Nhận thức luận | Khoa học luận

Bàn về khái niệm chức năng trong khoa học xã hội

 

Bàn về khái niệm chức năng trong khoa học xã hội

A. R. RADCLIFFE-BROWN

 

Khi áp dụng vào các xã hội con người, khái niệm chức năng được dựa trên sự loại suy giữa đời sống xã hội và đời sống hữu cơ. Việc thừa nhận loại suy và một số những hàm ý của nó không phải là mới. Vào thế kỷ 19, loại suy, khái niệm chức năng, và bản thân chữ này thường xuyên xuất hiện trong triết học xã hội và trong xã hội học. Theo chỗ tôi biết, chính Durkheim là người đầu tiên trình bày có hệ thống khái niệm này vào năm 1895 (Règles de la Méthode Sociologique/ Các quy tắc của phương pháp xã hội học) khi ông áp dụng nó vào nghiên cứu khoa học một cách nghiêm ngặt về xã hội.

Định nghĩa của Durkheim phát biểu rằng “chức năng” của một thiết chế xã hội là sự tương ứng giữa nó với những nhu cầu (t.Pháp: besoins) của cơ thể xã hội (social organism). Trước hết, để tránh tình trạng hàm hồ có thể có và nhất là tránh khả năng của một lý giải mang tính mục đích luận, tôi muốn thế thuật ngữ “nhu cầu” bằng thuật ngữ “những điều kiện tất yếu cho tồn tại”, hay giả như thuật ngữ “nhu cầu” có được sử dụng thì nó cũng chỉ được hiểu theo nghĩa này. Ở đây có một điểm, mà ta sẽ quay trở lại sau, cần lưu ý là bất cứ một nỗ lực nào áp dụng khái niệm “chức năng” này vào khoa học xã hội đều bao hàm giả định rằng các xã hội con người tuân theo, cùng một cách với các cơ thể động vật, những điều kiện tất yếu cho tồn tại và ta có thể phát hiện ra những điều kiện ấy bằng phương cách nghiên cứu khoa học thích hợp.

Để làm sáng tỏ hơn nữa khái niệm này thì ta sử dụng sự loại suy giữa đời sống xã hội với đời sống hữu cơ sẽ thuận tiện hơn. Giống như tất cả mọi loại suy, ta phải sử dụng loại suy này một cách cẩn trọng. Một cơ thể động vật là một quần tụ (agglomeration) các tế bào và các chất lỏng ở khe tế bào (interstitial fluids) được sắp xếp trong quan hệ với nhau như một tổng thể hợp nhất đang sống chứ không phải như một sự hỗn hợp. Với nhà hóa sinh học, nó là một hệ thống được hợp nhất một cách phức tạp của các phân tử phức hợp. Hệ thống các quan hệ qua đó các đơn vị này được quan hệ với nhau là cấu trúc hữu cơ. Theo như các thuật ngữ được dùng ở đây, cơ thể tự nó không phải là cấu trúc; nó là một tập hợp những đơn vị (các tế bào hay các phân tử) được sắp xếp trong một cấu trúc, tức là trong một tập hợp các quan hệ; cơ thể có một cấu trúc. Hai động vật trưởng thành thuộc cùng một loài và cùng một giới tính gồm có các đơn vị giống nhau được kết hợp theo cùng một cấu trúc giống nhau. Cấu trúc vì thế được định nghĩa như là một tập hợp các quan hệ giữa các thực thể. (Cấu trúc của một tế bào theo cùng một cách là tập hợp các quan hệ giữa các phân tử phức hợp, và cấu trúc của một nguyên tử là một tập hợp các quan hệ giữa các hạt electron và proton.) Trong suốt thời gian sống của nó, cơ thể duy trì một sự liên tục nào đó của cấu trúc cho dù nó không bảo tồn toàn bộ tính đồng nhất (identity) của những bộ phận cấu thành của nó. Nó làm mất đi một số các phân tử cấu thành của nó bằng hô hấp và bài tiết; nó thu nhận những thứ khác bằng hô hấp và hấp thụ dưỡng chất. Trong suốt một giai đoạn nào đó, các tế bào cấu thành của nó thay đổi. Quá trình mà sự liên tục cấu trúc của cơ thể được duy trì được gọi là đời sống. Quá trình đời sống gồm những hoạt động và những tương tác của các đơn vị cấu thành của cơ thể, tức các tế bào và các cơ quan trong đó các tế bào được hợp thành.

Từ quan điểm này, đời sống của một cơ thể sinh vật được quan niệm như là sự vận hành (functioning) của cấu trúc của nó. Chính qua tính liên tục và bởi tính liên tục của sự vận hành mà tính liên tục của cấu trúc được duy trì. Nếu ta xem bất cứ bộ phận hoạt động mang tính tái diễn nào của quá trình đời sống như: hô hấp, tiêu hóa, v.v., chức năng (function) của nó là vai trò mà nó đóng, tức sự góp phần của nó, trong đời sống của cơ thể sinh vật như là một toàn thể. Như vậy, một tế bào hay một cơ quan có một sự hoạt động (activity) và sự hoạt động ấy có một chức năng. Đúng là, chúng ta thường nói về sự tiết chất dịch trong dạ dày như là một “chức năng” của dạ dày. Theo ngôn ngữ được dùng ở đây, ta phải nói rằng đấy là một “hoạt động” của dạ dày, chức năng của nó là biến các protein trong thức ăn thành một dạng trong đó các protein này được máu hấp thu và phân phối đến các mô[1]. Ta có thể lưu ý rằng chức năng của một quá trình sinh lý tái diễn vì thế là sự tương ứng giữa nó với những nhu cầu (tức là những điều kiện tất yếu cho tồn tại) của cơ thể.

Nếu ta tiến hành một nghiên cứu có hệ thống về bản tính của các cơ thể và đời sống hữu cơ thì có ba nhóm vấn đề đặt ra cho ta. (Thêm nữa, có những nhóm vấn đề nào đó khác về những phương diện hay những đặc trưng của đời sống hữu cơ mà ở đây ta không cần quan tâm tới). Một là nhóm vấn đề về hình thái học – có những loại hình cấu trúc hữu cơ nào, có những giống nhau và khác nhau nào mà chúng biểu hiện ra, và chúng phải được phân loại như thế nào? Thứ hai là các vấn đề về sinh lý học – nhìn chung, các cấu trúc hữu cơ vận hành như thế nào, do đó cái gì là bản tính của quá trình đời sống? Thứ ba là những vấn đề về sự tiến hóa hay sự phát triển – những loại hình mới của cơ thể sinh vật xuất hiện như thế nào?

Chuyển từ đời sống hữu cơ sang đời sống xã hội, nếu khảo sát một cộng đồng, một bộ lạc châu Mỹ hay châu Úc chẳng hạn, ta có thể nhận thấy sự tồn tại của một cấu trúc xã hội. Những con người cá thể, tức những đơn vị thiết yếu trong trường hợp này, được nối kết lại bởi một tập hợp các quan hệ xã hội xác định thành một tổng thể được hợp nhất. Tính liên tục của cấu trúc xã hội, cũng giống như tính liên tục của một cấu trúc hữu cơ, không bị phá vỡ bởi những thay đổi trong các đơn vị. Những cá thể này có thể tách khỏi xã hội, bằng cái chết hay bằng cách nào khác, thì những cá thể khác có thể nhập vào nó. Tính liên tục của cấu trúc được duy trì bởi quá trình của đời sống xã hội, và quá trình này chính là những hoạt động và những tương tác của những con người cá thể và của những nhóm có tổ chức do những cá thể ấy hợp thành. Đời sống xã hội của cộng đồng được xác định ở đây là sự vận hành của cấu trúc xã hội. Chức năng của bất cứ hoạt động có tính tái diễn nào, như việc trừng phạt một tội phạm, hay một tang lễ, là vai trò mà nó đóng trong đời sống xã hội như là một tổng thể, và do đó là sự đóng góp mà nó mang lại để duy trì tính liên tục cấu trúc. 

Khái niệm chức năng như được định nghĩa ở đây vì thế bao hàm quan niệm về một cấu trúc (structure) gồm một tập hợp các quan hệ (set of relations) giữa những thực thể đơn vị (unit entities), sự liên tục của cấu trúc được duy trì bởi quá trình đời sống được tạo thành từ những hoạt động của các đơn vị cấu thành.

Nếu, với sự giúp đỡ của những khái niệm này, tiến hành một nghiên cứu có hệ thống về bản tính tự nhiên của xã hội con người và của đời sống xã hội, ta thấy có ba nhóm vấn đề đặt ra cho ta. Thứ nhất, các vấn đề về hình thái học xã hội – có những loại hình cấu trúc xã hội nào, đâu là những tương đồng và những dị biệt của chúng, chúng được phân loại như thế nào? Thứ hai, các vấn đề về sinh lý học xã hội – các cấu trúc xã hội vận hành như thế nào? Thứ ba, các vấn đề về sự phát triển – những loại hình mới của cấu trúc xã hội nảy sinh như thế nào?

Ta cần phải lưu ý hai điểm quan trọng mà sự loại suy giữa cơ thể sinh vật với xã hội bị phá vỡ. Trong một cơ thể động vật, ta có thể quan sát cấu trúc hữu cơ một cách độc lập ở mức độ nào đó với sự vận hành của nó. Do đó ta có thể tạo nên một hình thái học độc lập với sinh lý học. Nhưng trong xã hội con người, cấu trúc xã hội như là một tổng thể chỉ có thể được quan sát trong sự vận hành của nó. Một số các đặc trưng của cấu trúc xã hội, như sự phân bố địa lý của các cá thể và các nhóm có thể được quan sát trực tiếp, nhưng phần lớn các quan hệ xã hội trong tổng thể của chúng cấu thành cấu trúc, chẳng hạn các quan hệ giữa cha với con, người mua với người bán, người cai trị với người bị trị, là không thể quan sát được ngoại trừ trong các hoạt động xã hội mà các quan hệ đang vận hành. Kết quả là hình thái học xã hội không thể được xác lập một cách độc lập với sinh lý học xã hội.

Điểm thứ hai đó là một cơ thể động vật không làm thay đổi loại hình cấu trúc của nó trong tiến trình đời sống của nó. Một con heo không thể thành một con hà mã. (Sự phát triển của động vật từ lúc phôi thai đến lúc trưởng thành không phải là một sự biến đổi loại hình vì quá trình trong toàn bộ các giai đoạn của nó là có tính chất điển hình cho loài.) Mặt khác, một xã hội trong tiến trình lịch sử của nó có thể và làm thay đổi loại hình cấu trúc của mình mà không có bất cứ sự gián đoạn nào.

Theo định nghĩa được đưa ra ở đây, “chức năng” là sự đóng góp mà một hoạt động bộ phận tạo ra cho hoạt động tổng thể mà nó làm bộ phận. Chức năng của một tập quán xã hội đặc thù là sự đóng góp của nó cho toàn bộ đời sống xã hội như là sự vận hành của toàn thể hệ thống xã hội. Một quan niệm như thế hàm ý rằng một hệ thống xã hội (cấu trúc xã hội tổng thể của một xã hội cũng như tổng thể những tập quán xã hội mà cấu trúc ấy xuất hiện và dựa vào đó sự tồn tại của nó được liên tục) có một loại thống nhất nào đó mà ta có thể gọi là sự thống nhất chức năng. Ta có thể định nghĩa nó là một điều kiện trong đó toàn thể các bộ phận của hệ thống xã hội cùng hoạt động với một mức độ vừa đủ cho sự hài hòa và sự nhất quán nội tại, tức là không tạo ra những xung đột dai dẳng không giải quyết được cũng như không điều hòa được[2].

Đương nhiên, ý niệm này về sự thống nhất chức năng của một hệ thống xã hội là một giả thuyết. Nhưng với nhà chức năng luận, đó là một giả thuyết dường như đáng để thẩm tra bằng sự khảo sát có hệ thống về các sự kiện.

Ta hãy đề cập một cách ngắn gọn một phương diện khác của lý thuyết chức năng. Trở lại với sự loại suy giữa đời sống xã hội với đời sống hữu cơ, ta thừa nhận rằng một cơ thể có thể vận hành ít nhiều một cách có hiệu quả và vì thế ta đưa ra một khoa học chuyên biệt là bệnh lý học để xử lý tất cả những hiện tượng mất chức năng (disfunction). Ta phân biệt trong một cơ thể cái mà ta gọi là sức khỏe và bệnh tật. Những người Hy Lạp thế kỷ 5tcn nghĩ rằng người ta có thể áp dụng quan niệm như nhau cho xã hội, tức cho thành quốc (city-state), phân biệt tình trạng kỷ cương (eunomia), trật tự tốt, sức khỏe xã hội, với tình trạng mất kỷ cương (dysnomia), sự hỗn loạn, căn bệnh xã hội. Vào thế kỷ 19, khi vận dụng khái niệm chức năng, Durkheim đã tìm cách đặt cơ sở cho môn bệnh học xã hội khoa học, dựa trên hình thái học và sinh lý học[3].Trong các công trình của mình, nhất là các công trình bàn về sự tự tử và sự phân công lao động, ông cố gắng tìm kiếm một tiêu chuẩn khách quan qua đó để phán đoán xem một xã hội đã cho tại một thời điểm xác định là bình thường hay bệnh lý, kỷ cương hay mất kỷ cương. Chẳng hạn, ông cố chỉ ra rằng sự gia tăng tỉ lệ tự tử ở nhiều nước trong thế kỷ 19 là triệu chứng của một tình trạng xã hội loạn kỷ cương, hay theo hệ thuật ngữ của ông là vô tổ chức. Có lẽ không một nhà xã hội học nào cho rằng Durkheim thực sự thành công trong việc xác lập một cơ sở khách quan cho một khoa học về bệnh học xã hội.[4]

Về các cấu trúc hữu cơ, ta có thể tìm thấy những tiêu chuẩn khách quan một cách nghiêm ngặt để phân biệt bệnh tật với sức khỏe, bệnh lý với bình thường, vì bệnh tật là cái đe dọa cơ thể bằng cái chết (sự phân rã cấu trúc của nó) hay làm cản trở những hoạt động đặc trưng của loại hình hữu cơ. Các xã hội không chết đi theo cùng cách mà các động vật chết và do đó ta không thể định nghĩa mất kỷ cương là cái nếu không được kiềm chế sẽ dẫn đến cái chết của một xã hội. Hơn nữa, một xã hội khác với một cơ thể trong đó nó có thể làm thay đổi loại hình cấu trúc của nó, hay có thể được sáp nhập như là một phần không thể thiếu của một xã hội rộng lớn hơn. Do đó, ta không thể định nghĩa mất kỷ cương là một sự xáo trộn của những hoạt động thường lệ của một loại hình xã hội (như Durkheim cố gắng làm).

Ta hãy quay trở lại một chút với người Hy Lạp. Họ quan niệm sức khỏe của một cơ thể và sự kỷ cương của một xã hội là một điều kiện cho các bộ phận của nó vận hành hài hòa với nhau[5]. Đối với xã hội, đây cũng chính là điều mà ở trên ta đã xét như là sự thống nhất chức năng hay sự nhất quán nội tại của một hệ thống xã hội, và ta có thể xác lập một tiêu chuẩn hoàn toàn khách quan cho cấp độ thống nhất chức năng của một xã hội đặc thù. Phải thừa nhận là điều này không thể thực hiện được vào lúc này; nhưng khoa học về xã hội con người cho đến nay vẫn còn trong trạng thái hết sức ấu thơ. Vì thế ta có thể nói rằng, trong lúc một cơ thể bị một căn bệnh độc hại tấn công, nó sẽ phản ứng lại, và nó sẽ chết nếu phản ứng ấy bị bại, thì xã hội khi rơi vào tình trạng mất thống nhất chức năng (functional disunity) hay không nhất quán (giờ ta tạm thời đồng nhất thuật ngữ này với thuật ngữ “mất kỷ cương”), nó sẽ không chết - ngoại trừ một số trường hợp khá hiếm hoi như một bộ lạc Australia bị vùi chôn bởi sức mạnh hủy diệt của người da trắng – mà sẽ tiếp tục đấu tranh cho một loại kỷ cương nào đó, một loại sức khỏe xã hội nào đó, và vì thế có thể làm thay đổi loại hình cấu trúc của nó. Hiện nay, có vẻ như “nhà chức năng luận” có rất nhiều cơ hội để quan sát quá trình này ở các dân tộc bản địa chịu sự thống trị của các quốc gia văn minh, và trong chính các quốc gia này[6].

Ở đây ta không có chỗ để bàn về một phương diện khác của lý thuyết chức năng, đó là câu hỏi liệu sự thay đổi của loại hình xã hội có phụ thuộc vào chức năng, tức phụ thuộc vào các quy luật sinh lý học xã hội hay không. Quan điểm của tôi là có một sự phụ thuộc như vậy và bản tính của nó phải được nghiên cứu trong sự phát triển của các thiết chế chính trị và pháp luật, các hệ thống kinh tế và các tôn giáo của châu Âu suốt hai mươi lăm thế kỷ qua. Với những xã hội chưa có chữ viết mà nhân loại học quan tâm, ta không thể nào nghiên cứu chi tiết về các quá trình lâu dài của sự thay đổi loại hình. Một loại thay đổi mà nhà nhân loại học có thể quan sát là sự tan rã các cấu trúc xã hội. Thế nhưng ngay ở đây, ta có thể quan sát và so sánh những vận động tự khởi hướng đến sự tái sáp nhập. Chẳng hạn, ta thấy ở châu Phi, ở Oceania, và ở Mỹ có sự xuất hiện những tôn giáo mới có thể được lý giải bằng một giả thuyết chức năng như là những nỗ lực xoa dịu một tình trạng mất kỷ cương xã hội được tạo ra bởi những biến đổi nhanh chóng của đời sống xã hội qua sự tiếp xúc với nền văn minh của người da trắng.

Khái niệm chức năng như được định nghĩa ở trên cấu thành một “giả thuyết làm việc” cho phép ta trình bày có hệ thống một số vấn đề nghiên cứu. Không một nghiên cứu khoa học nào có thể có được nếu không có sự trình bày có hệ thống nào như thế về những giả thuyết làm việc. Ở đây, có hai điểm ta cần lưu ý. Một là giả thuyết không đòi hỏi sự khẳng định giáo điều rằng bất cứ thứ gì trong đời sống của mỗi cộng đồng đều có một chức năng; mà chỉ cần giả định rằng nó có thể có chức năng, và ta được điều chỉnh trong việc tìm cách phát hiện nó. Hai là những tập quán xã hội trong hai xã hội có thể có cùng nội dung nhưng nhất định khác nhau về chức năng. Vì thế thực tiễn cuộc sống độc thân trong Giáo hội Công giáo La Mã ngày nay có chức năng rất khác với thực tiễn cuộc sống độc thân trong Giáo hội Ki tô giáo sơ kỳ. Nói cách khác, để xác định một tập quán xã hội, và do đó để đưa ra một so sánh có căn cứ vững chắc giữa những tập quán của các dân tộc hay các thời kỳ khác nhau thì nhất thiết ta không chỉ đơn thuần xét đến hình thức của tập quán mà còn cả chức năng của nó nữa. Trên cơ sở này, chẳng hạn, niềm tin vào một Hữu thể Tối cao (Supreme Being) trong một xã hội sơ khai là cái gì đó rất khác với một niềm tin như  vậy trong một cộng đồng văn minh hiện đại.

Nếu chấp nhận giả thuyết chức năng hay điểm nhìn được phác thảo ở trên thì ta phải thừa nhận nhiều vấn đề mà việc giải quyết chúng đòi hỏi ta phải tiến hành rất nhiều nghiên cứu so sánh trên diện rộng về các xã hội thuộc nhiều loại hình khác nhau và cũng như những nghiên cứu “sâu” về các xã hội riêng lẻ ở mức có thể được. Trong các nghiên cứu thực địa về các dân tộc sơ khai hơn, trước hết nó dẫn đến một nghiên cứu trực tiếp về đời sống xã hội của cộng đồng với tư cách là sự vận hành của một cấu trúc xã hội, và ta có thể tìm thấy nhiều ví dụ về vấn đề này trong văn liệu gần đây. Vì chức năng của một hoạt động xã hội có thể được nhận thấy qua việc khảo sát những tác động của nó lên các cá nhân, và những tác động này được nghiên cứu hoặc ở cá nhân bình thường hoặc ở cả cá nhân bình thường lẫn cá nhân phi thường. Hơn nữa, giả thuyết này dẫn đến những nỗ lực nghiên cứu trực tiếp sự nhất quán hay sự thống nhất chức năng của một hệ thống xã hội và xác định bản tính của sự thống nhất đó trong từng hệ thống ở mức có thể có được. Các nghiên cứu thực địa như thế hiển nhiên là sẽ khác theo nhiều cách với các nghiên cứu được tiến hành từ những quan điểm khác, ví dụ như quan điểm dân tộc học nhấn mạnh đến sự truyền bá (diffusion). Ta không được nói rằng quan điểm này là tốt hơn quan điểm kia, mà chỉ nói rằng chúng khác nhau, và bất cứ một nghiên cứu đặc thù nào sẽ được xét đoán theo mục đích mà nó thực hiện.

Nếu quan niệm được phác thảo ở đây được xem như là một hình thức của “thuyết chức năng”, thì ta có thể mạn phép có đôi nhận xét về bài viết của Ts. Lesser. Ông nói đến một sự khác nhau về “nội dung” trong nhân loại học chức năng và nhân loại học phi-chức năng (non-functional anthropology). Theo quan điểm được trình bày ở đây “nội dung” hay vấn đề của nhân loại học xã hội là toàn bộ đời sống của một dân tộc trong mọi phương diện của nó. Để tiện việc xử lý [nội dung này], thông thường ta dành sự chú ý đặc biệt cho một bộ phận hay một phương diện đặc thù nào đó của đời sống xã hội, nhưng dù thuyết chức năng có bất cứ nghĩa gì thì nó không có nghĩa là cố gắng xem đời sống xã hội của một dân tộc như là một tổng thể, tức như là một sự thống nhất chức năng.

Ts. Lesser nói rằng nhà chức năng luận đề cao “những phương diện tâm lý học của văn hóa”, theo tôi ở đây ông nói đến sự thừa nhận của nhà chức năng luận rằng các tập quán của một xã hội chỉ hoạt động hay “vận hành” qua những tác động của chúng trong đời sống, tức là trong những tư tưởng, những tình cảm, và những hành động của các cá nhân.

Quan điểm của “nhà chức năng luận” được trình bày ở đây do đó không hàm ý rằng ta phải tiến hành nghiên cứu hết mực chu toàn mọi phương diện của đời sống xã hội, xét chúng trong quan hệ với nhau, và một phần thiết yếu của nhiệm vụ là nghiên cứu về cá nhân và về phương cách cá nhân ấy được nhào nặn hay được điều chỉnh để thích ứng với đời sống xã hội.

Chuyển từ nội dung sang phương pháp, hình như Ts. Lesser phát hiện ra một xung đột nào đó giữa quan điểm chức năng với quan điểm lịch sử. Đây là một sự hồi tưởng về những nỗ lực chính thức được tạo ra để xem xét sự xung đột giữa xã hội học và sử học. Trên thực tế, không có sự xung đột nào, mà chỉ có sự khác nhau.

Không có – và không thể có – bất cứ sự xung đột nào giữa giả thuyết chức năng với quan niệm rằng bất cứ nền văn hóa nào, bất cứ hệ thống xã hội nào, cũng là kết quả cuối cùng của một chuỗi thống nhất của những ngẫu nhiên lịch sử. Quá trình phát triển của một chủng ngựa (race-horse) từ tổ tiên có chân năm ngón là một chuỗi thống nhất của những ngẫu nhiên lịch sử. Quan niệm này không xung đột với quan niệm của nhà sinh lý học rằng con ngựa ngày nay và tất cả những hình thức tổ tiên tuân theo hay đã tuân theo các quy luật sinh lý học, tức là tuân theo các điều kiện tất yếu cho sự tồn tại hữu cơ. Ngành cổ sinh vật học và ngành sinh lý học không xung đột nhau. Ta có thể tìm thấy một “giải thích” về chủng ngựa trong lịch sử của nó – chủng này xuất hiện ra làm sao và xuất hiện ở nơi nào. Một giải thích khác, hoàn toàn độc lập, là phải chỉ ra làm thế nào mà ngựa là một minh họa đặc thù cho các quy luật sinh lý học. Cũng vậy, một “giải thích” về một hệ thống xã hội sẽ là lịch sử của nó, ta biết nó ở đâu, tức là sự mô tả chi tiết về việc nó xuất hiện ra làm sao và xuất hiện ở đâu. Một giải thích khác về chính hệ thống ấy được tuân theo bằng cách chỉ ra rằng (như những nỗ lực của nhà chức năng luận) nó là một minh họa điển hình cho các quy luật của sinh lý học xã hội hay sự vận hành xã hội. Cả hai cách giải thích ấy đều không xung đột, mà bổ sung lẫn nhau[7].

Giả thuyết chức năng xung đột với hai quan niệm được một số nhà dân tộc học bảo vệ, và có lẽ những quan niệm này, như chúng thường được bảo vệ với sự trình bày không chính xác, là nguyên nhân của sự đối kháng với tiếp cận ấy. Quan niệm thứ nhất là lý thuyết “vụn vặt và chắp vá” về văn hóa, như bài viết của Giáo sư Lowie[8] có nói: “mớ hổ lốn vô kế hoạch ấy, tức cái mớ vụn chắp vá được gọi là nền văn minh”. Việc tập trung sự chú ý vào cái gọi là sự truyền bá những nét văn hóa nhằm tạo ra một quan niệm về văn hóa như là một tập hợp những thực thể tản mạn (cái gọi là những nét đặc điểm) được mang lại với nhau bởi sự ngẫu nhiên lịch sử thuần túy và chỉ có những quan hệ có tính chất ngẫu nhiên với nhau. Quan niệm này hiếm khi được phát biểu và được bảo vệ với bất cứ sự chính xác nào, nhưng với tư cách là một điểm nhìn nửa vô thức (half-unconscious point of view) nó dường như chi phối tư duy của nhiều nhà dân tộc học. Đương nhiên, quan niệm này trực tiếp xung đột với giả thuyết về sự thống nhất chức năng của những hệ thống xã hội.

Quan niệm thứ hai, xung đột trực tiếp với giả thuyết chức năng, là quan niệm rằng ta không thể phát hiện ra những quy luật xã hội học có ý nghĩa nào như nhà chức năng luận đang tìm kiếm. Tôi có biết việc đôi ba nhà dân tộc học nào đó nói rằng họ bảo vệ quan niệm này, nhưng tôi không thể hiểu họ muốn nói gì, và cũng không tìm thấy chứng cứ (duy lý hay duy nghiệm) nào làm căn cứ cho luận điểm của họ. Các khái quát hóa về bất cứ loại chủ đề nào đều có hai loại: những khái quát hóa của ý kiến thông thường (common opinion) và những khái quát hóa được kiểm chứng hay được chứng minh bằng một khảo sát có hệ thống về chứng cứ do những quan sát chính xác được thực hiện có hệ thống mang lại. Những khái quát hóa loại sau được gọi là những quy luật khoa học. Nếu ai đó cho rằng không có quy luật nào trong xã hội con người thì cũng không thể khẳng định rằng không có những khái quát nào về xã hội con người, bởi chính họ bảo vệ những sự khái quát như thế và thậm chí tạo ra những khái quát hóa mới của riêng họ. Do đó họ phải khẳng định rằng, trong diện trường các hiện tượng xã hội, đối lập với các hiện tượng vật lý và sinh học, bất cứ sự nỗ lực nào nhằm thẩm tra có hệ thống về những khái quát hóa hiện có hay hướng đến phát hiện và kiểm chứng những khái quát hóa mới, vì lý do nào đó không thể giải thích được, là vô ích, hay như TS. Radin nói là “đòi ăn gan trời”. Việc tranh luận chống lại một luận điểm như thế là vô ích hay quả thực là không thể được.

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

Dịch xong ngày 31 tháng 8 năm 2009

 


Nguồn: A. R. Radcliffe-Brown. 1965. Structure and Function in Primitive Society. New York: The Free Press, pp. 178-187.



[1]  Sự nhấn mạnh đến dạng chính xác của hệ thuật ngữ này cũng chỉ nhằm làm bật lên sự loại suy (tương đồng). Tôi không phản đối việc sử dụng thuật ngữ chức năng trong sinh lý học để biểu thị cả sự hoạt động của một cơ quan lẫn những kết quả của hoạt động ấy trong việc duy trì sự sống.

[2] Sự đối lập, tức là sự đối kháng được tổ chức và được điều hành, đương nhiên là một đặc trưng thiết yếu của mọi hệ thống xã hội.

[3] Đối với cái ở đây được gọi là “mất kỷ cương” thì Durkheim dùng thuật ngữ “vô tổ chức” (Latinh: anomia; Pháp: anomie). Điều này, theo tôi, là không thích hợp. Sức khỏe và bệnh tật, kỷ cương và mất kỷ cương, là những thuật ngữ có quan hệ một cách thiết yếu.

[4] Về đại thể, bản thân tôi đồng ý với những phê phán của Roger Lacombe (La Méthode Sociologique de Durkheim/ Phương pháp xã hội học của Durkheim) về lý thuyết tổng quát của Durkheim về bệnh học xã hội, và với những phê phán về cách xử lý của Durkheim về hiện tượng tự tử do Halbwachs trình bày (Les Causes du Suicide / Những nguyên nhân của hiện tượng tự tử).

[5] Chẳng hạn, xem Nền Cộng hòa của Plato, quyển IV.

[6] Để tránh hiểu lầm, có lẽ ta cần phải quan sát thấy rằng sự phân biệt này về tình trạng xã hội có kỷ cương với tình trạng xã hội mất kỷ cương không mang lại cho ta bất cứ sự đánh giá nào về các xã hội này như là “tốt” hay “xấu”. Một bộ lạc man dã thực hành chế độ đa thê, tục ăn thịt người và thuật phù thủy có thể cho thấy một mức độ cao của sự thống nhất chức năng hay sự nhất quán hơn so với nước Mỹ năm 1935. Sự phán đoán khách quan này, buộc phải như vậy nếu nó mang tính khoa học, là cái gì đó rất khác với bất cứ phán đoán nào khẳng định rằng với hai hệ thống xã hội ấy, xã hội này là tốt hơn, đáng mong muốn hơn hay dễ chấp thuận hơn xã hội kia.

[7] Tôi không thấy có bất cứ một lý do nào tại sao cả hai loại nghiên cứu – nghiên cứu chức năng và nghiên cứu lịch sử - không thể được triển khai trong sự hài hòa hoàn hảo. Thực vậy, suốt bốn năm, tôi dạy cả môn nghiên cứu lịch sử và địa lý về các dân tộc dưới tên gọi là môn dân tộc học (ethnology) trong sự liên đới gần gũi với khảo cổ học, lẫn môn nghiên cứu chức năng về các hệ thống xã hội dưới tên gọi là nhân loại học xã hội (social anthropology). Tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều bất lợi khi trộn lẫn hai bộ môn lại với nhau và lẫn lộn chúng. Xem “The Methodes of Ethnology and Social Anthropology/ Các phương pháp của tộc người học và nhân loại học xã hội” (South African Journal of Science, 1923, tr. 124-47).

[8] Primitive Society / Xã hội nguyên thủy, tr. 441. Một phát biểu ngắn gọn về quan điểm này là đoạn văn sau đây trong ‘The Concept of the Guardian Spirit in North America / Khái niệm về Linh hồn Hộ mệnh ở Bắc Mỹ’ (Memoirs, American Anthropology Association, 29, 1923) của TS. Ruth Benedict: “Theo tôi, sự kiện cơ bản của bản tính người chính là con người đã xây dựng nên văn hóa của mình từ những yếu tố rời rạc, bằng cách nối kết  và tái nối kết chúng lại; và chừng nào ta còn chưa từ bỏ sự mê tín rằng kết quả [của việc xây dựng ấy] là một cơ thể được quan hệ với nhau về mặt chức năng, ta sẽ không thể nào xem xét đời sống văn hóa của ta một cách khách quan hay kiểm soát những biểu hiện của nó”. Tôi nghĩ rằng có lẽ cả Giáo sư Lowie lẫn TS. Benedict, vào lúc ấy, ắt sẽ không bảo vệ quan niệm này về bản tính của văn hóa.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

tran huu sơn - 05:17 30/01/2018
bài hay
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt