VĂN BẢN LÀ GÌ ?
PAUL RICOUER (1913-2005)
Paul Ricoeur, “Văn bản là gì?”. Những bài viết lý luận văn học chọn lọc trong sách của Jeneyéva (Nhiều người dịch, Nxb. Osiris, Budapest, 1999). Trương Đăng Dung dịch.| Phiên bản điện tử: http://nguyenducmau.blogspot.com/2016/07/van-ban-la-gi-paul-ricoeur.html
Về cơ bản, tôi dành bài viết này cho cuộc tranh luận giữa hai thái độ chính trước vấn đề văn bản. Người ta đã thâu tóm hai thái độ này trong thời đại của Wilhelm Dilthey vào cuối thế kỷ trước bằng từ “giải thích” và “diễn giải”. Dilthey đã gọi mô hình lấy từ khoa học tự nhiên và được phổ biến ở các khoa học lịch sử qua các trường phái thực chứng là giải thích, còn sự diễn giải được ông xem là hình thức của sự hiểu, trong đó ông nhận thấy thái độ cơ bản của các khoa học tinh thần, cái duy nhất có thể tôn trọng sự khác biệt cơ bản giữa các khoa học tinh thần và khoa học tự nhiên. Qua đây, tôi có ý định xem xét số phận của sự đối đầu này dưới ánh sáng của những mâu thuẫn giữa các trường phái đương đại. Thực ra, khái niệm giải thích đã được chuyển dịch và chúng ta thừa hưởng nó không phải từ các khoa học tự nhiên mà là từ các mô hình ngôn ngữ đích thực. Chúng ta có thể nói về khái niệm sự diễn giải rằng trong tường giải học hiện đại nó đã trải qua những thay đổi sâu sắc, được những thay đổi này đưa ra khỏi khái niệm thuộc về tâm lý học của sự hiểu, xét trong ý nghĩa mà Dilthey nói đến. Tôi muốn làm rõ cái khía cạnh mới, có lẽ ít có tính tương phản, nhưng hiệu quả hơn này của vấn đề. Tuy vậy, trước khi chuyển sang những khái niệm mới của sự giải thích và diễn giải, tôi muốn dừng lại ở vấn đề trước đó đang dẫn dắt những công việc tiếp theo của chúng tôi. Đó là vấn đề: Văn bản là gì?
Chúng ta gọi tất cả mọi diễn ngôn được ghi lại là văn bản. Trong ý nghĩa của sự định nghĩa này thì sự ghi lại bằng chữ viết tạo nên văn bản. Nhưng sự viết ghi lại cái gì? Chúng tôi đã nói là tất cả mọi diễn ngôn. Vậy chúng ta có thể nói được rằng cần thể hiện diễn ngôn về mặt thể chất trước hay về mặt ý nghĩ? Rằng tất cả mọi sự viết, chí ít ở dạng tiềm năng, trước hết là lời nói? Nói một cách ngắn gọn: chúng ta nhìn nhận mối quan hệ giữa văn bản và lời nói như thế nào? Ngay trong sự tiếp cận đầu tiên tôi đã muốn nói rằng tất cả mọi sự viết đều liên hệ với lời nói có trước. Trong thực tế, cùng với Ferdinand de Saussure, nếu chúng ta hiểu ở lời nói việc thực hiện một sự kiện thông báo nào đó của ngôn ngữ là sự sáng tạo thông qua người nói độc nhất của diễn ngôn độc nhất, thì tất cả mọi văn bản đều ở trong tình thế thực hiện mình trong quan hệ với ngôn ngữ, giống như lời nói vậy. Ngoài ra, sự viết như là thiết chế chỉ quan hệ với lời nói sau đó, nó ghi lại bằng chữ viết tất cả mọi sự thể hiện xuất hiện trong khi nói. Sự quan tâm dành riêng cho các bài viết ngữ âm có vẻ như nhấn mạnh rằng sự viết không mang lại cái gì cho hiện tượng lời nói. Từ đây xuất hiện ý nghĩ cho rằng sự viết là lời nói được ghi lại và rằng sự ghi lại - dù đó là viết hay ghi âm - bảo đảm nội dung của lời nói bằng tính chất trường tồn của sự ghi khắc. Lai lịch tâm lý học và xã hội học của lời nói quan hệ với sự viết không còn là vấn đề nữa. Chúng ta hoàn toàn có thể hỏi rằng vậy sự xuất hiện muộn màng của chữ viết không báo trước một sự thay đổi căn bản nào trong mối quan hệ của chúng ta liên quan đến việc thể hiện diễn ngôn hay sao? Chúng ta hãy trở về với định nghĩa văn bản là diễn ngôn được ghi lại chính là sự biểu lộ mà chúng ta đã có thể nói ra, nhưng sở dĩ chúng ta viết ra một cách chính xác là vì chúng ta không nói. Sự ghi lại bằng việc viết ra văn bản đã chiếm vị trí của lời nói, cái vị trí mà lời nói lẽ ra đã xuất hiện. Vậy chúng ta có thể hỏi rằng văn bản có phải là văn bản không trong trường hợp nó không dừng lại ở việc ghi lại một lời nói có trước, mà trực tiếp viết ra điều diễn ngôn muốn nói. Cái có thể nhấn mạnh ý nghĩ về mối quan hệ trực tiếp giữa việc muốn nói ra điều muốn biểu lộ và sự viết, đó chính là chức năng của sự đọc quan hệ với sự viết. Đúng là sự viết gọi chúng ta đến với sự đọc thông qua mối quan hệ mà nó nhanh chóng tạo điều kiện để chúng ta đưa ra khái niệm sự diễn giải. Chúng ta có thể nói trước rằng người đọc thay thế sự thể hiện và người nói bằng phương pháp đối xứng. Quả thực, mối quan hệ viết - đọc không phải là trường hợp riêng của mối quan hệ nói - trả lời. Không phải là mối quan hệ đối thoại, cũng không phải là lời đối thoại. Không đủ nếu chúng ta nói rằng sự đọc là sự đối thoại với tác giả thông qua tác phẩm của anh ta; chúng ta cần phải nói rằng mối quan hệ của người đọc với quyển sách là hoàn toàn mang tính chất khác. Sự đối thoại là sự thay thế của các câu hỏi và trả lời. Còn giữa nhà văn và bạn đọc thì không có khả năng thay thế như vậy: nhà văn không trả lời cho người đọc. Quyển sách phân chia hoạt động viết và đọc làm hai phần không quan hệ, giao tiếp với nhau. Người đọc vắng mặt khi nhà văn viết, và nhà văn không hiện diện khi người đọc đọc. Như vậy văn bản làm che khuất cả bạn đọc và nhà văn; và bằng cách đó nó bước vào vị trí của sự đối thoại, trực tiếp nối liền một trong những giọng nói này với người nghe khác. Việc thay thế sự đọc vào vị trí mà sự đối thoại không xảy ra rõ ràng đến mức, trong trường hợp, nếu chúng ta gặp một tác giả và trò chuyện với anh ta (ví dụ về quyển sách của anh ta), thì lúc đó chúng ta cảm thấy một cách sâu sắc sự sụp đổ của mối quan hệ rất đặc trưng của chúng ta với tác giả trong tác phẩm và qua tác phẩm của anh ta. Tôi vẫn thường nói rằng đọc một quyển sách nào đó có nghĩa là chúng ta xem tác giả là người đã chết còn cuốn sách của anh ta là tác phẩm được in sau khi anh ta chết. Mối quan hệ của chúng ta với quyển sách thực sự trở nên trọn vẹn và phần nào là nguyên vẹn khi nhà văn chết, anh ta không thể trả lời được nữa, chúng ta chỉ còn việc đọc tác phẩm của anh ta. Sự khác biệt của hoạt động đọc và đối thoại càng khẳng định giả thuyết của chúng tôi rằng sự viết là một sự thực hiện giống như lời nói, song hành với lời nói; một sự thực hiện làm thay thế lời nói, bao bọc lấy lời nói. Vì thế chúng tôi mới nói rằng cái gì xuất xứ từ sự viết thì đó chính là chủ ý của diễn ngôn như là chủ ý của sự phát ngôn, và viết là sự ghi khắc trực tiếp chủ ý này, kể cả khi về mặt lịch sử và tâm lí, sự viết bắt đầu bằng sự hoạ lại các ký hiệu của lời nói. Với việc thay thế lời nói bằng sự viết, sự giải phóng này là hoạt động ra đời của văn bản. Vấn đề đặt ra là: Điều gì xẩy ra với lời phát biểu khi mà người ta trực tiếp ghi lại thay vì đọc lên? Chúng tôi luôn nhấn mạnh đặc điểm nổi bật nhất là sự viết gìn giữ diễn ngôn và làm cho cái đó trở thành tài liệu có thể tiếp cận đối với ký ức riêng tư và tập thể: Chúng tôi cũng có thể nói thêm rằng việc làm cho các biểu tượng có đường nét sẽ tạo điều kiện cho việc dịch, phân tích và phân biệt mọi yếu tố liên tục và tinh tế của ngôn ngữ, làm tăng thêm tính hiệu quả của ngôn ngữ. Đấy là tất cả hay sao? Như chúng ta đã thấy, sự gìn giữ và tính hiệu quả tăng dần chỉ mới đặc trưng cho việc viết các kí hiệu đồ hoạ của ngôn ngữ nói. Sự giải phóng văn bản ra khỏi lời nói làm đảo lộn mối quan hệ giữa ngôn ngữ và thế giới, cũng giống như làm đảo lộn mối quan hệ của ngôn ngữ và các chủ thể khác có liên quan, kể cả mối quan hệ giữa tác giả và người đọc (N. D nhấn mạnh). Và chúng tôi nhận ra từ sự đảo lộn này một điều gì đó, khi chúng ta phân biệt sự đọc với sự đối thoại. Chúng ta cần phải đi tiếp, xuất phát từ sự đảo lộn chạm đến mối quan hệ thông báo giữa ngôn ngữ và thế giới khi văn bản chiếm chỗ lời nói. Chúng ta hiểu gì về mối quan hệ thông báo hay về chức năng chỉ dẫn? Nếu chủ thể của diễn ngôn quay sang phía một người nói khác, nói gì đó về điều anh ta đang nói thì việc đó gọi là sự chỉ dẫn điều anh ta thổ lộ. Như chúng ta biết, chức năng thông báo có trong câu nào là đơn vị lời nói đầu tiên và đơn giản nhất, cái câu chủ định nói một sự thật hay hiện thực gì đó, ít ra thì trong diễn ngôn đã xác định. Chức năng thông báo quan trọng đến mức, ở một chừng mực nào đó, nó làm cân bằng đặc tính khác của ngôn ngữ, chẳng hạn cái đặc tính làm tách biệt các ký hiệu ra khỏi sự vật. Thông qua chức năng thông báo, (nói theo lời Gustave Guillaume, “nó hoàn trả lại cho thế giới”) ngôn ngữ đã tước bỏ những ký hiệu từ các sự vật khi chức năng biểu tượng ra đời. Bằng cách này tất cả mọi sự thổ lộ đều liên hệ với một thế giới nào đó. Bởi vì chúng ta không nói về thế giới thì nói về cái gì? Nhưng khi văn bản lấy đi vị trí của lời nói thì xẩy ra điều gì đó quan trọng. Khi thay đổi lời nói, những người nói chuyện đều có mặt vì nhau, cũng giống như tình thế, môi trường, đó là vùng phụ thuộc vào hoàn cảnh của lời nói. Liên quan đến vùng phụ thuộc này, diễn ngôn hoàn toàn là cái biểu đạt, sự ám chỉ đến hiện thực rốt cuộc đều ám chỉ đến cái hiện thực có thể chỉ ra “xung quanh” lời nói; có thể nói, “xung quanh” yêu cầu của chính lời nói. Mà ngôn ngữ thì lại được chuẩn bị rất tốt để bảo đảm cái nơi bỏ neo này: Các đại từ chỉ định, các trạng từ chỉ thời gian, vị trí; đại từ nhân xưng, thời của động từ và nói chung tất cả mọi cái biểu đạt “chỉ định” hay “nổi bật” đều phục vụ cho việc neo lời nói vào cái hiện thực phụ thuộc vào hoàn cảnh bao quanh yêu cầu của lời nói. Như vậy, trong lời nói trực diện, nghĩa lý tưởng mà người ta nói ra, ám chỉ lại sự thông báo hiện thực, tức là về cái mà người ta đang nói. Rốt cuộc, cái thông báo hiện thực này gần như lẫn lộn với sự biểu đạt nổi bật nào đó, nơi lời nói thống nhất với cử chỉ nhìn thấy. Nghĩa hoà tan vào sự thông báo, và sự thông báo thì chuyển vào sự bày tỏ. Nhưng khi văn bản chiếm chỗ lời nói thì điều đó lại không phải như vậy. Lúc này, người ta ngăn chặn sự thông báo vận động về hướng sự biểu thị, đồng thời với việc văn bản cắt đứt với sự đối thoại. Tôi nói là ngăn chặn chứ không phải là chấm dứt, ở điểm này tôi khoanh vùng lại cái mà qua đó tôi gọi là tư tưởng của văn bản tuyệt đối, xuất hiện trên cơ sở những nhận xét xác đáng của chúng tôi ở phần trên. Như chúng ta sẽ thấy, văn bản không phải là cái không thông báo; nói một cách chính xác thì sự đọc như là sự diễn giải sẽ có nhiệm vụ thực hiện sự thông báo. (N. D nhấn mạnh). Ít ra thì sự thông báo bị trì hoãn trong sự bấp bênh, ở một chừng mực nhất định, văn bản “lơ lửng trong không khí”, nằm ngoài thế giới hoặc không có thế giới, phi thế giới. Việc mờ nhạt hoá mối quan hệ với thế giới giúp cho tất cả mọi văn bản tự do quan hệ với những văn bản khác, những văn bản đó thay thế cái hiện thực phụ thuộc vào hoàn cảnh được thể hiện qua lời nói trực tiếp. Mối quan hệ của văn bản với văn bản làm tạo ra cái thế giới gần như hay còn gọi là văn học, trong sự xoá bỏ cái thế giới hiện thực mà chúng tôi đã nói đến. (N. D nhấn mạnh). Đây chính là sự biến đổi liên quan đến lời nói, trong trường hợp nếu văn bản trì hoãn được sự vận động hướng từ sự thông báo đến sự thể hiện. Từ ngữ, theo cách này, không còn tách rời con đường của các sự vật, từ ngữ được viết ra trở thành từ ngữ vì chính bản thân chúng. Sự che lấp cái thế giới phụ thuộc vào hoàn cảnh thông qua cái thế giới gần như của các văn bản, có thể trọn vẹn như chính thế giới trong nền văn minh của sự viết: không còn là điều chúng ta thể hiện bằng lời nói, nó thu hẹp lại ở cái vầng sáng được mở ra nhờ các tác phẩm. Trong ý nghĩa này mà chúng ta nói về thế giới Hi lạp hoặc thế giới Byzance. Chúng ta có thể nói thế giới này thuộc về trí tưởng tượng trong ý nghĩa là sự viết làm cho nó hiện hữu chính ở nơi mà lời nói đưa vào. Nhưng cái thế giới tưởng tượng này lại cũng chính là sáng tác văn học, nó vừa thuộc về thế giới văn học lại vừa thuộc về thế giới tưởng tượng. Sự sụp đổ của mối quan hệ giữa văn bản và thế giới lại chính là chìa khoá của sự sụp đổ khác mà chúng tôi đã nói đến, một sự sụp đổ đụng chạm đến mối quan hệ giữa tác giả và chủ thể đọc. Chúng tôi nghĩ “cái gì” là tác giả của văn bản, bởi lẽ khái niệm tác giả được chúng ta cho xuất xứ từ người nói: chủ thể của lời nói là người gọi bản thân mình là “tôi” - Benveniste nhấn mạnh. Một khi văn bản chiếm chỗ lời nói thì chúng ta không còn có thể nói về người nói trong ý nghĩa thực nữa, ít ra chúng ta không thể nói về anh ta trong ý nghĩa là người tự đề cử bản thân tức thì và trực tiếp, là người lên tiếng trong sự đòi hỏi được thổ lộ. Mối quan hệ phức tạp, tác giả - văn bản bước vào vị trí gần gũi với lời nói riêng tư của chủ thể nói, nó tạo điều kiện để văn bản thiết lập nên tác giả và chính tác giả cũng ngụ trong không gian nghĩa mà sự viết đã chỉ định và chỉ dẫn. Chính văn bản là nơi xẩy ra tác giả. Nhưng có thể xẩy ra trong nó cách khác, như là người đọc đầu tiên? Sự tách rời tác giả ra khỏi văn bản của anh ta đã là hiện tượng đọc đầu tiên, nó đặt ra ngay lập tức toàn bộ những vấn đề mà chúng ta sẽ phải đem đối chứng với các mối quan hệ của sự giải thích và diễn giải. Các mối quan hệ này ra đời trong quá trình đọc.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC