PHÂN TÂM HỌC ÁP DỤNG VÀO VIỆC NGHIÊN CỨU CÁC NGÀNH HỌC VẤN
[Phần 03]
SIGMUND FREUD
VIII. Phân tâm học và tôn giáo
Qua học thuyết và thái độ của Freud, người ta nhận thầy ông có quan niệm vô thần. Các môn đệ của ông muốn tỏ ra không quan tâm đến vấn đề tôn giáo. Vấn đề tôn giáo có tầm quan trọng về phương diện trị bệnh bằng Phân tâm học vì trong sự liên lạc giữa ông thầy và con bệnh dầu sao cũng đề cập đến những vấn đề then chốt về sự tin tưởng tôn giáo. Chung quanh vấn đề tôn giáo và Phân tâm học đã có nhiều cuộc thảo luận, rất nhiều sách phân tích các cạnh khía của vấn đề ấy.
Năm 1953 Đức Giáo hoàng đã tiếp kiến thành viên tham dự cuộc Thảo luận quốc tế lần thứ Năm về tâm lý trị bệnh tại Rome. Cuộc thảo luận ấy có mục đích xác định lập trường của Giáo hội Công giáo đối với vấn đề tâm lý trị bệnh (người ta không muốn nói đến danh từ Phân tâm học).
Muốn nghiên cứu những nét đại cương của ảnh hưởng Phân tâm học đến tôn giáo người ta phải nghiên cứu và so sánh thái độ của các tôn giáo đối với những khám phá của Freud. Mỗi tôn giáo như Thiên chúa giáo, Do thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo đều có những thái độ khác nhau. Đối với Thiên chúa giáo đã có nhiều cuộc nghiên cứu cho biết sự liên lạc giữa vài biểu tượng tôn giáo ấy và mặc cảm Oedipe.
Mặc cảm Oedipe và biểu tượng tôn giáo
A. Hesnard đặt câu hỏi: «Adam bị Eve xúi giục phạm tội và hai người bị Chúa Cha đầy ải, từ đấy họ biết xấu hổ vì thấy mình không có gì che thân. Thần thoại đó có ý nghĩa gì? Huyền tượng Thánh Nữ Đồng Trinh phải chăng có ý nghĩa gây một ấn tượng thanh khiết về vị thánh nữ, xoá bỏ hình ảnh nhục dục coi như một sự cấm đoán? Ông nghĩ đến những ý nghĩa của thần thoại Oedipe và mặc cảm «bị hoạn».
Nhà Phân tâm học Westerman - Holdstyn nghiên cứu mặc cảm Oedipe, cho rằng tôn giáo nào, nhất là tôn giáo cổ thời, cũng có tác dụng làm rung động sâu xa phần tiềm thức của con người. Qua những trạng thái xuất thần nhập hoá, tham thiền, con người muốn hoà mình với thiên nhiên. Con người phóng rọi những mê vọng của mình vào các đấng thần linh. Người ta phóng rọi những tâm trạng sâu xa thầm kín và gần thiên nhiên nhất. Bởi vậy người nghiên cứu nghĩ rằng muốn hiểu người xưa có ý nghĩa sâu xa nhất về cuộc đời như thế nào phải tìm hiểu các thần linh và thần thoại của họ. Những công việc khảo sát của ông cho biết những loại thần thoại Oedipe rất phổ biến trong nhiều tôn giáo cổ:
Vị thần tối cổ ở Hy Lạp, Erebos giết cha Chaos lấy mẹ Nux. Uranus lấy mẹ Gaia, con là thần Zeus đuổi Chronos để lấy chị ruột Hera.
Tại Ai Cập, thần Amon loạn luân với mẹ Neith. Nữ thần Isis từ trong bào thai đã loạn luân với anh ruột song thai là Osiris, sau này lại loạn luân với con trai Horus. (Theo Jung thì sự huyền bí người – trời của Thiên chúa giáo bắt nguồn từ huyền tượng Osirisd – Horus).
Tại Ấn Độ, có thần thoại Maja loạn luân với Agni, Tanit với Mithra (theo Max Müller).
Tại Nhật Bản hai thần linh tạo ra trời đất là Ijanari và Ijanari, mẹ và con trai, là vợ chồng v.v.
Đó là những huyền thoại loạn luân có sắc thái huyền bí thiêng liêng, Phân tâm học cho là những hình ảnh trong tiềm thức xuất hiện dưới hình thức nguỵ trang.
Ở nước ta chưa có những việc khảo sát Phân tâm học về thần thoại và thờ cúng cho nên không biết những hình ảnh biểu tượng chính yếu của chúng ta có hình thức nào. Có lẽ trong cuộc sống tối sơ đời sống tinh thần của chúng ta cũng được dẫn dắt bởi những huyền thoại mầu sắc dục tính mà vết tích là những tượng bà Đanh, những tục thờ dâm thần sau này ẩn vào các cuộc tế lễ kín đáo gọi là hèm. Sở dĩ có lễ hèm vì Khổng giáo được truyền bá như một quốc giáo với những nghi lễ rập theo nghi lễ nhà vua. Khổng giáo muốn bài trừ những tục lệ «nhảm nhí», vào thời ấy Khổng giáo xuất hiện như một cố gắng triết học duy lý dẹp hết mọi khuynh hướng thần thoại và cố gắng giới hạn đời sống tình cảm trong những tương quan hợp lý. Từ nhà Chu việc sưu tầm Kinh Thi đã có ý kiểm soát phong tục, loại bỏ những phong dao tục ngữ không trả lời vào quan niệm luân lý thời ấy, xứ Trịnh, xứ Vệ được coi là có những thói tục dâm đãng. Đến Khổng Tử thì sự chọn lọc còn gắt gao hơn vì Khổng Tử muốn tìm căn cứ phong tục và tập quán cho lý thuyết quân quyền và phụ quyền.
Như vậy sự chỉnh đốn tâm tình theo một chiều giới hạn đã có từ nhà Chu bên Trung Quốc và ở nước ta thì có từ khi Khổng giáo lan tràn sang, nhiều người cho là từ đời Triệu Đà. Những trào lưu tư tưởng lớn mạnh ảnh hưởng sâu xa đến nếp sống dân tộc của ta và có tính cách tôn giáo như tư tưởng Khổng, Phật, Lão đều từ ngoài đưa vào và sống chung với đạo thờ cúng tổ tiên. Chúng tôi cảm tưởng như một nếp sống duy lý cố gắng giành lấy phần quyết định ý nghĩa cuộc đời và thay thế cho ý nghĩa toàn diện đó của nhiều dân tộc khác, nhất là bên Tây phương, phát hiện bằng tương quan biểu tượng, mà những thần thoại dính dáng đến tính dục như huyền thoại Oedipe biểu lộ đầy đủ hơn cả.
Jung đã định nghĩa biểu tượng là một chữ hay một dấu hiệu tuy đã quen thuộc với ta hàng ngày nhưng còn gợi lên những ý nghĩa khác ngoài ý nghĩa hiển nhiên và trực tiếp.
Các tôn giáo có rất nhiều biểu tượng. Chúng ta biết những biểu tượng chính như thập tự, chữ vạn, bánh xe luân hồi. Nhiều Phân tâm học gia đã nghiên cứu biểu tượng tôn giáo.
Trong cuốn Thăm dò tiềm thức, Chương nói về siêu tượng, Jung đã trình bày quan niệm của ông về biểu tượng tôn giáo. Siêu tượng, hay vết tích bàn cổ, hay hình ảnh nguyên thuỷ là những cách biểu lộ nguồn sống của cái psyché (linh hồn). Psyché là nền móng của tinh thần trong con người. Siêu tượng không phải là hình ảnh hay ý tượng nhất định về thần thoại, về biểu tượng tôn giáo; nó là những khuynh hướng tạo ra thần thoại và biểu tượng tôn giáo. Khuynh hướng đó ở trong thế giới tiềm thức, thế giới của thực thể tâm thần, còn biểu tượng tôn giáo, biểu tượng giấc mơ và thần thoại là những sản phẩm của ý thức. Người ta không biết gì về nguồn gốc của siêu tượng, siêu tượng có thể biểu lộ vào bất cứ thời nào, bất cứ ở đâu trên khắp thế giới. Một đứa bé sinh ra ở Âu châu vào thời này đã có những giấc mơ biểu tượng về các tôn giáo cổ, ông đưa thí dụ này ra để giải thích thế nào là siêu tượng. Cách nhìn của Jung làm thất vọng những học giả trung thành với thuyết của Freud vì họ không muốn tìm sự giải thích ở ngoài con người (cái psyché của Jung không thể dung hoà được thuyết ấy).
Baudoin nghiên cứu lại quan niệm về linh hồn của Jung, ông nói đến một «khách thể nội tâm» (objectivité intérieure). Cái khách thể nội tâm ấy, hiểu theo một nghĩa nào đó, là những hiện tượng ở trong ta, ta thụ động mà chịu chúng chi phối hay ta tham dự vào hoạt động mà chịu chúng chứ không phải ta là chủ động, thí dụ: giấc mơ, hình ảnh bông lông, mê say, v.v. gọi là khách thể vì nhiều người khác cũng có một khách thể nội tâm như ta. Như vậy, khách thể nội tâm cũng ở ngoài cái «tôi». Cái «tôi» theo quan niệm của chúng ta về Phân tâm học là thuộc thành phần tâm thức, vì ta ý thức được. Nhưng Baudoin muốn chẻ đôi cái «tôi» ra làm hai, cái «tôi» có hai mặt, một mặt tiền trông ra ngoài, một mặt sau trông vào trong. Mặt trong của cái tôi ấy ta không ý thức được. Mặt trong của cái tôi ấy là chỗ xảy ra những hiện tượng «khách thể nội tâm» đã làm phát sinh những biểu tượng, những sự phóng rọi tuỳ theo thời đại và dân tộc. Như vậy, lập trường của Baudoin là không muốn tìm sự giải thích ở ngoài con người, ở một cái tiềm thức tập thể như Jung, ông để cái «khách thể nội tâm» vẫn còn ở «trong» con người.
Hoạt động tôn giáo đối với ông cũng xuất hiện như một thực thể, thực thể tôn giáo. Thực thể tôn giáo cũng bắt nguồn từ trực giác như sự tín ngưỡng vậy; tín ngưỡng là một loại hiểu biết phi ý thức, phi lý trí, đúng hơn là siêu lý trí.
Đối với ông, thì biểu tượng tôn giáo xuất hiện một cách tự nhiên như một thực thể biểu lộ con người sinh lý, rồi sau mới được suy diễn thành những ý nghĩa hợp lý, và sự suy diễn ấy làm nghèo nàn nội dung của biểu tượng. biểu tượng đè nặng xuống con người như một động lực nguyên thuỷ thúc đẩy cuộc sống tiến tới, bởi vậy biểu tượng là nòng cốt đời sống xã hội của các dân tộc cổ sơ, trong các xã hội văn minh vai trò của tôn giáo là vai trò đoàn kết, vai trò tạo liên lạc tinh thần giữa những khối người lớn. Biểu tượng tôn giáo tạo ra hay phóng ra những giá trị và những giá trị đó là sức mạnh tin tưởng và sức mạnh hoằng triển của tôn giáo.
Tuy nhiên, ta cũng phải nói qua vài lời về cách nhìn của triết gia Emile Bréhier. Đối với ông thì hình ảnh biểu tượng lúc khởi thuỷ là một hình ảnh thực sự mà người ta có về một vật có thực. Trong một huyền thoại có ba sự kiện liên lạc mật thiết với nhau: một kinh nghiệm, một tin tưởng và một nghi lễ. Lúc khởi thuỷ, hình ảnh tượng trưng cho cái gì không có tính cách biểu tượng. Ví dụ «linh hồn tung cánh» của Hy Lạp. Mới đầu nó là hình con chim cắt. Con chim cắt đối với Hy Lạp cổ là linh hồn người ta, người ta đồng nhất hoá linh hồn mình với con cắt. Kinh nghiệm, tin tưởng và nghi lễ mà người ta gắn liền với hình ảnh con cắt sau này thay đổi cho nên con cắt trở thành biểu tượng, nghĩa là chỉ có ý nghĩa tượng trưng chứ không còn những tin tưởng và nghi lễ như cũ. Người ta dùng hình ảnh cũ để hình dung ra một thực tại đời sống khác.
Tây phương, vẫn theo E. Bréhier, có ba loại tư tưởng diễn tả bằng huyền thoại Khổng Tử.
Huyền thoại Psyché mà Empédole và Platon đã dùng huyền thoại ấy nói đến một thứ luật tuần hoàn về sinh tử, vận mệnh con người lệ thuộc vào luật ấy.
Huyền thoại cứu rỗi và cứu thế, số mệnh loài người tuỳ thuộc sự định đoạt của thượng đế.
Huyền thoại xã hội và nhân bản ngày nay; vận mệnh con người ở trong tay con người và tự định đoạt lấy.
Huyền thoại là tư tưởng sống động, là những nét biểu lộ một thực tại sống động mà người ta chưa tìm được cái gì ý nghĩa hơn nó để thay thế nó, là tư tưởng dưới hình thức trực giác và tưởng tượng.
Xét nguồn cội của biểu tượng và huyền thoại theo E. Bréhier như vậy thì còn gì là giá trị của thuyết siêu tượng với khách thể nội tâm nói trên kia? Nhưng theo thiển ý thì tư tưởng triết học với thuyết Phân tâm học không hẳn là mâu thuẫn với nhau. Triết học lý luận trên những sự kiện xuất hiện ra ngoài có thể phân tích được, còn Phân tâm học phân tích hiện tượng nội tâm liên lạc đến những sự kiện đó. Còn ở trong nội tâm thì Phân tâm học gia gọi là khách thể nội tâm , đem phóng rọi ra ngoài, phóng rọi vào con chim cắt như trường hợp «linh hồn tung cánh» của Hy Lạp thì đó là biểu tượng. Hai bên cùng luận đến ý nghĩa sống động và toàn diện về đời sống con người của biểu tượng và huyền thoại.
Thái độ của Phân tâm học gia đối với vấn đề niềm tin tôn giáo
Freud so sánh tôn giáo với tình trạng suy nhược thần kinh, tôn giáo là suy nhược thần kinh tập thể, còn suy nhược thần kinh chính thức là trường hợp cá nhân. Bây giờ người ta cho rằng cách nhìn của ông không mở lối cho sự tiến triển công việc nghiên cứu về sau.
Trong cuốn «Tương lai của một ảo tưởng» Freud muốn dùng Phân tâm học để cởi bỏ cho con người những niềm tin tôn giáo mà ông cho là ấu trĩ. Freud là người nguồn gốc Do Thái. Bốn đặc điểm của Do Thái giáo là: Tình huynh đệ giữa những người đồng đạo; công bình triệt để; lẽ phải và kiến thức để lập mối tương giao giữa tín đồ; không có thế giới bên kia, sự thưởng phạt sẽ có ngay ở đời sống thế phàm. Như vậy Chúa Cứu thế của họ không phải Chúa đón họ lên Thiên đàng, giải tội cho họ, mà là Chúa tái lập tại trái đất này một thế giới công bình, thế giới của Chúa công bình. Người ta cho rằng tín lý ấy đã đem lại cảm hứng cho những ý thức hệ xã hội và nhân bản sau này.
Với những tín lý ấy, tâm lý người tín đồ Do Thái khác tâm lý người tín đồ Thiên chúa giáo rất sâu xa. Ông Trời của người Do Thái là ông Trời công bình, nhưng lạnh lùng xa cách với thường tình nhân loại. Ông Trời của người Thiên chúa giáo là ông Trời tình yêu, gần với người hơn và hiểu người hơn, bức thông điệp của tình yêu còn mang lại sự tha thứ và sự từ thiện hàn gắn lỗi lầm của loài người vì con người ta «cái tóc cái tội».
Freud cho tôn giáo là một ảo tưởng, vậy ông không biết đến tình cảm và rung cảm của con người chăng? A. Hesnard biện hộ cho Freud đưa ra ý kiến rằng Freud nhìn thấy một yếu điểm chung cho tôn giáo và bệnh suy nhược thần kinh: sự chống lại bản năng hung hãn và dâm đãng. Nhưng tín điều tôn giáo không được người đời tôn trọng đứng đắn.
Freud tố giác tôn giáo là một ảo tưởng, nhưng thái độ của Phân tâm học ngày nay tỏ ra hiểu biết tâm lý loài người hơn, loài người vẫn cần tin tưởng tôn giáo và sự tin tưởng ấy chưa biết ngày mai sẽ có hình thức nào.
Đứng về phương diện trị bệnh, ông thầy không đả động đến sự niềm tin sâu xa của con bệnh – niềm tin sâu xa về kiếp người; ông thầy chỉ cố gắng làm cho họ hiểu được thế nào là thái độ tin tưởng nguỵ tạo, giúp họ phân biệt chân nguỵ và cởi bỏ cho họ sự áp bức bệnh hoạn.
Mới đây Phân tâm học khám phá ra phạm trù «người khác hiện hữu trong tôi», đem lại một quan niệm phân tâm trị bệnh mới mẻ. Tín ngưỡng tôn giáo chân thực có thể đồng hoá với tâm trạng một người đạt được một sự tin tưởng mãnh liệt giúp họ có một nhân sinh quan mới đầy đủ hơn và giúp họ thoát ly được nhiều khắc khoải băn khoăn. Con người thư thái an hoà là điều kiện tiên khởi của trật tự và an ninh xã hội. Một khuynh hướng mới của các Phân tâm học gia thành Vienne muốn áp dụng sự phân tích để đạt tới một lãnh vực sâu thẳm của tâm linh, mục đích là mở đường cho con người ý thức được ý nghĩa chân thực của cuộc sống, của số mệnh. Một khuynh hướng khác, khuynh hướng Phân tâm học khai phóng muốn đạt tới con người toàn diện, con người hữu-thể-tại-thế và con người hiện-hữu-với-người-khác. Tính chất tâm linh trong con người không còn quan niệm như một sự thăng hoa lý tưởng hoá và hư phù, nhưng là một sự thăng hoa sống động có tham dự một cách cụ thể vào cuộc sống.
Hy vọng quân bình nội tâm
Kể về khoa học và tổ chức thì Tây phương tiến bộ hơn Đông phương nhiều, nhưng Jung đã cảnh cáo nhân loại rằng cái bề ngoài đẹp đẽ ấy chỉ là lớp men hào nhoáng rất mong manh; thế giới nội tâm của con người vẫn chưa gột bỏ được những yếu tố cổ lỗ, những ông trời thời cổ vẫn ngự trị trong người họ. Ông nói: «Văn minh Thiên chúa giáo tỏ ra trống rỗng đến mức độ đáng ghê sợ, nền văn minh đó chỉ là một nước sơn, con người không được thấm nhuần, bởi vậy tâm trạng họ vẫn không có gì thay đổi». Tâm trạng của họ không có gì phù hợp với tinh thần Thiên chúa giáo.
Có lẽ những ông Trời thời cổ không những chỉ ngự trị bên Tây phương mà huyễn ảnh như thế ở bên Đông phương cũng không kém, đời sống văn minh thực ra chỉ là một khoảnh khắc trong quá khứ dài dằng dặc của nhân loại.
Những thảm hoạ lớn lao trong lịch sử như tàn sát, chiến tranh đều xuất phát tự lòng người; hơn bao giờ hết, loài người ngày nay bị đe doạ bởi những mãnh lực vô kiểm soát trong tiềm thức họ, loài người không biết rằng mầm loạn không ở đâu xa lạ mà ở ngay trong người nếu con người không làm gì để kiềm chế thú tính và nuôi dưỡng thiện căn, họ sẽ thoái lui về tình trạng dã man của nội tâm, càng khó phân biệt vì càng bị bao phủ bởi những bề ngoài hào nhoáng. Con người không tìm được sự quân bình tâm thức và tiềm thức vì đời sống văn minh làm người ta bước vào một lỗi lầm ngược lại lỗi lầm quá khứ, người ta đánh giá quá cao tổ chức và khoa học khi đi tìm ý nghĩa tối hậu của cuộc sống trái với thời trước đi tìm ý nghĩa ấy ở lĩnh vực siêu hình. Ta biết đâu rằng «loài người không hiểu gì về vật chất cũng như không biết gì về tinh thần» (Jung). Chúng ta phải nhận lấy số phận bạc bẽo: chúng ta không thể tạo ra được hình ảnh toàn diện của thế giới ta sống, chúng ta chỉ có một hình ảnh thế giới mà chúng ta tạo ra, bởi vậy cuộc đời hiện ra như một thảm kịch, thảm kịch trí tuệ của dân tộc tiến bộ khoa học hay thảm kịch văn hoá của dân tộc chậm phát tiến khoa học cũng chỉ là hai sắc thái của sự thiếu quân bình. Tinh hoa của nền văn minh hiện kim xuất hiện dưới hình thức những kiến trúc huy hoàng của lý trí, kỹ thuật và tổ chức; người ta phải trả một giá quá đắt, người ta đã phải hy sinh phần chân xác của con người để nhận lấy một bộ mặt nguỵ tạo, kiến trúc văn minh đè bẹp con người hơn là nâng đỡ họ vì họ chỉ là một cái hình nhân không có một cốt cách chân thực.
Sản phẩm của lý trí đồ sộ huy hoàng cho nên người ta đã bị mê tín rằng hình ảnh thế giới mà người ta tạo ra, là hình ảnh chính xác. Diễn ý này một cách khác ta có thể nói: ngũ uẩn: sắc, thụ, tưởng, hành, thức đều là vô thường; ta đã vọng nhận. Thế giới ấy bị đe doạ hơn bao giờ bởi những mãnh lực tối tăm không kiểm soát trong nội tâm tao loạn của con người, khi mà con người không góp phần chân xác của mình vào thế giới mà họ tạo ra.
Cuộc hôn phối của tinh hoa văn minh Hy Lạp với sinh khí Thiên chúa giáo là một sự may mắn hy hữu trong lịch sử nhân loại, đứa con khoa học xinh đẹp ra đời đã thay đổi bộ mặt hoàn cầu. Nhưng ta cần ý thức rằng biến cố quan trọng ấy cũng chỉ là một khoảnh khắc lịch sử như sự xuất hiện kỷ nguyên đồng, kỷ nguyên sắt, thời đại văn minh nông nghiệp. Sự yêu cầu của thời đại là cố gắng hội nhập thứ rô-bô rất tiện dụng và nhiều khả năng đó vào động lực tạo tác toàn diện và sống động của dòng sống. Khoa học sẽ giúp ta tìm ra động lực đó chứ khoa học không phải là tất cả động lực đó, nó có chỗ đứng của nó mà ta phải ổn định.
Đến kỷ nguyên khoa học người ta đã xung đương một số tinh lực tâm thần quan trọng vào một lãnh vực hoạt động của tâm thần, hậu phương của con người xung yếu, chính do ngả đó mà xuất phát những mãnh lực vô kiểm soát làm tao loạn nội tâm và phản ảnh vào cuộc sống đầy khắc khoải lo âu lẫn đảo lộn kinh khủng.
Kinh nghiệm cho ta biết cuộc đời bao giờ cũng xuất hiện như những nghịch lý nan giải, cuộc hôn phối Hy Lạp – Thiên chúa giáo đã giúp người ta đảm lãnh cả hai đề của nghịch lý và leo lên đứng ở một nấc cao hơn (ta không thể nói rằng có tổng hợp đề vì cả hai đề vẫn còn đó và người ta sống cả hai đề bằng cách để chồng lên nhau). Trong hiện tình thế giới, ta hy vọng một cuộc hôn phối nào tốt đẹp hơn?
Cuộc đời của S. Freud - Một tấm gương tranh đấu cho sự thật
SIGMUND FREUD là người nước Áo. Ông sinh tại Fribourg năm 1856. Mẹ ông mới hai mươi tuổi khi thành hôn với cha ông đã 41 tuổi. Gia đình ông là người Do Thái. Thời ấy ở nước Áo người ta còn có những ý tưởng kỳ thị chủng tộc rất mạnh. Đời sống tâm tình ông đã mang vết tích sâu xa của sự bất công xã hội. Có lẽ sự kỳ thị chủng tộc là yếu tố khởi xướng cho ông những tư tưởng bác ái, công bình, xã hội. Ông là đứa con yêu trong gia đình. Ông được bà mẹ yêu quý nưng niu. Ông là người tư chất thông minh. Có lẽ nhờ hoàn cảnh đặc biệt ấy ông cảm thấy rõ ý nghĩa sâu xa những mối liên hệ tâm lý giữa người với người. Sau khi đã thâu thái những kiến thức chắc chắn về sinh lý học, não cân học, ông sang du học Ba Lê và nghiên cứu các bệnh thần kinh. Ông là người đầu tiên nghĩ rằng bệnh thần kinh có nguyên do tâm lý và để ý đến khía cạnh dục tình của vấn đề.
Khi trở về Vienne, ông lấy vợ người ở Hambourg và trở nên Tuyệt đối thể sĩ chuyên khoa về các bệnh thần kinh. Ông áp dụng khoa thôi miên vào y học và nghiên cứu khoa này cẩn thận. Năm 1895 ông gặp bác sĩ Breuer rồi trở nên cộng sự viên của bác sĩ này.
Bác sĩ Breuer thôi miên người bệnh và làm cho họ sống lại những quãng đời họ đã quên, sự nhớ lại đó làm xảy ra những kích động giải toả áp lực tâm tình. Hiện tượng ấy gọi là Abreagierung. Freud nẩy ra ý muốn dùng làm phương pháp trị liệu có thể chữa cho người bệnh không cần đưa họ vào trạng thái thôi miên.
Kinh nghiệm chữa bệnh còn cho ông biết rằng những thác loạn dục giới là những yếu tố quan trọng trong các bệnh thần kinh. Nhân đấy ông tìm ra những nguyên tắc của một hiện tượng tâm lý mà ông gọi là dồn nén (Verdrängung). Dồn nén là sự kiện chính yếu để giải thích những triệu chứng bệnh thần kinh.
Phương pháp của Breuer chỉ dùng trong trường hợp chữa bệnh bằng thôi miên nay được phổ biến rộng ra để áp dụng cho đủ mọi trường hợp bệnh nhân suy nhược thần kinh. Freud gọi là Phân tâm học.
Phương pháp Phân tâm học của Freud còn có cái hay là không phạm đến phẩm cách con người vì không bắt người ta cung khai trong lúc ngủ thiếp, không hay biết gì cả. Người bệnh được đặt vào tình trạng đặc biệt, vẫn thức, vẫn đầy đủ lý trí, tinh thần thoải mái, họ kể lại quá khứ và nhớ lại nhiều đoạn mình quên đi. Ông thầy theo dõi câu chuyện và căn cứ vào đấy để tìm ý nghĩa ẩn náu sau câu nói. Sau Freud còn yêu cầu người bệnh kể lại giấc mơ để tìm thấy ý nghĩa ẩn náu của giấc mơ. Ông đã dùng phương pháp giải mộng để bổ túc cho phương pháp hội ý vậy.
Kết quả của phương pháp trị liệu xác nhận lý thuyết của ông: các bệnh thần kinh có nguyên nhân thác loạn dục tình, tầm quan trọng của dục giới ở đứa trẻ. Trước ông người ta không có ý niệm về những yếu tố ấy.
Năm 1902 ông đã quy tụ được nhiều môn đệ và thành lập một nhóm Phân tâm học gia gồm những người danh tiếng như: Adler, Kahame Rank, Reitler, Sachs, Stekel, Federn Ferenczi, Tausk.
Những sách khảo cứu quan trọng của ông đều xuất bản vào thời kỳ ông gần 40 tuổi.
Năm 1908 ông triệu tập những bác sĩ đã áp dụng phương pháp Phân tâm học ở Zürich và Vienne họp tại Salzburg, trong số ấy có Jung sau này chống đối thuyết của Freud. Ông còn có nhiều môn đệ ở ngoại quốc. Một tờ báo nghiên cứu Phân tâm học quốc tế ra đời.
Năm 1910 một hội nghị thứ hai nhóm họp ở Nuremberg, năm sau 1911 hội nghị thứ ba nhóm tại Weimar. Hội nghị quốc tế Phân tâm học được thành lập ở Nuremberg.
Ta nhận thấy chỉ trong mấy năm học thuyết của ông bành trướng mạnh mẽ như vậy.
Trong thời kỳ nầy đã xẩy ra việc chống đối của hai môn đệ là Adler và Jung, Freud không công nhận họ là môn đệ của ông nữa. Adler gọi học thuyết của mình là «Cá nhân tâm lý học» (Individualpsychologie), còn Jung gọi là «Tâm lý phân tích».
Trước và trong cuộc Thế chiến thứ nhất là thời kỳ những phát triển của Freud có giá trị nhất và dồi dào nhất. Những quan niệm sơ khởi của ông về Phân tâm học được hoàn thiện để đem phô diễn bằng những hình thức chuẩn xác. Ông tỏ ra người vừa có sáng kiến vừa cố gắng phi thường. Chính trong thời kỳ từ 1913 đến 1920 ông sáng tác những tác phẩm giá trị của ông, biểu lộ cách nhận xét sâu sắc của ông và ý muốn đem những nguyên tắc Phân tâm học áp dụng một cách rộng rãi vào nhiều lãnh vực khác. Ông xao lãng phương diện kỹ thuật phân tâm để nghiên cứu sâu rộng những khám phá về tâm lý bệnh học. Công việc khảo cứu của ông rất rộng rãi. Ông dùng Phân tâm học để phóng nhìn đại thể các lãnh vực chiến tranh, siêu hình, tôn giáo, xã hội, nhân chủng, tự nhiên học. Cái nhìn của ông là cái nhìn của người tìm hiểu con người và vạn vật chứ không phải cái nhìn của nhà triết học.
Từ sau cuộc Thế chiến thứ hai, học thuyết của ông được phổ biến khắp toàn cầu. Biết bao nhiêu nhà chuyên môn và không chuyên môn đem áp dụng những nguyên tắc của Freud vào đủ các ngành kiến thức: triết học, nghệ thuật, văn chương, tâm lý đại quát, xã hội học, v.v. Nhiều khi những nguyên tắc ấy đem áp dụng không đúng trường hợp, người ta ưa chuộng chỉ vì nó hợp thời. Như vậy đủ hiểu ảnh hưởng của Freud sâu rộng thế nào! Nếu Freud còn sống ắt ông phải kinh ngạc tự hỏi vì sao người ta có thể làm què quặt nguyên tắc Phân tâm học của ông đến thế!
Freud tạ thế năm 1939 ở Luân Đôn. Ông nhờ sự can thiệp của Tổng thống Roosewelt nên được đóng tiền thế chân rời khỏi nước Áo sang cư ngụ bên Anh trong hồi Đức quốc xã xâm lăng nước Áo. Suốt đời ông ôm một mối hận sâu xa , ông bị mọi người khinh ghét vì cho rằng ông đã phạm đến niềm tin, tập quán khả tôn khả kính của họ, tuy niềm tin ấy không đặt trên một nền tảng nào đáng tin cậy. Nhưng tiếng tăm ông vang dội khắp hoàn cầu nên sự ác cảm ấy cũng bớt đi được phần nào. Sự nghiệp của ông không khỏi mang vết tích của mối hận sâu xa, ông có một quan niệm bi quan về nhân loại.
Ông để lại một sự nghiệp huy hoàng. Những phát kiến của ông là những phát kiến siêu việt mới mẻ nhất, làm đảo lộn không những y học, tâm lý học, mà còn làm cho nhiều ngành học thuật phải xét lại những nguyên tắc nền tảng. Qua tiểu sử ông, qua sự nghiệp ông, người ta nhận thấy ông là một người rất sáng suốt, can đảm và thành thật đến thành người cố chấp. Ông chống đối lại mọi thành kiến, mọi áp bức, ông tố cáo tất cả những hình thức tư tưởng làm cho đời sống hiện ra một vẻ huyền hoặc. Công cuộc nghiên cứu của ông là một công trình tìm hiểu con người một cách cụ thể. Sự thật khoa học đối với ông là một cái gì thiêng liêng, khiến ông tôn thờ và say mê hơn hết. Ông là tấm gương chói lọi tranh đấu cho sự thật, tranh đấu với sự tin tưởng vào việc làm của mình không gì lay chuyển được, với ý khinh bỉ những người chống đối ông không vì không hiểu hay vì óc hẹp hòi chỉ biết có phe đảng mình. Con người tranh đấu thầm lặng ấy còn là người giản dị, không màng danh vọng, suốt đời chỉ có một thèm khát là tìm tòi khoa học, chỉ có một ước vọng là hiểu biết.
Freud đã vén lên một bức màn bí mật quan trọng của khoa học. Dưới đáy lương tâm người ta còn có một lớp sâu đầy bí ẩn. Cái vực sâu của tâm thần chứa đựng lẫn lộn những bản năng thú tính về những tiềm năng cao cả của con người. Ông mở ra cho khoa học một chân trời mới để tìm hiểu không những con người mà cả loài vật.
Nguồn: Vũ Đình Lưu. Phân tâm học áp dụng vào việc nghiên cứu cách ngành học vấn. Tổ hợp GIÓ xuất bản, 1969. Bản điện tử do talawas thực hiện.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC