Tư tưởng Việt Nam

Một “giả thiết làm việc” trong quá trình nghiền ngẫm về lịch trình tư tưởng dân tộc

Một “giả thiết làm việc” trong quá trình nghiền ngẫm 

về lịch trình tư tưởng dân tộc

 

CAO XUÂN HUY (1900-1983)

 

(Phát biểu tại cuộc họp bàn về việc viết lịch sử tư tưởng Việt Nam của Viện Triết học vào năm 1970)

 


Cao Xuân Huy. 1995. Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu. Hà Nội: Nxb. Văn học, tr. 359-366. | Phiên bản điện tử: triethoceduvn


 

 

Nói đến một bộ lịch sử tư tưởng Việt Nam là điều ai cũng ấp ủ và kỳ vọng. Nhưng hiện vẫn có những ý kiến khác nhau sau đây về mặt quan niệm:

1. Nên viết “Lịch sử triết học Việt Nam”

2. Nên viết “Lịch sử tư tưởng chính trị, xã hội và triết học Việt Nam

3. Nên viết “Tư tưởng Việt Nam”

4. Nên viết “Lịch sử văn hóa Việt Nam”

Tôi thấy đề nghị 1 thì quá hẹp mà đề nghị 4 thì quá rộng. Viết “Lịch sử văn hóa Việt Nam” thì phải nói cả sinh hoạt vật chất, tổ chức kinh tế, pháp luật chính trị, phong tục và tín ngưỡng dân gian, kỹ thuật, nghệ thuật, văn học, triết học, v.v.. Tuy rằng tư tưởng của một dân tộc biểu hiện trong toàn bộ văn hóa của nó nhưng ở đây mục đích và yêu cầu đặt ra là “nghiên cứu một cách sâu sắc, toàn diện di sản tư tưởng của dân tộc để giải quyết một cách khoa học vấn đề “xây và chống” trong lĩnh vực tư tưởng… tìm hiểu xem những tư tưởng đã chi phối những hoạt động yêu nước, anh hùng và mưu trí của cha ông ta…” và “từ truyền thống tư tưởng cũ cái gì đang cản bước chúng ta, cái gì đang thúc đẩy chúng ta về phía trước”, cho nên chúng ta chỉ cần nghiên cứu trong toàn bộ văn hóa những khía cạnh nào, những bộ phận nào, ở thời kỳ nào là những biểu hiện tập trung nhất của tư tưởng dân tộc. Đề nghị 1 (viết lịch sử triết học Việt Nam) là quá hẹp, vì rằng tinh thần của một dân tộc không chỉ biểu hiện trong triết học mà còn biểu hiện trong văn học nghệ thuật (triết học cổ truyền thường cũng phải thông qua văn học nghệ thuật mà biểu hiện gián tiếp), trong hoạt động chính trị, quân sự v.v.. Vả lại nghiên cứu lịch sử triết học của một dân tộc là một việc rất khó thực hiện. Nói về lịch sử triết học thì xưa nay chỉ thấy có những bộ sách nhan đề là lịch sử triết học Tây phương, lịch sử triết học cổ đại (Hy-lạp), lịch sử triết học cận đại (như bộ sách nổi tiếng của Hoffding), chứ không có lịch sử triết học Pháp hay lịch sử triết học Anh, hay lịch sử triết học Đức. Đến cả một dân tộc có thiên tài triết học như Ấn-độ mà cho đến nay, trong hàng ngũ đông đảo các học giả châu Âu nghiên cứu về tư tưởng Ấn-độ, chúng tôi cũng chỉ mới thấy lẻ tẻ có một vài bộ triết học sử mà thôi. Về phía Á đông của chúng ta, thì cũng chưa ai nghe nói có bộ lịch sử triết học Nhật-bản hay lịch sử triết học Triều-tiên nào, mà chỉ có mấy bộ triết học sử Trung Quốc (ở Nhật-bản, thế kỷ XIX, có những bộ China triết học sử giảng thoại của Vũ-giã Triết-nhân, China triết học sử của Viễn-đằng Long-cát, China triết học sử của Nội-điền Chu-bình và thế kỷ XX có China triết học sử khái luận của Độ-biên Tú-phương; ở Trung Quốc đến thế kỷ XX mới có những bộ Trung Quốc triết học sử của Hồ Thích (một bộ sách bỏ dở, chỉ mới viết đến đời Xuân thu Chiến quốc), Trung Quốc triết học sử của Phùng Hữu Lan và hiện nay thì có bộ Trung Quốc tư tưởng thông sử do Hầu Ngoại Lư làm chủ biên (mới đến đời Lục Triều)[1]. Ở nước Đức, có bộ Triết học sử Trung Quốc của Zenker.

Còn đề nghị 2 (lịch sử tư tưởng Việt Nam) và đề nghị 3 (tư tưởng Việt Nam). Đối tượng của “lịch sử tư tưởng Việt Nam” là lịch trình tiến triển của tư tưởng Việt Nam qua các thời đại. Đối tượng của một khái luận về tư tưởng Việt Nam là các tư tưởng chủ đạo, các khía cạnh tư tưởng Việt Nam nghiên cứu theo hệ thống ngang. Lịch sử tư tưởng của một dân tộc và khái niệm về tư tưởng của một dân tộc, hai cái đó làm điều kiện cho nhau. Muốn viết khái luận về tư tưởng Việt Nam thì phải biết rõ quá trình phát triển của nó, vì đó là một công trình tổng kết khái quát cái gì đã phát hiện và phân tích được trong khi làm lịch sử tư tưởng. Nhưng muốn làm lịch sử tư tưởng cho tốt cũng phải có một số khái niệm chung về tư tưởng của dân tộc để hướng dẫn sự tìm tòi, lựa chọn tài liệu.

Thế mà hiện nay, ở nước ta thì khái niệm về tư tưởng dân tộc cũng chưa có, mà lịch sử tư tưởng Việt Nam cũng chưa có. Vậy chúng ta phải làm thế nào?

Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể viết lịch sử tư tưởng trước khái luận tư tưởng, với điều kiện là phải có những giả thiết để khái quát những đặc tính của tư tưởng dân tộc. Cố nhiên đó cũng chỉ là giả thiết mà người ta gọi là “giả thiết để làm việc”, chúng có thể được xác nhận hay bị gạt bỏ trong quá trình biên soạn.

Đề ra những giả thiết như vậy là một việc khó khăn và phức tạp, nhưng ở đây tôi cũng đánh bạo nêu lên một giả thiết mà tôi đã ấp ủ từ lâu, để xin các bậc cao minh chỉ giáo.

Lão Tử nói:

“Trong thiên hạ không có gì nhu nhược bằng nước, thế mà trong tất cả những cái gì công phá được những vật kiên cường, không có cái gì hơn được nó”.

Lại nói: “nhu thắng cương, nhược thắng cường”, và: “nhu nhược thắng cương cường”.

Cái đó người ta gọi là cái “nhu đạo” của Lão Tử.

Tôi nghĩ rằng tinh thần lập quốc của chúng ta chính là cái tinh thần “nhu đạo”.

Dân tộc Việt Nam bây giờ đã có hơn 30 triệu người ở trên một địa bàn 7.000 km2, so với nhiều dân tộc khác, cũng không phải là một dân tộc tiểu nhược cho lắm, nhưng ở đời Hùng Vương chẳng hạn thì thật là bé nhỏ, lại ở bên một dân tộc khổng lồ có sức hấp thu hàng trăm dân tộc khác. Thêm vào đó là một hoàn cảnh thiên nhiên ác liệt, đầy lam chướng, hạn hán, bão lụt v.v.. Thế mà dân tộc ta đã thắng được cái hoàn cảnh thiên nhiên ấy, đã thắng được cái sức đồng hóa kinh khủng của một dân tộc khổng lồ, là nhờ vào đâu? Là nhờ ở chỗ dân tộc ta có cái đặc tính mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt, lưu động, như nước. Sức sống của nước là ở nguồn, sức mạnh của nước là ở chỗ rất nhiều hạt nhỏ cố kết lại với nhau một cách mềm mại uyển chuyển, linh hoạt, lưu động, có thể uốn theo đường cong, đường thẳng, chỗ lồi, chỗ lõm của đối tượng, đối phương, của kẻ địch để đánh phá nó, hoặc xoi mạnh vào lỗ mối, ngấm sâu vào những kẽ hở rất nhỏ của nó để làm cho nó vỡ nát. Nước lại còn dễ tính đến nỗi khi người ta rót nó vào chai, thì nó ngoan ngoãn rập khuôn theo hình dạng của chai, rót vào bầu, vào ấm cũng vậy. Đó không phải là vì nó không có cá tính. Trái lại, đó là cái khả năng thích ứng vô hạn của nó, mà chính cái khả năng thích ứng đó là cái tính ưu việt, cái bí quyết sinh tồn của dân tộc ta.

Khổng Tử có nói “Tríu giả động” và “Trí giả nhạo thủy”. Trí giả thì hoạt bát và lưu động. Chính vì vậy mà trí gải thích xem nước, vì nước rất là hoạt. Dân tộc ta có tính nước cho nên dân tộc ta nhiều mưu trí, nhất là trong hoạt động quân sự chống ngoại xâm. Một vài đoạn trích sau đây chúng tôi tình cờ rút ra từ các đoạn văn đăng tải trên báo chí Mỹ, được chọn dịch trên báo Quân đội nhân dân: “Những sĩ quan Mỹ nói: Trong một cuộc hành quân, chúng tôi lại tìm thấy những mưu kế mới mà Việt cộng bày ra. Họ thật là tài. Chúng tôi vừa trình bày xong cho binh sĩ biết một loại cạm bẫy mới thì đã nghe nói về một loại cạm bẫy mới khác của họ” (Tin tức Mỹ và thế giới); “Chúng ta đã phải đương đầu với một đội quân du kích có lẽ tài tình nhất, chưa thấy trong lịch sử loài người” (Phát biểu của Roussel, Chủ tịch Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ).

Một đặc tính của nước là cái “quân thế”[2] (équilibre) tuyệt vời của nó. Người thợ phải lấy mặt nước để làm mẫu cho mặt phẳng. Chính vì nước là hoạt bát, lưu động cho nên trong bất cứ trường hợp nào, dầu có điên đảo ngả nghiêng đến đâu nó vẫn nhanh chóng trở về cái quân thế tuyệt diệu của nó. Chẳng hạn, cái quân thế ấy biểu hiện trong nghệ thuật kiến trúc ở các đình chùa, lăng, miếu, thậm chí cả ở trong nhà tre, nhà gỗ của nhân dân, trong đó có rui, xà, đòn tay, kèo, cột, v.v.. đều chằng chịt với nhau, chống đỡ cho nhau, làm thành một cái quân thế vững chãi, có thể chống đỡ với gió bão. Về thơ ca, thì quân thế biểu hiện trong niêm luật lục bát thật là bằng phẳng, không gì lật đổ được, khác với quân thế của thơ Đường năm chữ, bảy chữ có khi rất chênh vênh nguy hiểm. Song thất lục bát là một thể thơ đặt vững cái thế chênh vênh của thơ Đường trên cái nền bằng phẳng của lục bát. Phát triển đến hát nói thì của thơ Việt Nam thật như những làn sóng dồn nhau về bờ biển. Nói về quan hệ giữa trật tự xã hội và tình cảm cá nhân, thì ở nước ta xưa kia, phong tục và pháp luật (như bộ luật Hồng Đức) quy định cho con gái được hưởng gia tài của cha mẹ tuy không bằng con trai, và cũng quy định rằng cách năm thế thứ thì con trai con gái cùng một họ được kết hôn với nhau. Đó là một điều đặc biệt trong chế độ gia trưởng, và biểu hiện sự điều hòa tình cảm và lý trí trong tinh thần Việt Nam.

 

Trên đây chỉ là một “giả thiết để làm việc” mà tôi đề ra. Nó sẽ được xác nhận hay bị bác bỏ tùy theo khả năng thuyết minh của nó. Nếu được chấp nhận thì nó cũng mới chỉ là một trong những giả thiết mà thôi vì cũng cần phải có vài ba giả thiết khác nữa để cọ xát, đối chứng trong quá trình nghiên cứu.

1970

 

 


[1] Thực tế bộ sách này được công bố trọn vẹn từ 1947-1959. Sách gồm 5 quyển, trình bày lịch sử tư tưởng Trung Quốc từ triều đại Ân đến cuối triều Mãn Thanh.

[2] Quân thế (équilibre): thế cân bằng.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt