BỘ QUY TẮC NGHIÊN CỨU SỰ KIỆN XÃ HỘI CỦA ÉMILE DURKHEIM
ĐINH HỒNG PHÚC
(Khoa Lý luận Chính trị,
trường Đại học Thủ Dầu Một)
Nhà triết học và xã hội học người Pháp Émille Durkheim (1858-1917) được mặc nhiên thừa nhận là “người cha sáng lập” của ngành xã hội học. Sự nghiệp của ông, nói theo Gaston Bouthol, là “một cố gắng to lớn về mặt học thuyết giúp cho xã hội học cùng lúc thoát khỏi thần học lẫn triết học và chính trị”, trang bị cho nó đối tượng riêng và những phương pháp đúng là khoa học.[1] Cái “bí kíp” tạo dựng nên sự nghiệp này đã được Durkheim “tiết lộ” trong công trình Các quy tắc của phương pháp xã hội học (1895)[2] của ông.
Đối với Durkheim, xã hội học là bộ môn khoa học nghiên cứu về các “sự kiện xã hội” (fait social). Ông nêu ra định nghĩa về đối tượng này như sau: “Sự kiện xã hội là bất cứ phương cách hành động nào, […], có khả năng tác động lên cá nhân một sự cưỡng chế ngoại tại” (tr. 106). Có hai đặc điểm nổi bật để ta có thể nhận diện một hiện tượng nào đó là sự kiện xã hội: thứ nhất, hiện tượng ấy “nằm bên ngoài ý thức cá nhân” của bất cứ ai trong chúng ta, tức là nó có tính khách quan, tồn tại độc lập với ý muốn của ta; và thứ hai, hiện tượng ấy áp đặt lên chúng ta một sự cưỡng chế nhất định. Durkheim đưa ra cho chúng ta nhiều trường hợp minh họa về đặc điểm “cưỡng chế” của sự kiện xã hội như: mọi hành vi phạm luật đều nhận một hình phạt tương ứng, mọi cách ăn mặc trái với quy ước của cộng đồng đều bị chê cười, mọi hoạt động sản xuất công nghiệp không theo công nghệ và quy trình phù hợp ắt sẽ bị thất bại, v.v..
Để nghiên cứu sự kiện xã hội, ta phải đi theo lộ trình làm việc của bộ quy tắc do Durkheim đề ra. Trước hết, “quy tắc đầu tiên và nền tảng nhất là xem xét các sự kiện xã hội như là những sự vật” (tr. 107). Khái niệm “sự vật” [hay “đồ vật”] (choses) Durkheim nói ở đây là những thực tại đang tồn tại trước mắt chúng ta và được chúng ta quan sát một cách khách quan. Nhưng ông cũng lưu ý, việc xem xét sự kiện xã hội như là những sự vật không có nghĩa là ta xem các sự kiện ấy là những sự vật vật chất, mà là “những sự vật xét trên cùng bình diện như những sự vật vật chất” (tr. 58). Từ nguyên tắc nền tảng này, Durkheim nêu ba quy tắc để quan sát sự vật: thứ nhất, khi quan sát các sự kiện xã hội, ta phải loại bỏ mọi ý niệm có sẵn trong đầu ta (các tiền niệm) để kết quả quan sát trở nên có tính khách quan; thứ hai, “đối tượng nghiên cứu bao giờ cũng chỉ là một nhóm các hiện tượng đã được định nghĩa trước đó bằng những đặc điểm bề ngoài nào đó chung cho chúng và tất cả những hiện tượng nào tương ứng với định nghĩa ấy đều phải được gộp vào trong nhóm này” (tr. 140-1); và thứ ba, khi ta tiến hành khảo sát một loại sự kiện xã hội nào, ta phải cố gắng xem xét nó trong trạng thái độc lập với các biểu hiện cá biệt của nó.
Trong khi quan sát một sự kiện xã hội, ta phải phân biệt hiện tượng bình thường và hiện tượng bệnh lý nơi đối tượng, bởi lẽ “mục đích chính của bất cứ bộ môn khoa học nào về đời sống, [..], là định nghĩa trạng thái bình thường, giải thích trạng thái ấy” (tr. 202). Có hai đặc điểm để ta có thể nhận biết một sự kiện nào đó là “bình thường” (normal): 1) trạng thái của sự kiện ấy (sức khỏe hoặc bệnh tật, lành mạnh hoặc bệnh hoạn) phải là hình thức phổ biến, tức tồn tại cố hữu nơi tất cả các sự vật cùng loại; và 2) đó là những trạng thái có ích, tức “một nhân tố của trạng thái sức khỏe xã hội” (tr. 190). Ví dụ, hành vi tội phạm là một hiện tượng bình thường, bởi lẽ “một xã hội không có tội phạm là điều tuyệt đối không thể có” (tr. 191), và có ích ở chỗ nó “cần thiết cho sự tiến hóa bình thường của luân lý và luật pháp” (tr. 196). Durkhiem đề ra ba quy tắc để phân biệt hai loại hiện tượng (hay trạng thái) này: một là, “một sự kiện xã hội là bình thường đối với một loại hình xã hội nhất định, được xét ở một thời kỳ nhất định trong sự phát triển của nó, khi nó xảy ra trong những xã hội trung bình thuộc loại đó, được xét ở thời kỳ tương ứng với sự tiến hóa của những xã hội ấy” (tr. 186); hai là, “ta có thể kiểm tra những kết quả của phương pháp trên bằng cách chỉ ra rằng tính phổ biến của hiện tượng gắn với những điều kiện phổ biến của đời sống tập thể trong loại hình xã hội được xét” (tr. 187); ba là, ta cần phải kiểm chứng sự kiện này khi nó có quan hệ với một kiểu loại xã hội còn chưa hoàn tất toàn bộ diễn trình tiến hóa của mình (tr. 187).
Một sự kiện được xem là bình thường hay không bình thường lại liên quan đến một kiểu loại xã hội nhất định. Theo Durkheim, chính ý niệm về kiểu loại (espèce) giúp công việc giải thích sự kiện xã hội của chúng ta tránh được sự cực đoan như lối giải thích duy danh luận của các sử gia, chỉ xác nhận phương diện tính đa dạng của sự kiện, và lối giải thích duy thực luận của các triết gia, chỉ xác nhận phương diện tính thống nhất của sự kiện, bởi lẽ, ý niệm này bao hàm trong nó cả hai phương diện nói trên. Để cấu tạo ra kiểu loại xã hội phục vụ cho việc giải thích, ta tiến hành theo quy tắc sau: “Ta bắt đầu bằng việc phân loại các xã hội căn cứ theo mức độ cấu tạo mà chúng thể hiện, lấy xã hội hoàn toàn đơn giản hay xã hội đơn nhánh làm cơ sở; trong các loại (classes) đó, ta sẽ phân biệt các biến thể khác nhau tùy vào việc các nhánh ban đầu có chắp dính hoàn toàn với nhau hay không” (tr. 221).
Sau khi đã phân loại được các sự kiện, ta bắt đầu tiến hành công việc giải thích chúng. Theo Durkheim, việc giải thích đầy đủ một sự kiện xã hội được tiến hành theo trình tự: trước là đi tìm “nguyên nhân tác động gây ra hiện tượng ấy”, sau khi tìm được nguyên nhân rồi, ta sẽ tìm “chức năng mà hiện tượng ấy thực hiện” trong xã hội. Ý niệm “chức năng” được nói ở đây là “chức năng xã hội” của một sự kiện, nghĩa là “chức năng ấy thể hiện ở chỗ sản sinh ra những tác động hữu ích về mặt xã hội” (tr. 258). Quy tắc hướng dẫn việc đi tìm nguyên nhân được Durkheim phát biểu “Nguyên nhân quyết định của một sự kiện xã hội phải được tìm trong các sự kiện xã hội trước đó, chứ không phải trong các trạng thái ý thức cá nhân” (tr. 257); còn việc xác định chức năng thì theo quy tắc: “Chức năng của một sự kiện xã hội bao giờ cũng phải được tìm trong mối quan hệ của nó với mục đích xã hội nào đó” (tr. 258).
Công đoạn cuối cùng của việc nghiên cứu sự kiện xã hội là trình bày những luận cứ chứng minh sự kiện ấy. Ở công đoạn này, chúng ta chỉ có một phương tiện duy nhất là phương pháp thí nghiệm gián tiếp, hay so sánh, tức là khi tạo ra các sự kiện, ta phải làm sao để “các sự kiện không theo sự sắp đặt của chúng ta và chúng ta chỉ có thể mang chúng lại gần nhau sao cho chúng được tạo ra một cách tự phát” (tr. 281). Theo Durkheim, phương pháp so sánh này chỉ đúng đắn khi nó phục tùng quy tắc sau: “Một kết quả nào đó luôn có một nguyên nhân tương ứng” (tr. 287). Điều lưu ý là, không phải bất cứ lối so sánh nào cũng phù hợp với phương pháp xã hội học, mà chỉ có phương pháp biến thiên tương quan [méthode des variations concomitantes] mới có giá trị hiệu lực trong việc chứng minh, bởi lẽ nó giúp nhà xã hội học giới hạn được phạm vi nghiên cứu của mình, kiểm soát được các sự kiện một cách chặt chẽ và xử lý chúng một cách có phê phán.
Với các bộ quy tắc nói trên, Durkheim đã xác lập được tính tự trị của xã hội học với tính cách là một bộ môn khoa học. Tính tự trị ấy thể hiện ở ba đặc điểm: thứ nhất, xã hội học là bộ môn độc lập với mọi học thuyết triết học, nghĩa là để khẳng định sự tồn tại chính đáng của mình, “xã hội học không cần phải đứng về phía nào giữa các giả thuyết lớn đang phân chia các nhà siêu hình học. Nó cũng không khẳng định tự do hơn tất định luận. Nó chỉ đòi hỏi người ta một điều là nguyên tắc nhân quả được áp dụng cho các hiện tượng xã hội” (tr. 306); thứ hai, phương pháp xã hội học mang tính khách quan, theo nghĩa các sự kiện xã hội là những sự vật và phải được xem xét như là những sự vật; và cuối cùng, phương pháp khách quan này chỉ có ở môn xã hội học mà thôi.
Trên đây là phần giới thiệu sơ lược những nét chính về bộ quy tắc nghiên cứu sự kiện xã hội trong công trình Các quy tắc phương pháp xã hội học của Durkheim. Cuốn sách này không chỉ quan trọng đối với chúng ta ở chỗ nó chỉ chúng ta biết cách đi vào thế giới tư tưởng của ông, mà còn quan trọng đối với bản thân bộ môn xã hội học, bởi nó đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử phát triển của bộ môn này: thời kỳ của lối nghiên cứu duy lý thực nghiệm.
Nguồn: Đinh Hồng Phúc. “Bộ quy tắc nghiên cứu sự kiện xã hội của Émile Durkheim”. Bản tin Xã hội Nhân Văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐHQG-HCM, số 44, trang 21-23.
Bản đăng trên triethoc.edu.vn có sửa vài chỗ so với bản gốc trên Bản tin Xã hội Nhân văn.
[1] Trích dẫn theo Laurent Mucchielli. Huyền thoại và lịch sử các khoa học nhân văn. Vũ Hoàng Địch dịch. Hà Nội: Nxb. Thế giới, 2006.
[2] Émile Durkheim. Các quy tắc của phương pháp xã hội học. Đinh Hồng Phúc dịch. Hà Nội: Nxb. Tri thức, 2012.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC