Nhận thức luận | Khoa học luận

Những vấn đề lý luận cơ bản trong các khoa học xã hội và các nguyên tắc phương pháp luận của chúng

 

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN TRONG CÁC KHOA HỌC XÃ HỘI 

VÀ CÁC NGUYÊN TẮC PHƯƠNG PHÁP LUẬN CỦA CHÚNG

 

JOACHIM MATTHES

 


Nguồn: Bài giảng của Giáo sư Joachim Matthes – Trường Đại học Erlangen – Nurnberg CHLB Đức – HN 1994.



 

Khoa học xã hội ngày nay có rất nhiều lý thuyết khác nhau. Có thể phân nhóm những lý luận đó theo các quan niệm khác nhau, hoặc về các phương diện khác nhau.

Thí dụ, theo quan niệm tập trung vào cá nhân hay cá thể; những lý luận xuất phát từ xã hội, hay tập trung vào xã hội, thiên về xã hội; tiếp theo là những quan niệm trung gian, nằm giữa các lý luận nói trên…

Trước hết, xin trình bày 4 ý tưởng có tính chất lưu ý về sự phát triển của các khoa học xã hội.

1/ Ý tưởng thứ nhất liên quan tới một vấn đề hết sức khó khăn trong nghiên cứu khoa học xã hội. Khái niệm khoa học xã hội đã được sử dụng với những phương thức rất khác nhau. Ý nghĩa thứ nhất, người ta dùng khái niệm ở số nhiều – các khoa học xã hội, nghĩa là một khái niệm mẹ, bao trùm, cho một loạt ngành khoa học khác nhau: kinh tế học, luật học, sử học, chính trị, xã hội học, tâm lý học, giáo dục học, nhân chủng học. Tất cả các khoa học đó ngày nay được tập hợp lại dưới cái tên khoa học xã hội. Đó là một cách sử dụng. Cách sử dụng khác của các nhà khoa học xã hội có liên quan tới tất cả các phân ngành đó. Thế nhưng, trong trường hợp nào, xã hội học cũng quan trọng nhất.

Theo ý nghĩa thứ nhất, tất cả các ngành đó được tập hợp lại, gọi chung là các khoa học xã hội.

Theo ý nghĩa thứ hai, xã hội học là trung tâm; các khoa học khác là những phân ngành. Có thể nói, các khoa học xã hội là một dàn nhạc mà xã hội học là người chỉ huy, nhạc trưởng.

Theo ý nghĩa thứ ba, người ta sử dụng khái niệm khoa học xã hội theo số nhiều và đồng nhất với xã hội học; tức các khoa học xã hội = xã hội học.

Như vậy, nếu gặp khái niệm cuối cùng (xã hội học) trong sách hiện nay thì trước hết phải xem xét bài viết đó sử dụng ý nghĩa nào trong ba ý nghĩa nói trên. Hầu hết mọi người đều dùng theo nghĩa thứ nhất.

Nhưng thường thường, các nhà xã hội học là “những tên đế quốc”. Họ muốn thâu tóm các khoa học khác về phía mình. Do đó, đã diễn ra các cuộc tranh luận vào những năm đầu thế kỷ này (thế kỷ 20). Chính những người sáng lập xã hội học đã đưa ra quan niệm này: xã hội học là một siêu khoa học.

Trái lại, K. Marx hầu như không sử dụng khái niệm xã hội học. Ông sử dụng khái niệm các nhà khoa học xã hội. Và như vậy, ông đã sử dụng khái niệm theo ý nghĩa thứ nhất.

2/ Ý tưởng thứ hai. Cuối thế kỷ XIX, khoa học xã hội mới ra đời, là khoa học non trẻ nếu so sánh với các khoa học có truyền thống lâu đời. Từ xã hội học được đề xuất bởi nhà triết học Pháp Comte vào khoảng 1830. Ông là người đầu tiên sử dụng khái niệm “xã hội học” và “khoa học xã hội”. Từ này được hợp thành bởi một tiếng Latin và một tiếng Hy Lạp “socio-logy”. Hồi đó cũng đã có sự phê phán, cho rằng đó chẳng qua chỉ là sự pha trộn ngôn ngữ mà thôi. Đó là sự pha trộn từ hai ngôn ngữ: Latin và Hy Lạp. Vì thế, người ta cho là không hay. Nhưng bây giờ từ đó đã được sử dụng phổ biến.

Ông chỉ nêu vấn đề cần phát triển khoa học xã hội, còn bản thân ông lại không làm điều đó. Ông chỉ tìm ra từ đó mà thôi. Khoa học xã hội ra đời vào cuối thế kỷ XIX. Người sáng lập ra nó là người Pháp – Comte. Năm 1896, ông công bố cuốn Quy tắc của các phương pháp xã hội học. Có thể coi cuốn sách này là tác phẩm tuyên bố sự ra đời của khoa học xã hội. Đây là cuốn sách được mọi người biết đến, phổ biến, được dịch ra nhiều thứ tiếng, như là kinh thánh của các nhà khoa học xã hội.

Các khoa học xã hội bắt đầu từ cuốn sách này, có thể nói như vậy. Nó ra đời với tư cách một ngành khoa học độc lập.

Cũng vào khoảng thời gian đó, Max Weber ở Đức đã công bố những công trình nghiên cứu xã hội học cơ bản. Có thể coi ông là người cha thứ hai có công thành lập khoa học này, là người đã sử dụng thuật ngữ “khoa học xã hội”. Ông sống đến năm 1920. Công trình quan trọng của ông xuất hiện năm 1908.

Ngoài hai ông đó, trước hết phải nói đến K. Marx. Ông sống trước Max Weber, nhưng chưa bao giờ ông xem mình là nhà khoa học, hay được gọi là nhà xã hội học. Ông muốn phát triển một thứ lý luận xã hội tích cực tham gia vào những diễn biến của xã hội và làm biến đổi thế giới.

Có một câu châm ngôn nổi tiếng của K. Marx: Các nhà khoa học cũng như các nhà triết học chỉ tìm cách giải thích thế giới, nhưng vấn đề là phải cải biến thế giới. Vì thế, Marx, trong con mắt của các nhà khoa học phương Tây, không phải là nhà khoa học, mà là một nhà cách mạng, một chính khách. Đối với nước Đức, phải nói rằng, sự đánh giá đó về K. Marx, cho đến giữa thế kỷ XX, vẫn không thay đổi. Mãi đến những năm 60 của thế kỷ này, ở Tây Đức, người ta mới công nhận Marx là một nhà khoa học. Đồng thời, người ta tiếp nhận tư tưởng của ông là, các khoa học xã hội phải tham gia tích cực vào nhữn sự kiện xảy ra trong xã hội. Rất tiếc là hôm nay, do sự phát triển của chính trị trên thế giới, ở Đức, học thuyết của K. Marx lại không được người ta chú ý rộng rãi đến nữa. Tôi cho như thế là sai lầm. Bởi ý nghĩa của các tác phẩm khoa học của Marx, ý nghĩa của sự phân tích xã hội của ông, ý nghĩa của những yêu cầu thực tiễn của ông chắc chắn trước sau vẫn tồn tại.

Tóm lại, đối với những người viết về lịch sử về các khoa học, như người ta thường nói, các khoa học xã hội xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.

Nhưng cũng có một khoa học xã hội xuất hiện muộn hơn. Đó là khoa học chính trị. Khoa học chính trị là đứa con của Đại chiến II, xuất hiện ở Hoa Kỳ dưới áp lực của chiến tranh, chịu ảnh hưởng của tư tưởng là phải dân chủ hóa châu Âu, do sự xuất hiện của chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa dân tộc.

Vấn đề đặt ra là, cái gì đã xảy ra sau chiến tranh, khi mà thuyết cực quyền, chế độ cực quyền ở châu Âu chiến thắng. Muốn chiến thắng nó thì châu Âu phải được dân chủ hóa. Mới đầu người ta nghĩ, phải dân chủ hóa theo khuôn mẫu Hoa Kỳ, kể cả tư tưởng và các công cụ của các nhà khoa học xã hội. Phải chuyển tất cả những cái đó sang cho châu Âu vận dụng. Khoa học xã hội là một khoa học non trẻ, nên ngay từ đầu đã vấp phải vấn đề là phải tự thể hiện như một khoa học so với các khoa học khác. Khoa học xã hội phải luôn luôn đấu tranh để được thừa nhận. Do truyền thống cũ của khoa học, kinh tế học, triết học, luật học và các khoa học khác là những khoa học đã tồn tại lâu rồi. Vì vậy, người ta đòi hỏi khoa học xã hội phải có các thành tựu có thể đứng vững trong mối quan hệ với các khoa học đã được hình thành và củng cố.

Một thí dụ hay về vấn đề này là Max Weber. Ông vốn là nhà luật học, nhà kinh tế học. Hướng về khoa học xã hội, ông đã phân vân và nhiều lần bắt gặp các cuộc tranh luận từ phía kinh tế học. Ông có nhiều kẻ thù. Bấy giờ người ta gọi ông là nhà xã hội học. Các gọi đó có thể coi là sự miệt thị. Các công trình nghiên cứu khoa học của ông chứng minh rằng ông là một nhà kinh tế học giỏi. Nhưng vì ông quan tâm, có hứng thú đối với các nhà khoa học xã hội nên ông bị người ta xem như nhà kinh tế học nửa vời. Vấn đề này tồn tại cho đến hôm nay. Có một cuộc tranh cãi xoay quanh vấn đề này: Liệu người ta có thể là khoa học xã hội mà không đồng thời là nhà khoa học kinh tế và nhà luật học?

Ở CHDC Đức trước đây, người ta chỉ có thể giảng dạy xã hội học như một phân môn tiếp tục sau bậc đại học. Trước hết, học kinh tế học, luật học, sử học, sau đó mới có thể học môn xã hội học. Có thể nói, đó là một mô hình tốt, mô hình hay, trong khi ở Tây Đức lại coi xã hội học là một phân môn độc lập. Kết quả là các nhà xã hội học không hiểu gì về kinh tế học và luật học.

Như vậy, các khoa học xã hội đã từng gặp những khó khăn hết sức to lớn để tồn tại và được củng cố trong sự phân công lao động của các khoa học xã hội.

3/ Ý tưởng thứ ba, là các khoa học xã hội không chỉ là các khoa học non trẻ, mà còn là khoa học châu Âu điển hình.

Trong thế kỷ XIX, châu Âu trải qua sự phát triển xã hội hết sức đặc biệt. Có thể mô tả sự phát triển đó bằng hai khái niệm: chủ nghĩa tư bản và công nghiệp hóa. Hai sự phát triển đó làm cho các quan hệ xã hội ở châu Âu hoàn toàn lâm vào tình trạng hỗn độn. Bỗng nhiên có một loạt vấn đề nảy sinh. Đó là những vấn đề xã hội mà trước đây người ta chưa từng thấy. Và trong việc nghiên cứu giải quyết những vấn đề như thế, người ta thấy xuất hiện nhu cầu phải phát triển một khoa học nghiên cứu những vấn đề này. Và một khoa học đã có những kiến nghị giải quyết những vấn đề như thế. Những khái niệm, lý luận hay phương pháp luận của các khoa học xã hội này đã được hình thành và phát triển theo con mắt châu Âu, xã hội được định nghĩa theo khuôn mẫu của các xã hội dân tộc châu Âu.

Như vậy, người ta có: xã hội Đức, xã hội Pháp, xã hội Italy. Mỗi người sẽ thuộc vào một trong các xã hội ấy với tư cách là một người riêng lẻ. Khi là thành viên của một trong những xã hội đó đến với xã hội khác, người ta trở thành người xa lạ. Đó là một biểu tượng hết sức quan trọng đối với việc định nghĩa xã hội – một quan niệm của châu Âu trong thế kỷ XIX. Nếu hôm nay nói về xã hội thì chúng ta luôn luôn có một quan niệm – một biểu tượng về một thế hoàn chỉnh – một cộng đồng, tập hợp của những con người trên một lĩnh vực nhất định, với biên giới nhất định. Đó là một ý tưởng điển hình ở châu Âu trong thế kỷ XIX: xã hội dân tộc được đồng nhất hóa với xã hội. Mặt khác, các xã hội châu Âu trong thế kỷ XIX có thể nói là hoàn toàn đồng nhất. Những người Đức, tuy có 3 quốc gia (Đức – Áo – Hung) nhưng bản thân nó đồng nhất. Và do đó, có một khái niệm về xã hội: xã hội là một lãnh thổ có biên giới. Còn những con người sống trong phạm vi xã hội đó, về phương diện dân tộc thì sống tương tự nhau. Chỉ khi người ta có quan điểm đó thì mới có thể nói đến thuật ngữ minorité (dân tộc thiểu số). Đó là thuật ngữ chỉ nhóm người nhỏ, mang tính chất khác hơn. Nhưng chỉ được gọi như thế nếu nó vẫn mang tính thuần nhất xét về mặt đa chủng. Trong thời gian đó, đây là một vấn đề hết sức to lớn mà người Hoa Kỳ gặp phải.

Bởi vì xã hội Hoa Kỳ trong thế kỷ XIX trước hết là một xã hội không có biên giới chặt chẽ. Sự di dân đến Hoa Kỳ làm rộng thêm biên giới nước này. Xã hội Hoa Kỳ là xã hội của những người di cư. Về chủng tộc, đây là một xã hội pha tạp, còn các mặt khác thì đồng nhất. Nhiều người có quốc tịch châu Âu. Nhiều người từ châu Á đến. Cuối cùng, phải kể đến thổ dân da đỏ nữa.

Trong năm 1854, một nhà khoa học xã hội Hoa Kỳ đã viết một cuốn sách về các khoa học xã hội. Ông viết “Tư tưởng châu Âu” của các nhà khoa học xã hội không thể vận dụng được vào Hoa Kỳ, vì hai lý do tôi vừa nói. Ông nói rằng, Hoa Kỳ không có biên giới ổn định; và không có một dân tộc thuần nhất. Ngay từ thời kỳ này (giữa thế kỷ XIX), ông gọi Hoa Kỳ là một xã hội của các xã hội – một loại siêu xã hội, không có biên giới ổn định, với rất nhiều xã hội nhỏ tồn tại trong đó: xã hội Tây Ban Nha, xã hội Italy, xã hội da đỏ, xã hội Trung Hoa… Tất cả các xã hội này đều là xã hội tự thân, thế nhưng lại nằm trong một xã hội. Tóm lại, ngay từ đầu, trong các khoa học xã hội đã có hai tư tưởng khác nhau về xã hội. Tư tưởng thứ nhất nói về xã hội có lãnh thổ, với một dân tộc thuần nhất. Tư tưởng thứ hai là xã hội đa văn hóa.

Bây giờ, cuối thế kỷ XX, khi suy nghĩ về xã hội, phải nói rằng, phần lớn các xã hội đang tồn tại không phải là các xã hội dân tộc theo tinh thần châu Âumà là các xã hội đa văn hóa.

Ngoài châu Âu, chỉ có rất ít xã hội thuần nhất, như Nhật Bản. Xã hội Trung Quốc không còn được kể là xã hội thuần nhất nữa. Trung Quốc tuy là một quốc gia, nhưng bản thân nó có một loạt xã hội nói riêng, với ngôn ngữ khác nhau, với văn hóa khác nhau, với truyền thống khác nhau. Một người Trung Quốc từ Bắc Kinh tới Tây Tạng chẳng hạn, sẽ gặp nhiều khó khăn to lớn để có thể sống được. Bởi vì, ở đây có ngôn ngữ khác, chỉ cần nhìn vào chữ viết của họ cũng thấy rõ điều đó. Ngoài ra, còn truyền thống văn hóa và chủng tộc nữa.

Hãy lấy xã hội châu Phi làm ví dụ. Kenya là một xã hội. Ở Kenya có 5 xã hội: phía Bắc có người Somalia sống, đó là người du mục; giữa nước này co ba dân tộc châu Phi Đen sống, với ngôn ngữ khác nhau: một bộ tộc là người trồng trọt hay đánh cá; ở phía Nam đất nước có những người du mục, nhưng có chăn nuôi súc vật. Tất cả các xã hội này đều có ngôn ngữ khác nhau, có văn hóa khác nhau, và hầu như họ không thể hiểu nhau.

Tôi xin kể một câu chuyện về Kenya. Trước đây, tôi đã sống một thời gian dài ở biên giới Kenya và Ethiopia. Biên giới ở đây là một con sông. Hai bên bờ con sông này có những người Kenya, Ethiopia, Somalia, là những người du mục với những đàn gia súc rất lớn. Họ đi lại ngang qua sông, người ở hai bên bờ sông đều là họ hàng thân thích với nhau. Cũng có khi bờ bên này là người Ethiopia, và bờ bên kia lại là người Kenya. Có 5 cảnh sát châu Phi Da đen kiểm soát biên giới ở cái làng tôi sống…

Như vậy, chúng ta bắt gặp một khái niệm “xã hội” rất khó hiểu, nếu cụ thể hóa khái niệm đó. Ở châu Âu, người ta không gặp phải vấn đề nào to lớn cả. Bởi vì, ở đó có sự đồng nhất giữa Nhà nước – xã hội. Nhưng ở ngoài Châu Âu, đây lại là vấn đề nan giải. Việc tìm hiểu khái niệm này ở ngoài phạm vi châu Âu sở dĩ gặp khó khăn vì người ta phải xác định đối tượng của nó. Nếu muốn nói về khái niệm “xã hội” thì trước hết, phải xác định nó có những đặc điểm nào.

Đối với xã hội châu Âu, bây giờ người ta cũng đã gặp khó khăn, bởi vì ngày càng có nhiều người di cư tới, từ Đông Âu, từ châu Á, từ châu Phi.

Chúng tôi xin nhắc lại những vấn đề đã trình bày bằng một hình thức khác.

Các nhà khoa học xã hội ra đời ở châu Âu, xuất phát từ tư tưởng cho rằng xã hội có một lãnh thổ, có biên giới nhất định đối với các xã hội khác và mang tính thuần nhất. Vận dụng khái niệm về xã hội này vào những xã hội không phải châu Âu là rất khó khăn, thí dụ Malaysia.

Malaysia là một bán đảo cộng với một phần đảo Bornéo ở phía Bắc. Đó là một Nhà nước có cấu tạo hết sức đặc biệt, bởi vì trước đây là thuộc địa của Anh. Với tư cách là thuộc địa của Anh, nước này đã biến thành một quốc gia. Thành phần của Nhà nước này như thế nào? Trên bán đảo Malaysia có 55% người Mã Lai, 35% người Trung Hoa, số còn lại là người Ấn Độ và những người pha tạp giữa châu Âu và châu Á. Các nhóm cư dân này phân bố không đều ở nước này. Nông nghiệp trồng lúa ở trong tay người Mã Lai. Côg nghiệp thiếc và kinh tế thương nghiệp nằm trong tay người Trung Hoa. Những đồn điền cao su rộng lớn lại do người Ấn Độ quản lý. Nếu đi ô tô từ Singapore đến Kuala Lumpur, ta sẽ đi qua quãng đồng lúa với những làng Mã Lai. Sau đó, qua những đồn điền cao su rồi đột nhiên sẽ thấy có những làng người Ấn theo Đạo Hindu, và xen vào các làng Mã Lai với các bộ tộc Islam, vì người Mã Lai theo Đạo Hồi. Đi xa hơn, ta sẽ đến một thành phố nhỏ, ở đó chỉ thuần có người Trung Hoa. Tất nhiên ở trong thành phố của người Trung Hoa cũng có một số người Mã Lai, người Ấn Độ. Nhưng bức tranh chung của thành phố được thể hiện bởi tính Trung Hoa rõ rệt. Toàn bộ cộng đồng đó được xem xét như một xã hội. Giữa người Hoa và người Mar Lai không có hôn phối pha tạp. Bởi vì nếu người Hoa cưới người Mã Lai thì phải theo Đạo Hồi và trở thành tín đồ Hồi giáo. Người Trung Hoa không muốn như thế. Các bộ phận cư dân trước sau vẫn phân biệt rõ rệt. Vậy vấn đề đặt ra là: xã hội Malaysia là một xã hội như thế nào? Ngôn ngữ của quốc gia là tiếng Mã Lai, còn tôn giáo của Nhà nước lại là Đạo Hồi. Nhưng có nhiều người Hoa không nói được tiếng Mã Llai, chỉ nói được tiếng Trung Quốc và tiếng Anh. Có thể gọi đó là một xã hội, hay đó là một tập hợp nhiều xã hội khác nhau? Vấn đề rất quan trọng xét về sự khác biệt văn hóa giữa những bộ phận dân cư khác nhau. Các  chính khách càng khó khăn trong việc tán thành đường lối chính sách của Chính phủ. Rất khó thể hiện tính thống nhất trong một xã hội như vậy. Nhà nước Malaysia có một Hiến pháp cho phép có những đảng phái khác nhau: Đảng Bảo thủ, Đảng Tự do,… Các chính khách ở Malaysia nói rằng, nếu cho phép các đảng phái chính trị hoạt động theo gương nước Anh, thì ngay lập tức các đảng này sẽ trở thành các Đảng dân tộc hay chủng tộc. Và như vậy sẽ có Đảng Mã Lai, Đảng Trung Hoa, Đảng Ấn Độ. Nếu thế thì ranh giới giữa các bộ phận cư dân càng trở nên gay gắt. Vì thế, người ta muốn có một Quốc hội không đảng phái. Người ta chỉ muốn có một Mặt trận dân tộc, trong đó sự khác biệt giữa các nhóm dân tộc khác nhau phải được xóa bỏ và thanh toán trước khi họ gia nhập Quốc hội… Và như vậy ta lại bắt gặp câu hỏi: Đó là một xã hội như thế nào? Có phải đó là một tổng số của ba xã hội hay không: Mã Lai – Trung Hoa – Ấn Độ, hay đó là một xã hội độc lập, một xã hội với một dân tộc riêng của mình?

Chuẩn mực châu Âu không thích hợp với hoàn cảnh ở đây. Và, có lẽ còn một câu hỏi nữa đặt ra đối với xã hội Việt Nam. Theo tinh thần châu Âu, Việt Nam có phải là một xã hội thuần nhất hay không? Hay là một quốc gia có nhiều xã hội nằm trong lòng nó? Tôi biết quá ít về Việt Nam để có thể giải đáp câu hỏi này cho bản thân mình.

4/ Ý tưởng thứ tư có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của các khoa học xã hội… Văn hóa châu Âu là văn hóa Thiên Chúa giáo, là một dạng tư duy châu Âu, mang màu sắc tôn giáo châu Âu rất rõ. Cho nên, lối suy nghĩ, phương thức tư duy đó rất khó chuyển dịch sang vấn đề có liên quan ở các xã hội khác.

Nhận thức của châu Âu thiên về Thiên chúa giáo xuất phát từ ý tưởng cho rằng chỉ có một Chúa. Đó là độc thần, hay tư tưởng tôn giáo theo chủ nghĩa độc thần. Vị chúa này có hai đặc điểm quan trọng: đối với con người, Chúa là một đấng không thể vươn tới được, hoàn toàn khác biệt so với họ. Có một từ rất nổi tiếng của nhà thần học Đức, nhà cải cách Mactini. Ông nói rằng, Chúa là một thực thể không thể biết được, con người có cố gắng đến đâu chăng nữa cũng không thể hiểu Chúa là gì. Chúa ở một nơi nào đó, phía bên kia, không vươn tới được. Nhưng đồng thời, Chúa là toàn năng, ở trên con người. Quan điểm này đã thâm nhập vào tư duy thường ngày của con người và cũng thâm nhập vào các khoa học. Các nhà khoa học không muốn thừa nhận điều đó. Đối với các nhà khoa học phương Tây, ý tưởng về chân lý xuất phát từ ý niệm của Chúa. Chân lý là không thể biết được, nhưng chân lý lại là toàn năng. Nhiệm vụ của các nhà khoa học là phải từng bước tiếp cận chân lý. Đối với nhận thức luận châu Âu, phía sau quan niệm đó là tư tưởng xuất phát từ Chúa. Đã có cuộc tranh luận kéo dài hàng thế kỷ về vấn đề chân lý. Người ta có thể nắm bắt được chân lý hay không, hay người ta chỉ có thể tiếp cận chân lý mà thôi? Phần lớn các nhà nhận thức luận nói rằng, người ta chỉ có thể tiếp cận chân lý mà thôi. Nếu nắm bắt được nó, con người sẽ trở thành Chúa…

Trong phần dẫn luận nêu trên, vấn đề được quan tâm là các khoa học xã hội ra đời vào thế kỷ XIX, trong hoàn cảnh đặc biệt của xã hội châu Âu. Các khoa học xã hội, trước hết có nguồn gốc sinh thành nội tại trong bản thân chúng, sự phổ biến rộng rãi các khoa học xã hội vượt ra khỏi châu Âu luôn luôn đặt ra vấn đề là phải chuyển tải cái đặc điểm thuần châu Âu đó sang nền văn hóa khác như thế nào.

Dưới đây, trình bày các quan điểm lý luận cơ bản quan trọng trong các khoa học xã hội, các quan điểm đã hình thành và phát triển cho tới nay trước hết nhằm vào những vấn đề phương pháp hệ. Chúng ta thấy đã xuất hiện sự bối rối, bởi lẽ trong khoa học xã hội có rất nhiều quan điểm khác nhau. Theo gương các nhà khoa học tự nhiên thì lẽ ra chỉ có một lý thuyết trung tâm mà thôi, một lý thuyết trung tâm xuất  phát từ một giả thuyết. Nhưng ngày nay, từ rất sớm, các khoa học xã hội đã luôn luôn nhấn mạnh rằng, cuộc sống xã hội rất phức tạp, cho nên một lý luận duy nhất không đủ để làm cơ sở giải quyết vấn đề. Đối với bất kỳ công trình nghiên cứu nào, người ta đều đứng trước nhiệm vụ phải lựa chọn một lý thuyết nào đó để phù hợp với từng mục đích nghiên cứu. Đồng thời, người ta phải tính đến các lý thuyết khác nhau để xem nên lựa chọn cái gì. Việc phân loại lý thuyết khác nhau là một điều nan giải vì người ta xuất phát từ những góc độ khác nhau. Cách làm tốt nhất là phải cập nhật hóa để thấy rằng trong thế kỷ XIX, lý thuyết nào là trung tâm. Các quan điểm lý luận khác nhau được hình thành thông qua các quan hệ xã hội khác nhau. Khi phân loại, tốt hơn hết là phải phân biệt cá thể và xã hội. Đây là vấn đề lý luận trung tâm. Nói cách khác, người ta có thể phân loại một cách đại thể giữa các lý thuyết như thế. Có lý luận xuất phát từ cá thể, hay cá nhân để đi tới thiết chế xã hội. Lại có những lý thuyết xuất phát từ xã hội, rồi từ đó đề cập tới cá thể, cá nhân. Như vậy, ta có hai dòng lý luận song song, đối lập nhau. Trong triết học, đó là vấn đề nhận thức học. Có thể nói, đó là những lý thuyết quy nạp và diễn dịch. Lý do ẩn đằng sau hai nhóm lý thuyết đó chính là những kinh nghiệm đặc biệt của châu Âu trong thế kỷ XIX.

Trước hết, cần thấy hoàn cảnh châu Âu trong thế kỷ XIX là như thế nào. Trong thế kỷ XVIII, châu Âu rất lạc quan khi xem xét vấn đề tự do và độc lập, độc lập của cá nhân. Đó là giai đoạn cuối cùng của thời kỳ khai sáng. Người ta tin tưởng rất chắc chắn vào sự tự quyết, sự độc lập và tự do của cá nhân. Cuộc Cách mạng Pháp là sự kiện lịch sử lớn lao được phản ánh trong cái suy tư đó: tinh thần bình đẳng – tự do – bác ái. Đó là sự nở hoa kết trái cao nhất lúc bấy giờ.

Nhưng điều đó đã thay đổi rõ rệt trong thế kỷ XIX, đặc biệt với sự chuyên chế của Napoleon. Như thế, người ta vấp phải ảo tưởng. Hy vọng của con người vào cái ảo tưởng đó bị phá vỡ. Người ta lại bi quan về sự tự do và độc lập của con người. Sau đó, đến thế kỷ XX, khi có sự biến đổi về kinh tế, chính trị và xã hội, với kinh nghiệm thu được, K. Marx đã mô tả bằng thuật ngữ “tha hóa”. Sự lạc quan của thế kỷ XVIII được thay thế bởi sự bi quan về mặt tự do và độc lập của cá nhân. Dường như các mối quan hệ xã hội đã diễn ra ngay trong cá thể vậy.

Trong thế kỷ XIX, người ta tìm thấy ở các nước châu Âu một loạt sách báo phổ biến về sự quyết định của quan hệ xã hội đối với cá nhân. Thí dụ, trong một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng vào khoảng giữa thế kỷ XIX, ta có thể tìm thấy đoạn sau đây:

…Chúng ta đã thấy những ảo tưởng như thế nào về sự tự do của con người. Ngày nay, mỗi cá nhân đều cảm thấy mình bị xa lạ, tha hóa đi rồi, và trở thành đơn độc. Bởi vì chúng ta đã phó mặc cho các quy luật xã hội. Khi suy nghĩ như vậy, người ta sử dụng cách diễn đạt – Đức. Ý nói trong nguyên văn bàn tới những thế lực hắc ám đứng đằng sau những trái núi. Đó là quan niệm ma thuật, nói về những lực lượng xã hội to lớn, hùng mạnh mà chúng ta không thể nào ảnh hưởng, tác động tới chúng. Sự việc diễn ra hoàn toàn theo quy luật tự nhiên, chúng ta không có cách gì để đối phó với các thế lực này cả. Tác giả người Đức mà tôi vừa trích dẫn đã vẽ nên bức tranh sau:

Chúng tôi phải trèo lên những ngọn núi đó mà đằng sau chúng là những thế lực hùng mạnh đang hoành hành và chúng ta phải tìm cách trèo lên tới đỉnh núi để có thể nhìn sang phía bên kia. Đó chính là nhiệm vụ của các khoa học xã hội.

Ở thế kỷ XIX, xã hội là một thế giới không thể biết được, con người chỉ cảm thấy mình bị phụ thuộc vào nó. Mọi người muốn giải thích nó. Tương tự như vậy, K. Marx đã viết về nhiệm vụ của các khoa học xã hội. Ông xuất phát từ ý tưởng: nếu muốn phát hiện quy luật chưa biết của xã hội, thì phải tác động vào xã hội, qua đó xác lập sức mạnh của cá nhân đối với xã hội. Ý tưởng về xã hội đã hình thành như thế. Sự phát triển của xã hội diễn ra trong thời kỳ này có thể tóm tắt theo 4 khía cạnh, có thể tìm thấy trong các tác phẩm trước đây của Marx.

Khía cạnh thứ nhất là con người ở châu Âu trong thế kỷ XIX bị chia tách khỏi hình thức sinh sống của họ, chiếm nửa số dân đang hoạt động kiếm sống hàng ngày. Trong thế kỷ XIX, những người này chuyển từ nông thôn ra thành thị. Họ bị tách khỏi quan hệ gia đình để trở thành những người riêng lẻ kiếm sống ở thành thị. Khi nói tới các quan hệ xã hội chủ yếu đầu tiên, phải nói tới quan hệ gia đình, họ hàng thân thích, láng giềng. Các quan hệ đó tan biến dần, vì con người phải đi tìm việc làm ở nơi khác. K. Marx mô tả rất rõ tình trạng này trong Tuyên ngôn cộng sản.

Khía cạnh thứ hai là các hình thức lao động đã thay đổi. Trong lao động nông nghiệp và thủ công trước đây, con người làm việc từ đầu đến cuối để tạo ra sản phẩm của mình. Trong lao động công nghiệp, con người chỉ là một phần việc; họ không còn có quan hệ với sản phẩm mình làm ra.

Khía cạnh thứ ba quan trọng, diễn ra với những yêu cầu mới về giáo dục và đào tạo. Gia đình không còn là cơ sở giữ chức năng giáo dục hàng đầu nữa, mà nhà trường cũng như việc đào tạo nghề đóng vai trò quan trọng và ngày càng trở nên quan trọng hơn trong việc chuẩn bị cho con người hoạt động nghề nghiệp và kiếm sống tương lai. Như vậy, đã xuất hiện việc giáo dục và đào tạo chuyên sâu. Người ta không thể chỉ còn học ở người cha, người thợ cả, mà phải học ở nhà trường, ở giáo viên. Người ta học một đôi điều nào đó liên quan đến lao động chuyên sâu cho một chức năng riêng biệt, người ta không còn được đào tạo một cách tập thể nữa.

Khía cạnh thứ tư là quá trình diễn biến cuộc sống, sinh hoạt của con người cũng thay đổi. Do việc chăm sóc y tế tốt hơn, tuổi thọ trung bình tăng lên thì đồng thời, cuộc  sống của con người cũng đã diễn ra theo sự phân chia giai đoạn khác trước. Cuộc đời con người tập trung xoay quanh hoạt động sinh sống là lao động kiếm sống chuyên nghiệp.

Theo K. Marx, đó là sự bán sức lao động để kiếm sống. Hoạt động kiếm sống của con người diễn ra trong giai đoạn trung gian của đời người thông qua việc bán sức lao động. Thời kỳ thanh xuân là thời kỳ chuẩn bị cho hoạt động kiếm sống này, và hoạt động kiếm sống này chuẩn bị cho tuổi già. Tuổi già được định nghĩa là từ bỏ hoạt động kiếm sống. Đối với các quan hệ châu Âu, đó là một nhân tố hết sức quan trọng, bởi vì già là sự suy thoái. Trước đây, khi còn trẻ, con người được kính trọng nhiều. Bây giờ đến tuổi già, như là sự từ bỏ hoạt động kiếm sống, con người không còn ý nghĩa nữa. Người ta không còn sức lao động để bán nữa. Như vậy, đồng thời do các quan hệ gia đình đã bị suy yếu nên người già lâm vào các quan hệ hết sức khó khăn. Họ không còn có ý nghĩa, vai trò xã hội nữa. Gia đình cũng không thể hỗ trợ họ được. Điều đó diễn ra vào cuối thế kỷ XIX, dẫn tới việc phải thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội để giúp đỡ người già bị suy yếu và thiệt thòi.

Nói cách khác, sự biến đổi xuyên suốt xã hội, thâm nhập vào xã hội, khiến con người trở nên kém tự tin, cảm thấy không an toàn nữa. Chúng ta bắt gặp cách diễn đạt bằng các thuật ngữ: cá thể hóa, tha hóa. Các khái niệm đó nói lên sự bất lực của xã hội đối với thế lực nào đó và nó thể hiện cái cảm nhận về cuộc sống của con người. Đó là một tâm thế thiên về bi quan. Có thể nói, đó là hiện tượng phó mặc cho số phận, hoàn toàn khác với tinh thần lạc quan của thế kỷ XVIII.

Ngoài ra, còn có vấn đề khác nữa. Trong thế kỷ XIX, ở châu Âu có một sự thực thi luật pháp phổ biến trong xã hội. Những quan hệ xã hội giữa con người với nhau trước đó chủ yếu được đặc trưng bởi sự tin cậy lẫn nhau, với những bổn phận mang tính đạo đức đối với nhau. Còn bây giờ, các quan hệ xã hội được điều chỉnh thông qua các quy định cũng như thông qua luật pháp. Trong thế kỷ XIX, ở châu Âu đã xuất hiện những tác phẩm đầu tiên về luật pháp. Vào đầu thế kỷ XIX, có sự sùng bái Napoleon ở Pháp. Cuối thế kỷ XIX, một cuốn sách về luật xuất hiện ở Đức. Suốt thế kỷ đó, với sự sùng bái Napoleon và sự ra đời đạo luật ở Đức, quan hệ xã hội giữa mọi người từng bước một đã được quy định bằng luật pháp.

Vào buổi đầu thế kỷ XIX, ở hầu hết các xã hội châu Âu, vấn đề điều chỉnh quan hệ xã hội trong gia đình, như con cái với cha mẹ, về mặt đạo đức không cần đặt ra. Con cái, đặc biệt là con trai, theo khả năng và điều kiện của con mình, phải chăm sóc cha mẹ, nếu họ già nua. Và trước đó, do quan hệ về mặt đạo đức, các bậc cha mẹ phải quan tâm tới việc giáo dục con cái.

Cuối thế kỷ XIX, các quan hệ này được điều chỉnh bằng luật pháp. Thí dụ luật pháp quy định: người cha phải có bổn phận trả tiền cho việc đào tạo người con trai của mình đến 27 tuổi. Từ 28 tuổi, người cha không phải trả tiền nữa. Đó có thể là một sự điều chỉnh không thể chấp nhận được. Từ đó trở đi, mọi vấn đề được điều chỉnh bằng luật pháp. Ngược lại, con cái phải quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Bây giờ những điều đó diễn ra không phải theo bổn phận về đạo đức nữa, mà theo luật pháp.

Bỗng nhiên, đầu thế kỷ XX, chúng ta thấy có một loạt vụ án giữa các thành viên trong gia đình, phá vỡ ý nghĩa của gia đình. Ngay trong Tuyên ngôn cộng sản, không phải ngẫu nhiên mà K. Marx đã lên án rằng, trong xã hội của thế kỷ XIX, quyết định của tòa án đã thay thế cho sự tự chịu trách nhiệm của con người. Trong thực tế, ngành luật ở châu Âu cho đến ngày nay đã tiến hành các vụ án ở tòa án theo luật mà có nhiều trường hợp không thể chấp nhận được. Thí dụ, quan hệ xóm giềng, nếu trước đây hai người hàng xóm sống cạnh nhau có một cây mọc trên nền đất của nhà này vươn sang nhà bên cạnh thì người ta nói chuyện với nhau, thông cảm với nhau về điều đó. Ngày nay, phải ra tòa. Một luật sư được đào tạo phải giải quyết vấn đề này như mức cần thiết của nó.

Xin kể cho các bạn nghe một giai thoại: hai vị giáo sư, hai bạn đồng nghiệp của tôi sống bên nhau trong hai ngôi nhà. Một giáo sư treo một cái đu cho trẻ. Khi các cháu đu, cái đu đó vượt qua hàng rào, vi phạm địa giới nhà bên cạnh. Người hàng xóm đó đã ra tòa tố cáo rằng, trẻ con nhà bên cạnh đã vi phạm “không phận” nhà tôi. Đó không phải là chuyện tiếu lâm. Đã có một vụ án có thật về vấn đề này. Chắc chắn đó là một thí dụ hơi thái quá. Nhưng thí dụ đó cho thấy, xét về các quan hệ xã hội, chúng ta khó có thể chấp nhận cách xét xử, dù kết quả của vụ này diễn ra như thế nào.

Như vậy có một mặt rất quan trọng của sự phát triển xã hội là cái thể hiện trong việc xử lý về mặt luật pháp mà Max Weber đã diễn đạt bằng thuật ngữ hợp lý hóa, các quan hệ xã hội chèn ép và xô đẩy tình cảm của con người.

Tóm lại, những kinh nghiệm rộng lớn về mặt xã hội trong thế kỷ XIX ở châu Âu là sự tách biệt hết sức xa cách giữa cá nhân và xã hội. Đó là kinh nghiệm làm cho con người lo sợ. Vì trong thế kỷ XVIII người ta đã từng lạc quan khi nhìn nhận cá nhân, nhưng giờ đây cảm thấy sức mạnh và sự độc lập của cá nhân đã bị thu hẹp lại rồi.

Hai nhóm lý luận đó rất quan trọng đối với sự phát triển tiếp theo của khoa học xã hội và có ý nghĩa to lớn cho đến nay. Về phần chúng, các khao học xã hội này lại được chia thành các quan điểm khác nhau xuất phát từ những ý tưởng đặc biệt.

Chúng ta có cá nhân và xã hội. Cả hai được tách biệt bởi kinh nghiệm của thế kỷ XVIII và XIX.

Chúng ta đã làm quen với các lý thuyết xuất phát từ cá nhân. Chủ yếu đó là thuyết hành vi, ngày nay thuyết này đã được khắc phục các mặt yếu và phát triển; và thuyết hành động.

Ở phía khác, chúng ta gặp những lý luận xuất phát từ xã hội. Lý luận này có hai nhóm. Một nhóm xuất phát từ lịch sử xã hội – giải thích xã hội về mặt lịch sử, thuộc vào đó có cả học thuyết của K. Marx. Một nhó tiến hành theo hệ thống, quan niệm xã hội như là một hệ thống. Đó là những lý luận hệ thống.

Giữa hai nhóm lý luận đó có nhóm thứ ba. Nhóm này xuất phát từ khoảng trung gian giữa cá nhân và xã hội, tìm cách gắn kết chúng lại. Đó là nhóm xã hội, trước hết là gia đình, họ hàng theo tinh thần dân tộc học.

Bây giờ đến các quan hệ phân cấp các hiện tượng xã hội thứ cấp. Thuộc vào đó, trước hết có các tổ chức lớn như xí nghiệp, công đoàn, đảng phái, nhà trường; các tổ chức là một bộ phận trong xã hội. Hai nhóm lý luận này hình thành, nảy sinh từ góc độ, đó là thuyết tương tác và chủ nghĩa chức năng. Thuyết tương tác xuất phát từ sự tác động qua lại trong hành động giữa con người với nhau. Còn chủ nghĩa chức năng xuất phát từ chỗ xem chức năng nào sẽ thực hiện một hiện tượng xã hội khi đặt nó trong mối quan hệ với các hiện tượng xã hội khác.

Có thể nói, trong các khoa học xã hội ngày nay có 6 nhóm lý luận lớn: thuyết hành vi, thuyết hành động, thuyết lịch sử, thuyết hệ thống, thuyết tương tác, thuyết chức năng.

Cần nói rõ rằng, nhóm bên này – lý luận vi  mô (micro), xuất phát từ cá nhân, nhóm bên kia – lý luận vĩ mô, xuất phát từ toàn bộ các quan hệ xã hội. Người ta đang băn khoăn, có thể gọi nhóm ở giữa bằng một thuật ngữ hơi mới – mezzo – là thuật ngữ xuất phát từ tiếng Italy, gọi là nhóm lý luận trung gian, là các nhóm nằm giữa lý luận vi mô và vĩ mô. Đó có lẽ là bảng khái quát về các lý thuyết khác nhau.

Tôi còn nhớ hôm qua có một bạn muốn hỏi về mối quan hệ của xã hội học với khoa học nhân văn, và mối quan hệ giữa xã hội học với triết học.

Trước hết, xin trả lời câu hỏi thứ nhất, thế nào là khoa học nhân văn? Các khoa học nhân văn là một khái niệm chung chỉ tất cả các khoa học không phải là khoa học tự nhiên. Đó là các khoa học nghiên cứu con người không mang tính chất khoa học tự nhiên. Sinh học cũng nghiên cứu con người, với tư cách con người là một thực hệ tự nhiên, vì sinh học thuộc khoa học tự nhiên, còn nah6n chủng học thuộc khoa học nhân văn. Người ta phân khoa học nhân văn thành hai nhóm: các khoa học xã hội và các khoa học tinh thần.

Thuộc vào các khoa học tinh thần có văn học, ngôn ngữ học, âm nhạc học; thuộc vào các khoa học xã hội có kinh tế học, luật học, sử học, tâm lý học, nhân chủng học, giáo dục học và xã hội học; các khoa học này nghiên cứu mối quan hệ giữa con người với nhau. Các khoa học nghiên cứu về tinh thần là các khoa học nghiên cứu các sản phẩm hoạt động của con người: âm nhạc, văn học…

Câu hỏi thứ hai liên quan tới mối quan hệ giữa xã hội học và triết học. Thật khó có thể giải đáp câu hỏi này, vì triết học từng muốn đặt cho mình nhiệm vụ xác lập cơ sở cho tất cả các khoa học. Giữa xã hội học và triết học có một mâu thuẫn căng thẳng. Có thể nói, triết học là loại hình khoa học làm cơ sở cho cả khoa học xã hội và khoa học tinh thần, trong đó có xã hội học. Tất cả, bằng hình thức nào đó, đều nghiên cứu dựa trên cơ sở triết học. Triết học là khoa học cơ bản đối với các khoa học nghiên cứu về con người – khoa học nhân văn. Nhưng đó là sự phân biệt hết sức khó khăn, nan giải, và tất nhiên có những tranh luận về vấn đề này.

 

 

 


Nguồn: Bài giảng của Giáo sư Joachim Matthes – Trường Đại học Erlangen – Nurnberg CHLB Đức – HN 1994.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt