LUẬN THÀNH DUY THỨC
ĐƯỜNG HUYỀN TRANG dịch
TỰA
– Muôn sự muôn vật từ đâu đến và sẽ đi về đâu ? – Muôn sự muôn vật là gì mà lại từ đâu đến rồi sẽ đi về đâu ? – Kia sông nọ núi, đây người đó vật, kìa nhà kìa xe v.v… đó không phải là muôn sự muôn vật sao ? – Đâu phải. Hãy theo dõi cuộc đàm đạo giữa vua Di-lan-đà và Tỳ-kheo Na-tiên thử xem (vua Di-lan-đà người góc Hy Lạp, một bộ tướng của Á-lịch-sơn đại (Alexander 356-323 trước Tây lịch), cai trị vùng Tây Bắc Ấn tại thượng lưu Ngũ Hà, khoảng giữa thế kỷ thứ hai, ba trước Tây lịch). Một hôm vua đến chùa San-khê-đa (Sankheyya) thăm, gặp Tỳ-kheo Na-tiên, tọa chủ chùa này. Vua hỏi : – Bạch Đại đức, quý danh là gì ? – Người ta gọi bần Tăng là Na-tiên. Các pháp hữu của bần Tăng cũng gọi bần Tăng là Na-tiên. Nhưng đó là tên suông, đặt ra để phân biệt người nọ với người kia mà thôi, chứ trong cái tên đó không hề có cái “ta” hay cái “của ta”. Vua ngạc nhiên liền phân bua với người chung quanh : – Các vị hãy ghi nhớ lời của Đại đức Na-tiên vừa nói. Ngài nói không có cái ta trong cái tên Na-tiên, có tin được chăng ? Phân bua xong, vua hỏi tiếp : – Bạch Đại đức, nếu không có cái “ta” trong đó thì khi thí chủ cúng dường y bát, vật thực v.v… ai thâu nhận ? Ai bảo tồn luân lý, đạo nghĩa ? Ai tham Thiền nhập định ? Ai hành đạo nhập Niết-bàn ? Ai giữ giới ? Ai phạm giới ? Ai tạo nghiệp ? Ai chịu quả ? Nếu có kẻ giết Đại đức cũng không phạm tội sát sanh ư ? v.v… Trẫm chưa rõ, mong Đại đức giải cho. Thưa Đại đức, đã nghe rõ chưa ? – Tâu Đại vương, đã nghe rõ. – Người nghe đó không phải là Na-tiên sao ? Vua hỏi. – Không phải. Na-tiên đáp. – Thế thì ai là Na-tiên ? Tóc trên đầu ngài đó không phải là Na-tiên ? – Không phải. – Mặt, mày, da, thịt ngài đó không phải là Na-tiên ? – Không phải. – Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý ngài đó không phải là Na-tiên ? – Không phải. – Tất cả các thứ ấy gom lại không phải là Na-tiên ? – Không phải. – Hay ngoài các thứ đó là Na-tiên ? – Không phải. – Thế sao đoạn trước Đại đức bảo với Trẫm rằng người ta gọi Đại đức là Na-tiên, như thế là Đại đức đã nói dối ? Đại đức Na-tiên chậm rãi tâu lại : – Tâu Đại vương! Chẳng hay Đại vương đến đây bằng đi bộ hay bằng xe? – Trẫm đến bằng xe, chỉ khi tiến vào đây, trẫm mới đi bộ. Nghe xong Đại đức Na-tiên liền phân bua với người xung quanh, xin các vị nhớ cho, Bệ hạ nói Bệ hạ đến đây bằng xe, có thể tin được không? Phân bua xong, Đại đức Na-tiên hỏi tiếp: – Tâu Đại vương, Đại vương bảo rằng ngài ngự đến bằng xe, đó là ngài nói thật chứ ? – Trẫm nói thật. – Vậy xin cho bần Tăng biết rõ xe của Bệ hạ. – Gọng có phải là xe không ? – Không phải. – Trục có phải là xe không ? – Không phải. – Bánh có phải là xe không ? – Không phải. – Căm, thùng, ách, dây cầm, có phải là xe không ? – Không phải. – Hay các thứ ấy gom lại là xe chăng ? – Không phải. – Hay ngoài các thứ ấy, còn có một thứ đặc biệt không dính gì các thứ ấy, gọi là xe ? – Không phải. Đại đức dừng giây lát rồi tâu : – Nãy giờ bần Tăng đã gạn hỏi tường tận các thứ, Bệ hạ đều trả lời là không phải xe. Như vậy sao vừa rồi Đại vương nói với bần Tăng là Đại vương đến bằng xe. Điều đó tưởng đáng ngờ vực lắm ! Xin quý vị chung quanh hãy làm chứng cho. Qua câu chuyện đàm đạo thâm thúy, sống động thú vị đó, đủ để thấy rằng Na-tiên chỉ là tên suông, chứ không có Na-tiên thật ; xe cũng chỉ là cái tên suông, chứ không có xe thật. Na-tiên như vậy, xe như vậy, thì núi, sông, cây, cỏ, người và vật cũng đều như thế. Chúng đều là giả tướng hiện hữu giữa các mối tương quan tương duyên, chứ không thật có. Đã không thật có thì còn có lý gì để hỏi, nó có từ đâu và sẽ đi về đâu, có từ bao giờ, và bao giờ tiêu mất. Ai lại ngớ ngẩn đi tìm cho ra một Na-tiên không thật, một chiếc xe không thật, coi thử có từ đâu và đi về đâu? Thế nhưng tại sao ta vẫn thấy xe, thấy nguời, vẫn thấy có mọi sự tác dụng? Đó là do thức biến. Các duyên hợp lại là các duyên hợp lại chứ sao lại thành xe, thành người, thành núi, sông, cây cỏ, thành cực vi, v.v.? Các duyên không phải xe, cớ sao hợp lại, lại thành xe; các duyên không phải người, cớ sao hợp lại thành người? Những cái không phải xe hợp lại thành xe, những cái không phải người hợp lại thành người. Vậy các hòn đá hợp lại sao không thành cơm? Vả lại khi những thứ không phải xe hợp lại, sao không gọi đó là phi xe mà lại gọi là xe ? Những thứ không phải người hợp lại, sao không gọi đó là phi người mà lại gọi là người ? Dù nói thị hay nói phi đều không đúng. Vì có thị xe mới có phi xe, có thị người mới có phi người, chứ thị xe tìm đã không thấy, thì làm sao có phi xe, thị người tìm đã không ra thì làm sao có phi người ? Vậy thị hay phi đều do thức biến. Na-tiên là thức biến, xe là thức biến, núi, sông, người, vật v.v… là thức biến. Lìa ngoài thức thì không một tướng gì hiện hữu, cho nên Kinh nói : “Vạn pháp duy thức” ; và đã là thức biến, thì Na-tiên chỉ là thức, xe chỉ là thức, núi, sông, người, vật chỉ là thức. Tất cả đều chỉ là thức. Đều chỉ là thức thì bình đẳng dung thông, không trong không ngoài, không xưa không nay, không lớn không nhỏ v.v… Như cổ đức nói : “Vô biên sát hải tự tha bất cách ư mao đoan, thập thế cổ kim thủy chung bất ly ư đương niệm” (muôn vàn thế giới cùng ở trên đầu mãy lông, ức kiếp xưa nay không lìa ngoài một niệm). Nhưng thức biến có hai cách : 1. Nhân duyên biến – có đủ nhân duyên mới hiện hữu, như sợi dây hiện hữu được do có duyên gai kết hợp lại, có tướng, có dụng, chứ không phải như lông rùa, sừng thỏ. Mọi hiện hữu trong thế gian cũng vậy, do thức phân biệt danh tướng, sắc, tâm, huân tập vào Tạng thức nhiều đời nhiều kiếp thành chủng tử (tập khí, thói quen), cố hữu, nên khi thức móng khởi thì liền hiện ra đủ các tướng đúng như khi được huân tập vào Tạng thức, và trong đó tự phân biệt ra Kiến phần có năng lực nhận biết và Tướng phần là đối tượng của nhận biết. Kiến, Tướng phần như vậy là nhân duyên biến. Ở đây, tất cả chỉ có thấy và bị thấy, biết và bị biết, chứ không gì khác. Không có gì là núi, sông, người, vật. Đó là nhân duyên biến. 2. Phân biệt biến – tức những điều do vọng tình phân biệt biến ra, hoàn toàn chủ quan ảo tưởng, như đi đạp nhằm sợi dây tưởng lầm là con rắn, hoặc như người bị bệnh cuồng loạn thấy cảnh giới thay đổi khác với ngày thường. Cũng như thế, Kiến phần biết và Tướng phần bị biết nói trên không phải là ngã và pháp người và vật, nhưng tâm phàm phu phân biệt sai lầm cho đó là ngã và pháp, là người và vật. Nếu tướng ngã pháp này được huân tập mãi vào Tạng thức thành chủng tử có sẵn, thì khi thức móng khởi lên liền thấy ngã pháp. Những gì do phân biệt biến thì dễ thay đổi, loại bỏ, những gì nhân duyên biến thì khó thay đổi loại bỏ. Và những gì do tâm thức riêng của mỗi người biến ra, gọi là biệt biến, thì dễ thay đổi ; còn những gì do nhiều tâm thức của nhiều hữu tình chung biến ra, gọi là cọng biến, thì khó thay đổi. Tất cả mọi tướng mà ta gọi là hiện hữu, đều là tướng hiện hữu của thức theo hai cách đó biến ra. Đó là Duy thức biến. Nói Duy thức biến cũng đồng nghĩa với nói “y thức biến”. Như câu tụng thứ ba trong Luận này nói : “Bỉ y thức sở biến”, tức các pháp kia nương thức biến ra, hay nương thức khởi lên. Hết thảy không tự hiện hữu mà chỉ hiện hữu giữa các mối quan hệ, giữa các duyên, theo Tánh Không thì gọi đó là Duyên khởi hay Duyên sanh, theo pháp Tướng Duy Thức tông thì gọi đó là “y tha khởi”. Duy thức biến, y thức biến cũng tức y thức khởi. Nói y tha là nương cái khác, cái khác là phiếm chỉ, còn nói y thức là chỉ đó tức là thức, chỉ định cụ thể. Thức là một trong những cái duyên cho các hiện hữu ; nhưng thức là cái duyên đặc biệt, rõ rệt bao quát hơn cả ; cho nên, ở đây không nói y tha khởi chung chung mà nói thẳng “y thức biến, y thức khởi”, hay “A-lại-gia duyên khởi”. Nói y thức biến còn có tác dụng đặc biệt là đối trị cái bệnh vọng ngoại tha hóa, để xoay nhìn lại mình, thấy lại mình vốn là chủ nhân ông của mọi hiện hữu, như thấy lại bản lai diện mục. Từ đó chuyển bỏ dần lối thấy biết sai làm gây đau khổ, thành cái trí tuệ Bát-nhã, trí Đại viên cảnh, xây dựng cảnh giới an vui tự tại. Đạo lý Duy tâm, Duy thức này được nói nhiều trong các kinh. Vì đạo Phật là đạo chú trọng chữ tâm, lấy tâm truyền tâm, tâm là gốc của mê ngộ, như kinh Pháp Cú nói : “Tâm là chủ, tâm dẫn đầu các pháp, tâm tạo tác, nói hay làm với tâm ô nhiễm thì sự khổ sẽ kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo…”Hoặc như Kinh Hoa Nghiêm nói : “Nhất thiết duy tâm tạo”. Kinh Lăng Già nói : “Do tự tâm chấp trước ; tâm hiện tợ cảnh bên ngoài, cảnh được thấy đó chẳng phải có thật ; thế nên nói duy tâm”. Kinh Giải Thâm Mật nói : “Cảnh sở duyên của các thức, đều do các thức hiện” và biết bao chữ tâm, chữ thức, như chữ thức duyên danh sắc, A-lại-da, thức thực v.v… tham, sân, si, nhãn thức, nhĩ thức v.v… trong các Kinh đều được diễn tả như là nguồn gốc của mọi sự mọi vật. Các Bộ phái Phật giáo khai triển và hệ thống hóa các thứ tâm ấy, rõ nét nhất là phái Hữu bộ hệ thống hóa thành 75 pháp, trong đó tâm là chủ yếu. Đến Du-già Sư Địa Luận hệ thống hóa thành 200 pháp, đến Duy thức tông thì rút lại còn 100 pháp, gôm vào 5 vị, trong đó Tâm thức là chủ. Năm vị 100 pháp là : 1. Sắc là tướng của thức nhận biết, ngoài thức thì không có tướng sắc. 2. Tâm vương là tự thể của thức. 3. Tâm sở là quyến thuộc, sở thuộc của thức. 4. Bất tương ưng hành là cái bóng của Sắc, Tâm, Tâm sở hợp lại. 5. Vô vi pháp là thực tánh của thức. 100 pháp đều là thức, liên hệ với thức mới có được. Có người ngờ rằng : sông kia núi nọ khi ta chưa sanh nó đã có, khi ta chết rồi nó vẫn còn, thế sao gọi là thức biến ? Hoặc như chiếc máy vi tính, khi khoa học chưa chế ra thì không ai biết, khi khoa học chế ra rồi người ta mới biết, thế sao gọi là thức biến ? Đâu biết rằng sông kia núi nọ khi ta chưa sanh nó đã có, khi ta chết rồi nó vẫn còn, vậy nó có là có với ai ? Còn với ai ? Ai biết nó có ? Ai biết nó còn ? Nếu khi ta đang sống trong hiện tại mà biết được núi sông khi ta chưa sanh, hay sau khi ta chết, thì đó là cái biết theo tưởng tượng, mà tưởng tượng thì đâu phải ngoại thức. Vả lại núi kia sông nọ là có, máy vi tính là có, cái có đó có giống cái có của Na-tiên dưới mắt vua Di-lan-đà, hay cái có của chiếc xe dưới mắt Na-tiên không ? Nếu cái có đó cũng giống cái có của Na-tiên dưới mắt vua Di-lan-đà, cái có của chiếc xe dưới mắt Na-tiên, thì đều là cái có do thức biến. Không phải núi mà thấy núi, là thức biến. Không phải sông mà thấy sông, là thức biến. Không phải vậy mà thấy vậy, là thức biến. Để xiển dương đạo lý Duy thức một cách hệ thống chặt chẽ, đầu thế kỷ thứ năm Tây lịch, Bồ-tát Thiên Thân (Vasubandhu) đã dựa các kinh Đại thừa A-tỳ-đạt-ma, Nhập Lăng-già, Giải Thâm Mật, nhất là luận Du-già Sư Địa, Hiển Dương Thánh Giáo, Nhiếp Đại Thừa, Biện Trung Biên v.v… mà viết ra 30 bài tụng ngắn gọn, nhưng nội dung hết sức phong phú. Có thể chia làm 4 phần sau đây : – Phần đầu : Phá chấp ngã pháp, tức thuộc Biến kế sở chấp tánh. – Phần hai : Giảng kỹ về Duy thức tướng, tức thuộc Y tha khởi tánh. – Phần ba : Giảng về ba Vô tánh, tức Duy thức tánh, thuộc Viên thành thật tánh. – Phần bốn : Giảng về sự tu chứng qua năm hạnh vị. Hoặc theo xưa có nhiều cách chia như : Trong ba mươi bài tụng, hai mươi bốn bài đầu nói về Tướng Duy thức, bài thứ hai mươi lăm nói về tánh Duy thức, năm bài cuối cùng nói Hạnh vị tu chứng Duy thức. Trong hai mươi bốn bài đầu ; một bài rưỡi đầu lược nói Tướng Duy thức, hai mươi hai bài rưỡi sau nói rộng về Tướng Duy thức. Ba tự tánh : Biến kế sở chấp, Y tha khởi và Viên thành thật có ý nghĩa không khác gì ý nghĩa “không, giả, trung” trong bài tụng ở Trung luận : “Nhân duyên sở sanh pháp, ngã thuyết tức thị không, thị danh vi giả danh, diệc danh Trung đạo nghĩa”. Biến kế sở chấp ngã pháp là “không”, Tâm, Tâm sở và Kiến tướng phần Y tha khởi huyễn sự là “giả”. Viên thành thật tức chơn như là “trung”. Ngài Long Thọ đứng trên chơn không vô tướng, Viên thành thật tánh mà phá Biến kế chấp. Ngài Thế Thân đứng trên Duy thức Y tha khởi để phá biến kế chấp. Hai phương thuốc cùng chữa một bệnh, bệnh ảo tưởng về thật ngã, thật pháp. Luận sư Thanh Biện vì phá vọng tình chấp có cho nên nói hết thảy pháp đều không. Luận sư Hộ Pháp vì phá vọng tình chấp không. Cho nên nói hết thảy pháp Duy thức huyễn có. Nói không để phá có, nói có để phá không, đều cùng mục đích đưa tri kiến người ta tới chỗ ngộ nhập thật tướng Trung đạo, lìa tứ cú tuyệt bách phi. Nói Bát-nhã không, nhưng ý không phải trụ lại nơi không. Nếu trụ lại nơi không thì thành ác thủ không. Nói Duy thức có, nhưng ý không phải trụ lại nơi Duy thức có. Nếu trụ lại nơi Duy thức có, tức là pháp chấp. Như trong luận Thành Duy Thức cuốn hai nói : “Nếu chấp Duy thức là thật có, thì không khác gì chấp ngoại cảnh, cũng là pháp chấp”.
Bồ-tát Thiên Thân viết xong ba mươi bài tụng Duy thức này vào lúc cuối đời mình, chưa kịp giải thích. Sở dĩ có được sự giải thích chi ly như ngày nay còn thấy được là do mười vị Đại luận sư nối nhau chú giải. Ngài Huyền Trang sau 16 năm du học Ấn Độ về Trung Hoa rút yếu nghĩa của 100 quyển luận kia, dịch ra Hoa văn tóm gọn trong 10 quyển. Trong 10 quyển nay lý nghĩa chủ yếu là của ngài Hộ Pháp, cho nên nói Bộ luận Thành Duy Thức 10 quyển nay do Hộ Pháp v.v… tạo. Chính ngài Giới Hiền, chủ trì trường Đại học Phật giáo Na-lan-đà lúc Ngài Huyền Trang sang Ấn Độ học là đệ tử của ngài Hộ Pháp. Ngài Giới Hiền đã truyền cho ngài Huyền Trang môn học Duy thức nay. Nói đến Tam Tạng pháp sư Huyền Trang thì đại đa số người đều biết, hoặc biết qua tiểu sử, qua Tây Du Ký hay biết qua phim Tây Du, Đường Tam Tạng thỉnh Kinh. Dù qua cách nào người ta cũng thấy Ngài là một bậc vĩ nhân hy hữu. Nhà học giả Nguyễn Hiến Lê đã viết về Ngài như vầy : “Đọc xong tiểu sử của ông, ta mới thấy tấm gương của ông để lại cho ta soi không có một chút vết. Các vĩ nhân khác, trừ vài vị Thánh, còn có thể có chỗ cho ta không phục, còn ông thì suốt đời thanh đạm, can đảm, cần cù, hiếu học, lễ độ, khiêm tốn, trong sạch và hy sinh”. Ngài không những là một Thánh tăng, một Bồ-tát trong Phật giáo, mà còn là một nhà sử học, văn học, tâm lý học, triết học v.v… mặt nào cũng vĩ đại. Thế nhưng có một điều ít người biết đến, đó là công trình dịch thuật vô tiền khoáng hậu của ngài không kém chi cuộc mạo hiểm đi thỉnh kinh vô tiền khoáng hậu của ngài. Thật vậy, với Phạn văn khó như thế, Hoa văn khó như thế, đạo lý khó như thế, mà ngài đã dịch rất nhiều kinh sách Phật hơn bất cứ ai. Từ Ấn Độ ngài mang về Trung Hoa 520 hòm gồm 657 bộ Kinh Phật bằng Phạn văn. Từ khi về nước cho đến khi gác bút quy Tây, suốt 19 năm ròng âm thầm chuyên dịch, ngài đã dịch được 75 bộ gồm 1.335 cuốn, trong đó chủ yếu là kinh Đại Bát Nhã 600 cuốn, đại Tỳ-bà-sa luận 200 cuốn, Du-già Sư Địa luận 100 cuốn, Câu-xá luận 30 cuốn, Hiển Dương Thánh Giáo luận 20 cuốn, Thành Duy Thức Luận 10 cuốn v.v… Giáo lý Đại thừa Phật giáo có 3 hệ, một là hệ “Pháp Tánh Không Tuệ” với các bộ kinh như Đại Bát Nhã 600 cuốn v.v… Hai là hệ “Pháp Tướng Duy Thức” với các bộ luận Du-già Sư Địa 100 cuốn, Hiển Dương Thánh Giáo luận 20 cuốn, Thành Duy Thức luận 10 cuốn v.v… Ba là hệ “Pháp Giới Viên Giác” với các bộ kinh Viên Giác, Hoa nghiêm, Pháp Hoa, Niết-bàn v.v… Trong ba hệ đó, ngài Huyền Trang đã dịch hết chín phần mười các kinh luận thuộc hệ “Pháp Tánh Không Tuệ” và “Pháp Tướng Duy Thức”. Hai hệ giáo lý này tuy cách trình bày khác nhau rất xa nhưng cùng nhằm một chủ đích là phá ngã pháp chấp, hiển bày Trung đạo thật tướng. Như luận Thành Duy Thức cuốn hai nói : “Các Tâm, Tâm sở, vì là pháp Y tha khởi, nên cũng như huyễn sự, chẳng phải thật có. Vì khiến trừ bệnh vọng chấp có thật cảnh lìa ngoài Tâm, Tâm sở, nên nói Duy có Thức. Nếu lại chấp Duy thức là thật có, thì chẳng khác gì chấp ngoại cảnh, cũng là pháp chấp”. Cuốn bảy lại nói : “Trước đây nói các thức tướng sai biệt là dựa theo lý thế tục (Tục đế) mà nói, chứ không phải dựa Chơn thắng nghĩa (Chơn đế). Trong Chơn thắng nghĩa thì Tâm suy miệng nói đều bặt dứt”. Như thế rõ ràng lý nghĩa cuối cùng của hệ Bát Nhã và hệ Du-già có gì khác nhau đâu. Chắc hẳn đã thâm ngộ chỗ đó, nên ngài Huyền Trang đã dịch cả kinh Đại Bát Nhã lẫn luận Du Già một cách dung thông tự tại, không vướng mắc thiên lệch, nặng bên này nhẹ bên kia. Thái độ không thiên lệch này, ngài đã bộc lộ ngay khi còn ở học tại Ấn Độ. Khi đó có luận sư Sư Tử Quang Tôn Trung Quán mà kích bác Du-già, ngài đã hội thông cả Trung quán và Du-Già để viết ra bài luận Hội Tông 3.000 bài tụng để phủ chính lại bệnh thiên chấp không của Sư Tử Quang. Bộ luận Thành Duy Thức này là bộ luận cương yếu của môn Duy thức học, trình bày lý Duy thức theo luận pháp Nhân minh với những từ ngữ mới lạ, giản ước, nghĩa lý khúc chiết, ý kiến của các Luận sư đan xen chằng chịt, hỏi đáp không phân ranh giới rõ ràng, có khi câu hỏi ẩn trong câu đáp, dùng nhiều đại danh từ bỉ, thử, do đó thật khó lòng hiểu cho chu đáo. Đúng như lời tán thán của Luận Duy thức xu yếu : “Vạn tượng hàm ư nhất tự, thiên huấn giảng ư nhất ngôn”. Tôi dịch bộ luận Thành Duy Thức này, trước hết vì lòng ngưỡng mộ chân dung ngài Huyền Trang, sau là để góp phần với các vị đang nghiên cứu hoặc đang giảng dạy Duy thức có sách cơ bản về Duy thức để tham khảo dễ dàng hơn. Luận Duy thức hay Câu-xá có khả năng làm sáng nghĩa những câu Phật dạy trong các kinh Nikāya, A-hàm như câu : “Chúng sanh nương bốn cách ăn mà tồn tại. Trong đó có “thức thực”. Hay “Hành duyên thức”, hay “Thọ, Noãn, thức”, vậy thức trong các câu đó là thức nào ? Không đọc Thành Duy Thức tưởng khó nói cho rõ. Dù tôi đã để nhiều công phu vào bản dịch này, nhưng chắc chắn không sao tránh khỏi còn nhiều sai sót. Hy vọng sau này khi phát hiện ra được hoặc nhờ Thiện tri thức chỉ cho, tôi sẽ điều chỉnh lại cho bản dịch được hoàn bị hơn. Mùa An cư P.L. 2539-1995 THÍCH THIỆN SIÊU
Nguồn: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, T107, DGL 4 (01), Thành duy thức luận - Tựa
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC