SỰ PHÁT HIỆN RA NHỮNG YẾU TỐ CỦA THẾ GIỚI
VLADIMIR ILYICH LENIN (1870-1924)
V.I. Lê-nin. “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”, in trong V.I. Lê-nin Toàn tập, tập 18. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 52-70.| Bản tiếng Anh: “The Discovery of the World-Elements” | Bản tiếng Pháp: La « découverte des éléments du monde »
Đó là nhan đề mà vị phó giáo sư Trường đại học tổng hợp Xuy-rích, Phri-đrích Át-lơ, đã chọn cho tác phẩm của ông ta viết về Ma-khơ. Át-lơ có lẽ là tác giả Đức duy nhất cũng muốn bổ sung Mác bằng chủ nghĩa Ma-khơ1*. Chúng ta cũng nên công bằng đối với vị phó giáo sư ngây thơ ấy: vì ngây thơ nên ông ta đã làm hại nhiều hơn là giúp ích cho chủ nghĩa Ma-khơ. Ít nhất ông ta cũng đã đặt vấn đề một cách rõ ràng và gãy gọn: có thật là Ma-khơ đã phát hiện ra những yếu tố của thế giới" không? Nếu quả thế thì dĩ nhiên là chỉ có những kẻ hết sức dốt nát và lạc hậu mới có thể cứ bo bo làm những người duy vật. Hay sự phát hiện ấy có nghĩa là Ma-khơ đã quay trở lại những sai lầm cũ của triết học? Chúng ta đã thấy Ma-khơ hồi 1872 và A-vê-na-ri-út hồi 1876 đứng trên quan điểm thuần tuý duy tâm; đối với họ, thế giới chỉ là cảm giác của chúng ta. Năm 1883, quyển "Cơ học" của Ma-khơ ra đời, và trong lời tựa lần xuất bản thứ nhất, Ma-khơ đã dẫn chứng chính cuốn "Tự luận" của A-vê-na-ri-út và hoan nghênh những tư tưởng "rất gần gũi" (sehr verwandte) với triết học của mình. Đây là những lời bàn về yếu tố, trình bày trong cuốn "Cơ học" đó: "Tất cả các khoa học tự nhiên chỉ có thể miêu tả (nachbilden und vorbilden) những phức hợp của những yếu tố mà chúng ta thường gọi là cảm giác. Đấy là nói về những mối liên hệ của những yếu tố ấy. Mối liên hệ giữa A (nhiệt) và B (lửa) là thuộc lĩnh vực vật lý học, mối liên hệ giữa A và N (những dây thần kinh) là thuộc lĩnh vực sinh lý học. Cả hai loại liên hệ đều không thể tồn tại riêng biệt được; chúng luôn luôn cùng tồn tại với nhau. Chúng ta chỉ có thể tạm thời không kể đến loại liên hệ này hay loại liên hệ kia. Do đó, hình như là các quá trình thuần tuý máy móc cũng luôn luôn đồng thời là những quá trình sinh lý" (S. 499, bản Đức văn đã dẫn). Trong quyển "Phân tích các cảm giác", cũng có những luận điểm như vậy: "... Khi cùng với những từ: "yếu tố", "phức hợp yếu tố" hoặc để thay thế cho những từ đó, người ta dùng những từ: "cảm giác", "phức hợp cảm giác", thì phải luôn luôn nhớ rằng chỉ trong những liên hệ ấy" (tức là trong mối liên hệ của A, B, C với K, L, M, nghĩa là trong mối liên hệ giữa "những phức hợp thường gọi là những vật thể" với "cái phức hợp mà chúng ta gọi là thân thể của chúng ta"), "chỉ trong mối quan hệ ấy, chỉ trong sự phụ thuộc hàm số ấy, thì yếu tố mới là cảm giác. Đồng thời, trong một sự phụ thuộc hàm số khác, thì yếu tố lại là những đối tượng vật lý" (bản dịch Nga văn, tr. 23 và 17). "Màu sắc là một đối tượng vật lý khi, chẳng hạn, chúng ta nghiên cứu nó về mặt nó phụ thuộc vào nguồn ánh sáng chiếu vào nó (các màu sắc khác, nhiệt, không gian, v.v.). Nhưng nếu chúng ta nghiên cứu nó về mặt nó phụ thuộc vào võng mạc (yếu tố K, L, M...) thì nó lại là một đối tượng tâm lý, một cảm giác" (như trên, tr. 24). Như vậy, sự phát hiện ra những yếu tố của thế giới là ở chỗ: 1) coi tất cả mọi cái tồn tại đều là cảm giác; 2) gọi cảm giác là yếu tố; 3) chia các yếu tố ra thành yếu tố vật lý và yếu tố tâm lý, - yếu tố sau phụ thuộc vào thần kinh của con người và, nói chung, phụ thuộc vào cơ thể của con người; còn yếu tố trước thì không phụ thuộc vào những cái đó; 4) cho rằng mối liên hệ giữa yếu tố vật lý và yếu tố tâm lý không thể tồn tại tách rời nhau; chúng chỉ tồn tại cùng nhau; 5) chỉ có thể tạm thời không kể đến mối liên hệ này hay mối liên hệ khác; 6) tuyên bố rằng lý luận "mới" không có "tính chất phiến diện"2*. Thật vậy, lý luận trên đây không có tính chất phiến diện, nhưng nó là một mớ hỗn tạp hết sức rời rạc bao gồm những quan điểm triết học trái ngược nhau. Khi xuất phát chỉ từ cảm giác thì anh sẽ không thể sửa chữa được "tính chất phiến diện" của chủ nghĩa duy tâm của anh bằng cái từ "yếu tố" đâu, anh chỉ làm rối loạn vấn đề và lẩn tránh một cách hèn nhát lý luận của chính bản thân anh. Trên lời nói, anh gạt bỏ sự đối lập giữa cái vật lý và cái tâm lý3*, giữa chủ nghĩa duy vật (cho rằng vật chất, giới tự nhiên là cái có trước) và chủ nghĩa duy tâm (cho rằng tinh thần, ý thức, cảm giác là cái có trước), nhưng trên thực tế, anh lại bí mật khôi phục ngay sự đối lập ấy, bằng cách rời bỏ tiền đề cơ bản của anh! Vì nếu yếu tố là cảm giác, thì dù là trong một giây thôi anh cũng không có quyền thừa nhận sự tồn tại của các "yếu tố" ở ngoài sự phụ thuộc của chúng vào thần kinh của tôi, vào ý thức của tôi. Nhưng một khi anh thừa nhận rằng những đối tượng vật lý tồn tại không phụ thuộc vào thần kinh hay cảm giác của tôi và chỉ gây nên cảm giác bằng cách tác động vào võng mạc của tôi thì như vậy là anh đã rời bỏ một cách nhục nhã chủ nghĩa duy tâm "phiến diện" của anh, để chuyển sang một thứ chủ nghĩa duy vật "phiến diện"! Nếu màu sắc là cảm giác chỉ vì nó phụ thuộc vào võng mạc (như khoa học tự nhiên buộc anh phải thừa nhận điều đó) thì như thế có nghĩa là những tia ánh sáng, khi chiếu đến võng mạc, sẽ đem lại cảm giác về màu sắc. Thế tức là ở ngoài chúng ta, không phụ thuộc vào chúng ta và ý thức của chúngta, vẫn có sự vận động của vật chất, ví dụ những làn sóng trường có một độ dài và một tốc độ nhất định, chúng tác động vàovõng mạc, đem lại cho con người cảm giác về màu sắc nào đó. Đó chính là quan điểm của khoa học tự nhiên. Khoa học này giải thích những cảm giác khác nhau về một màu sắc nào đó bằng độ dài khác nhau của những sóng ánh sáng tồn tại ở ngoài võng mạc của con người, ở ngoài con người và không phụ thuộc vào con người. Và đó chỉ là chủ nghĩa duy vật: vật chất gây nên cảm giác bằng cách tác động vào giác quan của chúng ta. Cảm giác phụ thuộc vào óc, thần kinh, võng mạc, v.v., nghĩa là vào vật chất được tổ chức theo một cách thức nhất định. Sự tồn tại của vật chất không phụ thuộc vào cảm giác. Vật chất là cái có trước. Cảm giác, tư tưởng, ý thức là sản phẩm cao nhất của vật chất được tổ chức theo một cách thức đặc biệt. Đó là quan điểm của chủ nghĩa duy vật, nói chung, và của Mác và Ăng-ghen, nói riêng. Ma-khơ và A-vê-na-ri-út đã lén lút du nhập chủ nghĩa duy vật bằng cách dùng chữ "yếu tố", tựa hồ như chữ này cứu được lý luận của họ thoát khỏi "tính phiến diện" của chủ nghĩa duy tâm chủ quan, và tựa hồ như nó cho phép thừa nhận sự phụ thuộc của cái tâm lý vào võng mạc, thần kinh, v.v., thừa nhận tính độc lập của cái vật lý đối với cơ thể con người. Thật ra, thủ đoạn lợi dụng từ "yếu tố", chỉ là một lối ngụy biện hết sức thảm hại, vì người duy vật, khi đọc tác phẩm của Makhơ và A-vê-na-ri-út, sẽ đặt ra ngay câu hỏi: "yếu tố" là gì? Thật là trẻ con nếu nghĩ rằng bịa ra một từ mới, là có thể tránh được những trào lưu triết học cơ bản. Hoặc giả "yếu tố" là cảm giác, như tất cả những người theo chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, cả Ma-khơ, A-vê-na-ri-út lẫn Pết-txôn-tơ4* và những người khác vẫn chủ trương, và như vậy, thưa các ngài, triết học của các ngài chỉ làchủ nghĩa duy tâm đã uổng công che đậy sự trần trụi của chủ nghĩa duy ngã của mình bằng một thuật ngữ "khách quan" hơn. Hoặc giả "yếu tố" không phải là cảm giác, và như vậy từ "mới" của các ngài tuyệt đối không có một chút ý nghĩa gì cả, và các ngài chỉ làm ồn lên vô ích mà thôi. Chúng ta hãy xem chẳng hạn Pết-txôn-tơ, người mà V.Lê-xê-vích5*, nhà kinh nghiệm phê phán đầu tiên nổi tiếng nhất ở Nga cho là tay cừ nhất của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán. Trong quyển 2 tác phẩm đã nói ở trên của ông ta, sau khi khẳng định yếu tố là cảm giác, Pết-txôn-tơ tuyên bố rằng: "Trong mệnh đề: "cảm giác là yếu tố của thế giới" chúng ta cần đề phòng việc coi chữ "cảm giác" là tên của một cái gì thuần tuý chủ quan, do đó có tính chất phiêu diêu, biến bức tranh thông thường của thế giới thành ảo ảnh" (verflüchtigendes)6*. Thật là đau đâu thì xuýt xoa đấy! Pết-txôn-tơ cảm thấy rằng nếu người ta coi cảm giác là yếu tố của thế giới, thì thế giới sẽ "tiêu tan" (verflüchtigt sich) hay biến thành một ảo ảnh. Và ông Pết-txôn-tơ tốt bụng tưởng rằng có thể cứu vãn được tình thế bằng một lời dè chừng: chớ nên coi cảm giác là một cái gì thuần tuý chủ quan! Đó chẳng phải là một lối ngụy biện đáng buồn cười sao? Khi chúng ta "coi" cảm giác là cảm giác, hay khi chúng ta cố tìm cách mở rộng ý nghĩa của chữ ấy ra, thì liệu có gì thay đổi không? Liệu như thế có làm tiêu tan cái sự thật là cảm giác gắn liền với chức năng bình thường của thần kinh, võng mạc, khối óc, v.v., trong con người không? Có làm tiêu tan cái sự thật là thế giới bên ngoài tồn tại độc lập đối với cảm giác của chúng ta không? Nếu anh không muốn lảng tránh bằng những lối nói quanh co, nếu quả thật anh muốn "đề phòng" chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa duy ngã, thì trước hết anh phải tránh những tiền đề cơ bản duy tâm trong triết học của anh đã; anh phải thay thế xu hướng duy tâm trong triết học của anh (đi từ cảm giác đến thế giới bên ngoài) bằng xu hướng duy vật (đi từ thế giới bên ngoài đến cảm giác); anh phải vứt bỏ cái lối trang sức bằng danh từ, hồ đồ và vô nghĩa - "yếu tố" - ấy đi và nói một cách giản đơn rằng màu sắc là kết quả của sự tác động của một đối tượng vật lý vào võng mạc = cảm giác là kết quả của sự tác động của vật chất vào giác quan của chúng ta. Chúng ta lại xem A-vê-na-ri-út. Tác phẩm mới đây nhất của ông ta (có lẽ đó là tác phẩm quan trọng nhất để hiểu rõ triết học của ông ta), quyển "Khảo sát về khái niệm đối tượng của tâm lý học"7*, đem lại những tài liệu quýbáu nhất về vấn đề "yếu tố". Trong sách đó, tác giả đã tiện thể đưa ra một biểu đồ rất "nổi bật" (t. XVIII, tr. 410) mà chúng tôi trích ra phần chủ yếu dưới đây:
Chúng ta hãy đem biểu đồ trên đây so sánh với những điều mà Ma-khơ nói về "yếu tố" sau khi đã đưa ra đủ mọi thứ thuyết minh ("Phân tích các cảm giác", tr. 33): "Không phải vật thể sinh ra cảm giác, mà là những phức hợp yếu tố (phức hợp cảm giác) cấu thành vật thể". "Sự phát hiện ra những yếu tố của thế giới" khắc phục được tính phiến diện của chủ nghĩa duy tâm và của chủ nghĩa duy vật, là như vậy đó! Trước hết người ta nói quả quyết với chúng ta rằng "yếu tố" = một cái gì mới mẻ vừa có tính chất vật lý, vừa có tính chất tâm lý, nhưng sau đó, người ta lại lén lút đính chính một chút: người ta lấy học thuyết của "thực chứng luận tối tân" về những yếu tố vật chất và yếu tố tư tưởng để thay thế cho sự phân biệt duy vật thô lỗ về vật chất (vật, vật thể) và về cái tâm lý (cảm giác, ký ức, tưởng tượng). Át-lơ (Phrít-xơ) đã không thu hoạch được gì nhiều lắm với "sự phát hiện ra những yếu tố của thế giới"! Khi phản đối Plê-kha-nốp, Bô-gđa-nốp đã viết năm 1906 rằng: "... Tôi không thể tự nhận mình là người theo phái Ma-khơ về triết học được. Trong quan điểm triết học chung, tôi chỉ mượn của Makhơ có độc một điểm thôi, tức là khái niệm về tính trung lập của những yếu tố của kinh nghiệm đối với "cái vật lý" và "cái tâm lý", khái niệm về sự phụ thuộc của những đặc tính ấy chỉ riêng vào những mối liên hệcủa kinh nghiệm" ("Thuyết kinh nghiệm nhất nguyên", q. III, Xanh Pê-téc-bua, 1906, tr. XLI). Như thế có khác gì một người tin theo tôn giáo nói: tôi không thể tự nhận mình là tín đồ tôn giáo được, vì tôi "chỉ" mượn của các tín đồ ấy có "độc một điểm" thôi: lòng tin vào Thượng đế. "Độc một điểm" mà Bô-gđa-nốp mượn của Ma-khơ lại chính là sai lầm cơ bản của chủ nghĩa Ma-khơ, điều không đúng cơ bản của toàn bộ triết học ấy. Những điểm Bô-gđa-nốp xa rờichủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, mà bản thân ông ta cho là rất quan trọng, thực ra chỉ là hoàn toàn thứ yếu và không phải là cái gì khác ngoài những sự khác nhau về chi tiết, cục bộ vàcá biệt, giữa các loại người theo chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán tán thành Ma-khơ và được Makhơ tán thành (về điểm này chúng tôi sẽ nói tỉ mỉ ở đoạn sau). Cho nên khi Bô-gđa-nốp nổi giận vì có người đã lẫn lộn ông ta với phái Ma-khơ thì như vậy là ông ta chỉ tỏ ra rằng ông ta không hiểu biết gì về những chỗ khác nhau cơ bản giữa chủ nghĩa duy vật với cái điểm chung của ông ta và những người theo phái Ma-khơ khác. Xét xem Bô-gđa-nốp đã phát triển, sửa chữa hay đã làm hỏng triết học của Ma-khơ như thế nào, điều đó không có gì quan trọng. Điều quan trọng là ông ta đã rời bỏ quan điểm duy vật, do đó không tránh khỏi rơi vào chỗ lẫn lộn và lầm lạc duy tâm chủ nghĩa. Như chúng ta đã thấy ở trên, năm 1899, Bô-gđa-nốp đã đứng trên quan điểm đúng đắn khi ông ta viết: "Hình ảnh của con người đứng trước tôi, do thị giác trực tiếp đem lại cho tôi, là một cảm giác"8*. Bô-gđa-nốp đã không chịu khó phê phán quan điểm cũ của ông ta. Ông ta đã mù quáng tin theo lời nói của Ma-khơ, và lắp lại theo Ma-khơ rằng những "yếu tố" của kinh nghiệm đều trung lập đối với cái vật lý và cái tâm lý. Bô-gđa-nốp viết trong "Thuyết kinh nghiệm nhất nguyên", quyển I (xuất bản lần thứ hai, tr. 90) rằng: "Như triết học thực chứng tối tân đã chứng minh, những yếu tố của kinh nghiệm tâm lý đều đồng nhất với những yếu tố của hết thảy mọi kinh nghiệm nói chung, bởi vì chúng đồng nhất với những yếutố của kinh nghiệm vật lý". Hay như năm 1906 ông ta viết (q. III, tr. XX): "còn về "chủ nghĩa duy tâm" thì liệu người ta có thể chỉ căn cứ vào sự thật hiển nhiên không thể nghi ngờ gì nữa là: những yếu tố của "kinh nghiệm vật lý" được thừa nhận là đồng nhất với những yếu tố của kinh nghiệm "tâm lý" hay đồng nhất với những cảm giác cơ bản, để nói rằng đó là chủ nghĩa duy tâm?". Đó là nguồn gốc thật sự của tất cả những bước không may của Bô-gđa-nốp trong triết học - một nguồn gốc chung cho ông ta và tất cả phái Ma-khơ. Khi người ta thừa nhận sự đồng nhất giữa cảm giác và những ("yếu tố của kinh nghiệm vật lý" (tức là cái vật lý, thế giới bên ngoài, vật chất) thì chúng ta có thể và phải nói đó là chủ nghĩa duy tâm, vì đó chính là chủ nghĩa Béc-cli chứ không phải là cái gì khác cả. ở đây, tuyệt nhiên không có chút dấu vết gì của triết học tối tân, hay của triết học thực chứng, hay của một sự thật chắc chắn nào, mà chỉ là một lối nguỵ biện duy tâm cũ, rất cũ mà thôi. Và nếu chúng ta yêu cầu Bô-gđa-nốp chứng minh cái "sự thật không thể nghi ngờ gì nữa" ấy là cái vật lý đồng nhất với cảm giác, thì chúng ta sẽ không được nghe một luận cứ nào khác, ngoài cái điệp khúc muôn thuở của các nhà duy tâm: tôi chỉ cảm biết được những cảm giác của tôi mà thôi; "cái bằng chứng của tự ý thức" (die Aussage des Selbstbewuòtseins, trong "Tự luận" của A-vê-na-ri-út, tr. 56, xuất bản lần thứ hai, bản tiếng Đức, Đ 93); hay là: "trong kinh nghiệm của chúng ta" (kinh nghiệm đó cho chúng ta biết rằng "chúng ta là những thực thể có cảm giác") "cảm giác mà chúng ta có được thì đáng tin cậy hơn tính thực thể" (như trên, tr. 55, Đ 91), v.v., v.v. và v.v.. Bô-gđa-nốp (tin theo lời nói của Ma-khơ) coi lối nói quanh co kiểu triết học phản động là một "sự thật không thể nghi ngờ gì nữa", vì trên thực tế, người ta chưa hề đưa ra và cũng không thể đưa ra được một sự thật nào có thể bác bỏ quan điểm cho rằng cảm giác là một hình ảnh của thế giới bên ngoài, tức là quan điểm mà Bô-gđa-nốp đã tán thành hồi 1899 và được các khoa học tự nhiên thừa nhận cho đến tận ngày nay. Trong những điều lang bang về triết học của mình, nhà vật lýhọc Ma-khơ đã hoàn toàn xa rời "khoa học tự nhiên hiện đại", - cái điều quan trọng này, mà Bô-gđa-nốp không nhận thấy, sau này chúng ta sẽ lại nói đến nhiều. Học thuyết của A-vê-na-ri-út về chuỗi phụ thuộc và chuỗi độc lập của kinh nghiệm (không kể đến ảnh hưởng của Ô-xtơ-van-đơ) là một trong những nhântố đã giúp Bô-gđa-nốp rất nhanh chóng chuyển từ chủ nghĩa duy vật của các nhà khoa học tự nhiên sang chủ nghĩa duy tâm mơ hồ của Ma-khơ. Về vấn đề này, chính Bô-gđa-nốp đã trình bày như sau ("Thuyết kinh nghiệm nhất nguyên", q. I): "Chừng nào những dữ kiện của kinh nghiệm phụ thuộc vào trạng thái của một hệ thống thần kinh nhất định thì chừng ấy chúng sẽ sáng tạo ra thế giới tâm lýcủa một cá nhân nhất định; và chừng nào những dữ kiện của kinh nghiệm xuất hiện ở ngoài sự phụ thuộc ấy thì chừng ấy trước mắt chúng ta sẽ cóthế giới vật lý. Cho nên Avê-na-ri-út gọi hai lĩnh vực ấy của kinh nghiệm là chuỗi phụ thuộc và chuỗi độc lập của kinh nghiệm" (tr. 18). Điều bất hạnh chính là ở chỗ học thuyết về "chuỗi" độc lập ấy (độc lập đối với cảm giác của con người) đã lén lút du nhập chủ nghĩa duy vật, một cách không chính đáng, độc đoán, một cách chiết trung xét theo quan điểm của cái triết học cho rằng vật thể là những phức hợp cảm giác và bản thân cảm giác cũng "đồng nhất" với những "yếu tố" vật lý. Bởi vì, một khi anh đã thừa nhận rằng nguồn ánh sáng và những sóng ánh sáng tồn tại không phụ thuộc vào con người và ý thức của con người, rằng màu sắc phụ thuộc vào tác động của những sóng ấy lên võng mạc, thì tức là trên thực tế anh đã đứng trên quan điểm duy vật, và đã phá đến tận gốc tất cả những "sự thật không thể nghi ngờ gì nữa" của chủ nghĩa duy tâm, cùng với tất cả những "phức hợp cảm giác", những yếu tố do thuyết thực chứng tối tân phát hiện ra và những điều vô lý khác tương tự như thế. Điều bất hạnh chính là ở chỗ Bô-gđa-nốp (cũng như tất cả những người theo phái Ma-khơ ở nước Nga) không hiểu thấu những quan điểm duy tâm ban đầu của Ma-khơ và A-vê-na-ri-út, không nhận thấy rõ những tiền đề duy tâm cơ bản của họ, và do đó, không nhận thấy tính chất không chính đáng và chiết trung trong âm mưu sau này của họ hòng lén lút du nhập chủ nghĩa duy vật. Thế nhưng, cũng như trong các sách báo triết học, mọi người đã thừa nhận chủ nghĩa duy tâm ban đầu của Ma-khơ và A-vê-na-ri-út, thì mọi người cũng đã thừa nhận rằng chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán sau này đã cố gắng hướng theo chủ nghĩa duy vật. Tác giả người Pháp, Cô-vê-lác, mà chúng ta đã nhắc đến ở trên, khẳng định rằng "Tự luận" của A-vê-na-ri-út là "chủ nghĩa duy tâm nhất nguyên", "Phê phán kinh nghiệm thuần tuý" (1888 - 1890) là "thuyết thực tại tuyệt đối" và "Khái niệm của con người về thế giới" (1891) là một mưu đồ muốn "giải thích" sự chuyển hướng ấy. Chúng ta cần chú ý rằng thuật ngữ thuyết thực tại ở đây được dùng theo nghĩa đối lập với thuật ngữ chủ nghĩa duy tâm. Ở đây theo gương Ăng-ghen, tôi chỉ dùng thuật ngữ chủ nghĩa duy vật theo nghĩa đó mà thôi, và tôi cho rằng thuật ngữ này là duy nhất đúng, nhất là vì thuật ngữ "thuyết thực tại" đã bị những người theo chủ nghĩa thực chứng và những kẻ hồ đồ khác dao động giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, lạm dụng đã khá nhiều rồi. Ở đây, chúng ta chỉ cần nêu ra rằng Cô-vê-lác muốn chỉ ra cái sự thật không thể chối cãi được là: trong "Tự luận" (1876) của A-vê-na-ri-út, cảm giác được coi là cái tồn tại duy nhất, còn "thực thể" thì bị gạt bỏ (đúng theo nguyên tắc "tiết kiệm tư duy"!) và trong "Phê phán kinh nghiệm thuần tuý", cái vật lý được coi là chuỗi độc lập, còn cái tâm lý và do đó cảm giác được coi là chuỗi phụ thuộc. Ru-đôn-phơ Vin-ly, học trò của A-vê-na-ri-út, cũng thừa nhận rằng A-vê-na-ri-út là người "hoàn toàn" duy tâm năm 1876, như ng về sau đã cố "điều hòa" (Ausgleich) học thuyết ấy với "thuyết thực tại ngây thơ" (sách đã dẫn, như trên), tức là với quan điểm duy vật tự phát, không tự giác, của loài người, tức là quan điểm thừa nhận sự tồn tại của thế giới bên ngoài độc lập với ý thức của chúng ta. Ô-xca Ê-van-đơ, tác giả một quyển sách nói về "A-vê-na-ri-út, người sáng lập ra chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán", đã khẳng định rằng triết học này kết hợp với những yếu tố (theo nghĩa thông thường của danh từ này, chứ không phải theo nghĩa mà Ma-khơ đã gán cho nó) trái ngược nhau của chủ nghĩa duy tâm và của "thuyết thực tại" (đáng lẽ phải nói: của chủ nghĩa duy vật). Ví dụ, "một (sự phân tích) tuyệt đối sẽ làm cho thuyết thực tại ngây thơ tồn tại vĩnh viễn, còn một (sự phân tích) tương đối thì sẽ tuyên bố chủ nghĩa duy tâm độc chuyên là vĩnh cửu"9*. Cái mà A-vê-na-ri-út gọi là phân tích tuyệt đối thì tương đương với cái mà Ma-khơ gọi là những mối liên hệ của những "yếu tố" ở ngoài thân thể chúng ta, và cái mà A-vê-na-ri-út gọi là phân tích tương đối thì tương đương với cái mà Ma-khơ gọi là những mối liên hệ của những "yếu tố" phụ thuộc vào thân thể chúng ta. Chúng tôi cho rằng, về mặt này, ý kiến của Vun-tơ là đặc biệt đáng chú ý, bản thân Vun-tơ cũng đứng về quan điểm duy tâm mơ hồ, như phần lớn các tác giả đã nói ở trên, nhưng có lẽ ông ta đã chú ý phân tích chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán hơn ai hết. Đây là nhận xét của P. I-u-skê-vích về điều đó: "Một điều thú vị là Vun-tơ cho chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán là hình thức khoa học nhất của chủ nghĩa duy vật kiểu mới nhất"10*, tức là của cái kiểu chủ nghĩa duy vật coi tinh thần làmột chức năng của các quá trình nhục thể (còn chúng tôi thì chúng tôi cần nói thêm: Vun-tơ coi kiểu chủ nghĩa duy vật ấy là cái trung gian giữa chủ nghĩa Xpi-nô-da và chủ nghĩa duy vật tuyệt đối11*). Ý kiến của V. Vun-tơ quả thật là hết sức thú vị. Như ng ở đây, điều "thú vị" hơn cả là thái độ của ngài I-u-skê-vích đối với các sách và luận văn triết học mà ông ta nói đến. Thật là một ví dụ điển hình tiêu biểu cho thái độ của tất cả những người theo phái Ma-khơ ở nước ta. Anh chàng Pê-tơ-ru-sca trong tiểu thuyết của Gô-gôn đã đọc và lấy làm thú vị rằng những chữ cái bao giờ cũng hợp thành những từ. Ngài I-u-skê-vích đã đọc Vun-tơ và lấy làm "thú vị" rằngVun-tơ đã buộc tội A-vê-na-ri-út là theo chủ nghĩa duy vật. Nếu Vun-tơ lầm thì tại sao không bác bỏ ông ta? Nếu Vun-tơ đúng thì tại sao không giải thích sự đối lập giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán? Ngài I-u-skê-vích cho những lời nói của nhà duy tâm Vun-tơ là "thú vị", nhưng là một người theo phái Ma-khơ nên ông ta cho rằng (ý hẳn là theo nguyên tắc "tiết kiệm tư duy") phân tích vấn đề này chỉ là phí công vô ích... Sự thật là ở chỗ: báo cho độc giả biết rằng Vun-tơ buộc tội A-vê-na-ri-út là đã đi theo chủ nghĩa duy vật, nhưng lại không nói gì đến việc Vun-tơ đã coi những mặt nào đó của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán là chủ nghĩa duy vật, còn những mặt khác là chủ nghĩa duy tâm và đã coi mối quan hệ giữa các mặt đó là giả tạo, - thì như vậy là I-u-skê-vích đã hoàn toàn bóp méo sự thật. Hoặc là nhà quân tử đó hoàn toàn không hiểu một tí gì về những điều ông ta đọc, hoặc là ông ta đã muốn thông qua Vun-tơ mà khen hão mình: các anh xem, ngay các vị giáo sư quan phương cũng coi chúng tôi là những người duy vật, chứ không phải là những kẻ hồ đồ. Luận văn nói trên của Vun-tơ là một quyển sách dày (trên 300 trang) chuyên phân tích rất tỉ mỉ trước hết là trường phái nội tại, và sau đó là trường phái kinh nghiệm phê phán. Vì sao ông Vuntơ lại gắn liền hai trường phái triết học này với nhau? Vì ông ta coi hai trường phái đó là có họ hàng thân thích với nhau và ý kiến này, được Ma-khơ, A-vê-na-ri-út, Pết-txôn-tơ và những người theo thuyết nội tại tán thành, là hoàn toàn đúng, như sau này chúng ta sẽ thấy. Ở phần thứ nhất trong luận văn của ông ta, Vuntơ đã chứng minh rằng những người theo thuyết nội tại đều là những người duy tâm, những người chủ quan chủ nghĩa, những môn đồ của chủ nghĩa tín ngưỡng. Và như sau đây chúng ta sẽ thấy, đó cũng là một ý kiến hoàn toàn đúng, mặc dù ở Vun-tơ, ý kiến đó đã bị làm cho nặng nề thêm bởi cái mớ học vấn uyên bác hão huyền, kiểu giáo sư, và được trình bày với những ý tứ tinh vi và những lời dè dặt không cần thiết, - điều đó cũng dễ hiểu, vì chính Vun-tơ cũng là người duy tâm và đồ đệ của chủ nghĩa tín ngưỡng. Ông ta chỉ trích những người theo thuyết nội tại, không phải vì họ là người duy tâm và là môn đồ của chủ nghĩa tín ngưỡng, mà, theo ông ta, vì họ đã suy luận không đúng những nguyên tắc lớn ấy. Phần thứ hai và phần thứ ba trong luận văn của Vun-tơ chuyên nói về chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán. Và ông ta chỉ ra rất rõ rằng những luận điểm lý luận rất quan trọng của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (tức là cách hiểu "kinh nghiệm" và sự "phối hợp về nguyên tắc"mà sau này chúng tôi sẽ nói đến) đều giống hệt những luận điểm lý luận của những người theo thuyết nội tại (die empiriokritische inĩbereinstimmung mit der immanenten Philosophie annimmt, S. 382, luận văn của Vun-tơ). Những luận điểm lý luận khác của A-vê-na-ri-út đều mượn của chủ nghĩa duy vật, và nói chung chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán là một "mớ hổ lốn" (bunte Mischung, luận văn đã dẫn, S. 57), mà "những bộ phận cấu thành khác nhau của nó hoàn toàn không liên hệ gì với nhau cả" (an sich einander vửllig heterogensind, tr. 56). Vun-tơ lại chủ yếu xếp học thuyết của A-vê-na-ri-út về "chuỗi sinh mệnh độc lập" vào trong số những mẩu vụn duy vật chủ nghĩa của cái mớ hổ lốn chủ nghĩa Ma-khơ - A-vê-na-ri-út. Nếu anh lấy "hệ thống C" làm điểm xuất phát (A-vê-na-ri-út vốn rất sính dùng thuật ngữ mới theo lối uyên bác, nên đã dùng thuật ngữ đó để chỉ khối óc của con người, hay hệ thần kinh nói chung), nếu đối với anh, cái tâm lý là một chức năng của óc thì cái "hệ thống C" ấy - theo như Vun-tơ nói - (luận văn đã dẫn, tr. 64) là một "thực thể siêu hình", và học thuyết của anh là chủ nghĩa duy vật. Cần phải nói rằng nhiều nhà duy tâm và tất cả những người bất khả tri (kể cả những tín đồ của Hium và Can-tơ) đều gọi những người duy vật là những nhà siêu hình, vì theo họ thì thừa nhận thế giới bên ngoài tồn tại độc lập đối với ý thức con người, như thế là vượt quá giới hạn của kinh nghiệm. Chúng ta sẽ lại nói về thuật ngữ ấy ở chỗ cần thiết, và chúng ta sẽ thấy nó hoàn toàn sai, xét theo quan điểm chủ nghĩa Mác. Chúng tôi thiết tưởng rằng điều quan trọng cần nêu ra lúc này là: chính giả thiết về chuỗi "độc lập" của A-vê-na-ri-út (cũng như của Ma-khơ, mặc dù Ma-khơ diễn đạt tư tưởng ấy dưới những từ ngữ khác) là mượn của chủ nghĩa duy vật, điều này những nhà triết học thuộc nhiều phái khác nhau, nghĩa là thuộc nhiều khuynh hướng triết học khác nhau, đều thừa nhận. Nếu anh xuất phát từ chỗ cho rằng tất cả cái gì tồn tại đều là cảm giác, hay các vật thể đều là những phức hợp cảm giác, thì anh không thể nào đi đến kết luận rằng cái vật lý tồn tại độc lập đối với ý thức của chúng ta, và cảm giác là một chức năng của vật chất được tổ chức theo một cách thức nhất định, mà không thủ tiêu tất cả những tiền đề cơ bản của anh, thủ tiêu toàn bộ triết học "của anh". Sở dĩ Ma-khơ và A-vê-na-ri-út kết hợp được trong triết học của họ những tiền đề cơ bản của chủ nghĩa duy tâm với một số kết luận duy vật nào đó, thì đó chính là vì lý luận của họ là một điển hình về cái mà Ăng-ghen gọi là "món cháo chiết trung nhạt nhẽo" với một thái độ khinh bỉ đích đáng12*. Chủ nghĩa chiết trung ấy biểu lộ rất rõ rệt trong tác phẩm triết học mới đây nhất của Ma-khơ "Nhận thức và sai lầm" (xuất bản lần thứ 2, 1906). Trong đó như chúng ta đã thấy, Ma-khơ tuyên bố: "dùng những cảm giác, tức là những yếu tố tâm lý, để xây dựng bất cứ một yếu tố vật lý nào thì không có gì khó khăn cả". Cũng trong sách đó, chúng ta còn đọc thấy: "Các quan hệ phụ thuộc ở ngoài U (= Umgrenzung, tức là "giới hạn không gian của thân thể chúng ta", Seite 8) là vật lý học theo nghĩa rộng nhất" (S. 323, § 4). "Để có được các quan hệ ấy trong trạng thái thuần tuý (rein erhalten) cần phải cố gắng gạt bỏ ảnh hưởng của người quan sát, tức là ảnh hưởng của những yếu tố ở bên trong U" (như trên). Cừ thật, cừ thật. Lúc đầu, con chim sẻ rừng hứa đốt cháy biển cả, nghĩa là dùng những yếu tố tâm lý để xây dựng những yếu tố vật lý, thế nhưng về sau lại hóa ra là các yếu tố vật lý nằm ở ngoài giới hạn của các yếu tố tâm lý, và những yếu tố tâm lý này lại "nằm trong thân thể của chúng ta"! Một triết học tuyệt diệu hết chỗ nói! Một ví dụ khác nữa: "Thể khí hoàn toàn (thể khí lý tưởng, vollkommenes), thể lỏng hoàn toàn, vật thể đàn hồi hoàn toàn, đều không tồn tại; nhà vật lý học biết rằng những giả tượng của mình chỉ gần đúng với sự thật, rằng những giả tượng ấy đã đơn giản hóa sự thật một cách tuỳ tiện; nhà vật lý học biết sự cách biệt ấy là không thể tránh được" (S. 418, § 30). Đây là nói sự cách biệt (Abweichung) nào? Sự cách biệt của cái gì với cái gì? Đó là sự cách biệt giữa tư tưởng (lý luận vật lý học) với sự thật. Vậy tư tưởng, ý niệm là gì? Ý niệm là "dấu vết của cảm giác" (S.9). Còn sự thật là gì? Sự thật là những "phức hợp cảm giác"; vậy, sự cách biệt giữa dấu vết của cảm giác và những phức hợp cảm giác, là điều không thể tránh được. Như thế có nghĩa là gì? Có nghĩa là Ma-khơ đã quên hẳn lý luận của chính mình và khi nói về những vấn đề vật lý học, đã suy luận một cách đơn giản, không có những cái tinh vi duy tâm chủ nghĩa, tức là ông ta suy luận như một nhà duy vật. Lúc bấy giờ, tất cả những "phức hợp cảm giác" và tất cả những điều tinh vi theo kiểu Béc-cli đều tiêu tan hết. Lý luận của các nhà vật lý học trở thành sự phản ánh của những vật thể, của thể lỏng và thể khí tồn tại ở ngoài chúng ta, tồn tại độc lập đối với chúng ta, và sự phản ánh đó dĩ nhiên là gần đúng, nhưng nếu coi sự phản ánh gần đúng ấy hay sự giản đơn hóa ấy là "tuỳ tiện" thì không đúng. Trên thực tế, ở đây, Ma-khơ đã xem xét cảm giác đúng như toàn bộ khoa học tự nhiên đã xem xét, khi chưa bị bọn môn đồ của Béc-cli và Hi-um "gột rửa", tức là xem xét như là hình ảnh của thế giới bên ngoài. Lý luận riêng của Ma-khơ là một thứ chủ nghĩa duy tâm chủ quan, nhưng khi cần phải có tính khách quan thì ông ta lại không chút ngượng ngùng đem vào trong lý luận của ông những tiền đề của nhận thức luận đối lập, tức là của nhận thức luận duy vật. Ê-đu-a Hác-tman, một nhà duy tâm triệt để, phản động triệt để về triết học, một người có cảm tình với sự đấu tranh của chủ nghĩa Ma-khơ chống chủ nghĩa duy vật, đã tiến rất gần đến chân lý khi ông ta nói rằng lập trường triết học của Ma-khơ là "một mớ hỗn tạp (Nichtunterscheidung) gồm thuyết thực tại ngây thơ và chủ nghĩa ảo tưởng tuyệt đối"13*. Thật đúng như vậy. Cái học thuyết cho rằng vật thể là những phức hợp cảm giác, v.v., - là một chủ nghĩa ảo tưởng tuyệt đối, tức là một chủ nghĩa duy ngã, vì theo quan điểm ấy, toàn bộ vũ trụ chỉ là ảo tưởng của tôi mà thôi. Còn nghị luận của Ma-khơ mà chúng ta vừa nêu ra ở trên, cũng như rất nhiều mẩu nghị luận khác của ông ta, là thuộc về cái mà người ta gọi là "thuyết thực tại ngây thơ", tức là nhận thức luận duy vật mượn của các nhà khoa học tự nhiên một cách không tự giác, một cách tự phát. A-vê-na-ri-út và những giáo sư theo gót ông ta, đều tìm cách dùng lý luận về sự "phối hợp về nguyên tắc" để che đậy cái mớ hỗn tạp đó. Lát nữa, chúng ta sẽ phân tích lý luận ấy, nhưng bây giờ, chúng ta hãy kết thúc vấn đề buộc tội A-vê-na-ri-út là theo chủ nghĩa duy vật đã. Ngài I-u-skê-vích cho ý kiến của Vun-tơ mà ông ta không hiểu được, là thú vị, nhưng bản thân ông ta lại không thấy hứng thú để tìm hiểu, hoặc không thèm nói cho độc giả biết về thái độ của những môn đồ và những người kế tục trực tiếp của A-vê-na-ri-út đã phản ứng trước lời buộc tội ấy như thế nào. Thế nhưng điều đó lại rất cần thiết để làm sáng tỏ vấn đề, nếu chúng ta quan tâm đến thái độ của triết học Mác, tức là của chủ nghĩa duy vật, đối với triết học của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán. Sau nữa, nếu học thuyết của Makhơ lẫn lộn và trộn lẫn chủ nghĩa duy vật với chủ nghĩa duy tâm thì vấn đề quan trọng là xét xem trào lưu tư tưởng ấy hướng, - nếu có thể nói được như vậy, - về đâu, khi các nhà duy tâm chính thống đã bắt đầu vứt bỏ trào lưu ấy vì nó đã nhượng bộ chủ nghĩa duy vật. Tiện thể nói thêm rằng I. Pết-txôn-tơ và Ph. Các-xta-nien, hai người trong số những môn đồ thuần tuý nhất và chính thống nhất của A-vê-na-ri-út, đã trả lời Vun-tơ. Khi phản đối, với một thái độ phẫn nộ kiêu hãnh, lời buộc tội A-vê-na-ri-út là theo chủ nghĩa duy vật, - lời buộc tội làm cho vị giáo sư Đức mất cả thanh danh - Pết-txôn-tơ đã dẫn chứng... các bạn thử nghĩ xem dẫn chứng gì?... dẫn chứng "Tự luận" của A-vê-na-ri-út, trong đó khái niệm thực thể hình như cũng đã bị thủ tiêu! Thật là một thứ lý luận thuận tiện, vì nó có thể dung nạp những tác phẩm thuần tuý duy tâm, lẫn những tiền đề duy vật được thừa nhận một cách tuỳ tiện! Pết-txôn-tơ viết: đương nhiên, "Phê phán kinh nghiệm thuần tuý" của A-vê-na-ri-út không mâu thuẫn với học thuyết ấy, nghĩa là với chủ nghĩa duy vật, nhưng nó cũng không mâu thuẫn gì mấy với học thuyết duy linh hoàn toàn trái ngược lại14*. Biện hộ cừ thật! Ăng-ghen gọi chính cái đó là món cháo chiết trung nhạt nhẽo. Bô-gđa-nốp không chịu nhận mình là người theo phái Ma-khơ, mà lại muốn được người ta thừa nhận ông ta là người mác-xít (về triết học), cũng đã theo gót Pếttxôn-tơ. Theo ông ta, "chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán... không có liên quan gì đến chủ nghĩa duy vật, cũng như đến chủ nghĩa duy linh hay đến bất cứ một thuyết siêu hình nào nói chung"15* và "chân lý... không ở "thái độ trung dung" giữa những khuynh hướng đối chọi nhau" (chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy linh), "mà ở ngoài cả hai"16*. Nhưng thực ra cái mà Bô-gđa-nốp cho là chân lý, thì chỉ là sự hồ đồ, sự dao động giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm mà thôi. Trả lời Vun-tơ, Các-xta-nien đã viết rằng ông ta hoàn toàn gạt bỏ "mọi sự du nhập lén lút (Unterschiebung) nhân tố duy vật" "hoàn toàn xa lạ với sự phê phán kinh nghiệm thuần tuý"17*. "Chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán là chủ nghĩa hoài nghi κατ' έξoχήν (chủ yếu) đối với nội dung của các khái niệm". Trong xu hướng muốn cường điệu tính trung lập của học thuyết Ma-khơ, có một chút chân lý: những điểm Ma-khơ và A-vê-na-ri-út sửa chữa chủ nghĩa duy tâm nguyên thuỷ của họ hoàn toàn chỉ là những sự nhượng bộ nửa chừng đối với chủ nghĩa duy vật. Thay thế cho quan điểm triệt để của Béc-cli: thế giới bên ngoài chỉ là cảm giác của tôi, thì đôi khi lại là quan điểm của Hi-um: tôi gạt bỏ vấn đề xét xem có cái gì tồntại ở đằng sau cảm giác của tôi không. Và quan điểm bất khả tri ấy nhất định bắt buộc phải ngả nghiêng giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm.
1* Friedrich W. Adler. "Die Entdeckung der Weltelemente (Zu E. Machs 70. Geburtstag)", "Der Kampf", 1908, N 5 (Februar). Dịch đăng trên tờ "The International Socialist Review"26 , 1908, N 10 (April) . Một bài của Át-lơ được dịch ra tiếng Nga trong tập "Chủ nghĩa duy vật lịch sử". 2* Trong quyển "Phân tích các cảm giác", Ma-khơ đã nói: "Yếu tố thường thường được gọi là cảm giác. Cách gọi đó dùng để chỉ một thứ lý luận có tính chất phiến diện đã được xác định hẳn hoi, cho nên chúng tôi chỉ muốn nói vắn tắt về những yếu tố" (tr. 27 - 28). 3* "Sự đối lập giữa cáiTôi và thế giới, giữa cảm giác hay hiện tượng và vật, thì không còn nữa, và tất cả mọi cái chung quy đều chỉ là sự kết hợp các yếu tố" ("Phân tích các cảm giác", tr. 21) 4* Joseph Petzoldt. "Einfỹhrung in die Philosophie der reinen Erfahrung", Bd. I, Leipz., 1900, S. 113 : "Người ta gọi cảm giác theo nghĩa thông thường của tri giác" (Wahrnehmungen) "đơn giản và không thể phân chia được, là yếu tố". 5* V. Lê-xê-vích. "Triết học khoa học" (các bạn nên hiểu đó là triết học hợp thời, triết học nhà trường, chiết trung) "là gì?", Xanh Pê-téc-bua, 1891, tr. 229 và 247. 6* Pết-txôn-tơ. Bd. 2, Lpz., 1904, S. 329 . 7* R. Avenarius. "Bemerkungen zum Begriff des Gegenstandes der Psychologie" đăng trên "Vierteljahrsschrift für wissenschaftliche Philosophie" , Bd. XVIII (1894) và XIX (1895) 8* "Những yếu tố cơ bản của quan điểm lịch sử về tự nhiên", tr. 216. Tham khảo các đoạn trích dẫn ở trên. 9* Oskar Ewald. "Richard Avenarius als Begrỹnder des Empiriokritizismus",Brl., 1905, S. 66. 10* P. I-u-skê-vích. "Chủ nghĩa duy vật và thuyết thực tại phê phán", Xanh Pê-téc-bua, 1908, tr. 15. 11* W. Wundt." ĩber naiven und kritischen Realismus" đăng trên "Philosophische Studien", Bd. XIII, 1897, S. 334. / V. Vun-tơ. "Thuyết thực tại ngây thơ và thuyết thực tại phê phán" đăng trên "Nghiên cứu triết học", t. XIII, 1897, tr. 334. 12* Lời tựa quyển "Lút-vích Phơ-bách", viết vào tháng Hai 1888. Những từ đó của Ăng-ghen làchỉ triết học giảng đường Đức nói chung. Phái Ma-khơ muốn là những người mác-xít nhưng lại không có khả năng hiểu sâu đ−ợc nội dung và ý nghĩa của tư tưởng đó của Ăng-ghen, đôi khi họ lại lẩn tránh bằng câu thanh minh đáng thương này: "Ăng-ghen vẫn chưa biết đến Ma-khơ" (Phrít-xơ Át-lơ trong quyển "Chủ nghĩa duy vật lịch sử",tr. 370). Ý kiến đó căn cứ vào đâu? Căn cứ vào việc Ăng-ghen không dẫn chứng Ma-khơ và A-vê-na-ri-út chăng? Ý kiến đó chẳng có căn cứ nào khác, và căn cứ đó thật là vô dụng, vì Ăng-ghen đã không nhắc đến tên của bất cứ tác giả chiết trung nào cả. Còn về A-vê-na-ri-út, người đã xuất bản từ 1876 một tạp chí triết học "khoa học" hàng quý, thì vị tất là Ăng-ghen lại không biết đến. 13* Eduard von Hartmann."Die Weltanschauung der modernen Physik", Lpz. 1902, S. 219 / Ê-đu-a phôn Hác-tman. "Thế giới quan của vật lý học hiện đại", Laipxích, 1902, tr. 219. 14* Petzoldt. "Einfỹhrung in die Philosophie der reinen Erfahung", Bd. I, S. 351, 352. 15* "Thuyết kinh nghiệm nhất nguyên", q.I, xuất bản lần thứ hai, tr. 21. 16* Như trên, tr. 93. 17* Fr. Castanjen. "Der Empiriokritizismus,zugleich eine Erwiderung auf W. Wundt's Aufsọtze", "Vierteljahrschrift für wissenschaftliche Philosophie", Jahrg. 22 (1898), SS. 73 và 213. / Ph. Các-xta-nien. "Chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, đồng thời là sự đáp lại luận văn của V. Vun-tơ", "Tạp chí triết học khoa học hàng quý", xuất bản năm thứ 22 (1898), tr. 73 và 213. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC