Tư tưởng Việt Nam

Xu hướng nhập thế trong tư tưởng Phật giáo Trần Nhân Tông

 

XU HƯỚNG NHẬP THẾ

TRONG TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO TRẦN NHÂN TÔNG

NGUYỄN TÀI THƯ*

 


Nguyễn Tài Thư, “Xu hướng nhập thế trong tư tưởng Phật giáo Trần Nhân Tông”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 – 2009, tr. 13-20.


 

Đã có một số người nói tới tư tưởng nhập thế của Trần Nhân Tông, vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, nhưng vì sao đang làm vua, ông lại trở thành nhà tu hành, vì sao đã là nhà sư, ông còn mang tư tưởng nhập thế và tư tưởng nhập thế đó thể hiện ra như thế nào, đó là những vấn đề cần có sự nghiên cứu thêm.

1. Yên Tử, non thiêng và đóng góp của Trần Nhân Tông vào sự phát triển của Phật giáo Việt Nam

Năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông và lên làm Thái thượng hoàng. Không còn bận nhiều đến việc triều chính, ông đi thăm nhiều đền miếu, chùa chiền trong nước. Có lúc ông tu ở hành cung Vũ Lâm (Gia Khánh, Ninh Bình). Đến năm 1298, ông chính thức xuất gia và lên tu ở núi Yên Tử, thuộc Đông Triều, Quảng Ninh. Có người nhân sự kiện này, nhận định rằng Nhân Tông đã vứt bỏ ngôi vua như vứt bỏ chiếc giày rách, không chút thương tiếc. Thực tế không phải như vậy. Dù đi tu, ông vẫn còn có ý thức trách nhiệm với xã hội, với sự thống trị của dòng họ Trần. Trước khi lên tu ở núi Yên Tử, khi đang còn ở phủ Thiên Trường, Thượng hoàng Trần Nhân Tông rất giận dữ về việc say rượu bỏ bê công việc triều chính của Trần Anh Tông và nghiêm khắc quở trách Trần Anh Tông: “Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà người còn như thế, huống chi sau này”[1]. Một con người như thế không dễ gì bỏ mặc công việc trần thế được.

Việc chọn núi Yên Tử làm nơi tu cuối đời của Trần Nhân Tông, dễ khiến người ta đi đến nhận định rằng, ông đã hoàn toàn thoát li trần thế, muốn tìm nơi xa xôi vắng vẻ để ẩn cư. Thực ra không phải

thế. Việc lên núi của ông khác với việc làm của các dật sĩ phái Đạo gia. Các dật sĩ Đạo gia lên núi là do chán ghét thế sự, là để lánh đời, để tìm nơi an nhàn, tự do thoả thích. Còn Trần Nhân Tông lên núi là để tu hành được tốt hơn, truyền đạo được tốt hơn.

Trước Trần Nhân Tông, các vị sư tiền bối cũng đã lựa chọn các ngọn núi để tu dưỡng đạo. Chính Phật Thích Ca đã có thời gian dài chọn núi Linh Thứu và vùng Tuyết Sơn để truyền pháp; ông tổ đầu tiên của phái Tịnh Thổ tông Trung Quốc là Huệ Viễn (334 - 416) đã tu tập và truyền đạo ở Lư Sơn 30 năm; gốc tích của Thiền tông Trung Quốc là ở vùng Thiếu Thất Sơn, Hà Nam, Trung Quốc; ông tổ của Thiên Thai tông Trung Quốc là Trí Ngợi (538 - 597) cũng trụ trì ở núi Thiên Thai, Triết Giang để lập đạo, v.v… Vùng núi là nơi có điều kiện tự nhiên yên tĩnh, có lợi cho sự suy ngẫm về việc đạo, việc đời. Tất nhiên là các vùng núi đó không trắc trở cho việc lui tới của con người. Dù ở núi nhưng mỗi vị tổ đều có hàng trăm đệ tử đến thụ pháp.

Trước Trần Nhân Tông đã có nhiều vị sư tăng đến trụ trì ở núi Yên Tử. Đó là các vị: Hiện Quang, Viên Chứng, Đại Đăng, Tiêu Dao, Huệ Tuệ[2]. Ngay Trần Thái Tông là ông nội của Trần Nhân Tông cũng đã có lần bỏ kinh thành lên Yên Tử và định tu hành lâu dài ở đó. Vì sao Yên Tử lại có sức hấp dẫn với các thiền sư như thế? ở đây không thể không có nguyên nhân.

“Yên Tử, dãy núi miền tây của cánhcung Đông Triều, chạy từ phía đông sông Lục Nam đến ngang Quảng La, đỉnh cao 1068m”[3]. So với xung quanh thì đây là ngọn núi cao hơn cả. Huyền Quang, vị tổ thứ ba của Thiền Trúc Lâm Yên Tử đã có bài thơ “Yên Tử sơn am cư” ca ngợi cảnh non cao của ngôi chùa trên Yên Tử:

“Cao sát trời xanh, am thiền mát lạnh

Cửa mở trên tầng mây

Trước Long Động, mặt trời đã một cây sào

Dưới Hổ Khê, băng còn dày một thước”.

(Am bức thanh tiêu lãnh,

Môn khai vân thượng tầng.

Dĩ can Long Động nhật,

Do xích Hổ Khê băng)[4]

Nhưng quan trọng hơn là vị thế địa lí của núi Yên Tử. Đứng ở trên chùa Đồng hướng về phía đông bắc thì đấy là vịnh Hạ Long bao la với sóng biển và đảo lớn, đảo nhỏ giăng đầy, hướng về phía tây nam thì sau dãy núi dựng đứng là những cánh đồng, làng mạc ngút tầm mắt của vùng Kinh Bắc và Hải Đông. Nơi đây có lợi cho việc cảm nghĩ tràn đầy tứ thơ và những nỗi niềm sâu nặng về đạo lí. Hồn thiêng sông núi như hội tụ về đây. Và biết bao thi nhân, thiền giả bằng sáng tác của mình đã làm cho ngọn núi thêm thiêng liêng, thêm cuốn hút. Chính Huyền Quang đã phải thốt lên:

“Buông niềm trần tục

Náu tới Vân Yên.

Chim thuỵ dõi tiếng ca chim thuỵ;

Gió tiên đưa đòi bước thần tiên.

Bầu đủng đỉnh giang hoà thế giới;

Hài thong thả dạo khắp sơn xuyên.

Đất phúc địa nhận xem luống kể, kể

bao nhiêu dư trăm phúc địa;

Trời Thiền thiên thập thu thửa lạ, lạ

hơn ba mươi sáu Thiền thiên”[5].

Trải nhiều nơi thăm viếng, nhưng Trần Nhân Tông cuối cùng trụ lại ở Yên Tử để tập Thiền và truyền Thiền là có lí do của nó.

Khách quan mà nói, ý tưởng về xây dựng một dòng Thiền của dân tộc thì khi còn đang làm vua, Trần Nhân Tông đã nghĩ tới, đã có sự chuẩn bị, nhưng chỉ khi lên Yên Tử ông mới có đủ điều kiện để làm việc này. Ở đây có thời gian hơn, được tập trung hơn và có không khí thiền cảnh hơn, nên ông đã thực hiện được ý định của mình.

Những việc mà Trần Nhân Tông đã làm được cho đạo Thiền có một ý nghĩa to lớn cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Nhiều nhà Phật học, nhiều nhà nghiên cứu đã nói tới, nhưng ở đây cũng cần thiết có một sự nhận định mới.

Sau ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông dưới thời Trần, ý thức dân tộc được nâng cao, người Việt có điều kiện tiến thêm một bước khẳng định mình, đã tác động đến ý thức độc lập về tôn giáo. Giới Phật tử và cả người dân Việt Nam lúc bấy giờ thấy cần thiết phải có một dòng thiền riêng để đáp ứng tâm tưởng của mình. Đảm đương được nguyện vọng da diết này, không ai khác phải là một nhân vật vừa có quyền lực cao về thế tục, vừa có uy tín lớn về Phật pháp. Vai trò đó trong lúc bấy giờ không ai khác ngoài Trần Nhân Tông.

Việc lập tông, lập phái trong lịch sử Phật giáo ở Đông á thì có nhiều trường hợp khác nhau. Có trường hợp chủ trương thiền định về “tâm”, “tính” để đạt tới “kiến tính thành Phật”, gọi là Thiền tông, có trường hợp chủ trương dùng giới luật để tu luyện gọi là Luật tông, có trường hợp dựa vào một cuốn kinh nào đó để lập nên tông phái, như Hoa Nghiêm tông lấy “Kinh Hoa Nghiêm” làm kinh điển chủ yếu, v.v… Các việc đó, Trần Nhân Tông đều biết, nhưng ông không thể xây dựng tông phái theo các con đường như thế, vì không có yêu cầu khách quan, cũng không có điều kiện. Ông vẫn là người tiếp tục con đường của thiền phái, song để có thể là một thiền phái riêng, ông phải có gì đó thêm vào để khác với trước, khác với Huệ Năng, khác với Vô Ngôn Thông, khác với cả ông bác là Trần Tung (Tuệ Trung Thượng Sĩ) về sự lập pháp. Sự khác đó tuy không biểu hiện thành lí lẽ, thành luận điểm, nhưng đã được thể hiện trong sự hành thiền, một sự hành thiền có tính định hướng và tính hệ thống rõ rệt. ở đó vừa chú trọng tu tập thiền định vừa quan tâm đến những vấn đề trần thế, những vấn đề mà đạo đức Phật giáo cho phép, và trước đó chưa có ai biểu hiện rõ nét.

Xây dựng được dòng thiền mang sắc thái riêng như trên, Trần Nhân Tông đã tạo nên một bước ngoặt trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Trước ông, trên đất nước này chỉ có hai dòng thiền từ Trung Quốc truyền vào là Tì Ni Đa Lưu Chi (Vitaruci) và Vô Ngôn Thông. Sau ông, những thiền sư Việt Nam có tinh thần dân tộc đều đi theo con đường của ông.

Sau chủ trương thuyết pháp trên, Trần Nhân Tông đã có những đóng góp trong việc tập hợp, xây dựng và củng cố một giáo hội Phật giáo thống nhất. Tuy tu ở Yên Tử, nhưng ông vẫn quan tâm đến nhiều chùa khác trong nước. Ông đã đến chùa Phổ Minh ở Thiên Trường, chùa Sùng Nghiêm ở Chí Linh, chùa Báo Ân ở Siêu Loại, chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang[6], v.v… để thực hiện sứ mệnh đặt mối liên hệ và khai giảng các lớp thiền học. Từ đấy về sau, các chùa Việt Nam được hướng dẫn bởi một tư tưởng chung của Phật hoàng và có sự gắn bó với nhau thành một khối, điều mà trước đó chưa từng có.

Chấn chỉnh việc sinh hoạt Phật giáo đương thời là một đóng góp nữa của ông. Dưới sự hướng dẫn của ông, việc tự pháp của Pháp Loa được diễn ra một cách trang nghiêm và bề thế. Việc làm này đã là tấm gương cho những người nối pháp sau này noi theo, đồng thời qua đó nâng cao trách nhiệm của họ. Rồi các nguyên lí đạo đức của Phật giáo cũng được ông chú ý truyền dạy. Ông chủ trương phổ biến các điều trong “thập thiện”[7] cho Phật tử và cho cả thần dân. Nhờ đó trong thời ông cũng như rất lâu về sau, không còn hiện tượng các sư tăng sống buông thả như Đàm Dĩ Mông đã tố cáo ở cuối thời Lý: “hoặc ở nơi giới trường, tịnh xá mà công nhiên rượu thịt; hoặc ở chốn tăng phòng tịnh viện mà riêng tự gian dâm”[8]. Được răn dạy bằng đạo đức và sống có đạo đức, giới Phật tử đương thời ngày càng được thiện cảm của người dân.

Lập được thiền phái, kết nối được các chùa lại với nhau trong một tổ chức thống nhất và rèn dũa được bộ mặt đạo đức cho thiền nhân, Trần Nhân Tông quả đã có công lao to lớn đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam.

2. Từ tư tưởng xuất thế vốn có của Phật giáo đến tư tưởng nhập thế của Phật giáo Trần Nhân Tông

Phật giáo quan tâm đến vấn đề con người và xã hội con người, nhưng khác với các học thuyết chính trị - xã hội, Phật giáo quan tâm đến khía cạnh nỗi khổ của con người, đến sự phiền não về cuộc đời, mà nguồn gốc của khổ sở và phiền não đó là do có con người, có các bước sinh, lão, bệnh, tử, có sự ham muốn của con người, v.v…

Trong Phật giáo chính truyền không có khái niệm “nhập thế”. Ở đó chỉ có khái niệm “xuất thế”, tức là thoát ra khỏi “thế gian” (loka), hoặc ra khỏi “thế tục” (samvrti) để được giải thoát, để có thể tiến tới cõi “Niết bàn” hoặc đến chốn “viên tịch”, nơi không còn biến hoá, không còn sự khổ đau cũng như sự sung sướng.

Tuy vậy, Phật giáo vẫn đề cập đến các vấn đề của trần thế. Vì sinh, lão, bệnh, tử là hiện tượng của chúng sinh nơi trần thế, vì “dục vọng” là hiện tượng tinh thần con người nơi trần thế. Phật giáo tính tới các vấn đề trên của trần thế vừa là để nêu nguồn gốc của nỗi khổ vừa là để xác định đối tượng phải giải thoát. Nhưng có một thực tế, con người ta vẫn phải sống chung với các nỗi khổ trên, không thể thoát được. Có nhà sư ý thức được việc này và đã khuyên nhủ mọi người chấp nhận chúng. Chẳng hạn như Ni sư Diệu Nhân (1041 - 1113) của thời Lý đã trình bày quan điểm về các bước sinh, lão, bệnh, tử của con người như một quá trình tự nhiên, không thể nào làm khác được:

“Sinh lão bệnh tử

Lẽ thường xưa nay vẫn thế.

Muốn cầu siêu thoát,

Càng cởi trói thì càng buộc chặt thêm”

(Sinh lão bệnh tử

Tự cổ thường nhiên.

Dục cầu xuất ly

Giải phọc thiêm triền)[9]

Hoặc như nhà sư Trì Bát (1049 - 1117) có cái nhìn khách quan không thể chối cãi, đó là xem loài người có chết thì cũng có sinh, có lúc khổ thì cũng có lúc sướng:

“Có chết ắt có sinh

Có sinh ắt có chết.

Chết thì người đời buồn,

Sinh thì người đời vui.

Buồn vui đều vô cùng

Xoay vần từ cái nọ đến cái kia.

Không quan tâm đến các sinh tử đó

úm tô rô, tô rô, biến hoá!”

(Hữu tử tất hữu sinh

Hữu sinh tất hữu tử.

Tử vi thế sở bi,

Sinh vi thế sở hỷ.

Bi hỷ lưỡng vô cùng

Ư chư sinh tử bất quan hoài

úm tô rô, tô rô, tất lỵ)[10]

Thái độ xem sinh, lão, bệnh, tử, xem sướng khổ là hiện tượng tự nhiên và chủ trương sống thuận theo tự nhiên đó của các nhà sư trên có thể xem như là một biểu hiện của nhập thế. Là người am hiểu Phật giáo dân tộc, lại sống sau các nhà sư trên, chắc Trần Nhân Tông được thừa hưởng thái độ thực tế của các nhà sư trước mình.

Yếu tố nhập thế không những xuất hiện trong quan niệm coi trọng thực tế của một số nhà sư, mà còn xuất hiện trong nhiều trường hợp khác của tài liệu Phật giáo, mà mỗi trường hợp đó đều là mở đường cho sự nhập thế.

Xét về giáo lí của Phật giáo, ở đó có bộ phận đề cập đến điều kiện của xuất thế, nhưng thực ra đó là sự giải quyết các công việc của trần thế. Chẳng hạn nguyên lí “Đạo đế” trong “Tứ diệu đế” (khổ, tập, diệt, đạo), nguyên lí “Giới học” trong “Tam học” (giới, định, tuệ), nguyên lí “Lục độ” (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ) trong “Lục độ tập kinh”, v.v… là những vấn đề như thế. Chẳng lẽ giới sát, giới đạo (không trộm cắp), giới tà dâm, giới vọng ngữ, giới tửu trong “Ngũ giới”, hoặc bố thí, nhẫn nhục trong “Lục độ” lại không phải là công việc của trần thế hay sao?

Hướng tới xuất thế mà lại đề cập đến những vấn đề trần thế, mới xem tưởng chừng như mâu thuẫn, nhưng thực ra ở đó có lí do của nó. Phật giáo không chỉ giác ngộ cho một người mà còn giác ngộ cho nhiều người, cho cả chúng sinh mà giữa chúng sinh, giữa người với người thì quan hệ nổi lên là quan hệ đạo đức, có đạo đức hướng thiện thì mới có thể tác động lôi kéo người khác, mới hi vọng đạt được thiện báo. Các vấn đề “giới” và “độ” trên thực chất là các vấn đề đạo đức của trần thế. Giải quyết vấn đề đạo đức, vô hình trung, nhà Phật đã giải quyết các vấn đề của trần thế.

Xét về sự truyền bá và phát triển của Phật giáo ở Việt Nam. Phật giáo vào Việt Nam từ đầu Công nguyên. Giai đoạn đầu cũng như các giai đoạn tiếp theo, nó luôn gắn bó với vận mệnh của dân tộc và chịu sự chi phối của ý thức dân tộc. Vì vậy, người tu hành theo Phật giáo có lúc do yêu cầu của chính sự cũng đứng ra làm tham mưu chính trị, quân sự, ngoại giao cho triều đình mà không bị xem là người phản đạo. Nhiều nhà sư trong thời kì Đinh, Tiền Lê, Lý là những người như thế.

Họ đã là chỗ dựa cho phương pháp xử thế của những người tu hành về sau. Người ta từ đó có thể vừa làm việc đạo, vừa làm việc đời mà không bị chê trách.

Xét về môi trường văn hoá chung của Phương Đông. Cũng như các nước phương Đông khác, Phật giáo ở Việt Nam có mối liên hệ mật thiết với Nho giáo và Đạo giáo. Mối liên hệ ấy, ngoài tính chất là có sự phân công trong cùng một thế giới quan như Trần Thái Tông đã nói trong Lời tựa “Thiền tông chỉ nam”, mà còn có sự ảnh hưởng lẫn nhau, trước hết là ảnh hưởng của Nho giáo đến Phật giáo và ngược lại cũng có ảnh hưởng của Phật giáo đến Nho giáo, làm cho trong mỗi một giáo, ngoài phần chính của giáo lí mình còn có pha trộn thêm các giáo lí khác mà người trong cuộc vẫn cảm thấy tự nhiên, mà khi hành động, họ đã sử dụng một tư tưởng, một việc làm của một đạo khác mà không cần thiết phải phân biệt rạch ròi.

Một số nhà sư Việt Nam trong quan niệm của mình có xen lẫn yếu tố của Nho giáo mà không tự biết. Trần Nhân Tông cũng là người ở trong trường hợp như thế.

Sự đề cập đến vấn đề trần thế của Phật giáo, sự chấp nhận các bước vận động của trần thế trong các nhà sư thế hệ trước, sự giải quyết các vấn đề có tính chất trần thế trong giáo lí nhà Phật, là những tiền đề khách quan có thể khiến các nhà tu hành thực hiện một bước chuyển từ xuất thế đến nhập thế. Nhưng khả năng ấy chỉ có thể biến thành hiện thực một khi chủ thể là các nhà tu hành có các yếu tố chủ quan cần thiết đủ để tạo ra bước ngoặt. Các nhà sư, các nhà thiền học đương thời thiếu các yếu tố này. Chỉ có Trần Nhân Tông với cuộc đời hoạt động của ông, với tính cách của ông, khiến ông tạo được sự sẵn sàng cho sự thực hiện bước nhảy.

Trần Nhân Tông lên làm vua năm 20 tuổi (1278), năm 35 tuổi nhường ngôi cho con và lên làm Thái thượng hoàng (1293), năm 40 tuổi (1298) lên Yên Tử đi tu, năm 50 tuổi thì mất (1308). Trong thời gian ông làm vua, Việt Nam phải hai lần chống trả đại quân xâm lược của Nguyên - Mông (1285 và 1288). Với tư cách là người đứng đầu triều đình, ông hiểu rõ sự gian khổ và quật cường của nhân dân mình, đồng thời thấy rõ và thực hiện được trách nhiệm của người làm vua. Ý thức trách nhiệm này không dễ gì mất đi khi ông đi tu. Chỉ có khác là ở hoàn cảnh biểu hiện mà thôi. Trong giai đoạn làm vua thì biểu hiện đó là trách nhiệm của con người trần thế, trong giai đoạn đi tu thì đó là trách nhiệm của con người tu hành còn mang nặng việc đời.

Trong thời kì làm vua, Trần Nhân Tông tỏ ra là con người quyết đoán, có nhiều sáng tạo trong tư duy và hành động. Khi giặc tiến đánh Thăng Long, ông không cố thủ với thành mà cùng vua cha rút ra khỏi kinh thành rồi tổ chức lực lượng đánh lại. Ông đã cùng với vua cha tổ chức nên hai cuộc hội nghị chưa từng có trong lịch sử, đó là hội nghị các tướng lĩnh ở Bình Than bàn mưu kế đánh giặc, và hội nghị các bô lão có thế lực trong cả nước ở điện Diên Hồng, Thăng Long đểtạo nên một ý chí, một khí thế quyết chiến. Tố chất quyết đoán và sáng tạo đó đã giúp ông tạo nên những nét mới trong thiền phái của mình.

Cũng như các nhà thiền học Việt Nam đương thời, Trần Nhân Tông quan niệm Phật là tâm, tâm là Phật, Phật ở trong tâm của mình. Ông nói: “Chỉn Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ” (Cư trần lạc đạo phú. Hội thứ 3); “Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa. Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt, đến cốc hay chỉn Bụt là ta” (Cư trần lạc đạo phú. Hội thứ 5); “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” (Cư trần lạc đạo phú. Hội thứ 10). Quan niệm trên, ngoài tính chất chung của Thiền tông, còn có ý nghĩa riêng đối với ông. Đó là “tâm” do bản thân mình quyết định, bản thân mình thể nghiệm. Tâm đó ngoài giáo lí cổ truyền, còn có nỗi niềm về thế sự của ông. Tác phẩm của ông đã chứng tỏ điều này.

3. Những biểu hiện của tư tưởng nhập thế trong tác phẩm Thiền học của Trần Nhân Tông

Điều mà nhiều người đã nói tới, đó là trong tư tưởng Trần Nhân Tông có yếu tố của tư tưởng Đạo gia. Hiện tượng này là có thật. Đây đó trong tác phẩm của ông có màu sắc của đạo Lão - Trang. Chẳng hạn ông nói:

“Niềm thị phi rụng theo hoa buổi sớm,

Lòng danh lợi lạnh như trận mưa đêm”

(Thị phi niệm trục triêu hoa lạc

Danh lợi tâm tuỳ dạ vũ hàn)[11]

“Muôn nghiệp lặng, an nhàn thể tính

Nửa ngày rồi, tự tại thân tâm.”[12]

“Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý,

Thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm.”[13]

Không quản đến thị phi (phải trái), không màng đến danh lợi, luôn sống tự do tự tại thể hiện lên màu sắc hư vô, vốn là tư tưởng của Đạo gia. Mang tư tưởng này khiến cho xu hướng nhập thế của

Trần Nhân Tông không được trọn vẹn. Tuy vậy, tư tưởng này chỉ là một bộ phận nhỏ, xuất hiện trong một lúc nhất định, không làm mất bản chất nhập thế của tư tưởng Trần Nhân Tông.

Khác với các nhà thiền học khác, Trần Nhân Tông tuy xuất gia, song ông không lìa bỏ thế gian. Trái lại, thế gian lúc nào cũng sâu nặng trong ông. Tư tưởng này được thể hiện rõ nhất trong bài “Cư trần lạc đạo phú”, lúc ông chuẩn bị xuất gia và phần nào trong bài “Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca”, lúc ông đã khoác áo nhà tu hành.

Thế gian mà Trần Nhân Tông quan tâm không phải là nỗi khổ của con người nói chung, hoặc các con đường để thoát khổ, mà là những vấn đề của thế sự, của thời cuộc. Đó là vận mệnh của giang sơn Đại Việt, là đạo làm người của thần dân và cũng là của chúng sinh.

Ông quan tâm đến vận mệnh của giang sơn đất nước, vì Tổ quốc thân yêu này đã hai lần bị tổn thương và có nguy cơ bị triệt hạ, do sự xâm lược của Nguyên - Mông. Ông thấy phải bảo vệ nó, làm cho nó được vững bền:

“Xã tắc hai lần ngựa đá phải mệt nhọc

Sông núi này sẽ bền vững nghìn đời như âu vàng!”

(Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

Sơn hà thiên cổ điện kim âu!)[14]

Lúc sắp đi tu, ông còn thấy phải ca ngợi cảnh thái bình của đất nước sau bao năm tháng chiến đấu gian khổ mới đạt được:

“Địch chăng có lỗ, cũng bấm chơi xướng thái bình ca”[15]

Nói như vậy vừa là để tự hào vừa là để nhắc nhủ trách nhiệm cho các thế hệ tiếp theo.

Cuốn sách luôn được các nhà hoạt động chính trị - xã hội thời xưa tìm hiểu và nghiền ngẫm là “Kinh Dịch”. Trong đó bàn bạc về lẽ biến dịch của trời đất, của con người, cũng được ông nâng niu khai thác:

“Sách Dịch xem chơi, yêu tính sáng hơn yêu châu báu”

(Cư trần lạc đạo phú. Hội thứ nhất)

Việc thiên hạ, việc đất nước thực sự vẫn còn tác động đến ông trong lúc ông đã ngả về phía tu hành theo đạo Phật.

Bên cạnh vấn đề giang sơn đất nước, Trần Nhân Tông còn đặt nặng vấn đề đạo làm người. Khách quan mà nói, là Phật tử, Trần Nhân Tông phải nói tới đạo làm người của Phật giáo, như nói: “dứt trừ nhân ngã”, “hết tham sân”, “biết chân như”, “tin bát nhã”, v.v… Hoặc nói người Phật tử phải bắc cầu cho người sang sông, chở đò cho người tới bến, phải biết hi sinh thân mình để cứu vớt người khác, phải biết từ bi tế độ, “dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu; săn hỷ xả, nhuyễn từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc”, v.v… Đó là những nguyên tắc làm người cao cả của Phật giáo mà con người trong xã hội cần thiết phải tuân theo. Nhưng ông không quên đưa đạo làm người của Nho giáo, một đạo làm người mang tính nhập thế vào trong tư tưởng của ông.

Từ trong Nho giáo, ông lưu ý con người phải coi trọng thái độ đối với vua, với thầy học và với cha (quân, sư, phụ). Ông nói: “Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu”, “Học đạo thờ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo” (tức chưa báo đáp được - NTT)[16], “vâng ơn thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo”[17]. Ngoài ra ông còn nhấn mạnh vai trò của tư tưởng nhân nghĩa đối với con người. Ông nói: “Dầu hay mến thửa nhân nghì (nhân nghĩa - NTT.), ba phiến ngói yêu hơn lầu gác” (Cư trần lạc đạo phú. Hội thứ hai), “Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích Ca” (Cư trần lạc đạo phú. Hội thứ tư). Tư tưởng nhân nghĩa của Nho giáo ở đây đã trở thành một phạm trù của đạo đức Phật giáo, của Thích Ca!

Đạo đức từ bi của Phật giáo và đạo đức tông pháp của Nho giáo vốn là hai lĩnh vực có tính chất khác nhau, nhưng tư tưởng nhập thế của ông đã khiến cho hai loại đạo đức đó nhập lại làm một, ở đó không những không chống đối nhau mà còn hỗ trợ cho nhau để trở thành một đạo đức hoàn thiện, cần thiết cho con người lúc bấy giờ.

Để người đương thời chấp nhận tư tưởng của mình, Trần Nhân Tông chủ trương hướng tới cái thực tế, xa lánh cái siêu hình. Những gì mang tính chất siêu hình, dù đó là cái cao siêu có ích cho tư duy con người của Phật giáo, ông cũng bỏ qua, cho rằng không cần phải khổ công ghi nhớ. Chẳng hạn trong các kinh Phật hay dùng bốn câu: khẳng định, phủ định, phức khẳng định, phức phủ định để phân loại hình thức của các pháp, hoặc giải thích các loại nghĩa lí, gọi là “hữu cú”, “vô cú”, hoặc “tứ cú phân biệt”, ông đều cho đó là phiền phức, vô căn cứ và vô ích[18]. Nhận thức này của ông tuy nông cạn, nhưng sự truyền đạt chú trọng thực tế của ông dễ đi được vào lòng người.

Đương thời có một số nhà Phật học có  thế lực, muốn tạo ra một khuynh hướng mới trong tập thiền và truyền thiền, như Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, nhưng họ không làm được. Trần Thái Tông thì chưa tạo được nét riêng, Tuệ Trung Thượng Sĩ thì quá − tự do, phóng khoáng, ít người theo kịp. Chỉ có Trần Nhân Tông với xu hướng nhập thế của mình, đã đáp ứng được yêu cầu của đương thời, nên nhiều người tin theo và trở thành một Thiền phái.

* * *

Đi theo Phật giáo nhưng mang tư tưởng nhập thế thì trước thời Trần đã có, như nhà sư Đỗ Pháp Thuận đã hết lòng khuông phò nhà Tiền Lê, nhà sư Ngô Chân LƯu, do có công với triều đình nên được Đinh Tiên Hoàng ban cho hiệu là “Khuông Việt đại sư”, nhà sư Vạn Hạnh hiểu được biến cố chính trị đương thời, đã giúp Lý Công Uẩn lên làm vua, lập ra triều Lý. Nhưng ở các nhân vật này hàm chứa hai con người riêng biệt: con người triều thần và con người Phật tử. Lúc ra giúp việc triều đình thì con người triều thần xuất hiện, lúc trở về tu hành thì con người Phật tử hiện ra. Hai mặt đó chưa thống nhất trong một con người. Còn ở Trần Nhân Tông thì lúc làm vua vẫn mang tư tưởng Phật giáo, lúc đã xuất gia vẫn mang nặng nỗi niềm nhập thế. Tôn sùng Phật giáo và nhập thế hành động luôn là một trong con người ông. /.



* GS.TS., Viện Triết học, Viện Khoa học xã­ hội Việt Nam.

[1] Đại Việt sử kí toàn thư, tập II, Nxb. KHXH, HN, 1993, tr. 77.

[2] Hoà thượng Phúc Điền. Đại Nam thiền uyển kế đăng lược lục, khắc in khoảng năm 1858.

[3] Từ điển bách khoa Việt Nam, tập IV, Nxb. TĐBK, HN, 2005, tr. 1092.

[4] Thơ văn Lý Trần, tập II, quyển Thượng, Nxb. KHXH, HN, 1989, tr. 685.

[5] Thơ văn Lý Trần, tập II, Sđd., tr.710.

[6] Nguyễn Tài Thư (chủ biên). Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tái bản lần thứ nhất, Nxb. KHXH, HN, 1991, tr. 265.

[7] Theo “Tam tổ thực lục”. Thập thiện: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói xằng bậy, không sử dụng hai giọng lưỡi, không dùng lời nói ác, không nói lời hoa mĩ, không tham dục, không giận dữ, không tà kiến.

[8] Thơ văn Lý Trần, tập I. Nxb. KHXH, HN, 1977, tr. 526.

[9] Thơ văn Lý Trần, tập I. Nxb. KHXH, HN, 1977, tr. 339.

[10] Thơ văn Lý Trần, tập I. Sđd., tr.350.

[11] Thơ văn Lý Trần, tập II. Sđd., tr. 469.

[12] Thơ văn Lý Trần, tập II, Sđd., tr. 505.

[13] Thơ văn Lý Trần, tập II, Sđd., tr. 505.

[14] Thơ văn Lý Trần, tập II, Sđd., tr. 483.

[15] Thơ văn Lý Trần, tập II, Sđd., tr. 507.

[16] Thơ văn Lý Trần, tập II, Sđd., tr. 507.

[17] Thơ văn Lý Trần, tập II, Sđd., tr. 508.

[18] Thơ văn Lý Trần, tập II, Sđd., tr. 486-487.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt