PHÂN TÂM HỌC VÀ VĂN HỌC
JEAN BELLEMIN ĐỖ LAI THÚY và PHAN NGỌC HÀ dịch
Nguồn: Jean Bellemin. Psychanalyse et litérature. PUF, Paris, 1978. Bản dịch tiếng Việt đăng trên tạp chí Văn học nước ngoài, số 2 và số 3 năm 2004. Bản điện tử của http://evan.vnexpress.net
“Các nhà thơ và các nhà tiểu thuyết là những đồng minh quý báu của chúng ta, và các bằng chứng của họ phải được đánh giá thật cao, bởi lẽ giữa lưng chừng thinh không họ biết được nhiều điều mà túi khôn học đường của chúng ta còn chưa dám mơ tới. Về kiến thức tâm lý, họ là bậc thầy của chúng ta, những kẻ tầm thường, bởi họ đã đắm mình trong những mạch nguồn nơi chúng ta còn chưa đưa khoa học lại gần được”. (S.FREUD, DRG, 127)
I. Đọc từ khi có phân tâm học Phân tâm học tính đến nay đã được ba phần tư thế kỷ, tức là đã lâu hơn môn vật lý về thuyết tương đối của Einstein một vài năm. Người ta có quyền tin rằng với tất cả mọi người tính chất phong phú, giàu sức sinh sôi của các giả thuyết phân tâm học là không thể bác bỏ, rằng ngày nay không còn có ai trách móc cái bà già ấy là đã mặc những bộ đồ lót hấp dẫn để khêu gợi những kẻ mất hướng trong một xã hội Thanh giáo nghiêm cách. Dù người ta có vui vẻ chấp nhận phân tâm học hay không, thì Freud đã bắt nhân loại phải gánh chịu điều mà trong Một khó khăn của phân tâm học (1917, EPA) ông gọi là “vết thương thứ ba của lòng tự ái” của con người. Copernic đã buộc con người phải thừa nhận rằng hành tinh nhỏ bé của nó không còn là trung tâm của thế giới nữa, còn với Darwin, con người chỉ còn là một động vật may mắn hơn những động vật khác chứ không phải là một tạo vật có nguồn gốc thần thánh; bản thân Freud đã chứng minh rằng “cái tôi không phải là chủ nhân trong chính ngôi nhà của nó” (146). Sức mạnh của những xung năng khoái lạc trong ta lớn đến mức ta không thể tính đến chuyện thuần hóa chúng hoàn toàn, và chẳng hơn gì ý chí, trí năng của ta cũng không giữ vai trò thống trị, bởi vì một bộ phận đáng kể những hoạt động tinh thần của con người thoát khỏi sự canh chừng của ý thức. Bị tước mất vị trí cao siêu trong vũ trụ và trong sinh quyển, chúng ta cũng bị mất luôn cả địa vị ấy trong lĩnh vực tâm lý mà mới đây còn tạo ra niềm vinh quang và nguồn an ủi của chúng ta: một cái gì đó trong ta nghĩ suy và điều khiển những hành động và tư tưởng của chúng ta mà chính ta cũng không biết được là có những hiện tượng ấy xảy ra. Việc con người cảm thấy bị xúc phạm trong niềm kiêu hãnh của nó – trong thói tự si của nó – cũng không phải là điều quan trọng nhất trong vụ việc này, anh ta từng thấy những chuyện khác. Cần phải chiến thắng bao nhiêu những chống đối, của truyền thống và của tôn giáo, để thúc đẩy vết thương ấy mau liền sẹo. Nỗ lực của Freud ở đây và hiệu quả sự khám phá của ông là không tính xuể. Phong trào phân tâm học ngay từ đầu đã kinh nghiệm rằng việc thâm nhập những bí mật của người bị tâm thần phân liệt còn dễ dàng hơn là gạt bỏ những định kiến dương dương đắc thắng của các bè nhóm khoa học và thời lưu. Những kiểm duyệt của hệ tư tưởng có hiệu quả hơn và ngoan cố hơn sựdồn nén ở bên trong mỗi cá nhân. Những áp lực của gia đình, trường học, tôn giáo, thể chế, sức nặng của xã hội được tổ chức thành chế độ kinh tế, trọng lượng của một thứ triết học mơ hồ mà người ta đặt tên là “kinh nghiệm”, hay ảnh hưởng của lương tri hợp lý và duy lý, nhưng không bao giờ lý luận; với tất cả những điều đó, chúng ta vừa là nạn nhân vừa là kẻ hưởng lợi, chúng ta là những kẻ mù quáng vì ta thỏa mãn và là những kẻ lợi dụng vì ta bị mù quáng. Tất cả điều đó ẩn trú trong chúng ta, trong tư tưởng của chúng ta, trong ngôn từ của chúng ta. Và đây là vế thứ hai của nhị thức (phân tâm học và văn học – ĐLT) của chúng ta: văn học. Chính qua văn học mà ta thức nhận được tính người của ta, nó suy nghĩ, nói năng. Bởi lẽ, ngôn ngữ được rèn giũa trong các quan hệ thường ngày với cha mẹ và bạn bè chỉ để hành động: hỏi, trả lời, để mà sống. Đại thể là, chỉ nhờ vào một cái gì đó như văn học (dù là văn học truyền miệng trong những kỷ nguyên và những nền văn minh không chữ viết) mà con người tự vấn về bản thân mình, về số phận vũ trụ của mình, lịch sử của mình, hoạt động xã hội và tinh thần của mình. Những quan niệm “cao quý” của con người, cái nhìn thế giới của anh ta được củng cố qua tiếp xúc với các truyền thuyết – những cái cần phải đọc -, rồi những huyền thoại tôn giáo, những sử thi thế tục, những chuyện kể gương mẫu, truyện cổ tích, kịch, tiểu thuyết, những chuyện tâm tình xúc động, bằng văn xuôi hay văn vần. Ngôn từ thông tri cho chúng ta, chữ viết hình thành nên chúng ta. Và chữ viết biến đổi chúng ta một cách thiết yếu, bởi lẽ cái gì đã được viết ra đều đến với chúng ta từ nơi khác, xa hoặc gần trong sự vắng mặt và từ một thời gian khác, xưa kia hay vừa mới đây: không bao giờ là ở đây và bây giờ, ở đó nói đã là đủ. Nhưng văn học, cũng là một cái gì khác hơn cái xác được ướp ít hay nhiều của những tư tưởng có sẵn, những tư tưởng này hình thành ở ngoài bối cảnh trực tiếp, nơi mỗi người đang vật lộn: văn học không chỉ là một tổng thể những diễn ngôn được ghi nhận trước chúng ta và xa chúng ta, mà còn là một diễn ngôn đặc biệt. Từ lâu rồi người ta đã bảo và đã tin rằng nó “hữu ích và dễ chịu”; hữu ích là do nó mang tới sự khoái lạc, dễ chịu là bởi nó vẫn cứ không dùng được để sống. Diễn ngôn văn học là loại diễn ngôn chênh vênh về hiện thực. Đấy là cái đẹp của nó, là bi kịch của nó, và là vận may kỳ diệu của nó. Hiểu được rằng những tác phẩm tạo thành văn học dần dần lắng đọng lại để tạo nên một lĩnh vực rắn chắn và mặc cho bụi bặm bay lên trước ngọn gió của cái không cốt yếu, rồi thì dòng cát chảy xuôi sườn dốc của cái thực dụng – cái mà người ta gọi là tiếng nói thông thường và văn giáo huấn – tìm ra được những lý do khiến các tác phẩm này vượt qua tác giả của chúng, thời đại của chúng, khu vực ngôn ngữ của chúng, điều này cũng không được hoàn thành trong ngày một ngày hai. Cũng như việc thừa nhận phân tâm học, và cũng một phần nhờ văn học, việc thẩm định tính độc đáo của văn học đã thật gian nan. Ở đây chúng ta hãy đành lòng nói rằng cần phải chấp nhận ý tưởng về một hành ngôn khác không chỉ nói không chính xác và cũng không đích thực cái điều mà hình như nó nói. Cũng giống như tâm thần không phải là một khối thuần nhất giản đơn với những tầng lớp và những sự phân phối các năng lực, lối viết của những tác phẩm lớn không thể được coi là sự chuyển tải một thông điệp mang một nghĩa hiển nhiên duy nhất. Những từ ngữ thường ngày được tập hợp lại theo một cung cách nào đó sẽ có được quyền năng gợi ra cái không thấy trước, cái chưa từng biết, và các nhà văn là những người trong khi viết là họ đang nói song chẳng ngờ rằng mình nói về những cái mà theo nghĩa đen “họ không hề biết”. Bài thơ biết nhiều hơn nhà thơ. Nếu ý nghĩa là dư thừa trên văn bản, thì ở đâu đó có một sự thiếu vắng ý thức. Hành động văn học chỉ lo tàng trữ trong nó một phần của cái vô ý thức hoặc của cái vô thức. Nhiệm vụ mà phê bình văn học trong mọi thời đại đã tự xác định cho mình là phát hiện ra cái thiếu vắng hoặc dư thừa đó. Tóm lại, vì văn học mang trong lòng nó cái không – ý thức và phân tâm học thì mang lại một lý thuyết về cái thoát khỏi ý thức, nên người ta dễ dàng đi đến chỗ ghép chúng lại, thậm chí nhập chúng vào một cục. Tổng thể các tác phẩm văn học cung cấp một điểm nhìn về hiện thực của con người, về môi trường trong đó con người tồn tại cũng như về cách thức con người nắm bắt môi trường ấy đồng thời nắm bắt những quan hệ mà nó duy trì với môi trường ấy. Tổng thể này là một loạt những diễn ngôn và một quan niệm về thế giới: nối liền một mạch những văn bản và văn hóa. Học thuyết phân tâm học biểu hiện ra cũng gần giống như vậy: một bộ máy khái niệm để tạo dựng lại tâm lý chiều sâu, và các mô hình giải mã. Nếu như thực thể văn bản và bộ công cụ lý thuyết thuộc về những phạm trù khác nhau của hiện thực (một vật liệu đối với những dụng cụ thăm dò), thì không được quên rằng cái nhìn thế giới của văn chương và sự dò tìm ra những tác động của vô thức, cùng hoạt động theo một cách thức: đó là hai kiểu diễn dịch, hai kiểu đọc, ta hãy gọi là những cách đọc. Văn học và phân tâm học “đọc” con người trong nghiệm sinh thường nhật cũng như trong số phận lịch sử của nó. Sâu hơn nữa, chúng giống nhau ở chỗ chúng cùng loại trừ mọi siêu ngôn ngữ: không có sự khác biệt giữa diễn ngôn đề cập đến chúng và những diễn ngôn hợp thành chúng. Ta biết rằng không bao giờ ta có thể thật sự tách ra khỏi cái mà ta nói đến, ấy vậy mà người ta tự xác định cho mình mục tiêu đạt tới những sự thật khi nói về người đang nói. Việc khám phá ra cái vô thức đặt lại vấn đề tri thức mà chúng ta có được về tâm lý con người, cái tri thức mà chúng ta sống từng giây từng phút. Cái đã được viết ra và còn viết nữa, cái mà tôi đọc đã được làm ra mà tôi không biết bởi những năng lượng phi thường (và hoang đường): cách đọc của tôi hôm nay ra sao đây? Mặt khác, phân tâm học tiến hành trên hành ngôn, nhân tố của sự thật và sự tha hóa trong những quan hệ giữa các cá nhân với nhau và trong chính nội tâm của mỗi cá nhân: phân tâm học cho biết điều gì đây về cái vùng hoạt động ưu tiên của hành ngôn, nó chính là tổng thể của văn học, ở đó hiện thực thầm kín của cá nhân thể hiện rõ hơn bất cứ nơi nào khác? Đấy là những câu hỏi có vẻ thực. Như vậy, mục tiêu của cuộc điều tra sẽ là mục tiêu sau đây: mô tả những nguyên lý và toàn bộ những phương tiện mà phân tâm học cung cấp cho chúng ta để giúp chúng ta đọc văn học tốt hơn. Vậy là chúng ta sẽ phải khám phá, không chỉ trong sự đa dạng, mà cả trong lịch sử của chúng, những xu hướng khác nhau của cái mà ta có thể đặt cho một cái tên chung “tiếp cận phân tâm học đối với trường văn học”. Bởi lẽ, mỗi xu hướng đã rộ nở vào từng thời điểm khác nhau, với những thời vận khác nhau, những cường độ không như nhau. Sau khi những ý định thử nghiệm của Freud đã được trình bày theo trình tự xuất hiện của chúng, chúng ta sẽ chuyển qua rà soát các bước đi và những kết quả mà những thử nghiệm đó đã mang lại cho đến thời kỳ hiện nay. Mục tiêu của chúng ta sẽ đạt tới nếu như, trong một sưu tập đụng chạm đến một công chúng rộng lớn, tất cả những trí óc tò mò đều đã có được một quan niệm ít nhiều rõ ràng về những phương thức can thiệp của cái nhìn phân tâm học trước vô số dạng vẻ dưới đó văn học hiện diện sống động, tích cực cho một số người mà ta mong muốn không ngừng được mở rộng. Để kết luận, chúng ta hãy nêu lại công thức của Freud, trong đó không phải là không có chút hài hước: “Công việc phân tích là tế nhị và khó chịu; người ta không thể sử dụng nó như sử dụng một chiếc kính kẹp mũi mà người ta kẹp vào để đọc sách và bỏ ra khi bắt đầu đi tản bộ” (NCP.201). Vậy thì chúng ta hãy đi tản bộ để tìm kiếm nếu không phải là cái kính kẹp mũi tốt nhất để đọc cho giỏi, thì chí ít cũng một cái kính kẹp mũi tốt để đọc cho tốt hơn. II. Đọc cùng Freud “Từ việc khám phá các giấc mơ, người ta được dẫn dắt tới trước tiên là phân tích các sáng tạo thi ca, sau đó là các nhà thơ, các nghệ sĩ [...], những vấn đề quyến rũ nhất với tất cả những ai ưng áp dụng phân tâm học”. Để bắt đầu, xin kể một giai thoại: bịa hay thật không biết, nhưng nó nói đúng. Một người nào đó hỏi Freud rằng thầy của ông là những ai, người sáng lập ra phân tâm học đáp bằng một cử chỉ hướng về những giá sách trong thư viện của ông nơi hiện diện những công trình lớn của văn học thế giới… Freud say mê đủ loại văn chương: kẻ ngốn sách đồng thời là một độc giả tinh tế. Văn hóa của ông là thứ văn hóa cách đây một trăm năm người ta dạy ở các trường trung học nước áo: cổ điển, nhưng đa dạng hơn, phổ quát hơn, hiện đại hơn thứ văn hóa tương tự ở Pháp. Ví dụ, những tên tuổi trở đi trở lại nhiều nhất dưới ngòi bút của ông là các tác giả đã được thừa nhận vào năm 1870: Aristophane, Boccace, Cervantès, Diderot, Goethe, Hebbel, Heine, Hésiode, Hoffmann, Homère, Horace, Le Tasse, Milton, Molière, Rabelais, Schiller, Shakespeare, Sophocle, Swift; còn về các nhà văn đương thời: Dostoievsky, Flaubert, Anatole France, Ibsen, Kipling, Thomas Mann, Nietzsche[1], Schopenhauer, Bernard Shaw, Mark Twain, Oscar Wide, Zola và Stefan Zweig. Cái mà ông rút ra từ những sự đọc của mình, trước hết đó là những định thức thành công thức đã in dấu vào trí nhớ của ông và giúp ông điểm xuyết vào văn bản của mình các trích dẫn theo thông lệ của lối viết văn hay thuộc thời đại ông. Đặc biệt đó là một hiểu biết về những động cơ thúc đẩy con người hành động, trước tiên là bằng sự tiêm nhiễm ảnh hưởng (cái vốn liếng minh triết và kinh nghiệm mà chúng ta ai cũng thâu lượm được qua tiếp xúc với những tác phẩm tiêu biểu), sau đó là xuất phát từ sáng kiến riêng của mình để học tập các thiên tài đã đi trước ông, mà không biết, trên con đường của những khám phá lớn về tâm lý học. Người ta thường thấy ông tuyên bố xác tín của mình rằng những văn bản nổi tiếng bất hủ, có thể là những người dẫn đường như: “Và hóa ra là điều này những tiểu thuyết gia và những kẻ hiểu thấu trái tim con người đã nắm được từ lâu rồi những ấn tượng của giai đoạn non nớt đầu tiên của cuộc đời để lại những dấu vết không thể xóa được [...]. (MVP, 42) Freud sửng sốt say mê trước khả năng tiên kiến phi thường của những trí óc ấy, họ vốn không có phương tiện để phân tích, ông cảm kích vì các phán đoán, miêu tả và truyện kể của họ, nhưng không choáng váng đến mức mù quáng: ngược lại, ông bị kích thích phải tìm hiểu. Đấy là sức mạnh của những nghiên cứu của ông, của những nỗ lực đểáp dụng phương pháp khoa học của ông, phương pháp mà ông dần dà phát hiện ra, vào cái ẩn ngữ có thể nói là chính nó đã khải thị cho ông. 1. “Áp dụng” phân tâm học? Thuật ngữ áp dụng không nên hiểu một cách sai nghĩa. Thường thì nó gợi ra rằng trong một lĩnh vực nào đó người ta sử dụng các nguyên tắc và các phương tiện thăm dò thuộc một khu vực tri thức ở bên ngoài lĩnh vực trên, tùy trường hợp được gọi là “khoa học cơ bản” hoặc “khoa học bổ trợ”. Cũng vậy, người ta sử dụng toán học cho tất cả các môn khoa học chính xác và kể cả (thống kê học chẳng hạn) một vài khoa học nhân văn; hoặc giả người ta áp dụng hóa học bức xạ vào khảo cổ học, cổ sinh học nhờ sử dụng các bon 14 để xác định niên đại của một dụng cụ bằng đá hay một bình gốm cổ. Nhưng, trong trường hợp chúng ta quan tâm, đó không phải là một kiểu tính toán hay một công cụ đo đếm thuộc lĩnh vực định lượng, mà chính là một tấm lưới giải đoán nhằm giải mã những hiện tượng thuộc về con người mà bề ngoài rất xa cách nhau (và trước hết cần phải chứng minh là chẳng phải chúng thật sự không đồng nhất). Tính độc đáo đầu tiên của lý thuyết về vô thức là đã chỉ ra rằng sự tách biệt giữa những thái độ và hành động khác nhau của con người chỉ ở bề mặt. Một khi đã xác định được là có sự tiếp nối giữa đứa trẻ và người lớn, “người nguyên thủy” và “người văn minh”, cái khác thường và cái thông thường, cái bệnh lý và cái bình thường, thì người ta sẽ thấy ngay lập tức chiếc hố sâu được lấp đầy, chiếc hố ngăn cách các sản phẩm như dấu hiệu tiền triệu, những chuyện kể huyễn tưởng, những điều cấm kị của các cư dân Polynésie, cách tổ chức và hiệu lực của các trò chơi của bé trai hay bé gái. Có một nền tảng chung – tức là cơ chế phức tạp của các xung năng, các phương thức của sự dồn nén, những mưu mẹo của ham muốn tình dục – cho những ứng xử lạ lùng và quen thuộc của các loại cá nhân khác nhau, những lớp tuổi khác nhau, những tập thể người khác nhau mà người ta gặp gỡ trên bề mặt hành tinh. Một giấc mơ, một trò chơi, một nghi lễ, một hội kín, một huyền thoại, một truyền thuyết, một ngụ ngôn, một sử thi, một câu xướng trong trò chơi con trẻ, một tiểu thuyết, một trò đùa, ma thuật của một bài thơ, tất cả chỉ tạo nên những đối tượng nghiên cứu riêng biệt cho những chuyên gia cứ tưởng rằng mình đang làm việc trên những chất liệu không đồng nhất. Bắt đầu từ thời điểm trong đó những hiện tượng người này ở một cấp độ nào đó được coi như là những hiện thực hóa của cùng một Vô thức (chữ viết hoa nhằm xác định rằng đây là nói về hệ thống chứ không phải về một cơ cấu cá nhân – đây không phải là dấu hiệu của sự thiêng hóa) thì việc cùng một người diễn dịch đảm trách điều này trở nên hợp thức. áp dụng phân tâm học vào một lớp những đối tượng tâm thần đặc biệt, đó chính là quan sát cách thức mà sự ham muốn biểu hiện ra qua chất liệu, bối cảnh, cơ quan, thiết chế, dữ kiện văn hóa không thể phân hóa nhưng tuân theo cùng những quy luật. Từ “áp dụng” ở đây không mang cái nghĩa có thể xếp chồng lên những nghĩa mà nó nhận được ở nơi khác; đây không phải là trò chơi khắc xuất khắc nhập với một khoa học kế cận, càng không phải là lưu đầy phân tâm học đi bất kỳ nơi đâu: dù thuận tình hay miễn cưỡng, việc phân tích các quá trình vô thức có thiên hướng can thiệp ở bất cứ nơi nào có “trí tưởng tượng” hoạt động, có nghĩa là những xúc động, một tác phẩm hư cấu, thậm chí rộng hơn là một tác phẩm miêu tả và những hiệu quả tượng trưng. Sự phân tích này có thể tự coi là hiệu quả mỗi lần con người tự xét lại mình, và mỗi lần hoạt động nhận thức của nó ra khỏi những định đề, khỏi vật lý học và kỹ thuật để quan tâm đến các cạnh khía “cụ thể” của sinh tồn và của lịch sử, của xã hội và của cá nhân. Nhà toán học, nhà thiên văn học, nhà vật lý học, người kĩ sư bước ra khỏi chuyên môn của mình chỉ còn là, nếu ta dám nói như vậy, những con người; Freud, chính ông, chiếc kính bất ly thân kẹp trên sống mũi, nhìn họ làm việc, nghiên cứu họ cả bên ngoài công việc và, chúng ta chớ quên điều này, ông cũng tự nhìn chính mình làm việc và không hề rời mắt khỏi bản thân trong khi trí óc ông nghỉ ngơi hoặc lang thang đâu đó. Chiếc kính kẹp mũi, chẳng bao giờ có chuyện ông bỏ nó xuống, bởi lẽ ông cống hiến toàn bộ thời gian của mình để giải mã cái văn bản của Nhân loại: tóm lại, ông không ngừng đọc![2] 2. Một bài học đọc Điều đáng lưu ý hơn nữa là mỗi khi đọc một cuốn sách ông không ngừng hành động như một nhà phân tích: ông chăm chú lắng tai đối với điều nghe được trong văn bản viết. Tuy nhiên sẽ là sai lầm khi tưởng tượng rằng ông đọc “giữa những dòng chữ”, chập chờn mơ mộng tới những gì mà điều đó gợi ra hoặc làm cho nhớ lại. Không phải nhà tiên tri, cũng không phải người ôm đồm các ý tưởng – xin đọc vấn đề này ở Sarah Kofman trong cuốn Tuổi thơ của nghệ thuật -, Freud là một nhà diễn giải, luôn luôn chú ý đến từ, ngữ, đến câu, đến hành ngôn. Người ta nói rằng ông thích trích dẫn (thậm chí thường trích dẫn cả những định thức của chính mình): điều đó, vượt quá một thời thượng, chứng tỏ rằng ông coi trọng chữ chứ không chỉ coi trọng “tinh thần” của những phát ngôn mà ông đề cập đến. Ta sẽ trở lại tính cách mẫu mực của thái độ ấy, lý do và những hậu quả của nó; tạm thời hãy nói rằng sự gắn bó với bản viết đã giữ Freud khỏi rơi vào siêu hình học, khỏi sa vào một thứ chủ nghĩa thần bí không thể đứng vững được về mặt lý thuyết. Một Jung, chẳng hạn, đã không tuân thủ được tính nghiêm ngặt cẩn trọng ấy và, ngay từ trước Thế Chiến Một, đã cần phải cho Jung hiểu là Jung đã đi lạc vào một hình thức mới của tâm lý học, hình thức này không xứng đáng mang danh hiệu phân tâm học. Về mặt đào tạo, người thầy thành Viên vừa là một bác sĩ vừa là một bác học, và ông thầy ấy bao giờ cũng từ chối không coi mình là một nhà triết học: trước tiên ngăn ông lại là những sự kiện, sau đó là những cơ cấu trong chừng mực chúng trình bày các sự kiện, tất cả các sự kiện và chỉ các sự kiện mà thôi. Sự chú ý đến các chi tiết gắn liền với một cách làm khoa học quan tâm lắng nghe những lời nói chính xác của một người bệnh, thưởng thức diễn ngôn đích xác của nhà văn. Bằng việc ngoại suy, người ta rơi xuống vực thẳm, trở thành người đoán mộng, nhà tiên tri, thầy bói làng. Vở bi kịch Oedipe – Vua sẽ giống cái gì nếu như nó kết thúc bằng việc phát lộ sự loạn luân và một hình phạt nào đó với nhân vật chính? Điều quan trọng là Oedipe, sau khi nhận thấy mức độ nghiêm trọng của tội lỗi mình phạm phải - “một cách vô thức”, bởi lẽ lời phán truyền của thần linh không sáng sủa gì hơn một điềm triệu! – đã không đi đến tự vẫn hoặc tự cầm tù suốt đời: bằng chiếc trâm lấy trộm của Jocaste, anh ta đã tự chọc thủng đôi mắt; để tự trừng phạt “ở cái nơi mà anh ta phạm tội”, tất nhiên, anh ta tự thiến nhưng một cách tượng trưng, bằng cách đảo ngược ngay chính hành vi của tội ác, bởi lẽ chính một cái gì đó của người mẹ – người vợ sẽ đánh vào cái nơi sống còn nhất của anh ta, “đôi tròng mắt” và rõ ràng bằng đôi mắt đó anh ta đã thèm muốn nhan sắc phụ nữ của người mẹ – người vợ; như vậy Oedipe đã trả cái giá đúng, là cái chết của lòng ham muốn, cốt để từ nay sống trong đau khổ và tang tóc, thay vì – vả lại như có một khoảnh khắc anh ta đã mong làm như vậy – nhảy xuống biển, nơi anh sẽ được nếm trải ân sủng kép là gặp được mẹ và tìm được cái chết[3]… Ở đây Freud không đứng vào địa vị của Pythie, người đã tiên đoán theo sự gợi ý của Apollon, ông đứng vào địa vị của người trợ lý của ông ta (những người Latinh sẽ nói làinterpres), của người trung gian môi giới, của người đứng giữa lời nói khó hiểu của thần linh và đôi tai của nhà tư vấn; ông đứng giữa những gì mà tác giả bi kịch tuyên bố theo nghĩa đen và những gì mà chúng ta được phép cảm nhận ở đó, khi xét đến cả những cấu trúc vô thức biểu hiện ở đó, những thôi thúc tình dục muốn mở ra ở đó một con đường bất chấp sự chống đối của kiểm duyệt. Ý chúng tôi giờ đây không phải là thảo luận về giá trị của một cách giải mã, cũng như tính hợp pháp của việc “áp đặt” cho một truyền thuyết được chuyển thành kịch thơ một cách đọc diễn giải theo phong cách phân tích hơn là một sự chú giải các điều thần bí hoặc một sự chuyển thể mang tính ý thức hệ. Chúng tôi phải nhấn mạnh rằng đọc với chiếc kính kẹp mũi của Freud, đó là đọc trong một tác phẩm văn học, với tư cách là hoạt động của một con người và là kết quả của hoạt động ấy, cái điều tác phẩm đó nói mà lại không để lộ điều nói bởi vì tác phẩm không biết điều đó, đọc được điều tác phẩm không nói qua cái điều tác phẩm chỉ ra và là do tác phẩm chỉ ra điều đó bằng diễn ngônnày chứ không phải diễn ngôn khác. Không có gì là vô cớ, cái gì cũng có ý nghĩa; và điều báo hiệu cho Freud, đó là những chồi mầm của vô thức. Văn bản chẳng hề biết cũng chẳng hề muốn song nó là một bản mật ước có thể và phải được giải mã. Tại sao? Trước hết, nhất định như vậy, là để giúp cho nhà phân tâm học làm chủ được các phương pháp “diễn dịch” của mình (việc này chẳng mấy giống với công việc của một dịch giả theo nghĩa thông thường, như ta sẽ thấy sau này) và để bảo đảm những định đề lý thuyết của nhà phân tâm học bằng cách kiểm tra giá trị phổ biến của các phương pháp đó; điều lợi ích này là có thực đối với sự hiểu biết mà con người có được về chính bản thân mình. Nhưng trước hết, trong vấn đề liên quan đến chúng ta, để cho phân tâm học giúp cách đọc làm sáng tỏ một sự thật của diễn ngôn văn học, trang bị cho lĩnh vực thẩm mỹ này một kích thước mới, làm vang lên một tiếng nói khác khiến cho văn học nói với chúng ta không chỉ về những người khác, mà còn về con người khác ở trong. Việc giải đoán dẫn đến một kiểu lợi ích hoàn toàn đặc biệt. Vì đây là một công việc lao động, người ta thích tự nhủ rằng việc đó sẽ được đền đáp. Tính ra được trước hết là sự thỏa mãn hiểu biết (kể cả trong ảo tưởng, phải thú thật điều này), cái niềm vui đã khám phá ra một bí mật, bất chấp những khó khăn đã nhận biết được một nghĩa không chịu bày ra rõ ràng hiển nhiên: phân tâm học sẽ nhìn thấy ở đó một tiếng vọng của những tò mò xa xưa của đứa trẻ đối với tất cả những gì mà trong sự im lặng của bố mẹ và của cơ thể là có liên quan đến sự khác biệt của giới tính và của các thế hệ, đến sự huyền bí của sinh nở, đến những nguyên nhân của khoái lạc hoặc của các sự cấm đoán. Niềm hoan hỉ, để không trở thành vô thức, cắm sâu gốc rễ của nó vào trong những ấn tượng lâu đời đã bị lãng quên, và chắc hẳn là giao thoa với một niềm hoan hỉ khác còn khó nhìn thấy hơn nữa, những cái vô thức với nhau. Loại sản phẩm tưởng tượng, mà ở trung tâm của chúng sự ham muốn cho các cấu trúc của nó vận hành, không phải phong phú đến vô hạn, bởi các chủ đề của nó hạn chế ở những tổ chức cổ sơ (môi miệng, hậu môn, dương vật và những thế vật của chúng) và trong khuôn hình tam giác vừa đơn giản vừa phức tạp của Oedipe: vậy là người ta có thể tưởng tượng rằng vô thức của người đọc khai thác những thuận lợi được cung cấp để tránh né sự dồn nén, một mặt bằng cách nhận ra ở kẻ khác những ngón nghề, sự khéo léo giúp hắn lừa gạt được khớp mình tài hơn sự kiểm duyệt của chính hắn, một kiểu thông đồng, có thể như vậy, tại đó những màn kịch điển hình và những trao đổi với nhau. Nguồn lạc thú thứ ba trong sự kéo dài của những lạc thú trước đó, một kiểu trạng thái chuyển di, nó dường như tự thiết lập khi quan hệ với một văn bản, thứ văn bản có khả năng gây ra những sự đồng nhất hóa, huy động những đầu tư cảm xúc mạnh mẽ, thực hiện một kiểu quyến rũ đối với cái tôi. Sự say mê mà người ta cảm thấy đối với một cuốn sách, ít nhất là trong thời gian đọc, “thu hút mọi năng lực của tâm hồn”, như Pascal đã nói: điều đó gần như một hành vi yêu đương. Dù cho người ta cảm thấy điều đó một cách rõ rệt hay không, thì những mối liên hệ nảy sinh cho phép một hành động trong hai nghĩa: vô thức của riêng tôi biến đổi cái nhìn của tôi đối với cái tôi đang đọc và cái cuốn sách phác ra trong bóng tối mờ mờ nuôi dưỡng trong tôi những mộng mơ mang một màu sắc bất ngờ. Tất nhiên, đọc không phải là chữa bệnh; nhưng người ta có thể nghĩ rằng, trong khi chữa bệnh nhà phân tích mời gọi tôi và thầm lặng giúp tôi đọc cái văn bản mà lòng tin cậy của tôi viết ra trên ghế đivăng và tặng cho cả hai chúng tôi. 3. Các sách và các bài viết của Freud Freud đã giữ lại được rất nhiều từ những sách ông đọc như một con người trung thực. Ông đã cảm thấy những lạc thú của mọi người đọc, và cả những lạc thú của một độc giả am hiểu hơn, kẻ lắng nghe trong một cuốn sách cái vô thức diễn lại những huyễn tưởng của nó và thẩm định công việc của nó), nhưng ngoài ra, khi đọc, ông còn thu lượm được những chỉ dẫn quý báu cho sự tìm kiếm của ông, cũng như những bằng cớ chứng tỏ tính hữu hiệu và sự năng sản của các giả thuyết của ông[4]. Những ai có một khái niệm về sự nghiệp của ông đề biết rằng ông đã viết về các nghệ sĩ, các nhà văn, những hiện tượng văn học, những tác phẩm đặc biệt. Ngay bây giờ, chúng tôi cung cấp với sự chỉ dẫn của bản in bằng tiếng Pháp trong đó có thể tìm đọc được tác phẩm sắp xếp theo trật tự thời gian, một danh sách những cuốn sách hay những bài viết chính mà ông đặc biệt dành cho những vấn đề này. 1907 Mê sảng và những giấc mơ trong “Gradiva” của Jensen (DRG). 1908 Sáng tạo văn học và giấc mơ tỉnh thức (một đầu đề hay hơn sẽ là: “Nhà thơ và trí tưởng tượng, trong EPA). 1910 Một kỷ niệm thời thơ ấu của L. de Vinci (SLV). 1913 Đề tài về ba chiếc rương (“Sự lựa chọn những chiếc rương,trong EPA). 1914 Bức “Moïse” của Michel-Ange (trong EPA). 1916 Một vài kiểu tính cách do phân tâm học phát hiện (trong EPA). 1917 Một kỷ niệm thời thơ ấu trong “Dichtung und Wahrheit” của Goethe (trong EPA). 1919 Sự lạ lùng đáng lo ngại (Das Unheimliche, trong EPA). 1928 Dostoïevsky và kẻ giết cha (bản dịch của J.B. Pontalis - Lời tựa cho cuốn Anh em nhà Karamazov, Nxb Gallimard) Trong một cuốn sách tự thuật, khi trình bày những khả năng của học thuyết của mình đối với cái mà ngày nay người ta gọi là những nghiên cứu liên ngành, tác giả tuyên bố: “Phần lớn những áp dụng phân tích này do những công trình của chính tôi mở đầu”. (MVP, 79). Câu nói này có một âm hưởng đặc biệt khi người ta giới hạn nó trong trường nghiên cứu văn học, bởi hiển nhiên rằng, trong lĩnh vực này Freud đã mở đường cho mọi kiểu tiếp cận, từ nghiên cứu cảm xúc thẩm mỹ vàtính sáng tạo nghệ thuật đến việc đọc một văn bản duy nhất, thông qua sự phân tích những thể loại, phân tích những môtíp và phân tích những nhà văn. Chúng tôi sẽ xuất phát từ công trình của ông mỗi khi chúng tôi nghiên cứu sự phát triển của công trình ấy qua những người thường viện dẫn ông, các nhà phân tích hay các nhà phê bình văn học. Còn cần phải có vài nhận xét về công trình của một độc giả mẫu mực. Nhận xét đầu tiên coi trọng sự quan tâm thường trực trong các bài viết có tính chất lý thuyết và kĩ thuật của ông luôn dựa vào các tên tuổi lớn và các tác phẩm lớn của nền văn học thế giới. Trường hợp Oedipe đã được nghiên cứu suốt cuộc đời của Freud, trong thực tế văn học của nó cũng như với tư cách mặc cảm chủ chốt, kể từ bức thư gửi Fliess ngày 15 tháng 10 năm 1897 đến tác phẩm Tóm tắt phân tâm học (1938). Nhận xét thứ hai sẽ làm rõ vấn đề là, trong một dịp đặc biệt, Freud đã tiến hành việc phân tích lâm sàng một người bị hoang tưởng chỉ qua việc nghiên cứu cuốn tự truyện của bệnh nhân này: ông chủ tịch Schereber nổi tiếng (trong CPS). Nhận xét thứ ba: Chắc hẳn vì ưa thích rõ ràng đối với những tác phẩm của các nhà văn mà văn chương được dụng công kĩ lưỡng và đang phát huy công dụng nhiều hơn, nên ông có phần ít đi sâu nghiên cứu huyền thoại và folklore (ông giao phó việc này cho Otto Rank một phần, Théodore Reik và Géza Roheim phần khác, MVP, tr.85.86). Vì vậy, những phân tích về Vật tổ và cấm kị xuất phát từ những tư liệu dân tộc học gốc gác ít hơn là từ những kiến tạo hoặc giải thích do nhà nhân học Frazer đề xuất. Cuối cùng, bản danh mục ở trên đã gác sang bên một loạt tác phẩm không đề cập trực tiếp, rõ ràng đến những đối tượng “văn học”, nhưng những cống hiến của các tác phẩm đó có ý nghĩa nền tảng đối với toàn bộ tư tưởng của Freud về quan hệ của vô thức đối với ngôn ngữ; ba trong số các tác phẩm này có tầm quan trọng rất lớn đã được soạn thảo và công bố trước mọi công trình áp dụng phân tâm học vào văn học, đó là những tác phẩm đề cập đến giấc mơ, sự nói nhịu và những lời dí dỏm. Mọi thứ diễn ra như thể tác giả của chúng đã học cách đọc ở các tác phẩm ấy bằng việc xác định những điều kiện của một sự đọc sâu: chúng ta không thể làm gì khác hơn là đặt mình dưới sự hướng dẫn của ông và cùng học theo cách của ông. (xem tiếp phần 2)
[1] Để nói và nhắc lại rằng giữa họ (Nietzsche và Freud – ĐLT) có nhiều điểm chung đến mức Freud không muốn tiếp xúc với Nietzsche “quá nhiều” nhằm bảo vệ nguyên vẹn tính độc đáo của tư tưởng riêng của ông… [2] Về vấn đề “áp dụng”, xem Mireille Cifali, Freud pédagogue? / Freud nhà giáo dục? Inter-Editions, 1982. [3] Hơn nữa, Sophocle cho Oedipe nói như thể để người ta đoán được rằng anh ta biết sự thật: tất cả mọi người ở Thèbes nói về những kẻ gian ác giết Laios, còn Oedipe, chính anh, lại nói “kẻ gian ác”; tất cả mọi người đòi thủ cấp của những kẻ chịu trách nhiệm về nạn dịch hạch, chỉ mình Oedipe tìm “kẻ có tội”; sự thấy trước có ý nghĩa, lời nói có tính tiết lộ (xem Driek Van Der Sterren, Oedipe (1948), bản Pháp văn, PUF, 1976, tr. 49). [4] Vì thế chúng ta hãy tán thưởng nhận xét này: “Sự chú ý đến phân tâm học ở Pháp được bắt đầu từ những nhà văn…”. (MVP, 78). |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC