HỒI KÝ
TRẦN ĐỨC THẢO (1917-1993)
Trong giai đoạn cuối cùng của tôi ngày xưa ở bên Pháp, tôi đã xác nhận chủ nghĩa Marx trong bài từ giã chủ nghĩa hiện sinh: “Hiện tượng học của tinh thần và nội dung thực tế của nó”. (Les Temps Modernes tháng 9-1948). Trong ấy tôi biện minh cho sự lựa chọn của tôi bằng cách nêu lên những chân trời rộng rãi mà quan điểm duy vật biện chứng và lịch sử xã hội mở ra cho công việc phân tích ý thức sinh thức.
Đấy là cái mà tôi đã tìm cách giải thích cho Jean-Paul Sartre trong năm buổi trao đổi tiến hành vào mùa đông 1949-1950, theo lời mời của ông ấy. Tuy nhiên buổi nào cũng đi đến kết quả tiêu cực, do sự bất đồng cơ bản ngay từ xuất phát điểm trong thế giới quan của hai bên. Cuối cùng thì chỉ còn có thể ghi nhận rằng không thể nào dung hòa giữa chủ nghĩa hiện sinh với chủ nghĩa Marx. Cũng phải nói rằng chủ nghĩa Marx ngày ấy chỉ được quan niệm trong giới hạn hẹp hòi của tình trạng sùng bái cá nhân, trong ấy chủ nghĩa duy vật lịch sử bị thu rút vào vài nét đơn giản hóa, chỉ bao quát một số quan hệ riêng lẻ trong mỗi giai đoạn riêng biệt, tách rời sự vận động phổ cập cụ thể của lịch sử loài người. Một thế giới quan như thế trên thực tế là thuộc phạm vi tình trạng bóp mép theo lối siêu hình của cái phương pháp được chính thức tuyên bố là biện chứng.
Dĩ nhiên trong cái chân trời thu hẹp như thế, thì tôi không thể nào thực hiện cái dự kiến của tôi từ năm 1948, là đi vào bề sâu quá trình phát sinh và phát triển của ý thức, xuất phát từ sự biện chứng của sản xuất vật chất. Như thế là phần hai cuốn Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng (Phénoménologie et Matérialisme Dialectique, Minh Tân, Paris, 1951) kết thúc trong một ngõ cụt mà tôi hy vọng tìm được lối thoát trong cách mạng Việt Nam, như tôi đã ám chỉ ở cuối cuốn sách, dưới nhan đề “Sự vận động thực tế của phép biện chứng”.
Đầu năm 1952, khi về tới Việt Bắc, tôi đã trấn an những mối lo lắng lý luận của tôi bằng cách tiếp nhận chủ nghĩa Marx theo những sự kiện biểu hiện trên thực tế, và tôi đã tự nhủ rằng tất cả các vấn đề đã được giải quyết xong cả rồi. Nhưng đến năm 1956, tiếng vang của Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô đã kéo tôi ra khỏi tư tưởng giáo điều.
Tuy nhiên Khrushchev chỉ phản đối những phương pháp lạm dụng của chủ nghĩa quan liêu trong công tác tổ chức, chính trị chứ không đặt vấn đề phê phán nghiêm chỉnh những quan điểm lý luận liên quan với sự sùng bái cá nhân. Mà trên thực tế, thì chính những cuộc khủng hoảng hàng loạt, tùy tiện và phi pháp, cũng như cơ chế mệnh lệnh bao cấp, tất cả những cái gì đã cản trở, bóp méo công trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà Lenin đã chủ trương, và đã lãnh đạo nhân dân thực hiện với tinh thần anh hùng quên mình, là gắn liền với những sai lầm sâu sắc trong phương pháp tư duy và quan điểm triết học. Dưới lời tuyên bố biện chứng, phương pháp đã bị bóp méo thành một thứ siêu hình với cái lối nhận định phổ biến: “hoặc là … hoặc là …”. Hoặc là quét sạch đến tận gốc tất cả cái gì xuất phát từ xã hội tư bản, từ hệ thống tư sản với tất cả những yếu tố của nó hoặc là trở lại cái địa ngục tư bản chủ nghĩa.
Marx nói: “Nhà siêu hình học tư duy bằng những đôi phản đề mà không có trung giới: ông nói có, có, không, không, đi xa hơn thì chẳng có nghĩa gì. Theo ông thì hoặc là một sự vật tồn tại, hoặc là nó không tồn tại. Một sự vật cũng không thể nào là bản thân nó và là cái khác. Cái tích cực với cái tiêu cực loại trừ lẫn nhau một cách tuyệt đối” (Chống Duyring, M.F.Werke, tập 20, tr.21).
Trên thực tế, sự tư duy theo lối “hoặc là …, hoặc là …” “có, có, không, không”, thì chính là tư duy ngoài thời gian. Như thế là tự đặt mình vào một thứ chốc lát coi như rút ra khỏi thời gian, quan niệm như đứng ngoài sự chuyển biến thời gian. Chống lại cái quan điểm siêu hình cho rằng “hoặc là một sự vật tồn tại, hoặc là nó không tồn tại”, Heraclite đã nói “Mọi sự vật tồn tại và cũng không tồn tại, vì nó chuyển biến”.
Nhà siêu hình học quan niệm sự chuyển biến không phải như sự chuyển biến của mỗi chốc lát ngay trong chốc lát ấy, mà như sự liên tiếp một tràng chốc lát, mỗi cái là bất động trong bản thân nó, vì cái nó kế tục cái kia, kết quả là ông thấy sự vật trong mỗi chốc lát hoặc tồn tại hoặc không tồn tại: không thể nào có cái thứ ba. Đây là nguyên lý không có cái thứ ba. Hegel đã bác bỏ cái nguyên lý siêu hình ấy trong một đoạn, mà Lenin đã tán thành và bổ sung – Lenin dẫn Hegel:
“Người ta nói: Một cái gì đấy hoặc 1, hoặc không –1, không có cái thứ ba. Nhưng trên thực tế, chính là có cái thứ ba trong luận điểm như thế. A chính là cái thứ ba, vì A có thể là A vừa –A” Như thế thì chính A là cái thứ ba, mà người ta muốn gạt bỏ”.
Lenin viết tiếp: “Chí lý và đúng. Bất kỳ sự vật cụ thể nào, bất kỳ một cái gì đấy cụ thể cũng đúng trong những quan hệ đa dạng và nhiều khi là mâu thuẫn với tất cả những cái khác. Do đấy thì nó là bản thân nó và là cái khác” (Bút ký triết học, tiếng Nga tr. 123-124).
Như chủ nghĩa xã hội với tư cách bản thân nó, với tư cách một hệ thống, thì là sự phủ định chủ nghĩa tư bản. Nhưng một xã hội xã hội chủ nghĩa cụ thể, một nước xã hội chủ nghĩa, phát triển trong vô số quan hệ với thiên nhiên và với những nước khác. Do những quan hệ như thế, một số yếu tố của xã hội tư sản cũ đã sáp nhập vào hệ thống mới và có vai trò cần thiết cho sự phát triển của hệ thống mới. Tức là cái hệ thống mới xóa bỏ cái hệ thống cũ với tư cách là một hệ thống. Nó xóa bỏ cái cơ cấu thống nhất của hệ thống cũ. Nhưng một số yếu tố của hệ thống cũ được giữ lại trong hệ thống mới, với một hình thái mới, do đấy mà chúng có vai trò tiến bộ và cách mạng trong hệ thống mới. Như thế là chủ nghĩa xã hội “là bản thân nó và là cái khác”, tức là nó sáp nhập trong bản thân nó những yếu tố nào đấy của xã hội cũ, và một số yếu tố như thế trở thành yếu tố của tương lai.
Ví dụ như một số quyền tự do dân chủ của xã hội tư sản, mà ngày xưa quần chúng nhân dân đã giành được do đấu tranh chống phong kiến và tư sản, thì ngày nay vẫn là cần thiết dưới một hình thái mới trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Chúng là cần thiết cho sự phát triển số lượng và chất lượng của chủ nghĩa xã hội, đối lập với chủ nghĩa quan liêu tiêu cực, và cuối cùng là cần thiết cho tiến trình chuyển hóa lên chủ nghĩa cộng sản. Cũng như thế, những phương pháp hợp lý hóa tổ chức lao động và quản lý sản xuất, những thành tựu văn hóa khoa học do những người trí thức của thời đại tư sản tạo nên, cũng là có ích và cần thiết cho chủ nghĩa xã hội. Tóm lại sự phủ định chủ nghĩa tư bản trong chủ nghĩa xã hội là gắn liền với sự phủ định, sự phủ định ấy trong sự mâu thuẫn nội bộ của chủ nghĩa xã hội, - chính là sự mâu thuẫn nội bộ này thúc đẩy sự phát triển như thế của sự phủ định chuyển thành phủ định sự phủ định.
Lenin đã đặt cơ sở cho phạm trù trung giới, là sự liên hệ sự phủ định với sự phủ định sự phủ định, khi dẫn và bình luận văn kiện của Hegel như sau:
Lenin dẫn Hegel: “Những cái khác như thế về căn bản không phải là cái phủ định (das Negative / le négatif) trống không, không phải là cái hư vô mà người ta coi như sản phẩm bình thường của sự biện chứng. Nó là cái khác của cái thứ nhất - cái phủ định của cái trực tiếp (das Negative das Unmittelbaren, le négatif de l’immédiat). Tức là nó được xác định là cái được trung giới hóa (tôi gạch dưới T.Đ.T) – nó bao hàm đại khái trong nó cái quy định của cái thứ nhất…”
Lenin đã cải thiện lời lẽ và nói chính xác hơn:
“Không phải sự phủ định đơn thuần, không phải sự phủ định không có phản chiếu, đã đặc trưng cơ bản trong phép biện chứng – không, đặc trưng cơ bản của phép biện chứng chính là sự phủ định với tư cách là cái khâu liên hệ, cái khâu phát triển, mà vẫn giữ lại cái tích cực” (Lenin, Bút ký triết học, tr 207, tiếng Nga).
Tức là sự vận động biện chứng là sự chuyển hóa từ cái thứ nhất, là cái trực tiếp, lên cái khác, là cái phủ định của cái trực tiếp ấy. Cái phủ định của cái thứ nhất như thế là cái thứ hai, tức là cái được trung giới hóa, nó vẫn giữ trong nó sự quy định của cái thứ nhất, tức là cái tích cực của cái thứ nhất.
Tác dụng của sự trung giới như thế là làm cho cái thứ nhất chuyển thành cái thứ hai, tức là phủ định cái thứ nhất trong cái thứ hai. Nhưng cái thứ hai, là cái phủ định của cái thứ nhất, thì vẫn giữ lại cái tích cực của cái thứ nhất. Và chính cái tích cực ấy đi vào mâu thuẫn bên trong của cái thứ hai, do đấy thì nó là sự phủ định./sự phủ định thứ nhất.???
Như Marx nói: “Sự sở hữu hóa tư bản chủ nghĩa phù hợp với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa – là sự phủ định thứ nhất, nó phủ định cái quyền tư hữu, tư liệu sản xuất xuất phát từ lao động cá thể độc lập. Nhưng sự sản xuất tư bản chủ nghĩa… lại sinh ra sự phủ định bản thân nó. Đấy là sự phủ định sự phủ định. Nó khôi phục không phải là cái quyền tư hữu của người lao động, mà là cái quyền sở hữu cá nhân của anh dựa vào những thành tựu của thời đại tư bản chủ nghĩa, là sự hợp tác và vận dụng chung các tư liệu sản xuất kể cả đất đai” (Marx, “Tư bản”, Marx-Engels Werke, tập 23, tr 791).
Nếu chúng ta xuất phát từ xã hội trung cổ thì cơ sở của nó trước hết là quyền tư hữu sản xuất của người tiểu nông và thủ công, dựa trên lao động cá thể độc lập. Đấy là cái thứ nhất, sự sở hữu hóa tư bản chủ nghĩa là cái trung giới phủ định cái thứ nhất ấy: đây là sự phủ định thứ nhất, làm cho cái thứ nhất chuyển lên cái thứ hai, là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, xã hội tư bản như thế là cái được trung giới hóa, tức là cái phủ định (le négatif) của quyền tư hữu dựa trên lao động cá thể độc lập của thời trung cổ, nó phủ định xã hội trung cổ. Nhưng sự phủ định như thế không có nghĩa là thủ tiêu tất cả, trái lại nó “vẫn giữ lại cái tích cực” của xã hội trung cổ.
Cơ sở của xã hội trung cổ, là quyền tư hữu về tư liệu sản xuất của người lao động cá thể độc lập, như thế là đã bị xóa bỏ. Nhưng trong cái ấy có cái tích cực, là quyền sở hữu cá nhân của người lao động, thì vẫn duy trì ở bề sâu xa của xã hội tư sản, dù có bị bóc lột theo lối bóc lột thặng dư giá trị. Bằng chứng là nhà tư bản phải tạo nên cái ảo ảnh tựa hồ như tiền công là hoàn lại “giá trị lao động” mà trên thực tế thì nó chỉ hoàn lại giá trị của sức lao động. Tức là về nguyên tắc, nhà tư bản vẫn phải công nhận, dù chỉ là trên lời nói, cái quyền sở hữu cá nhân của người lao động.
Do đấy thì người lao động đòi phải thực hiện nghiêm chỉnh cái lời nói ấy, và sự đấu tranh của anh sáp nhập vào mâu thuẫn cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội của sức sản xuất với hình thức tư hữu tư bản chủ nghĩa của sự chiến hữu. Như thế là phát triển đấu tranh giai cấp của quần chúng công nhân chống chủ nghĩa tư bản. Tức là “sự sản xuất tư bản chủ nghĩa lại sinh ra sự phủ định bản thân nó”. Mà vì chính bản thân chủ nghĩa tư bản là sự phủ định cái quyền tư hữu dựa trên lao động cá thể độc lập, nên sự phủ định chủ nghĩa tư bản trong đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân có nghĩa là phủ định sự phủ định thứ nhất. Đây là sự phủ định thứ hai, “nó khôi phục không phải là cái quyền tư hữu của người lao động mà là cái quyền sở hữu cá nhân của anh, dựa vào những thành tựu của thời đại tư bản chủ nghĩa, là sự hợp tác và vận dụng chung các tư liệu sản xuất, kể cả đất đai”.
Quyền sở hữu cá nhân của người lao động chính là cái tích cực trong quyền tư hữu của người lao động trung cổ, cá thể độc lập chuyển lên phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, cái tích cực kia vẫn duy trì ở bề sâu xa, vì nó là tích cực, nhưng nó lại bị áp đặt một tầng lớp mơ hồ, do người tư bản chỉ trả tiền công theo giá trị của sức lao động chứ không phải là theo lao động, nhưng vẫn tuyên bố là trả theo lao động. Tức là người tư bản bóc lộc người công nhân bằng cách tạo nên một hình thức thăng bằng mơ hồ giữa tiền công với lao động. Đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, nhằm xóa bỏ bóc lột, chính là nhằm khôi phục cái tích cực của thời trung cổ trong điều kiện của sự tập trung sản xuất và xã hội hóa lao động hiện đại, và như thế là xác định mục đích tiến lên chủ nghĩa xã hội: làm theo năng lực hưởng theo lao động, trên cơ sở quyền sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất. Đấy là sự phủ định thứ hai, nó phủ định cái thứ hai là sự bóc lột tư bản chủ nghĩa, tức là nó phủ định sự phủ định cái thứ nhất và như thế là nó khôi phục cái tích cực của cái thứ nhất (là quyền sở hữu cá nhân của người lao động vẫn duy trì ở bề sâu, nhưng bị tha hóa trong cái thứ hai, tức là nó thúc đẩy cái thứ hai (xã hội tư sản) tiến lên cái thứ ba (xã hội xã hội chủ nghĩa).
Tóm lại, trong sự chuyển hóa từ cái thứ nhất lên cái thứ hai, ví dụ như từ phương thức sản xuất tiểu tư hữu của người lao động trung cổ lên xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại, thì cái thứ hai phủ định cái thứ nhất, nhưng cái tích cực của cái thứ nhất (ở đây là quyền sở hữu cá nhân của người lao động) vẫn được duy trì ở bề sâu xa của cái thứ hai, đồng thời nó bị áp đặt lên một hình thái tha hóa tức là nó vẫn bị phủ định, dù không bị thủ tiêu. Cái tích cực của cái thứ nhất bị tha hóa trong cái thứ hai như thế thì đấu tranh chống tha hóa. Nó sáp nhập vào mâu thuẫn cơ bản của cái thứ hai, tức là nó phủ định cái thứ hai. Do đấy thì nó cũng phủ định thứ nhất, tức là nó phủ định sự phủ định (sự tha hóa) cái tích cực của cái thứ nhất trong cái thứ hai, và như thế là nó đưa cái tích cực ấy theo hướng tiến lên cái thứ ba.
Sự trung giới trong sự chuyển hóa từ cái thứ nhất lên cái thứ hai như thế là liên hệ sự phủ định cái thứ nhất với sự phủ định tức là với sự tha hóa cái mặt tích cực của cái thứ nhất trong cái thứ hai, do đấy thì thúc đẩy cái thứ hai chuyển lên cái thứ ba. Nội dung của sự trung giới như thế là thống nhất biện chứng sự phủ định với sự phủ định sự phủ định. Đứng về mặt lôgich thì đấy là cái “tính phủ định thuần túy” hay “cái biến chuyển đơn giản”. Cái tính phủ định (Negativitat) thì chính là cái tính vận động biến chuyển của mỗi lát thời gian, do đấy mà “sự vật tồn tại”, “sự vật là bản thân nó và là cái khác” ngay trong mỗi lát thời gian. Sự trung giới với tư cách là tính vận động hay tính phủ định, bao hàm sự phủ định và sự phủ định thì thực hiện sự liên tục trong sự gián đoạn giữa ba hệ thống lịch sử tiếp tục nhau tiến lên, tiêu biểu cho sự vận động đồng nhất của dĩ vãng, hiện tại và tương lai. Do đấy thì sự trung giới chính là bảo đảm sự liên tục trong gián đoạn của sự vận động lịch sử của thiên nhiên, xã hội và con người.
Lenin đã vận dụng phạm trù trung giới, tức là sự phủ định thống nhất với sự phủ định sự phủ định ngay từ buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong quan niệm về chính sách kinh tế mới, cũng như trong quan niệm về cách mạng văn hóa xã hội chủ nghĩa, cuộc cách mạng văn hóa này, trái hẳn với cái gọi là “văn hóa vô sản” (Proletkult), có nhiệm vụ tiếp thu, sáp nhập tất cả nội dung có giá trị của văn hóa truyền thống loài người.
Nhưng sau Lenin, cái nguyên lý trung giới, bao hàm quy luật phủ định sự phủ định, là nguyên lý khái quát của cả quá trình biện chứng toàn diện của sự phát triển lịch sử, đã bị gạt ra ngoài và coi như không có. Tình trạng bỏ quên như thể biểu hiện một quan điểm hoàn toàn trừu tượng về sự phủ định, với cái lối suy nghĩ rập khuôn “hoặc là …, hoặc là …”, do đấy mà sinh ra một tình trạng bóp méo chủ nghĩa Marx theo kiểu siêu hình, sự bóp méo này được đúc thành giáo điều năm 1938 trong cái triết lý chính quy của sự sùng bái cá nhân.
Đến năm 1956, khi quy luật phủ định sự phủ định lại được công nhận, thì nội dung bao hàm trong ấy vẫn không được nêu rõ. Tức là sự công nhận còn có tính cách hình thức, do đấy mà đại khái sau hơn mười năm tìm tòi, thì phương pháp tư duy lại sa vào cái vết xe siêu hình bế tắc “Hoặc là…, hoặc là…”. Hoặc là cứ giữ cái cơ chế quản lý mệnh lệnh, quan liêu bao cấp, hoặc là trở lại tình trạng vô chính phủ của xã hội tư bản chủ nghĩa.
Trên thực tế thì đấy là bỏ quên sự trung giới. Sự trung giới là sự biện chứng của sự chuyển hóa từ một hệ thống lên một hế thống khác cao hơn thông qua sự thống nhất sự phủ định cái hệ thống thứ nhất do cái hệ thống thứ hai, với sự phủ định sự phủ định ấy, sự trung giới như thế là nội dung quyết định sự phát sinh và phát triển cái hệ thống thứ hai xuất phát từ cái hệ thống thứ nhất, quyết định sự bình thường hóa và phát huy cái hệ thống thứ hai tiến lên chuyển hóa thành một hệ thống thứ ba cao hơn nữa (Xem Marx, Le Capital, Editions Sociales, 1, 3, tr.205). Hegel nói: “Sự trung giới là cái tính phủ định thuần túy”, tức là cái vận động thuần túy phủ định, nó là sự phủ định hoàn thành bằng cách lại phủ định bản thân nó, tức là phủ định sự phủ định.
Như sự trung giới làm cơ sở quyết định sự chuyển hóa từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, là sự thống nhất sự phủ định chủ nghĩa tư bản do chủ nghĩa xã hội, với sự phủ định sự phủ định ấy bằng cách khôi phục những yếu tố vẫn có giá trị của xã hội tư sản cũ, nhằm bảo đảm sự hoạt động bình thường (hợp pháp, không khủng bố) của những quan hệ xã hội chủ nghĩa, và sự phát triển của chúng trong viễn cảnh một ngày kia, dù có xa xôi đến đâu, thì sẽ tiến lên chủ nghĩa cộng sản.
Theo nghĩa chung nhất của nó thì sự trung giới, với tư cách thống nhất sự phủ định với sự phủ định, biểu hiện là sự biện chứng của sự chuyển hóa từ một hệ thống lịch sử lên một hệ thống cao hơn, mà sự phát triển của hệ thống thứ hai này, khôi phục một số yếu tố của hệ thống thứ nhất, thì lại mở đường cho sự chuyển hóa lên một hệ thống thứ ba cao hơn nữa. Sự biện chứng của sự trung giới như thế thì theo lý luận là tiến hành trên toàn diện sự vận động của vật chất, từ những hình thái dĩ vãng xa xăm vô tận lên cái tương lai vô hạn định của nó. Hegel nói: “Sự trung giới nếu thu rút vào sự trừu tượng thuần túy của nó, là sự biến chuyển thuần túy” (Hiện tượng học của tinh thần – “Tựa”), tức là sự biến chuyển qua toàn diện thời gian.
Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô đã khôi phục quy luật phủ định sự phủ định trong công thức triết học, nhưng lại không nói gì đến sự thống nhất cơ bản của nó với cái phủ định thứ nhất. Như thế thì vẫn chưa thấy sự liên hệ lẫn nhau tất yếu: giữa sự đấu tranh chống dân chủ tư bản, tức là giữa sự phủ định dân chủ tư sản do dân chủ xã hội chủ nghĩa với sự phủ định, sự phủ định ấy do xã hội xã hội chủ nghĩa lấy lại dưới một hình thái mới, một số quyền tự do dân chủ và một số yếu tố của thời đại tư sản, nhằm đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu tiêu cực với mục đích dân chủ hóa nội bộ xã hội xã hội chủ nghĩa. Kết quả là hai quá trình, một là chống hệ thống dân chủ tư sản và thứ hai là lấy lại dưới hình thức cải tạo một số yếu tố dân chủ truyền thống, hai quá trình như thế đã tiến hành song song, rời rạc, mỗi bên tự định lượng một cách tự tiện.
Tóm lại, người ta đã không kể đến sự trung giới, nó là nội dung cơ bản của sự vận động xã hội chủ nghĩa xuất phát từ dĩ vãng tư bản chủ nghĩa do sự thống nhất biện chứng giữa sự phủ định với sự phủ định sự phủ định.
Vì bỏ quên sự trung giới như thế nên việc sửa chữa giáo trình triết học mác-xít năm 1956, phục hồi quy luật phủ định sự phủ định, đã không mang lại tất cả kết quả mong muốn. Sau một thời gian 10 năm tìm tòi tiến lên, người ta đã trở lại cái phương pháp lưỡng phần: hoặc là giữ nguyên chủ nghĩa xã hội với tình trạng lề mề tốn kém của cái bộ máy hành chính mệnh lệnh bao cấp, thậm chí còn lại còn có cái gánh nặng của một thứ chủ nghĩa quan liêu tiêu cực, hoặc là trở lại dân chủ tư sản, chủ nghĩa tư bản – không có cái thứ ba. Đây vẫn là phương thức tư duy siêu hình mà Marx đã mô tả: “Nhà siêu hình học tư duy bằng những đôi phản đề, mà không có trung giới: Ông nói có, có, không, không, đi xa hơn thì chẳng có nghĩa gì”.
Cái gì xa hơn, thì chính là quy luật phủ định sự phủ định bao hàm sự liên hệ cơ bản với sự phủ định thứ nhất. Đấy là sự trung giới sáng lập tổng hợp, nó bảo đảm tính liên tục trong tính gián đoạn của sự biến chuyển, sự trung giới như thế thì chính là cơ sở của sự thống nhất biện chứng của toàn diện lịch sử thế giới với tư cách vật chất đương vận động. Đặc biệt đấy là cơ sở của sự thống nhất biện chứng của lịch sử xã hội loài người, của bản thân con người đương phát triển với sự đa dạng và những sự mâu thuẫn của nó trong lịch sử ấy.
Do bỏ quên quy luật về sự phủ định sự phủ định rồi đến khi nhắc đến, thì lại không vạch rõ ràng nó là một mặt của sự trung giới không thể tách rời sự phủ định thứ nhất, nên đã sinh ra tình trạng bóp méo phép biện chứng theo lối siêu hình. Như thế là tạo thế mạnh cho một quan điểm tha hóa về con người phủ định tính phổ cập gắn liền với tính đặc thù của con người, một quan điểm gạt bỏ những giá trị phổ cập của con người mà chính những giá trị này là nguồn gốc sâu xa của những giá trị tiến bộ và những giá trị giai cấp cách mạng của mỗi thời đại. Chính sự liên hệ khắng khít giữa những giá trị phổ cập và những giá trị đặc thù tạo nên nội dung ý nghĩa, bề sâu của chủ nghĩa xã hội trong ý thức tự phát của quần chúng vô sản và nhân dân cũng như trong tư duy lý luận của các nhà kinh điển Marx-Lenin.
Do thiếu công trình phê phán sự sùng bái cá nhân về mặt lý luận, nên sự đấu tranh của Đại hội XX không thể nào xác định một mục đích có tính chất cơ cấu. Những khẩu hiện của Khrushchev chỉ nhằm một thứ chủ nghĩa dân chủ hình thức, chung chung, do đấy mà phong trào của ông tất nhiên thất bại. Và sự thất bại như thế lại tăng cường tình trạng bóp mép chủ nghĩa Marx-Lenin theo lối siêu hình.
Tuy nhiên Đại hội XX đã mang lại một sự giải phóng tư tưởng và như thế là làm sao cho tôi có đủ tinh thần để trở lại nghiên cứu triết học. Những bài của tôi đăng trong tạp chí La Pensée bắt đầu từ 1965 đã đi tới cuốn Nghiên cứu nguồn gốc của tiếng nói và ý thức (Editions Sociales, 1973-Paris). Trong ấy tôi nghĩ rằng có thể thực hiện cuốn Phénoménologie et Matérialisme Dialectique ngày xưa, bằng cách tiến hành một công trình hoàn toàn duy vật về nguồn gốc của ý thức xuất phát từ lao động và tiếng nói gạt bỏ tất cả mọi di tích của chủ nghĩa chủ quan hiện tượng học.
Tuy nhiên trong toàn bộ cuốn Recherches sur l’Origine du Langage et de la Conscience, thì quan niệm và phương pháp vẫn không thoát khỏi những giới hạn hẹp hòi của các di sản lý luận của thời sùng bái cá nhân, bóp méo chủ nghĩa Marx theo lối siêu hình.
Do bỏ qua sự trung giới và như thế là từ bỏ sự thống nhất biện chứng của lịch sử xã hội loài người, tức là từ bỏ con người với tư cách chủ thể của lịch sử ấy, nên kết quả là làm phai mờ ranh giới giữa tính người với tính động vật. Do đấy mà tôi đã lẫn lộn hai hình thức dấu hiệu căn bản khác nhau, cái chỉ hiệu của tiền nhân, và cái tiếng nói bằng từ của con người, cả hai hòa lẫn trong cùng một biểu tượng mơ hồ về “tiếng nói” chung chung coi như sự sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào.
Trên thực tế thì chỉ hiệu của khỉ tinh tinh, nói chính xác, không có cái nghĩa từ của con người, vì con tinh tinh có khả năng học hơn 100 chỉ hiệu. Mà trái lại, qua nhiều năm huấn luyện, nó cũng chỉ có thể họa phát âm vài bốn “từ”. Thậm chí cũng không thể nào chứng minh rằng số ít phát âm ra như thể mà đúng cái cơ cấu của ý nghĩa của những từ mà trẻ em người đã biết sử dụng vào tuổi 15 tháng.
Tóm lại những công trình nghiên cứu của tôi trong những năm 1960-70, cho đến đầu những năm 1980, thì trên thực tế là xây dựng trên sự lẫn lộn giữa chỉ hiệu của Tiền nhân, mà căn bản vẫn là khỉ, với tiếng nói của người đầu tiên. Tức là tôi đã xóa bỏ về mặt dấu hiệu học sự khác biệt cơ bản giữa con vật tiến hóa nhất với con người nguyên thủy nhất. Kết quả là tôi đã thu hút cái đặc tính của tiếng nói con người vào một tổ hợp chỉ hiệu, và phương pháp như thế rõ ràng là một thứ phép siêu hình máy móc.
Dĩ nhiên ngày ấy tôi vẫn chủ trương vận dụng phép biện chứng, nhưng trên thực tế thì đấy lại không phải là biện chứng mà chỉ là thuộc tình trạng méo mó theo lối siêu hình của thời sùng bái cá nhân và đình đốn.
Mãi đến năm 1985-1986 tôi mới vượt qua được những giới hạn hẹp hòi như thế, nhờ phong trào cải tổ, đổi mới trong các nước xã hội chủ nghĩa sinh ra một thời đại Phục hưng mới, khôi phục và phát triển tư tưởng nhân bản chân chính của các nhà kinh điển Marx-Lenin, sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học. Chủ nghĩa nhân bản Marx-Lenin như thế dĩ nhiên bao hàm một sự phân biệt biện chứng rõ ràng giữa con người với con vật, do đấy mà tôi đã nhận ra rằng cái từ mà trẻ em 15 tháng dùng một cách cô đơn, thì có một ý nghĩa biện chứng tóm tắt cái vận động của tiếng nói đầu tiên của đời sống thực tế của con người, thu lại trong cái từ nguyên thủy của tiếng nói ngôn ngữ đầu tiên, theo như chúng ta có thể hình dung nó, xuất phát từ quá trình thao tác sơ đẳng bao hàm trong sự sản xuất những công cụ đầu tiên của Người khéo (Homo habilis). Sự biện chứng như thế được xác nhận về mặt lôgich theo sự vận động đầu tiên của tồn tại, với tư cách là sự chuyển hóa từ sự xung động, tức là từ sự đồng nhất giữa tồn tại và hư vô, là sự biến chuyển tạo nên cái gì đã biến thành tức là thực tại. Sự vận động như thế lắng đọng trong cơ cấu ba nghĩa của cái từ nguyên thủy, như nó tái diễn trong trẻ em bé ngày nay, với tư cách là thống nhất lối mệnh lệnh, lối trình bày, và thể từ.
Trong những công trình nghiên cứu của tôi vào những năm 1960-70, tôi không thể nào vận dụng lôgich biện chứng để phân tích ý nghĩa của tiếng nói nhi đồng, vì ảnh hưởng cản trở của sự bóp méo siêu hình mà sự sùng bái cá nhân đã áp đặt vào phép biện chứng mác-xít. Sự bóp méo như thế vẫn giữ tất cả cái uy tín của nó trong suốt thời gian đình đốn, với cái gọi là “Đại cách mạng văn hóa vô sản”.
Thế là trong cuốn Nghiên cứu về nguồn gốc của tiếng nói và ý thức (Recherches sur l’Origine du Langage et de la Conscience, 1973) tôi đã đi vào cái thứ hình thức chủ nghĩa của một tổ hợp vận dụng ba đoạn: cái này (C), vận động (M) và hình thái (F). Sự phát triển theo lối mở rộng số lượng của ba đoạn như thế kết hợp theo những hình thù khả dĩ về mặt lý luận và thực tiễn, được coi như sẽ lập lại sự phát triển của mọi cơ cấu của tiếng nói ở thời điểm đầu của giống người và ở tuổi nhi đồng ngày nay.
Trên thực tế thì tôi đã nhanh chóng nhận thấy rằng những sự kết hợp hoàn toàn máy móc như thế không thể nào xây dựng lại một câu ngữ pháp, dù chỉ là phi ngôi, lại càng không thể nào xây dựng lại một cơ cấu có ngôi. Thế là tôi đã tìm đường bổ sung ức thuyết của tôi bằng cách vận dụng phép phân tâm. Phép phân tâm đặc biệt tăng cường uy tín từ những sự kiện năm 1968, càng ngày càng phát triển ảnh hưởng vào giới trí thức cộng sản phương Tây, ảnh hưởng này lại có âm vang đến Việt Nam. Các tác giả phân tâm hứa hẹn sẽ soi sáng bí hiểm của tiếng nói.
Tôi đã tìm thử theo phương pháp của họ, nhưng sau khi thử nghiệm, thì rõ ràng rằng phương pháp ấy không giúp được gì trong vấn đề nguồn gốc của câu nói có ngữ pháp.
Năm 1978, tư tưởng Mao Trạch Đông đã phá sản về mặt đạo lý, do phát hiện ra cái kết quả cuối cùng của chủ nghĩa vô nhân bản của cái gọi là “đại cách mạng văn hóa vô sản”: đấy là sự kiện diệt chủng 3 triệu dân Campuchia do bọn Khơme đỏ của Pôn Pốt Iêng Xary. Ngày ấy tôi đã viết một công trình phê phán tính chất cực kỳ hẹp hòi, vị kỷ của tư tưởng Mao.
Đến năm 1983, khi có bài của Andropov kỷ niệm 100 năm ngày mất của Marx, thì tôi tự cảm thấy được giải phóng khỏi những điều kiêng cấm của triết học của thời sùng bái cá nhân và thời đình đốn. Do đấy mà tôi đã vận dụng được một cách nhất quán những lời tuyên bố của các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học về vấn đề xoay lại phép biện chứng của Hegel, đặt cho nó đầu lên trên, chân xuống dưới, nhờ thế mà chủ nghĩa Marx đã lấy lại “cái hạt nhân hợp lý’ của Hegel, và tạo nên phép biện chứng duy vật hiện đại. Tôi đã trình bày một cố gắng đầu tiên theo hướng ấy trong bài “Phép biện chứng lôgich trong sự phát sinh ‘Tư bản’” (La Pensée, số 240, tháng 7/1984).
Rồi cuối cùng phong trào cải tổ đã tới, mang lại một quan niệm đúng đắn cho sự đổi mới là hy vọng lâu năm của quần chúng. Thời Phục Hưng hiện đại đã hoàn lại cái tinh thần nhân bản chân chính của những nhà sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, mở đường vượt khỏi sự tha hóa này đã kéo dài suốt thời đình đốn. Triển vọng của thời Phục hưng này là phát triển nhận thức về con người, và thực hiện trên phạm vi cụ thể phổ cập sự thống nhất biện chứng giữa lý luận với thực tiễn, trong sự hiểu biết toàn diện lịch sử thế giới, bao hàm sự liên hệ khắng khít giữa phong trào đấu tranh giai cấp của quần chúng nhân dân với cái mặt tích cực của những quan hệ xã hội củ và những đòi hỏi của sự tiến bộ của con người.
Lúc bấy giờ tôi lại cảm thấy cái nhiệt tình của những năm cuối cùng của tôi ngày xưa ở bên Pháp. Sự tấn công bất ngờ của kế hoạch Marshall làm cho các bộ trưởng cộng sản bị gạt ra khỏi các chính phủ Tây Âu, đã đặt giới trí thức bấy giờ trước một sự lựa chọn giữa chủ nghĩa Marx với sự phục hồi hoàn toàn của giai cấp tư sản quốc tế. Trước sự tiến lên của chủ nghĩa đế quốc thực dân, tôi chỉ có thể chọn chủ nghĩa Marx, và tôi đã thực hiện điều ấy trong bài “Hiện tượng học của tinh thần và nội dung thực tế của nó”. Jean-Paul Sartre đã coi như một vấn đề thể diện là cho in bài trong tạp chí Les Temps Modernes (tháng 9/1948).
Đấy là bài bình luận cuốn sách mới xuất bản của Kojève về Hegel, mà Maurice Merleau-Ponty đã đề nghị tôi viết, để giảm bớt quan điểm hiện sinh quá trắng trợn của Kojève bằng cách hướng sự giải thích của Hegel về phía Marx.
Tôi đã làm quen cuối năm 1941 với Maurice Merleau-Ponty ngày ấy là phụ giảng ở phố Ulm. Ông ấy đọc một số đoạn trích luận văn của ông đương viết về “hiện tượng học của tri giác” và thường nói rằng tất cả sẽ kết thúc bằng một sự tổng hợp Husserl, Hegel và Marx. Những buổi như thế tiến hành trong phòng làm việc của François Cuzin, còn là sinh viên, những đã sửa soạn đi vào luận văn về sự tự do.
Xu hướng về phía Marx là tất yếu, vài [nước] châu Âu đương bị phát xít chiếm đóng, và hy vọng được giải phóng từ một chiến thắng trong ấy quân đội Liên Xô sẽ có vai trò chủ yếu.
Tuy nhiên chúng tôi chưa được chuẩn bị về mặt triết học để nghiên cứu những văn kiện của Marx. Jean Desanti, người cộng sản duy nhất của khoa triết trong trường, được mọi người khâm phục vì quen biết rất thân với Platon và Kant[1], Giáo sư Jean Cavaillès, một người đã đi vào tổ chức kháng chiến chống Đức ngay từ đầu, thường xuyên gặp Jean-Paul Sartre trao đổi về triết học. Ông báo tin đương xây dựng một học thuyết về nhận thức khoa học dựa vào hành vi lựa chọn. Ví dụ như cùng một hiện tượng có thể được coi như toán học, lý học v.v… tùy theo sự lựa chọn của nhà khoa học.
Trong mấy tháng mùa đông 1940-41 mà tôi đã phải tạm thời ở Clermont-Ferrand, tôi đã đi vào văn kiện của Hegel và theo sự khuyến khích của GS Jean Cavaillès đi vào Husserl. Năm 1941-42 tôi làm với Cavaillès luận án cao học về phương pháp biện chứng tượng học của Husserl. Merleau-Ponty nhấn mạnh về tầm quan trọng đặc biệt của cuốn Erfahrung und Urtell (Kinh nghiệm và phán đoán) và bài Die Krise der europaischen Wissenschaften und die transcendantale Phänomenologie (Cuộc khủng hoảng của các khoa học Âu châu và hiện tượng học tiên nghiệm) trong sự chuyển hướng của Husserl đi từ hiện tượng học của các bản chất tới một học thuyết về lịch sử sáng tạo nên các hình thái.
Với ánh sáng của kinh nghiệm cuộc chiến tranh đương tiếp diễn, mọi người cảm thấy rằng một xu hướng tư tưởng như thế sẽ được thực hiện trong quan niệm mác-xít. Nhưng quan niệm này mới chỉ xuất hiện trong chân trời mù sương của một thứ chiết trung trí thức chủ nghĩa.
Sau khi giải tán phát xít, thì vấn đề là lựa chọn giữa chủ nghĩa hiện sinh với chủ nghĩa Marx. Sartre và Merleau-Ponty không thể nào phân xử, hay nói đúng hơn thì họ đã chọn chủ nghĩa hiện sinh.
Trong năm 1945, là năm đầu thời kỳ giải phóng châu Âu, tôi đã làm phát ngôn viên cho những đòi hỏi dân chủ dân tộc của 25.000 Việt kiều, hầu hết là chiến binh và công binh do chính phủ Pháp gọi sang vào đầu chiến tranh. Khi tôi bị giam ở nhà tù La Santé, vì đã kiên quyết ủng hộ Việt Minh và Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đã dùng thời gian rỗi trong xà lim để trầm tư mặc tưởng theo lối hiện tượng học. Tôi đã viết bài “Sur l’Indochine” [Bàn về Đông Dương], còn đứng trong giới hạn chủ nghĩa hiện sinh, nhưng đã biểu hiện một xu hướng mác-xít rõ ràng hơn nhiều so với những bài khác của tạp chí Les Temps Modernes (xem số 5 tháng 2/1946).
Khi xuất hiện kế hoạch Marshall, tôi cảm thấy sâu sắc cái bản chất đế quốc thực dân của nó, và tôi thấy khó thông cảm với nhóm người xung quanh tạp chí của Sartre, vì họ đã thích nghi với thời cuộc mới. Và như thế là tôi đã dứt khoát từ giã chủ nghĩa hiện sinh bằng cách viết một bài duy vật kiên quyết phê phán quan điểm hiện sinh của Kojève giải thích Hegel.
Do tôi đã trải qua tiếp thu phương pháp hiện tượng học, nên sự lựa chọn chủ nghĩa Marx tạo nên cho tôi cái đòi hỏi phải cải tạo cả hai hiện tượng luận Hegel và Husserl, xóa bỏ hình thái và những yếu tố duy tâm của họ để lấy lại cái “hạt nhân hợp lý” tức là những yếu tố duy vật, nhằm vận dụng những yếu tố ấy trên cơ sở duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để xây dựng một giải pháp khoa học cho vấn đề về tính chủ quan của cái sinh thức. Tôi đã chủ trương như thế, xuất phát từ chỗ học thuyết mác-xít cơ bản về cái quan hệ giữa sản xuất và sở hữu coi như cơ sở của sự tiến hóa lịch sử xã hội, gặp rất nhiều điểm khó khăn, mà chỉ có thể phân tích, soi sáng bằng cách liên hệ với các ý thức sinh thức của sự sản xuất và sở hữu hóa, với tất cả nội dung xã hội và nhân cách của những lo lắng, đòi hỏi và giá trị của con người. Một sự tìm hiểu, liên hệ như thế dĩ nhiên phải tiến hành trên cơ sở mác-xít. Cái gì của Hegel và Husserl mà còn có giá trị, thì cũng chỉ có thể mang lại những yếu tố để xây dựng.
Tuy nhiên sự méo mó siêu hình học áp đặt vào chủ nghĩa Marx trong thời sùng bái cá nhân, đã gạt bỏ ngay từ đầu tất cả cái gì trong những trước tác của Marx có thể gọi và hướng tới xây dựng một cơ sở lý luận như thể để liên hệ vấn đề khách quan của xã hội với ý thức sinh thức của con người cá nhân. Kết quả là tôi chỉ có sẵn những dữ kiện hiện tượng học, để tìm hiểu sự chuyển biến từ tính khách quan của những quan hệ vật chất lên tính chủ quan của sự hiện tồn sinh thức. Mà cái chân trời rốt cuộc cá nhân của sự phô tả hiện tượng học trong Hegel cũng như trong Husserl chỉ cho phép nhận thấy trong sự sở hữu hóa cái cái mặt chiếm đoạt của nó. Còn cái mặt cộng đồng của nó thì bị bỏ qua và chuyển sang hình thái bên ngoài của một lý tưởng vô hạn định. Như thế là tự nhiên không còn gì để làm trung giới cho cái ý thức xuất phát từ thực tế.
Tóm lại, cái cách hiểu chủ nghĩa Marx ở thời sùng bái cá nhân đã đưa cuốn Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng mà tôi đã viết năm 1951, đến chỗ sa lầy trong ngõ cụt: tức là đặt kề bên nhau một bên là nội dung hiện tượng học, một bên là nội dung vật chất, thực ra theo lối siêu hình học. Và chính như thế là mở đường trở lại một thứ chủ nghĩa nhị nguyên ít nhiều duy tâm.
Đến giai đoạn sau, để tránh cái nguy cơ như thế trong công trình nghiên cứu của tôi những năm 1960-1970, tôi chỉ có thể cố gắng giảm bớt phần hiện tượng học, nhưng cũng không khắc phục được sự đặt kề nhau cái chủ quan với cái khách quan như mới nói.
Phải đến khi gặp bầu không khí đổi mới của phong trào cải tổ, thì tôi mới đi đến chỗ tìm ra được ý nghĩa của đoạn mô tả quyết định, mà Marx đã viết trong tập Grundrisse, bàn về sự vận động khởi nguyên của sự sở hữu hóa nguyên thủy, với tư cách là thái độ sinh thức của người sản xuất nguyên thủy đối với cộng đồng xã hội và với đất đai, là cơ sở lao động gồm toàn bộ tư liệu sản xuất của mình, sự sở hữu hóa cộng đồng nguyên thủy là sự trung giới khởi nguyên, ở đấy thực hiện sự chuyển hóa lịch sử từ vật chất lên ý thức từ thiên nhiên lên tinh thần, Marx nói:
“Quyền sở hữu đầu tiên không có nghĩa gì khác hơn là thái độ của con người đối với những điều kiện tự nhiên của sự sản xuất của mình, coi chúng là thuộc về mình, như là đã có cùng với sự thực tại của mình rồi. Đấy là thái độ của con người coi những điều kiện ấy như những tiền đề tự nhiên của bản thân mình, coi những tiền đề ấy như chỉ là sự kéo dài thân thể bản thân của mình ta ngoài mình… con người như thế là tồn tại bằng đôi cách. Một mặt là chủ quan với tư cách bản thân nó, và một mặt là khách quan trong những điều kiện tự nhiên của sự thực tại của nó ngoài thân thể của nó.
“Đối với cá nhân đương sống, một điều kiện tự nhiên của sự sản xuất là nó thuộc vào một xã hội tự nhiên, một bộ lạc v.v… sự thực tại chủ quan của nó với tư cách chủ quan bao hàm các điều kiện ấy, cũng như nó có một điều kiện nữa là thái độ của cá nhân đối với đất đai, coi đất đai là cơ sở lao động của mình….
“Sự sở hữu hóa như thế có nghĩa là con người sở hữu thuộc vào một bộ lạc (một cộng đồng) (có sự thực tại chủ quan – khách quan của mình trong ấy). Sự sở hữu như thế được môi giới do thái độ của cái cộng đồng ấy đối với đất đai coi đất đai như cái thân thể vô cơ của nó. Vì sự môi giới ấy mà cá nhân có thái độ đối với đất đai, đất đai là điều kiện khởi nguyên bên ngoài của sự sản xuất của nó, (vì đất đai là nguyên liệu, dụng cụ, đồng thời là thành quả), cá nhân coi đất đai như tiền đề của sự thực tại cá nhân mình, như phương thức tồn tại của cá nhân mình”. (Marx, Grundrisse der Kritik der Politischen Ökonomie, tr. 391-392).
Trong những âm vang sâu sắc của cái bức tranh sống động và sinh thức mạnh mẽ như thế, mô tả sự sở hữu hóa nguyên thủy, trong ấy biểu hiện ý nghĩa khởi nguyên, vừa xã hội, vừa cá nhân, vừa khách quan, vừa chủ quan của cái quan hệ xã hội với tư cách sở hữu cộng đồng, chúng ta nhận thấy nội dung cơ bản của sự phát sinh tiếng nói và ý thức, xuất phát từ sự sản xuất vật chất của thời khởi nguyên và từ những liên hệ vật chất mà nó bao trùm.
Marx nói: “Cái tiền đề đầu tiên của tất cả lịch sử loài người dĩ nhiên là những tồn tại của những cá thể người sinh sống. Cái tình hình thực tế cần phải xác nhận trước hết như thế là cái tổ chức cơ thể của những cá nhân ấy, và cái quan hệ của họ với thiên nhiên bên ngoài, xuất phát từ cái tổ chức cơ thể ấy….
“Con người bắt đầu tự phân biệt với động vật ngay khi người ta bắt đầu sản xuất những phương tiện sinh sống của mình, một sự tiến bộ thực hiện trên cơ sở cái tổ chức cơ thể của mình (Hệ tư tưởng Đức, Dietz Verlag, trong 16-17).
Chúng ta có thể coi những Người khéo (“homo habilis”) đầu tiên như những “cá thể người sinh sống”, có một tổ chức cơ thể người, tức là một bộ óc hơn 700 cm3, một bàn tay có khả năng sử dụng một hòn ghè và một bàn chân thích nghi với việc đi thẳng thường xuyên. Với tổ chức sinh học như thế, xuất phát từ sự tiến hóa của khỉ Nam Phi cao cấp trong điều kiện của một môi trường có tính cách sa mạc, thì ngay từ đầu Người khéo đã có thể dùng một hay hai nhát ghè, để luyện một cái Chopper. Dụng cụ này, vì chưa có hình thù điển hình, nên chỉ xuất phát từ lao động luyện, chứ chưa đòi hỏi phải có lao động sản xuất.
Theo đấy thì có thể suy đoán rằng người khác đầu tiên như thể có tính tập đoàn cao hơn những đám khỉ tinh tinh ngày nay trong thiên nhiên, nhưng chưa có tính xã hội. Vì nói “xã hội”, thì phải có quan hệ xã hội xuất phát từ lao động sản xuất.
Cái tính tập đoàn của những người khác đầu tiên có thể là bao hàm việc sử dụng những chỉ hiệu ở trình độ ngang với những chỉ hiệu mà khỉ tinh tinh học tập được ở phòng thí nghiệm ngày nay. Như thế có nghĩa là chưa có tiếng nói theo nghĩa tối thiểu của những từ của trẻ em 15 tháng bấy giờ.
Đến một mức phát triển nào đấy, Người khéo đã tiến lên sản xuất cái chopping bằng 5 đến 8 phát ghè, tức là đã có một kế hoạch lao động hướng theo một hình mẫu trong đầu óc. Sự vận động sản xuất tập thể có nghĩa là một “tiếng nói của đời sống thực tế”, do đấy mà sinh ra ý thức khởi nguyên với tính cách ý thức sinh thức. Như thể là “những con người bắt đầu tự phân biệt với giới động vật, ngay khi người ta bắt đầu sản xuất những phương tiện sinh sống của mình, tức là do sự vận động của sản xuất vật chất với tư cách tiếng nói của đời sống thực tế, tạo nên ý thức.
Marx nói “Sự sản xuất những ý kiến, những ý tưởng, sự sản xuất ý thức lúc đầu là trực tiếp quấn quyện trong hoạt động vật chất mà trong những quan hệ vật chất của những con người, trong tiếng nói của đời sống thực tế (Sprache des wirklichen Leben). Ý tưởng, tư duy, những quan hệ tinh thần của người ta ở đấy là còn xuất hiện theo lối như toát ra từ cử chỉ vật chất của họ” (Marx, Hệ tư tưởng Đức, Dietz Verlag, tr. 22)
Cái “tiếng nói của đời sống thực tế” mà Marx nêu lên ở đây, coi như cái vận động của vất chất của đời sống xã hội, mà căn bản là sự sản xuất xã hội, thì dĩ nhiên bao hàm hình thái tiếng gọi. Sự hoạt động vật chất và những liên hệ vật chất của mỗi người lao động (trong ấy có những dấu hiệu làm hiệu và chỉ hiệu tự phát kế thừa của thời Tiền nhân) thì tự nó gọi người khác, và sự hoạt động của những người khác ấy cũng có chức năng gọi người này, để hợp tác theo cái hướng mà tình hình lao động chỉ dẫn và đòi hỏi, nhằm cùng nhau thực hiện cái nhiệm vụ chung của sự lao động xã hội đương tiến hành.
Như thế thì tiếng nói của đời sống thực tế chính là cái chức năng biểu hiện tự phát của những động tác sản xuất và liên hệ của mỗi người và mọi người lao động, theo nghĩa là trong ấy mỗi người gọi các người khác và các người khác gọi mỗi người cùng nhau kết hợp mọi sự tham gia, đóng góp của các cá nhân vào công việc chung. Mà vì chính toàn diện những vận động như thế của sản xuất xã hội thiết định sự thực tại của cái cộng đồng, nên cái thực tại ấy tự nó nổi lên trong cái chức năng biểu hiện tự phát của những vận động đó. Tóm lại, với tư cách là tiếng gọi biểu nghĩa của tiếng nói của đời sống thực tế và của tiếng nói ngôn ngữ phát triển từ đấy thì “bản thân tiếng nói là sự thực tài của cái cộng đồng, và là cái thực tại cộng đồng tự nó nói nên nó” (Marx, Grundrisse, tr. 390).
Tiếng nói của đời sống thực tế, với tư cách là tiếng gọi biểu nghĩa của sự lao động sản xuất và của những khách hàng vật chất (trong ấy có cái di sản dấu hiệu làm hiệu và chỉ hiệu của thời Tiền nhân) giữa những người sản xuất với nhau, thì dĩ nhiên trước hết là gửi cho người khác, do đấy thì cũng là mỗi người lại tự gửi nó cho bản thân mình, qua sự môi giới của cái hình ảnh xã hội bên trong mà mỗi người có trong bản thân mình. Và chính trong sự vận động tự gởi tiếng nói cho bản thân mình như thế, mà sinh ra ý thức với tư cách một sản phẩm xã hội.
“Tiếng nói là ý thức thực tế, ý thức thực tiễn, tồn tại cho những người khác, và chính do đấy thì cũng là tồn tại cho bản thân mình… Như thế thì ý thức ngay từ đầu là một sản phẩm xã hội” (Marx, Hệ tư tưởng Đức, Dietz Verlag, tr 27).
Thật vậy, trong khi lao động tác động vào đối tượng bên ngoài thì mỗi người thực hiện công việc ấy trong cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân. Và cái hình ảnh thân thể bản thân lao động như thế, đương tác động vào đối tượng lao động bên ngoài thì gửi tiếng nói của đời sống thực tế, tức là gửi tiếng gọi biểu nghĩa của nó cho cái hình ảnh xã hội bên trong của nó, cũng như cái hình ảnh xã hội bên trong này gửi tiếng gọi hiểu nghĩa[2] tương ứng của nó cho cái hình ảnh thân thể bản thân: lý do là vì cái hình ảnh xã hội bên trong chính là hình ảnh xã hội của những người khác lao động tác động vào cùng một đối tượng bên ngoài như cái hình ảnh thân thể bản thân đương lao động. Tức là với tư cách hình ảnh bên trong, các hình ảnh xã hội thực hiện những vận động lao động xã hội tác động vào cùng cái đối tượng lao động xã hội bên ngoài và những vận động lao động như thế cũng có chức năng tiếng gọi hiểu nghĩa[3] tức là tiếng nói của đời sống thực tế.
Mà khi ta nói rằng cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân, đương lao động tác động vào đối tượng bên ngoài gởi tiếng gọi hiểu nghĩa, hay tiếng nói của đời sống thực tế của nó, cho cái hình ảnh xã hội bên trong, thì như thế có nghĩa thực tế rằng cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân tự chiếu vào cái hình ảnh xã hội bên trong, tức là nó nói lên nó với cái hình ảnh xã hội bên trong. Và khi ta nói rằng cái hình ảnh xã hội bên trong gửi tiếng gọi biểu nghĩa hay tiếng nói của đời sống thực tế của nó cho cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân, thì như thể có nghĩa thực tế rằng cái hình ảnh xã hội bên trong tự chiếu vào cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân, tức là nó nói lên nó với cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân.
Kết quả là cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân, khi tự chiếu vào cái hình ảnh xã hội bên trong, thì lại được gửi lại, tức là tự phản chiếu về bản thân nó do cái hình ảnh xã hội bên trong tự chiếu vào nó. Như thế có nghĩa rằng do sự môi giới của cái hình ảnh xã hội bên trong, thì cá nhân lao động trong cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân nó đương lao động tác động vào đối tượng lao động xã hội bên ngoài, thì lại nói lên nó với bản thân nó.
Trong sự vận động của cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân tự gửi lại, tức là tự phản chiếu về bản thân nó, thì cá nhân đương lao động lại có cái hình ảnh của cái hình ảnh của thân thể bản thân đương lao động tác động vào cái đối tượng lao động xã hội bên ngoài. Điều ấy có nghĩa rằng do sự môi giới của cái hình ảnh xã hội bên trong của nó, nó có trong bản thân nói cái hình ảnh ý tứ (image intentionnelle) của nó nhằm đối tượng, và chính đấy là cái ý thức sinh thức (conscience vécue) của nó – nhằm đối tượng bên ngoài.
Khi Marx nói “ý thức ngay từ đầu là một sản phẩm xã hội”, thì cái nguyên lý ấy có giá trị toàn diện cho đời sống bên trong của mỗi con người. Trong cái đời sống bên trong như thế, sự biện chứng của những cơ cấu tâm thần khởi nguyên, xây dựng trong xã hội cộng sản nguyên thủy và tái lập trong tuổi trẻ nhi đồng của những thời gian sau do sự giáo dục xã hội của cái cộng đồng gia đình – thì lắng đọng xuống bề sâu vô thức của ý thức, khi lên tuổi thiếu nhi, nhưng cũng không thể nào mất cái bản chất xã hội khởi nguyên của nó trong cái hình thức vô thừa như thế, cái hệ thống ý thức gồm những tầng lớp đương phát triển và những tầng đã trầm tích từ cái sinh thức đến cái hữu thức, đến cái tiềm thức và cái vô thức, là xây dựng trong lịch sử ba triệu năm lao động sản xuất và liên hệ xã hội, tái diễn trong sự giáo dục cá nhân.
Như thế là chứng tỏ nội dung toàn diện “Luận cương VI về Feuerbach”: “Bản chất con người trong cái thực tế của nó là toàn diện những quan hệ xã hội” – theo nghĩa là toàn diện lịch sử của những quan hệ xã hội trầm tích từ nguồn gốc giống Người trong tâm thần con người, do truyền thống giáo dục tuổi trẻ, và hoạt động dưới sự thống trị của những quan hệ xã hội ngày nay.
Sự phát sinh ý thức là cơ sở khoa học để giải đáp cụ thể “vấn đề cơ bản lớn của triết học” (Marx) “Giữa vật chất với ý thức, cái nào là cái có trước” (Lenin).
Thiên nhiên, vật chất, sinh ra ý thức, tâm thần nhờ sự trung giới của tiếng gọi biểu nghĩa trong tiếng nói, mà trước hết là tiếng nói của đời sống thực tế trong lao động sản xuất và quan hệ chiếm hữu. Tiếng nói bên trong với cái tiếng gọi bên trong của nó là hình thái phát triển cao nhất của vận động vật chất với tư cách hoạt động thần kinh cấp trên ở trình độ cao nhất. Đồng thời sự vận động thần kinh ấy tiến hành trong sự qua lại giữa cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân và cái hình ảnh xã hội bên trong. Tức là cái hình ảnh thân thể tự chiếu vào cái hình ảnh xã hội bên trong, thì lại được cái hình ảnh này gửi nó lại, về bản thân nó. Điều ấy có nghĩa rằng cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân, đương lao động tác động vào đối tượng lao động xã hội bên ngoài, thì trở lại bản thân nó, do đó tự phản chiếu từ cái hình ảnh xã hội bên trong, và chính đấy là hình thái cơ bản của cái sinh thức, với tư cách là hình ảnh của cái hình ảnh bản thân. Như thế là cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân đương lao động tác động vào đối tượng bên ngoài, thì lại tự nó gấp đôi nó. Mà chính vì bản thân nó đã có chức năng của một tiếng gọi biểu nghĩa, nên sự gấp đôi như thế làm cho nó gọi hai lần, tức là kích thích hai lần hệ thần kinh. Tức là nó làm cho sự sản xuất năng lượng thần kinh tăng lên, và cái thặng dư năng lượng thần kinh như thế lại nuôi dưỡng tiếng gọi biểu nghĩa của cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân đương lao động tác động vào đối tượng bên ngoài. Kết quả là tạo nên một vận động xoay vòng, trong ấy cái tiếng gọi biểu nghĩa bên trong tự nó gấp đôi nó, do nó tự phản chiếu từ cái hình ảnh xã hội bên trong, và thế là kích thích hai lần hệ thần kinh, tăng cường sự sản xuất năng lượng thần kinh, và cái thặng dư năng lượng thần kinh sinh ra như thế lại làm cho cái tiếng gọi biểu nghĩa của tiếng nói bên trong cứ tiếp tục gấp đôi, với tư cách là hình ảnh bên trong của thân thể bản thân luôn luôn tự gọi mình cùng với tiếng gọi của cái hình ảnh xã hội bên trong để tiến hành lao động xã hội tác động vào đối tượng bên ngoài. Đấy là ý thức sinh thức nhằm đối tượng của lao động xã hội bên ngoài.
Tóm lại, ở đây đã sinh ra một cấu trúc mới, trong ấy sự vận động gấp đôi của cái tiếng gọi biểu nghĩa bên trong cứ tiếp tục kéo dài vô hạn định bằng cách tự nó kích thích sự sản xuất năng lượng thần kinh thặng dư cần thiết để vận động bản thân nó. Kết quả là sự kéo dài cái vận động gấp đôi như thế của tiếng gọi biểu nghĩa về cái hình ảnh bên trong của thân thể bản thân, ở đây xuất hiện cái sinh thức với tư cách là hình ảnh của hình ảnh ấy, thì lại ấn định cái sinh thức ấy thành một hình thái sinh tồn thường xuyên. Trong cái hình thái ấy, cái hình thức biểu hiện như tự nó lại tiến hành nó trong bản thân nó, coi như một vận động hình ảnh tự túc tự phản chiếu, tức là một vận động ý tưởng (idéal). Như thế là tạo nên cái ý tưởng (idéalité) của ý thức sinh thức, nó tự gọi nó hoạt động tác động vào đối tượng bên ngoài, do đấy mà từ cái chủ quan của nó, nó động viên lực lượng thân thể bản thân, phát triển sản xuất xã hội và quan hệ xã hội.
Tóm lại, ý tưởng của ý thức là sinh ra từ sự vận dụng một năng lượng đặc thù là năng lượng của tiếng gọi biểu nghĩa sinh thức. Đấy là năng lượng tâm thần (énergie psychique) xuất phát từ cái thặng dư năng lượng thần kinh sinh ra và tái sinh theo lối xoáy vòng, do tác động của tiếng gọi sinh thức kích thích hệ thần kinh sản xuất năng lượng thần kinh thặng dư.
Ở đây chúng ta nhận thấy nội dung chân chính của cái bức tranh đầy ý nghĩa sống động và sinh thức của Marx về sự sở hữu hóa cộng đồng nguyên thủy xuất phát từ kinh nghiệm vừa khách quan vừa chủ quan của sự sản xuất nguyên thủy.
Theo Marx thì con người nguyên thủy, với tư cách vừa là người sản xuất vừa là người sở hữu coi cái cộng đồng xã hội nguyên thủy và thông qua đấy coi địa bàn đất đai cộng đồng “như cái gì thuộc về mình, cái gì của mình…. Như tiền đề tự nhiên của bản thân mình kéo dài ra ngoài mình. Theo nghĩa chính xác thì không phải là con người cư xử với điều kiện của sự sản xuất của nó như thế, mà chính là nó sinh tồn theo hai tư cách: một là chủ quan với tư cách bản thân nó, hai là khách quan trong đôi điều kiện tự nhiên ngoài nó của sự sinh tồn của nó. Đôi điều kiện tự nhiên của sự sản xuất như thế là:
1- Sự sinh tồn của con người với tư cách thành viên của cộng đồng…
2- Thái độ của con người với địa bàn đất đai thông qua cộng đồng mà coi đất đai như là của mình, quyền sở hữu đất đai là chung đồng thời có quyền sử dụng riêng cho cá nhân, hoặc chỉ có quả thực là được chia.
“Quyền sở hữu như thế có nghĩa là thuộc vào một bộ lạc (một cộng đồng) có sự sinh tồn chủ quan-khách quan của mình trong ấy, và thông qua thái độ của cái cộng đồng ấy coi địa bàn đất đai như là cái thân thể vô cơ của mình, thì cá nhân cũng có thái độ đối với đất đai, coi địa bàn đất đai như tiền đề của cá tính của mình, như phương thức tồn tại của cá nhân mình (Grundrisse, tr. 391-392).
Nói con người nguyên thủy có sự tồn tại khách quan của mình trong cái cộng đồng xã hội nguyên thủy, thì có nghĩa rằng anh thấy cái cộng đồng ấy thông qua cái hình ảnh xã hội trong thống nhất với cái hình ảnh thân thể bản thân, do sự phản chiếu lẫn nhau trong tiếng nói bên trong tức là tiếng gọi biểu nghĩa bên trong xuất phát từ lao động và quan hệ vật chất của sự sản xuất tập thể nguyên thủy. Hai hình ảnh bên trong, hình ảnh bản thân và hình ảnh xã hội, luôn luôn trao đổi với nhau như thế là tạo nên ý thức sinh thức về cái cộng đồng xã hội bên ngoài, nên con người nguyên thủy coi cái cộng đồng của mình “như cái gì thuộc về mình, cái gì của mình…., như tiền đề tự nhiên của bản thân mình, giống như thân thể của bản thân mình kéo dài ra ngoài mình”. Do đấy thì trong ý thức sinh thức, con người nguyên thủy nhận thấy mình “sinh tồn theo hai tư cách: một là chủ quan với tư cách bản thân mình, hai là khách quan trong cái cộng đồng xã hội nguyên thủy của mình. Mà vì hai hình ảnh bên trong, là hình ảnh thân thể bản thân và hình ảnh xã hội bên trong luôn luôn liên hệ quấn quyện với nhau trong sự phản chiếu lẫn nhau, nên con người nguyên thủy tự thấy “có sự sinh tồn chủ quan-khách quan của mình trong cái cộng đồng xã hội của mình.
Tiếng nói, mà trước hết là tiếng nói của đời sống thực tế, xét về bản chất, thì chính là “cái thực tại của cái cộng đồng, nó sẽ tự nó nói lên nó”. Cái thực tại ấy là hoạt động của cái cộng đồng sản xuất những phương tiện sinh sống của nó từ địa bàn đất đai của nó.
Marx nói “Sự sản xuất bao giờ cũng là một sự chiếm hữu / cá nhân chiếm hữu thiên nhiên trong và thông qua một hình thái xã hội nhất định (Grundrisse, tr. 9).
Cái thực tại của cái cộng đồng, biểu hiện trong cái hình ảnh xã hội bên trong của mỗi thành viên của nó, nó tự nó nói lên nó, thì chính là sự chiếm hữu thiên nhiên trong sự sản xuất cộng đồng, cụ thể là sự sở hữu hóa cái địa bàn đất đai trong cộng đồng, tức là cái cộng đồng có thái độ: “coi địa bàn đất đai như là cái thân thể vô cơ của mình”. Và do hai hình ảnh bên trong của mỗi người, hình ảnh thân thể bản thân với hình ảnh xã hội bên trong luôn luôn phản chiếu lẫn nhau, nên cá nhân thông qua cộng đồng “cũng có thái độ đối với đất đai, coi địa bàn đất đai như tiền đề của cá tính của mình, như phương thức tồn tại của cá nhân mình” như tiền đề tự nhiên của bản thân mình giống như thân thể của bản thân mình kéo dài ra ngoài mình. Quan điểm của con người sở hữu khởi nguyên thì chính là đồng nhất với cơ cấu của ý thức sinh thức. Tức là từ sản xuất tập thể, ý thức sinh thức đã sinh ra cùng với sự sở hữu hóa cộng đồng khởi nguyên: nó là cái vận động chủ quan của sự sở hữu hóa khởi nguyên. Từ người khéo Homo Habilis lên người khôn, Homo Sapiens, ý thức phát triển trên hai mặt. Theo chức năng biểu nghĩa (fonction sémantique) của nó, với tư cách là nhằm đối tượng bên ngoài, ý thức thành hình nhận thức về thế giới thực tế khách quan. Đồng thời theo chức năng hô hào (fonction vocative) của nó, nó luôn luôn tự gọi hai lần bản thân nó, kích thích hệ thần kinh sinh ra một thặng dư năng lượng thần kinh, chuyển hóa thành năng lượng tâm thần và tinh thần, trong ấy ý thức thành hình cảm tính, ý chí và thiết định giá trị. Trên cơ sở tiếng gọi của cái hình ảnh xã hội bên trong, ý thức cá nhân tự gọi bản thân mình, xác định sự đòi hỏi đạo đức trong hành động, chân lý trong nhận thức, thẩm mỹ trong sự hoàn thành những quá trình sống động và sinh thức.
Lenin nói: “Ý thức không phải chỉ có phản ánh thế giới thực tế, mà nó còn tạo nên thế giới ấy” (Bút ký triết học, tiếng Nga, tr. 194) – Ý thức “tạo nên thế giới” theo nghĩa là nó cải tạo chất lượng thế giới, xây dựng một thế giới có tình Người, có giá trị đối với con người.
Sự biện chứng của ý thức, đúng trong sự biện chứng của con người, dĩ nhiên tiến hành theo quy luật chung của sự biện chứng duy vật, và như thế là giải quyết vấn đề bế tắc trong phép siêu hình: hoặc là vật chất, hoặc là ý thức – hoặc là con vật, hoặc là con người.
Theo phép siêu hình, thì cái vấn đề cơ bản lớn của triết học chỉ có thể đưa đến hai đường lối mãi mãi mâu thuẫn với nhau tức là không thể nào giải quyết. Hoặc là chủ nghĩa duy tâm: ý thức tinh thần sinh ra vật chất, tức là trên thực tế thì không có vật chất. Vật chất chỉ là một thứ tình trạng sa ngã của tinh thần.
Hoặc là chủ nghĩa duy vật tầm thường, tức là duy vật siêu hình: ý thức, tinh thần, chỉ là một vận động vật chất, một thứ biến dạng trá hình của cái bản năng sinh vật, tức là hoạt động thần kinh.
Giữa duy tâm với duy vật siêu hình, thì cái bế tắc không có lối thoát. Vấn đề cơ bản như thế chỉ có thể được giải quyết theo phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Marx-Lenin.
Vật chất sinh ra tinh thần theo sự trung giới của sự phủ định vật chất, liên hệ với sự phủ định sự phủ định ấy. Vận động vật chất đạt tới trình độ cao nhất của nó trong sự vận động thần kinh của tiếng gọi biểu nghĩa bên trong tức là tiếng nói bên trong của đời sống thực tế. Ở đây tiếng gọi của tiếng nói tiến hành giữa hai hình ảnh: hình ảnh thân thể bản thân và hình ảnh xã hội bên trong, do đấy thì sinh ra ý thức sinh thức, trong ấy cái tính ý tưởng phủ định tính vật chất của sự vận động thần kinh. Dĩ nhiên, vận động ý thức vẫn là một vận động của vật chất: đấy là vận động ý tưởng (không có tính vật chất) của vật chất, Marx nói: “Không thể nào tách rời tư duy khỏi một vật chất tư duy. Vật chất là chủ thể của tất cả mọi sự biến chuyển” (Gia đình thần thánh, Dietz Verlag, tr 259).
Marx cũng nói “cái bộ óc tư duy của con người” (“Biện chứng thiên nhiên”, Marx-Engels Werke, tập 20, tr 468).
Mà vì vật chất vẫn là chủ thể, nên sự phủ định tính sinh vật trong ý thức vẫn duy trì mặt tích cực của cái tính sinh vật bị phủ định như thế. Tức là cái hệ thống ý thức duy trì cái thặng dư năng lượng thần kinh và giữ lại những nhu cầu sinh vật sáp nhập vào quan hệ xã hội. Như thế là sự phủ định có ý nghĩa là gạt bỏ đồng thời vẫn duy trì và vượt lên trên cái mà nó phủ định. Cái gì tích cực bị phủ định thì không mất đi, nhưng trầm tích thành bản chất lớp dưới, và biểu hiện thành xúc cảm trong ý thức.
Đấy là sự phủ định thứ nhất: nó tạo nên ý thức con người từ sự vận động vật chất cao nhất, là vận động thần kinh trong lao động sản xuất sinh ra tiếng gọi biểu nghĩa của tiếng nói bên trong, tự chiếu và phản chiếu qua lại giữa cái hình ảnh thân thể bản thân với cái hình ảnh xã hội bên trong, cái hệ thống ý thức thành hình như thế là sự thống nhất mâu thuẫn giữa hai hình ảnh bên trong, phản ánh trong trí óc con người sự thống nhất mâu thuẫn giữa sự phát triển của sức sản xuất với cái hình thái của sự sở hữu giữa cá nhân với xã hội trong đời sống thực tế.
Đồng thời sự phát triển của sức sản xuất có xu hướng đi xa hơn cái hình thái đương thời của sự sở hữu, tạo nên đấu tranh mâu thuẫn trong xã hội, do đấy mà trong cái hệ thống ý thức cũng sinh ra đấu tranh mâu thuẫn giữa cái hình ảnh thân thể bản thân với cái hình ảnh xã hội bên trong. Cái mặt tích cực của tính sinh vật vẫn được duy trì trong ý thức, thì sáp nhập vào mâu thuẫn giữa hai hình ảnh bên trong do đấy mà cái hình ảnh thân thể bản thân trong quần chúng tạo ưu thế cho cái mặt tiến bộ của cái hình ảnh xã hội bên trong, tức là thúc đẩy sự tiến bộ xã hội đưa lên một hình thái xã hội cao hơn, bảo đảm những nhu cầu vật chất đầy đủ hơn, rộng rãi hơn. Như thế là sự phủ định thứ nhất, tức là sự phủ định tính sinh vật lại bị phủ định: đấy là sự phủ định sự phủ định tính sinh vật nó tăng cường cuộc đấu tranh của quần chúng lao động đưa xã hội tiến lên một trình độ cao hơn.
Tóm lại trong sự chuyển hóa từ hoạt động sinh vật lên hoạt động con người, cái hệ thống ý thức lại thu nhập, đồng hóa trong cảm tính của nó, cái xung lực của nhu cầu sinh vật tiến hóa thành nhu cầu của con người. Sở dĩ là vì sự phủ định tính vật chất có nghĩa vừa gạt bỏ, vừa là duy trì dưới hình thái cảm tính, và nó lại đi với sự phủ định hướng lên một trình độ phức tạp khác xét toàn diện là cao hơn.
Từ tuổi nhi đồng lên tuổi thiếu nhi ngày nay, cái ý thức sinh thức và hữu thức xây dựng trong cộng đồng gia đình theo truyền thống giáo dục xuất phát từ sự tiến hóa của xã hội cộng đồng nguyên thủy, khi lắng đọng xuống chiều sâu của ý thức, tức là trở thành một đoàn vô thức và tiềm thức của ý thức. Đây là cái bản chất bề sâu của con người duy trì ở dưới cái bản thân bề trên, là tính tập đoàn, tính giai cấp, tính dân tộc, tính người ngày nay.
TP. HCM, ngày 20 tháng 4 năm 1989
Trần Đức Thảo
Nguồn: http://viet-studies.info.
[1] Không rõ đích xác trong bản thảo của Trần Đức Thảo viết chữ gì, chứ dùng chữ “quen biết rất thân với Platon và Kant” ở đây là không hợp, ở đây chỉ có thể nói Jean Desanti được mọi người khâm phục vì rất thông thạo Platon và Hegel thôi. Mặt khác, vì phiên bản điện tử của tập Hồi ký này do TS. Cù Huy Chữ cho công bố trên http://viet-studies.info còn nhiều lỗi, kể cả lỗi chính tả, và còn nhiều chỗ diễn đạt ... trật ngữ pháp, nên độ tin cậy không chắc chắn lắm. Nếu được, TS. Cù Huy Chữ nên biên tập, rà soát lại cho kĩ lưỡng trước khi công bố tập bản thảo này để những thế hệ sau thế hệ của Cù Huy tiên sinh được tiếp cận văn bản được chính xác – chú thích của triethoc.edu.vn.
[2] Có lẽ dùng chữ “tiếng gọi biểu nghĩa” như trước đó 1 dòng thì hợp lý hơn – chú thích của triethoc.edu.vn.
[3] Xem chú thích [2].
Ý KIẾN BẠN ĐỌC