CÂU HỎI 109 NHÂN ĐỨC CHÂN LÝ
Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. Quyển II, Phần 2, Tập 5: "Nhân đức xã hội và đức can đảm" (Từ câu hỏi 109 đến câu hỏi 140). Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch, Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính. | Xem bản dịch tiếng Anh
1. Chân lý là một nhân đức? 2. Nó là một nhân đức đặc biệt? 3. Nó tham dự vào nhân đức công bình? 4. Nó phải giảm bớt hơn là phóng đại?
Tiết 1 CHÂN LÝ LÀ MỘT NHÂN ĐỨC?
VẤN NẠN: Xem ra chân lý không phải là một nhân đức. 1. Nhân đức thứ nhất trong các nhân đức là nhân đức tin; mà nhân đức tin có chân lý là đối tượng. Vậy, bởi vì đối tượng có trước tập quán và hành động, xem ra chân lý là cái gì có trước nhân đức. 2. Như Triết gia đã nói (Eth. 4,7), điều này thuộc về chân lý là người ta nói về mình, điều mình đang có, không hơn không kém. Mà điều đó không phải luôn luôn đáng được ca ngợi, cũng không liên hệ đến điều tốt, vì người ta đọc thấy trong sách Cách ngôn (27, 2): “Hãy để kẻ khác khen ngợi con, chứ không phải miệng con”; cũng không liên hệ với điều xấu, vì người ta đọc thấy lời phê bình trong sách tiên tri Isaia (3, 9): “Và như Sôđôma, chúng đi rao tội chúng không còn giấu giếm, khốn cho chúng!” Vậy chân lý không phải là một nhân đức. 3. Mỗi nhân đức là nhân đức đối thần, hoặc trí đức, hoặc luân đức. Mà chân lý không phải là một nhân đức đối thần, vì nó có đối tượng không phải là Thiên Chúa nhưng là các công việc trần gian. Quả thế, Cicéron đã nói (Rhet. 2, 53). “Chân lý , nói lên cái gì đang có, đã có, hoặc sẽ có mà không thay đổi cái gì ở đó.” Nó không tham dự vào các trí đức; nó là mục đích của các trí đức. Và nó không phải là một luân đức, bởi vì nó không cốt tại điểm trung dung giữa sự thái quá và bởi vì người ta càng nói thật, điều đó càng giá trị hơn. TRÁI LẠI: Triết gia (Eth. 4,7) đặt chân lý trong số các nhân đức. TRẢ LỜI: Từ ngữ chân lý có thể có hai ý nghĩa. Trong ý nghĩa thứ nhất, đó là cái gì làm cho người ta nói về một sự vật nó là thật. Theo ý nghĩa này, nó không phải là một nhân đức, nhưng là đối tượng hoặc mục đích của nhân đức. Thực thế, nó không phải là một loại tập quán, nhưng là một sự bằng nhau nào đó ở giữa trí năng hoặc dấu hiệu thuộc về trí năng và thực tại được hiểu biết và được biểu thị, hoặc còn ở giữa một sự vật với quy tắc của nó hay kiểu mẫu của nó, như chúng ta đã minh chứng điều đó ở Quyển thứ nhất (Q.16, a.1 và 2). Theo ý nghĩa thứ hai, đó là cái gì làm cho con người nói lên chân lý, và đó là cái gì làm cho người ta nói về con người này là họ thành thực. Được định nghĩa như vậy, chân lý một cách rõ ràng là một nhân đức: bởi vì, việc nói cái gì có thực là một hành động tốt, nhưng chính nhân đức làm tốt lành kẻ chiếm hữu nó và làm cho công việc của họ trở nên tốt lành. GIẢI ĐÁP: 1. Người ta đề cập đến ở đây nhân đức hiểu ở nghĩa thứ nhất. 2. Việc nói về mình, trong mức độ người ta nói điều thật, là một sự tốt lành, nhưng bằng một thiện tính tổng quát không đủ để biến điều đó thành hành động của nhân đức, còn phải có điều này là mọi hoàn cảnh phải là điều chúng nó phải có; cách khác; hành động sẽ trở nên xấu. Như vậy, có hành động xấu, khi không có lý do chính đáng người ta tự ngợi khen mình cho dầu điều đó có thật. Cũng có như vậy khi người ta công khai hóa sự xấu người ta đã làm, hoặc vì tính khoác lác, hoặc bởi vì sự biểu lộ như thế không đem lại ích lợi gì cả. 3. Kẻ nói sự thật, sử dụng một số dấu hiệu phù hợp với cái thực tại: các từ ngữ, các bộ điệu và các sự vật khác bên ngoài. Mà chỉ các luân đức mới sắp đặt sự sử dụng các sự vật này, như chính sự sử dụng các chi thể của chúng ta theo mức độ chúng tùng phục ý chí. Vậy chân lý không phải là nhân đức đối thần, không phải là một trí đức, nhưng là một luân đức. Nó nắm lấy điểm trung dung ở giữa sự thái quá và sự khiếm khuyết theo hai thể cách. Thứ nhất, với đối tượng bởi vì sự thật theo chính bản tính của mình, bao hàm một sự bằng nhau nào đó; và như vậy, cũng như tất cả cái gì bằng nhau với một cái khác, nó đứng ở giữa cái nhiều quá và cái ít quá. Như thế, kẻ nói sự thật về mình nắm lấy điểm trung dung ở, giữa người phóng đại và người giảm bớt. Thứ đến, với hành động nó nắm lấy điểm trung dung trong cái điều nó nói sự thật khi phải nói và như phải nó. Ở đây, sự thái quá cốt tại việc nói về mình trong khi người ta phải thinh lặng; sự khiếm khuyết cốt tại việc thinh lặng khi người ta phải nói.
Tiết 2 CHÂN LÝ LÀ MỘT NHÂN ĐỨC ĐẶC BIỆT?
VẤN NẠN: Xem ra không phải như vậy. 1. Sự thật và sự tốt đổi nhau được. Mà thiện tính không phải là một nhân đức đặc biệt; hoàn toàn trái lại, mọi nhân đức là thiện tính bởi vì nó làm trở nên tốt kẻ chiếm hữu nó. 2. Việc biểu lộ cái gì thuộc về con người là hành động của chân lý mà chúng ta đang đề cập đến. Mà điều đó là việc làm của mọi nhân đức, vì mọi tập quán nhân đức biểu lộ mình do hành động riêng của mình. 3. Người ta gọi chân lý của đời sống là một hạnh kiểm ngay thẳng. Chính về điều đó mà tiên tri Êdêkien (Ed 38,3) nói: “Lạy Chúa, xin Chúa nhớ rằng tôi sống theo chân lý và tâm hồn chính trực.” Mà tất cả mọi nhân đức làm cho người ta sống theo chân lý như người ta đã trông thấy điều đó qua lời định nghĩa của nhân đức đã đưa ra ở trước (I-II, Q.55, a.4). 4. Chân lý xem ra đồng nhất với đơn giản tính, vì cả hai chúng nó đối lập với sự giả vờ. Mà đơn giản tính không phải là một nhân đức đặc biệt, vì nó tạo nên ý hưởng ngay thẳng cần phải có cho mọi nhân đức. TRÁI LẠI: Triết gia (Eth. 2,7) kể chân lý với các nhân đức khác. TRẢ LỜI: Nhân đức có chức phận làm cho trở nên tốt hành vi nhân linh. Như vậy, khi người ta gặp thấy trong một hành vi yếu tính đặc biệt của thiện tính, một cách tất yếu ở đó phải có một nhân đức đặc biệt sắp đặt. Và bởi vì trật tự, theo thánh Augustinô (De Nat. Bon. 3,42), là một yếu tố trong các yếu tố của sự tốt; do đó mà một yếu tính đặc biệt của thiện tính phát xuất từ một trật tự nhất định. Mà, điều này là một tiêu thức đặc biệt là các lời nói và các hành động phù hợp với thực tại được chúng nó biểu thị, như dấu hiệu phù hợp với sự vật được biểu thị; và nhân đức chân lý có chức phận kiện toàn con người ở điểm này, Vậy một cách rõ ràng nó là một nhân đức đặc biệt. GIẢI ĐÁP: 1. Có khả hoán tính giữa sự thật và sự tốt do chủ thể mà ở nơi đó chúng nó gặp nhau: tất cả cái gì thật thì tốt, tất cả cái gì tốt thì thật. Mà theo yếu tính riêng của chúng nó, chúng nó vượt qua lẫn nhau. Điều đó thể hiện nơi chúng nó như ở nơi trí năng và ý chí thấu nhập lẫn nhau và vượt qua nhau, bởi vì trí năng hiểu biết ý chí và nhiều sự vật khác; ý chí ước muốn sự tốt của trí năng và nhiều sự tốt khác. Như vậy sự thật, theo yếu tính riêng của nó về sự hoàn hảo của trí năng, là sự tốt đặc thùtrong tư cách nó là thực tại đáng ước muốn. Sự tốt, cũng vậy, theo yếu tính riêng của mình, tùy theo nó là mục đích của thị dục, làm một cái gì thuộc về sự thật trong tư cách nó khả niệm. Vậy, bởi vì nhận đức bao hàm khái niệm của sự tốt, chân lý có thể là một nhắn đức đặc biệt, như sự thật là sự tốt đặc biệt. Trái lại, thiện tính không thể có điều đó, bởi vì theo yếu tính riêng của mình, nó là một giống mà nhân đức là một loại của nó. 2. Các tập quán của các nhân đức và của các tật xấu được phân loại do đối tượng mà chúng nó đưa ra cho mình cách nguyên thường, chứ không phải do cái gì thuộc thể ngoài ý hướng của chúng nó. Người ta nói về mình, bởi vì người ta muốn làm cho kẻ khác hiểu biết mình: vậy đó là hành động của nhân đức chân lý; các nhân đức khác có thể làm cho kẻ khác hiểu biết chúng ta nhưng không có ý định này cách trực tiếp và trước tiên. Con người hùng dũng muốn thi hành hành động hùng dũng; còn việc do hành động của mình, họ biểu lộ tính hùng dũng hiện hữu ở nơi họ, đó là một hậu quả mà họ không nhắm cách chủ yếu. 3. Người ta nói đến chân lý của đời sống, người ta đề cập đến chân lý mà do đó một cái gì thật, chứ không phải về chân lý mà do đó một người nào nói thật. Cũng như tất cả mọi sự vật khác, sự sống được nói là thật, khi nó phù hợp với cái gì là nguyên tắc của mình và là chừng mực của mình, nghĩa là phù hợp với luật Thiên Chúa: sự phù hợp này đem lại cho nó sự ngay thẳng của nó. Chân lý như vậy, sự ngay thẳng như vậy thì chung cho tất cả mọi nhân đức. 4. Đơn giản tính đối lập với sự hai lòng, sự tráo trở. Có hai lòng, đó là có một sự vật trong tưtưởng và biểu lộ ra sự vật khác. Theo ý nghĩa này, đơn giản tính quy về chân lý. Nó làm cho ý hướng ngay thẳng, không phải cách trực tiếp bởi vì đó là chức phận của mọi nhân đức, nhưng bằng cách trục xuất sự hai lòng mà ở đó người ta đặt ra trước mặt một sự vật khác với điều người ta muốn thực sự.
Tiết 3 NHÂN ĐỨC CHÂN LÝ THAM DỰ VÀO NHÂN ĐỨC CÔNG BÌNH?
VẤN NẠN: Xem ra không có như vậy. 1. Điều riêng của nhân đức công bình là trả lại cho người khác điều mắc nợ với họ. Mà khi người ta nói ra chân lý, người ta không trả lại cho kẻ khác điều mắc nợ với họ như người ta làm điều đó trong tất cả mọi phần của nhân đức công bình chúng ta mới nghiên cứu. Vậy nhân đức chân lý không tham dự vào nhân đức công bình. 2. Nhân đức chân lý lệ thuộc vào trí năng. Mà chúng ta đã minh chứng (Q.58, a.4) nhân đức công bình lệ thuộc vào ý chí. Vậy nhân đức chân lý không phải là một phần của nhận đức công bình. 3. Thánh Giêrônimô (Q.43, a.7) phân biệt ba chân lý: Chân lý đời sống, chân lý của nhân đức công bình và chân lý của học lý. Mà không chân lý nào tham dự vào nhân đức công bình. Bởi vì nhận đức đời sống bao gồm mọi nhân đức, như người ta mới đề cập đến (a.2, sol.3). Chân lý của nhân đức công bình đồng nhất với nhân đức này và không phải là phần của nó, và nhân đức của học lý quy về các trí đức. Vậy nhân đức chân lý không với tư cách nào là phần của nhân đức công bình. TRÁI LẠI: Cicéron (Rhet. 2,53) đặt nhân đức chân lý trong các phần của nhân đức công bình. TRẢ LỜI: Như chúng ta đã nói ở trước (Q.80), nếu một nhân đức phụ thuộc vào nhân đức công bình với tư cách là nhân đức phụ thuộc vào nhân đức chính, đó là một phần bởi vì nó có cái chung với nhân đức công bình, và một phần bởi vì nó thể hiện yếu tính đầy đủ của mình một cách bất hoàn hảo. Mà nhãn đức chân lý kết hợp với nhân đức công bình ở hai điểm. Trước hết, ở điều nó liên hệ với người khác. Sự biểu lộ mà chúng ta đã nói đến đó là hành động của chân lý (a.2, sol.3), chỉ về cho người khác: một con người biểu lộ cho người khác điều liên hệ với chính mình. Thứ đến, nhân đức công bình thiết lập sự bằng nhau ở giữa các sự vật, và nhân đức chân lý thiết lập sự bằng nhau giữa các dấu hiệu và các sự vật. Song nhân đức chân lý kém hơn yếu tính riêng của nhân đức công bình về yếu tính của nợ nần. Vì nhân đức này không quy về nợ nần pháp định như nhân đức công bình, nhưng quy về nợ nần đạo đức trong tư cách con người một cách lương thiện mắc nợ với kẻ khác sự biểu lộ chân lý. Chính như vậy mà nhân đức chân lý là một phần của nhân đức công bình, với tư cách là nhân đức phụ thuộc thêm vào cho nhân đức chính. GIẢI ĐÁP: 1. Bởi vì con người là thú vật xã hội, con người do bản tính mắc nợ với người khác điều gì cần thiết để duy trì xã hội nhân loại. Mà nhân loại không thể chung sống với nhau giả như họ không có sự tín cẩn lẫn nhau, nghĩa là giả như họ không biểu lộ cho nhau cái chân lý. Vậy, theo một thể cách nào đó, nhân đức chân lý gặp được yếu tính của nợ nần. 2. Việc hiểu biết chân lý quy về trí năng. Mà do ý chí mình sắp đặt các tập quán và các chi thể của mình, con người có thể sản xuất các dấu hiệu bên ngoài để làm cho người khác hiểu biết chân lý. Chính như vậy mà sự biểu lộ chân lý là hành động của ý chí. 3. Chân lý mà chúng ta đang đề cập đến không phải là chân lý đời sống như chúng ta đã nói ở trước (a.2, sol.3). Chân lý của nhân đức công bình có thể hiểu theo hai thể cách. Thứ nhất, nhân đức công bình là quy tắc phát xuất từ quy tắc thứ nhất, tức là luật của Thiên Chúa. Như vậy nó phân biệt với chân lý đời sống, vì chân lý đời sống là quy tắc của đời sống bản thân cá nhân, trong khi nó là quy tắc mà các sự phán đóan liên hệ với người đồng loại phải phù hợp. Theo ý nghĩa này không hơn gì chân lý đời sống, chân lý của nhân đức công bình không liên hệ với chân lý mà chúng ta nghiên cứu ở đây; thứ đến, nhân đức công bình là tình cảm thúc đẩy người ta nói chân lý, thí dụ, tự thú hoặc chứng tỏ trước quan tòa. Chân lý hiểu như vậy là hành động đặc thù của nhân đức công bình nhưng nó không quy cách trực tiếp về nhân đức chân lý mà nhân đức đang nghiên cứu, bởi vì sự biểu lộ sự thật có đốitượng chính là uquyền lợi của người khác. Đó là điều được Triết gia (Eth. 4,7) biểu lộ: “Chúng ta không nói tới ở đây về chân lý các lời tự thú, cũng không nói đến tất cả cái gì sự công bình hoặc sự bất công”. Chân lý của học lý cốt tại một sự biểu lộ các thực tại thật làm đối tượng cho sự tri thức, điều đó vẫn là điều khác với chân lý mà người ta trong lời nói và việc làm tỏ ra mình như mình đang có, không hơn, không kém, không cách khác. Tuy nhiên, như các chân lý khoa học, trong tư cách chúng nó được chúng ta hiểu biết, ở trong chúng ta và cho chúng ta; ở phương diện này, chân lý học lý có thể quy về nhân đức của chúng ta, như mọi sự phát biểu thật, lời nói hoặc việc làm, mà do đó người ta “biểu lộ điều mình biết.
Tiết 4 NHÂN ĐỨC CHÂN LÝ KHIẾN NGƯỜI TA GIẢM BỚT HƠN LÀ PHÓNG ĐẠI?
VẤN NẠN: Xem ra không phải như vậy. 1. Người ta vi phạm điều giả khi nói lên ít hơn cũng như khi nói nhiều hơn: việc nói bốn bằng năm cũng không sai hơn việc nói bốn bằng ba. Mà, theo Triết gia (Eth. 4,7), tất cả cái gì sai, giả thì xấu xa và đáng ghét một cách chủ yếu. Vậy nhân đức chân lý không khiến giảm bớt cũng như không khiến phóng đại. 2. Việc một nhân đức nghiêng về cực đoan này hơn về cực đoan kia, điều đó phát xuất bởi điều mà điểm trung dung của nhân đức này gần gũi với cực đoan này hơn với cực đoan kia; như vậy nhân đức sức mạnh gần gũi với sự táo bạo hơn là với sự nhút nhát. Mà điểm trung dung của chân lý không phải gần gũi với cực đoan này hơn với cực đoan kia, bởi vì chân lý là một sự bằng nhau, ở trong một điểm trung dung nhất định chính xác. 3. Kẻ phủ định chân lý xem ra đi khỏi chân lý do sự khiếm khuyết, và kẻ thêm vào cho chân lý do sự thái quá. Mà kẻ phủ định chân lý xem ra đối lập với chân lý hơn kẻ phóng đại chân lý, bởi vì chân lý không thể tương hợp với sự phủ định, những tương hợp với sự phóng đại. Vậy xem ra nhân đức chân lý phải nghiêng về cái nhiều hơn là cái ít hơn. TRÁI LẠI: Triết gia (Eth. 4,7) nói rằng theo nhân đức này, con người phải nghiêng về cái ít hơn. TRẢ LỜI: Việc tránh khỏi chân lý theo hướng kém hơn có thể thực hiện theo hai thể cách. Trước hết, bằng cách khẳng định: thí dụ, khi người nào không biểu lộ tất cả sự tốt hiện hữu ở nơi mình, như sự tri thức của mình, sự thánh thiện của mình, v.v.. Điều đó thể hiện mà không làm tổn thương chân lý, bởi vì cái ít hơn được chứa đựng trong cái nhiều hơn. Theo ý nghĩa này, nhân đức chân lý nghiêng về phía ít hơn. Bởi vì, theo Triết gia (Eth. 4,7), điều đó xem ra khôn ngoan hơn bởi vì các sự phóng đại không thể chịu đựng được. Nhân loại phóng đại các phẩm chất của mình thì không thể chịu đựng được bởi vì họ xem ra muốn vượt qua kẻ khác. Trong khi nhân loại giảm bớt chính mình đi thì dễ chịu, dễ thương do sự khiêm tốn của mình, hạ mình xuống trình độ của các kẻ khác. Điều đó khiến thánh Phaolô (2Cr 12,6) nói: “Vì nếu muốn vinh quang, tôi sẽ không phải điên khùng, vì tôi nói thật. Nhưng xin miễn, kẻo có người đánh giá tôi quá điều họ biết, bởi thấy nơi tôi hoặc nghe tôi nói”. Người ta cũng có thể giảm bớt chân lý bằng cách phủ định: người ta phủ định các phẩm chất mình có. Nhưng sự giảm bớt này không thuộc về nhân đức chân lý, vì người ta gặp ở đó sự giả. Tuy nhiên, chính điều đó hẳn ít trái ngược với nhân đức này, không phải tùy theo yếu tính riêng của chân lý, nhưng tùy theo sự cẩn thận khôn ngoan mà người ta phải giữ gìn nó trong tất cả mọi nhân đức. Quả thế, việc quý chuộng chính mình và việc khoe khoang về những phẩm chất mình không có thì trái ngược với sự khôn ngoan bởi vì nguy hiểm cho chúng ta hơn và khó chịu đối với các kẻ khác hơn là việc không phán đoán hoặc không nói ra các phẩm chất mình có thực. GIẢI ĐÁP: Tất cả những điều vừa trình bày giải quyết xong các vấn nạn.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC