GIẢI THÍCH HAY LÀ HIỂU
PAUL RICOEUR (1913-2005)
Paul Ricoeur, “Văn bản là gì?”. Những bài viết lý luận văn học chọn lọc trong sách của Jeneyéva (Nhiều người dịch, Nxb. Osiris, Budapest, 1999). Trương Đăng Dung dịch.| Phiên bản điện tử: http://nguyenducmau.blogspot.com/2016/07/van-ban-la-gi-paul-ricoeur.html
Không bao lâu nữa, chúng ta thật sự thấy trong sự đọc hai thái độ nằm sau hai tên gọi là giải thích và diễn giải. Lần đầu tiên chúng ta nhận ra hai thái độ này ở Dilthey. Thật ra, sự phân biệt này ở Dilthey là đại diện cho một sự lựa chọn mà một trong những thành viên này cần phải loại bỏ thành viên kia: hoặc là “chúng ta giải thích” theo phương pháp của khoa học tự nhiên, hoặc là “chúng ta diễn giải” theo phương pháp của nhà sử học. Xuất phát điểm của những lập luận tiếp theo của chúng tôi dựa trên việc lựa chọn sự loại bỏ này. Tôi có ý định chỉ ra rằng khái niệm văn bản mà chúng tôi đã xác lập ở phần đầu của bài viết là muốn đổi mới khái niệm giải thích và diễn giải, muốn có quan niệm ít mâu thuẫn về mối quan hệ giữa giải thích và diễn giải nhờ sự đổi mới đó. Chúng tôi phải nói ngay rằng chính việc tìm kiếm sự bổ sung và tương tác lẫn nhau một cách chặt chẽ giữa giải thích và diễn giải đã thúc đẩy những lập luận của chúng tôi. Sự đối đầu nguyên khởi ở Dilthey không hoàn toàn do hai khái niệm giải thích và diễn giải mà là do hai khái niệm giải thích và hiểu, sau khi sự diễn giải tạo nên vùng riêng của sự hiểu. Chúng tôi cần xuất phát từ mâu thuẫn giữa giải thích và hiểu. Giờ đây, mâu thuẫn đã được loại bỏ, bởi vì trong trường hợp của Dilthey thì hai khái niệm chỉ ra hai vùng ảnh hưởng khác nhau của hiện thực mà chúng muốn chia sẻ. Một trong hai vùng ảnh hưởng đó là của khoa học tự nhiên, vùng còn lại là của các khoa học tinh thần. Lĩnh vực tự nhiên là lĩnh vực của các sự vật phụ thuộc những quy phạm lô gích quy nạp có từ John Stuart Mill, lĩnh vực của sự giải thích toán học có từ Galilei dành cho sự chú ý khoa học. Lĩnh vực tinh thần là lĩnh vực của những tính cách tâm lý, nơi mọi chủ nghĩa tâm lý đều có khả năng rời bỏ vị trí của nó. Sự hiểu được chuyển sang một thứ chủ nghĩa tâm lý xa lạ nào đó. Vậy có thể có các khoa học tinh thần, nghĩa là có thể có nhận thức khoa học của các cá thể, có thể có sự hiểu của cái phi thường, khách quan theo cách của nó? Có thể làm cho sự hiểu như thế có hiệu lực rộng khắp? Dilthey trả lời rằng những điều đó đều có thể, bởi vì cái bên trong được xẩy ra trong những dấu hiệu bên ngoài có thể nắm bắt và hiểu được giống như những dấu hiệu của chủ nghĩa tâm lý xa lạ nào đó. Trong một bài viết rất nổi tiếng, Về nguồn gốc tường giải học, in năm 1900, Dilthey đã viết rằng “Chúng ta gọi sự hiểu là quá trình mà thông qua nó chúng ta nhận biết được cái tâm lý gì đó nhờ các dấu hiệu nhạy cảm là những biểu hiện của tâm lý đó”. (tr. 320) Vùng đặc trưng của sự hiểu này là sự diễn giải. Giữa những dấu hiệu của chủ nghĩa tâm lý xa lạ, chúng ta bắt gặp “những biểu hiện được ghi lại một cách lâu bền, “những bằng chứng thuộc về con người được ghi lại qua sự viết”, và “những tượng đài kỷ niệm bằng văn bản”. Như vậy, diễn giải là sự hiểu được vận dụng cho các biểu hiện, các bằng chứng và đài kỉ niệm mà yếu tố phân biệt chúng là sự viết. Trong cả hai mặt hiểu - diễn giải thì sự hiểu tạo ra cơ sở, đó là sự tiếp xúc với chủ nghĩa tâm lý xa lạ thông qua các ký hiệu. Và sự diễn giải mang theo mức độ khách quan hoá nhờ việc ghi lại và gìn giữ cái mà sự viết mượn làm các ký hiệu. Sự khác biệt giữa giải thích và diễn giải lúc đầu có vẻ rõ ràng, thế nhưng nó trở nên mơ hồ khi chúng ta quan tâm đến những điều kiện khoa học của sự diễn giải. Chúng ta đã giới hạn sự giải thích ở lĩnh vực khoa học tự nhiên, nhưng mâu thuẫn lại nảy sinh ở chính khái niệm sự diễn giải: giữa một đằng là tính chất trực quan, không thể kiểm soát của khái niệm tâm lí học hoá của sự hiểu và một đằng là nhu cầu khách quan hoá liên quan đến khái niệm khoa học tinh thần. Sự phân đôi bên trong này của tường giải học giữa ý muốn tâm lí học hoá và sự tìm kiếm lô gích diễn giải, rốt cuộc đặt ra mối quan hệ giữa sự hiểu và sự diễn giải. Sự diễn giải không phải là một loại của sự hiểu, nó phá vỡ tính thống nhất của kiểu loại? Phải chăng, sự khác biệt đặc trưng, sự ghi khắc văn bản là quan trọng hơn so với đặc điểm chung của mọi ký hiệu là lấy hình thức bên ngoài nào đó thể hiện đời sống bên trong? Cái gì là quan trọng nhất trong tường giải học: Vùi vào vùng ảnh hưởng của sự hiểu hay là tách rời sự hiểu. Trước Dilthey, Schleiermacher là người đã cho thấy về sự mâu thuẫn bên trong của ý đồ tường giải học, người đã vượt qua mâu thuẫn này một cách may mắn bằng việc cho hôn phối thiên tài lãng mạn với trình độ ngữ văn bậc thầy. Với sự xuất hiện của Dilthey, những nhu cầu thuộc về khoa học luận càng trở nên đáng lo hơn. Nhiều thế hệ đã đưa ông, một người được rèn luyện qua tư duy khoa học luận, ra khỏi nhà bác học lãng mạn; và như vậy đối với ông, mâu thuẫn là điều hoàn toàn rõ. Chúng ta hãy xem Dilthey đã giải thích Schleiermacher như thế nào: “Mục đích cuối cùng của thao tác tường giải học là để chúng ta hiểu hơn tác giả so với cách anh ta hiểu chính mình”. Luận đề này liên quan đến tâm lý học của sự hiểu. Luận đề tiếp theo thì lại liên quan đến lô gích diễn giải: “Về mặt lý luận, tường giải học cần phải tạo dựng tính hiệu lực chung của sự diễn giải đối diện với sự xâm thực thường xuyên của chuyên chế lãng mạn và sự chủ thể hoá hoài nghi vào lĩnh vực lịch sử, nơi kết thúc mọi sự chắc chắn của lịch sử”. Tức là tường giải học chỉ cắt đứt với tính chất trực tiếp của sự hiểu khác - Có thể nói là cắt đứt khỏi những giá trị đối thoại - thì mới có thể thực hiện những mong muốn của sự hiểu. Sự hiểu muốn nhập làm một với cái bên trong của tác giả, muốn trở nên bình đẳng với anh ta, muốn sáng tạo lại quá trình tạo thành tác phẩm. Nhưng chúng ta không thể tìm được dấu hiệu của ý định này và của tác phẩm ở nơi khác mà chỉ ở nơi mà Schleiermacher gọi là “hình thức bên ngoài và hình thức bên trong” và “sự liên kết”, “mối quan hệ”, là những yếu tố làm cho tác phẩm trở thành cái toàn thể có tổ chức. Những bài viết cuối cùng của Dilthey (chẳng hạn như Xây dựng thế giới lịch sử trong các khoa học tinh thần) càng làm cho tình hình thêm căng thẳng. Một mặt chịu ảnh hưởng của công trình Những nghiên cứu lô gích của Husserl, ông nhấn mạnh mặt khách quan của tác phẩm. (Như chúng ta biết, đối với Husserl, “nghĩa” của cái thông báo đại diện cho một thứ “lí tưởng hoá” không tồn tại trong hiện thực tâm lý: nó là chỉnh thể nghĩa thuần tuý, không có ràng buộc với vị trí có thực. Giống với cách thức trước đó, tường giải học có từ sự khách thể hoá các năng lượng sáng tạo của đời sống có trong các tác phẩm. Chính chủ nghĩa tâm lý, tính năng động của nó, đã lưu ý chúng ta đến sự chuyển tiếp thông qua “các nghĩa” “giá trị” và “mục đích”. Như vậy, cả sự diễn giải và sự hiểu đều cần đến tính khoa học. Có lẽ nó hối thúc đến cả sự phi tâm lí học hoá ngày càng tiến bộ hơn cho việc xem xét nội quan, nếu đúng là kỷ niệm đi theo những nội dung không phải là các hiện tượng tâm lý. Sự ngoại hiện của đời sống ngày càng đòi hỏi tính chất gián tiếp và phụ thuộc hơn của sự diễn giải cái tôi và người khác. Thế nhưng, nói theo khái niệm tâm lý học, sự diễn giải muốn đồng hành cùng cái tôi và người khác, nó luôn luôn hướng tới mục đích tái tạo những kinh nghiệm đã sống. Sự căng thẳng không thể chịu đựng nổi mà Dilthey là nhân chứng này, kích thích chúng tôi quan tâm đến hai vấn đề định hướng những lập luận tiếp theo của mình: Chúng ta có cần bỏ qua mối liên hệ của sự hiểu đối với sự diễn giải? Có cần phải để cho sự diễn giải các tượng đài kỷ niệm bằng văn bản như là sự hiểu các ký hiệu bên ngoài của đời sống nội tâm nào đó; nói chính xác hơn, chúng ta phải quan niệm đó là những trường hợp riêng của sự hiểu đời sống nội tâm? Nhưng nếu sự diễn giải không tìm kiếm nữa chuẩn mực hiểu ở trong sự hiểu khác thì phải chăng không cần phải đặt lại vấn đề mối quan hệ của nó với sự giải thích?
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC