Làm quen với Mác. Trường học cuộc sống ở Anh
Sau một năm sống ở Béclin, Engen lại trở về quê hương thành phố Bácmen buồn tẻ. Nhưng ông ở lại nhà bố mẹ không lâu. Cuối tháng Mười một 1842, Engen lên đường đi sang nước Anh, đến Mansextơ, để thực tập buôn bán tại nhà máy kéo sợi bông thuộc công ty Ecmen và Engen » mà bố ông là đồng chủ nhân. Không phải chỉ có sự lo lắng về nghề nghiệp tương lai của con đã thúc đẩy cụ thân sinh ông gửi con sang nước Anh. Tâm trạng cách mạng của Engen không phải là điều bí mật đối với gia đình. Trong sự tính toán của người bố có cả việc gửi đứa con trai tới một nơi xa nước Đức, xa cuộc đấu tranh tư tưởng ngày càng trở nên căng thẳng tại nước này. Trên đường sang Anh, Engen lại dừng lại ở Khuên, và tại trụ sở của tờ « Rheinische Zeitung » đã diễn ra cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ông và Mác, tổng biên tập của tờ báo. Ngay hồi bấy giờ, quan điểm giữa hai ông cũng đã gần gũi trên nhiều điểm. Nhưng thái độ phủ định của Mác đối với « Những người tự do» mà Engen vẫn còn có liên hệ đã quyết định tính chất cuộc gặp gỡ. Năm 1895, Engen nhớ lại cuộc gặp gỡ ấy là một cuộc gặp gỡ “rất lạnh nhạt ». « Mác, — Engen viết, chống lại anh em Bauơ, nghĩa là phát biểu chống lại ý kiến muốn cho tờ « Rheinische Zeitung» chủ yếu trở thành cơ quan truyền bá thần học, chủ nghĩa vô thần, v.v., chứ không phải là một cơ quan thảo luận chính trị và hành động ; Mác cũng phát biểu chống chủ nghĩa cộng sản nói suông của Etga Bauơ, chỉ xây dựng độc trên một nguyện vọng là «hành động theo một phương thức cực đoan nhất »... Vì tôi trao đổi thư từ với anh em Bauơ, nên đã nổi tiếng là đồng minh của họ và vì họ mà khi ấy tôi có thái độ nghi ngờ Mác »[1] Engen lưu lại ở Anh gần hai năm. Đối với ông thời gian đó là trường học tuyệt diệu, nó đóng vai trò to lớn trong việc tiếp tục làm hình thành những quan điểm xã hội, chính trị và triết học của ông, trong bước chuyển dứt khoát của ông sang lập trường duy vật và lập trường của chủ nghĩa cộng sản vô sản. V. I. Lênin viết : « Chỉ ở Anh, Engen mới trở thành nhà xã hội chủ nghĩa »[2] Ngay những bài đầu tiên do Engen viết ngay sau khi đến nước Anh và đăng trên tờ « Rheinische Zeitung » tháng Chạp 1842 – « Quan điểm của Anh đối với những cuộc khủng hoảng trong nước”, “Những cuộc khủng hoảng trong nước», « Lập trường của các chính đảng», « Tình cảnh của giai cấp công nhân ở Anh », « Những đạo luật về lúa mì" – cũng đã chỉ ra rằng những mẫu thuẫn của xã hội nước Anh không lọt qua sự chú ý của ông. Sự phân tích của Engen về các quan hệ xã hội Anh, trong các bài ấy chứng tỏ rằng ông đã nhìn thấy ngay sự phân chia của xã hội thành ba giai cấp cơ bản : giai cấp quý tộc chiếm hữu ruộng đất, giai cấp tư sản công nghiệp, giai cấp vô sản. Ông đã vạch ra mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản chủ nghĩa – mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Sự xuất hiện của giai cấp vô sản, giai cấp những người không có của, tuyệt đối nghèo nàn"[3], được Engen coi là kết quả của sự phát triển công nghiệp. Không thể xóa bỏ được mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, cũng như không thể xóa bỏ được bản thân giai cấp vô sản, bởi lẽ “giai cấp đó không bao giờ có thể có được một sở hữu ổn định » [4]. Engen đi đến kết luận cho rằng đằng sau cuộc đấu tranh của các đảng phái ẩn giấu cuộc đấu tranh của các giai cấp. Ông chỉ ra ba chính đảng hoạt động trên vũ đài chính trị của nước Anh bảo vệ lợi ích của các giai cấp khác nhau: đảng bảo thủ bảo vệ lợi ích của các chủ ruộng, đảng dân quyền là đảng của bọn tư sản công nghiệp, đảng dân chủ cấp tiến, tức phái hiến chương, là những người thể hiện lợi ích của giai cấp vô sản. Lập trường của ba đảng phái ấy bị quy định bởi lợi ích vật chất của các giai cấp mà họ đại diện. Thực ra, với tư cách là một người còn chưa hoàn toàn đoạn tuyệt với các quan điểm của phái Hegen trẻ, Engen cho rằng “cái gọi là những lợi ích vật chất không bao giờ có thể thể hiện ra trong lịch sử với tính cách những mục đích độc lập, chỉ đạo, nhưng bao giờ chúng cũng phục vụ một cách tự giác hay không tự giác, cho cái nguyên lý hướng dẫn các sợi chỉ của sự tiến bộ lịch sử"[5]. Lần đầu tiên phân tích các lợi ích vật chất — như Engen đã nhận thức, — quyết định sự phát triển lúc đầu ông cho rằng đây là hiện tượng đặc thù, riêng của nước Anh, là quan điểm của dân tộc Anh[6]. Tuy vậy, việc Engen thừa nhận rằng ở nước Anh không phải các nguyên lý, không phải các tư tưởng quyết định “các lợi ích", mà trái lại, bản thân các nguyên lý có thể phát triển được chỉ là từ các lợi ích, sự thừa nhận ấy là một khâu cực kỳ quan trọng trong sự hình thành quan niệm duy vật về lịch sử ở Engen. Trong các bài ấy lần đầu tiên Engen đề ra tư tưởng cách mạng xã hội. Từ những mâu thuẫn của sự phát triển công nghiệp của nước Anh ông rút ra kết luận nói rằng cách mạng ở nước này là không thể tránh được. Engen coi giai cấp vô sản Anh là người thực hiện cuộc cách mạng ấy. Ở nước Anh, lần đầu tiên Engen trực tiếp tiếp xúc với một phong trào công nhân phát triển. Phong trào hiến chương, theo sự nhận định của V. I. Lênin, là « một phong trào cách mạng vô sản rộng lớn đầu tiên, thực sự có tính chất quần chúng, mang hình thức chính trị »[7]. Engen đến nước Anh vào lúc nước đó đang còn chịu ấn tượng của cao trào lớn của phong trào Hiến chương, diễn ra vào mùa hạ năm 1842. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1841 — 1842 làm cho tình cảnh của người lao động trở nên tồi tệ hơn nhiều, đã góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh của công nhân Anh. Ở miền Bắc nước Anh, làn sóng các cuộc bãi công kinh tế dâng cao ; nó có quy mô đặc biệt to lớn ở Lankêsia. Thành phố công nghiệp Mansexto đã trở thành vũ đài của các trận chiến đấu giai cấp gay gắt. Tham gia vào đấu tranh, phái Hiến chương đã cổ đem lại cho các cuộc bãi công một tính chất chính trị ; giống như trong những năm 1838 – 1839, một nhiệm vụ lại được đặt ra trước công nhân: đấu tranh đòi nghị viện thông qua Hiến chương nhân dân. Phái Hiến chương đã triển khai việc cổ động để tuyên bố một cuộc tổng bãi công chính trị, cái gọi là « tháng thiêng liêng ». Song phong trào đã bị chính phủ đè bẹp bằng lực lượng vũ trang. Tại Mansextơ nơi ông đã đến ở vào tháng Chạp 1842 — làm quen với những người trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh, Engen đã có một quan niệm hoàn toàn xác định về tính chất của những trận chiến đấu giai cấp vừa qua. Trong các bài viết trên tờ « Rheinische Zeitung » ông đã đưa ra một nhận định tỉ mỉ về những sự kiện ấy. Những cuộc sôi động trong mùa hè qua, Engen viết, chỉ ra rằng những người vô sản Anh bắt đầu cảm thấy sức mạnh của mình. Song ông cũng nêu ra những mặt yếu của những cuộc đấu tranh ấy, những nguyên nhân thất bại của công nhân : đó là tình trạng chưa được chuẩn bị và không có tổ chức của họ, việc thiếu một sự lãnh đạo thống nhất và một mục đích rõ ràng. Theo ý kiến của ông, phái Hiến chương dẫn đầu phong trào quá muộn, vì thế khẩu hiệu của họ – giành lấy hiến chương nhân dân đã không thể thắng lợi. Nhận định tư tưởng “cách mạng bằng con đường hợp pháp » do phái Hiến chương nêu ra là "một sự mâu thuẫn, là không có khả năng thực tiễn" [8], Engen cho bài học quan trọng nhất của phong trào năm 1842 là “ý thức rằng làm cách mạng bằng con đường hòa bình là không thể được, và chỉ có dùng bạo lực lật đổ các quan hệ trái tự nhiên hiện tồn, triệt để lật nhào bọn thượng lưu quý tộc và công nghiệp mới có thể cải thiện được tình cảnh vật chất của những người vô sản »[9]. Năm bài viết từ Anh cũng là những bản tin cuối cùng của Engen gửi cho tờ « Rheinische Zeitung». Cuối năm 1842, báo này đã trở thành cơ quan chiến đấu của phái dân chủ - cách mạng, đã bị hai tầng kiểm duyệt, tháng Giêng 1843 một viên chức kiểm duyệt thứ ba nữa được chỉ định và chính phủ Phổ tuyên bố đóng cửa tờ báo kể từ ngày 1 tháng Tư. Cho đến giữa năm 1843 Engen không phát biểu trên báo chí. Giờ đây ông đã dành toàn bộ thời gian rỗi của mình cho việc nghiên cứu đời sống của giai cấp vô sản Anh. Mansextơ là trung tâm lớn nhất của Miền nam Lankêsia cái nôi của nền công nghiệp dệt nước Anh. Đây là một thành phố có hơn 400 nghìn người, với những mâu thuẫn xã hội nổi bật. Các khu phố công nhân chiếm phần lớn thành phố cũ với những đường phố nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo của nó ; cách đó không xa giai cấp tư sản trung lưu sống trên những phố thẳng tắp, rộng rãi; còn giai cấp đại tư sản thì chủ yếu sống trong những tòa nhà và biệt thự lộng lẫy ở ngoại ô. Sau khi làm hết những giờ quy định trong văn phòng đặt trên phố Xaotơghết, Engen đến các khu công nhân vào các buổi tối và các ngày chủ nhật, thăm những nơi ở tồi tàn của những người vô sản, trò chuyện với họ, hỏi họ về các điều kiện sống và lao động. Thường đi theo Engen có Mêri Bớcxơ, một cô gái Airolen, nữ công nhân của nhà máy mà Engen làm việc ở văn phòng. Cùng với Mêri, Engen thường đến các khu ở Mansextơ chủ yếu do công nhân Airơlen đến cư ngụ và được gọi là thành phố Airolen hay Tiểu bang Airơlen. Engen đã làm quen với Mêri Bớcxơ, một cô gái linh hoạt và hóm hỉnh, rất nhân hậu, vào năm 1843. Tình bạn của hai người dần dần chuyển thành một sự lưu luyến sâu sắc, thành tình yêu. Sau này Mêri Bớcxơ đã trở thành vợ Engen. Ít lâu sau, nhà thơ Đức Ghêoóc Vêéctơ đã trở thành người bạn đồng hành của Engen trong những lần đi thăm các khu công nhân ở Mansextơ. Engen làm quen với nhà thơ này vào tháng chạp 1843. Hồi đó Vêéctơ là nhân viên của một hãng buôn của Đức ở Brátfớt. Thỉnh thoảng Engen đến thăm Vêéctơ ở Brátfớt, còn Vêéctơ, về phía ông, cũng thường đến thăm Engen ở Mansextơ. Có xu hướng cách mạng, do ảnh hưởng của Engen, Vêéctơ cũng hết sức quan tâm đến cuộc sống và đấu tranh của giai cấp vô sản Anh. Sau này ông đã trở thành một trong những người bạn gần gũi nhất và chiến hữu của Engen và Mác. Trong bài tùy bút « Những người vô sản ở Anh », đăng năm 1845 trên tờ "Rheinische Jahrbücher", Vêéctơ viết về Engen hồi bấy giờ đang soạn cuốn « Tình cảnh giai cấp công nhân ở Anh » : “. Tôi ... sung sướng vì hiện nay một trong những đầu óc triết học kiệt xuất nhất của Đức đã cầm bút để viết một tác phẩm dày về cuộc sống của công nhân Anh ; đó sẽ là một tác phẩm vô giá. Dù thế nào đi nữa tác gia này cũng biết trình bày các sự kiện dưới ánh sáng thật của chúng giỏi hơn tôi; nhờ sống lâu ở Mansextơ — cái nôi của giai cấp vô sản – ông đã có nhiều dịp nghiên cứu công nhân hơn tôi..."[10] Trong suốt gần hai năm, Engen chăm chú quan sát cuộc sống của nhân dân Anh, tình cảnh và cuộc đấu tranh của công nhận. Ông hoàn toàn xa lạ với các quan điểm từ thiện thương cảm đối với giai cấp vô sản, quan điểm vốn có ở các nhà cải cách tư sản hay các nhà xã hội tiểu tư sản. Ông coi công nhân Anh không chỉ là giai cấp đang đau khổ mà còn là giai cấp đang chiến đấu, mà hoạt động cách mạng có thể quyết định vận mệnh của đất nước, Năm 1845, trong lời kêu gọi « Gửi giai cấp công nhân Anh» mở đầu cuốn «Tình cảnh giai cấp công nhân ở Anh», Engen đã có thể viết một cách hoàn toàn chính đáng rằng : “Tôi đã sống khá lâu giữa các bạn để biết được tình cảnh của các bạn. Tôi đã nghiên cứu tình cảnh ấy với một sự chú ý nghiêm túc nhất, đã xem xét các tài liệu chính thức và không chính thức khác nhau trong chừng mực tôi kiếm được chúng, nhưng tất cả điều đó không làm tôi thỏa mãn. Tôi tìm một cái gì lớn hơn là một sự hiểu biết trừu tượng về đối tượng, tôi muốn nhìn thấy các bạn ở trong nhà ở của các bạn, quan sát cuộc sống hàng ngày của các bạn, trò chuyện với các bạn về tình cảnh và những nhu cầu của các bạn, làm người chứng kiến cuộc đấu tranh của các bạn chống lại quyền lực chính trị và xã hội của những kẻ áp bức các bạn. Chính tôi đã làm như vậy đó. Tôi đã rời bỏ xã hội và những bữa yến tiệc, rượu Poóctô và rượu sâm-banh của giai cấp tư sản, và đã dành thì giờ rỗi của mình hầu như chỉ để giao tiếp với những người công nhân thực sự ; tôi vui sướng với điều đó và tự hào về điều đó... tự hào vì nhờ đó mà tôi đã có thể đánh giá một cách thích đáng giai cấp những người bị áp bức và bị vu khống...."[11] Khi nghiên cứu cuộc sống và đấu tranh của giai cấp vô sản Anh, Engen đã cố gắng xác lập những mối liên hệ cá nhân với những người tích cực tham gia cuộc đấu tranh ấy, đặc biệt là với phái Hiến chương. Ở Mansexto ông đã làm quen với một trong những nhà hoạt động xuất sắc của phong trào Hiến chương: Giêmxơ Litso. Xuất thân là cố nông, về sau Litsơ đã trở thành công nhân trong xưởng. Nhờ Litsơ, Engen biết được nhiều điều về hoạt động của đảng Hiến chương và cuộc sống của công nhân Anh. Cuốn sách nhỏ do Litsơ viết năm 1844 “Những sự thực không thể bác bỏ được về các công xưởng, do công nhân Mansexto cho biết » đã được Engen đánh giá và sử dụng nhiều trong cuốn "Tình cảnh giai cấp công nhân ở Anh». Engen là người thường xuyên tham gia các cuộc mít-tinh do phái Hiến chương tổ chức ở Mansextơ, là người đặt mua đều đặn các báo và tạp chí của phái Hiến chương. Nhằm kiến lập sự tiếp xúc cá nhân với các thủ lĩnh cách mạng của phong trào Hiến chương, mùa hạ năm 1843 Engen đã đi Litxơ, nơi đóng trụ sở của ban biên tập cơ quan chủ yếu của phái Hiến chương — tờ báo « Northern Star ». Tại đây ông đã làm quen với Gioócgiơ Giulian Hacni, một trong những đại biểu xuất sắc của cánh cách mạng trong phong trào Hiến chương. Sau này khi nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên với Engen, Hácni đã viết :«Chuyện đó xảy ra vào năm 1843 khi Engen từ Bratfớt đến Lítxơ và tìm tôi ở tòa soạn báo « Northern Star ». Đó là một thanh niên cao, đẹp trai, với khuôn mặt hầu như trẻ con. Mặc dù nguồn gốc Đức và có nền học vấn Đức, nhưng tiếng Anh của ông ngay lúc ấy cũng không thể chê trách được. Ông nói với tôi rằng ông thường xuyên đọc báo « Northern Star » và rất quan tâm đến phong trào Hiến chương. Tình bạn của chúng tôi bắt đầu như vậy cách đây hơn năm mươi năm"[12] Từ năm 1843 Engen tích cực cộng tác với báo chí của phái Hiện chương. Ông có quyền xem mình là thành viên của đảng Hiến chương và trên thực tế là người hoạt động tích cực cho đảng ấy. Engen cũng đã đặt quan hệ với các nhà xã hội chủ nghĩa - những học trò của nhà xã hội không tưởng vĩ đại Anh Rôbớc Ôoen. Trong số đó có Jôn Uốtxơ, thợ máy và tiến sĩ triết học »[13], thủ lĩnh lúc bấy giờ của phái xã hội chủ nghĩa ở Mansextơ. Rõ ràng là, nhờ có Uốtxơ, Engen đã tìm hiểu được rõ hơn hoạt động của phái Ôoen. Ông thường xuyên đến các cuộc họp của họ tổ chức vào ngày chủ nhật trong Hội trường khoa học lớn ở Mansexto ; quan tâm đến công tác tuyên truyền chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa xã hội của họ. Sự tìm hiều rõ hơn phong trào Hiến chương và công tác cổ động cho chủ nghĩa xã hội ở Anh đã cho phép Engen trong “Những bức thư từ Luân-đôn» (do ông viết vào tháng Năm tháng Sáu 1843 cho tờ tạp chí tiến bộ « Schweizerischer Republikaner » xuất bản ở Txuyrích) xác định vai trò của phong trào ấy trong đời sống nước Anh một cách sâu sắc hơn so với điều ông đã có thể làm trước đây trong các bài đầu tiên viết về nước Anh. Ông nhận định rằng phong trào Hiến chương “lấy sức mạnh của nó từ trong công nhân, trong những người vô sản »[14] nó sẽ có những thành công lớn, ảnh hưởng của « Hội Hiến chương toàn quốc» trong quần chúng công nhân sẽ tăng lên, hội này đang trở thành một thế lực mạnh mẽ chống lại các tổ chức khác nhau của giai cấp tư sản. Engen đánh giá rất cao hoạt động của các nhà xã hội chủ nghĩa là những người « đã làm nhiều không thể tưởng được để khai sáng các giai cấp lao động ở nước Anh.[15] Ông cho rằng công lao to lớn của những nhà xã hội chủ nghĩa ở Anh là tuyên truyền trong công nhân những tư tưởng của triết học khai sáng Pháp thế kỷ XVIII, các tác phẩm của Rútxô, Hônbách, Vônte. «Những bức thư từ Luân-đôn» chứng tỏ rằng nửa năm Engen sống ở Anh không trôi đi vô ích. Chúng đánh dấu bước tiến tiếp theo của Engen trên con đường hình thành thế giới quan duy vật và cộng sản - cách mạng. « Những bức thư từ Luân-đôn» cũng là cái mốc quan trọng trong sự phát triển chính trị của Engen, trong nhận thức của ông về cơ chế và động lực của đấu tranh giai cấp. Tiếp xúc với phái Hiến chương và những người xã hội chủ nghĩa ở Anh, Engen đã khám phá ra rằng họ biết rất ít về phong trào xã hội đang triển khai ở các nước trên lục địa châu Âu. Vì bản thân ông lúc đó hết sức quan tâm đến vấn đề này và chú ý theo dõi sự phát triển của phong trào cộng sản chủ nghĩa trong các nước khác ở châu Âu, nên ông có ý định giới thiệu với phái Hiến chương và phải Ooen những khuynh hướng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa ở Pháp, Thụy sĩ và Đức. Với mục đích ấy, ông đã viết bài « Những thành tựu của cuộc vận động cải tạo xã hội trên lục địa», đăng vào tháng Mười một 1843 trên cơ quan của những người xã hội chủ nghĩa Anh, to «New Moral World ». Engen mở đầu bài viết bằng một kết luận kết sức quan trọng mà ông đã rút ra từ việc nghiên cứu phong trào xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa ở các nước châu Âu : “.. Ba nước văn minh lớn của châu Âu – Anh, Pháp và Đức – đã đi đến kết luận rằng cuộc cách mạng triệt để trong cơ cấu xã hội, mà cơ sở là chế độ sở hữu tập thể, giờ đây đã trở thành một tất yếu bức bách và không thể tránh được... Sự thực ấy chứng minh một cách không thể bác bỏ được rằng chủ nghĩa cộng sản không phải là hậu quả của hoàn cảnh đặc biệt của nước Anh hay của một nước nào khác, mà là kết luận tất yếu, nhất thiết phải toát ra từ các tiền đề nằm trong những điều kiện chung của nền văn minh hiện đại »[16]. Vì thế, Engen nói, cần phải làm sao để các đại biểu tiên tiến của ba nước xác lập được sự hiểu biết lẫn nhau và làm rõ xem họ đồng ý với nhau và bất đồng với nhau trên những điềm gì. Nhận xét về sự phát triển của các tư tưởng cộng sản chủ nghĩa ở Pháp, Thụy sĩ và Đức, Engen nêu ra không chỉ những mặt tích cực của các trường phái khác nhau của chủ nghĩa xã hội không tưởng và chủ nghĩa cộng sản, mà còn nêu cả những thiếu sót của chúng làm cho nhiều trào lưu trong số đó không tồn tại lâu dài được. Engen đã theo dõi lịch sử của các tư tưởng cộng sản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa ở Pháp, kể từ Grắc Babớp cho đến các học thuyết của Hăngri Xanh Ximông, Sáclo Furiê, Echiên Cabê. Ông cho điểm yếu của học thuyết Xanh Ximông là cái vỏ thần bí của nó, cũng như nhược điểm của các nguyên lý kinh tế của nó. Engen đặt học thuyết của Furiê cao hơn học thuyết Xanh Ximông nhiều. Công lao to lớn nhất của Furiê, theo ông, là đã xây dựng một triết học xã hội mà bộ phận quan trọng nhất của nó là lý luận về lao động tự do. Đồng thời Furiê không triệt để trong việc giải quyết vấn đề tư hữu. Khi nhận định về các học thuyết của Xanh Ximông và Furiê, Engen nêu tính vô chính trị của chúng, xem đó là nhược điểm lớn của cả hai học thuyết ấy. “Xanh Ximông và Furiê hoàn toàn không đề cập đến vấn đề lĩnh vực chính trị, ông viết, — và vì vậy những kế hoạch của họ vẫn chỉ là đối tượng thảo luận của tư nhân và không trở thành tài sản chung của cả nước »[17]. Engen đánh giá cao cuốn sách của nhà xã hội tiểu tư sản Pháp P. G. Pruđông «Sở hữu là gì ? »; ông nêu giá trị của sự phân tích về quyền tư hữu và những hệ quả nảy sinh từ quyền ấy - cạnh tranh, tình trạng vô đạo đức và nạn bần cùng. Thực ra, sau đó ít lâu, khi bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về kinh tế chính trị học, Engen đã hiểu được tính chất tiểu tư sản của sự phê phán của Pruđông đối với xã hội tư bản chủ nghĩa, tính chất không tưởng của những cải cách cách mạng giả hiệu của ông ta. Engen chú ý nhiều đến tình hình ở Đức và Thụy sĩ, đặc biệt là hoạt động của nhà xã hội không tưởng Vaitolinh, người được gọi là « nhà sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản Đức»[18]. Engen cũng viết về chủ nghĩa cộng sản triết học của phái Hêgen trẻ, mà theo ông, đó là “hậu quả tất yếu của triết học của phái Hêgen mới [19]; và ông nhận xét ngay từ mùa thu năm 1842 một số người trong phái Hegen trẻ « đã đi đến kết luận rằng chỉ độc có những biến đổi chính trị thì không đủ, và đã tuyên bố chỉ trong cuộc cách mạng xã hội dựa trên chế độ sở hữu tập thể, mới thiết lập được một chế độ xã hội đáp ứng những nguyên lý trừu tượng của họ » [20]. Ông liệt Hetxơ, Ruge, Hecvếch, Mác và bản thân ông vào số những người tán thành chủ nghĩa cộng sản ở Đức. Một số tư tưởng trong bài « Những thành tựu của cuộc vận động cải tạo xã hội trên lục địa» chứng tỏ lúc đó Engen còn chưa hoàn toàn thoát khỏi những quan niệm không tưởng, rõ ràng ông đã phóng đại ảnh hưởng của triết học của những nhà khai sáng, của những lý tưởng tiến bộ của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không tưởng đối với các đại biểu của bộ phận có học thức trong các giai cấp có của ở Đức, khi cho rằng vì « các nguyên lý » họ có thể xem nhẹ các lợi ích vật chất, Các nhà xã hội chủ nghĩa Anh và phái Hiến chương đã hoan nghênh bài báo của Engen. Dưới dạng ít nhiều rút gọn, tờ « Northern Star » đã đăng lại bài đó vào năm 1843. Flêminh, biên tập viên tờ «New Moral World », đánh giá cao bài báo ấy ; tại cuộc mít-tinh dân chủ quốc tế, tổ chức nhân dịp Vaitơlinh đến Luân-đôn năm 1844, ông ta đã tuyên bố : « Bạn đọc Anh lần đầu tiên nhận được những tin tức về nhà cải cách này nhờ tờ « New Moral World », vào cuối năm ngoái trên tờ báo này đã xuất hiện một loạt bài viết rất tốt của một người Đức trẻ tuổi sống trên đất nước chúng tôi — dưới đầu đề “Chủ nghĩa xã hội lục địa »... Bài báo đã gây ra ở nước Anh một sự quan tâm sâu sắc đến phong trào này... và đến số phận của người đề xướng và lãnh tụ dũng cảm và hy sinh quên mình của nó, Vaitơlinh»[21] Mùa xuân 1843, hình như vào tháng Năm, ở Luân-đôn Engen đến làm quen với các nhà lãnh đạo tổ chức bí mật của những công nhân cộng sản Đức – Liên đoàn những người chính nghĩa. Đó là Các Sappơ, thợ sắp chữ ; Hen- rich Bauơ, thợ đóng giày và Giôxif Môlơ, thợ đồng hồ. Sau này Engen viết : « Tôi đã quen với tất cả ba người ở Luân-đôn vào năm 1843 ; đây là những người vô sản cách mạng đầu tiên mà tôi đã gặp. Và dù quan điểm của chúng tôi lúc đó bất đồng về chi tiết, — bởi lẽ để đối lập lại với chủ nghĩa cộng sản bình quân hạn chế của họ hồi bấy giờ tôi còn đưa ra một liều không ít cái tính ngạo mạn triết học, cũng hạn chế như vậy, — nhưng tôi cũng sẽ không bao giờ quên được cái ấn tượng mạnh mẽ mà ba con người chân chính ấy đã để lại trong tôi chính vào lúc bản thân tôi chỉ mới muốn trở thành một con người»[22]. Ngay trong buổi gặp gỡ đầu tiên ấy, các nhà lãnh đạo Liên đoàn những người chính nghĩa đã đề nghị Engen gia nhập Liên đoàn. Song do có những bất đồng căn bản về quan điểm với họ, ông đã từ chối đề nghị ấy. Engen không tán thành những tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản bình quân mà các thành viên của Liên đoàn vẫn bảo vệ. Đồng thời ông không ủng hộ các phương pháp hoạt động có tính chất âm mưu của tổ chức này. [1] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. 39, tr. 391. [2] V.I. Lênin. Toàn tập, t. 2, tr. 9. [3] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. I, tr. 501. [4] Sđd. [5] Sđd, tr. 499 [6] Sđd, tr. 498 [7] .I. Lênin. Toàn tập, t. 38, tr. 305. [8] Xem: C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. I, tr. 502. [9] Sđd, tr. 502-503. [10] G. Vêéctơ. Tuyển tập, M. 1953, tr. 302. [11] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. 2, tr. 235. [12] Hồi ức về Mác và Engen, tr. 192. [13] Xem: C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. 3, tr. 199. 2. [14] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. I, tr. 512. [15] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. I, tr. 520. [16] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. I, tr. 525. [17] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. 1, tr. 529. [18] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. 1, tr. 535. [19] Sđd, tr. 539. [20] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. I, tr. 539. [21] The New Moral World » N° 14, 1844, p. 110. [22] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. 21, tr. 216. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC