Triết học giáo dục

Việc giảng dạy triết học trong viễn tượng một triết học dấn thân (phần 2)

Triết lý và cuộc đời

Triết lý gắn liền với kinh nghiệm sống và là cái nhìn về toàn thể cuộc đời, về ý nghĩa sau cùng đời người. Nếu triết lý chỉ bày tỏ cái nhìn về cuộc đời, triết lý bao hàm trong mọi thái độ sống và không ai tránh được triết lý vì bất cứ thái độ nào của con người trước cuộc đời đều bày tỏ một ý nghĩa: vì hiểu đời như thế nên có thái độ như thế.

Do đó có thể tìm thấy triết lý trong nụ cười, cái nhìn, lời nói, cử chỉ yêu đương giận ghét, trong những lễ nghi, tập tục xã hội, tác phẩm văn chương, và triết học chẳng qua chỉ là thái độ sống bao hàm ý nghĩa triết lý được diễn tả bằng tư tưởng trong một hệ thống mạch lạc. Trong viễn tượng đó, không phải mọi người, mọi dân tộc đều có triết học, nhưng không có người nào, dù là bán khai, một dân tộc nào, dù là chậm tiến, không có triết lý.

Nhưng triết học, ở những nơi có tư tưởng hệ thống, đã trở thành một tri thức tách khỏi cuộc đời. Triết học đi từ cuộc đời nhưng dễ chối bỏ nó, vì triết học chỉ nhằm đạt tới cái tổng quát, phổ biến, vĩnh cửu, không phải bằng cách giữ lại cái cá biệt, riêng tư, cụ thể, biến dịch trong cái tổng quát, phổ biến, vĩnh cửu, mà bằng cách xóa bỏ chúng. Do đó, trước mắt nhà triết học, những cái tầm thường bé nhỏ, cụ thể của đời sống hằng ngày, hay những vấn đề thiết thực như cơm áo, nhà cửa, vợ con… không phải là điều quan trọng và triết lý là làm sao vượt qua bằng cách chối bỏ những cái đó để vươn mình lên những miền thanh cao xa xôi của lý giới tuyệt đối, yếu tính, bất biến, …, kết quả là nhà triết học thoát ly khỏi thân phận làm người, là thân phận chìm đắm trong những cái tầm thường, vô nghĩa, nhỏ nhoi của đời sống cụ thể, đời sống hằng ngày.

Đã hẳn phải gạt bỏ quan niệm triết học trên. Vấn đề suy tưởng triết lý hiện nay vẫn là nhằm vươn tới cái toàn thể, phổ biến, nhưng từ những cái cụ thể, nhỏ bé, tầm thường mà chúng ta không bao giờ thoát khỏi. Không phải những biến cố lớn lao, những sự kiện vĩ đại gây sự thức tỉnh triết lý, nghĩa là đưa vào tra hỏi ý nghĩa cuộc đời, nhưng là chính những sự kiện tầm thường, vô nghĩa của đời sống hằng ngày. Tại sao cuộc đời lại dệt bằng những cái tầm thường nhỏ bé đều đặn? Cuộc đời một người công chức trôi qua, ngày lại ngày đều đặn, mực thước, như chẳng có gì đáng thắc mắc, suy nghĩ. Nhưng chính sự đều đặn đó mới là điều đáng thắc mắc, khi một ngày nào đó, người công chức giật mình tự hỏi: vì sao? Do đó triết học ngày nay bám sát vào cuộc đời trước mặt và biến nó thành tư tưởng sống động.

Trong viễn tượng đó, có thể suy tưởng triết lý từ bất cứ một khía cạnh, phương diện nào của thực tại cuộc sống trước mặt, từ những vấn đề muôn thuở gắn liền với thân phận làm người, nhưng mang những bộ mặt thời đại, như câu chuyện yêu đương, ghen ghét, câu chuyện làm ăn, giải trí đến những vấn đề riêng biệt của thời đại: hiện tượng bàn giất chủ nghĩa, nền văn minh cơ giới kỹ thuật, chiến tranh hạt nhân, hiện tượng bạo động trong những thể chế chính trị hiện đại, trong những phương tiện tuyên truyền bằng sách báo, vô tuyến truyền thanh, truyền hình, trong kỹ thuật quảng cáo thương mại, hiện tượng vong thân trong mọi sinh hoạt của con người hiện đại, …

Những vấn đề trên không phải là thuần túy triết lý, vì trước hết là vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, tâm lý, nhưng không thể không đưa tới triết lý. Do đó, nhà triết học suy tưởng những vấn đề đó sau những nhà chuyên môn về kinh tế, chính trị, xã hội, tâm lý, và cùng với họ trong một ý hướng chung nhằm lãnh hội ý nghĩa toàn diện và đích thực của sự kiện. Triết học hiện đại có một số phạm trù, một ngôn ngữ thích hợp để tìm hiểu phân tách những vấn đề của thời đại ta. Chẳng hạn từ ngữ: vong thân, huyền thoại,…

Vong thân là một khái niệm triết học của Hegel chỉ thị hiện tượng con người đánh mất bản ngã của mình biến nó thành một thực tại ở ngoài mình và trở thành xa lạ, đối lập với mình. Đến Marx, khái niệm này mặc một nội dung cụ thể, không còn phải tinh thần trừu tượng bị vong thân như Hegel hiểu, nhưng là con người cụ thể, thuộc về một tầng lớp nhất định. Vong thân xuất hiện dưới nhiều hình thức: tôn giáo, chính trị, pháp lý, triết lý… nhưng tất cả những vong thân tôn giáo chính trị, pháp lý… đều bắt nguồn từ vong thân kinh tế của con người lao động, sản xuất. Đáng lẽ hoạt động sản xuất hướng về sự phát triển con người thì trong những chế độ bóc lột, lại làm cho con người nghèo nàn đi, vì bị tước đoạt công lao, sản phẩm, sự làm việc của mình. Kết quả là con người bị ném vào tình cảnh xa lạ, thù địch với người khác, với thiên nhiên, với chính mình. Khái niệm vong thân, theo Marx, bao hàm những đòi hỏi luân lý, nhân bản và sự tự giác, thức tỉnh về tình cảnh vong thân là khởi điểm của một hành động cách mạng nhằm xóa bỏ vong thân, thực hiện sự hòa hợp giữa người với người, giữa con người với chính mình.

Sau Marx, từ ngữ vong thân mặc một nghĩa thật bao quát vì nó dùng để chỉ thị mọi hình thức vong thân trong xã hội hiện đại. Chẳng hạn, vong thân kỹ thuật: tình cảnh con người tạo ra cơ khí, kỹ thuật, rồi lại bị chính guồng máy, tổ chức kỹ thuật, bàn giấy chủ nghĩa chi phối đè bẹp. Thế giới kỹ thuật trở thành vô ngã, vô danh, vô hồn, đồng thời cũng biến con người lạc lõng chìm đắm trong guồng máy vô ngã, vô hồn, vô danh.

Vong thân xã hội: tình cảnh cá nhân mất bản ngã trong đám đông, quần chúng (khi đi biểu tình…), trong nền văm minh tiêu thụ (cùng nhu cầu, cùng một đồ dùng, nên cùng có phản ứng giống nhau, trong kỹ thuật quảng cáo thương mại…)

Vong thân thuộc địa: với Marx, vong thân chỉ cốt yếu ở tại chức năng sản xuất, nhưng tình cảnh người dân thuộc địa, bị ngoại bang đô hộ, bóc lột, không chỉ mất bản ngã về phương diện làm ăn, mà còn mất bản ngã, nhân phẩm trong hoàn cảnh sinh sống nền tảng của mình, như một đất đứng (chủ quyền, lịch sử, ngôn ngữ, phong tục, văn hóa, màu da,…)

Vong thân của người thành thị: thành phố hiện nay, vâng theo những quy luật tổ chức kiến thiết, mở mang về phương diện dân số, kiến trúc, kỹ nghệ, … đã trở thành một thứ nhà tù lớn trong đó đời sống hầu như hoàn toàn là giả tạo. Con người thành thị mất khung cảnh tự nhiên sinh sống; nhiều bệnh tật, hiện tượng xã hội, tâm lý không thấy ở nông thôn, bắt nguồn từ tình cảnh trên; hiện tượng đổ xô về thôn quê, rừng núi chiều thứ bảy, chủ nhật, kỳ nghỉ lễ, nghỉ hè ở các thành phố lớn hiện nay, bày tỏ nhu cầu thoát ly khỏi đời sống ngột ngạt của thành thị để tìm lại sự thỏa mái, thanh bình trong khung cảnh thiên nhiên của thôn quê, rừng núi.

Vong thân của con người hiện đại: chẳng hạn của người lính đánh thuê, người đi ở, người gái điếm, người đàn bà, người minh tinh màn bạc, của trẻ con… Vong thân chỉ thị tất cả những hình thức sa đọa, thiếu sót, lệ thuộc của con người đối với một thực tại bên ngoài (thiên nhiên, sự vật, người khác, Thượng đế…)

Danh từ huyền thoại không còn phải của riêng khoa dân tộc học chỉ thị những câu chuyện kể có tính cách thần linh, huyền hoặc, của các dân tộc sơ khai thời tiền sử, liên quan đến vấn đề: nguồn gốc vũ trụ, loài người, hoặc những sinh hoạt của con người, và ngày nay, bước sang thời kỳ lịch sử, không còn thần thoại, huyền thoại. Nhưng nếu hiểu huyền thoại về phương diện thái độ, và thái độ huyền thoại, là thái độ tin ở một điều gì được coi là chân lý hiển nhiên một cách thành kính, mà không dựa trên một nền tảng kiểm chứng nào, thì thái độ huyền thoại gắn liền với con người của mọi thời đại. Do đó không phải bước vào thời kỳ lịch sử là hết thần thoại, huyền thoại; thái độ huyền thoại vẫn còn và cái thay đổi chỉ là những câu chuyện kể. Nói cách khác, chúng ta có những thần thoại, huyền thoại mới. Hơn nữa còn có thể nói: không những tư tưởng huyền thoại không tan biến khi có tư tưởng lịch sử, triết học, khoa học, mà chính tư tưởng lịch sử, triết học, khoa học chẳng qua cũng chỉ là những hình thức mới của thái độ huyền thoại. Ngay cả những nỗ lực phê bình huyền thoại cũng không tránh khỏi phải dựa vào một huyền thoại phê bình.

Có thể dùng khái niệm huyền thoại theo nghĩa trên để tìm hiểu nhiều thái độ của con người hiện đại về phương diện tri thức, văn hóa, chính trị. Có huyền thoại khoa học, huyền thoại cách mạng, huyền thoại người lớn, huyền thoại tình yêu…

Vượt khỏi giới hạn dân tộc học, huyền thoại trở thành một từ thông dụng của ngôn ngữ chính trị, văn hóa, có khả năng tố cáo những niềm tin chỉ là ảo tưởng đã huyền diễu, đánh lừa chúng ta. Nhưng vấn đề sẽ là có tránh được thái độ huyền thoại không, hay chỉ là từ bỏ huyền thoại này để lại rơi vào huyền thoại khác. Nói cách khác, có tránh được sống không niềm tin hay không, một niềm tin bây giờ được coi là chân lý, nhưng có thể sẽ là huyền thoại sau này. Với những khái niệm, suy tưởng như thế, đụng chạm đến những gì sâu xa và thầm kín nhất của con người, làm sao có thể chối cãi triết học không có khả năng ném chúng ta vào suy tư, đảo lộn cuộc đời chúng ta vì triết học gắn liền với cuộc sống hiện đại.

Một quan niệm về giáo dục

Chế độ nhà trường hiện nay dựa trên một quan niệm giáo dục tách khỏi đời sống thực tế cả về tinh thần lẫn nội dung giảng dạy. Hoặc là học những cái không thiết thực, nhưng lại trừu tượng, hình thức; về mục đích, học có vẻ nhằm một mục tiêu thiết thực: để đi thi, nhưng chính bằng cấp lại không thiết thực vì chẳng đi đến đâu. Tú tài xong, làm được gì với một vốn kiến thức tổng quát, lý thuyết; đậu cử nhân xong, cũng không hẳn có công ăn việc làm. Chẳng hạn, cử nhân văn khoa. Nếu chuyên về sinh ngữ, thì việc học những văn chương Anh Pháp cao xa ở trường Đại học không thiết thực bằng đi học ở hội Việt Mỹ hay sở Văn hóa Pháp. Chữ nôm, chữ Hán, nhân chủng… chẳng biết để làm gì. Học Triết, việt văn, chỉ có thể đi dạy học, mà cũng chật vật, vì đã có trường Đại học Sư phạm.

Nền học chính hiện nay không thực sự sửa soạn vào đời cho thanh thiếu niên. Bậc Trung học chỉ nhằm sửa soạn vào Đại học, rồi bật Đại học lại chỉ nhằm sửa soạn dạy Trung học. Học để dạy học. Nhà trường là một vũ trụ khép kín mà việc chuyển dịch lớp bậc theo một vòng lẩn quẩn.

Vậy phải thay đổi quan niệm tách nhà trười khỏi thực tế, và phải coi nhà trường như một sửa soạn vào đời. Tuy nhiên cần tránh một sai lầm khác: coi nhà trường xã hội, đời. Nhà trường sửa soạn vào đời nhưng không phải nhà trường đã đời sống như ở ngoài xã hội. Nói cách khác, nếu có sự cách biệt nhà trường và xã hội, thì không phải vì nhà trường xa rời xã hội, mà sự cách biệt ở trong chính nhà trường. Tại một lối giảng dạy xa cách cuộc đời, chứ không phải tại chính nhà trường xa cách xã hội. Do đó, đem đời vào trong nhà trường không phải là biến nhà trường thành một xã hội, như xã hội bên ngoài, nhưng là coi những vấn đề của đời như là một đề tài suy tưởng học hỏi.

Trong viễn tượng đó, có thể đề cập mọi vấn đề ngoài đời trước mặt ở nhà trường, ngay cả vấn đề chính trị, nhưng là nói với một tinh thần suy tưởng, nghiên cứu và với thái độ tôn trọng tự do của học sinh, sinh viên. Nhà trường là nơi nói về chính trị như là một công trình biên khảo, tìm hiểu, không phải là nơi làm chính trị. Nói cách khác, phải đem chính trị vào học đường, nhưng không được chính trị hóa học đường; không được biến nhà trường thành một công cụ chính trị, một lực lượng chính trị, nhất là chính trị cá nhân, bè phái. Phải tôn trọng tuổi trẻ, và nhìn nhận có một nơi phải được đặc ở ngoài mọi tranh chấp vì quyền lợi – ở chính trường, thương trường – là nhà trường nơi đào tạo, sửa soạn tương lai quốc gia dân tộc.

Trong một hệ thống giáo dục gắn liền việc giảng dạy ở nhà trường với những đòi hỏi, những vấn đề của thời đại, phải quan niệm việc dạy Triết ở nhà trường như thế nào?

  1. Ở bậc trung học: nên giữ lại một số giờ triết chung cho tất cả các lớp Đệ nhất, nhưng có thể dạy ngay từ Đệ nhị để chương trình Đệ nhất bớt nặng nề. Đối với các lớp Toán, Khoa học, nhấn mạnh vào phần phương pháp luận và triết lý khoa học. Đặt vấn đề triết học từ một số trường hợp khoa học nhất định. Đối với lớp Văn chương, nhấn mạnh vào phần phương pháp luận các khoa học xã hội, nhân văn (tâm lý học, xã hội học, sử địa, văn học). Nhất là văn học. Đặt vấn đề triết học từ những thực tại cụ thể ngoài đời sống về phương diện chính trị, xã hội, văn hóa. Mục đích nhằm khiêu gợi suy tưởng triết lý, tập cho biết lý luận triết học từ thực tế hơn là học những hệ thống triết học theo viễn tượng lịch sử.
  2. Ở bậc đại học: thiết lập một số giờ triết ở tất cả các phân khoa về triết lý chính trị, triết lý pháp lý, triết lý kinh tế, triết lý khoa học, kỹ thuật, nhằm đặt những tương quan giữa các ngành chuyên môn để đào sâu, càng thu hẹp lãnh vực nghiên cứu, và do đó càng khó có cái nhìn toàn thể. Nhưng không thể không có cái nhìn toàn thể để xác định ý nghĩa, mục đích của chuyên môn trong toàn thể nhận thức, và toàn thể cuộc sống. Không thể nói: tôi chỉ biết chuyên môn, không cần đặt vấn đề chế độ học chính, chế độ chính trị, vì chế độ nào cũng cần chuyên viên, thầy thuốc. Nhưng người chuyên viên cần xác định ý nghĩa chính trị, nhân loại của ngành chuyên môn của mình, để biết rõ mình phải phục vụ ai và dưới chế độ nào.

Việc giảng dạy những vấn đề triết học liên quan đến các ngành chuyên môn khoa học, kỹ thuật, nếu do chính những người chuyên môn, có khả năng thực sự về các ngành đó đảm nhiệm, thi hay hơn cả.

Ở Đại học Văn khoa hay Sư phạm: một số giờ về phương pháp luận liên quan đến những vấn đề nền tảng phải được gắn liền với chương trình các môn như Sử, Văn, Nhân chủng; chẳng hạn không thể tìm hiểu đến nơi đến chốn vấn đề phê bình văn học [mà] không đặt vấn đề một cách triệt để: có thể phê bình được không? Đặt vấn đề một cách triệt để là đặt vấn đề tận nền tảng: nền tảng của phê bình văn học là có thể hiểu người khác được không? Nói cách khác, có sự thông cảm giữa người với người hay không? Vấn đề này là vấn đề triết học, và triết học chẳng qua chỉ là đặt vấn đề tận nền tảng.

Riêng về ngành Triết, thiết tưởng phải quan niệm lại toàn bộ chương trình, những chứng chỉ hiện nay quá hình thức và không liên lạc gì với nhau. Việc phân chia thành năm học để thực hiện một chương trình học trong đó các vấn đề học liên quan với nhau một cách chặt chẽ, hợp lý hơn là phân chia thành chứng chỉ. Về hướng dạy, nên trình bày những vấn đề không phải chỉ trên phương diện lịch sử, mà cả trên phương diện hiện tại: lấy những sự kiện xảy ra trong cuộc sống trước mặt làm con đường đưa vào suy tưởng triết học. Trong tinh thần đó, chương trình sẽ dành một phần lớn vào triết học chính trị (vấn đề quyền bính, vấn đề nhà nước, vấn đề bạo động chính trị…), triết học văn hóa (triết sử quan, thẩm mỹ học). Đặt những vấn đề trên không phải một cách lý thuyết, nhưng từ những hoàn cảnh cụ thể của đấy nước, thời đại mình (chẳng hạn vấn đề quyền bính chính trị ở một nước chậm tiến). Đại học không phải chỉ dạy những kiến thức đã có, mà còn phải là một trung tâm nghiên cứu, sáng tạo kiến thức mới, nhất là những kiến thức thích hợp với hoàn cảnh cụ thể trước mắt.

Nhưng gắn liền triết học với các bộ môn học, thì đó là triết học nào. Thực ra không có triết học mà chỉ có những triết học. Hay nói cho đúng, triết học là ý hướng về những vấn đề toàn thể, nền tảng, và kết quả là những triết học, những quan niệm triết lý khác nhau về những vấn đề trên. Vậy phải lựa chọn một triết học chi phối hướng dẫn những tìm kiếm giảng dạy triết học ở nhà trường, một triết học trở thành ý thức hệ, không những chi phối việc giảng dạy mà tất cả mọi sinh hoạt, thể chế quốc gia do nhà nước chỉ định.

Đừng vội la hoảng như thế là chính trị hóa giáo dục, và hơn nữa, chính trị hóa theo một chiều hướng độc tài. Nếu hiểu ý thức hệ là một tư tưởng lãnh đạo của một chế độ xã hội, không có chế độ xã hội nào không có ý thức hệ, hoặc được bày tỏ một cách công khai thành lý thuyết, hệ thống rõ rệt, hoặc bao hàm trong những thể chế, tổ chức của chế độ và không được hệ thống hóa rõ rệt. Tư tưởng lãnh đạo công khai hoặc ẩn dấu là ý thức hệ cũng luôn gắn liền với những thế lực kinh tế tài chánh, chính trị nắm giữ quyền bính lãnh đạo. Quyền bính lãnh đạo này có thể do một người, một dòng họ hay một tầng lớp đảm nhiệm. Và ý thức hệ xuất phát từ những thế lực kinh tài, chính trị của một người, một dòng họ, một tầng lớp lãnh đạo có tác dụng nhằm biện hộ và duy trì sự thống trị của quyền bính lãnh đạo.

Trên phương diện văn hóa, giáo dục, ý thức hệ của những chế độ xã hội từ xưa đến nay, từ nô lệ, phong kiến đến tư bản, cộng sản… đều biện hộ và duy trì những chế độ đó, chỉ khác nhau về cách bày tỏ và biện hộ, duy trì. Có chế độ bày tỏ công khai ý thức hệ của mình và chi phối mọi sinh hoạt văn hóa, giáo dục theo một chiều độc tôn: có chế độ lại che dấu ý thức hệ của mình, nói cho đúng hơn, che dấu sự thống trị độc quyền của chế độ về phương diện kinh tế, nhưng bày tỏ một quan niệm tự do trên phương diện văn hóa, giáo dục. Cách che dấu ý thức hệ tinh vi hơn nhưng cũng nguy hiểm hơn vì nó dễ dàng lừa bịp hơn. Thực ra dưới chiêu bài tự do, chế độ tư bản vẫn độc quyền thống trị những sinh hoạt kinh tài, do đó chi phối gắt gao những thể chế, cơ cấu xã hội, chính trị… Nhưng trên bình diện văn hóa, giáo dục, lại chủ trương như thể xã hội là tự do, không bị chi phối bởi một thế lực kinh tài nào, bởi một tầng lớp nào. Làm như thế, chế độ tư bản vừa không sợ nguy hại gì mà còn có lợi. Về văn hóa, giáo dục, cho tha hồ chủ trương mọi lý thuyết, tự do giảng dạy mọi triết thuyết, chẳng có gì đáng lo ngại vì chỉ là lý thuyết, không đụng chạm gì đến cơ sở chế độ là những thế lực kinh tài, đồng thời còn có lợi vì có thể tạo ra những ảo tưởng được tự do tư tưởng, ngôn luận, và do đó sự tự do hình thức về giáo dục, văn hóa có tác dụng biện hộ cho sự thống trị, chi phối thực sự về kinh tế, tài chánh.

Vậy vấn đề không phải là gạt mọi ý thức hệ ra khỏi văn hóa, giáo dục, vì văn hóa, giáo dục không thể tránh được sự chi phối bởi một ý thức hệ nào đó. Vấn đề sẽ chỉ là tìm ra một ý thức hệ thích đáng và hợp lý. Vì ý thức hệ tùy thuộc chế độ xã hội, nên điều cần trước tiên là tìm ra một chế độ thích hợp với hoàn cảnh đất nước. Hoàn cảnh đất nước của một dân tộc chậm tiến, còn quá nhiểu những chênh lệch giai cấp do thống trị ngoại bang và thiểu số trong nước gây ra, đòi hỏi một chế độ xã hội nào đó. Thiết tưởng đó là một chế độ thực hiện được sự phát triển quốc gia. Muốn thực hiện được sự phát triển quốc gia, thiết tưởng hiện nay không còn có đường lối nào khác ngoài con đường theo chủ nghĩa xã hội, hiểu như một nỗ lực hợp lý hóa theo kế hoạch sinh hoạt kinh tế tài chánh và như một thăng tiến xã hội những tầng lớp nghèo cực, khốn khổ nhất dưới chế độ phong kiến, thực dân cũ.

Những yếu tố chính bao hàm trong ý thức hệ của chủ nghĩa xã hội là: quyền chiếm hữu những phương tiện sản xuất là tập thể, công bằng xã hội, phát triển hợp lý, khoa học kỹ thuật, dân tộc khai phóng. Một triết lý nhằm bày tỏ và hệ thống hóa ý thức hệ của chủ nghĩa xã hội có thể thiết lập trên cái vốn những tư tưởng xã hội rút ra từ những học thuyết, đạo giáo xưa nay, nhất là từ những học thuyết của các nhà xã hội thế kỷ XIX và XX, và từ những nhận xét, suy tưởng gắn liền với hoàn cảnh đặc biệt của đất nước.

 

NGUYỄN VĂN TRUNG
Trưởng ban Triết học Tây phương
Đại Học Văn Khoa Saigon
Trưởng ban tổ chức Hội nghị
về giảng dạy Triết học tham luận…

 

Nguồn: Tạp chí Bách khoa Thời đại, số 255, ra ngày 15-08-1967, tr. 10-16. Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

quang nguyen - 21:55 05/10/2016
tại sao chúng ta không biến triết học như một môn học gần gũi khoa học, ngôn từ dễ hiểu
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt