Nhận thức luận | Khoa học luận

Trọng lực của tinh thần...

“TRỌNG LỰC CỦA TINH THẦN…”

BÙI VĂN NAM SƠN

 

Arthur Eddington, trong “Triết học của vật lý học”, 1939, (dẫn theo Hans Poser, Khoa học luận, 2001), kể một ví dụ thú vị: một người đánh cá bằng một tấm lưới có mắt lưới rộng năm phân. Lần nào trở về, chàng cũng đo chiều dài của những con cá đánh được: không con nào nhỏ hơn năm phân cả.

 

Chàng bèn nêu ra một… định luật tự nhiên: “không có con cá nào nhỏ hơn năm phân”. Chàng càng đi đánh cá, định luật ấy càng được kiểm chứng ngon lành. Câu chuyện liên quan đến nhiều vấn đề… triết học của khoa học!

CHUNG QUANH ĐỊNH LUẬT… CON CÁ

Trước “định luật” ấy, ta có thể có mấy thái độ? Ít nhất là có ba. Thái độ thứ nhất: “Chuyện ấy đâu có hệ trọng gì! Vả lại, tôi không thích ăn cá!”. Thái độ thứ hai: “Ồ, thiên nhiên kỳ diệu thật! Cho ta toàn là loại cá đạt… tiêu chuẩn xuất khẩu” (quên rằng nếu thế cũng sẽ mất đi món mắm!). Thái độ thứ ba mang hình thức một câu hỏi: “Người đánh cá làm cách nào để bắt cá?” hay nói khác đi: “Làm sao có thể nêu được một định luật như thế?”.

Ba thái độ ấy cũng chính là ba quan điểm quen thuộc của triết học đối với các ngành khoa học riêng lẻ. Quan điểm thứ nhất: các ngành khoa học riêng lẻ giải quyết các vấn đề… riêng lẻ, không phải là những vấn đề thật sự hệ trọng mà triết học cần quan tâm. Tiêu biểu cho quan điểm này là Martin Heidegger, đại triết gia của thế kỷ 20. Theo Heidegger, triết học có một khái niệm “khoa học” khác hẳn với các ngành khoa học khác: “Câu hỏi về bản chất của chân lý không bận tâm đến việc đó là một chân lý của kinh nghiệm sống thực tiễn hay là một chân lý nào đó của nghiên cứu khoa học [riêng lẻ]” (“Về bản chất của chân lý”). Trong “Siêu hình học là gì?”, ông còn viết: “Siêu hình học là Sự biến cơ bản… Không có sự chặt chẽ nào của khoa học đạt được sự nghiêm chỉnh của siêu hình học. Không bao giờ có thể dùng ý niệm của khoa học làm thước đo cho triết học cả”.

Quan điểm thứ hai thì phổ biến hơn: người ta vồ vập những kết quả của các ngành khoa học, áp dụng chúng (nhiều khi… ngang xương!) vào trong lĩnh vực triết học. Có vô số các ví dụ như thế, với nhiều lý lẽ khác nhau: đúc kết và nâng cao thành tựu của khoa học kỹ thuật, gặp gỡ giữa triết học, tôn giáo và khoa học, biện minh triết học bằng những cơ sở khoa học v.v… Tiêu biểu là nỗ lực của nhà vật lý nguyên tử đồng thời là triết gia Pascual Jordan muốn chứng minh sự tự do của con người dựa trên thuyết bất định của vật lý lượng tử. Lúc đầu, ông dựa vào nguyên tắc bổ túc của Niels Bohr về sóng và hạt, cho rằng nó “cho phép kết hợp nhận thức sâu sắc của khoa học tự nhiên với lòng tin rằng đặc điểm của sinh thể là năng lực thoát ra khỏi những quy định cứng nhắc của các trạng thái bên trong”. Về sau, ông còn dựa vào khái niệm “đè nén” trong phân tâm học của Sigmund Freud để cho rằng đó là ví dụ tiêu biểu của tính bổ túc, cho thấy sự tự do ý chí là một sự kiện có thể chứng minh và đã được chứng minh” (Vật lý học trong thế kỷ 20, 1943; Nhà khoa học tự nhiên trước vấn đề tôn giáo, 1972). Thái độ này xuất phát từ một quan điểm triết học có sẵn từ trước, rồi dùng các kết quả khoa học để biện minh, chứ không tra vấn về tiêu chuẩn so sánh cũng như về những tiền đề của các kết quả ấy.

Nếu thái độ thứ nhất hoàn toàn tách biệt với các khoa học riêng lẻ, thái độ thứ hai lại hoàn toàn lệ thuộc vào chúng, thì thái độ thứ ba lại là một cách tiếp cận khác nữa. Ở đây, có thể nói, triết học giữ một khoảng cách, đi lùi lại để tiếp cận các ngành khoa học từ bên dưới, bằng cách đặt câu hỏi: đâu là các cơ sở và tiền đề của những kết quả khoa học? Trong ví dụ của chúng ta, định luật “không có con cá nào nhỏ hơn năm phân” có thể có được không, nếu không có tấm lưới có mắt lưới rộng năm phân? Nói theo thuật ngữ chuyên môn của Immanuel Kant, đó là câu hỏi siêu nghiệm (transzendental), nghĩa là vượt lên trên chứ không thoát ly kinh nghiệm để hỏi về các điều kiện để một kinh nghiệm nào đó có thể có được. Hỏi về “điều kiện khả thể” của khoa học và định luật khoa học chính là cách tiếp cận và là nhiệm vụ của một môn triết học đặc thù: KHOA HỌC LUẬN.

Như ta đã biết, triết học “bàn về tất cả và không về gì cả” (Gai nhọn hay hoa hồng?). “Bàn về tất cả”, nên khoa học cũng là một đối tượng nghiên cứu của triết học. Suy nghĩ về khoa học cũng cũ xưa như bản thân các ngành khoa học. Bởi lẽ: nếu không suy nghĩ về những mục đích và phương pháp, về đặc điểm của việc hỏi và giải thích những hiện tượng, nếu không tìm hiểu giá trị và khả năng thẩm tra của những câu trả lời thì không khác gì đánh mất cái cốt lõi của khoa học. Nhưng, cũng… “không về gì cả” theo tinh thần của Socrates: ông không hỏi về những biểu hiện cụ thể của sự dũng cảm hay sự công bằng mà hỏi về bản thân sự dũng cảm và sự công bằng. Cũng thế, triết học - ở đây là khoa học luận - không hỏi về cái gì tạo nên từng khoa học riêng lẻ mà hỏi về bản thân khoa học nói chung.

TỪ FRANCIS BACON…

Từ Francis Bacon (1561-1626) mà ta vừa làm quen với bốn ngẫu tượng, các ngành khoa học được xem như là cái đảm bảo cho sự sáng suốt, tiến bộ và hạnh phúc của loài người. Nhưng ngày nay, bên cạnh những mặt tích cực, ta lại gặp phải rất nhiều ngộ nhận và cả sự hoài nghi, phê phán về tính thiếu cơ sở, tính quy ước, tính võ đoán và nhất là những tác hại có thể có của khoa học. Mối quan hệ phức tạp và căng thẳng ấy giữa khoa học và đời sống đòi hỏi ta phải trở lại với câu hỏi căn bản: “khoa học là gì?” trong cách đặt vấn đề của khoa học luận. Câu hỏi ấy thậm chí có thể dẫn ta ra khỏi khuôn khổ của khoa học luận theo nghĩa hẹp để bước vào lĩnh vực của triết học khoa học, một nhận thức mới được hình thành trong thời gian gần đây.

Nếu thế kỷ 17 lấy hình học và toán học làm mẫu mực, rồi nhiều câu trả lời của khoa học luận lại hướng theo mô hình của vật lý học cho tới tận các thập kỷ vừa qua, thì ngày nay câu hỏi được đặt ra bao quát hơn, bởi khoa học theo nghĩa rộng (khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn, khoa học xã hội…) đã và đang trở thành những “điều kiện khả thể” cho toàn bộ hành động và lối sống hiện đại của chúng ta. Chuyến “du hành” khá dài này sẽ bắt đầu với việc phác họa các phương diện của khoa học và thử đi tìm một “định nghĩa” cho nó.

 

 

 

Trọng lực của Tinh thần khiến ta rơi… lên trên.

Simone Weil (1909-1943), triết gia Pháp

 

 

 

Lý tính là một ngọn lửa thiêng. Nên dùng nó để soi sáng thế giới chứ không phải để gây ra hỏa hoạn.

Giacomo Leopardi (1798-1837), thi sĩ Ý

 


 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt