TIÊU CHUẨN THỰC TIỄN TRONG LÝ LUẬN NHẬN THỨC
VLADIMIR ILYICH LENIN (1820-1924)
V.I. Lê-nin. “Tiêu chuẩn thực tiễn trong lý luận nhận thức” trong V.I. Lê-nin Toàn tập, tập 18. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 161-168. | Bản tiếng Anh: The Criterion of Practice in the Theory of Knowledge | Bản tiếng Pháp: Le critère de la pratique dans la théorie de la connaissance
Chúng ta đã thấy rằng Mác, vào năm 1845, và Ăng-ghen, vào những năm 1888 và 1892, đã đưa tiêu chuẩn thực tiễn vào làm cơ sở cho lý luận duy vật về nhận thức[1]. Đứng ngoài thực tiễn mà đặt vấn đề xét xem "chân lý vật thể" (tức là chân lý khách quan) "có nhất trí với tư duy con người hay không" thì như thế là triết học kinh viện, - Mác đã nói điều đó trong luận cương thứ hai về Phơ-bách. Ăng-ghen nhắclại rằng thực tiễn là cái bác bỏ một cách tốt nhất thuyết bất khả tri của Can-tơ và của Hium, cũng như tất cả những quái tưởng (Schrullen) khác trong triết học. Trả lời những người bất khả tri, Ăng-ghen đã nói: "Thành công của hành động củachúng ta chứng minh sự nhất trí (phù hợp, Übereinstimmung) của các tri giác của chúng ta với bản tính vật thể" (kháchquan) "của những vật được tri giác"[2]. Xin hãy so sánh điều đó với lập luận của Ma-khơ về tiêu chuẩn thực tiễn: "Trong tư duy thường ngày và trong lối nói thông thường, người ta hay đem đối lập cái vẻ bề ngoài, cái ảo tưởng,với hiện thực. Giơ một cây bút chì lên trước mặt chúng ta trong không khí, chúng ta thấy nó thẳng. Thọc nghiêng vào nước, chúng ta thấy nó gẫy gập lại. Trong trường hợp sau, người ta nói: "cây bút chì có vẻ gẫy, nhưng trong thực tế thì nó thẳng". Nhưng chúng ta dựa vào đâu mà gọi sự kiện này là hiện thực và hạ thấp sự kiện kia xuống hàng ảo tưởng?... Khi chúng ta phạm phải cái sai lầm tự nhiên là hy vọng trong những trường hợp bất thường vẫn xảy ra những hiện tượng bình thường, thì tất nhiên là hy vọng của ta sẽ tan vỡ. Nhưng các sự kiện không có dính dáng gì đến điều đó cả. Trong trường hợp như thế mà nói đếnảo tưởng thì có ý nghĩa về mặt thực tiễn, nhưng tuyệt nhiên không có ý nghĩa về phương diện khoa học. Vấn đề thường hay được tranh luận: thế giới có tồn tại thực sự không, hay chỉ là ảo tưởng của chúng ta như một giấc mơ, thì cũng như vậy. Vấn đề này chẳng có ý nghĩagì về mặt khoa học. Giấc mơ vô lý nhất cũng vẫn là một sự kiện như mọi sự kiện khác" ("Phân tích các cảm giác", tr. 18 - 19). Đúng thế, không những một giấc mơ vô lý là một sự kiện, mà một triết học vô lý cũng vậy. Người ta không thể nghi ngờ gì điều đó, sau khi đã được biết triết học của Eng-xtơ Ma-khơ. Chẳng khác gì một tay ngụy biện tồi tệ nhất, tác giả này lẫn lộn việc nghiên cứu về mặt lịch sử-khoa học và về mặt tâm lý học những sai lầm của con người, những "giấc mơ vô lý" đủ các loại của loài người, như tin vào yêu ma và quỷ quái, v.v., với việc phân biệt về mặt nhận thức luận giữa cái chân lý và cái "vô lý". Điều đó cũng giống như khi một nhà kinh tế học nọ nói rằng lý luận của Xê-ni-o, - tức lý luận cho rằng tất cả lợi nhuận của nhà tư bản là do "giờ cuối cùng" của lao động của người thợ đem lại - và lý luận của Mác là một sự kiện như nhau, và vấn đề xét xem, về phương diện khoa học, lý luận nào biểu hiện chân lý khách quan, lý luận nào nói lên những thiên kiến của giai cấp tư sản và tính ham lợi của bọn giáo sư tư sản, - là vấn đề không có ý nghĩa gì cả. Anh thợ da I. Đít-xơ-ghen đã coi lý luận khoa học về nhận thức, tức lý luận duy vật về nhận thức, là một "vũ khí phổ biến chống tín ngưỡng tôn giáo" ("Kleinere philosophische Schriften", S. 551) ), còn đối với vị giáo sư thường nhiệm Eng-xtơ Ma-khơ thì sự phân biệt giữa lý luận duy vật về nhận thức và lý luận duy tâm chủ quan về nhận thức lại "khôngcó ý nghĩa gì về mặt khoa học cả"! Khoa học không đứng vào đảng phái nào cả trong cuộc đấu tranh của chủ nghĩa duy vật chống chủ nghĩa duy tâm và chống tôn giáo, đó là quan niệm ưa thích nhất của Ma-khơ và cũng là của tất cả những giáo sư tư sản ngày nay, của những "tên đầy tớ có bằng cấp, lấy chủ nghĩa duy tâm gượng gạo để làm ngu muội nhân dân", theo như lời nói rất đích đáng của chính I. Đítxơ-ghen (S. 53, như trên). Khi E. Ma-khơ đem cái tiêu chuẩn thực tiễn, là cái giúp cho mỗi người phân biệt được ảo tưởng với hiện thực, đặt ra ngoài giới hạn của khoa học, ngoài giới hạn của lý luận về nhận thức thì đấy chính là chủ nghĩa duy tâm gượng gạo kia của các giáo sư . Mác và Ăng-ghen nói rằng thực tiễn của con người chứng minh sự đúng đắn của lý luận duy vật về nhận thức, và hai ông gọi những ý định không dựa vào thực tiễn để giải quyết vấn đề cơ bản củalý luận về nhận thức, là "triết học kinh viện" và là "những điều quái tưởng trong triết học". Trái lại, đối với Ma-khơ, thực tiễn là một việc, lý luận về nhận thức lại là một việc khác; người ta có thể đặt hai cái bên cạnh nhau mà không làm cho cái trước chế ước cái sau. Trong tác phẩm mới ra gần đây nhất của ông ta "Nhận thức và sai lầm" (tr. 115, bản tiếng Đức, xuất bản lần thứ hai). Ma-khơ nói: "Nhận thức là một cảm xúc tâm lý, có lợi (förderndes) về mặt sinh vật học". "Chỉ có thành công mới phân biệt được nhận thức với sai lầm" (116). "Khái niệm là một giả thuyết vật lý học có lợi cho công việc" (143). Những người theo phái Ma-khơ ở nước Nga chúng ta muốn là người mác-xít thì thật ngây thơ lạ lùng, khi họ tưởng rằng những câu nói đó của Ma-khơ là bằng cớ chứng tỏ Ma-khơtiến đến gần chủ nghĩa Mác. Nhưng ở đây, Ma-khơ tiến đến gần chủ nghĩa Mác cũng y hệt như Bi-xmác trước kia tiến đến gần phong trào công nhân, hoặc như giám mục Ép-lô-ghi tiến đến gần chủ nghĩa dân chủ. Ở Ma-khơ, những luận điểm đóđứng song song với lý luận duy tâm của ông ta về nhận thức, chứ không quy định việc chọn một đường lối xác định nào đó về nhận thức luận. Nhận thức chỉ có thể có lợi về mặt sinh vật học, có lợi cho con người trong thực tiễn, trong việc bảo tồn đời sống, trong việc bảo tồn nòi giống, khi nó phản ánh được chân lý khách quan, không phụ thuộc vào con người. Đối với người duy vật, "thành công" của thực tiễn của con người chứng minh sự phù hợp của các biểu tượng của chúng ta với bản tính khách quan của các vật được cảm biết. Đối với người duy ngã, "thành công" là tất cả những gì mà tôi cần đến trong thực tiễn, mà thực tiễn thì có thể được xem xét một cách tách rời với lý luận về nhận thức. Người mác-xít nói: nếu lấy tiêu chuẩn thực tiễn làm cơ sở cho lý luận về nhận thức thì nhất định chúng ta đi đến chủ nghĩa duy vật. Ma-khơ nói: thực tiễn có thể là duy vật, còn lý luận, thì lại là một việc khác. Trong quyển "Phân tích các cảm giác", ông ta viết: "Trong thực tiễn, khi làm một việc gì, chúng ta không thể thiếu được quan niệm về cái Tôi, cũng như chúng ta không thể thiếu được quan niệm về vật thể khi chúng ta giơ tay ra để nắm lấy một vật nào đó. Về mặt sinh lý học chúng ta vẫn thường xuyên là những người ích kỷ và những người duy vật, cũng như chúng ta thường xuyên nhìn thấy mặt trời mọc vậy. Nhưng trong lý luận, chúng ta tuyệt đối chớ nên giữ rịt lấy quan điểm ấy" (284 - 285). Tính ích kỷ chẳng có liên can gì ở đây cả, vì đó là một phạm trù không mảy may dính dáng gì với nhận thức luận. Cũng như sự vận động bề ngoài của mặt trời xung quanh quả đất không liên can gì ở đây cả, vì thực tiễn mà chúng ta dùng làm tiêu chuẩn trong lý luận về nhận thức, phải bao gồm cả thực tiễn của những sự quan sát, những sự phát hiện về thiên văn học, v.v.. Ở đây, chỉ còn lại sự thú nhận có giá trị của Ma-khơ: trong thực tiễn của mình, người ta hoàn toàn và tuyệt đối chịu sự hướng dẫn của lý luận duy vật về nhận thức, và mưu toan lẩn tránh lý luận đó "về mặt lý luận" chỉ biểu hiện những khuynh hướng kinh viện – thông thái rởm, duy tâm chủ nghĩa gượng gạo của Ma-khơ mà thôi. Những cố gắng ấy nhằm gạt bỏ thực tiễn, coi đó như là một cái gì không đáng được nghiên cứu về mặt nhận thức luận, để dọn chỗ cho thuyết bất khả tri và chủ nghĩa duy tâm, không phải mới mẻ gì, - đó là điều mà thí dụ sau đây rút ra trong triết học cổ điển Đức sẽ cho ta thấy rõ.Ở đây, G. E. Sun-txê (trong lịch sử triết học, ông ta lấy tên là Sun-txê - E-ne-di-đê-mu-xơ) đứng vào khoảng giữa Can-tơ và Phích-tê. Ông ta công khai bênh vực đường lối hoài nghi trong triết học và tự xưng là đồ đệ của Hi-um (và của những nhà triết học cổ như Pi-rông và Xếch-tút). Ông ta kiên quyết phủ nhận mọi vật tự nó và khả năng nhận thức khách quan, kiên quyết đòi hỏi chúng ta đừng vượt quá "kinh nghiệm", đừng vượt quá cảm giác, đồng thời ông ta cũng dự kiến trước được những lời phản đối của phe khác: "Vì trong đời sống hàng ngày, người hoài nghi chủ nghĩa thừa nhận tính hiện thực không chối cãi được của những sự vật khách quan, hành động phù hợp với điều đó và thừa nhận tiêu chuẩn của chân lý, cho nên hành vicủa bản thân anh ta là cái lý lẽ hay nhất và rõ ràng nhất để bác bỏ thuyết hoài nghi của anh ta"*. Sun-txê bực tức trả lời lại: "Những lý lẽ đó chỉ có giá trị đối với đám dân đen (Pöbel, S. 254) mà thôi, bởi vì thuyết hoài nghi của tôi không đụng đến thực tiễn đời sống, nó vẫn ở trong giới hạn của triết học" (255) Cũng bằng cách ấy, nhà duytâm chủ quan Phích-tê mong tìm thấy trong giới hạn của triết học duy tâm một chỗ cho cái "thuyết thực tại mà tất cả chúng ta và ngay cả nhà duy tâm kiên quyết nhất cũng đều không tránh được (sich aufdringt), khi đi vào hành động, cái thuyết thực tại thừa nhận rằng các sự vật tồn tại hoàn toàn không phụ thuộc vào chúng ta, ở bên ngoài chúng ta" (Werke, I, 455). Thuyết thực chứng tối tân của Ma-khơ cũng chẳng đi xa gì hơn Sun-txê và Phích-tê! Có điều đáng buồn cười mà chúng tôi xin nêu ra đây là đối với Ba-da-rốp thì trong vấn đề này, chỉ có Plê-kha-nốp thôi: không có con thú nào mạnh hơn mèo. Ba-da-rốp chế giễu cái "triết học salto vitale của Plê-kha-nốp" ("Khái luận", tr. 69), Plê-kha-nốp quả đã viết một câu kỳ quặc như thế này: dường như "lòng tin" vào sự tồn tại của thế giới bên ngoài "là một salto vitale" (bước nhảy sống còn) "không thể tránh khỏi của triết học" ("Chú giải về L. Phơ-bách", tr. 111). Danh từ "lòng tin" lắp lại theo Hi-um, tuy đã được đóng ngoặc kép nhưng vẫn chứng tỏ là Plê-kha-nốp đã lẫn lộn trong việc dùng danh từ - chắc chắn là như vậy. Nhưng nói đến Plê-kha-nốp ở đây để làm gì kia chứ?? Tại sao Ba-da-rốp không chọn một nhà duy vật nào khác, như Phơ-bách chẳng hạn? Phải chăng chỉ là vì ông ta không biết Phơ-bách? Nhưng không biết đâu phải là lý do. Giống như Mác và Ăng-ghen, trong các vấn đề cơ bản của lýluận về nhận thức, Phơ-bách đã "nhảy" một bước về phía thực tiễn, một bước nhảy mà theo quan điểm của Sun-txê, Phích-tê và Ma-khơ thì không thể thừa nhận được. Khi phê phán chủ nghĩa duytâm, Phơ-bách đã trình bày bản chất của chủ nghĩa đó bằng cách trích dẫn một đoạn nổi bật của Phích-tê, đoạn này đã đánh vào toàn bộ học thuyết của Ma-khơ một cách rất tuyệt diệu. Phích-tê viết: "Anh tưởng rằng các vật là có thật, rằng các vậttồn tại ở ngoài anh, chỉ vì lý do duy nhất là anh nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy các vật đó. Nhưng thấy, sờ, nghe chỉ là những cảm giác mà thôi... Anh không cảm biết các vật đâu, anh chỉ cảm biết các cảm giác của anh thôi" (Phơ-bách, Werke, X. Band, S. 185). Phơ-bách đập lại ngay: con người không phải là một cái Tôi trừu tượng, mà là một người đàn ông hoặc một người đàn bà, và vấn đề xét xem thế giới có phải là cảm giác hay không, có thể quy thành vấn đề: phải chăng người khác chỉ là cảm giác của tôi, hay là các quan hệ của chúng ta trong thực tiễn chứng tỏ điều trái lại? "Sai lầm căn bản của chủ nghĩa duy tâm chính là ở chỗ chỉ đứng trên phương diện lý luận mà đặt và giải quyết vấn đề về tính khách quan và tính chủ quan, tính hiện thực hay tính không hiện thực của thế giới" (189, như trên). Phơ-bách lấy toàn bộ thực tiễn của con người làm cơ sở cho lý luận về nhận thức. Ông nói: dĩ nhiên là cả những người duy tâm cũng thừa nhận, trong thực tiễn, tính hiện thực của cái Tôi của chúng ta cũng như của cái Anh của người khác. Đối với người duy tâm, "quan điểm đó chỉ có giá trị đối với đời sống chứ không có giá trị đối với tư biện. Nhưng cái lối tư biện mâu thuẫn với đời sống và lấy quan điểm về cái chết, về linh hồn tách rời khỏi xác thịt làm quan điểm về chân lý, là một lối tư biện chết, tư biện giả mạo" (192). Chúng ta thở trước rồi mớicảm giác sau, chúng ta không thể sống được nếu không có không khí, thức ăn và thức uống. "Thế có nghĩa là khi nghiên cứu vấn đề tính quan niệm hay tính hiện thực của thế giới thì lại đi bàn chuyện ăn uống hay sao? - nhà duy tâm phẫn nộ la lên như thế. - Thật là hèn hạ! Thật là một sự xúc phạm đến cái tập quán tốt đẹp là từ trên diễn đàn triết học và thần học, đem hết sức ra thóa mạ chủ nghĩa duy vật về mặt khoa học để rồi sau đó ngồi vào bàn ăn, lại thực hành một chủ nghĩa duy vật theo cái nghĩa thô tục nhất" (195). Và Phơ-bách phải kêu lên rằng coi cảm giác chủ quan ngang với thế giới khách quan "tức là coi di tinh ngang với việc sinh con đẻ cái" (198). Lời nhận xét đó không phải là thuộc loại nhã nhặn lắm, nhưng nó đã đập đúng chỗ hiểm của những nhà triết học vẫn tuyên bố rằng biểu tư ợng cảm tính cũng chính là hiện thực tồn tại ở ngoài chúng ta. Quan điểm về đời sống, về thực tiễn, phải là quan điểm thứ nhất và cơ bản của lý luậnvề nhận thức. Gạt ra bên đường những điều bịa đặt vô tận của triết họckinh viện nhà giáo, quan điểm đó tất nhiên dẫn đến chủ nghĩa duyvật. Dĩ nhiên không nên quên rằng tiêu chuẩn thực tiễn, xét về thực chất, không bao giờ có thể xác nhận hoặc bác bỏ một cách hoàn toàn một biểu tượng nào đó của con người, dù biểu tượng ấy là thế nào chăng nữa. Tiêu chuẩn đó cũng khá "không xác định" để không cho phép các hiểu biết của con người trở thành một cái "tuyệt đối"; đồng thời nó cũng khá xác định để có thể tiến hành đấu tranh quyết liệt chống tất cả các thứ chủ nghĩa duy tâm và bất khả tri. Nếu cái mà thực tiễn của chúng ta xác nhận là chân lý khách quan, duy nhất, cuối cùng, thì như thế tức là con đường duy nhất dẫn đến chân lý đó là con đường của khoa học xây dựng trên quan điểm duy vật. Chẳng hạn, Bô-gđa-nốp đồng ý thừa nhận rằng lý luận của Mác về lưu thông tiền tệ là một chân lý khách quan, nhưng chỉ là chân lý khách quan "đối với thời đại chúng ta" mà thôi, và ông ta cho rằng gán cho lý luậnđó một tính chân lý "khách quan siêu lịch sử", tức là sa vào "chủ nghĩa giáo điều" ("Thuyết kinh nghiệm nhất nguyên", quyển III, tr. VII). Đây lại là một sự lẫn lộn nữa. Vì cái lý do cũng giản đơn như cái lý do khiến việc Na-pô-lê-ông chết ngày 5 tháng Năm 1821 thành một chân lý vĩnh cửu, sự phù hợp của lý luận đó với thực tiễn không thể bị những hoàn cảnh nào sau này làm thay đổi đi được. Nhưng vì tiêu chuẩn thực tiễn - tức tiến trình phát triển của tất cả các nước tư bản mấy chục năm gần đây - đã chứng minh tính chân lý khách quan củatoàn bộ lý luận kinh tế và xã hội của Mác nói chung, chứ không phải của riêng một bộ phận nào hay một công thức nào, v.v., cho nên rõ ràng ở đây mà nói đến "chủ nghĩa giáo điều" của những người theo chủ nghĩa Mác thì như thế có nghĩa là nhượng bộ kinh tế học tư sản một cách không thể tha thứ được. Từ ý kiến của những người mác-xít cho rằng lý luận của Mác là chân lý khách quan, người ta chỉ có thể rút ra một kết luận duy nhất là: đitheo con đường mà lý luận của Mác vạch ra thì chúng ta ngày càng đi đến gần chân lý khách quan (tuy không bao giờ có thể nắm hết được); nếu đi theo bất cứ con đường nào khác, chúng ta chỉ có thể đi đến sự lẫn lộn và dối trá.
[1] V. I. Lê-nin muốn nói đến các tác phẩm của C. Mác "Luận cương về Phơ-bách" (1845) và của Ph. Ăng-ghen "Lút-vích Phơ-bách và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức" (1888) và "Lời tựa cho lần xuất bản bằng tiếng Anh (1892) cuốn "Chủ nghĩa xã hội phát triển từ không tưởng đến khoa học" (xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Tuyển tập, gồm hai tập, tiếng Nga, t.II, 1955, tr. 383 - 385, 339 - 382, 83 - 106).
[2] Xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Tuyển tập, gồm hai tập, tiếng Nga, t.II, 1955, tr. 383, 351, 91. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC