NHO GIÁO TRONG TÂM THỨC VÀ HÀNH XỬ CỦA ĐẶNG HUY TRỨ
Đặng Huy Trứ (1825 - 1874), tự là Hoàng Trung, hiệu Vọng Tân, Tỉnh Trai; pháp danh là Hải Đức; quê ở làng Thanh Lương, nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Sinh thời ông là một nhà Nho - một trí thức yêu nước chân chính. Những việc ông làm - nêu tấm gương “liêm cần” trong chốn quan trường; lo tự cường dân nước đánh đuổi bọn ngoại xâm, khôi phục lại độc lập, chủ quyền cho đất nước. Ngoài ra, những trước tác thơ văn của ông là những hạt châu ngọc đóng góp vào kho tàng văn học nước nhà.
Trong bài viết này, chúng tôi muốn tìm hiểu Nho giáo đã ảnh hưởng đến tâm thức và hành xử của Đặng Huy Trứ như thế nào, để tạo nên một bản thể - một nhân cách Đặng Huy Trứ hiện hữu.
Thiết nghĩ Đặng Huy Trứ cũng như muôn người đương đại không thể tránh khỏi những ảnh hưởng, chi phối của yếu tố thời thế.
1. Thời thế mà Đặng Huy Trứ sinh trưởng
Thực tế cho thấy sự xác lập triều Nguyễn là cả một quá trình lịch sử lâu dài, gian khổ từ Nguyễn Hoàng (1558 - 1612) đến Nguyễn Gia Long. Đất nước được mở rộng, thống nhất, trật tự xã hội được ổn định trở lại. Trên nền tảng của xã hội kinh tế tiểu nông, nhà Nguyễn ra sức củng cố hệ ý thức Nho giáo - vốn xuất xứ từ Trung Hoa.
Tuy nhiên Nho giáo (Tống nho) vào đến Việt Nam đã bị khúc xạ. Vì hoàn cảnh, trong đó gia đình là hạt nhân của xã hội ở Việt Nam khác với đại gia đình theo chế độ tông tộc ở Trung Quốc. Đạo trung - hiếu - tam cương, rường cột của Tống nho là tín điều bất biến, “thiên kinh địa nghĩa” đối với người quân tử - kẻ sĩ Trung Hoa. Vai trò của các đại tộc theo chế độ tông tộc cực kỳ to lớn đối với mỗi thành viên trong gia tộc khi thực thi đạo “hiếu”. Đến thời Minh - Thanh, do tác động của nền kinh tế hàng hóa, đã đặt ra yêu cầu cải biến Tống nho cho phù hợp với thực tế hơn (từ kinh học đổi mới Tống nho). Khảo chứng thực học đời Thanh phát triển hơn hẳn các thời trước. Các nhà Nho học Diêm Nhược Cừ, Hoàng Tông Hy, Cố Viêm Vũ... khảo chứng tư liệu cổ sử, kinh sách Nho giáo của Chu Hy đã làm, phân biệt thật giả trong kinh sách. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Ngọc Vương, bản chất của thực học là đề cao cái “thực”, phế bỏ cái “hư”. “Thực học đề cao kinh thế trí dụng” thành tư tưởng “kinh tế - chính trị cứu đời”(1). Một số nhà thực học đòi hỏi “công thương giai bản” (công thương đều là gốc) đối lập với tư tưởng Nho giáo truyền thống “trọng nông ức thương”; hoặc nên coi quan hệ vua - tôi, thầy - trò, chồng - vợ như quan hệ bạn bè(2). Tư tưởng thực học có ý nghĩa cách mạng lúc bấy giờ.
Trong khi đó Nho giáo ở Việt Nam thế kỷ XIX vẫn là Tống nho (Trình - Chu), không có tình trạng “phản truyền thống” như ở Trung Quốc. Nho giáo không còn là thời thịnh, nhưng không phải đã hết tác dụng. Nhà Nguyễn ra sức củng cố hệ tư tưởng Nho giáo bằng nhiều biện pháp: giáo dục, khoa cử; thường xuyên mở các khoa thi chọn Tiến sĩ, Phó bảng, Cử nhân, Tú tài. Bằng pháp luật thể chế hóa tư tưởng Nho giáo, thông qua các điều luật để duy trì đạo trung hiếu, Nhà nước ấn hành kinh sách Nho giáo làm sách giáo khoa cho hệ thống nhà trường, các sĩ tử chuẩn bị vượt qua các kỳ thi “học quan” (học để làm quan). Minh Mạng (1820 - 1840) cho ban bố rộng rãi Huấn điều gồm 10 mục nằm chấn hưng Nho giáo(3). Tự Đức cũng cho ấn hành rộng rãi Thập điều diễn nghĩa bằng chữ Nôm để “từ hoàng thân cho đến các quan, dân các xã thôn, mỗi người đều một bản” (4), nhằm duy trì, củng cố nho phong. Bằng biểu dương nêu khen những bề tôi tiết nghĩa, những người phụ nữ “tiết hạnh khả phong”; hoặc nhiều làng quê được cấp biển “mỹ tục khả phong”, “thiện tục khả phong”.
Nhìn chung Nho giáo ở Việt Nam thế kỷ XIX có phần được củng cố hơn thời Hậu Lê - Nho giáo khủng hoảng (phần đông các nhà Nho theo thời, ít người “ngu trung” theo kiểu Lý Trần Quán). Tình hình đó đã ảnh hưởng sâu sắc tới từng gia đình, nhiều đời Nho học, và cá thể, nhất là những người học Nho. Vốn sinh ra trong một gia đình nhiều đời Nho học, ngay từ nhỏ Đặng Huy Trứ đã được tiếp thu cả một khối kiến thức của Khổng - Mạnh do gia đình truyền dạy. Từ ông nội Đặng Quang Tuấn (1752 - 1825), thân sinh Đặng Văn Trọng (1799 - 1849) đều qua cửa Khổng sân Trình song không ra làm quan mà ở lại quê nhà Thanh Lương làm thầy dạy trường tư. Ông bác Đặng Huy Trứ là Đặng Văn Hòa (1791- 1865) đậu Cử nhân và ra làm quan trải nhiều chức tới Thượng thư Bộ công kiêm quản Hàn lâm viện, Thượng thư Bộ Lễ, Thượng thư Bộ Hình kiêm Tổng tài Quốc sử quán. Ngay từ nhỏ Đặng Huy Trứ đã được cha kèm cặp. Năm 9 tuổi mới thực vào lớp, năm 12 tuổi thì biết cách ngắt câu khi đọc “Ngũ kinh”, “Tả truyện” và “Tam sử”:
“Cha tôi truyền dạy cho ý chính từng chương, lý lẽ từng đoạn rõ ràng như dạy đứa trẻ chưa biết chữ nào. Năm 14 tuổi, tôi mới hơi thông hiểu thể văn Tam trường (Đặng Dịch Trai ngôn hành lục)”(5).
Sau này, khi Đặng Huy Trứ học cao, đi thi Hội trúng cách đỗ Tiến sĩ (nhưng do phạm húy nên bị cách và phạt đánh 100 roi, đi dạy học và làm quan ông vẫn không quên: “Cái học sáu kinh của gia đình truyền cho, chớ coi nhẹ mà vứt bỏ (Tự răn III). Kiến thức Nho học mà Đặng Huy Trứ học được từ gia đình, từ những người thầy như Cử nhân Đỗ Huy Viêm, Phó bảng Lê Thế Quán (Thanh Hóa), Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tạo (Đông Ngạc - Hà Nội), từ kinh sách Khổng - Mạnh, học ở bạn đồng liêu và học ở nhân dân trên hoạn lộ đã tạo nên một Nho sĩ Đặng Huy Trứ với một cách suy nghĩ và hành xử thức thời - khả ái. Trong hoàn cảnh xã hội mà các chuẩn mực Nho giáo không còn là “khuôn vàng thước ngọc” của kẻ sĩ, Đặng Huy Trứ trong tâm thức và xuất xử không cứng nhắc, mà luôn sáng suốt, năng động. Tự thân Đặng Huy Trứ là tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân.
2. Tâm thức và hành xử của Đặng Huy Trứ - về đạo trung - hiếu
Đặng Huy Trứ từng trước tác nhiều: Sách học vấn tân (1850), Vũ kinh trích chú (1854), Từ thụ yếu quy (1867), Đặng Hoàng Trung thi sao (1867), Đặng Dịch Trai ngôn hành lục (1868). Ngoài những lĩnh vực thuộc chuyên môn học thuật liên quan đến giáo dục, quân sự, kinh tế, văn hóa (thơ - văn), tác giả đề cập tới nhiều vấn đề thuộc phạm trù tư tưởng Nho giáo. Về tư chất của người làm quan phải “liêm cần”. Trách nhiệm của người làm quan trước vua và dân, lo trước vui sau (lẽ xuất xử). Quan niệm về dân - dân là gốc nước. Việc giữ gìn thanh danh nhà Nho v.v. như vấn đề nêu ra ở trên, trước hết chúng tôi chú trọng tìm hiểu về trung - hiếu theo cách hiểu và hành xử của ông - tức từ cái gốc trọng Nho trong thời đại của ông.
Nho giáo vốn dĩ rất coi trọng đạo trung - hiếu (trung với vua, trung quân ái quốc; hiếu với cha mẹ - tổ tiên); Tam cương (vua - tôi, cha - con, vợ - chồng); Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Đạo trung hiếu cương thường được coi là rường cột của xã hội phong kiến Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên Nho giáo ở Việt Nam thế kỷ XIX và đến lượt Đặng Huy Trứ vận dụng, thực hành đạo trung - hiếu đã chứa đựng tinh thần nhân văn, nhân bản và cả sự sáng tạo.
Trong suốt cả cuộc đời đi học, dạy học và làm quan, Đặng Huy Trứ đều nghĩ đến và giữ gìn nếp nhà thế gia Nho nghiệp. Khi từ biệt vợ, đi sứ sang Trung Quốc năm 1863, ông viết: “Đi xa ngàn dặm, người trời Nam, kẻ đất Bắc nhưng đạo cương thường vẫn là muôn thuở lẽ sống của tôi”(6). Theo đòi nghiệp Nho, Đặng Huy Trứ coi trọng trung hiếu, ông tự thề với mình khi đi sứ Quảng Đông lần đầu năm 1865: “Vượt biển trèo non, dù hiểm nguy cũng phải coi như bằng phẳng. ở đời tấm lòng trung hiếu là có quan hệ đến an nguy của đất nước”(7). Nếu không có bề tôi trung thành, lúc quốc gia hữu sự nhà vua biết trông cậy vào ai. Hoặc trong gia đình cũng vậy, nếu người con bất hiếu thì thật là nhà vô phúc. Trên đường xa nước vùng viễn xứ ông bộc bạch: “Tấm lòng một đời ta là làm tròn trách nhiệm người trung thần và người con hiếu” (Viễn diểu - Nhìn ra xa)(8). Dù làm gì hay ở đâu, Đặng Huy Trứ cũng lo tròn đạo trung hiếu. Trong khi đi sứ lần thứ hai (1867 - 1868), ông tâm sự khi ốm: “Ta há phải là người ham sống sợ chết, trước sau chỉ một lòng lo nước, lo nhà. Cơ hội trăm năm họa hay phúc là ở ngày nay”. “Nhờ chín chữ cù lao của cha mẹ mới có thân này. Làm bầy tôi ra sức vì chữ Trung đã báo đáp được bao nhiêu? Phận làm con theo đuổi chữ Hiếu, cũng chưa vẹn toàn(9)... Trong bài Tự thuật của Tĩnh Trai, tác giả tự thuật về mình: “Năm nay tôi đã bốn mươi tư (1868), từ nay sống một ngày là tu tỉnh một ngày. Đối với lỗi lầm trong dĩ vãng thì cốt sao thắng được, đối với tương lai cốt sao không vấp ngã. Như thế cũng là để đền đáp ơn vua, sớm tối không trễ nải thờ vua để thành người tôi trung. Như thế cũng là để đền đáp cha mẹ, sớm tối luôn nhớ để thành người con hiếu”(10).
Mặc dù Đặng Huy Trứ dốc nhiều tâm sức để thực hành đạo trung hiếu. nhưng rồi chính ông cũng thừa nhận: “Trung và Hiếu, xưa nay khó vẹn cả hai(11) (Họa bài Tâm sự khi ốm của quan Tuần phủ Quảng Đông Tương Hương họ Tưởng).
Qua những trước tác thơ văn dẫn trên và qua việc xuất xử - làm thầy, làm quan của ông sau đây, ta sẽ thấy suy nghĩ cụ thể của Đặng Huy Trứ về đạo trung hiếu: Thông phán ở Ty Bố chính Thanh Hóa (1857); Tri huyện Quảng Xương (1858); Theo Hoàng Kế Viêm đi thử pháo, sau về làm thơ tỏ thái độ quyết chiến với Pháp; Tri phủ Thiên Trường (1861); làm việc ở Nội các (1862); Ngự sử lĩnh chưởng ấn Binh khoa (1863); Bố chánh Quảng Nam (1864); đi Hương Cảng (1865); Bố chánh Nam Định (1867); đi sứ Quảng Châu (1867); mua “Tân thư”, “Binh thư”, máy móc gửi về nước...”; Thương biện tỉnh vụ Hà Nội; Khâm phái thương biện quân vụ Sơn - Hưng - Tuyên; mở hiệu ảnh “Cảm hiếu đường”; mở nhà in “Trí trung đường” (1869); Bang biện quân vụ - Lạng - Bằng -Ninh - Thái; cùng giúp Hoàng Kế Viêm đánh dẹp biên giới (1871), Đặng Huy Trứ tử trận ở Đồn Vàng Chợ Bến ngày 7-8-1874(12). Cuộc đời nhập thế, năng động, sáng tạo của Đặng Huy Trứ tất cả vì lo cho nước, cho dân, không biểu hiện thái độ cố chấp “khắc chu cầu kiếm” như nhiều nhà Nho xưa, mặc dù nhân tình thế thái thời đại của ông không mấy thuận theo. Dân ta còn chìm đắm trong nghèo nàn, lạc hậu. Thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng (1858) và chiếm sáu tỉnh Nam Kỳ, nhà vua Tự Đức không dám tuyên bố kháng Pháp, thật là một bi kịch Tự Đức. Trong khi nhân dân ở nhiều nơi Bắc - Trung - Nam đã tự phát tổ chức chống Pháp, trong những ngày tháng lâm nguy của đất nước, về hình thức Đặng Huy Trứ vẫn giữ lòng trung vào nhà vua, nhưng trên thực tế là trung hiếu chỉ hướng về phía nhân dân. Và ông tin rằng sẽ đến lúc dân ta sẽ xoay trời lại, sẽ giành lại được non sông. Từ suy nghĩ đến hành động, Đặng Huy Trứ rất coi trọng dân: “Dân là gốc của nước” (Văn tế cầu mưa)(13). Dân giàu nước mạnh... “Tuy nhiên thế mạnh của nước là lấy dân làm gốc. Bồi bổ cái gốc đó mới là thầy thuốc giỏi” (Họa lại bài thơ của Tổng đốc Nghệ An)(14). Những điều tâm niệm, những việc ông làm mong chữa trị “bệnh nghèo đói” do thiên tai lụt lội, hạn hán, bệnh tật, quan lại đục khoét, giặc giã gây ra. Đặng Huy Trứ cảm nhận được đối với muôn dân kiếm được “miếng ăn gian nan”.
Trong tám chính sách thì cái ăn là chính sách hàng đầu: “dân dĩ thực vi thiên” (dân lấy ăn làm trời), cực chẳng đã mới phải bỏ ăn. Cày để ăn không có lúc nào gọi là cuối năm: “Ăn ngọc không được nhàn hạ, ăn thịt phải lo cho ai ?” làm sao khiến cho dân ăn rau có thể không có cái lo về gạo ăn, ăn mà không làm, xưa coi là nhục. Đủ ăn dân mới thư thái. Dân không được ăn, ta ăn làm sao được?(15). Từ đó ông nhắc nhở người làm quan - kẻ quân tử “phụ mẫu chi dân” (cũng là tự nhắc mình trách nhiệm trước nhân dân) cần biết trông nom “con đỏ” siêng cần (giống như bà nhũ mẫu trông nom đứa trẻ lọt lòng trải bao gian khó nhọc nhằn). Trong thơ tự răn mình, Đặng Huy Trứ viết: “Hưởng phúc không khó mà tạo ra phúc mới khó. Phúc không tạo ra thì hưởng sao yên. Một sợi tơ, một hạt gạo đều nhờ phúc ấm của tổ tiên. Gấm vóc cao lương là đầu mối của tai họa. “Muốn cho nhà cửa rạng rỡ, hãy trồng cây đức. Không muốn làm lợi cho dân thì đừng làm quan...”(16).
Trách nhiệm của kẻ sĩ - quan lại thay vua “chăn dân” thực quá rõ ràng. Đặng Huy Trứ cho rằng: “Tạo hóa sinh ra ta không phải để ngồi không, đối với cái lợi, cái hại của dân sớm đã có quan hệ. Văn chương, sớ tấu tầm thường đâu phải là vàng ngọc. Trăm vạn dân đen há là cỏ rác ? Muốn được làm dòng nước nhỏ chảy về biển cả và đâu chịu tay không mà xuống núi cao ? Bổng lộc mình được hưởng là mỡ dầu của dân, nhưng liệu có làm nên được gì ? Ăn không như ta cũng mặt dày!”(17).
Bởi thế, để báo đền ơn dân, ông vừa hành động cứu giúp dân, vừa cho lập kho Nghĩa Thương ở Thanh Hóa (1857), đề nghị xây Nghĩa trang cho dân (1861), giải quyết nạn đói do hạn hán, bão lụt ở Quảng Nam v.v. Ông viết bài này khuyên giải về người quân tử không ăn không (quân tử bất tố xan): “...Ta sinh ra may mắn được làm người. Đã được làm người lại được là nam nhi. Đã được là nam nhi lại được làm quan, từ kẻ áo vải mà nay có cân đai áo mũ. Triều đình có gạo kho để khuyến khích kẻ sĩ, hạt hạt trong kho đều là châu là ngọc, trăm cay ngàn đắng mới có được. Chính mỡ dầu của dân làm cho ta no bụng. Ăn mỡ dầu ấy phải tính sao đây? Chớ để năm tháng trôi đi vô ích...”(18). Người quân tử, kẻ làm quan không ăn không, chớ lười biếng; mà hãy siêng năng với công việc. Để lo tròn bổn phận người làm quan trước dân phải “lo trước vui sau”. Theo Đặng Huy Trứ, tư chất của người làm quan muốn giúp ích cho dân phải gồm đủ “thanh, kiệm, cần”. Để giữ thanh liêm, chính ông trong lúc nghèo túng, gia đình rất cần tiền của để lo thuốc thang cho con, miếng ăn cho gia đình, nhưng ông đã đuổi thẳng cổ kẻ đến nhà riêng”(19).
Khi viết tựa sách Từ thụ yếu quy (Những nguyên tắc chủ yếu của việc không nhận và nhận quà cáp, biếu xén) (1867), Đặng Huy Trứ cũng phải than rằng: “Trong ba chữ răn mình của nhà quan thì chữ thứ nhất là “thanh”, “thanh” là liêm khiết giữ mình, không lấy của ai mảy may. Nhưng người làm quan ngày nay mà hoàn toàn “thanh” thì khó lắm...
Trải hơn 12 năm làm quan (1856 - 1867) với thực tế phong phú những điều mắt thấy tai nghe, Đặng Huy Trứ tổng kết làm hai loại: “Không nhận gồm 104 trường hợp, nhận gồm 5 trường hợp” viết thành sách. Cũng theo Đặng Huy Trứ, thực ra đó là “phương châm làm quan, là qui phạm gia đình, để làm khuôn phép cho bản thân và con cháu đời sau của tôi” (20). Lời sách khiêm nhường mà đầy ý nghĩa giáo huấn sâu xa đối với những bạn đồng liêu đương thời và đối với cả hậu học, hậu thế .
3. Thay lời kết
Trong bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam thế kỷ XIX, sự ra đời của triều Nguyễn đồng thời với việc tái lập chế độ quân chủ Nho giáo không còn vào lúc thịnh thời, sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân Pháp đã sớm phá vỡ sự ổn định xã hội, khiến Nho giáo và việc thực thi tư tưởng Nho giáo không còn đắc dụng. Trước và đặc biệt sau khi mất nước, tư tưởng Nho giáo không còn là chỗ dựa, là cứu cánh để xoay chuyển tình thế, mọi cuộc canh tân đặt ra đều quá muộn. Chính hoàn cảnh đó đã quy định và hạn chế vai trò tích cực của các nhân vật lịch sử đương thời.
Những trình bày ở trên về Nho giáo “trong tâm thức và hành xử” của Đặng Huy Trứ về chữ “trung” chữ “hiếu” (rường cột của tư tưởng Nho giáo) cho thấy trước sau ông vẫn là một nhà Nho, một trí thức nêu tấm gương sáng về lòng yêu nước. Thời thế lúc đó thực hành đạo trung hiếu thật khó vẹn toàn. Theo chúng tôi, khi vua đã xa dân, không đứng về phía nhân dân để chống Pháp, thì Đặng Huy Trứ lại đứng về phía kháng Pháp (chủ chiến), như vậy ông đã đứng về phía nhân dân (trung vua chỉ là hình thức). Những điều ông suy nghĩ , những việc ông làm cốt để giữ chữ “hiếu với dân” (hiếu với bố mẹ, ông bà, tổ tiên, trả ơn báo đáp nhân dân vì “bổng lộc mà mình được hưởng là mỡ dầu của dân”). Có ý kiến cho rằng ông thiên về “nghĩa”(21), luôn luôn lo đền ơn đáp nghĩa nhân dân. Một ông quan mẫu mực của việc thân dân. Đặng Huy Trứ coi trọng dân: “dân vi quý”, suốt đời vì dân, tư tưởng thân dân của ông mang tính nhân văn - nhân bản cao cả, thực không kém các bậc tiền bối trong lịch sử nước nhà. Những đóng góp tích cực của Đặng Huy Trứ trên nhiều lãnh vực: giáo dục, quân sự, kinh tế, đặc biệt là trong thơ văn của ông đã làm phong phú thêm kho tàng văn hóa nước nhà.
Chú thích:
(1), (2) GS. Phan Đại Doãn (chủ biên) - Một số vấn đề về Nho giáo Việt Nam (tái bản). Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1999, tr.93.
(3) Đại Nam thực lục chính biên (quyển 29, tập 15) Nxb. KHXH, H. 1973, tr.5-16.
(4) Thực lục... Sđd, tập 32, tr.126.
(5) Đặng Huy Trứ - con người và tác phẩm (viết tắt: ĐHT). Nxb. TP Hồ Chí Minh 1990, tr.62.
(6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20 Sđd, tr.310, 305, 323, 446, 465, 429, 191, 152, 298, 297, 168, 177... (443-444).
(21). Xem thêm: Một số vấn đề... Nho giáo Việt Nam. Sđd.
Tsubo Yôshiharu: Nho giáo ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam - Văn hóa - Nghệ thuậtt số 2/1999, tr.94 - 96.
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (47) năm 2011. Phiên bản điện tử: http://www.hannom.org.vn
Ý KIẾN BẠN ĐỌC