Nhận thức luận | Khoa học luận

Các đặc điểm của phương pháp xã hội học

 

CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA PHƯƠNG PHÁP XÃ HỘI HỌC

ÉMILE DURKHEIM (1858-1917)

 

Toàn văn bài này là phần Kết luận cuốn sách Các quy tắc của phương pháp xã hội học của Émile Durkheim. Bản dịch tiếng Việt cuốn sách này do Nhà xuất bản Tri thức ấn hành năm 2012.

   

     Nói tóm lại, phương pháp xã hội học có những đặc điểm sau.

    Trước hết, nó độc lập với mọi thứ triết học. Vì bộ môn xã hội học đã được sinh ra từ các học thuyết triết học lớn, nên nó có thói quen là dựa vào hệ thống nào đó, và vì thế nhận thấy mình có mối liên đới với hệ thống ấy. Do đó, nó lần lượt là môn xã hội học thực chứng, môn xã hội học tiến hóa, môn xã hội học duy linh, khi mà nó buộc phải bằng lòng chỉ ngắn gọn là môn xã hội học thôi. Ngay cả khi chúng tôi do dự gọi nó là [môn xã hội học] tự nhiên chủ nghĩa, trừ phi qua đó chúng tôi chỉ muốn nói rằng nó coi các sự kiện xã hội là những cái có thể giải thích được một cách tự nhiên, và trong trường hợp ấy, tính ngữ này khá là vô bổ, vì nó chỉ có nghĩa rằng nhà xã hội học làm công việc khoa học chứ không phải là một nhà huyền học. Nhưng chúng tôi gạt từ này ra, nếu người ta gán cho nó một nghĩa học thuyết về bản chất các sự vật xã hội, chẳng hạn như nếu người ta muốn nói rằng các sự vật ấy không thể quy về các lực vũ trụ học khác. Bộ môn xã hội học không cần phải đứng về phía nào giữa các giả thuyết lớn đang phân chia các nhà siêu hình học. Nó cũng không khẳng định tự do hơn tất định luận. Nó chỉ đòi hỏi người ta thừa nhận một điều là nguyên tắc nhân quả được áp dụng cho các hiện tượng xã hội. Hơn nữa, nguyên tắc này được nó đặt ra không phải như một sự tất yếu thuần lý, mà chỉ như là một định đề thường nghiệm, sản phẩm của một lối quy nạp chính đáng. Vì quy luật nhân quả đã được kiểm nghiệm trong các lĩnh vực khác của tự nhiên, và dần dần nó mở rộng thế lực của mình từ thế giới lý-hóa sang thế giới sinh học, từ thế giới sinh học sang thế giới tâm lý học, cho nên người ta có quyền thừa nhận rằng nó cũng đúng với thế giới xã hội; và ngày nay, người ta có thể nói thêm rằng các hoạt động nghiên cứu diễn ra trên cơ sở định đề này đều có xu hương xác nhận điều này. Nhưng vấn đề tìm hiểu xem tính chất của mối liên hệ nhân quả có loại trừ mọi sự ngẫu nhiên hay không, vì thế, vẫn chưa được giải quyết.

    Vả lại, bản thân triết học lại có lợi đủ đường trước sự giải phóng ấy của xã hội học. Vì, bao lâu nhà xã hội học còn chưa gột bỏ được con người triết học (philosophe), thì ông ta vẫn chỉ xét các sự vật xã hội qua khía cạnh tổng quát nhất của chúng mà thôi, khía cạnh ở đó chúng giống hơn hết với các sự vật khác trong vũ trụ. Nhưng nếu xã hội học được quan niệm như vậy có thể dùng để minh họa cho một thứ triết học bằng các sự kiện hiếu kỳ, nó sẽ không làm giàu cho triết học ấy những cách nhìn mới, vì nó không chỉ ra được bất cứ điều mới mẻ nào trong đối tượng mà nó nghiên cứu. Nhưng trên thực tế, nếu các sự kiện nền tảng của các lĩnh vực khác được tìm thấy trong lãnh vực xã hội, thì ta sẽ hiểu rõ tính chất của chúng hơn dưới những hình thức đặc biệt do chỗ các hình thức này là sự biểu hiện cao nhất của chúng. Chỉ có điều, để nhận thấy chúng ở phương diện này, chúng ta phải rời bỏ các thuộc tính phổ biến và đi vào chi tiết các sự kiện. Chính vì thế, xã hội học càng trở nên chuyên biệt bao nhiêu thì nó càng cung cấp cho sự phản tư triết học các chất liệu độc đáo hơn. Toàn bộ những gì đã nói trên đây có thể làm cho ta lờ mờ cảm thấy những ý niệm cơ bản như ý niệm về giống, về cơ quan, về chức năng, về sức khỏe và bệnh tật, về nguyên nhân và mục đích được bộc lộ ra như thế nào trong xã hội học dưới ánh sáng hoàn toàn mới mẻ. Vả lại, chẳng phải là xã hội học là môn có nhiệm vụ phải làm nổi bật lên một ý niệm rất có thể là cơ sở không chỉ của môn tâm lý học mà còn của toàn bộ môn triết học nữa, ý niệm về sự liên tưởng, đó sao?

    Đối diện với các học thuyết thực hành, phương pháp của chúng tôi cho phép có sự độc lập như vậy và kiểm soát sự độc lập ấy. Xã hội học được hiểu như vậy không phải là [một thứ lý thuyết] cá nhân chủ nghĩa, cộng đồng chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa theo nghĩa mà người ta thường gán cho các từ này. Về nguyên tắc, nó sẽ không bỏ qua các lý thuyết ấy, vốn là những lý thuyết mà nó không thể thừa nhận là có giá trị khoa học, vì chúng trực tiếp hướng đến việc tổ chức lại các sự kiện chứ không phải diễn tả các sự kiện. Ít ra, nếu xã hội học quan tâm đến các lý thuyết ấy, đó là vì bao lâu nó còn thấy ở chúng các sự kiện xã hội có thể giúp nó hiểu được thực tại xã hội trong việc làm bộc lộ ra những nhu cầu đang tác động đến xã hội. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bộ môn xã hội học không cần phải quan tâm đến các vấn đề thực tiễn. Trái lại, ta có thể thấy rằng mối bận tâm thường xuyên của chúng ta là hướng nó đến một kết quả thực tiễn nào đó. Nó tất yếu sẽ bắt gặp các vấn đề ấy vào cuối giai đoạn nghiên cứu của nó. Nhưng chính vì thế mà các vấn đề đó chỉ được bộc lộ ra cho nó vào lúc đó, và, vì thế, [đó cũng là] lúc chúng được rút ra từ các sự kiện chứ không phải từ những sự đam mê (passions), ta có thể tiên đoán rằng chúng phải được đặt ra cho nhà xã hội học bằng những thuật ngữ hoàn toàn khác với số đông, và các giải pháp, dù không hoàn chỉnh, mà ông ta có thể mang lại sẽ không thể trùng khớp một cách chính xác với bất cứ những giải pháp mà các đảng phái lựa chọn. Nhưng vai trò của xã hội học, từ điểm nhìn này, chính là ở chỗ giải phóng chúng ta ra khỏi tất cả các đảng phái, không phải bằng cách lấy một học thuyết ra đối lập gay gắt với các học thuyết khác, mà bằng cách làm cho tinh thần, trước các vấn đề ấy, phát triển một thái độ đặc biệt mà khoa học chỉ có thể mang lại nhờ tiếp xúc trực tiếp với các sự vật. Thực vậy, chỉ có khoa học mới có thể học cách xử lý với lòng tôn trọng, chứ không tôn sùng, các định chế lịch sử, dù đó là định chế nào, bằng cách làm cho chúng ta cảm nhận được rằng chúng vừa tất yếu lại vừa tạm thời, chúng vừa có sức mạnh kháng cự lại vừa có tính biến đổi vô cùng tận.

    Thứ hai, phương pháp của chúng tôi mang tính khách quan. Nó được chi phối hoàn toàn bởi ý niệm rằng các sự kiện xã hội là các sự vật và phải được xét như là các sự vật. Đương nhiên, nguyên tắc này được tìm thấy, dưới một hình thức hơi khác một chút, ở cơ sở các học thuyết của Comte và của ông Spencer. Nhưng các nhà đại tư tưởng này chỉ trình bày nó về mặt lý thuyết hơn là vận dụng nó vào thực tiễn. Nhưng để sự trình bày ấy không còn là những con chữ vô nghĩa, thì việc chỉ công bố nó thôi thì không đủ; ta cần phải làm cho nó thành cơ sở của toàn bộ bộ môn sẽ chiếm lấy tâm trí nhà khoa học bất cứ lúc nào ông ta đề cập đến đối tượng nghiên cứu của mình và sẽ từng bước đi cùng ông ta trong mọi thao tác tiến hành. Chính chúng tôi đang dốc sức thiết lập nên bộ môn ấy.

    Chúng tôi đã chứng minh nhà xã hội học đã phải tránh các ý niệm mà ông đã hình dung trước đó về các sự kiện để đối diện với bản thân các sự kiện như thế nào; ông ta đã phải đạt được chúng như thế nào qua những tính chất khách quan nhất của chúng; ông ta đã phải đi vào các sự kiện để tìm ra phương tiện phân loại chúng thành những cái lành mạnh và những cái bệnh tật như thế nào; cuối cùng, ông ta đã phải dựa vào cùng một nguyên tắc như thế nào trong việc đưa ra những sự giải thích cũng như trong việc chứng minh những sự giải thích ấy. Vì một khi, ta trở nên có ý thức rằng ta đang đứng trước các sự vật, ta thậm chí còn không nghĩ đến việc giải thích chúng bằng những lối tính toán có lợi cũng như bằng bất cứ những lối lập luận nào. Ta thừa hiểu rằng giữa nguyên nhân như thế và kết quả như thế có một khoảng cách. Một sự vật là một lực chỉ có thể được sinh ra bởi một lực khác. Do đó, để nghiên cứu các sự kiện xã hội, ta tìm kiếm những năng lượng có thể tạo ra chúng. Các lối giải thích không những khác đi mà chúng còn được chứng minh theo cách khác, hay đúng hơn chỉ khi nào ta thấy cần phải chứng minh chúng. Nếu các hiện tượng xã hội học chỉ là những hệ thống các ý niệm được khách quan hóa, thì giải thích chúng là tư duy lại chúng theo trình tự lôgíc của chúng và sự giải thích ấy tự thân nó là luận cứ chứng minh của nó; tốt nhất, có lẽ ta nên xác nhận nó bằng một số ví dụ. Trái lại, chỉ có những cuộc thí nghiệm được tiến hành có phương pháp mới có thể buộc các sự vật bộc lộ ra điều bí mật của chúng.

    Nhưng nếu chúng tôi xét các sự vật xã hội như là các sự vật, thì điều đó có nghĩa là [chúng tôi xét chúng] như là những sự vật xã hội. Đặc trưng thứ ba của phương pháp của chúng tôi đó là phương pháp ấy chỉ có mỗi ở môn xã hội học mà thôi. Thường thì, có vẻ như các hiện tượng ấy, do tính hết sức phức tạp của chúng, hoặc là ương ngạnh trước khoa học, hoặc chúng chỉ có thể đi vào khoa học nếu được quy về những điều kiện sơ đẳng của chúng, – hoặc điều kiện tâm lý hoặc điều kiện hữu cơ –  nghĩa là bị tước mất bản tính riêng của chúng. Trái lại, chúng tôi đã gánh lấy việc xác lập rằng ta có thể xử lý chúng một cách khoa học mà không làm mất đi các đặc điểm riêng của chúng. Thậm chí, chúng tôi từ chối không đưa tính phi vật chất sui generis làm đặc trưng cho chúng về với tính phi vật chất, lại càng phức tạp hơn nữa, của các hiện tượng tâm lý học; huống hồ chi chúng tôi tự nghiêm cấm mình không hòa tan nó, như trường phái Italia đã làm, vào các thuộc tính phổ biến của vật chất được tổ chức [1]. Chúng tôi đã cho thấy rằng một sự kiện xã hội chỉ có thể được giải thích bằng một sự kiện xã hội khác, và đồng thời, chúng tôi đã cho thấy làm thế nào loại giải thích ấy có thể có được bằng cách chỉ ra cái động lực chính của sự tiến hóa tập thể ở bên trong môi trường xã hội. Vì thế, xã hội học không phải là phần phụ thêm vào của bất cứ bộ môn khoa học nào khác; bản thân nó là một môn khoa học riêng biệt và tự trị, và ý thức về việc thực tại xã hội có cái gì đó đặc biệt thậm chí còn cần thiết đối với nhà xã hội học đến mức chỉ có sự đào luyện xã hội học một cách chuyên biệt mới có thể chuẩn bị cho ông ta sức hiểu về các sự kiện xã hội.

    Chúng tôi cho rằng sự tiến bộ này là quan trọng nhất trong tất cả những sự tiến bộ còn phải làm trong xã hội học. Chắc chắn là, khi một môn khoa học đang trong quá trình hình thành, để xây dựng nó, người ta buộc phải dựa vào chỉ mỗi những mô hình nào đang tồn tại, nghĩa là vào các môn khoa học đã được hình thành trước đó rồi. Ở đó có một kho tàng các kinh nghiệm được làm sẵn, thành thử thật là dại dột nếu ta không khai thác nó. Tuy nhiên, một môn khoa học chỉ có thể được xem là đã được cấu tạo một cách dứt điểm khi nó đạt đến chỗ tự tạo cho mình một vị thế độc lập (personnalité indépendante). Bởi vì nó chỉ có lý do tồn tại nếu chất liệu của nó là một loại sự kiện mà các môn khoa học khác không nghiên cứu. Nhưng việc những ý niệm như thế có thể hoàn toàn hợp với các sự vật có bản tính khác là điều không thể.

    Đối với chúng tôi, đó là những nguyên tắc của phương pháp xã hội học.

    Tập hợp các quy tắc ấy có thể sẽ xuất hiện ra là đã bị phức tạp hóa một cách vô ích, nếu ta so sánh nó với những thao tác phương pháp thường được sử dụng. Toàn bộ cơ chế thận trọng ấy có thể tỏ ra rất khó nhọc đối với một môn khoa học, mà cho tới nay, chỉ đòi hỏi những ai phụng sự nó phải được đào luyện về [kiến thức] tổng quát và triết học; và thực vậy, chắc chắn rằng việc áp dụng môt phương pháp như thế không thể có kết quả là làm cho sự tò mò về các sự vật xã hội học trở nên tầm thường. Khi, như là điều kiện sơ bộ cho việc nhập môn vào xã hội học, ta yêu cầu mọi người tránh các khái niệm mà họ đã quen vận dụng cho một loại sự vật, thì để tư duy lại các sự vật này theo cách mới mẻ, ta không thể trông chờ vào việc tuyển lựa một lượng khách hàng đông đảo. Nhưng đó không phải là mục đích chúng tôi nhắm đến. Trái lại, chúng tôi tin rằng đã đến lúc xã hội học từ bỏ những sự thành công trần tục, có thể nói như vậy, và mang lấy tính chất bí truyền phù hợp với mọi khoa học. Như thế, nó sẽ có được trong thế giá và quyền uy cái mà nó sẽ có thể đánh mất trong tính đại chúng. Vì bao lâu nó còn dính vào những cuộc đấu tranh của các đảng phái, bao lâu nó tự bằng lòng với việc xây dựng, có lôgic hơn so với lối sử dụng thông thường, các ý niệm chung, và do đó, nó không giả định bất cứ năng lực chuyên môn nào, thì nó vẫn chưa có quyền lên giọng đủ để làm cho những [tiếng nói của] đam mê và thành kiến phải câm lại. Chắc chắn là, thời gian vẫn còn dài, khi đó nó có thể sẽ giữ vai trò này một cách hữu hiệu; tuy nhiên, để cho nó đủ khả năng làm tròn vai trò ấy vào một ngày nào đó, thì chúng ta phải làm ngay từ bây giờ.

ĐINH HỒNG PHÚC dịch


Nguồn: Émile Durkheim. Các quy tắc của phương pháp xã hội học. Đinh Hồng Phúc dịch. Hà Nội: Nxb. Tri thức, 2012, trang 305-14. Bản đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của Nhà xuất bản Tri thức.



[1] Do đó, người ta sẽ không đúng nếu gọi phương pháp của chúng tôi là phương pháp duy vật.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt