Nhận thức luận | Khoa học luận

Thành duy thức luận - 12. Dựa mười lăm y xứ lập mười nhân

THÀNH DUY THỨC LUẬN

SỐ 1585
 

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Thiện Siêu

 

 

XII. DỰA MƯỜI LĂM Y XỨ LẬP MƯỜI NHÂN

 

Bốn duyên như vậy, vì dựa vào 15 chỗ nghĩa có sai khác mà lập thành 10 nhân.

Dựa 15 chỗ lập 10 nhân như thế nào?

1. Ngữ y xứ – Nghĩa là các ngôn ngữ được khởi lên lấy pháp, danh và tưởng làm tự tánh (hay chỗ dựa). Chính dựa nơi ngôn ngữ đó mà lập ra Tùy thuyết nhân. Nghĩa là dựa pháp, danh, tưởng này, rồi tùy chỗ thấy, nghe, hay, biết mà nói ra các nghĩa. Ðây chính là năng thuyết (ngôn ngữ) làm nhân cho sở thuyết (các nghĩa).

Có luận cho tùy thuyết nhân lấy danh, tưởng và kiến làm chỗ dựa. Bởi do đúng như danh tự (danh) mà thủ lấy tướng đó (tưởng), chấp trước tướng đó (kiến) rồi tùy theo đó khởi lên ngôn thuyết. Nếu y theo Tập luận kia, thì hiển thị danh, tưởng, kiến là nhân của ngôn ngữ; gọi là Ngữ y xứ.

2. Lãnh thọ y xứ – Nghĩa là xem xét sự đối đãi có tính năng thọ, sở thọ. Chính y vào đó mà lập ra Quán đãi nhân. Nghĩa là xem sự chờ đợi đối đãi cái này làm cho cái kia hoặc sanh, hoặc trụ, hoặc thành, hoặc đắc như thế nào, cái này là quán đãi nhân của cái kia.

3. Tập khí y xứ – Nghĩa là các chủng tử trong nội thức và chủng tử ngoài cảnh, khi ở giai đọan chưa thành thục. Chính dựa chỗ đó mà lập ra Khiên dẫn nhân. Tức chính chủng tử chưa thành thục, nó có thể kéo dẫn đến tự quả xa về sau, nên gọi Khiên dẫn nhân.

4. Hữu nhuận chủng tử y xứ – Nghĩa là chủng tử trong thân hoặc ngoài thân khi ở giai đọan đã thành thục. Chính dựa chỗ đó mà lập ra Sanh khởi nhân, nghĩa là chủng tử đã thành thục nó có thể sanh ra tự quả gần của nó.

5. Vô gián diệt y xứ – Tức Ðẳng vô gián duyên của Tâm, Tâm sở.

6. Cảnh giới y xứ – Tức Sở duyên duyên của Tâm, Tâm sở.

7. Căn y xứ – Tức sáu căn là chỗ nương của Tâm, Tâm sở.

8. Tác dụng y xứ – Tức là những tác dụng của nghiệp (như việc đốn cây) và tác cụ (như búa có tác dụng đốn cây). Trừ chủng tử, tất cả trợ duyên hiện tại, đều là Tác dụng y xứ này.

9. Sĩ dụng y xứ – Tức là những tác dụng của tác giả đối với sự việc đã làm. Trừ chủng tử, tất cả trợ duyên hiện tại đều là Sĩ dụng y xứ này.

10 Chơn thật kiến y xứ – Tức là vô lậu kiến. Trừ việc dẫn sanh tự chủng, tất cả  khả năng khác giúp dẫn đến chứng đạt vô lậu pháp, đều thuộc y xứ này.

Dựa chung cả sáu thứ y xứ từ thứ năm đến thứ mười trên ấy, mà lập ra Nhiếp thọ thân. Nghĩa là nhiếp thọ năm thứ thì thành hữu lậu, nhiếp thọ đủ cả sáu thứ thì thành vô lậu pháp.

11. Tùy thuận y xứ – Tức là các hành vô ký, thiện, nhiễm hoặc là chủng tử, hoặc là hiện hành đều có  khả năng tùy thuận dẫn phát ra các pháp đồng loại thù thắng hơn trước. Chính dựa vào chỗ đó mà lập ra Dẫn phát nhân.Nghĩa là nó có thể dẫn khởi lên các thắng hạnh đồng loại và dẫn đạt đến pháp vô vi.

12. Sai biệt công năng y xứ – Tức là các pháp sắc tâm hữu vi mỗi mỗi đối với tự quả của nó có thế lực có thể khởi lên tự quả và sự chứng ngộ sai khác không lộn xộn. Chính dựa vào chỗ đó mà lập ra Ðịnh dị nhân. Tức nó  khả năng sanh ra các quả ở tự cõi mình và có  khả năng chứng được quả vị của Thừa giáo mình.

13. Chướng ngại y xứ – Tức là có thể chướng ngại đối với sự sanh, trụ, thành, đắc. Chính dựa vào chỗ đó mà lập ra Tương vi nhân. Nghĩa là nó có thể làm trái nghịch các sự sanh, trụ, thành, đắc.

14. Bất chướng ngại y xứ – Tức là không làm chướng ngại đối với sự sanh, trụ, thành, đắc.Chính dựa vào chỗ đó mà lập ra Bất tương vi nhân. Nghĩa là nó không làm trái nghịch các sự sanh, trụ, thành, đắc.

Mười nhân như thế, nhiếp vào 2 nhân là năng sanh và Phương tiện.

Như Bồ tát địa trong luận Du già nói: “Chủng tử khiên dẫn, chủng tử sanh khởi gọi chung là Năng sanh nhân. Các nhân còn lại gọi chung là Phương tiện nhân”. Còn ở đây thì nói rằng các chủng tử nhân duyên thuộc trong sáu nhân là Khiên dẫn, Sanh khởi, Dẫn phát, Ðịnh dị, Ðồng sự, Bất tương vi. Khi còn ở giai đoạn chưa thành thục, thì không gọi là chủng tử nhân duyên mà gọi là chủng tử Khiên dẫn; còn khi nó ở giai đoạn đã thành thục thì gọi là chủng tử Sanh khởi. Vì các chủng tử nhân duyên trong sáu nhân đều nhiếp thuộc vào hai giai đoạn chưa thành thục và đã thành thục này. Tuy có hiện hành sanh chủng tử, nhưng đó là Năng sanh nhân chứ không phải là nhân duyên chủng tử. Cũng như trong 4 nhân Khiên dẫn v.v… tuy có sanh ra chủng tử, nhưng vì nó hay gián đoạn cho nên tóm lưọc mà không nói hiện hành sanh chủng tử là nhân duyên.

Hoặc trực tiếp sanh ra quả cũng lập tên là chủng tử. Như nói hiện hành giống lúa sanh ra cây lúa cũng gọi là chủng tử. Các nhân còn lại là, nhân thứ hai là Quán đãi; thứ năm là Nhiếp thọ; thứ chín là Tương vi; cùng những pháp không phải là nhân duyên của trong sáu nhân trước đó, tất cả đều là chủng tử nhân duyên còn lại của trong hai giai đọạn chưa nhuận sanh và đã nhuận thục, cho nên nói chung là Phương tiện nhân. Không phải ở Bồ tát địa, hai thứ Khiên dẫn và Sanh khởi chỉ toàn thuộc vào hai nhân Khiên dẫn và Sanh khởi của trong mười nhân là nhân duyên, mà trong bốn nhân Dẫn phát, Ðịnh dị, Ðồng sự, Bất tương vi cũng có chủng tử nhân duyên. Không phải chỉ có tám thứ nói kia gọi là những nhân còn lại, vì trong hai nhân là Khiên dẫn và Sanh khởi kia cũng có một phần không phải là chủng tử nhân duyên.

Ở địa vị còn có Tầm có Tứ thì nói sanh khởi nhân là Năng sanh nhân, ngoài ra là Phương tiện nhân. Văn này có ý nói trong sáu nhân là Khiên dẫn v.v… hoặc hiện hành hoặc chủng tử là nhân duyên, thì chúng đều được gọi là Sanh khởi nhân, vì có thể trực tiếp sanh ra quả cùng loại với mình. Các nhân khác còn lại đều nhiếp về Phương tiện nhân, chứ không phải Sanh khởi nhân ở Tầm, Tứ địa này chỉ thuộc và Sanh khởi nhân trong mười nhân kia. Vì trong năm nhân còn lại là Khiên dẫn, Dẫn phát v.v… cũng có tánh nhân duyên. Không phải trừ Sanh khởi nhân, còn chín nhân kia mà gọi là các nhân khác còn lại, vì trong Sanh khởi nhân vẫn có phần không phải là nhân duyên.

Hoặc theo Bồ tát địa trong luận Du già đã nói: “Chủng tử Khiên dẫn và Sanh khởi là Khiên dẫn nhân và Sanh khởi nhân trong mười nhân kia”, còn tám nhân kia của trong mười nhân gọi là nhân còn lại. Tuy bên trong hai nhân Khiên dẫn và Sanh khởi có phần không phải Năng sanh nhân, nhưng vì nó có chủng tử nhân duyên rõ rệt hơn cả cho nên nói riêng nó là Năng sanh nhân. Và tuy trong các nhân khác có phần không phải là Phương tiện nhân nhưng vì nó có sức tăng thượng nhiều và rõ rệt hơn cả cho nên nói riêng nó là Phương tiện nhân.

Ở trong địa vị có Tầm, có Tứ thì nói Sanh khởi nhân là Năng sanh nhân, các nhân khác còn lại thì gọi là Phương tiện nhân. Sanh khởi chính là Sanh khởi nhân kia, các nhân khác tức là chín nhân còn lại kia.

Trong Sanh khởi nhân có phần không phải chủng tử nhân duyên, nhưng vì nó đối với quả được sanh là rất gần và rõ rệt hơn cả, cho nên nói riêng nó là chủng tử nhân duyên.

Tuy trong Khiên dẫn nhân có phần chủng tử nhân duyên, nhưng vì nó đối với quả được sanh ra cách xa và ẩn kín hơn cả, cho nên không nói nó là nhân duyên. Ngoài ra những nhân nhiếp về Phương tiện nhân, chiếu theo trên đây mà biết.

 


Nguồn: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, T107, DGL - Thành duy thức luận 12. | Bản chữ Hán: Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh, Quyển 8.


 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt