho (giáo dục) tự do và tự trị, như ta sẽ thấy. BVNS |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC