Nhận thức luận | Khoa học luận

Phép biện chứng. Lượng và chất

PHÉP BIỆN CHỨNG. LƯỢNG VÀ CHẤT

 

FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)

 


Friedrich Engels. “Chống Dühring” trong C. Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tậptiếng Việt, tập 20. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994. | Phiên bản điện tử: http://www.dangcongsan.vn


 

 

"Nguyên lý đầu tiên và quan trọng nhất về những thuộc tính lô-gích cơ bản của tồn tại là gạt bỏ mâu thuẫn. Mâu thuẫn là một phạm trù chỉ có thể thuộc về sự kết hợp các tư tưởng, chứ không thuộc về hiện thực. Trong các sự vật không hề có bất cứ một mâu thuẫn nào, hay nói cách khác, bản thân mâu thuẫn được coi như có thực là một điều vô nghĩa hết sức... Sự đối kháng của những lực lượng chống đối nhau trong những hướng trái ngược, chính là hình thức cơ bản của mọi hành động trong tồn tại của thế giới và của các sinh vật tồn tại trên thế giới. Nhưng sự xung đột ấy giữa những hướng của những lực lượng của các nhân tố và các cá thể không hề mảy may lẫn lộn với quan niệm phi lý về những mâu thuẫn... Ở đây, chúng ta có thể tự lấy làm hài lòng vì đã dùng một hình ảnh rõ ràng về cái phi lý thực sự của mâu thuẫn trong thực tế để đánh tan những đám sương mù thường hay toả ra từ những cái gọi là phép thần bí của lô-gích; chúng ta cũng đã vạch rõ được sự vô ích của những trầm hương mà người ta đã đốt lên khắp đây đó để tỏ lòng cung kính đối với cái tượng thần bằng gỗ được gọt đẽo một cách rất thô kệch của phép biện chứng về mâu thuẫn, mà người ta đã lén lút đưa vào để thay thế cho cái đồ thức đối kháng về vũ trụ".

Đó là đại khái tất cả những điều nói về phép biện chứng trong tập "Bài giảng về triết học". Trong quyển "Lịch sử phê phán", ngược lại, phép biện chứng về mâu thuẫn và cùng với phép đó, nhất là Hê-ghen lại bị công kích một cách khác hẳn.

"Theo lô-gích học của Hê-ghen, hay đúng hơn là theo học thuyết của ông ta về Lô-gô-xơ (Logos) thì mâu thuẫn thực ra không đơn thuần chỉ tồn tại ở trong tư duy - mà theo bản chất của nó thì tư duy chỉ có thể có tính chất chủ quan và tự giác - mà nó tồn tại một cách khách quan ở trong bản thân các sự vật và các quá trình, và có thể bộc lộ ra dưới hình thức hữu hình; như vậy là cái vô nghĩa không còn là một sự kết hợp không thể có được của tư tưởng, mà trở thành một lực lượng có thực. Sự tồn tại hiện thực của cái phi lý là tín điều thứ nhất của sự thống nhất kiểu Hê-ghen giữa lô-gích và phi lô-gích... Càng mâu thuẫn thì càng có tính chất chân lý, hay nói cách khác, càng phi lý thì càng đáng tin: câu châm ngôn này chẳng phải là một phát minh gì mới mẻ, mà là mượn và ở thần học ở chủ nghĩa thần bí, nó chính là biểu hiện trần trụi của cái nguyên tắc gọi là biện chứng".

Tư tưởng chứa đựng trong hai đoạn trích dẫn ở trên, tóm tắt lại trong mệnh đề: mâu thuẫn = vô nghĩa, và do đó, nó không thể có trong thế giới hiện thực được. Có thể là đối với những người có lý trí khá lành mạnh thì mệnh đề đó cũng rõ rành rành như mệnh đề sau này: thẳng không thể là cong, và cong không thể là thẳng. Nhưng phép tính vi phân không kể đến những lời kháng nghị của lý trí lành mạnh của con người, cho nên trong những điều kiện nào đó, nó coi thẳng và cong là như nhau, và nhờ đó mà đã đạt được những kết quả mà cái lý trí lành mạnh của con người ngoan cố coi sự đồng nhất giữa thẳng và cong là phi lý, không bao giờ đạt được. Cái gọi là phép biện chứng về mâu thuẫn đã có một tác dụng lớn lao trong triết học từ thời những người Hy Lạp cổ đại cho đến ngày nay, vì vậy ngay một đối thủ cừ khôi hơn ông Đuy-rinh có lẽ trong khi chống lại phép biện chứng cũng phải đưa ra những lý lẽ khác hơn là chỉ dựa vào một lời quyết đoán suông và nhiều lời thoá mạ.

Chừng nào chúng ta xem xét các sự vật như là đứng im và không có sinh khí, cái nào riêng cho cái ấy, cái này bên cạnh cái kia và cái này nối tiếp cái kia, thì chắc chắn là chúng ta không thấy được một mâu thuẫn nào trong các sự vật cả. Chúng ta tìm thấy trong đó một số những thuộc tính nào đó có phần thì giống nhau, có phần lại khác nhau, thậm chí mâu thuẫn với nhau nữa, nhưng trong trường hợp chúng mâu thuẫn với nhau thì các thuộc tính đó được phân ra giữa những sự vật khác nhau và như thế là ngay trong những thuộc tính đó cũng không chứa đựng mâu thuẫn. Trong giới hạn của lĩnh vực xem xét này, chúng ta dùng phương pháp tư duy thông thường, phương pháp thông thường, phương pháp siêu hình, cũng có thể giải quyết được. Nhưng tình hình sẽ khác hẳn khi chúng ta bắt đầu xem xét các sự vật trong sự vận động, sự biến đổi, sự sống, sự tác động lẫn nhau của chúng. Lúc đó, chúng ta sẽ lập tức gặp phải những mâu thuẫn. Bản thân sự vận động đã là một mâu thuẫn; ngay như sự di động một cách máy móc và đơn giản sở dĩ có thể thực hiện được, cũng chỉ là vì một vật trong cùng một lúc vừa ở nơi này lại vừa ở nơi khác, vừa ở cùng một chỗ lại vừa không ở chỗ đó. Và sự nảy sinh thường xuyên và việc giải quyết đồng thời mâu thuẫn này - đó cũng chính là sự vận động.

Như vậy là ở đây chúng ta có một mâu thuẫn "tồn tại một cách khách quan ở trong bản thân các sự vật và các quá trình và có thể bộc lộ ra dưới một hình thức hữu hình". Về điểm này, ông Đuy-rinh nói như thế nào? Ông ta khẳng định rằng,

nói chung cho đến ngày nay, vẫn "không có một cái cầu nào nối liền giữa cái tĩnh triệt để và cái động ở trong khoa cơ học hợp lý".

Và giờ đây, cuối cùng bạn đọc đã có thể nhìn thấy cái gì ẩn nấp ở đằng sau câu nói theo yêu thích đó của ông Đuy-rinh; chẳng có gì khác hơn là; một người mà đầu óc suy nghĩ theo cách siêu hình thì tuyệt đối không thể từ quan niệm tĩnh mà chuyển sang quan niệm động được, vì ở đây cái mâu thuẫn nói trên đã chặn mất đường đi rồi. Đối với người đó, sự vận động hoàn toàn không thể hiểu được vì nó là một mâu thẫn. Song, khi đã khẳng định tính chất của vận động là không thể hiểu được, thì chính bản thân người đó đã đi ngược lại ý chí của mình mà thừa nhận sự tồn tại của mâu thuẫn đó, tức là thừa nhận rằng trong bản thân các sự vật và các quá trình, có một mâu thuẫn tồn tại khách quan, hơn nữa mâu thuẫn đó lại là một lực lượng có thực.

Nếu bản thân sự di động một cách máy móc đơn giản đã chứa đựng mâu thuẫn, thì tất nhiên những hình thức vận động cao hơn của vật chất và đặc biệt là sự sống hữu cơ và sự phát triển của sự sống hữu cơ đó lại càng phải chứa đựng mâu thuẫn như vậy. Trên kia, chúng ta đã thấy rằng sự sống trước hết chính là ở chỗ một sinh vật trong mỗi lúc vừa là nó nhưng lại vừa là một cái khác. Như vậy, sự sống cũng là một mâu thuẫn tồn tại trong bản thân các sự vật và các quá trình, một mâu thuẫn thường xuyên nảy sinh và tự giải quyết, và khi mâu thuẫn chấm dứt thì sự sống cũng không còn nữa và cái chết xảy đến. Cũng như chúng ta đã thấy rằng trong lĩnh vực tư duy, chúng ta không thể thoát khỏi mâu thuẫn; chẳng hạn như mâu thuẫn giữa năng lực nhận thức vô tận ở bên trong của con người với sự tồn tại thực tế của năng lực ấy trong những con người bị hạn chế bởi hoàn cảnh bên ngoài, và bị hạn chế, trong những năng lực nhận thức, - mâu thuẫn này được giải quyết trong sự nối tiếp của các thế hệ, sự nối tiếp đó ít ra đối với chúng ta trên thực tiễn, cũng là vô tận, - và được giải quyết trong sự vận động đi lên vô tận.

Chúng ta đã nói đến một trong những cơ sở chính của toán học cao cấp là mâu thuẫn: trong những điều kiện nhất định thì thẳng và cong cần phải được coi là như nhau.

Toán học cao cấp lại còn có một mâu thuẫn khác nữa, tức là: dưới mắt ta có những đường cắt nhau, nhưng chỉ cách điểm cắt nhau 5 hay 6 phân thôi, thì những đường đó đã phải được coi là những đường song song, tức là được coi như những đường mà dù có kéo dài đến vô tận cũng vẫn không thể nào cắt nhau được. Tuy vậy, với mâu thuẫn này và với những mâu thuẫn khác gay gắt hơn nhiều, toán học cao cấp cũng đã đi tới những kết quả không những là đúng, mà đối với toán học sơ cấp thì lại còn là hoàn toàn không thể nào đạt được.

Nhưng ngay toán học sơ cấp cũng đầy rẫy những mâu thuẫn rồi. Chẳng hạn như một số căn của A phải là một luỹ thừa của A, như vậy thì thực là mâu thuẫn, tuy vậy. Một số âm phải là bình phương của một cái gì đó, thì cũng là mâu thuẫn, bởi vì bất cứ một số âm nào tự nhân với nó, cũng đều đưa lại một bình phương dương. Như vậy thì số căn bậc hai của -1 không những là một mâu thuẫn, mà còn là một mâu thuẫn phi lý, một điều vô nghĩa thực sự. Thế nhưng trong nhiều trường hợp, là kết quả tất nhiên của những phép tính chính xác trong toán học; hơn nữa, nếu cấm làm tính với thì toán học, cả sơ cấp lẫn cao cấp, sẽ ra sao?

Khi nghiên cứu về những biến số, bản thân toán học đã bước vào lĩnh vực của phép biện chứng rồi, và một điều đặc biệt là chính một nhà triết học biện chứng, Đê-các-tơ, đã đưa toán học đến bước tiến bộ đó. Quan hệ giữa toán học về biến số với toán học về số bất biến như thế nào thì quan hệ giữa tư duy biện chứng với tư duy siêu hình xét cho cùng cũng như thế. Nhưng như thế vẫn không chút ngăn cấm được số rất đông các nhà toán học chỉ thừa nhận phép biện chứng ở trong lĩnh vực toán học mà thôi, và khá nhiều người trong số họ vẫn vận dụng những phương pháp đã thu được bằng con đường biện chứng để tiếp tục tính toán hoàn toàn theo cái cách thức cũ kỹ và thiển cận của phép siêu hình.

Người ta chỉ có thể nghiên cứu tỉ mỉ hơn nữa sự đối kháng lực lượng của ông Đuy-rinh và đồ thức đối kháng về vũ trụ của ông ta trong trường hợp, nếu đối với vấn đề này, ông ta đưa lại cho chúng ta một cái gì đó lớn hơn... chứ không phải là lời nói suông. Sau khi đưa ra lời nói suông đó, ông Đuy-rinh chưa hề một lần nào nói rõ với chúng ta xem sự đối kháng đó có tác dụng như thế nào ở trong đồ thức về vũ trụ, cũng như trong triết học về tự nhiên, và đó là điều chứng tỏ rõ ràng nhất rằng ông Đuy-rinh tuyệt đối không thể đưa ra được một cái gì có tính chất khẳng định với cái "hình thức cơ bản của mọi hoạt động trong sự tồn tại của thế giới và của những sinh vật trong thế giới". Thật vậy, khi người ta đã hạ thấp "học thuyết về bản chất" của Hê-ghen thành một tư tưởng tầm thường về những lực vận động theo hướng trái ngược nhau, chứ không phải là vận động trong những mâu thuẫn, thì điều tốt hơn hết mà chắc chắn người ta phải làm là tránh đừng có áp dụng gì cái khuôn sáo ấy.

Một lý do nữa làm cho ông Đuy-rinh nổ ra cơn lôi đình chống lại phép biện chứng, chính là bộ "Tư bản" của Mác.

"Thiếu tính lô-gích tự nhiên và rành mạch, do đó mà nổi bật lên là những sự lắt léo cầu kỳ biện chứng và những tư tưởng rối rắm... Trong phần cuốn sách hiện đã xuất bản, người ta đã buộc phải áp dụng cái nguyên tắc là, theo một quan điểm nào đó và nói chung cũng thế" (!), "theo một thành kiến triết học mà ai cũng biết, thì phải tìm tất cả trong bất cứ cái gì và bất cứ cái gì trong tất cả, và theo cái quan niệm rối rắm và lệch lạc đó, thì rốt cuộc tất cả chỉ là một".

Như vậy là quan niệm của ông ta về sự thành kiến triết học mà ai cũng biết, đã cho phép ông Đuy-rinh có thể đoán trước được một cách chắc chắn "kết cục" của triết học kinh tế của Mác sẽ ra sao, tức là đoán trước được nội dung những quyển sau của bộ "Tư bản", và đoán như vậy, vừa vặn bảy dòng sau khi ông đã tuyên bố rằng,

"nói theo tiếng nói của con người và của người Đức, thì thật người ta không thể nào đoán trước được còn có cái gì nữa trong hai quyển (cuối cùng)"[1].

Thế nhưng, đây không phải là lần đầu tiên mà những tác phẩm của ông Đuy-rinh đã tỏ cho chúng ta thấy rằng chúng thuộc về những "sự vật" trong đó "mâu thuẫn tồn tại một cách khách quan, và có thể phát hiện ra dưới một hình thức hữu hình". Điều đó không hề ngăn cản ông ta nói tiếp với một giọng đắc thắng:

"Phải hy vọng rằng phép lô-gích lành mạnh sẽ chiến thắng những lời châm biếm về nó... Những bộ dạng và những lối bí hiểm của phép biện chứng sẽ không quyến rũ được bất cứ một ai còn chút ít trí xét đoán lành mạnh, khiến họ phải sa vào... những lối nghĩ và lối viết hỗn loạn ấy. Những tàn tích cuối cùng của những sự ngu ngốc biện chứng sẽ tiêu vong, và cái thủ đoạn bịp bợm ấy... sẽ mất... ảnh hưởng lừa dối của nó và sẽ không ai tin rằng cần phải lao tâm khổ tứ để đi tìm sự tinh khôn ở chỗ mà hạt nhân của những sự vật hỗn độn ấy, một khi được gạn lọc, thì may lắm cũng chỉ làm nảy ra được những yếu tố lý luận thông thường, nếu không phải là những khuôn sáo cũ rích... Hoàn toàn không thể nào thuật lại những sự lắt léo! (của Mác) căn cứ vào học thuyết Lô-gô-xơ mà lại không làm mất danh dự đến phép lô-gích lành mạnh". Phương pháp của Mác, theo như ông Đuy-rinh nhận xét, là ở chỗ phương pháp đó "tạo ra những phép mầu nhiệm biện chứng cho các tín đồ của mình", v.v..

Ở đây, chưa đả động gì đến việc các kết luận kinh tế của những công trình nghiên cứu của Mác là đúng hay không đúng, mà chỉ nói đến phương pháp biện chứng mà Mác đã áp dụng. Nhưng có một điều chắc chắn là: phần đông những người đọc bộ "Tư bản" mãi đến bây giờ và nhờ có ông Đuy-rinh họ mới biết được thực ra mình đã đọc cái gì. Và trong số đó, có cả bản thân ông Đuy-rinh là người mà năm 1867 ("Ergönzungsblötter"; t.III, q.3) còn đủ năng lực, so với một nhà tư tưởng như cỡ ông ta, trình bày nội dung bộ sách của Mác[2] một cách tương đối hợp lý mà không cần thấy buộc phải phiên dịch tiến trình tư tưởng của Mác ra thành ngôn ngữ kiểu Đuy-rinh trước đã, điều mà bây giờ ông ta tuyên bố là nhất thiết phải làm như vậy. Tuy hồi ấy ông ta đã lầm to mà đồng nhất phép biện chứng của Mác với phép biện chứng của Hê-ghen, song ông ta vẫn chưa hoàn toàn mất hẳn cái khả năng phân biệt giữa phương pháp với những kết quả có thể đạt được bằng phương pháp ấy, và ông ta vẫn còn hiểu được rằng công kích phương pháp dưới hình thức phổ biến của nó không phải là bác bỏ những kết quả về chi tiết.

Dù sao, lời tuyên bố lạ lùng nhất của ông Đuy-rinh vẫn là lời tuyên bố sau đây: theo quan điểm của Mác thì "rốt cuộc, tất cả chỉ là một"; vì vậy, theo Mác thì chẳng hạn như bọn tư bản và người làm thuê, các phương thức sản xuất phong kiến, tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa đều "chỉ là một"; và cuối cùng, chắc chắn là Mác và ông Đuy-rinh cũng "chỉ là một" mà thôi. Muốn giải thích được tại sao lại có thể có những sự ngốc nghếch đến thế thì chỉ còn một cách là thừa nhận rằng chỉ một danh từ biện chứng cũng đã đủ đẩy ông Đuy-rinh vào một trạng thái không có năng lực chịu trách nhiệm, trong đó do một quan niệm rối rắm và lệch lạc nào đó, rốt cuộc những điều ông ta nói và những việc ông ta làm "đều chỉ là một" cả.

Ở đây, chúng ta có một cái mẫu về cái mà ông Đuy-rinh gọi là "lối viết sử cao siêu của tôi", hay còn gọi là

"phương pháp tổng quát chú ý đến chủng loại và điển hình và hoàn toàn không thèm hạ mình làm cho bọn người mà Hi-um gọi là lũ bác học hạng bét được vinh dự bị tố cáo một cách tường tận tỉ mỉ; chỉ có lối viết văn cao siêu và tôn quý hơn cả ấy mới phù hợp với những lợi ích của chân lý hoàn toàn và với nghĩa vụ của người ta đối với đám công chúng đã thoát khỏi những ràng buộc của phường hội".

Lối mô tả lịch sử theo lối viết văn cao siêu và phương pháp tổng quát chú ý đến chủng loại và điển hình, thật ra là rất tiện cho ông Đuy-rinh, vì làm như thế thì ông ta có thể bỏ qua tất cả những sự thật đã được xác định, coi những sự thật đó như là vụn vặt, là số không, và đáng lẽ phải chứng minh thì lại chỉ nêu lên những lời lẽ chung chung, chỉ khẳng định vu vơ và chỉ đả kích đơn thuần mà thôi. Hơn thế nữa, phương pháp nói trên lại là làm cho đối phương không có một chỗ dựa nào thực tế để đối đáp, nên để trả lời ông Đuy-rinh, nó cũng không có cách gì khác hơn là cũng đành tung ra những lời khẳng định vu vơ cao siêu và tổng quát, rồi tuôn ra những lời lẽ chung chung, và rốt cục cũng đả kích lại ông Đuy-rinh, tóm lại, như người ta vẫn nói, là lấy gậy ông Đuy-rinh đập lại lưng ông Đuy-rinh, một việc làm mà chẳng ai ưa gì. Vì thế cho nên chúng ta phải biết ơn ông Đuy-rinh đã đặc biệt lìa bỏ lối văn cao siêu và tôn quý để đưa lại cho chúng ta ít nhất hai thí dụ về cái học thuyết sai lệch về Lô-gô-xơ của Mác.

"Còn có gì khôi hài hơn là nhắc lại cái quan niệm mù mịt và mơ hồ của Hê-ghen cho rằng lượng biến thành chất chẳng hạn và do đó một món tiền đặt cọc nếu đạt đến một giới hạn nào đó thì trở thành tư bản chỉ vì sự tăng thêm đơn giản về lượng như vậy!".

Cố nhiên trong lời trình bày đã bị "gạn lọc" đó của ông Đuy-rinh, vấn đề thành ra có vẻ khá kỳ quặc. Vậy ta hãy xét xem, trong nguyên bản của Mác, thì nó như thế nào. ở trang 313 ("Tư bản", in lần thứ hai), từ việc nghiên cứu về tư bản bất biến, tư bản khả biến và giá trị thặng dư, Mác rút ra kết luận rằng "không phải bất kỳ một số tiền nào, hoặc giá trị nào, cũng có thể chuyển hoá thành tư bản được; trái lại, tiền đề của sự chuyển hoá đó là một số tiền hoặc giá trị trao đổi tối thiểu nhất định trong tay kẻ sở hữu tiền hay hàng hoá"[3]. Mác lấy thí dụ trường hợp một công nhân một ngành công nghiệp nào đó, mỗi ngày làm 8 giờ cho bản thân mình, tức là để sản xuất ra số giá trị tiền công của mình, và 4 giờ sau đó là làm cho nhà tư bản, để sản xuất ra số giá trị thặng dư mà trước hết là rơi vào túi của nhà tư bản. Như vậy là kẻ nào muốn hàng ngày thu được một số giá trị thặng dư đủ để sống bằng mức sống của một công nhân của mình thì kẻ đó phải có một số giá trị đủ cung cấp nguyên liệu, tư liệu lao động và tiền công cho hai công nhân. Và vì rằng nền sản xuất tư bản chủ nghĩa không phải chỉ nhằm mục đích đơn giản là duy trì đời sống, mà là nhằm tăng thêm của cải, cho nên cái anh chàng có hai người công nhân nọ vẫn chưa phải là một nhà tư bản. Muốn sống sung túc gấp đôi người công nhân bình thường và biến trở lại một nửa số giá trị thặng dư đã sản xuất được thành tư bản, thì người đó phải có khả năng thuê tám công nhân, nghĩa là phải có một số giá trị bằng bốn lần số giá trị nói trên. Chỉ có sau tất cả những cái đó và với những đoạn bàn luận tiếp theo nhằm soi sáng và chứng thực rằng không phải bất cứ một số giá trị nhỏ nào cũng đủ để biến thành tư bản, và về mặt này thì mỗi thời kỳ phát triển, mỗi ngành sản xuất đều có một giới hạn tối thiểu nhất định của nó, - chỉ sau khi nói rõ tất cả những điều đó, Mác mới nhận xét rằng: "ở đây cũng như trong khoa học tự nhiên, tính chất đúng đắn của cái quy luật do Hê-ghen phát hiện trong cuốn "Lô-gích học" của ông ta cũng được xác minh, quy luật đó là: những thay đổi đơn thuần về lượng, đến một mức độ nhất định, sẽ chuyển hoá thành những sự khác nhau về chất"[4].

Và bây giờ thì xin độc giả hãy tán thưởng cái lối hành văn cao siêu và tôn quý nhờ đó mà ông Đuy-rinh đã gán cho Mác những điều trái với lời Mác đã nói. Mác nói: một số giá trị chỉ có thể biến thành tư bản khi nào nó đạt đến một số lượng tối thiểu, số lượng này khác nhau tuỳ theo các trường hợp, nhưng trong mỗi trường hợp cá biệt thì lại là một số lượng nhất định, - đó là một chứng cứ về sự đúng đắn của quy luật của Hê-ghen. Ông Đuy-rinh thì lại gán cho Mác là đã nói rằng: Vì rằng theo quy luật của Hê-ghen, lượng biến thành chất, "do đó cho nên một món tiền đặt cọc, khi đạt đến một giới hạn nào đó... thì trở thành tư bản". Như vậy là hoàn toàn ngược lại với lời của Mác.

Đối với cái thói cứ trích dẫn lời người khác một cách sai lạc như thế "vì lợi ích của chân lý hoàn toàn" và "vì nghĩa vụ của người ta đối với đám công chúng đã thoát khỏi những sự ràng buộc của phường hội", chúng ta đã được biết trong việc ông Đuy-rinh xử lý đối với học thuyết của Đác-uyn như thế nào rồi. Thói đó ngày càng tỏ ra là một tất yếu bên trong của triết học hiện thực, và chắc chắn đó là một "phương pháp rất tổng quát". Cho nên không cần phải nói đến cái việc là ông Đuy-rinh gán cho Mác nói đến bất kỳ một "khoản ứng trước" nào, mà thật ra thì vấn đề ở đây là Mác chỉ nói đến khoản ứng trước tính bằng nguyên liệu, bằng tư liệu lao động và bằng tiền công; như vậy là ông Đuy-rinh đã khéo gán cho Mác một điều hoàn toàn vô nghĩa. Sau đó, ông ta lại còn ngang nhiên cho rằng cái điều vô nghĩa mà chính ông tạo ra đó là khôi hài; cũng như trước kia ông ta đã nặn ra một Đác-uyn tưởng tượng để thử sức mình với Đác-uyn, thì ở đây cũng thế, ông ta cũng đã tạo ra một Mác tưởng tượng. Quả là một "cách viết sử cao siêu" thật!

Trên kia, ở phần đồ thức về vũ trụ, chúng ta đã thấy rằng, với con đường nút của những quan hệ về độ của Hê-ghen, - thì ở những điểm nhất định nào đó của sự thay đổi về lượng, đột nhiên lại xảy ra sự chuyển biến về chất, - ông Đuy-rinh đã gặp phải một điều rủi ro nho nhỏ: trong một phút yếu đuối, ông ta đã tự mình thừa nhận và áp dụng con đường đó. Về điểm này, chúng ta đã nêu ra một trong những thí dụ thông thường nhất, tức là cái thí dụ về sự thay đổi các trạng thái kết hợp của nước, dưới áp suất không khí bình thường, ở 0oC, nước từ trạng thái lỏng chuyển sang trạng thái rắn, và ở 100oC thì từ trạng thái lỏng chuyển sang trạng thái hơi, thành ra ở hai điểm ngoặt đó, sự thay đổi giản đơn về lượng của nhiệt độ đưa tới sự thay đổi về chất trạng thái của nước.

Chúng ta còn có thể rút ra trong giới tự nhiên và trong đời sống xã hội loài người hàng trăm những sự việc tương tự như thế để chứng minh cho quy luật này. Ví dụ như trong bộ "Tư bản" của Mác, tất cả phần thứ tư - "sản xuất ra giá trị thặng dư tương đối" - diễn ra trong lĩnh vực hợp tác, lĩnh vực phân công lao động và công trường thủ công, lĩnh vực sản xuất máy móc và đại công nghiệp bàn đến vô số trường hợp thay đổi về lượng làm cho chất của sự vật biến đổi, cũng như thay đổi về chất làm cho lượng của sự vật biến đổi; nghĩa là, nói theo lối nói mà ông Đuy-rinh rất căm ghét, lượng biến thành chất và ngược lại. Chúng ta có thể kể ra một việc này chẳng hạn: sự hợp tác của nhiều cá nhân, sự dung hợp của nhiều sức thành một hợp sức, sẽ tạo ra, nói theo lối nói của Mác, một "sức mới" nào đó căn bản khác với tổng số những sức cá biệt hợp thành nó[5].

Cũng trong đoạn văn đó của bộ "Tư bản" mà ông Đuy-rinh đã đảo ngược lại vì lợi ích của chân lý hoàn toàn, Mác lại còn nhận xét: "Học thuyết phân tử được áp dụng trong hoá học hiện đại và lần đầu tiên được Lô-răng và Giê-rác trình bày một cách khoa học, chính là dựa trên quy luật đó"[6]. Nhưng điều đó có quan hệ gì đối với ông Đuy-rinh đâu? Vì ông đã biết rằng:

"Kẻ nào mà như Mác và đối thủ của ông ta là Lát-xan, dùng một thứ khoa học nửa mùa và đôi chút triết lý cùn làm cái vốn liếng mong manh để phô trương tài bác học của mình thì chính kẻ đó thiếu hẳn những nhân tố văn hoá cực kỳ hiện đại của phương pháp tư duy khoa học tự nhiên", -

còn như ông Đuy-rinh, thì lấy "những luận điểm chủ yếu đã được khoa học chính xác về cơ học, vật lý học, hoá học, v.v. xác định" làm cơ sở. - Cái cơ sở ấy như thế nào, thì chúng ta đã thấy rồi. Nhưng để cho những người ngoài cuộc cũng có thể xét đoán được về vấn đề này, chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ hơn một chút về cái ví dụ mà Mác đã nêu ra trong lời chú thích của ông.

Vấn đề nói đến ở đây là những dãy đồng đẳng của các hoá hợp các-bon, mà người ta đã biết được một số lớn, mỗi hoá hợp này có một công thức đại số về thành phần cấu tạo của riêng nó. Chẳng hạn như trong hoá học, nếu chúng ta quy định một nguyên tử các-bon bằng C, một nguyên tử hy-đrô bằng H, một nguyên tư ô-xy bằng O, và số nguyên tử các-bon trong mỗi hoá hợp bằng n, thì chúng ta có thể trình bày những công thức phân tử của một vài dãy số đó như sau:

CnH2n + 2            - hệ pa-ra-phin thường,

CnH2n + 2O         - hệ rượu sơ cấp,

CnH2nO2              - hệ a-xít béo hoá trị một.

Hãy lấy dãy sau cùng làm ví dụ và lần lượt lấy n = 1, n = 2, n = 3, v.v., thì chúng ta đạt được những kết quả sau đây (không kể những chất đồng phân):

CH202 - a-xít phô-mích - điểm sôi 100o; điểm chảy 1o.

C2H402 - a-xít a-xê-tích - điểm sôi 118o; điểm chảy 17o

C3H602 - a-xít pơ-rô-pi-ô-ních - điểm sôi 140o; điểm chảy 17o.

C4H802 - a-xít bu-ti-rích - điểm sôi 162o; điểm chảy 17o.

C5H1002 - a-xít va-lê-ri-a-ních - điểm sôi 175o; điểm chảy 17o v.v., cho đến C30H6002 - a-xít mê-li-xích, 80o mới hoá lỏng và không có điểm sôi, vì nó không thể bay hơi mà không phân hoá.

Như vậy là ở đây, chúng ta thấy cả một loạt những vật thể khác nhau về chất được hình thành do sự cộng thêm đơn giản về lượng của các nguyên tố, hơn nữa việc cộng thêm đó bao giờ cũng theo một tỷ lệ như nhau. Điều này biểu hiện dưới dạng thuần tuý nhất trong trường hợp mà tất cả các nguyên tố của chất hoá hợp thay đổi về lượng với một tỷ lệ bằng nhau: ví dụ, với những chất pa-ra-phin thường CnH2n+2 : chất thấp nhất là mê-tan CH4, - một chất khí; chất cao nhất mà người ta đã biết là éc-da-đê-can (hecxadécane) C16H34, một vật thể rắn kết thành những tinh thể không có màu, đến 21o thì hoá lỏng và đến 278o mới sôi. Trong cả hai dãy, mọi chất hoá hợp mới đều hình thành bằng cách thêm CH2, tức là thêm một nguyên tử các bon và 2 nguyên tử hy-đrô, vào công thức phân tử của chất hoá hợp có trước, và mỗi lần thay đổi về lượng như thế của công thức phân tử lại tạo ra một vật thể khác về chất.

Nhưng những dãy đó chỉ là một ví dụ rõ rệt đặc biệt; ở hầu khắp nơi trong hoá học, ngay với các thứ ô-xít của ni-tơ hay các thứ a-xít khác nhau của phốt-pho hay của lưu huỳnh, người ta cũng đã có thể thấy "lượng biến thành chất" như thế nào, và cái quan niệm gọi là mù mịt và mơ hồ kia của Hê-ghen được biểu hiện có thể nói là bằng xương bằng thịt như thế nào trong các sự vật và các quá trình, và tuy thế chẳng một ai thấy mơ hồ và mù mịt cả, trừ ông Đuy-rinh. Và nếu Mác là người đầu tiên đã làm cho người ta lưu ý đến điểm này, còn ông Đuy-rinh thì đọc câu chỉ dẫn của Mác mà thậm chí không hiểu gì (vì nếu ông ta hiểu, thì chắc chắn là đã không bỏ qua cái tội tày trời ấy), thì chẳng cần gì phải quay lại nhìn cái triết học tự nhiên lừng lẫy của ông Đuy-rinh nữa cũng đủ để xác định rõ rệt rằng, giữa Mác và ông Đuy-rinh, ai là người thiếu "những nhân tố văn hoá cực kỳ hiện đại của phương pháp tư duy khoa học", - Mác hay ông Đuy-rinh, và ai là người thiếu những hiểu biết đầy đủ về "những luận điểm chủ yếu... của hoá học".

Để kết thúc, chúng ta muốn mời thêm một người nữa làm chứng cho việc lượng biến thành chất: Na-pô-lê-ông. Sau đây là lời mô tả của Na-pô-lê-ông về cuộc chiến đấu của đội kỵ binh Pháp tuy kém về tài nghệ nhưng có kỷ luật, với kỵ binh Ma-me-lúc, đội kỵ binh chắc chắn là giỏi nhất thời bấy giờ về chiến đấu đơn độc nhưng lại thiếu kỷ luật.

"Hai người lính Ma-me-lúc thì trội hơn hẳn 3 người lính Pháp; 100 người lính Ma-me-lúc và 100 người lính Pháp thì ngang nhau; 300 người lính Pháp thì thường thường trội hơn 300 người lính Ma-me-lúc; và 1000 người lính Pháp thì bao giờ cũng đánh bại được 1500 người lính Ma-me-lúc"[7].

Cũng đúng như lời Mác nói, nghĩa là cần phải có một số tối thiểu nhất định, - tuy số này có thể biến đổi, - về giá trị trao đổi, mới có thể biến số giá trị ấy thành tư bản được, đối với Na-pô-lê-ông cũng thế, cần phải có một số lượng kỵ binh tối thiểu nhất định thì sức mạnh của kỷ luật, dựa trên hàng ngũ chỉnh tề và hành động có kế hoạch, mới có thể biểu hiện ra được và tăng thêm lên đến mức đánh thắng được cả những đoàn kỵ binh không chính quy đông hơn, tài nghệ vững hơn, cưỡi ngựa giỏi hơn, chiến đấu thạo hơn và ít ra thì cũng can đảm không kém. Nhưng việc đó có chứng minh được điều gì chống lại ông Đuy-rinh không? Na-pô-lê-ông chẳng đã thất bại thảm hại trong cuộc chiến tranh chống châu Âu đó sao? Ông đã chẳng từng thua hết trận này đến trận khác đó sao? Và tại sao lại như vậy? Chỉ tại cái nguyên do là đã đem cái quan niệm mù mịt và mơ hồ của Hê-ghen áp dụng vào chiến thuật của kỵ binh đấy thôi!

 


 


[1] Trong quá trình làm việc của Mác cho tác phẩm kinh tế chủ yếu của Người, kế hoạch chia nhỏ tác phẩm đó đã nhiều lần thay đổi. Bắt đầu từ 1867 khi "Tư bản" tập I được xuất bản, kế hoạch của Mác là xuất bản toàn bộ tác phẩm thành ba tập trong bốn quyển, quyển thứ 2 và thứ 3 có thể gộp thành một tập là tập hai (xem C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t. 23, tr. 22). Sau khi Mác qua đời, Ăng-ghen đã xuất bản quyển 2 và 3 thành tập II và III. Quyển cuối cùng, quyển 4 là "Các học thuyết về giá trị thặng dư" ("Tư bản" tập IV) - Ăng-ghen đã không kịp xuất bản.

[2] Năm 1867, trong tạp chí "Ergänzungsblötter zur Kenntniβ der Gegenwart". t. III, q. 3, t. 182 - 186, đã đăng bài nhận xét của Đuy-rinh về tập I bộ "Tư bản" của Mác.

[3] Xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t. 23, tr. 447-448.

[4] Xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.23, tr. 448-449

[5] Xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t. 23, tr. 473-474.

[6] Xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.23, tr. 448-449.

[7] Xem trong những hồi ký của Na-pô-lê-ông "Mười bảy nhận xét về tác phẩm nhan đề "Bàn về nghệ thuật quân sự" xuất bản ở Pa-ri năm 1816", nhận xét thứ 3: Kỵ binh. In trong cuốn: “Mémoires pour servir à l’histoire de France, sous Napoléon, écrits à Sainte - Hélène, par les généraux qui ont partagé sa captivité,. et publiés sur les manuscrits entitèrement corrígés de la main de Napoléon”. Tome premier, écrit par le général comte de Montholon. Paris, 1823, p. 262 ("Những hồi ký soi sáng lịch sử nước Pháp dưới thời Na-pô-lê-ông do các tướng lĩnh cùng đi đày với Na-pô-lê-ông ở đảo Xanh He-len viết, và được xuất bản theo những bản thảo đã được chính tay Na-pô-lê-ông sửa chữa hoàn toàn". Tập thứ nhất, do tướng bá tước Đơ Mông-tô-lông viết. Pa-ri, 1823, tr. 262).

Ăng-ghen đã sử dụng ý kiến đó trích từ những hồi ký của Na-pô-lê-ông trong bài báo của Người: "Kỵ binh" (xem C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản sách chính trị, Mát-xcơ-va, t. 14, tr. 319).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt