Tiểu sử triết gia

Nước Đức những năm 40

 

FRIEĐRICH ENGEN TIỂU SỬ

 

CHƯƠNG MỘT

 

SỰ HÌNH THÀNH NHÀ TƯ TƯỞNG 

VÀ NGƯỜI CHIẾN SĨ VÔ SẢN

 

 


L.F. Ilísốp (chủ biên). Frieđrich Engen tiểu sử. Đỗ Trần Đại, Đặng Lê Minh dịch. Trần Việt Tú hiệu đính. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội, 1977.


 

Nước Đức những năm 40

Trong những năm 40 của thế kỷ XIX, nước Đức là nước bị phân tán về mặt chính trị; trên lãnh thổ của nó có 38 quốc gia độc lập, thống nhất lại một cách hình thức trong Liên bang Đức. Tính chất phân tán ấy đã cản trở mạnh mẽ sự phát triển về kinh tế và chính trị của đất nước, đã làm cho nó phụ thuộc vào các cường quốc lớn. ở châu Âu. Những tàn dư của các quan hệ phong kiến nông nô cũng kìm hãm cuộc sống chính trị - xã hội của nhân dân Đức. Trong các quốc gia của Liên bang Đức, đặc biệt là ở Phổ và Áo, chính quyền tập trung vào trong tay tầng lớp quý tộc phản động và tầng lớp quan lại cao cấp. Nắm quyền bính ở Áo là thủ tướng Mettécních, một trong những người sáng lập ra Liên minh thần thánh, kẻ cổ vũ cho thế lực phản động ở châu Âu và ở ngay nước Đức. Ở Phổ, Friđrich Vinhem IV lên ngôi vua từ năm 1840, hắn là kẻ tán thành nguyên tắc quyền lực không hạn của nhà vua, kẻ cố duy trì những tàn dư của chế độ phong kiến. Bị khống chế bởi các tư tưởng thần bí tôn giáo, hắn đã dùng sự kiểm duyệt tàn bạo để cản trở mọi biểu hiện của tư tưởng tự do.

Do sự lạc hậu về kinh tế và do tình trạng phân tán về chính trị của đất nước, giai cấp tư sản Đức không mạnh, không đoàn kết và kiên quyết đấu tranh chống chế độ phong kiến như giai cấp tư sản Anh và Pháp trước đây. Nhưng ngay cả ở Đức, vai trò của giai cấp tư sản trong đời sống kinh tế của đất nước cũng vẫn không ngừng tăng lên. Cùng với sự phát triển của các quan hệ tư bản chủ nghĩa, phong trào đối lập của giai cấp ấy cũng tăng lên. Giai cấp tư sản Đức cố gạt đi những trở ngại mà chế độ chuyên chế dựng ra để ngăn cản sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và mở cho mình con đường tiến lên nắm chính quyền.

Phong trào tự do tư sản và phong trào có tính chất cấp tiến hơn ở nước Đức bộc lộ ra trước tiên trong đời sống triết học và văn học. Trong điều kiện các trật tự chuyên chế cảnh sát thống trị, khi mà mỗi một cuộc đấu tranh chính trị tiến bộ đều bị theo dõi gắt gao, thì văn học và triết học là những lĩnh vực mà trong đó, trên một mức độ nào đấy, có thể thể hiện tinh thần tự do tư tưởng và tiến hành đấu tranh chống thế lực phản động.

Cuộc cách mạng tháng Bảy 1830 ở Pháp đã thúc đẩy một cách rõ rệt phong trào tự do và dân chủ ở Đức. Dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng đó, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc đã nổ ra ở Ba-lan, Ý, Bỉ, và đã tác động đến nước Đức.

Phong trào tự do và dân chủ đã có được một quy mô đặc biệt rộng lớn ở tỉnh Ranh, nơi mà dân cư căm thù sâu sắc chế độ chuyên chế Phổ. Và Engen cũng không đứng ở ngoài lề của phong trào ấy, phong trào đã cổ vũ tẩng lớp thanh niên Đức tiên tiến.

 

 


Ở ngọn nguồn của chủ nghĩa dân chủ cách mạng

Tại các văn phòng thương mại ở Bácmen và Bremen

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt