FRIEĐRICH ENGEN TIỂU SỬ
CHƯƠNG MỘT
SỰ HÌNH THÀNH NHÀ TƯ TƯỞNG VÀ NGƯỜI CHIẾN SĨ VÔ SẢN
L.F. Ilísốp (chủ biên). Frieđrich Engen tiểu sử. Đỗ Trần Đại, Đặng Lê Minh dịch. Trần Việt Tú hiệu đính. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội, 1977.
Cộng tác với tờ "Rheinische Zeitung"
Mùa Xuân năm 1842 Engen bắt đầu cộng tác với tờ “Rheinische Zeitung”. Ngày 12 tháng Tư báo đó đăng bài của ông: « Chủ nghĩa tự do ở Bắc Đức và Nam Đức», Tờ « Rheinische Zeitung » do giai cấp tư sản đối lập ở tỉnh Ranh sáng lập với sự tham gia tích cực của phái Hêgen trẻ. Dưới sự lãnh đạo của Các Mác, – vào tháng Mười 1842, Mác đã lãnh đạo ban biên tập, – tờ báo đã mang tính chất dân chủ - cách mạng ngày càng triệt để. Theo tờ "Rheinische Zeitung" và theo những câu chuyện của bạn bè, Engen biết Mác là người chiến sĩ chính trị kiên quyết và dũng cảm. Trong bài trường ca “Sự giải thoát kỳ diệu của kinh thánh » Mác được mô tả như sau: « Đó là đứa con bình dân của thành Tơria với tâm hồn cuồng nhiệt Anh không đi, anh chạy, không, anh băng đi như một dòng nước lũ, Đôi mắt đại bàng ánh lên lòng dũng cảm ngang tàng, Còn đôi tay xúc động giang lên phía trước, Như thể mong cho bầu trời ập xuống từ cao »[1]. Trong những bài in năm 1842 trên tờ “Rheinische Zeitung » và trên các cơ quan cấp tiến khác, Engen cũng như Mác đã đấu tranh cho những tư tưởng chính trị tiên tiến, bảo vệ tự do báo chí khỏi những sự áp bức của cơ quan kiểm duyệt Phổ, chống lại nguyện vọng của các giới phản động Phổ muốn duy trì mãi mãi các trật tự phong kiến ở Đức. Ông cảm thấy ở Đức cơn bão táp cách mạng đang đến gần. Tình hình lúc ấy ở Phổ gợi cho Engen nhớ tới nước Pháp ngày hôm trước cuộc cách mạng 1789.[2] Việc ý thức được tính mâu thuẫn sâu sắc của chế độ xã hội và chính trị nước Đức đã làm cho Engen quan tâm đến những lý luận phác họa ra những triển vọng của xã hội tương lai. Dĩ nhiên, những tư tưởng cộng sản chủ nghĩa đang lan truyền khá rộng rãi hồi bấy giờ cũng đã hấp dẫn ông. Nằm ở trung tâm cuộc đấu tranh tư tưởng, ông đã theo dõi sự phát triển của tư tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa ở các nước châu Âu, đã tìm hiểu những học thuyết của chủ nghĩa xã hội không tưởng và chủ nghĩa cộng sản, dựa vào các bài đã đăng ở Đức, cũng như vào các bản gốc. Cuối thời kỳ ở Béclin, ông ngày càng nghiêng về ý kiến cho rằng chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới có thể đem lại một giải đáp đầy đủ cho vấn đề xã hội. Ngày 8 tháng Mười 1842 thời hạn phục vụ của Engen trong quân đội đã mãn, và trên đường về nhà, về Bácmen, ông đã ghé vào Khuên để viếng thăm tòa soạn báo « Rheinische Zeitung ». Khi đó, cuộc tọa đàm diễn ra với ủy viên ban biên tập Môdét Hétxơ đã dành cho việc thảo luận những vấn đề thế giới quan đang làm Engen lo nghĩ và đã để lại ở Hétxơ ấn tượng coi Engen là « một người cộng sản nhiệt thành »[3]. Một năm sau, Engen đã viết về bước chuyển của nhiều người trong phái Hegen trẻ sang lập trường cộng sản chủ nghĩa vào mùa thu năm 1842, rõ ràng là ông muốn nói cả bản thân mình nữa.[4] Lẽ dĩ nhiên, chủ nghĩa cộng sản ấy còn xa mới là chủ nghĩa cộng sản khoa học, nó phần lớn còn mang tính chất không tưởng và có sức hấp dẫn chủ yếu nhờ có sự phê phán các trật tự hiện tồn. Song ngay thời ấy Engen cũng đã khác những người khác đi theo chủ nghĩa cộng sản bởi tinh thần thực sự cách mạng, bởi sự quan tâm sâu sắc đến tình cảnh và cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân.
[1] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. 41, tr. 304. [2] Xem: C. Mặc và F. Engen. Toàn tập, t. I, tr. 495. [3] M. Hétxơ gửi B. Auơbắc, ngày 19 tháng Sáu 1843. M. Hess. Briefwechsel. S-Gravenhage, 1959, S. 103.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC