Tư tưởng Việt Nam

Một cái quan niệm mới về đời người

MỘT CÁI QUAN NIỆM MỚI VỀ ĐỜI NGƯỜI

 PHAN KHÔI (1887-1959)

 

Tặng hết thảy các bạn nam nữ thanh niên

 

 

Một đêm trước đây hơn ba tuần lễ, ông Lê Dư diễn thuyết ở nhà hội Trí Tri về cái đầu đề trên này. Sáng hôm sau, ông hỏi tôi nghĩ cho là thế nào về cuộc nói chuyện của ông tối hôm qua. ‒ Nhắc lại lần diễn thuyết ấy, đại ý ông công kích cái quan niệm đời người cũ của người mình, như là sự ỷ lại trong gia đình, sự tranh cạnh trong hương thôn, thói cẩu thả, tục mê tín v.v…, rồi kết luận, ông bảo phải bài trừ hết thảy những cái xấu ấy mà làm nên mới. ‒ Tôi bèn nói thẳng mà đáp rằng: "Ông nói, nghe được lắm; có điều tại ông chọn cái đầu đề có vẻ triết học quá, mà những điều ông nói thì tinh là thường thức, chẳng hàm một chút học lý nào, bởi vậy như tôi thì tôi không hoan nghinh". Ông Lê gật đầu, ra dáng lấy làm phải.

Thứ sáu tuần lễ ấy, Phong hóa ra, có bài bình phẩm sơ lược về cuộc diễn thuyết ông Lê. Phong hóa cũng không biểu đồng tình như tôi, nhưng lại thấy về phương diện khác. Ý chính của bài bình phẩm ở chỗ trách ông Lê đã nêu lên "một cái quan niệm mới" mà ông chỉ công kích cái cũ, chưa hề phát biểu cái mới của ông ra thế nào. Lời trách bị này thật là xác đáng, xác đáng hơn lời của tôi trên kia nữa.

Tôi đọc lời bình phẩm ấy của Phong hóa với một người bạn thanh niên. Nhân tiện tôi kể luôn câu tôi trả lời ông Lê cho bạn nghe. Bạn nói rằng: "Thế thì bác hãy viết thử một bài cũng đầu đề này đăng lên báo cho chúng tôi xem".

Nhân những sự dun dủi như trên đó và cũng nhân đương túng đầu đề để viết báo, tôi bèn nhận lời mà viết bài này; dưới cái đề có hàng chữ "tặng hết thảy các bạn nam nữ thanh niên", cũng là vì cớ ấy.

***

Trước khi nhập đề, nói ngần ấy đã dài rồi, nhưng tôi còn cần nói thêm mấy lời nữa.

Theo con mắt tôi thì cái đầu đề này to quá, vì cớ nó là triết học đặc. Tôi chưa muốn viết nó mà nay ép phải viết, e không được cho sung túc như những bài khác mà tôi tự lập lấy đầu đề. Nhớ ngày xưa tập văn khoa cử, đôi khi cụ Đồ dạy trường làng cũng bắt học trò mình làm thử những bài của trường Đốc, đề do quan Đốc ra, thế rồi khi chấm bài, cụ phải chấm nới. Thì bài này, tôi cũng mong độc giả chấm nới.

Bằng cái đầu đề này, tôi đã thấy có người viết nên một quyển sách dày hơn hai trăm trang. Thế mà, theo lệ của bản báo, mỗi bài không được quá ba trang. Bài này đã không có quyền phá cái lệ ấy được, thì, khác nào một bầy bò hàng nghìn con, người ta đem thả trong cái ràn lớn giữa thung lũng, mà tôi đem nhốt trong cái chuồng sát hè nhà, khó cho tôi quá!

"Cái quan niệm về đời người", nói tắt bằng chữ nho, tức là "nhân sinh quan". Theo thói thường của nhà triết học, bao giờ nói về nhân sinh quan, cũng phải nói đến vũ trụ quan cả. Bởi vì hai cái nó quan hệ với nhau mật thiết lắm, chẳng đả động đến vũ trụ quan thì chẳng khi nào nẩy ra cái nhân sinh quan cho đầy đủ được. Huống chi, nếu mình có một cái nhân sinh quan mới, tất nhiên mình phải đã có một cái vũ trụ quan cũng mới; thế thì lại càng cần lắm mà nói đến vũ trụ quan. Biết vậy mà chỉ có ba trang giấy, lại thêm "giáo đầu" hết một khúc rồi, nếu giải thích về vũ trụ quan cho tường tận, e không còn chỗ!... Cực chẳng đã, chỉ có thể nói được một vài lời.

Xin độc giả lượng cho những chỗ ấy rồi đọc bài này mới thấy nó có một cái lý thú tương đương.

***

Về đời người, mỗi người có riêng một cái quan niệm. Huống chi nói "cái quan niệm mới", chữ "mới" ấy, càng làm cho nẩy thêm cái cá tánh ra. Vậy thì bài này tuy mượn đầu đề của ông Lê, nhưng "cái quan niệm mới" nói ở đây là cái quan niệm mới của tôi, chứ không phải của ông Lê đâu vậy; vả lại, của người nào khác nữa, cũng không phải.[1]

Tôi chẳng phải sợ ai giành đi mà lên tiếng trước. Chẳng qua muốn gợi ý độc giả và như là nói cùng độc giả rằng: "Người ta ở đời, ai cũng phải nghĩ: sinh ra để làm chi? Sự sống là gì? Phải sống bằng cách nào? ‒ Tôi đây, tôi nghĩ như thế, nên hay chăng, phải hay trái, mặc kệ, hẵng cứ biết rằng tôi có nghĩ như thế; còn các anh chị em, nghĩ thế nào? các anh chị em phải nghĩ đi, phải có cái quan niệm về đời người của mình đi". Đó là một ý ở chung quanh bài này, song le cái ý ấy quan trọng lắm.

Phải cho chữ "tôi" đứng vững rồi mới nói đến quan niệm được. Bởi nếu chẳng có "tôi" thì lấy ai mà quan niệm? Mỗi một cái quan niệm phải có người đứng làm chủ nó.

Trước tôi, người ta cho  trời đất là trung tâm của vũ trụ. Tuy loài người được đứng ngang với trời đất mà kể là "tam tài", thực ra thì loài người bởi trời đất sinh ra, cho nên phải coi trời đất như cha mẹ (phụ thiên mẫu địa). Do lẽ ấy lập nên các đấng bậc về luân lý; rút lại, người ta ở đời phải thế nào cho không hổ với trời đất. Đó là nói sơ lược về cái nhân sinh quan cũ, đã do cái vũ trụ quan cũ mà sinh ra là như thế.

Đến tôi. Tôi chưa biết giống gì là trung tâm của vũ trụ; nhưng, theo thiên văn học mới, tôi không nhận trời đất là trung tâm nữa. Tôi kể trời đất cũng đồng là một vật như tôi. Đứng trước mặt vũ trụ, tôi với trời đất là bình đẳng. Còn, hỏi ai sinh ra trời đất, ai sinh ra loài người, rất đỗi hỏi ai sinh ra vũ trụ, thì tôi chịu không biết, tôi chỉ trả lời cách hàm hồ rằng: "Ông Tự nhiên sinh ra".

Ông Tự nhiên là ông gì, tôi cũng không biết; chỉ biết bởi một hôm ngồi buồn vô sự, ông ấy nặn ra các hành tinh làm thành bầu trời; trong các hành tinh có nặn ra trái đất; trên trái đất có nặn ra muôn vật và loài người: nặn ra để tiêu khiển, chứ không có mục đích gì hết; nhưng ông ấy trót đã nặn ra thì còn có mãi đến bây giờ. Riêng về trái đất này, ông ấy đã làm ra như một rạp hát, rồi bắt loài người chúng ta hết lớp nọ đến lớp khác cứ đóng trò, thì loài người chúng ta hết lớp nọ đến lớp khác cứ đóng trò.

Một cuộc tiêu khiển lớn! Ông Tự nhiên, tay thợ nặn, nặn để tiêu khiển. Chúng ta với các hành tinh, với trời đất, đều là vật bị nặn ra, bị nặn ra để tiêu khiển. Bởi là tiêu khiển nên chúng ta chẳng những không đối với trời đất, đối với vũ trụ chịu trách nhiệm, mà cũng không chịu trách nhiệm đối với ông Tự nhiên.

Mỗi người trong chúng ta chỉ đối với mình mà chịu trách nhiệm. Vì nếu tôi đóng trò dở thì tôi mất danh tiếng. Tôi phải ráng sức mà đóng trò cho hay.

Đó là nói sơ lược về cái vũ trụ quan mới của tôi, mà do đó mới có cái nhân sanh quan mới của tôi.

***

Quả thật, cái sự nặn loài người ra là không có mục đích. Các anh chị em hãy nghĩ xem: người ta đẻ ra rồi lớn lên, có đôi lứa, có con cái, sống được bao lâu đó rồi chết; hiền, ngu, thiện, ác, đắc, thất, thành, bại, vinh, nhục gì rồi cũng chết: như thế, sinh ra để làm gì? Thật là vô vị lắm thay! Không trách ở đời có nhiều kẻ lấy làm chán, rồi họ ví sinh mạng người ta với con phù du, với ngựa qua cửa sổ, thậm chí với con rận trong cạp quần, cho rằng "nhân sanh vô ý nghĩa" là phải lắm!

Tôi không chán như họ. Vả đã chán thì phải làm làm sao kia, chứ chán mà cũng cứ sống như thường, cứ ăn cho béo đẫy, cứ lại nhau cho đẻ cả bè cả đống ra, hết lớp ấy đến lớp khác lại ngồi mà than nhân sanh vô ý nghĩa, thì cũng chả chán làm gì! Tôi không chịu cái thái độ ấy. Đối với người nào có cái thái độ ấy, tôi muốn hỏi họ rằng: "Sao anh không… tự tử đi?"

Người ta ở đời như phù du thật, như ngựa qua cửa sổ thật, như con rận trong cạp quần thật, gẫm lại chẳng có cái gì vô ý nghĩa cho bằng cái nhân sanh. Nhưng, biết sao được! Tôi trót sanh ra rồi, tôi trót ở đời rồi, tôi còn sống đây chứ chưa chết, thì tôi phải quyết chí, phải tận tâm, phải kiệt lực, làm làm sao cho cái đời của tôi ra có ý nghĩa. Có vậy thì tôi mới nên sống và tôi mới sống được.

Chẳng có gì lạ hết. Tôi là kép hát của ông bầu gánh Tự nhiên, tôi có lãnh tiền "án phạn" tức là ngày ba bữa, tôi phải đóng một vai trong rạp hát trái đất này mà đóng cho hay.

Như thế, sao lại bảo rằng nhân sanh vô ý nghĩa? Người sinh ra ở đời để mà đóng trò, đóng trò cho hay, thế là có ý nghĩa lắm chứ, sao lại không?

***

Muốn cái đời người của tôi có ý nghĩa, tôi phải dùng lý trí mà đối phó mọi việc, không cứ việc tôi làm ra hay là việc ở ngoài thân tôi. Tôi phải hỏi "tại làm sao" luôn luôn. Tôi có hỏi thế và tôi có tìm được câu trả lời no lẽ thì cái đời của tôi mới khỏi ở trong chiêm bao.

Tôi muốn uống rượu, tôi phải hỏi tại làm sao ta phải uống rượu; tôi muốn đi dạo phố, tôi phải hỏi tại làm sao ta phải đi dạo phố; tôi muốn ra ứng cử nghị viên, tôi phải hỏi tại làm sao ta phải ra ứng cử nghị viên; tôi muốn bỏ tiền quyên cái hàm bát phẩm, tôi phải hỏi tại làm sao ta phải cần có cái hàm bát phẩm?... Tôi hỏi rồi tự tôi trả lời lấy mà được cả, câu trả lời no lẽ, bấy giờ tôi sẽ làm; bằng không, tôi đừng làm.

Người ta nói ông này ái quốc, tôi phải hỏi tại làm sao biết ông ấy ái quốc; người ta nói ông kia làm tiêu biểu cho thanh niên, tôi phải hỏi tại làm sao biết ông ấy tiêu biểu cho thanh niên; người ta nói làm thế này thì ích quốc lợi dân, tôi phải hỏi tại làm sao làm như thế lại ích quốc lợi dân được; người ta nói làm thế kia thì bại hoại phong tục, tôi phải hỏi tại làm sao làm như thế lại bại hoại phong tục được… Bao giờ người ta trả lời cho tôi vừa ý, tôi mới tin; bằng không mà tôi tin, ấy là tôi bị phỉnh, rõ tôi dại quá.

Tôi thấy cái đời người là hiện thực. Cái quan niệm về đời người của tôi là hiện thực. Cho nên tôi chẳng chịu được sự mập mờ sự bấp bông, sự ấp úng; phải giống chi thì ra giống nấy cho tôi, cái gì cũng phải có ý nghĩa cho tôi.

Trong rạp hát, tôi đã đóng vai tướng thì khỏi đóng vai lão, tôi đã đóng kép mặt đỏ thì khỏi đóng kép mặt xanh; tôi không chịu đã đóng tướng phiên rồi xây đóng đàu,[2]  tôi không bằng lòng làm cái đời tôi ra mâu thuẫn; miễn là tôi đóng vai nào cho xứng đáng vai nấy, tự tôi lấy làm khoái, tôi đối với tôi mà không hổ, như thế lấy ít chục năm rồi tôi… chết.

***

Không nói qua sự chết thì cái quan niệm về đời người còn chưa đủ, phải nói ít lời.

Người ta tin chết rồi lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục, về tây phương hoặc lại luân hồi kiếp khác. Tôi không tin như thế. Tôi cho chết là hết. Tôi không tin có linh hồn. Tôi chẳng biết sau cái chết còn có cái gì.

Làm gì tôi cũng chỉ ngó đến trong lúc tôi còn sống. Tôi tùy sức tôi làm ra chừng nào, hưởng lấy chừng nấy. Tôi vừa hưởng mà tôi cũng vừa làm. Tôi phải ngó đến những người chung quanh tôi vì họ cũng là con người sống và đóng trò như tôi. Tôi chết rồi thì tôi không hưởng nữa, cũng không làm nữa. Bởi tôi chết là hết. Họa chăng cái tên tôi có còn lại, nhưng cái tên tôi thì đã không phải là tôi.

Đừng thấy tôi không tin sự thưởng phạt sau khi chết mà tưởng tôi có thể buông lung làm bậy được. Tôi đã nói tôi là một con người, đối với trời đất, ở giữa vũ trụ, làm kép hát của ông bầu gánh Tự nhiên, tôi lớn lắm chứ, tôi oai lắm chứ, tôi làm bậy thì tôi còn mặt mũi nào mà trông thấy tôi? Cái lòng thờ trách nhiệm, kính danh dự của tôi nó không cho tôi làm bậy mà.

Cái quan niệm mới của tôi về đời người là như thế. Nên hay chăng, phải hay trái, tôi chịu trách nhiệm. Cứ theo cái quan niệm ấy mà ở đời, rủi có lầm mà đến nỗi nào, tôi chịu trách nhiệm. Tức như hôm nay tôi viết bài báo này, một giây lát múa nhảy trong cái đời đóng trò của tôi, nếu nó dở, tôi cũng chịu trách nhiệm.

 


Nguồn: Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 7 (29. 10. 1933), tr. 3-5. Phiên bản điện tử: http://lainguyenan.free.fr


 

[1] ) Bài này, lẽ đáng tiêu đề là: "Cái quan niệm mới của tôi về đời người"; nhưng vì mượn đầu đề, nên cứ để y vậy. (nguyên chú)

[2] đàu  (cũng là "đào"): con hát nữ, thường trai đóng giả gái (H.T. Paulus Của, sđd.)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt