LÝ THUYẾT NHẬN THỨC CỦA LEIBNIZ TRONG ĐƠN TỬ LUẬN
JOHANNES HIRSCHBERGER (1900-1990) Vũ Hoàng Lan Phương dịch
Vũ Hoàng Lan Phương trích dịch từ The History of Philosophy. USA: The Bruce Publising Company, 1959. | Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả gửi.
Đơn tử cũng là lực nguyên thủy trong lĩnh vực tâm trí hay tinh thần con người. Do đó, Đơn tử luận trở thành lý thuyết về nhận thức. Vì đơn tử là thực tại có tính cách tinh thần/ tâm lý, nên một số người có thể thấy từ “cũng” trong câu đầu tiên của ta là một sự lặp thừa phi lôgic. Nhưng sự thật không phải vậy, vì ta cần phải bổ sung thêm sự xem xét lý thuyết và nhận thức luận cho bàn luận siêu hình học và hữu thể học về đơn tử, nếu sắc thái có tính cách riêng biệt của tư tưởng Leibniz và do phương pháp luận của ông đòi hỏi, cần được xem xét trong toàn bộ sức mạnh của nó. Thêm nữa, cái có tính cách tâm lý (psychic) không nhất thiết lúc nào cũng thuộc về tinh thần (mental); và linh hồn thì không đồng nhất với tâm trí (mind). * * * Đối với Leibniz, tâm trí không gì khác hơn chính là nhận thức. Sự ham muốn “là nỗ lực chuyển từ biểu tượng này sang biểu tượng khác”. Cảm xúc không phải là chủ đề đặc biệt cho triết học của ông, một triết học được phát triển trong kỷ nguyên của chủ nghĩa duy lý. Trong bàn luận của mình về tâm trí, Leibniz đã phân biệt ba lớp nhận thức khác nhau. Lớp nhận thức đầu tiên là nhận thức thuần túy cảm tính và chỉ tập trung xoay quanh những đối tượng, tác động hay xúc cảm của từng giác quan. Những nội dung của loại nhận thức này rõ ràng (“clair”) vì chúng mang lại cho ta tri thức về những gì xác định. Tuy nhiên, những nội dung này lại “lẫn lộn” và không “phân minh” (“distinct”), vì ta không thể bàn luận sâu rộng thêm về chúng bằng cách sử dụng các khái niệm, cũng không ai có thể phân biệt chúng một cách phân minh khi họ không tự cảm nhận chúng bằng các giác quan của mình. Ta chỉ có thể hướng dẫn người khác tiếp cận những nội dung này và chỉ có thể để chúng được người khác nhận thức một cách trực tiếp. Trong thực tế, những phẩm tính khả giác là những phẩm tính ẩn tàng có thể được ta ý thức mà không thể tiến hành nghiên cứu về chúng: “chẳng hạn như, liệu màu đỏ có phải là sự xoay tròn của những hạt hình cầu nhỏ nhất định được cho là tạo ra ánh sáng hay không; nhiệt có phải là sự xoáy cuộn của những hạt bụi mịn hay không; âm thanh có phải được hình thành trong không khí như là những vòng tròn xuất hiện trên mặt nước khi có một hòn đá được ném xuống, như những triết gia nào đó đã khẳng định hay không; đó đều là những gì ta không nhìn thấy được. Và ta thậm chí còn không thể hiểu được làm thế nào sự xoay tròn, sự xoáy cuộn và cả những vòng tròn này – nếu chúng là thực tồn – sẽ tạo nên đúng những tri giác ta có về màu đỏ, về nhiệt và về tiếng ồn” (Về những Yếu tố Siêu Cảm tính trong Nhận thức và về cái Phi Vật chất trong Tự nhiên – Một Lá thư; Wiener ed., trang 355-356). Vì lý do này, “ta sử dụng những giác quan bên ngoài cũng giống như cách một người mù sử dụng gậy dẫn đường” (Wiener ed., trang 355). “Và khác hẳn việc cho rằng ta chỉ nhận thức được những sự vật khả giác, đây chính xác là những gì ta hiểu ít nhất” (Wiener ed., trang 356). Bất chấp tất cả những điều này, Leibniz cho rằng “trong hoàn cảnh hiện tại, những giác quan bên ngoài là cần thiết cho việc ta lý luận, và ta hoàn toàn không thể lý luận được nếu ta không được phú cho những giác quan bên ngoài này” (Wiener ed., trang 356). Vượt trên những phẩm tính của các giác quan bên ngoài của ta là cấp độ thứ hai của tâm trí con người, đó là: lương thức hay giác quan trung tâm cùng những nội dung của nó. Chúng không thuộc về bất kỳ giác quan đặc biệt nào. Đúng hơn là dữ liệu giác quan đặc biệt được hợp nhất lại trong lương thức để hình thành nên nội dung chung. Lương thức này cùng với những giác quan bên ngoài tạo nên cái gọi là năng lực tưởng tượng. Thông qua nó, ta không chỉ có được những nội dung rõ ràng mà còn là những nội dung phân minh, và giờ đây, ta có thể sử dụng các ý niệm để diễn đạt những nội dung này, cụ thể là ý niệm về con số và hình thể (quảng tính); điều này không chỉ khả hữu đối với dữ liệu cảm giác về ánh sáng mà còn về vị giác nữa, tuy nhiên, lại không khả hữu đối với thính giác. Điều rất đặc trưng là Leibniz trực tiếp khẳng định với ta rằng: “Để cảm nhận những con số và thậm chí là những hình thể một cách phân minh, và để hình thành nên các khoa học về chúng, ta phải tìm đến những gì mà các giác quan không thể cung cấp được cho ta, và đó là những gì được giác tính bổ sung cho các giác quan” (Wiener ed., trang 357). Do đó, những nội dung của lương thức vừa khả giác, vừa khả niệm. Dù trong đánh giá về những phẩm tính khả giác của mình, Leibniz đã dự đoán và đưa ra sự phê phán đối với nhận thức cảm tính trước cả những phê phán sau này của triết học hiện đại và nhất là của Locke, bằng cách sử dụng sự phân biệt giữa những phẩm tính sơ cấp và thứ cấp hay hạng nhất và hạng nhì, nhưng ta cần nhớ rằng phê phán của Leibniz dựa trên một siêu hình học hoàn toàn khác biệt, và vì thế, chỉ dành riêng cho hệ thống của ông mà thôi. Lớp nhận thức thứ ba làm việc với những nội dung thuần túy khả niệm của tâm trí. Những gì Leibniz nói về các khái niệm của lý tính thuần túy này và mối quan hệ giữa chúng với thực tại khả giác rất đáng được lưu ý, vì điều này đóng vai trò như màn dạo đầu cho lý thuyết về nhận thức của Kant sau này. Leibniz xem những con số và hình thể như là những ví dụ đầu tiên của loại nhận thức này. “Những ý niệm rõ ràng và phân minh này” bao gồm đối tượng mô thức của năng lực tưởng tượng. Chúng cũng là “những đối tượng của các khoa học toán học – cụ thể là của số học và hình học, những khoa học toán học thuần túy – và là đối tượng của việc ứng dụng các ngành khoa học này vào tự nhiên, tạo thành toán học hỗn hợp” (Wiener ed., trang 357-358). Ngay khi ta nỗ lực giải thích các phẩm tính khả giác và cố gắng đạt đến những kết luận lôgic, ta buộc phải viện đến những ý niệm toán học này. Nhưng, và đây cũng là quan điểm riêng của Leibniz về vấn đề này: “Quả thật là các khoa học toán học ắt sẽ không có tính cách chứng minh và sẽ chỉ là sự diễn dịch hay sự quan sát đơn thuần vốn không bao giờ có thể đảm bảo cho ta tính tổng quát hoàn hảo của chân lý được tìm thấy, nếu cái gì đó cao hơn và là cái chỉ riêng trí tuệ mới có thể mang đến lại không hỗ trợ cho trí tưởng tượng và các giác quan” (Wiener ed., trang 358). Trái ngược với Kant, Leibniz nhìn thấy trong các trực giác toán học và hình học là những khái niệm thuần túy của giác tính. Để ví dụ, ông nêu ra tư tưởng về bản ngã (khái niệm cái Tôi), các khái niệm siêu hình học về bản thể, nguyên nhân-kết quả, hoạt động, sự tương tự, và ngoài ra còn có những khái niệm cơ bản của lôgic học và luân lý học. Trong tác phẩm Lời tựa cho Những Tiểu luận mới về Giác tính Con người, ông liệt kê sự tồn tại, sự thống nhất, bản thể, khoảng thời gian, sự thay đổi, hành động, tri giác, ham muốn, và “hàng ngàn đối tượng khác của các ý niệm trí tuệ” (Wiener ed., trang 372). Cuối cùng, trong số này còn có chính bản thân trí tuệ. Có thể nói, ta là bẩm sinh với chính mình. Ở đây, diễn trình của Leibniz tương tự như diễn trình của Plato, người cũng bắt đầu với một số ít ví dụ và kết thúc bằng việc giả định ý niệm của mọi sự tồn tại nói chung. Theo xu hướng đặc trưng, cả hai nhà tư tưởng đều nhận ra rằng những khái niệm khả niệm của giác tính được thiết định bởi toán học như là bởi một nguyên mẫu. Ở đây, cũng giống như Cusanus trước kia, Leibniz đã viện dẫn ví dụ trong đối thoại Meno của Plato (82c và tiếp). Leibniz phát triển tính minh bạch của cái khả niệm giữa thực tại khả giác không chỉ trong khảo luận Về Yếu tố Khả giác trong Nhận thức và về cái Phi Vật chất trong Tự nhiên được ta thường xuyên trích dẫn, mà còn trong cả Đối thoại về sự Nối kết Giữa những Sự vật và những Từ ngữ của ông (Wiener ed., trang 6). Trong đó, ông nhắc nhở ta rằng một hình tròn trên giấy không phải là hình tròn thực tồn mà chỉ là biểu trưng của một hình tròn toán học, và chỉ duy nhất hình tròn này mới đại diện cho hình tròn đích thực trong ý thể tính khả niệm của nó mà thôi, khiến ta có thể hiểu được hình tròn khả giác trên giấy là chỉ nhờ thông qua nó. Kết luận của ông ở đây cũng như ở những nơi khác chính là: con người sở dĩ có thể đánh giá dữ liệu của các quan năng giác quan và của cảm giác chỉ bởi vì nhờ có những khái niệm khả niệm của giác tính. Ta cần có các giác quan, nếu không có chúng, ta không thể tư duy. “Những gì là thiết yếu đối với cái gì đó, dẫu vậy, lại không tạo nên bản chất cho cái đó. Không khí cần cho sự sống, nhưng sự sống của ta là cái gì khác với không khí. Các giác quan cung cấp cho ta chất liệu để suy tưởng, và ta không bao giờ có thể có những tư duy trừu tượng đến mức không có bất cứ cái gì đến từ giác quan trộn lẫn vào đó; nhưng tư duy lại đòi hỏi phải có cái gì đó khác nữa ngoài những gì đến từ các giác quan” (Về những Yếu tố Siêu Cảm tính trong Nhận thức và về cái Phi Vật chất trong Tự nhiên; Wiener ed., trang 364). Hay, như ta đã thấy trong tác phẩm Lời tựa cho Những Tiểu luận Mới về Giác tính Con người (Wiener ed., trang 367): “Các giác quan là cần thiết cho mọi nhận thức đích thực của ta, nhưng chỉ riêng bản thân chúng thì không đủ để tạo ra toàn bộ nhận thức cho ta”. Ta ngay lập tức nghĩ đến một phát biểu tương tự của Kant: “Mọi nhận thức của ta đều bắt đầu từ kinh nghiệm, nhưng không phải vì thế mà mọi nhận thức đều bắt nguồn từ kinh nghiệm” (Phê phán Lý tính Thuần túy, Lời dẫn nhập, B1). * * * Bây giờ, ta cần xem xét kỹ hơn ý nghĩa những nội dung khả niệm của tâm trí. Trong những nội dung khả niệm này, ta phát hiện cái gọi là những ý niệm bẩm sinh. Khái niệm này được đề cập trong tranh luận giữa Leibniz và Locke về tác phẩm Những Tiểu luận Mới về Giác tính Con người, nhất là trong công thức: linh hồn là một tấm bảng trắng (tabula rasa), như triết gia người Anh này (tức John Locke) và Aristotle đã khẳng định. Leibniz cho rằng linh hồn không phải là một tấm bảng trắng: “linh hồn ban đầu chứa đựng những nguyên tắc của một số khái niệm và học thuyết chỉ được khơi dậy khi có cơ hội bởi những tác động từ bên ngoài” (Những Tiểu luận Mới về Giác tính Con người, Quyển I, và Lời tựa; Wiener ed., trang 369). Ông đã có trong đầu những ý niệm theo kiểu Plato. Điều này được thể hiện rõ ràng trong Đoản văn về đặc tính phổ quát của ông. Trong đó, ta đọc được rằng: “Vì lẽ đó, Plato đã có lý khi quy dẫn lý luận về những ý niệm không rõ ràng cho các khái niệm thuần túy, và khẳng định rằng mọi nhận thức đều phải tập trung vào cái vĩnh hằng, và rằng những khái niệm phổ quát hay những bản chất vĩnh hằng có tính thực tại cao cả hơn so với những đối tượng cụ thể thông dự vào tính bất tất, vào vật chất và ở trong một dòng chảy vĩnh hằng”. Cơ quan giác quan là nguồn gốc của sai lầm hơn là của chân lý; chỉ trong nhận thức thuần túy về những chân lý vĩnh hằng thì tâm trí mới được trừu tượng hóa hay thoát ly khỏi vật chất và vì thế trở nên hoàn hảo. Những ý niệm bẩm sinh hiện hữu trong tâm trí ta. Chúng thể cho ta hiện bản chất phổ quát của các sự vật. Do đó, nhận thức của ta chính là sự hồi tưởng, và sự hoàn hảo của ta phải được quy cho sự kết hợp của ta với Thượng đế. Liên quan đến khái niệm sự hồi tưởng, Leibniz ám chỉ đến đối thoại Meno của Plato (Khảo luận Siêu hình học, số 26). Trong tranh luận với Locke, Leibniz đã phát triển một ý nghĩa có phần khác biệt cho những nội dung khả niệm. Những chân lý này không đứng độc lập bên cạnh nhau trong giác tính của ta giống như những sắc lệnh của pháp quan được ghi chép trên thông cáo mà ông công bố. Thay vào đó, ta đang làm việc với những khuynh hướng, tâm thế, kỹ năng và những lực tự nhiên. Thật vậy, ta không phải đang xem xét những “năng lực thuần túy” không có bất kỳ hoạt động tương ứng nào vốn được đề cập rất nhiều trong các sách giáo khoa ở trường nhưng lại không biểu thị cho bất kỳ cái gì thực tồn hay có thực; chúng là những thực tại hoàn toàn giả tạo được tạo nên bằng những diễn trình trừu tượng hóa. Ta không thể quan niệm linh hồn như là một bản thể không có bất kỳ hoạt động nào, ngay cho dù ta hiếm khi có thể cảm nhận được nó. Bằng việc nhấn mạnh những năng lực tự nhiên của con người, Leibniz đã nỗ lực tìm cách đáp lại phản bác do cả Aristotle và Locke cùng đưa ra chống lại các ý niệm bẩm sinh khi họ khẳng định rằng “bằng cách này hay cách khác, ta chắc chắn phải nhận thức được những ý niệm đó”. Leibniz cho rằng ta thường không thể cảm nhận được bất kỳ biểu hiện nào ngay cả của những kỹ năng được sở đắc một cách có ý thức và của những nội dung tâm lý. Song, chúng vẫn hiện diện và thường đột ngột xâm nhập vào ý thức ta. Những tâm thế, kỹ năng và năng lực tự nhiên này không gì khác hơn là chính “bản thân giác tính” làm công việc suy tưởng về bản thể, cái một, cái tương tự, nguyên nhân, tri giác và một loạt những sự vật khác “mà giác quan không thể mang lại cho ta”. Trên cơ sở nguyên tắc cũ, ta có thể đồng ý với Locke rằng không có gì trong trí tuệ mà không đến từ các giác quan. Nhưng Leibniz bổ sung rằng: “Ngoại trừ chính bản thân trí tuệ!” (Những Tiểu luận Mới về Giác tính Con người, II, Cap. I, số 2; Langley ed., trang 111). Vấn đề trọng tâm của cuộc tranh luận không phải là việc liệu ta có cần đến những giác quan hay không. Leibniz không khác gì Plato khi không loại trừ các giác quan. Đúng hơn, cuộc tranh luận tập trung xoay quanh việc ta sử dụng những giác quan như thế nào và vai trò của giác tính đối với chúng. Giác tính hay lý tính, cùng với những tâm thế tự nhiên và năng lực tự nhiên của nó, vì thế mới chính là đối tượng cho cuộc tranh luận của ta. Để hiểu được những suy nghĩ của Leibniz, cách tốt nhất là khảo sát ý nghĩa thứ ba và cũng là ý nghĩa quyết định được ông dành cho những nội dung của giác tính của ta. Leibniz phân biệt giữa những chân lý của lý tính và những chân lý của sự kiện, với ý nghĩa rằng những chân lý của lý tính chính là nội dung của lý tính thuần túy. Khi nói về những ý niệm bẩm sinh, ông ngay lập tức đề cập đến những chân lý của lý tính. Do đó, có thể thấy rằng mối bận tâm thực sự của ông về vấn đề này thực tế tập trung xoay quanh bản tính của những chân lý này. Cuộc tranh luận về nguồn gốc những khái niệm của ta – liệu chúng là bẩm sinh hay chúng hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm – trên thực tế là cuộc tranh luận liên quan đến quan niệm về chính bản thân khoa học. Liệu các định lý khoa học của ta chỉ gồm những xác suất, những cái khả nhiên (có thể xảy ra) hay chúng cần bao gồm những sự xác tín? Chính câu hỏi này đã thể hiện rõ ràng nhất bản chất của cuộc tranh luận giữa thuyết duy nghiệm và cái gọi là thuyết duy lý. Do đó, Leibniz khẳng định rằng thuyết duy nghiệm chỉ có thể đạt được tổng số những ví dụ bằng con đường quy nạp. Cho dù số lượng ví dụ này lớn đến mức nào đi nữa thì chúng cũng không bao giờ có thể mang đến cho ta những chân lý phổ quát, vĩnh hằng, và tất yếu một các nghiêm ngặt. Từ sự kiện là cái gì đó đã xảy ra theo cách này hay cách nọ – chẳng hạn như đêm đến sau ngày và hết ngày rồi lại đến đêm – ta không thể kết luận rằng sự việc tương tự sẽ diễn ra lặp đi lặp lại chính xác theo cùng cách thức như thế. Ở đây, Leibniz đã dự đoán trước sự hoài nghi nổi tiếng được Hume ấp ủ sau này về tính thường hằng của diễn trình tự nhiên và về tính cách khả nhiên của quy luật tự nhiên. Thú vật chắc chắn đều có “những sự kết nối khả giác về các hình ảnh” như vậy; tức là chúng luôn hành động dựa trên giả định rằng sự việc tương tự sẽ tiếp tục xảy ra lặp đi lặp lại. Do đó, Leibniz đã nói rằng “những sự kết hợp của các con thú cũng tương tự như của các nhà duy nghiệm đơn giản” (Lời tựa cho những Tiểu luận Mới; Langley ed., trang 44). Chỉ trong những chân lý của lý tính, ta mới có được những chân lý tất yếu, chắc chắn và vĩnh hằng. Leibniz phát hiện ra những chân lý này trước hết trong toán học thuần túy. Ông lưu ý rằng, ở đây, ta có thể ngay lập tức thấy được mình đang làm việc với những chân lý của lý tính. Euclid bằng lý tính đã chứng minh những định lý ai cũng thấy được một cách rõ ràng qua kinh nghiệm. Không có dữ liệu của các giác quan, đúng là ta thực sự không bao giờ có thể đạt đến những định lý toán học; nhưng sự chứng minh thực tế trở nên hoàn thiện là nhờ thức nhận thuần lý về “những nguyên tắc nội tại, hay ta quen gọi là những nguyên tắc bẩm sinh”. Các giác quan chỉ tạo cho ta cơ hội kích hoạt tâm trí ta. Hoạt động này là một thức nhận về những chân lý vĩnh hằng, và cho thấy rằng tâm trí thì ưu trội hơn so với kinh nghiệm khả giác. Đó là trong trường hợp toán học thuần túy, và cũng tương tự như vậy đối với lôgic học, siêu hình học, luân lý học, biện thần luận và pháp quyền tự nhiên. Trong tất cả những trường hợp này, ta đều làm việc với những chân lý của lý tính. Theo quan điểm này, con người được nâng tầm vượt lên trên những con vật và trở thành một hữu thể thuần lý. Trong năng lực nắm bắt những chân lý của lý tính, con người cũng đồng thời bao hàm cả sự tương tự giữa mình với Thượng đế. Nếu linh hồn ta có sự hoạt động không giới hạn giống như linh hồn của chính tinh thần thần thánh, thì tất cả những chân lý của sự kiện sẽ trở thành những trực giác tất yếu, khiến ta có thể nắm bắt được những vị từ có khả năng được phát biểu trong chủ từ của bất kỳ phán đoán nào, hay cũng tương tự như thế, nắm bắt được mọi tùy thể vốn thuộc về một bản thể nhất định. Leibniz giải thích điều này như sau: “Ta cho rằng tất cả những gì xảy ra với một linh hồn hay với bất kỳ bản thể nào cũng đều là hệ quả từ khái niệm của nó; vì thế, chính bản thân ý niệm hay bản chất của linh hồn đã làm cho mọi hiện tượng hay tri giác của nó được tạo ra từ bản tính của nó” (Luận văn về Siêu hình học, XXXIII; Wiener ed., trang 338). Việc rút ra vị từ từ chủ từ hay rút ra các tùy thể từ bản thể này không có gì đáng ngạc nhiên nếu ta nhớ lại việc Leibniz đã vững tin rằng tiên đề hành động theo sau sự tồn tại (Latinh: agere sequitur esse) là đúng thật. Tiên đề này cung cấp cho ta cơ sở hữu thể học cho sự đồng nhất của những tùy thể với bản thể và do đó cũng là cơ sở cho tính tất yếu của chúng. Leibniz đã phát triển sự chứng thực có tính lôgic cho quan điểm này trong khảo luận ngắn Về Tự do (On Freedom). Trong đó, ông trình bày tư tưởng rằng mọi chân lý hoặc có tính căn nguyên, hoặc có tính phái sinh. Những chân lý căn nguyên là loại chân lý ta không thể tiến hành nghiên cứu về chúng; chúng là những mệnh đề đồng nhất hay trực tiếp khẳng định một vị từ là đồng nhất với chủ từ hay phủ nhận một vị từ trái với chủ từ. Trong khi đó, những chân lý phái sinh thì gồm có hai loại: loại thứ nhất là những chân lý có thể được phân giải thành những mệnh đề có tính căn nguyên, do đó là thành những mệnh đề thuần túy có tính phân tích. Đó là những chân lý tất yếu hay chân lý siêu hình học và toán học của lý tính đại diện cho những mệnh đề đồng nhất đích thực. Loại thứ hai là những chân lý cho phép một sự quy thoái đến vô tận thông qua việc phân tích chúng. Đây là những chân lý sau này được Kant gọi là những phán đoán tổng hợp, nhưng Leibniz gọi chúng là những chân lý ngẫu nhiên hay những chân lý có tính sự kiện. Trong những chân lý này, vị từ đã được bao hàm sẵn bên trong chủ từ, nhưng ta lại không thể chứng minh được làm thế nào điều này có thể như vậy. Do đó, những phán đoán thuộc loại này không thể được phân tích thành một sự đồng nhất. Chỉ Thượng đế mới có khả năng xem xét thấu đáo chuỗi lý do vô tận mà những chân lý của sự kiện phụ thuộc vào. Ngài biết làm thế nào kết hợp vị từ với chủ từ và vì thế, những chân lý của sự kiện này đối với Ngài chính là những chân lý tất yếu được Ngài biết một cách tiên nghiệm. Tuy nhiên, Leibniz tin rằng con người vẫn có cách để xem xét thấu đáo những lý do nằm bên dưới một sự kiện cụ thể. Ông cho rằng ta có thể nhận ra chân lý của sự kiện là biểu hiện của một bản chất hay ý niệm. Cách này dẫn ta đến “những tri giác nhỏ bé” (minute perceptions/ petites perceptions) luôn hiện diện với số lượng vô hạn trong linh hồn ta – phù hợp với định nghĩa về bản thể của mình, Leibniz giả định rằng không bản thể nào hiện hữu mà không có hoạt động tương ứng và không bao giờ có vật thể nào không có sự vận động, nên sự đứng yên chỉ là một sự vận động vô cùng nhỏ bé mà thôi. Những tri giác nhỏ bé này không đi cùng với thông giác và sự phản tư, mà chỉ đơn thuần đại diện cho sự thay đổi trong bản thân linh hồn nhưng lại không được ta ý thức, vì chúng hoặc là quá nhỏ yếu hoặc là số lượng quá nhiều hoặc quá đồng dạng để có thể được phân biệt với nhau trong những trường hợp cá biệt. Tuy nhiên, chúng có thể kết hợp cùng nhau để tạo ra những tác động. Những tri giác nhỏ bé này có thể có hiệu lực lớn hơn ta tưởng. “Những ấn tượng không xác định của ta, vị giác của ta, những hình ảnh có thể tri giác được về các phẩm tính khả giác của ta đều dựa trên những tri giác nhỏ bé này, tất cả chúng đều rõ ràng khi kết hợp với nhau, nhưng lại trở nên lộn xộn khi bị tách rời; những ấn tượng quy thoái đến vô tận, những ấn tượng do các vật thể xung quanh gây ra cho ta, đều dựa vào chúng, và vì thế làm nên khả thể cho sự hợp nhất qua đó mọi tồn tại đều được kết hợp với phần còn lại của vũ trụ. Trong thực tế, có thể nói rằng nhờ những tri giác nhỏ bé này, hiện tại dự đoán trước tương lai và được thấm nhuần bởi quá khứ, khiến cho mọi cái đều phù hợp với tất cả những cái khác, và rằng đôi mắt ta – nếu cũng tinh tường, sâu sắc như đôi mắt của Thượng đế – có thể giải mã được từ trong bản thể tầm thường nhất toàn bộ chuỗi vận động là khởi đầu của thế giới”. Điều này tình cờ trình bày một cách khéo léo lý thuyết hoàn chỉnh về cái vô thức. Điều khiến ta quan tâm nhất ở đây là cách thức Leibniz cho thấy làm thế nào để nhận ra rằng tất cả những cái kiện tính cũng chính là cái gì có tính bản chất thiết yếu, nếu như ta có đôi mắt dò xét đủ tinh tường. Cũng đáng quan tâm không kém là quan niệm dựa vào đó Leibniz phát triển toàn bộ luận điểm của mình. Theo Leibniz, nhận thức của ta về những chân lý của sự kiện bị giới hạn trong những tình huống cụ thể của ta. Về nguyên tắc, mỗi chân lý đại diện cho một cái tất yếu mang tính bản chất. Trong luận điểm này, ta tận mắt thấy được lập trường đích thực của Leibniz; lập trường này đối lập với thuyết duy nghiệm của Locke. Đó là sự đối lập giữa một triết học định nghĩa khoa học như là tổng số những thể cách tất yếu, vĩnh hằng của tồn tại (những mối quan hệ bản chất) và một triết học hình dung khoa học như là tổng số của những xác suất, những cái khả nhiên (có thể xảy ra). Trong lời nói đầu của tác phẩm Những Tiểu luận Mới về Giác tính Con người của mình, Leibniz viết rằng Locke chưa bao giờ có ý định phản bác hoàn toàn quan điểm của ông, vì Locke cũng nhận ra rằng một số ý niệm ít nhất cũng nảy sinh từ sự phản tư hay có nguồn gốc bên trong ta. Nhưng đây chỉ đơn thuần là cách nói lịch sự, thể hiện sự nhún nhường, bởi lẽ các biểu tượng phản tư của Locke chỉ là những mối quan hệ giữa các biểu tượng khác nhau, và như vậy, chúng hiển nhiên có tính phân tích. Vì những mối quan hệ này của Locke có nguồn gốc từ kinh nghiệm và do đó chỉ có giá trị hiệu lực khả nhiên (có thể có), nên những mối quan hệ nảy sinh từ chúng hiển nhiên cũng có tính phân tích. Chúng chỉ là những nội dung tương đối tất yếu của các ý niệm; chúng không phải là những chân lý tuyệt đối tất yếu và có tính tiên nghiệm đích thực như trong quan điểm của Leibniz. Kỳ cùng, mọi nhận thức không gì khác hơn chính là sự khám phá tất cả những sự phối kết khả hữu của các yếu tố thứ nhất và những sự kết hợp của chúng trong lĩnh vực của những chân lý thiết yếu. Khi mới hai mươi tuổi, Leibniz đã mô tả về nghệ thuật phối kết này. Ông nghĩ rằng “Cần phải phát minh ra một loại bảng chữ cái của tư tưởng con người và thông qua sự kết nối những mẫu tự của nó cùng việc phân tích những từ ngữ được tạo ra từ chúng, ta có thể phát hiện và đánh giá về tất cả những cái còn lại” (Hướng đến một Đặc tính Phổ quát, III; Wiener ed., trang 30). Để thực hiện dự định này, ông đã triển khai ý niệm về đặc tính phổ quát của mọi khoa học. Ta cần đánh những con số đặc trưng cho mọi khái niệm của mình, tiếp đó, nỗ lực phát triển một phép tính lôgic từ chúng theo kiểu phép tính toán học, đó có thể nói là một đại số học cho những khái niệm của ta. Việc quy giản mọi vấn đề khoa học thành những con số này đã dẫn đến sự ra đời của một loại thống kê mà nhờ đó, những lý do có tính lôgic (“bằng chứng”) có thể được xem xét. Như ta đã biết, những xác suất phụ thuộc vào sự ước tính và sự kiểm chứng hay sự thử, vì ta có thể ước lượng mức độ khả hữu của những chân lý và quan điểm trong những tình huống nhất định. Sự tương tự giữa đặc tính phổ quát với hình thức chín muồi của phép biện chứng về những ý niệm của Plato, cụ thể là với học thuyết về những ý niệm như là những con số, được thể hiện một cách rõ ràng ở đây. Bằng phát minh này, Leibniz hy vọng có thể đưa ra lời giải cuối cùng, có tính quyết định cho mọi tranh cãi, vì mọi thứ sẽ được giản lược thành lý tính vốn “chỉ mình nó là lành mạnh vô điều kiện” (Wiener ed., trang 23). Ngay cả sự truyền bá đức tin cũng sẽ đạt được thành quả vô cùng to lớn từ việc sử dụng đặc tính phổ quát này. “Vì một khi các nhà truyền giáo du nhập ngôn ngữ phổ quát này, thì lúc ấy, tôn giáo đích thực ở trong sự hài hòa mật thiết với lý tính cũng sẽ hình thành, và có rất ít lý do để lo sợ về bất kỳ sự bội giáo nào trong tương lai tương tự như việc không có lý do gì để lo sợ về sự vứt bỏ số học và hình học một khi người ta đã học xong chúng” (Wiener ed., trang 25). Mặc dù ta đã không còn chia sẻ sự nhiệt tình điển hình của thời đại Khai minh và của thuyết duy lý nữa, nhưng những ý niệm cơ bản của Leibniz vẫn còn rất thịnh hành và vì thế, ông được xem là một trong những người phát minh ra môn lôgic toán hiện đại.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC