Triết học giáo dục

“Chỉ còn con đường phê phán là rộng mở”

CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC (BÀI 51)

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52
53 54 55 56 57 58 59 60                                    

 

 

"CHỈ CÒN CON ĐƯỜNG PHÊ PHÁN LÀ RỘNG MỞ"*

 

BÙI VĂN NAM SƠN

 


Bùi Văn Nam Sơn. “Chỉ còn con đường phê phán là rộng mở”. Người Đô Thị, Bộ mới, số 44, 24.12.2015. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do tác giả gửi.


 

Triết thuyết giáo dục đương đại đề cao tinh thần hoài nghi (khoa học) thừa hưởng nhiều di sản tinh thần quý báu từ quá khứ.

Công việc chủ yếu của nhà hoài nghi là khảo nghiệm, tra hỏi. Từ "hoài nghi" ở phương Tây xuất phát từ gốc Hy Lạp là sceptikos: người tra hỏi đến cùng. Triết học hoài nghi là tra hỏi xem nhận thức và mọi khẳng định có đáng tin cậy không. Còn thuyết hoài nghi thì triệt để hơn mọi sự hoài nghi thông thường; nó thường phủ nhận khả năng nhận thức nói chung. Nhưng, một sự hoài nghi triệt để như thế lại cũng mang tính giáo điều, vấp phải sự tự mâu thuẫn (hóa ra sự hoài nghi triệt để lại là không thể hoài nghi!), vì thế thái độ giáo điều ấy cũng cần được nhận diện, phê phán.

Với vô số phiên bản của sự hoài nghi trong lịch sử, từ Sextus Empiricus cho đến Montaigne, Bayle, Hume và Santayana, vấn đề ngày nay không phải là xét xem lập trường hoài nghi nói chung có đứng vững hay không về mặt triết học, mà chú ý nhiều hơn đến chất lượng của những luận cứ và những phản bác của nó chống lại các yêu sách của các nền triết học và học thuyết giáo điều. Dù sao cũng phải thừa nhận: thái độ hoài nghi và thuyết hoài nghi bao giờ cũng là nguồn suối cho sự đổi mới tư duy và khoa học.

Vậy sự hoài nghi và sự phê phán khác nhau ở chỗ nào? Kant là người đầu tiên nêu ra sự phân biệt có ảnh hưởng sâu rộng đến ngày nay. Kant phân biệt giáo điều, hoài nghi và phê phán (Phê phán lý tính thuần túy, A 388 và tiếp). Người giáo điều nêu ra một khẳng định hay lập trường chắc như đinh đóng cột. Chống lại khẳng quyết giáo điều ấy, ta có thể đề ra một khẳng quyết ngược lại, nhưng cũng không kém giáo điều. Nói một cách hình ảnh, trong cuộc ác chiến ấy, ta chọn đứng về một phe và hăng hái múa gươm xông vào trợ chiến! Thái độ hoài nghi thì đem hai lập trường tương phản ấy đối chiếu với nhau, kết luận rằng cả hai tuy tương phản nhưng đều là giáo điều cả, nên tốt hơn hết là không tin theo cái nào và "hoàn toàn bác bỏ mọi ý kiến về sự việc". Trong khi đó, thái độ phê phán thì khác! Nó không cho rằng mình "giỏi hơn" để có thể dạy bảo người khác, nghĩa là, thay vì cho rằng phe này, phe kia hoặc cả hai phe là "sai", sự phê phán tập trung vào việc xem xét sự chứng minh của mỗi bên "có cơ sở" hay không (từ đâu và nhờ cái gì bạn đi đến khẳng định ấy? Bạn đã kiểm tra năng lực nhận thức của bạn chưa? v.v.) và kết luận rằng cả hai bên đều "không có cơ sở", không thích đáng về mặt khoa học. Trong cách hiểu này, ta thấy thái độ phê phán "khiêm tốn" hơn thái độ hoài nghi, nhưng, về mặt nhận thức và lập luận, lại "khó" hơn nhiều, đòi hỏi nhiều tri thức, nhất là về cung cách tư duy được Kant gọi bằng một thuật ngữ khá đặc biệt: "tư duy siêu nghiệm" (transzendental). "Siêu nghiệm" là biết giữ khoản cách, nhưng thay vì để vươn lên cái siêu nhiên (gọi là "siêu việt"/transzendent), thì đi lùi lại để đặt câu hỏi cơ bản hơn về điều kiện khả thể của những mệnh đề, phát biểu, kinh nghiệm, quan niệm, ý tưởng v.v., tức về những điều kiện có trước kinh nghiệm.

Tiếp thu và vận dụng di sản hoài nghi và phê phán vào tư duy giáo dục đương đại gắn liền với tên tuổi của nhiều nhà triết học giáo dục. Wolfgang Fischer không phải ngẫu nhiên định danh cho triết thuyết giáo dục của mình một cách khá rườm rà là: "hoài nghi-phê phán siêu nghiệm"! Cũng trong chiều hướng ấy, Lothar Wigger xem mục tiêu của phân tích giáo dục trong tinh thần hoài nghi-phê phán là sự "giải ảo", xoay quanh bốn khả thể:

1. nhận ra thuyết giáo điều khó tránh khỏi, ẩn giấu trong những đề án giáo dục;

2. nhận ra rằng những đề án hay lý luận giáo dục đang cạnh tranh nhau cũng chỉ có giá trị tương đối;

3. nhận ra sự cần thiết lẫn khả năng của một nền tân giáo dục; và sau cùng,

4. nhận ra việc cần phải bàn thảo và cân nhắc thật cởi mở và cầu thị về các lựa chọn khác nhau.

DÂN CHỦ VÀ ĐẠO ĐỨC TRONG HOÀI NGHI VÀ PHÊ PHÁN

Đâu là giá trị giáo dục của sự hoài nghi-phê phán? Trong nhiều câu trả lời, tác động của nó đến nếp sống dân chủ trong cộng đồng là đặc biệt quan trọng. Theo cách nói của W. Fischer, sự hoài nghi-tự phê phán giúp ngăn ngừa chủ trương "bảo căn" (fundamentalist) cực đoan và nền giáo dục dựa vào quyền uy. Như nhận xét tinh tế của Hannah Arendt, giáo dục bảo căn và quyền uy, phản phê phán dẫn đến việc lười tư duy và vô tư tưởng. Điều này thường xảy ra trong thực tế và nguy hại hơn là việc tư duy sai lầm!

Bên cạnh đó là kích thước đạo đức. Hoài nghi-phê phán có thể dẫn đến việc cảm thấy bơ vơ, bất lực như đã nói trong bài trước. Nhưng, như khi cha mẹ thấy "bất lực" trong việc dạy dỗ con cái, ít ra cảm giác ấy cũng có mặt tích cực: không thể đổ hết lỗi cho người khác và dám thừa nhận trách nhiệm của mình.

"TU THÂN" HIỆN ĐẠI HÓA!

Michel Foucault là người có công "đào bới" trong di sản đạo đức học Socrates và Hy Lạp cổ đại ý niệm về "vun bồi bản thân", đặc biệt được định hình ở các thế kỷ đầu tiên sau công nguyên. Foucault, trong Tính dục và Chân lý (tập 3, 1989) không làm công việc của nhà sử học cho bằng của nhà triết học giáo dục. "Vun bồi bản thân", trong truyền thống hoài nghi-phê phán và khắc kỷ không chú trọng đến "nội tâm" kiểu chàng Narciss tự nhìn nhắm chính mình, mà mang đậm tính cộng đồng và truyền thông, gồm nhiều thể cách: - được rèn luyện nhiều "kỹ năng" hay bài tập cụ thể trong thể dục và trí dục (đọc và viết); - sự phản tỉnh triết học là "phương thuốc" điều trị tâm hồn. Trường học không đặt trọng tâm vào truyền đạt kiến thức và chuẩn bị nghề nghiệp mà phải là... "bệnh viện" (iatreion): người học nhận rõ tình trạng "bệnh lý" của mình; khi ra trường, càng thấy mình không hoàn thiện, không biết gì, cần được tu sửa và tiếp tục đào tạo. - nguyên tắc của giáo dục "điều trị" là "quay trở về với chính mình", không theo nghĩa vị kỷ mà là tự kiểm và tự tại.

Toàn bộ "động lực" của tư tưởng "tu thân" này là nhắm đến sự chuyển hóa chứ không phải sự hoàn hảo hay hoàn tất. Theo kết luận của Foucault - và theo ông, hoàn toàn có thể áp dụng cho ngày nay -, "điều quan trọng nhất trong cuộc sống và lao động là trở thành cái gì vốn chưa có ngay từ lúc đầu". Tức là, biến cuộc đời mình thành "sự nghiệp", với giá trị thẩm mỹ và phong cách riêng biệt, đặc sắc.

Thời đại chúng ta khác xa thời cổ đại, nhưng, theo Foucault, có một điểm chung: không muốn chỉ đặt cơ sở cho luân lý, đạo đức bằng những nguyên tắc siêu nhiên và không muốn đời sống riêng tư lẫn nhân cách của ta hoàn toàn bị chi phối bởi hệ thống pháp lý và chính trị ngoại tại. Nhưng, liệu "con ruồi trâu" giáo dục và "con cá đuối điện" triết lý ngày nay có còn đủ sức mạnh như trước đây?

BVNS

 

* Kant: Phê phán lý tính thuần túy, B 884.

 

 

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52
53 54 55 56 57 58 59 60                                    

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt