Nhận thức luận | Khoa học luận

Phương pháp của khoa kinh tế chính trị

 

PHƯƠNG PHÁP CA KHOA KINH T CHÍNH TR*

 

KARL MARX (1818-1883)

 

[M14] Khi chúng ta xét một nước nào đó về mặt kinh tế chính trị, thì chúng ta thường bắt đầu bằng việc nghiên cứu dân số của nước đó, sự phân chia dân số thành các giai cấp, sự phân bố dân số giữa thành thị, nông thôn và biển, giữa các ngành sản xuất khác nhau, xuất khẩu và nhập khẩu, sản xuất và tiêu dùng hàng năm, giá cả hàng hoá, v.v..

Hình như đó là phương pháp đúng đắn khi bắt đầu từ những cái hiện thực cụ thể, từ những tiền đề thực tế, do đó - ví dụ như trong khoa kinh tế chính trị chẳng hạn - bắt đầu từ dân số, vì đó là cơ sở và chủ thể của toàn bộ quá trình sản xuất xã hội. Tuy nhiên, khi xét kỹ hơn thì người ta sẽ thấy đó là một sai lầm. Dân số là một điều trừu tượng, nếu như người ta không xét tới các giai cấp cấu thành dân số chẳng hạn. Các giai cấp lại là một từ trống rỗng, nếu người ta không hiểu các yếu tố làm cơ sở cho các giai cấp, ví dụ như lao động làm thuê, tư bản, v.v.. Nhưng cái này lại giả định phải có trao đổi, phân công lao động, giá cả v.v.. Tư bản, chẳng hạn, sẽ chẳng là cái gì cả nếu như không có lao động làm thuê, không có giá trị, tiền tệ, giá cả, v.v.. Vậy, nếu như người ta bắt đầu từ dân số, thì người ta sẽ có một biểu tượng hỗn độn về tổng thể, và chỉ thông qua những tính quy định chính xác hơn, bằng sự phân tích, người ta mới đi tới những khái niệm ngày càng giản đơn hơn: từ cái cụ thể, cho sẵn trong biểu tượng, người ta đi tới những trừu tượng ngày càng nghèo nàn hơn, cho tới khi đi đến những tính quy định giản đơn nhất. Từ đó sẽ phải đi ngược lại con đường ấy cho tới khi, cuối cùng, người ta quay trở lại vấn đề dân số, nhưng lần này dân số sẽ không phải là một biểu tượng hỗn độn về một tổng thể, mà là một tổng thể phong phú với rất nhiều tính quy định và quan hệ.

Con đường thứ nhất là con đường lịch sử mà khoa kinh tế chính trị đã đi qua trong thời kỳ nó mới xuất hiện. Ví dụ, các nhà kinh tế học thế kỷ XVII bao giờ cũng bắt đầu từ một tổng thể sinh động như: dân số, dân tộc, quốc gia, nhiều quốc gia v.v.; nhưng bao giờ họ cũng kết thúc với việc, thông qua sự phân tích, rút ra một số quan hệ chung trừu tượng có ý nghĩa quyết định như phân công lao động, tiền tệ, giá trị, v.v.. Một khi những yếu tố cá biệt đó đã được cố định lại ít nhiều và được trừu tượng hóa, thì các hệ thống [lý luận] kinh tế đã bắt đầu nảy sinh, chúng đi từ cái giản đơn nhất - như lao động, phân công lao động, nhu cầu, giá trị trao đổi - để đi lên tới quốc gia, sự trao đổi giữa các dân tộc và thị trường thế giới.

Phương pháp sau rõ ràng là phương pháp đúng đắn về mặt khoa học. Cái cụ thể sở dĩ là cụ thể vì nó là sự tổng hợp của nhiều tính quy đinh, do đó, nó là sự thống nhất của cái đa dạng. Cho nên trong tư duy, nó biểu hiện ra là một quá trình tổng hợp, là kết quả, chứ không phải là điểm xuất phát, mặc dù nó là điểm xuất phát thực sự và do đó cũng là điểm xuất phát của trực quan và của biểu tượng. Trên con đường thứ nhất, toàn bộ biểu tượng biến một cách tinh vi thành một tính quy định trừu tượng; trên con đường thứ hai, những tính quy định trừu tượng lại dẫn tới sự mô tả lại cái cụ thể bằng con đường của tư duy.

Vì vậy, Hê-ghen đã rơi vào ảo tưởng khi cho rằng hiện thực là kết quả của tư duy tổng hợp lại trong bản thân nó, tự đi sâu vào bản thân, từ bản thân nó phát triển lên, trong khi đó thì phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể chỉ là cái phương pháp nhờ nó mà tư duy quán triệt được cái cụ thể và tái tạo ra nó với tư cách là một cái cụ thể trong tư duy. Nhưng đó quyết không phải là quá trình phát sinh ra bản thân cái cụ thể. Một phạm trù kinh tế giản đơn nhất, ví dụ như giá trị trao đổi chẳng hạn, giả định phải có tiền đề là dân số - một dân số sản xuất trong những điều kiện nhất định, - cũng như [M-15] giả định phải có những hình thức gia đình, công xã hay quốc gia, v.v. nhất định. Phạm trù đó không thể tồn tại bằng cách nào khác ngoài cách tồn tại dưới hình thái một quan hệ trừu tượng, phiến diện của một tổng thể cụ thể sinh động đã cho sẵn.

Ngược lại, với tư cách là một phạm trù, giá trị trao đổi tồn tại từ thời cổ lỗ. Vì vậy, đối với ý thức (mà đối với ý thức triết học chính là như vậy), đối với nó, tư duy đang nhận thức là con người hiện thực và vì vậy, chỉ có thế giới đã được nhận thức mới là thế giới hiện thực, - đối với nó thì sự vận động của các phạm trù biểu hiện thành hành vi sản xuất hiện thực (mặc dầu, đáng tiếc thay, hành vi sản xuất này lại chịu một sự thúc đẩy ở bên ngoài), mà kết quả là thế giới; và điều này - ở đây cũng lại là một sự lắp lại - chỉ đúng trong chừng mực mà tổng thể cụ thể - với tính cách là tổng thể được tư duy, với tính cách là cái cụ thể được tư duy - thực sự là một sản phẩm của tư duy, của nhận thức; nhưng đó quyết không phải là sản phẩm của khái niệm đang tư duy và tự phát triển ở bên ngoài trực quan và biểu tượng, mà là sự chế biến trực quan và biểu tượng thành khái niệm. Cái tổng thể, như nó đã thể hiện trong trí óc với tư cách là một tổng thể được tư duy, là một sản  phẩm của bộ óc đang tư duy, bộ óc này quán triệt được thế giới theo phương thức vốn có riêng của nó, theo một phương thức khác với phương thức quán triệt thế giới này của nghệ thuật, tôn giáo, tinh thần thực tiễn. Cũng như trước kia, chủ thể hiện thực vẫn ở bên ngoài trí óc, tồn tại như là một cái gì độc lập, chừng nào trí óc còn đối đãi với nó một cách đơn thuần tư biện, đơn thuần lý thuyết. Vì vậy, ngay cả trong phương pháp lý luận, chủ thể, xã hội phải thường xuyên có mặt trong quan niệm của chúng ta như là một tiền đề.

Nhưng liệu các phạm trù giản đơn này có một sự tồn tại độc lập, có tính cách lịch sử hay tự nhiên, trước khi có những phạm trù cụ thể hơn, hay không? Ça dépend[1]. Ví dụ, Hê-ghen đã có lý khi ông bắt đầu việc nghiên cứu triết học pháp quyền từ chế độ chiếm hữu, coi đó là một quan hệ pháp lý giản đơn nhất của chủ thể. Nhưng không có một sự chiếm hữu nào trước khi có gia đình, hay có các quan hệ thống trị và phục tùng, là những quan hệ cụ thể hơn nhiều. Ngược lại, sẽ có thể nói một cách đúng đắn, rằng có những gia đình, bộ tộc chỉ mới chiếm hữu chứ chưa có sở hữu. Như vậy là một phạm trù giản đơn hơn thể hiện ra là mối quan hệ của những cộng đồng gia tộc hay bộ tộc đầu tiên đối với sở hữu. Trong một xã hội phát triển hơn, phạm trù này thể hiện ra như là một mối quan hệ giản đơn hơn của một cơ cấu phát triển. Nhưng thực thể cụ thể, mà quan hệ của nó là sự chiếm hữu bao giờ cũng được giả định. Người ta có thể hình dung một người dã man đơn độc chiếm hữu. Nhưng khi đó sự chiếm hữu không phải là một quan hệ pháp lý. Nói rằng trong lịch sử, sự chiếm hữu phát triển thành gia tộc là không đúng. Ngược lại, sự chiếm hữu bao giờ cũng giả định sự tồn tại của cái "phạm trù pháp lý cụ thể hơn" này. Tuy nhiên, ở đây có một phần chân lý là: các phạm trù giản đơn là những biểu hiện của các quan hệ trong đó cái cụ thể kém phát triển hơn có thể được thực hiện trước khi mối quan hệ hay liên hệ phức tạp hơn được xác lập, mối liên hệ này biểu hiện trên ý niệm trong một phạm trù cụ thể hơn; trong khi đó cái cụ thể phát triển hơn lại duy trì chính cái phạm trù này như là một quan hệ phụ thuộc.

Tiền tệ có thể tồn tại và trong lịch sử đã tồn tại trước khi có tư bản, trước khi có ngân hàng, trước khi có lao động làm thuê, v.v.. Cho nên, đứng về mặt này, người ta có thể nói rằng một phạm trù giản đơn hơn có thể biểu hiện những quan hệ thống trị của một tổng thể kém phát triển hơn, hay biểu hiện những quan hệ phụ thuộc của một tổng thể phát triển hơn, tức là biểu hiện những quan hệ đã tồn tại trong lịch sử truớc khi cái tổng thể phát triển lên theo cái chiều hướng được biểu hiện trong một phạm trù cụ thể hơn. Về mặt này, tiến trình của tư duy trừu tượng đi từ cái giản đơn nhất lên cái phức tạp là phù hợp với quá trình lịch sử hiện thực [M-16].

Mặt khác, có thể nói rằng, có những hình thái xã hội rất phát triển nhưng về lịch sử vẫn còn kém trưởng thành, trong đó người ta tìm thấy những hình thái kinh tế cao nhất, ví dụ như sự hiệp tác, sự phân công lao động phát triển, v.v.   nhưng lại không có một thứ tiền tệ nào, như ở Pê-ru22 chẳng hạn. Trong các công xã Xla-vơ cũng vậy, tiền tệ và sự trao đổi làm nảy sinh ra nó, thì hoặc giả hoàn toàn chưa xuất hiện, hoặc giả chỉ đóng một vai trò rất nhỏ ở trong nội bộ mỗi công xã cá biệt, nhưng lại xuất hiện ở những ranh giới của các công xã, trong những cuộc giao dịch với những công xã khác; nói chung sẽ là sai lầm nếu coi sự trao đổi ở trong cùng một công xã là nhân tố cấu thành đầu tiên. Ngược lại, lúc ban đầu, sự trao đổi thường hay xuất hiện giữa các công xã khác nhau, hơn là giữa các thành viên trong cùng một công xã. Tiếp nữa, mặc dù tiền tệ đã bắt đầu đóng một vai trò nhất định rất sớm và có tính chất nhiều mặt, nhưng ở thời cổ đại thì tiền tệ chỉ thể hiện ra là nhân tố chủ đạo ở những dân tộc phát triển về một mặt, của những dân tộc thương mại. Và ngay ở thời kỳ cổ đại phát triển nhất, ở người Hy Lạp và người La Mã, sự phát triển đầy đủ của tiền, - tức là cái cấu thành tiền đề cho xã hội tư sản hiện đại - cũng chỉ thấy trong thời kỳ những dân tộc này tan rã mà thôi. Như vậy, cái phạm trù hoàn toàn giản đơn này chỉ xuất hiện trong lịch sử với tất cả hiệu lực của nó trong những trạng thái phát triển nhất của xã hội. Nó quyết không xâm nhập vào tất cả mọi quan hệ kinh tế. Ví dụ, trong thời kỳ thịnh đạt nhất của Đế chế La Mã, những thứ thuế mà đảm phụ bằng hiện vật vẫn là nền tảng. Ở đó, nói cho đúng ra, nền kinh tế tiền tệ chỉ phát triển hoàn toàn ở trong quân đội mà thôi, nó chưa bao giờ bao trùm lên toàn bộ quá trình lao động.

Vậy là, mặc dù trong lịch sử, phạm trù giản đơn hơn có thể có trước một phạm trù cụ thể hơn, nhưng trong sự phát triển đầy đủ của nó về bề sâu và bề rộng, nó lại có thể thuộc về một hình thái xã hội phức tạp hơn, trong khi đó thì một phạm trù cụ thể hơn lại đã được phát triển đầy đủ hơn trong một hình thái xã hội kém phát triển hơn.

Lao động hình như là một phạm trù hoàn toàn giản đơn. Quan niệm lao động trong tính phổ biến này, - với tư cách là lao động nói chung, - cũng đã có từ thời cổ. Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế dưới hình thái giản đơn đó, thì "lao động" là một phạm trù cũng hiện đại như các quan hệ đã sản sinh ra cái trừu tượng giản đơn đó. Hệ thống lý luận tiền đúc, chẳng hạn, xác định của cải vẫn còn một cách hoàn toàn khách quan coi đó là một vật tồn tại ở trong tiền tệ. So sánh với quan điểm này thì hệ thống trọng công hay trọng thương đã là một tiến bộ lớn, khi nó chuyển nguồn của cải từ một vật sang hoạt động chủ quan, sang lao động thương nghiệp và lao động công nghiệp, nhưng bản thân hoạt động chủ quan này vẫn còn được hiểu một cách hạn chế, như là một hoạt động sản xuất ra tiền. Đối lập với hệ thống đó là hệ thống trọng nông, nó coi một hình thái lao động nhất định - lao động nông nghiệp - là lao động sáng tạo ra của cải, và coi bản thân vật phẩm - không phải dưới cái vỏ tiền tệ nữa, mà là dưới hình thức sản phẩm nói chung - là kết quả chung của lao động. Nhưng theo tính chất hạn chế của hoạt động sáng tạo ra nó, sản phẩm này vẫn còn được coi là một sản phẩm do tự nhiên quyết định, tức là sản phẩm của nông nghiệp, sản phẩm par excellence của ruộng đất.

 

[M-17] Thành tựu to lớn của A-đam Xmít là ông đã gạt bỏ tất cả mọi tính xác định của hoạt động sáng tạo ra của cải; ở ông ta, đó chỉ là lao động mà thôi, không phải lao động công nghiệp, cũng không phải lao động thương nghiệp hay lao động nông nghiệp, mà là cả cái nọ lẫn cái kia. Cùng với tính phổ biến trừu tượng của hoạt động sáng tạo ra của cải, người ta cũng thừa nhận tính phổ biến của vật phẩm được quy định là của cải; đó là sản phẩm nói chung, hay lại là lao động nói chung, nhưng đã là lao động quá khứ, lao động đã vật hóa. Bản thân A-đam Xmít thỉnh thoảng cũng còn quay trở lại hệ thống trọng nông, điều đó chỉ rõ rằng bước chuyển đó khó khăn và to lớn đến như thế nào. Còn đây, dường như có thể cho rằng, bằng cách đó, người ta mới chỉ tìm được biểu hiện trừu tượng cho mối liên hệ giản đơn nhất và lâu đời nhất, trong đó con người thể hiện ra là những người sản xuất, dưới bất kỳ hình thái xã hội nào. Điều đó đứng về một mặt mà xét là đúng, nhưng đứng về mặt khác thì lại là không đúng.

Thái độ không phân biệt đối với một loại lao động nhất định giả định phải có một tổng thể rất phát triển của các loại lao động hiện thực, trong đó không còn có loại nào ở vào địa  vị chi phối nữa. Như vậy, những sự trừu tượng chung nhất nói chung chỉ xuất hiện trong điều kiện của một sự phát   triển cụ thể phong phú, trong đó cũng một cái ấy thể hiện ra là chung cho nhiều yếu tố hay cho tất cả mọi yếu tố. Khi đó người ta không còn có thể chỉ nghĩ đến cái ấy dưới một hình thái đặc thù nữa. Mặt khác, sự trừu tượng hóa ấy đối với lao động nói chung không phải chỉ là kết quả tinh thần của một tổng thể cụ thể của các loại lao động. Thái độ không phân   biệt đối với một loại lao động nhất định phù hợp với một hình thái xã hội trong đó các cá nhân chuyển một cách dễ dàng từ lao động này sang lao động khác và trong đó một loại lao    động nhất định nào đó đối với họ chỉ là ngẫu nhiên, cho nên không cần phải phân biệt. Ở đây, không phải chỉ ở trong    phạm trù mà ngay cả ở trong thực tế, lao động đã trở thành một phương tiện để tạo ra của cải nói chung và đã mất mối   liên hệ đặc biệt của nó với một cá nhân nhất định. Trạng thái này đã đạt tới đỉnh phát triển cao nhất của nó trong cái hình thái hiện đại nhất trong số những hình thái hiện có của xã hội tư sản ở Hợp chúng quốc. Như vậy, chỉ ở đây, sự trừu tượng hóa phạm trù "lao động", "lao động nói chung", lao động sans phrase[2], cái khởi điểm của khoa kinh tế hiện đại, trên thực tiễn mới trở thành chân lý.

Thế nhưng, sự trừu tượng giản đơn nhất mà khoa kinh tế chính trị hiện đại đặt lên hàng đầu, sự trừu tượng biểu thị một quan hệ cổ xưa nhất và có giá trị đối với tất cả mọi hình thái xã hội, - chỉ dưới cái hình thái trừu tượng đó nó mới thể hiện ra trên thực tiễn là chân lý, với tính cách là một phạm trù của xã hội hiện đại nhất. Có người có thể nói rằng, cái Hợp chúng quốc là một sản phẩm lịch sử - tức là thái độ không phân biệt đối với một hình thái lao động nhất định - thì lại thể hiện ra đối với người Nga chẳng hạn, như là một năng khiếu bẩm sinh. Nhưng trước hết, có một sự khác nhau to lớn trong việc liệu những người dã man có thể thích ứng với mọi việc hay không, hay là bản thân những người văn minh tự mình thích ứng với tất cả mọi việc. Và sau đó, đối với người Nga, trên thực tiễn, tương ứng với thái độ không phân biệt ấy đối với một loại lao động nhất định nào đó là sự lệ thuộc cổ truyền của họ vào một loại lao động hoàn toàn xác định, một loại lao động và chỉ có những ảnh hưởng bên ngoài mới có thể bứt họ ra khỏi được.

[M-18] Ví dụ này về lao động chứng minh một cách hùng hồn rằng, ngay những phạm trù trừu tượng nhất, - mặc dù chúng có giá trị đối với tất cả mọi thời đại chính nhờ cái tính chất trừu tượng của chúng, - dưới bản thân cái tính xác định của sự trừu tượng đó, cũng là sản phẩm của các điều kiện lịch sử, và chỉ đối với những điều kiện này và trong phạm vi những điều kiện này chúng mới có được một giá trị đầy đủ.

Xã hội tư sản là một tổ chức sản xuất phát triển nhất và đại diện nhất trong lịch sử. Vì vậy, các phạm trù biểu thị những quan hệ của xã hội đó, kết cấu của xã hội đó, đồng thời cũng cho ta cái khả năng hiểu thấu được kết cấu và các quan hệ sản xuất của tất cả các hình thái xã hội đã diệt vong; xã hội tư sản đã được xây dựng nên trên những tàn dư và những yếu tố của những hình thái xã hội ấy, một phần kéo theo sau nó những tàn dư còn chưa khắc phục được, một phần thì phát triển đầy đủ tác dụng của những cái trước kia chỉ tồn tại dưới dạng một dấu hiệu báo trước mà thôi, v.v.. Giải phẫu học về con người là cái chìa khóa cho giải phẫu học về con khỉ. Ngược lại, người ta chỉ có thể hiểu được những dấu hiệu báo trước cái cao hơn trong các loại động vật cấp thấp khi người ta đã biết được bản thân cái cao hơn đó. Như vậy, nền kinh tế tư sản cho ta cái chìa khóa để hiểu nền kinh tế cổ đại, v.v.. Nhưng điều đó tuyệt nhiên không phải theo ý nghĩa mà các nhà kinh tế học đã hiểu, những người này xóa nhoà tất cả những sự khác nhau về mặt lịch sử và coi tất cả các hình thái xã hội đều là những hình thái tư sản. Người ta có thể hiểu được tô hiện vật, thuế thập phân, v.v., khi người ta đã biết địa tô, nhưng người ta không thể coi những cái đó là một.

Tiếp nữa, vì bản thân xã hội tư sản chỉ là một hình thái đối kháng của sự phát triển, cho nên những quan hệ của những hình thái xã hội sớm hơn chỉ tồn tại trong xã hội ấy dưới một dạng hoàn toàn cằn cỗi, hay còn dưới dạng biếm hoạ nữa, ví dụ như chế độ sở hữu công xã. Vì vậy, nếu đúng là các phạm trù của nền kinh tế tư sản bao hàm một chân lý nào đấy đối với tất cả mọi hình thái xã hội khác, thì điều đó cũng chỉ có thể chấp nhận cum grano salis[3] mà thôi. Những phạm trù kinh tế tư sản ấy có thể chứa đựng những hình thái đó dưới những dạng có thể là phát triển, có thể là cằn cỗi, có thể là biếm họa, v.v., nhưng dầu sao thì cũng dưới một dạng đã biến đổi một cách căn bản. Cái gọi là sự phát triển lịch sử, nói chung, dựa trên tình trạng là hình thái cuối cùng coi các hình thái đã qua là những giai đoạn để đi tới bản thân nó, và bao giờ nó cũng quan niệm các hình thái xã hội ấy một cách phiến diện, vì nó rất ít khi có khả năng tự phê phán và chỉ tự phê phán trong những điều kiện nhất định hoàn toàn xác định; đương nhiên ở đây không nói tới những thời đại lịch sử tự chúng đã là những thời kỳ suy vong. Đạo Cơ Đốc chỉ có thể giúp cho việc hiểu rõ một cách khách quan các thần thoại trước đây khi sự tự phê phán của nó đã được chuẩn bị tới một mức nào đó, có thể nói là dunamei. Khoa kinh tế chính trị tư sản cũng vậy, nó cũng chỉ đi tới chỗ nhận thức được các xã hội phong kiến, cổ đại, phương Đông, khi sự tự phê phán của xã hội tư sản đã bắt đầu. Chừng nào mà khoa kinh tế chính trị tư sản không rơi vào câu chuyện thần thoại để hoàn toàn coi bản thân nó và quá khứ là một, thì chừng đó sự phê phán của khoa kinh tế chính trị tư sản đối với xã hội trước đây - cụ thể là đối với xã hội phong kiến mà nó còn đang phải trực tiếp đấu tranh - cũng giống như sự phê phán của đạo Cơ Đốc đối với Tà giáo, hoặc cũng giống như sự phê phán của đạo Tin lành đối với đạo Thiên chúa.

[M-19] Nói chung, trong bất kỳ một môn khoa học lịch sử, xã hội nào cũng vậy, khi nghiên cứu tiến trình của các phạm trù kinh tế cần phải thường xuyên thấy rằng chủ thể, - ở đây là xã hội tư sản hiện đại, - đã cho sẵn trong thực tế cũng như trong đầu óc, và vì vậy các phạm trù biểu thị những hình thái tồn tại và những điều kiện tồn tại, thường chỉ là những mặt cá biệt của cái xã hội xác định đó, của cái chủ thể đó, và vì thế, đối với khoa học cũng vậy, xã hội đó quyết không phải chỉ xuất hiện từ khi người ta lần đầu tiên nói đến cái xã hội đó với tính cách là một xã hội như thế. Cần phải nắm vững điều đó, bởi vì nó cung cấp ngay những lý do có tính chất quyết định để phân chia đối tượng.

Ví dụ, không có gì tự nhiên hơn là bắt đầu nghiên cứu từ địa tô, từ chế độ sở hữu ruộng đất, bởi vì nó gắn liền với ruộng đất, là nguồn của mọi sản xuất và của mọi tồn tại, và với nông nghiệp là hình thái sản xuất đầu tiên của mọi xã hội đã được hình thành một cách ít nhiều vững chắc. Nhưng, không có gì sai lầm hơn thế. Mỗi một hình thái xã hội đều có một nền sản xuất nhất định, nền sản xuất này quy định vị trí và ảnh hưởng của tất cả các ngành sản xuất khác và vì vậy, các quan hệ của nền sản xuất đó cũng quy định vị trí và ảnh hưởng của tất cả các ngành sản xuất khác. Đó là cái ánh sáng chung làm cho tất cả mọi màu sắc khác biến mất và làm thay đổi những đặc điểm riêng của chúng. Đó là một thứ ê-te đặc biệt xác định tỷ trọng của tất cả mọi cái gì tồn tại ở trong đó.

Ví dụ, các dân tộc chăn nuôi (những dân tộc chỉ làm nghề săn bắn và đánh cá thì nằm ở ngoài cái điểm mở đầu sự phát triển thực sự). Ở các dân tộc này thỉnh thoảng người ta thấy   có một hình thái nông nghiệp nhất định. Điều đó quyết định chế độ sở hữu ruộng đất. Đó là một chế độ sở hữu tập thể và nó duy trì hình thái này với một mức độ nhiều hay ít là tùy theo các dân tộc này duy trì nhiều hay ít những truyền thống của họ; ví dụ chế độ sở hữu công xã của người Xla-vơ. Ở các dân tộc nông nghiệp định cư, sự định cư này đã là một bước tiến quan trọng, - trong đó nông nghiệp đóng vai trò chi phối, như trong các xã hội cổ đại và phong kiến, thì bản thân công nghiệp, tổ chức của nó, và các hình thái sở hữu tương ứng với nó, đều ít nhiều mang tính chất của chế độ chiếm hữu ruộng đất; hoặc là công nghiệp hoàn toàn lệ thuộc vào nông nghiệp, như ở người La Mã thời cổ, hoặc giả là như ở thời Trung cổ, công nghiệp đem áp dụng những nguyên tắc tổ chức nông nghiệp vào thành thị và vào các mối quan hệ của thành thị. Ở thời Trung cổ, ngay cả tư bản, - trong chừng mực nó không phải chỉ thuần túy là tư bản tiền tệ, - cũng có cái tính chất của chế độ chiếm hữu ruộng đất dưới hình thái công cụ thủ công truyền thống, v.v. và v.v..

Trong xã hội tư sản thì ngược lại. Nông nghiệp ngày càng trở thành một ngành đơn thuần của công nghiệp và nó hoàn toàn chịu sự chi phối của tư bản. Địa tô cũng như vậy. Trong tất cả các hình thái xã hội mà chế độ sở hữu ruộng đất thống trị, thì các quan hệ tự nhiên vẫn còn chiếm ưu thế. Còn trong tất cả mọi xã hội mà tư bản thống trị, thì các yếu tố xã hội được tạo ra trong quá trình lịch sử, chiếm ưu thế. Người ta sẽ không thể hiểu được địa tô nếu không có tư bản, nhưng người ta có thể hiểu được tư bản mà không cần có địa tô. Tư bản là lực lượng kinh tế chi phối tất cả trong xã hội tư sản. Nó phải là điểm xuất phát và là điểm tận cùng, và nó phải được lý giải trước chế độ sở hữu ruộng đất. Sau khi đã nghiên cứu riêng biệt tư bản và địa tô, thì phải nghiên cứu mối quan hệ lẫn nhau của chúng.

[M-20] Như vậy, sắp xếp các phạm trù kinh tế theo cái trình tự mà chúng đóng vai trò quyết định trong lịch sử, là một điều không thể được và sai lầm. Ngược lại, cái trình tự của các phạm trù được quyết định bởi mối quan hệ qua lại của chúng ở trong xã hội tư sản hiện đại, hơn nữa mối quan hệ đó chính là ngược lại với cái trình tự dường như tự nhiên của chúng hay dường như phù hợp với cái trình tự của sự phát triển lịch sử. Vấn đề không phải là ở vị trí mà các quan hệ kinh tế chiếm giữ trong các hình thái xã hội khác nhau và nối tiếp nhau. Nó càng không phải là ở trình tự nối tiếp của chúng "trên ý niệm" (Pru-đông), trong cái quan niệm đảo ngược đó về quá trình lịch sử. Vấn đề là sự phân chia các phạm trù đó trong nội bộ xã hội tư sản hiện đại.

Hình thái thuần túy (tính quy định trừu tượng) trong đó các dân tộc thương nghiệp, - người Phi-ni-ki-a, người Các-ta-giơ, - xuất hiện trong thế giới cổ đại, chính là do địa vị chi phối của các dân tộc nông nghiệp quyết định. Tư bản, với tư cách là tư bản thương nghiệp hay tư bản tiền tệ, xuất hiện đúng trong sự trừu tượng đó ở nơi nào mà tư bản chưa phải là yếu tố chi phối của xã hội. Người xứ Lôm-bác-đi, người Do Thái ở vào vị trí như thế đối với các xã hội kinh doanh nông nghiệp ở thời Trung cổ.

Đây là một ví dụ khác về vị trí khác nhau của cũng những phạm trù ấy ở những giai đoạn khác nhau của sự phát triển xã hội: một trong những hình thái gần đây nhất của xã hội tư sản, các joint - stock companies[4]­, cũng đã xuất hiện ở thời kỳ đầu của xã hội này dưới hình thức các đại công ty thương mại đặc quyền và giữ một vị trí độc quyền.

Bản thân khái niệm của cải quốc dân ở các nhà kinh tế học thế kỷ XVII, - quan niệm này một phần cũng còn được duy trì ở các nhà kinh tế học thế kỷ XVIII, - đã lộ ra dưới hình thức là của cải chỉ được tạo ra cho quốc gia, và sức mạnh của quốc gia tùy thuộc vào của cải đó. Đó là hình thức còn có tính chất giả dối - vô ý thức, trong đó bản thân của cải và sự sản xuất ra của cải được tuyên bố là mục đích của các quốc gia hiện đại, còn các quốc gia này thì chỉ được coi là phương tiện để sản xuất ra của cải.

Sự phân chia đối tượng rõ ràng phải là như sau:

1) Những tính quy định trừu tượng chung, những tính quy định này vì vậy mà thích hợp nhiều hay ít đối với tất cả mọi hình thái xã hội, nhưng theo ý nghĩa đã trình bày ở trên. 2) Những phạm trù cấu thành cái kết cấu nội tại của xã hội tư sản và làm cơ sở cho các giai cấp cơ bản. Tư bản, lao động làm thuê, sở hữu ruộng đất. Quan hệ giữa những cái đó với nhau. Thành thị và nông thôn. Ba giai cấp lớn của xã hội. Trao đổi giữa các giai cấp này. Lưu thông. Tín dụng (tư nhân). 3) Sự biểu hiện tập trung của xã hội tư sản dưới hình thái quốc gia. Việc xem xét nó trong mối quan hệ với bản thân nó. Các giai cấp "không sản xuất". Thuế. Công trái. Tín dụng của nhà nước. Dân số. Các thuộc địa. Di dân. 4) Những điều kiện quốc tế của sản xuất. Phân công quốc tế. Trao đổi quốc tế. Xuất khẩu và nhập khẩu. Thị giá hối đoái. 5) Thị trường thế giới và các cuộc khủng hoảng.

 

Viết từ cuối tháng tám đến giữa tháng chín 1857

Theo đúng bản thảo viết tay

C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, t. 13, tr. 615-42

 

 

 


Nguồn: http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/4lanhtu/details.asp?topic=3&subtopic=88&leader_topic=&id=BT950044668


 

 

* Văn bản này được trích từ tác phẩm “Lời nói đầu Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị” in trong C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 46, phần thứ nhất. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. Phiên bản điện tử của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: http://dangcongsan.vn

[1] Điều đó là tuỳ

[2] - không thôi, không thêm gì nữa

[3] nguyên văn: với một dúm muối, theo nghĩa bóng: một cách rất hạn chế.

[4] - công ty cổ phần

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt