Tư tưởng Việt Nam

Nho giáo du nhập Việt Nam

 

NHO GIÁO DU NHẬP VIỆT NAM

TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)

 

Trần Văn Giàu. “Nho giáo ở Việt Nam - Phần I: Nho giáo du nhập Việt Nam”, trong Triết học và tư tưởng, Nxb TP.Hồ Chí Minh, 1998.

 

Nhân dân Văn Lang, Âu Lạc (nước Việt-nam thời cổ đại), đã có một nền văn hóa với những đặc điểm cơ bản riêng của mình, điều này không còn nghi ngờ gì nữa. Không phải vì để phá óc tự ti mà, vào những thế kỷ đầu của thời kỳ độc lập, ông ta chúng ta bày chuyện nước Văn Làng xưa ngang thời Đường. Nghiêu bên Bắc phương. Có Văn Lang thật, có Hùng Vương thật. Hơn nữa, số tài liệu rất lớn mà khoa cổ học Việt-nam đã phát hiện và tích lũy đến nay chứng minh khá đầy đủ rằng cư dân Văn Làng, Âu Lạc đã đạt một trình độ văn hóa có thể gọi là rực rỡ biểu hiện bằng các món dụng cụ, trang sức, trống đồng, thạp đồng, mũi tên đồng, thành quách… mà người Việt-nam hiện đại rất tự hào. Đó là chưa kể những thần thoại và truyền thuyết anh hùng mấy nghìn năm sau hãy còn có tác dụng tích cực. Nhưng chúng ta chưa biết vào thời Văn Lang, Âu Lạc đó, nhân dân ta đã có văn tự riêng chưa?. Đã có một nền hoc vấn như thế nào rồi?. Lấy lý mà xét thì nếu đúc được trống đồng xinh đẹp như trống đồng Ngọc Lũ, xây dựng được thành quách hùng vĩ như thành Cổ Loa, thì cũng có thể bước đầu sáng tạo ra văn tự được. Sách Thánh Tông di thảo có truyện giả định rằng xưa kia tổ tiên chúng ta đã dùng một thứ chữ riêng phỏng theo hình cầm thú, thảo mộc, sự vật, tức là đã có một nền văn học rất sơ khai, nền văn học đó bị mất hẳn đi từ lúc nước ta nội thuộc nhà Hán, vì nó đụng phải học vấn Trung Quốc cao hơn, mạnh hơn, vì dân tộc ta bị cả ngàn năm đô hộ.

Dù sao, bởi người Văn Làng, Âu Lạc đã từng có một nền văn hóa tương đối phát triển, lại có sức bảo vệ tiếng nói, phong tục, tập quán của mình, đã bám chắc vào cái nôi của mình là các lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình, sông Chu, sông Lam và không ngớt chiến đấu nhằm giành lại quyền tự chủ, cho nên mọi văn hóa và giáo lý từ ngoài vào không làm sao xóa bỏ nổi văn hóa bản địa, mà luôn luôn phải thích nghi với văn hóa đó, thích nghi với tư tưởng, tín ngưỡng, phong tục tập quán bản địa thì mới tồn tại và phát triển nổi. các công xã nguyên thủy và tàn dư kéo dài của các ông xã đó trong mấy ngàn năm lịch sử mãi cho đến thời kỳ cận đại, thực tế đã góp phần bảo vệ văn hóa cổ truyền.

Nho giáo từ Trung Quốc vào Việt-nam phải theo những bước đường đó, nghĩa là phải khép mình vào quy luật đó, thì về sau mới trở thành quốc giáo Việt-nam dưới thời Lê và thời Nguyễn.

Lịch sử Nho giáo nói Trung Quốc xưa kia có Nhị đế, Tam vương đặt ra những phép tắc quy định các mối quan hệ gia đình, xã hội, chính trị giữa người và người, giữa nhà cầm quyền và nhân dân, các đời sau lấy phép tắc đó làm tiêu chuần cho đạo đức luân lý, chính trị và học vấn, những ai nghiên cứu, học tập các phép tắc ấy rồi ra làm việc cho nước, cho dân thì gọi là Nho giáo, cái học của Nho gia được gọi là Nho giáo.

Khó tin như vậy được. Thời Nghêu, Thuấn, nếu có, là thời cuối của xã hội nguyên thủy, đã có giai cấp phân hóa rõ rệt đâu, đã đến xã hội phong kiến đâu mà có tư tưởng và đạo đức phong kiến? Vậy thì tại sao sách vở rất xưa nói như thế? Có thể xem ý kiến của nhà Đông phương học nổi tiếng của Pháp, H.Maspéro, trong di cảo Đạo giáo và các tôn giáo Trung Quốc là có phần hợp lý, khi Maspéro nói rằng từ nhiều trăm năm trước công nguyên, các vương hầu lúc nào cũng đều phải sử dụng một số người học thức để làm văn thư. Mặt chữ khó, còn viết trên gỗ, trên lá; vương hầu dốt nát và không chịu khó, càng phải nhờ các người hay chữ, những người này làm đủ các việc quan trọng nhưng mà không có chức vị lãnh đạo triều chính như vương hầu. Tình hình đó làm nảy sinh trong óc những người hay chữ cái ý muốn thấy một chế độ xã hội trong đó các tể tướng, các quan to được lựa chọn không theo dòng họ mà theo tài ba. Cho nên, họ tô điểm một thời quá khứ quá tốt đẹp, thời vua Nghêu chọn Thuấn là người hiền làm vua chứ không chọn con mình. Rồi từ đó lần lần họ tạo thành một học thuyết về đạo lý, về cai trị, lấy Nghiêu, Thuấn làm điển hình. Theo lý thì tư tưởng sau này gọi là Nho giáo và nảy nở với thời Chu là do các nhà học thức kể trên ghi chép phong tục, tập quán, văn học của đất nước và cả những ước vọng riêng của họ nữa. Đến thời Xuân Thu loạn lạc, nhằm vãn hồi hòa bình, Khổng Tử hệ thống hóa và phát huy tư tưởng triết học, đạo đức, cai trị đã có, các tư tưởng này về sau, khi các trường phái Dương Mặc nổi lên thì được gắn liền với tên tuổi của Khổng Tử, do đó Nho giáo cũng gọi là Khổng giáo. Trên quê hương của nó, Nho giáo phát triển theo sự phát triển của chế độ phong kiến. Nó là ý thức tư tưởng chính của giai cấp phong kiến thống trị. Ở Trung Quốc trải hơn hai ngàn năm, không phải chỉ có Nho giáo mà còn có Mặc giáo, Đạo giáo, Phật giáo v.v… nhiều luồn tư tưởng lớn. Song, phải công nhận rằng từ thời Hán đến thời Thanh, Nho giáo thịnh đạt hơn bất kỳ luồng tư tưởng nào khác. Các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, chưa kể những triều đại nhỏ hơn, đều dùng Nho giáo là vũ khí văn hóa và tinh thần để cai trị, phần lớn, họ lấy Nho giáo làm quốc giáo lắm lúc độc tôn. Một học thuyết được Trung Quốc sử dụng làm quốc giáo trên hai ngàn năm bởi nhiều triều đại, ắt cũng không thể không có những mãnh lực đạo lý, trí thức và chính trị gì rất đáng kể. Huống chi ở Việt-nam, ông cha chúng ta đã từng sùng thượng nó ngót ngàn năm trong những thời phồn thịnh cũng như trong những cơn nguy biến, nhiều thế hệ ông cha ta đã đóng góp nhiều tâm huyết vào đó, và cho đến ngày nay hãy còn ảnh hưởng, ảnh hưởng nặng nhất là ảnh hưởng tiêu cực, chớ chưa phải đã tiêu tan hết rồi. Vậy nếu ngày nay, sống trong thời đại lịch sử mới mà chúng ta nhìn lại Nho giáo, ắt không phải là việc thừa.

Nước ta bắt đầu nội thuộc Trung Quốc vào lúc ở Trung Quốc Nho giáo được suy tôn làm quốc giáo. Ấy là trong thời Hán, một thời phong kiến tập quyền điển hình mà các thời phong sau thường lấy đó làm gương sáng, làm kiểu mẫu.

Suốt thời gian dài quá ngàn năm, bị cắt đứt bằng nhiều khoảng, nước ta nội thuộc Trung Quốc, bọn phong kiến Bắc phương luôn luôn kiên trì theo đuổi cái ý định đồng hóa nhân dân Việt-nam cũng như họ cố đồng hóa nhiều dân tộc khác kể cả những dân tộc chiến thắng Hán tộc và thống trị Trung Quốc. Một trong những thủ đoạn lớn của họ nhằm mục đích đồng hóa ấy là truyền bá văn hóa, truyền bá Nho giáo. Trái lại thì tổ tiên chúng ta, ngoài phương pháp đấu tranh vũ trang để giành lại tự chủ, còn phải tiến hành một loạt phương pháp đấu tranh khác không kém gay go quyết liệt, nhằm phá tan âm mưu đồng hóa của địch, nhằm bảo tồn nòi giống, bảo tồn những phong tục tập quán tốt và những di sản văn hóa quý của mình, đồng thời sẵn sàng tiếp thu văn hóa nước ngoài cao hơn văn hóa vốn có của dân tộc ta, biến cái của người thành cái của mình.

Thời Tây Hán, đầu công nguyên, hai viên thái thú Tích Quang và Nhâm Diên, “dựng học hiệu, dạy lễ nghĩa” tại quận Giao Chỉ và quận Cửu Chân. Nói dạy lễ nghĩa tức là truyền bá Nho giáo và ép dân ta theo phong tục Hán. Nho giáo bắt đầu vào Việt-nam chính thức là từ đấy. Thời Vương Mãng, đông đảo kẻ sĩ Trung Quốc lánh nạn, di cư sang Giao Chỉ, họ góp phần truyền bá đạo Nho bằng cách mở trường để kiếm sống. Sang thời Đông Hán, số trường học nhiều hơn trước, chẳng những con em bọn thống trị ngoại quốc được đi học, mà có cả con em của người bản địa giàu có hoặc cộng tác với quân đô hộ, cho nên Bắc sử bấy giờ ghi tên một số người Giao Chỉ, Cửu Chân học cao, thi đỗ, được bổ làm quan như bọn Trương Trọng, Lý Cầm, Lý Tiến. Trên cơ sở đó, thái thú Sĩ Nhiếp mở mang việc học ở xứ ta. Nhà Nho Việt-nam sau này kính trọng Sĩ Nhiếp, tôn là “Sĩ vương”, xem Sĩ Nhiếp là ông tổ của việc học ở nước ta, có lẽ các cụ ít ai biết rằng Sĩ Nhiếp cũng là, hay chủ yếu là, một nhà Đạo học, hơn nữa, y là một đạo sĩ nổi tiếng, một người tu lối thần tiên, luyện kim đan, cầu trường sinh, y thu dụng nhiều người Ấn theo đạo Bà-la-môn hay theo đạo Phật để bày những lễ bái nghi tiết nhằm nâng cao uy tín của y và gia đình y. Sĩ Nhiếp không phải là một nhà nho chính thống. Bấy giờ ở xứ ta, ngoài số sĩ phu Trung Quốc tị nạn chạy sang cư trú, còn có những danh nho Bắc phương vì đối lập chính trị mà bị triều đình bên ấy đày đi xa xăm ngoài biên thùy, tỉ như ông Ngu Phiên thời Tam Quốc. Bị đày qua Giao Châu, Ngu Phiên mở trường “dạy học không biết mỏi, môn đệ thường có đến vài trăm”. Loại thầy này, không nhiều thì ít, chắc đã truyền bá một số tư tưởng hay.  

Trải qua Lưỡng Tấn, Tống, Tề, Lương, do bên kia loạn lạc mà bên này việc học không thấy ghi những tiến bộ nào mới.

Đến thời Đường, Trung Quốc trở lại thống nhất. Chính sách đồng hóa của phong kiến Bắc phương lại tiếp tục trên một lộ trình mới, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Việc học nhân đó mà phát triển. Nhiều người xứ ta du học tận Trường An, thi đỗ tiến sĩ là khoa cao nhất. Hai anh em Trương Công Phụ, Trương Công Phục, người châu Ái, đỗ tiến sĩ ở kinh đô nhà Đường, được bổ làm quan tại triều đình. Có người châu Giao tên là Lưu Hữu Phương, nổi tiếng thơ văn. Thời Đường, kinh điển Đạo giáo và Phật giáo được đưa vào chương trình học và thi của nhà nướ, song Nho giáo vẫn chiếm ưu thế ở các nhà trường, trái lại thì trong dân gian, tín ngưỡng Đạo giáo và Phật giáo phổ biến hơn nhiều.

Nho giáo, kẻ sĩ tham gia phong trào giải phóng dân tộc như thế nào? Rất ít tài liệu soi sáng vấn đề này. Sử chép rằng, giúp Lý Bí khởi nghĩa, có một nhà Nho tên là Tinh Thiều. Nhà Nho này học giỏi, đỗ cao, nhưng là người bản xứ của châu Giao, không phải là giống Hán, không thuộc “danh gia vọng tộc”, nên không được bổ làm quan ở cấp xứng đáng với tài năng mà chỉ cho trông nam canh gác cổng thành. Bực tức, ông trở về quê rồi theo quân khởi nghĩa. Khởi nghĩa thắng lợi, Tinh Thiều được Lý Nam Đế chọn làm người đứng đầu hàng quan văn. Điều này nói lên rằng kẻ sĩ Nho học có thể đã góp một phần nhất định nào đó vào phong trào giải phóng dân tộc. Nhưng mà, nhìn chung một loạt các cuộc khởi nghĩa vũ trang, người ta thấy rằng các nhà lãnh đạo nhân dân đều là hào trưởng, không thấy ai là sĩ phu hết. Vậy, có lẽ không phải là cường điệu nếu ta cho rằng một thời gian trên dưới ngàn năm, nước ta bị Hán, Đường đô hộ, Nho giáo tuy có phát triển mà không hề chiếm ưu thế trong nhân dân mà cả trong các tầng lớp trên nữa. Sao vậy?

Dĩ nhiên là chỉ có hàng quan thuộc bộ máy nhà nước ở bên trên mới cần Nho giáo, còn nhân dân với đời sống đơn giản của mình, trong gia đình, trong công xã thì đâu có cần Nho giáo làm gì, vả lại muốn thu nhận Nho giáo thì phải có đèn sách lâu dài, còn muốn quy y đạo Phật như một tôn giáo, muốn theo tín ngưỡng Đạo giáo phù thủy, thì dễ hơn không cần phải học gì lắm, huống chi tư tưởng ma thuật đã có sẵn có trong dân gian bản địa từ trước khi nước ta nội thuộc Bắc phương. Phần khác, chắc là người mình, một thời nào đó, không khỏi nhìn Nho giáo như một vũ khí xâm lược, thống trị, đồng hóa của nước ngoài, nó xung đột không nhiều thì ít với tư tưởng, tín ngưỡng, phong tục tập quán của đa số nhân dân. Và cũng có thể nghĩ rằng nhiều nhà Nho đi theo một cái học vong bản, một cái học trọng người khinh mình làm cho nhân dân khó bề kính phục, cảm tình. Phải đợi đến khi nào Nho giáo lập được ít nhiều công lao trong việc dựng nước và bảo vệ độc lập, thì nó mới có khả năng trở thành quốc giáo ở Việt-nam được.

Quốc sơ, Nho giáo chưa thịnh. Các nhà Ngô, Đinh, Lê trong buổi đầu của việc xây dựng nhà nước phong kiến dân tộc, chắc đã phải bận rộn quá nhiều với nhiệm vụ đuổi giặc ngoài, bình giặc trong. Việc võ cấp thiết hơn là việc văn. Thời gian thật là thanh bình trong nước chẳng mấy khi được lâu dài. Cho nên các nhà vua ít lưu tâm đến việc học. Việc học lúc này hỉnh như là do nhà chùa đảm nhận. Tam giáo tự do lưu hành. Nhà nước sử dụng nhân tài từ ba nguồn – Phật, Đạo, Nho – mà trước hết là từ Phật giáo rồi kế đó Đạo giáo, còn Nho giáo thì chưa được trọng thị lắm, nhân tài Nho giáo thì hãy còn hiếm hoi mờ nhạt như sao buổi sáng. Tập tục của triều đình thì xa lạ với tư tưởng Nho giáo: như Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, lập một lúc đến năm hoàng hậu, không truyền ngôi cho con trưởng… Nói một cách khác Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần tổ chức triều đình không theo mẫu Bắc phương là mẫu xây dựng đại khái khớp với tư tưởng Nho giáo. Khoảng đầu thời Trần có đình thần muốn sửa đổi triều đình theo mẫu Bắc phương, thì vua Trần cự tuyệt, nói rằng ta có cách của ta. Về cuối Trần, sử gia theo Nho giáo có những lời bàn thường quá nghiêm khắc, những lời phê bình đả kích lắm lúc quá nặng nề về lề lối của mấy triều đạ đầu tiên thời độc lập, như trong Đại Việt sử ký, Lê Văn Hưu bàn rằng: “Đinh Tiên Hoàng đã không kê cứu cổ học, bầy tôi lại không ai biết sửa chữa, cho đến nỗi say đắm tình riêng, lập lên một loạt cả năm hoàng hậu. Sau này, đến thời Lê, Lý, nhiều vua cũng bắt chước làm theo, ấy là do Đinh Tiên Hoàng đầu tiêu ra đó”. Ngô Thì Sĩ bàn: “Vạn Thắng Minh là tên hiệu của Đinh Tiên Hoàng. Đại Hành lấy hiệu vua cũ đặt cho vợ mình. Thật là không còn kiêng nể gì cả” (Cương mục ghi lại).

Các sử gia của triều đình Nguyễn viết trong Cương mục: “Đinh Tiên Hoàng là người vô học, vô mưu, dữ tợn, kiêu căng, đến nỗi cuối cùng cả hai cha con đều bất đắc kỳ tử, mới được hai đời đã mất! Nhân đức và tàn bạo thật khác nhau hẳn, đáng làm gương chung. Đinh kêu là Vạn thắng, Tần mong được vạn thế, xe trước xe sau cùng đi một vết”.

Toàn những lời phê phán đứng trên lập trường Nho giáo, càng xác nhận rằng các triều đại đầu tiên của nước ta từ thế kỷ 10 không phải là những triều đại chịu ảnh hưởng sâu của Nho giáo, trái lại, các triều đại ấy đã bị các sử gia Nho giáo chê là vô học, là trái lễ. Cái học, cái lễ đây chính là Nho giáo. Trong triều như thế, thì trong dân càng hơn thế, lúc ấy trong dân, thế lực Nho giáo chưa đáng kể.

Đến khi nhà Lý thành lập, tình hình chính trị trong nước được ổn định lâu dài. Triều đình Thăng Long có điều kiện mở mang học vấn. Sự học trở thành một nhu cầu cấp thiết để củng cố chính quyền, để tuyển lựa một số quan chức. Nho giáo sẽ theo sự phát triển của việc học mà vương lên lần lần, chậm chạp, nhưng chắc chắn. Lý sơ, việc học nước ta phỏng theo lối học của nhà Đường, tuy rằng bên kai biên giới nàh Tống đã thành lập. Nhà Đướng đã tiêu tan đâu mất rồi, nhưng tiếng nói hãy còn vang đối với người Việt-nam, tiếng vang đó một phần có lẽ bởi vì, thời Đường, Nho giáo không độc tôn mà Phật giáo thì nhiều lúc đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cũng như trong sinh hoạt chính trị chẳng những ở nhân dân mà ngay ở triều đình, cung điện nữa, (tình hình nhiều vẻ giống ở Đại Việt). Thời Đường người ta học và thi cả tam giáo. Nhà Lý làm gần y như vậy. Có điều khác là ở nước ta, dưới thời Lý, Phật giáo thịnh đạt đến cực độ, từ xưa đến đ1o chưa từng thấy. Thật là một “thời vàng” của Phật giáo Việt-nam. Sau này, học giả Hoàng Xuân Hãn (trong sách Lý Thường Kiệt) có ý cho rằng Phật giáo làm ra sự cường thịnh của Việt-nam, cho rằng lúc Phật giáo bị Nho giáo công kích là lúc nhà nước bắt đầu suy sụp v.v… Quan điềm ấy phần nào lệch lạc vì lấy ngọn làm gốc, một thứ sai lầm tựa như sai lầm của Lê Văn Hưu, người này (Hoàng Xuân Hãn) thì đứng về đạo Phật mà xét, người kia (Lê Văn Hưu) thì đứng về đạo Nho mà xét, không ai trong hai người đứng về lịch sử mà xét, ở tầng cơ cấu xã hội sâu xa hơn, mà thượng tầng văn hóa không xem nhẹ.

So với các tôn giáo khác thì dưới thời Lý, qua cả thời Trần nữa, Phật giáo là tôn giáo có thế lực nhất, cả ở triều đình và trong dân chúng. (Sau này, dưới thời Lê, Nguyễn, triều đình và kẻ sĩ nói chung là theo Nho giáo, nhưng quần chúng nhân dân thì vẫn theo Phật giáo và Đạo giáo, mất sự thống nhất ở một mức nhát định như dưới thời Lý). Song Phật giáo dù được sùng thượng đến đâu, dù cố gắng “nhập thế” đến mức nào, cơ bản nó cũng không phải là một đạo trị nước. Đạo giáo cũng vậy. Nhà Lý sùng Phật, nhưng muốn trị nước, muốn củng cố chế độ phong kiến, thì, ở vào thế một nước láng giềng có nhiều mối quan hệ văn hóa và chủng tộc với Trung Quốc, nhà Lỳ không thể không cậy vào Nho giáo mỗi lúc thêm nhiều. Bởi vậy cho nên, vào năm 1070, Lý Thánh Tông sai dựng văn miếu ở thủ đô Thăng Long, đắp tượng Chu Công, Khổng Tử và 72 tiên hiền. Năm 1075, Lý Nhân Tông mở khoa thi Minh Kinh bác sĩ và thi Nho học tam trường, năm 1086 lại mở khoa thi kén chọn những người giỏi văn học để sung vào Viện Hàn lâm mới được thành lập. Năm 1095, Lý Cao Tông mở kỳ thi tam giáo. Như vậy nghĩa là trong nước đã có những trường học của nhà nước, của nhà chùa và của nhà Nho. Có thể nói rằng, trong thời Lý, triều đình sử dụng cả hai nguồn Nho và Phật để trị nước, Phật giáo ở đường tín ngưỡng là chính, Nho giáo ở đường chính trị lần lần trở thành chính. Tuy rằng tôn giáo của nhà vua và của tầng lớp thống trị là Phật giáo, Phật giáo ấy chưa hề được tuyên bố chính thức là độc tôn, còn Nho giáo thì vẫn có chỗ đứng và ngày càng vững.

Sang Trần, Nho giáo phát triển hơn là trong Lý. Cũng như trong Lý, ban đầu Trần dùng Phật làm tôn giáo, dùng Nho làm trị đạo. Nhu cầu thiết thực của việc trị nước, nhu cầu tiến hóa của bản thân trí tuệ, ảnh hưởng này thêm tăng về mặt văn hóa của nước láng giềng khổng lồ, những lưu tệ của Phật giáo đương thời trong xã hội ta, tất cả đều khiến Nho giáo lần lần chiếm thế mạnh để cuối cùng thì chiếm ưu thế ở triều đình và trong hàng trí thức so với Phật giáo. Dưới Trần, các khoa thi đượ mở đều đặn hơn xưa, phần thì do nhu cầu về nhân tài của nhà nước, phần thì do nhu cầu văn hóa của các  tầng lớp trên. Năm 1236, Trần Thái Tông lập Quốc sử viện, ở đó dạy ngũ kinh tứ thư cho con em các nhà quý tộc. Không thấy nói ở đó có dạy kinh, luận của Phật giáo. Năm 1253, Quốc học viện được thành lập, không phải để cho thiếu niên, mà để cho các Nho sĩ đã có trình độ nào rồi, tới lui học tập, có sách, có thầy, có nơi lưu trú. Ngoài hai viện quốc l65p trên, còn có những trường tư nổi tiếng, chứng tỏ sự phát triển khá rực rỡ của Nho giáo, như trường của Chu Văn An, trường của Chiêu Quốc vương. Triều đình đặt ra “tam khôi” (trạng nguyên, bản nhãn, thám hoa) làm cho sự thi cử có một cái hào quang hấp dẫn. Đến Trần Duệ Tông thì mở khoa thi tiến sĩ. Chắc là lúc này sự học chẳng những phát triển ở kinh thành và vùng lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình, mà sự học cũng được khuyến khích ở phương nam nữa trong những khu vực sông Chu, sông Lam, cho nên mới có phân biệt “kinh” trạng nguyên và “trại” trạng nguyên; vùng Thanh, Nghệ còn gọi là “trại” có nghĩa là đất mới khai thác, chậm tiến hơn.

Như thế Phật giáo lui dần, ít ra là trong lĩnh vực chính trị, văn hóa, còn Nho giáo thì tiến mãi và cung cấp ngày càng đông viên chức cho bộ máy nhà nước phong kiến. Tuy ban đầu quan nho chỉ ở cấp thấp, họ lục tục trèo lên, như lấy vai mà lấn lần các ông quý tộc phong kiến ra khỏi phần lớn các chức vụ thiết thực, sự lần lần thắng lợi đó là phù hợp với quyền lợi của hạng nho sĩ, vừa phù hợp với lợi ích của bộ máy nhà nước trung ương khi tình thế không cho phép các thân vương đã có thái ấp lại có quân đội và hành chính riêng, làm yếu chính quyền trung ương dù chỉ ở một mức độ không nặng nề lắm. Tuy vậy sẽ là một điều sai lầm nếu bị ám ảnh bởi sự kiện lịch sử Tây Âu thế kỷ 16, 17, ta cường điệu cái mâu thuẫn có thật ở Việt-nam thời Trần giữa chính quyền trung ương và thân vương có thái ấp, và từ đó lại cường điệu cái vai trò thống nhất của Nho giáo ở bên này tựa như vai trò của tư bản thương mại phát triển ở bên kia. Nho giáo từ xưa có thể là hệ ý thức của vương triều thống nhất, mà cũng từng là hệ ý thức của vương triều cát cứ, nó không nhất thiết là yếu tố dẫn đến thống nhất, đến tập trung quyền lực quốc gia. Sự thống nhất, sự tập trung quyền lực quốc gia ớ nước ta đáp ứng trước hết cái nhu ac62u độc lập dân tộc.

Thoái của cái này, tiến của cái kia, cuộc đấu tranh giữa hai giáo Phật và Nho trong thời Trần chắc không phải đơn thuần là một đấu tranh về học tuyết, tư tưởng, mà phản ánh một sự biến đổi nào đó trong cơ cấu xã hội nước ta: vào những thế kỷ 13, 14, một tầng lớp, một giai cấp địa chủ thứ dân (phân biệt với giai cấp phong kiến quý tộc) được hình thành và phát triển. Tương ứng với sự phát triển của giai cấp ấy, là sự phát triển của tầng lớp Nho sĩ, số họ thêm đông, thế họ thêm mạnh, họ chiếm nhiều vị trí trong quan trường, họ lần lần có đủ uy lực chẳng những để dám công khai phản đối một số đặc quyền đặc lợi của quý tộc, mà còn công khai tiến công vào Phật giáo còn là tôn giáo của nàh vua. Trong số những nhà nho bài xích Phật giáo lúc này, người ta thường kể đến Lê Văn Hưu, Lê Quát, Trương Hán Siêu, những ông có vai vế trong quan trường và trên văn đàn. Họ chê bai các nhà sư là chuyên chiếm đoạt vườn xinh cảnh đẹp, ham mê nhà cửa lộng lẫy. Họ công kích việc phí tiền của và sức dân vào việc dựng quá nhiều chùa, tháp và dựng chùa tháp quá to. Họ tố cáo kẻ làm tăng là trốn làm lụng, mà chỉ biết cầu phúc mà không lo tự lực. Họ công kích vua Lý quy công phá giặc cho Phật mà không lo ủy lạo binh sĩ là những người mới thật có công. Các lý lẽ chính trị và xã hội của họ đều đáng kể vì đúng sự thật. Nhưng không thấy họ tranh luận về tư tưởng, về giáo lý, nếu có thì hết sức nông cạn, và thoảng qua mà thôi. Đứng trên lập trường Nho giáo, dựa vào nguyên lý “trị đạ” của Nho giáo, Lê Văn Hưu viết trong Đại Việt sử ký toàn thư.

“Lý Thái Tổ lên ngôi mới được hai năm, tôn miếu chưa dựng, xã tắc chưa lập, mà trước lo xây tám ngôi chùa ở phủ Thiên Đức, lại lo sửa chữa chùa ở các lộ và cấp độ điệp cho hơn một ngàn người ở kinh sư làm tăng, thế thì đã tiêu phí của cải và sức dân về việc thổ mộc nhiều biết chừng nào mà kể. Của không phải do trời mưa xuống, sức không phải do thần làm hộ. Thì làm như vậy. há chẳng phải là vét máu mỡ của dân sao? Vét máu mỡ của dân thì sao gọi là làm phúc được? Bậc vua sáng nghiệp tự mình cần kiệm mà lo con cháu ngày sau xa xỉ. Thế mà Thái Tổ cho phép con cháu như thế, cho nên đời sau mới xây tường cao ngất trời, tạc cột chùa bằng đá, làm chùa thờ Phật lộng lẫy hơn cung điện của vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, nhân dân quá nửa làm sãi, trong nước chỗ nào cũng có chùa”.

Sau này trong báo Đuốc Tuệ, cơ quan chấn hưng Phật giáo Bắc kỳ hồi những năm 30 của thế kỷ 20, thấy người ta nhắc lại việc Trương Hán Siêu lúc trẻ thì nhân danh Nho giáo mà công kích Phật giáo, về gì lại ca tụng Phật giáo, theo đạo Phật, nói là tựa như Hàn Dũ bên Trung Quốc, Đuốc Tuệ muốn lấy việc đó mà chứng minh rằng Nho giáo không hơn Phật giáo được.

Đến cuối Trần thì rõ ràng là Nho giáo đã chiếm ưu thế so với Phật giáo trong các giới cầm quyền chính trị và các giới văn hóa, chớ không đợi đến Lê sơ. Và rõ ràng là Nho giáo đã chiếm ưu thế cũng không làm sao cứu nổi nhà Trần khỏi bước suy vong.

Hồ Quý Ly là một nhà phong kiến quý tộc mà nổi tiếng thâm nho. Lên cầm quyền, Hồ Quý Ly tiến công Phật giáo không phải chỉ bằng lời nói: Hồ Quý Ly hoàn tục những tăng đồ dưới 50 tuổi, buộc các sư cụ phải thông kinh kệ mới được cai quản chùa chiền. đó là vào năm 1396. Nhiều nhà Nho mạt sát nhà Hồ, song dưới thời Hồ, Nho được nhà nước khuyến khích mạnh mẽ hơn bất cứ lúc nào trước đó. Dưới quyền Hồ Quý Ly, số người học tăng lên gấp bội, mở đến châu, huyện. Nhà nước cấp ruộng để nuôi thầy, mở lớp, mua sách. Lúc này hoàn toàn không còn học và thi tam giáo nữa, chỉ riêng Nho giáo là được suy tôn. Chương trình thi cử, ngoài kinh, truyện, sử, còn có những môn thiết thực như làm toán, viết chữ. Tương truyền Hồ Quý Ly đã kích Tống nho, viết sách Minh đạo 14 thiên, đề cao Chu Tông lên trên Khổng Tử. Không thấy có bằng cớ gì về việc này, tác phẩm lý luận của hai vua Hồ bị kẻ địch tịch thu và hủy hoại hết chăng? Có thể như vậy. Điều chắc chắn là đến Hồ, Nho giáo đã chiếm ưu thế tuyệt đối trong bộ máy nhà nước, và sự thất bại của cha con Hồ Quý Ly không phải xa lạ gì với sự thất bại, sự bất lực của Nho giáo trên nhiều mặt, đặc biệt là tư tưởng quân thần.

Khi quân Minh chiếm đoạt nước ta, chúng thi hành một chính sách cực kỳ tàn bạo, cực kỳ thâm độc, nhằm thủ tiêu văn hóa Việt-nam, nhằm Hán hóa dân tộc Việt-nam. Năm 1407, vua Minh ra lệch cho bọn Trương Phụ, Trần Húc thiêu hủy tất cả sách vở do người Việt-nam viết, thiêu hủy cả bản gỗ, đập nát các bia đá, “một mảnh giấy, một nửa chữ, cùng những bia khác của nước ấy dựng lên, hễ thấy thì lập tức hủy hoại hết”. Mười hai năm sau, đứng trước phong trào kháng Minh ngày càng mở rộng của dân ta, một lần nữa, nhà Minh ra lệnh cho quan quân của nó tịch thu tất cả các sách vở về lịch sử, văn học, pháp luật, quân sự còn sót lại của người Việt-nam, đưa tất cả về Trung Quốc. rõ ràng là bọn xâm lược muốn tiêu diệt nòi giống ta, xóa bỏ một cách vĩnh viễn tên nước Việt-nam trên bản đồ. Trong những năm thống trị đầu tiên, quân Minh bỏ thi cử, giảm số trường học. Từ năm 1414, chúng mở lại trường ở châu, huyện, nhưng nực cười thay, để đào tạo thầy giáo, chúng tập hợp một số những thầy pháp, thầy chùa, lang băm, đưa sang nước Minh dạy cho học thêm chữ Hán một ít lâu, nhồi sọ cẩn thận về chính trị, rồi đưa trở về dạy chữ Hán, giảng kinh, truyện, sử. Khỏi phải nói cũng biết cái thứ “Nho” đó là Nho gì. Học thì học, nhưng thi thì vẫn bỏ. Bởi vì thi có thể làm gì đâu? Để tuyển quan lại người bản xứ, bọn Minh đô hộ xem xét hạnh kiểm một số người, ai được chúng đánh giá là “tốt” thì được phong làm “ống sĩ”, số cống sĩ này được đưa về Trung Quốc cho bên ấy nhồi sọ thêm, tuyển lọc lại rồi đưa trở lại để cai trị nhân dân ở các cấp dưới, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của quan Minh. Nhà Minh truyền bá đạo Nho ít hơn là cố tình gieo rắc những mê tín dị đoan: nơi nào cũng vậy, quan cai trị của chúng đặc biệt chú ý đến việc lập đền, dựng mếu, tế lễ, cầu đảo, và đồng thời truy nã những nhà Nho yêu nước, những nhà Nho không chịu hợp tác với chúng. Vào đầu thế kỷ 20, một số nhà phê bình nước ta chú ý rằng học giả Việt-nam các triều Lê, Nguyễn hầu như không biết tới Minh Nho, không ai chú ý đến Vương Dương Minh và thuyết “tri hành hợp nhất” của ông này… Đúng như vậy, và một trong những lý do cắt nghĩa sự thực ấy, có lẽ là cái thành kiến sâu sắc mà không phải sai lầm gì của nhà Nho Việt-nam đối với nhà Minh, huống chi Minh Nho đã là một thứ Nho suy đốn, không được cái hào quang của Nho thời Tống, thời Hán.

Trong cuộc kháng Minh, lúc đầu thì những người đại diện tích cực cho quý tộc phong kiến thật đã tỏ ra anh dũng phi thường, nhưng giai cấp quý tộc phong kiến đã tàn tạ lắm rồi: “Vận khử anh hùng ẩm hận đa” có nghĩa là như vậy, họ không còn đoàn kết được dân, không còn lãnh đạo được dân nữa. Bấy giờ xuất hiện Lê Lợi như là đại diện cho tầng lớp xã hội mới có khả năng đại diện nhất cho dân tộc, xuất hiện Nguyễn Trãi như là cánh Nho sĩ mà tư tưởng chính trị và xã hội gần gũi với nguyện vọng quần chúng, có khả năng huy động nhân dân kháng chiến một cách mạnh mẽ nhất. Nho giáo đóng một vai trò cứu quốc, góp một số cống hiến tích cực là ở đây, có thể nói: nó có uy thế tinh thần lớn là từ khi đóng vai trò này.

Từ Lê trở đi, Nho giáo thành quốc giáo của Việt-nam. Nho giáo đã góp phần đắc lực trong cuộc chống Minh, giải phóng dân tộc thì nó không gặp trở lực nào đáng kể để trở thành quốc giáo, tuy rằng đa số nhân dân, kể cả một phần quan trọng của những công thần tướng sĩ Lam Sơn, về mặt tìn ngưỡng vẫn theo Phật giáo hay Đạo giáo. Sự thật thì ở nước ta lúc này, Nho giáo có thể tự trình diện ở các trường thi lắm lúc với bộ mặt khá chính thống, nhưng lại thường xuất hiện ở đời tư và ở sáng tác văn học như một sự thỏa hiệp ở nhiều nước mức độ khác nhau với Đạo giáo và Phật giáo. Ảnh hưởng của Tùy, Đường? Có! Nhưng trước hết là một thực tế xã hội Việt-nam, lớp trí thức tất nhiên có ảnh hưởng đến nhân dân nhưng đồng thời không thể nào chịu ảnh hưởng trở lại của nhân dân. Vả lại bản chất Nho giáo là cực kỳ phiến diện, cho nên trong cuộc sống đa diện, Nho giáo bị bắt buộc phải vay mượn ở các học phái khác, giáo phái khác như Pháp gia, Âm dương gia, Đạo giáo, Phật giáo v.v…

Có thể chú ý rằng, ở nước Việt-nam suốt các thời Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, tam giáo đều lưu hành, có suy, có thịnh, có đấu tranh với nhau và trong cuộc đấu tranh đó thì thường thường Phật và Đạo giáo liên kết với nhau - ở bên Trung Quốc thì Nho và Đạo lại liên kết với nhau - đấu tranh lắm lúc cũng to tiếng nặng lời nhưng chưa hề có chiến tranh tôn giáo như đã thấy xảy ra ờ nhiều nước châu Âu hay châu Á khác. Trái lại, các giáo kết gây đoàn thể với nhau để chống ngoại xâm. Sở dĩ như vậy, trước hết là do tư tưởng yêu nước sâu sắc của dân tộc ta, nhưng cũng phải nói rằng phần nào vì tam giáo đã lâu dài chung sống, xâm nhập lẫn nhau, phần khác phải chăng vì - theo sự nhận xét của nhiều học giả nước ngoài, “người Việt-nam vốn không có một tín ngưỡng đặc biệt sâu sắc”, mà bản thân Nho giáo cũng không phải hẳn là một tôn giáo như Hồi giáo, Công giáo… Nho giáo có nói trời nhưng chủ yếu là nói người, Nho giáo lo đời sống mà ít lo việc sau khi chết: Nho giáo không có tín ngưỡng vào đấng Cứu thế, vào Thượng đế sáng tạo vũ trụ… cho nên sự mê tín tuy có mà không đến nỗi nặng nề có thể đưa đến chiến tranh tôn giáo, trừ phi trong đó có vấn đề bảo vệ hay khôi phục độc lập dân tộc đối với một kẻ xâm lược lấy tôn giáo làm đội tiên quân (khi ấy thì chiến tranh thực tế không phải chiến tranh tôn giáo mà là chiến tranh chống xâm lược).

Lại cần chú ý đến điều này nữa là, khi Nho giáo trở thành quốc giáo, quốc giáo độc tôn, thì trong triều đình cũng như trong hàng sĩ phu, nhiều tập tục ngàn năm lắm khi khá tốt đẹp của dân tộc, của dân gian bị xem rẻ và ruồng bỏ để thay thế bằng tập tục gọi là tốt đẹp của văn hóa phương Bắc mà Nho giáo cho là mẫu mực vì gốc ở lời dạy của “thánh hiền”, của “tiên vương”. Ví như các cuộc múa khiên, đấu cầu hùng tráng ở sân rồng thời Trần, qua Lê thì nhường chỗ cho những nghi thức yếu đuối gọi là “lễ” nhập cảng từ phương Bắc, lại ví như tập tục hát múa giao tình trong quần chúng nhân dân, ngay ở tỉnh nhà của vua Lê Lợi, bị triều đình Lê chính thức nhận xét là “mọi rợ”, lịnh phải bỏ đi, không được đem ra biểu diễn mừng Lê Thái Tổ về thăm Lam Sơn!. Và bao nhiêu điều khác nữa. Nho giáo được tôn làm quốc giáo thì, rõ ràng là nhiều hay ít, lý trí có tiến tới so với tôn giáo, nhưng, đáng trách thay, kẻ thắng trận về quân sự và chính trị lại quá phục tùng kẻ thua trận trên nhiều mặt văn hóa, học thuật! Nó thua trận nhưng nó khổng lồ và vốn là thầy trong suốt cả ngàn năm. Phong kiến Việt-nam liên tỏ ra là người bắt chước một cách quá nô lệ những kẻ mà nhân dân vừa mới đánh đuổi. Nhìn chung, có một chỗ mất lớn từ khi Nho giáo trở thành quốc giáo là: tinh thần thượng võ của các tầng lớp xã hội bên trên có “xuống cấp” di nhiều, sự xuống cấp đó trước tiên do tầng lớp quý tộc phong kiến cũ tan vỡ nhưng cũng phải thêm rằng với Nho giáo người ta trọng văn khinh võ, sự miệt mài văn chương một cách sáo vẹt nô dịch lần lần trở thành một tai vạ quốc gia, đúng là số sĩ phu tăng lên gấp bội, thi phú được mùa, nhưng tư tưởng sùng Hán học của triều đình và nhà Nho đi tới mức thực tế xem ta là man di, họ là hoa hạ, rồi cố làm sao cho giống họ, đành chôn vùi nhiều tính cách dân tộc đặc sắc của ta.

Nhà Lê phát triển nhanh việc giáo dục và thi cử theo kiểu Trung Quốc. Năm 1428, Lê Lợi lập Quốc tử giám ở kinh thành và nhiều trường học ở các đạo. Quốc tử giám dành riêng cho con em các quan chức ta, và một số học sinh thứ dân mà ưu tú được tuyển qua các kỳ khảo hạch ở các đạo: một sự nới rộng tất yếu sau cuộc chiến tranh giải phòng được của dân tộc tham gia. Trường các đạo (tỉnh) thì mở rộng cửa cho con cái của bất kỳ ai có thể đi học được. Năm 1483, Lê Thánh Tôn xây dựng lại Văn Miếu và lập nhà Thái học ở sau Văn Miếu, nhà này vừa là giảng đường, vừa là thư viện và nơi bảo quản các bản in gỗ quan trọng, ở đ1o lại có chỗ nội trú cho học sinh. Nhiều thầy đồ và hưu quan mở trường ở thôn ấp. Sĩ tử ngày càng đông. Kẻ sĩ (trí thức) trở thành một tầng lớp xã hội quan trọng. Năm 1442, mở khoa thi Hội đầu tiên, lấy 33 Tiến sĩ, trong đó có một Trạng nguyên, một Bảng nhãn, một Thám hoa: đó là bằng cớ rằng Nho học đang phồn thịnh. Triều đỉnh khuyến khích sự học và thi bằng một số biện pháp như ra lệ xướng danh và lệ vinh quy, làm cho ai nấy đua nhau học giỏi cho được tên ghi bảng vàng, cấp phát áo mão, làng tổng đón đưa. Vả chăng, thi cử là một cách quan trọng, có thể xem là quan trọng nhất, để nhà nước tuyển quan, đỗ càng cao thì chức càng to, quyền lợi càng nhiều cho bản thân, cho gia đình và làng xóm nữa. Năm 1480 vua Lê Thánh Tôn định lệ dựng bia đá ở Văn Miếu, ghi lý lịch các vị tiến sĩ từ khóa 1442 trở đi. Như vậy, học giỏi, đỗ cao thì trở thành như “bất tử”, bai đá muôn thuở nêu danh. Sự học được khuyến khích như thế. Dĩ nhiên, đấy chỉ là học Nho mà thôi, Phật và Đạo không còn có chỗ đứng chính thức nào hết, và bị xem là tà giáo, mà cũng không có một nền “quốc học” riêng đáng kể và mãi như vậy suốt nhiều thế kỷ phong kiến, học, chủ yếu là bắt chước Bắc phương.

Học và thi vào quy cũ. Ở các đạo, cứ ba năm một kỳ thi Hương, ở kinh thành cư ba năm một kỳ thi Hội. Ngoài ra, không định hạn, triều đình mở các cuộc thi “Minh kinh”, “Nho thần”, nhằm kiểm tra học lực của quan lại. Thỉnh thoảng mở kỷ thi “Lại điển” thi hai môn viết chữ và làm toán nhằm tuyển lựa Lại viên cho cơ quan nhà nước.

Học và thi trở thành chỗ ganh đua của đông đảo người ta, thành nấc thang trèo lên ở xã hội phong kiến trong đó bậc sĩ là cao nhất; tiền tài, quyền uy, vinh dự đều từ đó mà ra. Trong 37 năm trị vì của Lê Thánh Tôn, triều đình mở 12 khoa thi Hội, lấy 501 Tiến sĩ, kỳ thi Hội năm 1475 có đến 3.000 thí sinh, kỳ thi Hương năm 1462 ở riêng trấn Sơn Nam không biết có bao nhiêu thí sinh mà số trúng tuyển đã non già 1.000! Đạo quân Nho sĩ càng ngày càng đông. Từ đó nổi lên nhiều nhà thơ, nhà văn lỗi lạc, từ đó cũng nổi lên một số nhà nghiên cứu địa lý, y học, toán học, sử học trứ danh. Ấy là chưa kể rằng từ đó lại xuất thân một số, tuy rất ít, những người tham gia khởi nghĩa của nhân dân chống triều đình. Ở đây cần nói ngay rằng bản thân Nho giáo không đủ sức làm động cơ tinh thần để góp sức tạo ra một cuộc khởi nghĩa, nên trong một cuộc nông dân khởi nghĩa chống chế độ phong kiến mà có nhà Nho tham gia thì nói chung là nhà Nho nghèo, hạng thấp và nói chung họ được dùng như kẻ biết chữ, họa hoằn lắm mới được đãi như “quân sư”.

Lê sơ thì Nho giáo thịnh, một sự hưng thịnh gốc ở cuộc độc lập vừa được giành lại một cách anh hùng và gốc ở sự phát đạt của nền tư hữu ruộng đất ở rộng sau khi chế độ đại điền trang tan rã. Nhiều nhà Nho xung quanh Nguyễn Trãi có lý tưởng xã hội cao thượng: Lý Tử Vân, Vũ Mông Nguyên. Các nhà Nho đua nhau học giỏi ra làm việc nước, việc dân. Nhưng lần lần, thì xã hội phong kiến nhà Lê gặp nhiều mâu thuẫn làm cho nó giẫm chân, phân liệt, lòng dân ly tán, cho nên nhà Nho học giỏi nhiều người chán ngán rút lui về ẩn sĩ quy điền: Nguyễn Bỉnh Khiêm là một người tiêu biểu khuynh hướng “ẩn sĩ”. Càng vào thời mạt Lê thì Nho giáo càng sút. Học hành thì phổ biến nhưng càng gò bó, nông cạn, càng lún sâu vào đường lầy cử nghiệp. Các khoa thi tổ chức đều đều, nhưng, theo lời nhận xét của Lê Quý Đôn, “người đỗ vẫn không có thực tài”. Nho giáo bị khủng hoảng theo sự khủng hoảng của chế độ phong kiến, nhất là vào thế kỷ 17, 18, vua không ra vua, tôi không ra tôi, cương thường tan rã, vương đạo lu mờ, đức trị mất toi. Nhiều vị chú Trịnh và chúa Nguyễn tỏ ra không sùng thượng đạo Nho cho lắm. Khi Nho giáo suy thì Phật giáo và Đạo giáo vốn phổ biến trong dân chúng lại phục hồi phần nào ở lớp trên, ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều bậc đại Nho, cả trong đời sống lẫn trong văn chương. Thiên chúa giáo nhân sự khủng hoảng chính trị xã hội và tinh thần ấy mà chen vào nước ta, giành một chỗ đứng.

Khỏi phải nói rằng tư tưởng Nho giáo đóng một vai trò lu mờ trong công cuộc đánh bại quân Thanh, nhưng nhà Tây Sơn cầm quyền không thể nào không tiếp tục tôn trọng Nho giáo, lấy nó làm quốc giáo, một mặt bởi vì tuy phong trào Tây Sơn gốc ở nông dân khởi nghĩa, nhưng trong điều kiện không có một giai cấp nào ở thành thị lãnh đạo nông dân, chủ nghĩa tư bản chưa phát triển, thì kết quả thắng lợi của một cuộc khởi nghĩa nông dân cuối cùng vẫn là nhà nước phong kiến mà thôi tuy ở một mức độ tiến bộ tương đối nào đó so với triều đình đã bọ đánh đổ, huống chi bản thân Nho giáo có nhiều mức đậm nhạt khác nhau, những nhà thơ, nhà quan, nhà vua phất cờ “vì dân trừ bạo” vẫn có thể tìm được khá dễ dàng những cơ sở lý luận và tư tưởng trong kho tàng Nho giáo cổ. Vị cố vấn của Nguyễn Huệ, vị đứng đầu Viện Sùng Chính, ông Nguyễn Thiếp, muốn khôi phục chính học, chính học đó là Nho giáo chứ không có gì lạ: “Chình học lâu ngày bị mất, người ta chỉ đua nhau học tập từ chương, cầu lợi, mà quên bẵng cái lý tam cương ngũ thường”. Bản thân vua Quang Trung hạ chiếu yêu cầu Nguyễn Thiếp phải hướng việc học tập thi cử “theo phép của Chu Tử, khiến cho nhân tài có thể thành tựu, phong tục trở lại tốt đẹp”. Hai chính sách văn hóa giáo dục lớn của vua Quang Trung là đề cao chữ Nôm và mở trường của nhà nước đến tận xã. Tất nhiên là việc học và thi không thoát khỏi thánh kinh, hiền truyện, Bắc sử. Nhà Tây Sơn có kế hoạch táo bạo là dịch Nôm những kinh truyện và sách giáo khoa chữ Hán khác. Ví thực hiện được chương trình phiên dịch đó thì sự thủ tiêu hay giảm nhẹ cái lệ thuộc về mặt văn tự rất có thể dắt đến một mức độ thoát ly về nội dung tư tưởng. Chữ Nôm vẫn khó học nhưng là một sản phẩm Việt-nam, nó có thể giải quyết được phần nào sự thống nhất giữa đọc, nói và hiểu, nó có thể cho phép người học đi chẹch ra khỏi cái nếp suy nghĩ của những Hán Nho, Tống Nho, có khi ngoài ý muốn của những nhà phiên dịch nữa. Tiếc rằng kế hoạch này không thực hiện được vì thiếu thời gian.

Nhà Nguyễn đánh thắng Tây Sơn, lập nền thống trị trên cả nước Việt-nam từ Nam chí Bắc tuy uy quyền tuyệt đối của Cho giáo một lần nữa lại được khẳng định. Nho giáo trở lại làm vũ khí tinh thần chính thức cho cánh phong kiến phản động nhất. Cánh phong kiến phản động nhất thì tất nhiên tìm học, dạy và ứng dụng những cái lạc hậu nhất của Nho giáo.

 


Nguồn: Phiên bản điện tử do TS. Lê Sơn gửi

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt