HANS-GEORG GADAMER
JULIAN ROBERT ĐINH HỒNG PHÚC dịch
Vị triết gia Đức này là môn đệ của Heidegger nhưng lại phát triển lý thuyết cho rằng ngôn ngữ, chứ không phải thời gian hay văn hóa, quy định ý thức. Hans-Georg Gadamer, mất tại Heidelberg ở tuổi 102, là một trong những nhân vật nổi bật của triết học Đức thế kỷ 20. Điều ngạc nhiên không phải là việc ông sống lâu mà là việc ông dâng trọn cuộc đời đầy hăng say của mình cho hoạt động triết học. Gadamer chỉ nổi lên với tư cách là một triết gia khi xuất bản công trình Chân lý và phương pháp vào năm 1960; và vai trò của ông được xem như là một phần của công cuộc phục hồi triết học Đức sau chiến tranh. Sự nghiệp của ông phản ánh cái thời đại ông sống. Sinh tại Marburg, là con của một giáo sư môn hóa học, ông lại chọn nghiên cứu triết học bất chấp tình trạng đầy biến động về chính trị và kinh tế của nước Đức thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh, làm luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của Heidegger tại Marburg vào năm 1929. Heidegger vẫn còn có ảnh hưởng định hình lên tư duy của Gadamer. Khi Đảng Quốc xã lên nắm quyền vào năm 1933, ông vẫn chưa có việc làm. Khác với Heidegger, Gadamer không bao giờ gia nhập Đảng Quốc xã, và (có lẽ do căn bệnh bại liệt mà ông mắc phải khi còn là sinh viên) có thể tránh được mọi cuộc tòng quân. Tuy nhiên, Đảng Quốc xã buộc ông, như họ đã làm với tất cả các nhà khoa học còn sống khác, phải trải qua nhiều cuộc kiểm tra ít nhiều ti tiện (nhất là ở “các trại” dành cho các thành viên của Câu lạc bộ Giảng viên Quốc xã (National-Socialist Lecturers' Club). Năm 1934, Gadamer dạy trong thời gian ngắn tại Đại học Kiel, khi ấy là thành trì nổi tiếng của Quốc xã. Năm 1937, ông trở thành giáo sư ở Marburg, và hai năm sau là giáo sư ở Leipzig. Sau khi chiến tranh kết thúc, những người Soviet đưa ông làm hiệu trưởng trường Đại học Leipzig, nhưng vào năm 1947, ông trở về lại Frankfurt và cuối cùng về lại Heidelberg vào năm 1949. Ông sống tại đó cho đến cuối đời và không lập gia đình. Nền triết học hàn lâm ở nước Đức thế kỷ 20 rơi vào hai thời kỳ khác nhau. Thời kỳ nửa đầu thế kỷ 20, triết học say mê với ý niệm xem lý tính như là cái gì có tính lịch sử. Người ta không xem lý tính như là một công cụ trung tính nào đó, có sẵn như nhau nơi mọi người, và phục tùng các quy luật phổ quát có thể thâm nhập vào tất cả, mà như là cái đang được cắm rễ trong những hoàn cảnh đặc thù của thời gian hay văn hóa. Khái niệm “Dasein” lừng danh của Heidegger (sự hiện hữu, nhưng theo nghĩa đen là “có ở đây / being here”) là một cuộc cách mạng chống lại những truyền thống “phân tích” ở cuối thế kỷ 19 và tư tưởng cho rằng các chân lý do triết học mô tả đều có sẵn một cách dửng dưng đối với mọi dân tộc, cho dù có “ở đây / here” (tức là, bộ phận của nền văn hóa này) hay không. Những quan niệm như thế đã bị những người điều hành chính trị bẩn thiểu chiếm dụng. Heidegger đã bằng lòng, ít ra là lúc ban đầu, để cho thuyết hiện sinh duy sử của ông chuồi theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa vị chủng trong việc xác lập nền chính trị mới. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, rõ ràng là nền triết học hàn lâm Đức và thuyết hiện sinh duy sử đã bị thỏa hiệp một cách nghiêm trọng. Cái (vẫn tiếp tục) phản ứng lại thuyết này là dự án khôi phục lại trên diện rộng truyền thống phân tích và truyền thống pháp quyền tự nhiên. Thứ hai đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa Marx. Dự án thứ ba là sự nỗ lực cứu vãn thuyết duy sử bằng cách lọc nó ra khỏi không khí chính trị ô trọc mà nó hít phải trong nền chính trị chuyên chế. Lý thuyết “thông diễn học” mà Gadamer phát triển trong Chân lý và phương pháp là bộ phận của dự án thứ ba này. Trong đó, ông rời bỏ quan điểm cực đoan của thuyết hiện sinh trước chiến tranh, tức quan điểm cho rằng Tồn tại (Being) được cố định bởi hoàn cảnh lịch sử và văn hóa, bằng cách thay thế chủ nghĩa triệt để bản thể học này bằng một lý thuyết về ngôn ngữ. Đối với ông, Tồn tại không được cấu tạo với tư cách ấy bởi chủng tộc và tính dân tộc, mà, trong một châm ngôn nổi tiếng của ông: “Tồn tại có thể được hiểu là ngôn ngữ”. Nếu tôi không thể nói được về điều gì đó, thì nó không “hiện hữu” cho tôi, cho nên sự hiện hữu, hay không thể hiện hữu, chỉ diễn ra trong ngôn ngữ. Nếu không có ngôn ngữ thì không có sự hiểu, và ngôn ngữ là một sản phẩm của lịch sử và văn hóa. Theo Gadamer, ngôn ngữ là một hiện tượng lịch sử vì hai lý do. Thứ nhất, ngôn ngữ có tính cách thực hành. Ngôn ngữ là để truyền thông. Nó dùng để truyền đạt, tập hợp và xử lý thông tin. Năng lực để ngôn ngữ thực hiện những chức năng này phụ thuộc vào kỹ năng của những người sử dụng nó để hiểu về nhau trong bất cứ trường hợp đặc thù nào. Ngôn ngữ quy định ý thức; và sự quy định này lại phụ thuộc vào việc người ta đã truyền thông với nhau như thế nào. Cho nên đối với Gadamer, “thông diễn học” có nghĩa là “hiểu” theo nghĩa cụ thể này. Một phương diện của quan điểm này, đối với công trình của ông, là sự nhấn mạnh mới mẻ đến tu từ học như là môn học đưa chức năng ngôn ngữ vào thực tiễn. Phương diện khác là mô hình nổi tiếng của ông: lập luận như là sự đối thoại. Đặc điểm lịch sử thứ hai của ngôn ngữ đó là nó nối khớp với các bản sắc văn hóa. Gadamer chia sẻ sự hoài nghi của thuyết hiện sinh về các dự án đòi phải xác định các chân lý và các giá trị bằng phép tính trừu tượng. Đối với các giá trị, chắc chắn ta phải bắt đầu ở cái “ở đây” mang tính cách lịch sử theo cách nào đó mà ta không thể phân tích sâu hơn. Ở phương diện ấy, theo Gadammer, các phán đoán hoàn toàn là “những tiên kiến” (Vor-urteile, “các tiền-phán đoán”). Đây không phải là một cái gì tồi tệ, vì bao lâu ta còn công nhận những gì đang diễn ra, thì ta còn có thể bắt đầu dự mình vào cuộc đối thoại thông diễn do ngôn ngữ mang lại cho ta, và vì thế khắc phục được những giới hạn của lập trường xuất phát của mình và đi đến một sự hiểu phong phú hơn về chính mình và người khác. Điển hình là, điều này diễn ra trong “những cuộc đối thoại” thông diễn, ít nhiều đã được hình thức hóa, đang cố gắng hòa giải những lập trường đánh giá không nhất quán nhau. Những ví dụ chủ chốt ắt sẽ là sự bàn luận về giá trị của tác phẩm nghệ thuật, và diễn ngôn luật pháp ở chốn pháp đình. Các lý thuyết của Gadamer đã mang lại thành quả triết học lớn nhất vào những năm 1960 và 1970, đặc biệt là trong những cuộc đàm luận với các lý thuyết “ngôn ngữ học” khác như lý thuyết của Jürgen Habermas. Về sau, sự ảnh hưởng về học thuật của Gadamer chủ yếu thu gọn vào những ngành văn hóa; chính ở Đức, tiếng nói của triết học phân tích giờ đây đã làm lu mờ thuyết duy sử trong triết học. Đối với việc khắc phục quá khứ, ta cũng phải nói rằng (cho dù ông chỉ quan tâm đến thế kỷ 18), Gadamer chưa bao giờ phát triển bất cứ sự hiểu nào cho những gì rất có thể là phương thuốc cứu chữa tốt nhất cho nền triết học ti tiện, tức là thuyết duy nghiệm được David Hume trình bày vào thời đó.
Nguồn: http://www.guardian.co.uk/news/2002/mar/18/guardianobituaries.obituaries |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC