Trần Đức Thảo

Về cái cơ bản chung của lịch sử dân tộc

 

VỀ CÁI CƠ BẢN CHUNG CỦA LỊCH SỬ DÂN TỘC

 

TRẦN ĐỨC THẢO (1917-1993)

 

 

Dân tộc là một cộng đồng xã hội cấu thành sau thời đại xã hội cộng đồng nguyên thủy trên cơ sở tiếng nói chung, địa bàn đất đai chung, đời sống kinh tế chung, và hình thái tâm lý chung thể hiện trong một lịch sử văn hóa chung.

Bốn đặc trưng này trước đây vẫn được hiểu theo nghĩa là phải đến giai đoạn tư bản chủ nghĩa, khi những quan hệ hàng hóa thống trị toàn bộ nền sản xuất xã hội, thì mới đảm bảo được một “đời sống kinh tế chung”. Tức là dân tộc chỉ xuất hiện sau thời phong kiến. (…)

Nhưng thực ra thì sự sản xuất hàng hóa đơn giản, ngay khi mới xuất hiện ở thời bộ lạc tan rã, đã sinh ra những sự liên hệ trao đổi thường xuyên ngoài phạm vi chế độ cộng đồng nguyên thủy. Và những sự liên hệ như thế, dù còn lỏng lẻo và chưa xóa bỏ cái tổ chức công xã ở nông thôn, nhưng cũng đã đủ để tạo nên bước đầu một đời sống kinh tế chung, theo nghĩa là các địa phương, tuy về căn bản còn là tự túc tự cấp, nhưng cũng đã có quan hệ trao đổi bình thường với nhau trong cùng một hệ thống sản xuất hàng hóa trên phạm vi một nước. Đấy là cơ sở của sự hình thành dân tộc trong khuôn khổ một nhà nước thái cổ, nhà nước của giai cấp quý tộc thu cống[1] (2). Ví dụ như Mác đã dùng khái niệm cận tộc (nation) để chỉ những người Ai Cập hay Ấn Độ cổ đại: “Ở Ai Cập, Ấn Độ, v.v... thời xưa, quảng đại quần chúng dân tộc (die Massa der Nation) bị cưỡng bách phải xây dựng những Kim tự tháp và mọi thứ công trình xa xỉ tôn giáo”. (Grundrisse de Kritik der politischen Okonomie, tr. 655).

Theo đấy thì cộng đồng dân tộc là cái cộng đồng xã hội xuất hiện cùng với những quan hệ giai cấp. Tức là dân tộc tất nhiên có tính giai cấp, cụ thể là tính giai cấp của giai cấp thống trị ở mỗi giai đoạn phát hiện của lịch sử dân tộc.

Như thế là dân tộc có hai tính chất cơ bản: tính cộng đồng và tính giai cấp.

Dân tộc tiến lên qua các chế độ giai cấp khác nhau, tức là lần lượt mang nhiều tính giai cấp khác nhau trong lịch sử, nhưng căn bản trước sau vẫn là một.

Ví dụ như dân tộc ta đã thành hình ở thời văn hóa Gò Mun-Đông Sơn trong khuôn khổ của nhà nước Hùng Vương, là nhà nước của giai cấp quý tộc bóc lột nông dân công xã bằng chế độ cống nạp: “Lạc dân khẩn ruộng, lạc hầu ăn ruộng”. Nói một cách khác thì trong xã hội thời Gò Mun-Đông Sơn, những quan hệ dân tộc đã bước đầu hình thành, nhưng mới phát triển trong giới hạn của chế độ công xã cống nạp, tức là trong giới hạn của những quyền lợi giai cấp của giai cấp quý tộc thu cống. Mọi người từ miền núi đến bờ biển đều là người Lạc Việt, nhưng đại diện cho dân tộc là giai cấp quý tộc thu cống, do đấy thì dân tộc ta đã thành hình ngày ấy với tính giai cấp quý tộc thu cống. (…)

Tính giai cấp của dân tộc như thế là đã hoàn toàn thay đổi. Nhưng bản thân dân tộc thì căn bản vẫn là một: chúng ta có ý thức rất rõ rằng chính dân tộc Việt Nam ta, chứ không phải là bất kỳ dân tộc nào khác, đã thành hình ở thời Gò Mun-Đông Sơn.

Dĩ nhiên, sự đồng nhất cơ bản của dân tộc qua các giai đoạn phát triển khác nhau của lịch sử, thì không thể nào xuất phát từ tính giai cấp của nó ở bất kỳ giai đoạn nào, mà chỉ có thể xuất phát từ tính cộng đồng, là tính chất chung của dân tộc.

Theo đấy thì tính cộng đồng là cái cơ bản chung của tất cả lịch sử dân tộc. Còn tính giai cấp là cái cơ bản đặc thù của từng giai đoạn phát triển của lịch sử ấy.

I. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TÍNH CỘNG ĐỒNG CỦA DÂN TỘC

Nội dung cơ bản của tính cộng đồng của dân tộc là quyền sở hữu cộng đồng về địa bàn đất đai: đất nước là của chung của dân tộc.

Lẽ cố nhiên quyền sở hữu cộng đồng như thế thì bình thường được thực hiện thông qua nhà nước, - mà dưới những chế độ bóc lột thì nhà nước là của giai cấp bóc lột thống trị, - nhưng nhà nước không phải là người sở hữu địa bàn đất nước. Bằng chứng là khi mà nhà nước của một giai cấp bóc lột thống trị một hiệp định bán nước: ví dụ như triều đình nhà Nguyễn ngày xưa, hay chính phủ Pê-tanh ở bên Pháp năm 1940, thì cái hiệp định như thế hoàn toàn không có giá trị gì hết. Dân tộc nổi dậy đấu tranh, khẳng định quyền sở hữu tối cao, bất khả nhượng địa của mình và địa bàn đất nước, kiên quyết đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi.

Tức là nhà nước của giai cấp bóc lột thống trị, dù nó có đặt hình thức pháp lý như thế nào, - ví dụ như bọn vua chúa cho rằng đất nước là của chúng, - nhưng trên thực tế thì chỉ có quyền quản lý. Còn quyền sở hữu đất nước thì bao giờ cũng là thuộc về cộng đồng, dân tộc, dù điều ấy có được sự công nhận pháp lý hay không. Do đấy, một dân tộc bị giặc ngoại xâm chiếm đóng, thì bao giờ cũng có quyền chiến đấu, để giải phóng đất đai của mình.

Quyền sở hữu cộng đồng và địa bàn dân tộc là cơ sở của những quan hệ đồng bào, tức là những quan hệ liên đới tương trợ, đoàn kết bình đẳng để lao động sản xuất, bảo vệ địa bàn đất đai chống thiên tai địch họa, cùng nhau xây dựng đất nước.

II. MÂU THUẪN GIỮA TÍNH CỘNG ĐỒNG VÀ TÍNH GIAI CẤP CỦA DÂN TỘC

Trong chế độ bóc lột, tính cộng đồng của dân tộc bị khống chế bởi tính giai cấp của nó, tức là tính giai cấp của giai cấp bóc lột thống trị ở những giai đoạn ấy. Đương nhiên các dân tộc vẫn tồn tại, với tư cách là một cộng đồng bao hàm những giai cấp đối lập với nhau.

Như khi Mác nói rằng: “Ở Ai Cập, Ấn Độ, v.v... thời xưa, quảng đại quần chúng dân tộc bị cưỡng bức phải xây dựng những Kim tự tháp, và mọi thứ công trình tôn giáo xa xỉ” (Grundrisse, tr. 655) thì điều ấy có nghĩa rằng những thành phần bị áp bức bóc lột ở thời cổ đại và phong kiến khách quan mà nhận xét, thì vẫn đều là thành viên của dân tộc. Nhưng tất cả bị giai cấp bóc lột thống trị tước đoạt những quyền lợi bao hàm trong tư cách thành viên cộng đồng dân tộc của họ.

Tức là giai cấp thống trị đã áp đặt cái tính chất bóc lột của nó vào dân tộc, do đấy mà hạn chế, khống chế tính cộng đồng của dân tộc. Bọn vua chúa tuyên bố đất nước là của riêng chúng, tức là đòi tước đoạt quyền sở hữu cộng đồng của quần chúng dân tộc.

Nhưng khi đứng trước vấn đề một mất một còn của đất nước, ví dụ như khi có giặc ngoại xâm, thì chính quần chúng là người kiên quyết bảo vệ địa bàn dân tộc, khẳng định quyền sở hữu cộng đồng của mình về đất nước. Đấy là quyền sở hữu tối cao, bất khả nhượng bộ [của] cả dân tộc, bất chấp các hình thức pháp lý của giai cấp bóc lột thống trị.

Như khi vua Hùng hoang mang trước giặc Ân, thì cậu bé làng Gióng, biểu tượng tổng kết kinh nghiệm muôn đời của quần chúng dân tộc bảo vệ đất nước, đã vùng dậy và lên đường ra trận. Và theo sau thì chính là các thành phần lao động: những người dân cày đang cầm vồ đập đất, những người thợ luyện kim, những người vác nỏ đi săn, những người cầm cần câu cá, những chàng trai nghèo đang vỡ đất, và cả những đoàn trẻ chăn trâu. Và sau khi đại thắng, Người anh hùng quần chúng đã biến lên trời, chứ không chịu gia nhập giai cấp bóc lột thống trị.

Khi nhà Tần đưa quân đội to lớn đến xâm lược, thì “người Việt đều vào rừng ở với cầm thú, không chịu để cho người Tần bắt. Họ cùng nhau cử người tuấn kiệt lên đường làm tướng để ban đêm ra đánh quân Tần, đại phá quân Tần” (Hoài Nam tử, Nhân gia huấn).

Cuộc đấu tranh kiên cường của quần chúng bảo vệ địa bàn dân tộc chứng minh rằng dù giai cấp quý tộc thống trị có chiếm đoạt quyền sở hữu đất nước trên hình thức pháp lý của họ, nhưng về căn bản và thực chất thì đất nước vẫn là sở hữu cộng đồng của dân tộc. Và ngày nay chúng ta kế thừa địa bàn đất đai của dân tộc ngày xưa, chứ không phải của nhà nước của bọn vua chúa.

Chính cuộc đấu tranh dân tộc của quần chúng chứng minh vai trò quyết định của nhân dân lao động, đã thúc đẩy sự tiến bộ xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh giai cấp, chống chế độ áp bức bóc lột. Và ngược lại thì chính cuộc đấu tranh giai cấp giải phóng xã hội chống chế độ áp bức bóc lột cũng làm lại cho tính cộng đồng của dân tộc tiến lên một trình độ ngày càng cao. (…)

IV. CÁI BẢN TÍNH CỘNG ĐỒNG CỦA CON NGƯỜI TRONG THỜI NGUYÊN THỦY*

Mác nói: “Con người theo bản tính của nó là một động vật xã hội” (Tư bản, ed. Sociales, I, 2, tr. 19). Mà vì xã hội người bao giờ cũng là một cộng đồng, nên cái bản tính xã hội của con người có nghĩa là bản tính cộng đồng. Nó xuất phát từ cái bản năng xã hội, là kết quả của sự biện chứng của những tập đoàn động vật (xem bài Về khái niệm con người).

Cái bản năng xã hội phát triển trong sự sản xuất xã hội thì tạo nên cái bản tính cộng đồng của con người, nó là cái mặt chủ quan của quyền sở hữu cộng đồng về địa bàn đất đai của xã hội, như Mác đã vạch rõ, nhân bàn về con người nguyên thủy.

“1) Cá nhân mỗi người có thái độ đơn giản coi những điều kiện khách thể của lao động (tức là địa bàn đất đai) là thuộc về mình, là cái thực thể thiên nhiên vô cơ của sự chủ quan của mình, trong ấy sự chủ quan của mình tự thực hiện…

2) Cái thái độ như thế của cá nhân người lao động coi địa bàn đất đai là thuộc quyền sở hữu của mình, là xuất phát ngay từ sự tồn tại tự nhiên, có biến đổi ít hay nhiều trong lịch sử, của cá nhân ấy với tư cách là thành viên cùng với những thành viên khác của một cộng đồng - của một bộ lạc… Nếu những điều kiện khách thể của lao động của cá nhân ấy được xác định là đã thuộc về nó rồi, thì bản thân nó về mặt chủ quan cũng được xác định là nó đã là thành viên của một cộng đồng rồi, nhờ cái cộng đồng ấy thì nó mới có quan hệ với địa bàn đất đai”. (Grundrisse, tr. 384-385).

“Quyền sở hữu nguyên thủy như thế không có nghĩa gì khác hơn là thái độ của con người coi những điều kiện tự nhiên của sự sản xuất của mình là thuộc về mình, là của mình, là đã đi cùng với sự tồn tại của bản thân mình rồi; thái độ coi những điều kiện ấy là tiền đề tự nhiên của bản thân mình, hình như đấy chỉ là cái cơ thể của bản thân mình kéo dài ra ngoài mình…

“Đối với cá nhân đang sinh hoạt, thì một điều kiện tự nhiên của sự sản xuất của nó là nó phải thuộc vào một xã hội tự nhiên, một bộ lạc, v.v… Đấy cũng là điều kiện của tiếng nói, v.v… của nó. Đời sống của nó chỉ có với cái điều kiện ấy. Sự sinh tồn chủ quan của nó với tính cách là chủ quan bao hàm cái điều kiện ấy, cũng như nó bao hàm một điều kiện nữa là thái độ đối với đất đai, coi đất đai là trụ sở lao động của mình…

“Quyền sở hữu như thế có nghĩa là tư cách thành viên của một bộ lạc (một cộng đồng) (có sự sinh tồn khách quan và chủ quan của mình trong ấy) và thông qua thái độ của cái cộng đồng ấy coi địa bàn đất đai và cái cơ thể vô cơ của nó, thì cá nhân cũng coi đất đai… là tiền đề thuộc về con người cá nhân của mình, là phương thức hiện tồn của con người cá nhân của mình”. (Grundrisse, tr. 391-392).

Tức là trong con người nguyên thủy, cái quyền sở hữu cộng đồng về địa bàn xã hội là bao hàm cả một nhân sinh quan và thế giới quan thân tình hòa hợp giữa cá nhân với xã hội, con người với thiên nhiên: cá nhân tự nhận thấy mình trong cộng đồng bộ lạc, con người tự nhận thấy mình trong đất đai cộng đồng của bộ lạc của mình. Tư cách thành viên của một cộng đồng nguyên thủy có nghĩa là “có sự tồn tại khách quan và chủ quan của mình trong ấy”, và thông qua đấy thì coi đất đai cộng đồng là “cái thực thể thiên nhiên vô cơ của sự chủ quan của mình, trong ấy sự chủ quan của mình tự thực hiện”. Đấy là cái “phương thức hiện tồn của con người cá nhân của mình”. Mỗi người coi thiên nhiên cùng với xã hội như thể “là của mình, là đã đi cùng với sự tồn tại của bản thân mình rồi; là tiền đề tự nhiên của bản thân mình, hình như đấy chỉ là cái cơ thể của bản thân mình kéo dài ra ngoài mình”. “Đối với cá nhân đang sinh hoạt”, thì hai “điều kiện tự nhiên” như thế là được bao hàm trong “sự sinh tồn chủ quan của nó với tính cách là chủ quan”.

Nhưng trong con người nguyên thủy, cái bản tính cộng đồng, mới xuất phát từ cái bản năng xã hội, thì cũng chỉ được xây dựng trong giới hạn chật hẹp của những cộng đồng nhỏ, mà cỡ tối đa là cái bộ lạc. Giữa các bộ lạc đối lập với nhau thì tình trạng chiến tranh là bình thường liên tục. Tính người ngày ấy mới phát triển trên cơ sở bộ lạc, và chính sự đoàn kết chặt chẽ trong nội bộ mỗi bộ lạc lại tạo nên những quan hệ tàn bạo xâm lược lẫn nhau một cách thường xuyên khi xuất hiện tình hình cạnh tranh. Đấy là tính “man rợ” của con người nguyên thủy, khi nó đi ra ngoài cái tổ chức cộng đồng nhỏ, cực kỳ hẹp hòi của nó. Cái tính man rợ như thế thì chính là biểu hiện của cái mâu thuẫn biện chứng, tức là cái cơ bản đặc thù, của xã hội cộng đồng nguyên thủy.

Đồng thời sự phát triển của sức sản xuất mở ra con đường giải quyết sự đối kháng giữa các bộ lạc bằng những quan hệ trao đổi. Sự trao đổi hàng hóa là cơ sở tạo nên một cộng đồng mới trên phạm vi rộng lớn của một nước: đấy là cái cộng đồng dân tộc.

Mặt khác, cũng cùng những quan hệ hàng hóa ấy lại sinh ra cái quan hệ tư hữu tài sản, tạo nên tính cá nhân ích kỷ và những quan hệ bóc lột. Như thế là giai cấp bóc lột và nhà nước của nó xuất hiện cùng với dân tộc, và áp đặt vào dân tộc cái tính giai cấp bóc lột của nó.

Sự đối lập giữa hai tính chất của dân tộc ở thời đại xã hội hàng hóa, là tính cộng đồng dân tộc và tính giai cấp bóc lột thống trị, là xuất phát từ hai mặt đối lập, tích cực và tiêu cực, của cái quan hệ trao đổi hàng hóa.

Trang đầu của tác phẩm Về cái cơ bản chung của lịch sử dân tộc

 


Di cảo được lưu giữ tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.



[1] Trưng thu và cống nạp.

* Không rõ là văn bản do đánh máy lộn hay bị mất phần III. – chú thích của triethoc.edu.vn.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt