Việc Heidegger phê phán thuyết Descartes
ABRAHAM MANSBACH (Ben-Gurion University of the Negev) ĐINH HỒNG PHÚC dịch
Abraham Mansbach. 1999. "Heidegger's Critique of Cartesianism," Paideia Proceedings of the XX World Congress of Philosophy (Ấn bản điện tử: http://www.bu.edu/wcp/Papers/Cont/ContMans.htm). Bản dịch tiếng Việt công bố lần đầu trên http://triethoc.edu.vn
TOÁT YẾU: Heidegger là một trong số rất ít các nhà tư tưởng Tây phương thành công trong việc vượt qua truyền thống triết học Tây phương. Vì người ta tin là sự phê phán triệt để của ông đã tạo nên những nền tảng của triết học hiện đại, suy tưởng của ông thường là tâm điểm của cuộc tranh cãi giữa những người bảo vệ truyền thống và những người muốn đoạn tuyệt truyền thống và khởi sự lại từ đầu. Vấn đề cốt lõi của cuộc thảo luận này, tức câu hỏi về vị trí của Heidegger trong quan hệ với truyền thống ấy nói chung và với thuyết Descartes nói riêng đã không được chú ý tới. Tôi muốn bàn vấn đề này bằng cách chú trọng vào những phương diện chủ yếu của sự phê phán của Heidegger về triết học Descartes và truyền thống thời hiện đại. Trước hết, tôi sẽ cho thấy rằng sức mạnh phê phán của ông là ở chỗ nó thâm nhập toàn diện vào những nền tảng của triết học hiện đại, xuyên qua cả dòng chảy bản thể học lẫn dòng chảy nhận thức luận. Về mặt bản thể học, Heidegger trình bày một lối phê phán về thuyết duy chủ thể; về mặt nhận thức luận, ông đánh hạ uy danh của quan niệm về sự tương ứng của chân lý và ẩn dụ thị giác nền tảng của quan niệm ấy. Tiếp đó, tôi sẽ xem xét quan niệm của ông về lịch sử và ý nghĩa của khái niệm của ông về “sự vượt qua” (overcoming) để thấy rằng mục đích của ông không phải là nhằm phá hủy truyền thống, mà nhằm cung cấp một cơ sở rộng hơn cho nó qua việc cứu vãn những yếu tố bị lãng quên đã gắn liền với chính truyền thống. Cuối cùng, tôi sẽ cho thấy trong quá trình “vượt qua” này, Heidegger thực sự không khởi đi từ truyền thống, mà hấp thu một số học thuyết cơ bản của nó, như khái niệm của ông về cái chết mang âm hưởng của các yếu tố chủ đạo của sự hoài nghi Descartes.
1. Phê phán thuyết duy chủ thể Một trong những đặc điểm chính yếu trong suy tưởng của Heidegger là việc ông phê phán tính chủ thể Descartes. Theo Heidegger, khi xem xét cái Tôi tư duy (ego cogito) như là tác nhân bảo đảm cho sự hiện hữu liên tục của chính nó và như là cơ sở của mọi vật, Descartes quy giản mọi thực thể vào các ý niệm hay các biểu tượng mà giá trị hiệu lực của nó được quy định bởi các quy tắc do cái tôi chủ thể áp đặt. Khi khảo sát các tác phẩm chính của Heidegger, người ta thấy rằng đối với ông, những khiếm khuyết này của quan niệm chủ thể luận không chỉ có mỗi Descartes. Như Heidegger thấy, quan niệm chủ thể luận được các nhân vật kiệt xuất nhất trong triết học hiện đại thừa nhận và, trên thực tế, đã hình thành nên trục truyền thống triết học hiện đại. Các nhà bình luận Heidegger thừa nhận vấn đề tính chủ thể trong suy tưởng của ông giữ một vai trò chủ chốt. Nhưng đối với Heidegger, vấn đề không chỉ là bản thân quan niệm coi con người là trung tâm. Vấn đề chính đó là lập trường của Descartes, tức là lập trường thiết định con người như là trung tâm bản thể học, đã dẫn toàn bộ triết học hiện đại đi đến thuyết duy chủ thể (subjectivism). Heidegger xem triết học hiện đại như là một nỗ lực xác lập sự hiện hữu của chủ thể mà không bàn đến câu hỏi nền tảng hơn: cái gì làm cho chủ thể ấy có thể có được. Ở đây, “chủ thể” không chỉ có nghĩa là con người, mà còn được xét theo nghĩa rộng hơn của chữ subjectum và hypokeimenon [cơ chất]. Do đó, thuyết duy chủ thể không chỉ bỏ qua bản tính của con người chưa được tra hỏi, mà còn khóa lại toàn bộ sự nghiên cứu bản thể học sâu hơn nữa và đưa triết học đến cái chết. Ta có thể thấy những nỗ lực của Heidegger trong việc giải phóng triết học ra khỏi thuyết duy chủ thể qua phép phân tích hiện tượng học của ông trong Tồn tại và thời gian và những tác phẩm ít mang tính hệ thống của ông ở thời kỳ sau. Những nỗ lực này cho thấy ông tránh việc thiết định bất cứ tồn tại nào như là một điểm tựa Archimedes (Archimedean point) cố định cho bản thể học, tức là bất cứ điểm tựa nào vừa là cơ sở cho bản thân nó lại vừa là cơ sở cho mọi vật khác. Ta hãy lược xét những tác phẩm có tính hệ hình của ông. Như ta đã biết, trong công trình gây ảnh hưởng sâu rộng của ông, Tồn tại và thời gian, Heidegger nêu ra câu hỏi về ý nghĩa của Tồn tại, và yêu sách rằng khả thể của việc nêu câu hỏi này tiền giả định sự hiện hữu của một thực thể nêu ra câu hỏi ấy. Heidegger gọi tên thực thể ấy là “Dasein”. Thuật ngữ Dasein dùng để chỉ cấu trúc con người mà sự tra vấn về Tồn tại là thiết yếu đối với nó. Dasein là nơi tỏ lộ bản thể học, là nơi Tồn tại được bộc lộ ra. Khi thiết định Dasein như là xuất phát điểm, Heidegger cho thấy ta có thể xây dựng dinh cơ triết học trên một nền tảng khác với chủ thể Descartes. Đây là nền tảng vững chắc hơn, vì nó không chứa đựng những tiền giả định nào về con người và thực tại khác ngoài khả thể của chính bản thể học: khả thể nêu ra câu hỏi về Tồn tại. Nhưng Dasein không phải là nền tảng duy nhất trong triết học của Heidegger. Trong bài giảng “Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật” (1936), Heidegger mời gọi ta “đi tìm tác phẩm hiện thực và hỏi tác phẩm rằng nó là gì và như thế nào.”[1] Ông vời gọi ta đặt câu hỏi về chân lý qua việc xem tác phẩm [nghệ thuật]”[2]. Sự hiện hữu của con người không hề là trung tâm của sự phân tích, và không hề giữ vai trò như là nguồn ý nghĩa (conduit of meaning). Tiêu điểm được dịch chuyển sang nghệ thuật và sản phẩm của nó, tức tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, trong việc giải trung tâm chủ thể người và thay thế nó bằng tác phẩm nghệ thuật, Heidegger không thiết định chủ thể thẩm mĩ như là một thực thể ưu tiên độc nhất; tức như là một subjectum. Trong bài viết “Sự vật” (1950), Heidegger khảo sát sự vật như chúng tự tỏ lộ và đưa ra một sơ đồ, “cái Bốn” (Geviert), để giải thích phương cách sự vật tự mình cấu tạo nên chính mình, mà không cần đến con người hay tác phẩm nghệ thuật để có thể tạo ra ý nghĩa. “Cái Bốn” là một sơ đồ khái niệm chứa bốn yếu tố: mặt đất, bầu trời, con người hữu tử và thần linh. Tập hợp bốn yếu tố này làm nên ý nghĩa bản thể học của từng sự vật. Mặt đất và bầu trời, đại diện cho tự nhiên, cung cấp toàn cảnh ý nghĩa trong đó mỗi vật trở thành bộ phận của một mạng lưới các quan hệ. Cái Bốn trình bày việc đi từ mô hình trong đó một thực thể riêng lẻ phát sinh ra ý nghĩa sang môi trường xung quanh nó, và qua đó tạo thành trung tâm ý nghĩa của chính nó. Cái Bốn ấy đưa Heidegger vượt ra khỏi thuyết duy chủ thể. 2. Phê phán về chân lý Phương cách khác mà Heidegger dùng để lay chuyển những nền tảng của triết học hiện đại là công kích nhận thức luận truyền thống: trực tiếp là đánh đổ quan niệm về chân lý như là sự tương ứng, gián tiếp là tháo dở ẩn dụ thị giác về chân lý. Bắt đầu với vấn đề về chân lý: quan niệm truyền thống về chân lý được dựa trên cơ sở quan niệm về con người như là những vật thụ tạo chủ yếu trên phương diện nhận thức, kẻ trình bày thế giới các vật thể bằng những ý niệm và những khái niệm được diễn đạt theo những lối khẳng định. Trong thế giới quan này, chân lý biểu thị sự tương ứng, một mặt, giữa những biểu tượng của tâm thức hay ngôn ngữ, và mặt kia, giữa những đối tượng, những sự kiện hay những sự biến trong thế giới. Heidegger lập luận chống lại quan niệm này rằng sự tương ứng như vậy không thể nào có giá trị hiệu lực, và hơn nữa, rằng chẳng ai dại gì cố thử việc ấy cả. Thay vào đó, theo ông, vì có sự tương ứng giữa những ý niệm hay những phát biểu với những đối tượng, những đối tượng trước hết phải trở nên hiển hiện. Chân lý là sự biểu hiện ra của chúng: sự khai mở hay vén mở của chúng, aletheia chứ không phải là sự tương ứng. Heidegger neo quan niệm của ông về chân lý như là aletheia trong triết học cổ đại. Ông gán khái niệm này cho các triết gia tiền-Socrates, chủ yếu cho Heraclitus, Parmenides và Anaximander, mà theo ông, họ là những người đã coi bản chất của chân lý chính là sự khai mở của các thực thể. Cùng với việc thay thế khái niệm về chân lý như là sự tương ứng bằng khái niệm về chân lý như là aletheia, Heidegger tạo ra một hệ thứ bậc của chân lý trong đó sự khẳng định – theo quan niệm truyền thống sự khẳng định này được đồng nhất với chân lý – bị hạ xuống bậc thấp nhất, còn Tồn ở bậc thứ nhất và con người ở bậc thứ hai. Trong quan niệm của Heidegger, vì các tồn tại (beings) là được biểu hiện ra, sự hiện hữu của một hậu cảnh (background) chung dựa vào đó mọi tồn tại xuất hiện ra là Tồn tại. Trong hệ thứ bậc các ý nghĩa khác nhau của chân lý, cấp độ ưu tiên, tiên khởi được dành cho Tồn tại. Cấp độ thứ hai của hệ thứ bậc này thuộc về con người, kẻ có năng lực phát hiện ra Tồn tại, vì con người có khả năng tri giác những biểu hiện của Tồn tại trong thế giới. Sự khẳng định (assertion) chiếm cấp độ thấp nhất, bởi sự kiện rằng những khẳng định có ý nghĩa và có thể đúng hay sai được dựa trên sự hiện hữu của con người, mà cấu trúc bản thể học của nó là nền tảng của lời nói khẳng định. Lý do các triết gia truyền thống không thể nhìn nhận rằng sự khai mở của các tồn tại là cơ sở của chân lý, theo Heidegger, nằm ở nguồn gốc Platon của triết học truyền thống. Heidegger cho rằng dụ ngôn của Platon về hang động trong đối thoại Cộng hòa là ở chỗ lối hiểu chân lý như là aletheia nhường chỗ cho lối hiểu chân lý như là sự tương ứng. Tôi sẽ không bàn chi tiết về phương cách Heidegger khảo sát cặn kẽ dụ ngôn về hang động, mà chỉ cho thấy mục đích của ông trong việc phá hủy ẩn dụ thị giác của truyền thống về chân lý là đánh đổ tư duy Descartes hiện đại. 3. Vượt qua thuyết Descartes Ta đã thấy rằng Heidegger phê phán điểm cốt lõi của thuyết Descartes và thời hiện đại, đánh đổ cơ sở bản thể học, khái niệm về chân lý và ẩn dụ trung tâm của chúng. Nhưng ta không nên xem sự phê phán này có mục đích phá hủy truyền thống. Trái lại, nó có ý định mở rộng cơ sở của nó. Như ta đã biết, Heidegger mô tả quan hệ của ông với truyền thống bằng những từ ngữ mạnh mẽ Destruktion [hủy tạo], Abbau [tháo dở], Verbindung [hợp nhất] và Uberwindung [vượt qua].[3] Những chữ này không cùng nghĩa với chữ Aufhebung [phủ định, thải hồi, vượt qua] của Hegel. Đối với Heidegger, việc vượt qua (overcoming) không phải là một sự vận động tiến lên phía trước ở đó cái không tương thích bị bỏ lại đằng sau và nó không chứa đựng ý niệm về sự tiến bộ. Mục đích của Heidegger không phải là phá hủy truyền thống mà là mở rộng truyền thống và lý giải lại những học thuyết chính yếu của truyền thống trong ánh sáng của cái, theo ông, đã bị xóa bỏ với tính cách là truyền thống được tạo thành. Thái độ của Heidegger đối với truyền thống có quan hệ mật thiết đến quan niệm của ông về lịch sử. Theo những thức nhận của Hegel và khái niệm đặc sắc Nietzsche về “[loại hình] lịch sử tượng đài” (monumental history), Heidegger xem Lịch sử như là sự biểu hiện của Tồn tại thông qua những hành vi của con người. Ông xem các tác phẩm thi ca và các nhà tư tưởng, các tác phẩm nghệ thuật, văn chương và triết học, gồm cả thuyết Descartes, như là những kết nối trong chuỗi Lịch sử. Do đó, mục đích của Heidegger trong việc phê phán truyền thống càng không đặt nặng vào việc cho thấy rằng Descartes và thuyết Descartes đã sai trong việc biến con người thành chủ thể và thành trung tâm độc nhất của ý nghĩa, mà đúng hơn nhằm phục hồi cho truyền thống những yếu tố quan trọng mà ông tin là nó đã bị lãng quên. Chủ thể Descartes không thể bị phá hủy, bởi lẽ nó là sản phẩm của lịch sử và là sự vén mở của Tồn tại. Chính trong tinh thần ấy, ta phải xem xét cách xử lý của ông về chủ thể và chân lý. Trong việc giải trung tâm chủ thể, Heidegger không cố phá hủy ý niệm về một nền tảng, như có thể đã được giả định từ một số phát triển hậu hiện đại nào đó. Ông không chủ trương một đám đông thuần nhất mà không có sự dị biệt hóa nào hay một dòng thực tại Dionysus (Dionysian flow of reality). Vì ông không loại bỏ sự dị biệt giữa bản thân những cái tồn tại hay giữa những cái tồn tại (beings) với Tồn tại (Being), đúng hơn, ông mang sự dị biệt ấy ra tiền tuyến của cuộc tranh luận bản thể học. Heidegger từ bỏ khái niệm hiện đại về chủ thể, nhưng không từ bỏ ý niệm rằng mỗi thực thể là một trung tâm ý nghĩa. Vì, theo Heidegger, mỗi thực thể tạo ra một mạng lưới ý nghĩa bao quanh nó, nó ban ý nghĩa cho thế giới của nó. Trong một phát biểu, gợi nhớ đến bàn luận của Aristoteles về bản thể tiên khởi trong Các phạm trù, Heidegger nói rằng: “đất đá, cỏ cây, chim thú là những chủ thể - cái gì đó tự nó tỏ lộ ra - không kém gì so với con người.”[4] Về chân lý, Heidegger thực sự không phủ nhận sự tương ứng giữa ngôn ngữ và thế giới, giữa những phán đoán và những sự kiện; ông không phủ nhận tri thức khoa học. Ông chỉ tra vấn sự biện minh của nó. Ông ngạc nhiên: Vì cả hai yếu tố cấu thành của quan hệ này đều nằm trong sự tương ứng chứ không đồng nhất, nên phải có cái gì đó nhờ đó chúng mới tương ứng nhau được, cái gì đó làm cho sự tương ứng có thể có được. Vì thế, ông hỏi: Làm thế nào sự tương ứng có thể có được? Câu hỏi này ngụ ý rằng còn hơn cả việc phủ nhận sự tương ứng, ông cố tìm đến ngọn nguồn của cái làm cho sự tương ứng có thể có được. Mục đích của Heidegger là cứu vãn những phương diện này của truyền thống, cái mà hầu hết các triết gia hiện đại bỏ qua hay quên lãng. Như Heidegger nhìn nhận, truyền thống thời hiện đại được kiến tạo bởi “việc lãng quên” những phương diện quan trọng trong ngữ liệu triết học (philosophical corpus). Sự lãng quên này có thể được hiểu là một bước đi cần thiết trong việc định hình truyền thống. Nghĩa là, lãng quên là một phần không thể thiếu của tiến trình chuẩn tắc hóa. Nhưng Heidegger nhắc nhở ta rằng bộ phận ấy của truyền thống còn lãng quên cả chính sự lãng quên. Heidegger tìm cách mở rộng cơ sở của truyền thống bằng cách cứu vãn những gốc rễ Hy Lạp đã bị lãng quên của nó. Đối với ông, triết học Hy Lạp có hơn một nguồn suối để khơi dòng ở đó truyền thống đã trệch ra khỏi lối đi mà ông tin là đúng đắn. Như ông nhìn nhận: “Bản thể học thời cổ đại … về căn bản không phải là thiếu tầm quan trọng và không thể nào bị vượt qua [überwinden], bởi lẽ nó trình bày bước đi cần thiết đầu tiên mà bất cứ một nền triết học nào về cơ bản đều phải tiến hành, sao cho bước đi này luôn phải được lặp lại bởi bất cứ nền triết học hiện thực nào.”[5] Thế nhưng khi nhấn mạnh nhu cầu cần có sự bao gồm sử tính (historical inclusiveness), Heidegger phơi bày tác phẩm triết học của chính ông ra trước câu hỏi: bản thân nó có bao gồm thỏa đáng hay không. Heidegger bị giới hạn bởi quan niệm Khai minh rằng nền triết học và văn hóa Tây phương khởi sinh ở người Hy Lạp. Cùng với những nhà tư tưởng Khai minh, Heidegger bỏ qua những nguồn gốc tiền-Hy Lạp của tư duy Tây phương, cái được thừa nhận là đi trước kỷ nguyên thời hiện đại. Cùng với họ, ông quên rằng nền văn minh Hy Lạp cổ đại là một bức tranh khảm các nền văn hóa xuất xứ từ Viễn Đông, châu Phi và châu Á – dấu tích của những nền văn hóa ấy được để lại qua những cuộc xâm chiếm và những cuộc di dân. Ông quên rằng triết học Hy Lạp cổ đại là sản phẩm của những chúng khi chúng đan xen vào nhau và trộn lẫn với tư tưởng người Hy Lạp bản địa. Việc ông bỏ qua những nguồn gốc tiền-Hy Lạp của triết học dứt khoát đặt ông vào truyền thống mà ông muốn vượt qua. Nó đặt ông vào tri giác Khai minh rằng khởi điểm của triết học Tây Phương nằm ở bước chuyển từ mythos sang logos đã diễn ra cùng với triết học Hy Lạp. Chính theo nghĩa này mà Heidegger gắn chặt với mô hình hiện đại, trong đó sự quy chiếu tới những nền văn hóa sớm hơn bị bài trừ, rõ ràng là vì chúng được coi là nền văn hóa huyền thoại hay tiền-lý tính (phi lý tính). Chắc chắn, Heidegger cũng đào sâu vào tư duy tiền-Socrates và tư duy huyền thoại của Heraclitus và Parmenides, và có những mô-típ huyền thoại và thậm chí là thần bí trong diễn ngôn triết học của chính ông. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ông chấp nhận lập trường phi-duy lý, mà trái lại ông cố gắng mở rộng khái niệm của thuyết duy lý, là thuyết đã và đang lây lan ở thời hiện đại, và bắt cầu cho những lĩnh vực đã trở nên không thể so sánh với nhau được. Heidegger không phê phán bản tính nhận thức của chủ thể Descartes từ viễn tượng phi-duy lý. Khi thiết định Dasein như là khởi điểm cho phân tích của mình, Heidegger không phủ nhận ưu thế của sự nhận thức. Một đặc điểm căn bản của Dasein là việc nó đặt câu hỏi, và đây là cơ sở của nhận thức. Dasein là cái tồn tại duy nhất hỏi “tại sao lại là có mà không phải là không có cái gì.” Điều này cho ta thấy rằng nó có [năng lực] hiểu về Tồn tại. Theo Heidegger, vấn đề quan niệm của Descartes và toàn bộ truyền thống là ở chỗ chúng hướng nhận thức vào phương pháp. Nhận thức như là phương pháp chuyển tải bản tính thực (real nature) không phải của con người cũng không phải của triết học. Heidegger phân biệt giữa nhận thức phái sinh từ cái ông gọi là “tư duy tính toán” với nhận thức có nguồn gốc từ cái ông gọi là “tư duy suy niệm”. Chính tư duy suy niệm là tư duy phù hợp với triết học. Như ông nói: “con người là một tư duy, nghĩa là một tồn tại đang suy niệm.”[6] Trong khi Heidegger thừa nhận rằng tư duy là cái căn bản nơi con người, thì ông tin rằng có cái gì đó căn bản hơn “cogito” [cái Tôi tư duy] của Descartes: “Siêu hình học xem con người như là con vật, tức như là một sinh thể. Ngay cả khi ratio [lý tính] thâm nhập khắp animalitas, tồn tại của con người, vẫn được định nghĩa bằng đời sống và kinh nghiệm sống. (PLT 179). Nói cách khác, ông xem quan niệm Descartes về con người là chưa hoàn chỉnh. Thế nhưng, trong khi hết sức nỗ lực thay đổi khái niệm Descartes về con người, Heidegger đã hấp thu những yếu tố quan trọng trong tư duy của Descartes. Ta có thể thấy điều này qua việc xem xét vai trò của tính hữu hạn trong quan niệm của Heidegger về con người trong quan hệ với sự hoài nghi Descartes. 4. Về sự hoài nghi và cái chết Từ Tồn tại và thời gian đến các công trình thời kỳ sau, Heidegger coi luân lý như là đặc trưng minh định của con người. Trong Tồn tại và thời gian, Heidegger lập luận rằng cốt lõi của lối ứng xử đích thực, là cái bộc lộ Tồn tại và cá thể hóa sự hiện hữu của con người nằm ở chỗ tồn-tại-hướng-đến-cái-chết (being-toward-death) đích thực. Dasein không phải là cứ sở của sự hiện hữu của nó, mà là cứ sở của cái “không” (“not”). Vì Dasein cá thể hóa bản thân nó bằng việc lựa chọn giữa những khả thể của nó. Thế nhưng, trước mỗi sự lựa chọn, Dasein thủ tiêu tất cả mọi khả thể khác, vì nó chỉ có thể lựa chọn một khả thể mà thôi. Sức mạnh và năng lực tồn tại của nó chủ yếu là sức mạnh không tồn tại. Đó là cứ sở của tính vô hiệu lực (Nichtigkeit). Cái không là một khả thể được cắm rễ trong sự cấu tạo phổ sinh của Dasein, vốn là cái làm cho chúng có thể có được, chứ không phải là sự phủ định các sự vật: nó cho phép chúng tự xuất hiện ra như là chúng đang tồn tại tự thân. Trong các bài viết thời kỳ sau (chẳng hạn như trong bài “Sự vật”), Heidegger dùng thuật ngữ “những kẻ hữu tử” (mortals) để chỉ con người. Khái niệm “những kẻ hữu tử” ngụ ý rằng ý nghĩa của sự vật và trường ngữ nghĩa được tạo ra quanh chúng chỉ được bảo lưu trong chừng mực con người tham gia vào trò chơi mặc khải với tư cách là một tồn tại hữu tử, hữu hạn. Chính cái chết mới cho phép con người ban ý nghĩa cho sự hiện hữu của mình và cho thế giới mình sống. Sự hiện hữu của con người không phải là cứ sở (grund) của Tồn tại, mà là vực thẳm (abgrund), vốn là cái tạo ra ý nghĩa, cáí cho phép ý nghĩa nảy sinh thông qua sự hiện hữu của con người. Chính vì thế, trong khi sự hiện hữu của con người không phải là cứ sở của chính nó, đối với Heidegger, tương tự như Dasein ở thời kỳ đầu, nó là cứ sở của cái không. Vai trò của cái chết trong suy tưởng của Heidegger tương tự với vai trò của hoài nghi trong suy tưởng của Descartes. Hoài nghi Descartes nhìn chung được coi một cách đúng đắn là một cơ chế tạo ra những nguyên lý đầu tiên. Đó là một phương tiện thúc đẩy nhận thức đi đến những giới hạn của nó nhằm phát hiện ra cái không thể bị hoài nghi. Vì thế, những ý niệm này, tức là những cái có thể còn lại ngay cả trước sự hoài nghi triệt để nhất, có thể được coi là những nền tảng không thể lung lay cho triết học. Hoài nghi, do đó, là bộ phận của hành vi nhận thức, nó “về căn bản được nối kết với cái không thể hoài nghi”[7], tức là với cái xác tín. Nhưng đối với Descartes, cơ sở của hoài nghi là tính hữu hạn của con người. Trong suy niệm thứ ba, Descartes lập luận rằng nếu con người có khả năng tạo ra ý niệm về một hữu thể hoản hảo vô hạn - tức là Thượng đế - thì anh ta ắt là hoàn hảo và biết trọn về mình, không phải chịu gánh nạn hoài nghi. Nhưng rõ ràng, với tính cách là tồn tại hữu hạn, con người không thể nắm bắt được bản thể vô hạn của Thượng đế. Vì thế, sự hoài nghi, vốn là cái trước sau gì cũng dẫn ta đến sự xác tín, dựa trên tính khả tử của con người, như phương cách thực hiện của ý nghĩa nơi Heidegger. Khi phê phán quan niệm của Descartes về con người, Heidegger không hỏi cái cogito xét như là cái cogito. Như ta thấy ở trên, Heidegger coi con người là [một vật có năng lực] hiểu về Tồn tại. Luận cứ của ông, đó là coi cái ego cogito [cái Tôi tư duy] là một khởi điểm rời khỏi cái sum [tồn tại] vô định. Trong một bài giảng vào năm 1925, Heidegger nói: “Sự xác tín này, rằng “tôi tự mình tồn tại bởi lẽ tôi muốn chết”, là sự xác tín cơ bản của bản thân Dasein. Đó là một phát biểu xác thực về Dasein, trong khi đó cogito sum chỉ là sự có vẻ giống với lời phát biểu ấy. Nếu những định thức được nhấn mạnh ấy chẳng có nghĩa gì, thì sự phát biểu phù hợp về Dasein trong sự tồn tại của nó sẽ phải là sum moribundus [“Tôi tồn tại trong khi chết”], moribundus không có nghĩa là ai đó bị bệnh nặng hay bị thương nặng, mà trong chừng mực tôi tồn tại. Tôi là moribundus. Cái MORIBUNDUS trước hết ban cho cái SUM ý nghĩa của nó.[8] Với bước ngoặt này của định thức Descartes, Heidegger không cố trừ khử triết học truyền thống từ bóng ma Descartes. Trái lại, ông cố gắng chế ngự thuyết Descartes bằng cách hoàn tất sự tra vấn Descartes về con người. Tồn tại, hiện hữu, là hữu hạn, mà khả thể của cái chết, trước sau gì cũng đến, đi cùng toàn bộ những hành vi của chúng ta, kể cả hành vi suy tưởng. Với Heidegger, ý nghĩa của sum là tính hữu hạn.
[1] Heidegger M., Poetry, Language and Thought / Thi ca, ngôn ngữ và suy tưởng, New York: Harper and Row, 1971, p. 18. [2] Poetry, Language and Thought, p. 41. [3] Destruktion là thuật ngữ được Heidegger dùng trong Tồn tại và thời gian (Oxford: Basil Balckwell, 1980); Abbau có thể được tìm thấy trong Những vấn đề cơ bản của hiện tượng học của Heidegger (Bloomington: Indiana University Press, 1982); Verbindung được bàn luận chủ yếu trong “Nguyên tắc đồng nhất” trong Đồng nhất và dị biệt (New York: Harper and Row, 1969, pp. 23-41); còn Uberwindung xem công trình Nietzsche của Heidegger. [4] Nietzsche, vol. 4 p. 97. Xem những lời sau đây của Aristoteles: “cái ta gọi là bản thể theo nghĩa chặt chẽ nhất, tiên khởi nhất, và quan trọng nhất, đó là cái không được coi là thuộc về chủ thể cũng không được coi là ở trong chủ thể, như một con người hay một con ngựa chẳng hạn.” (Aristotle's Categories, 2a 11-13). [5] Heidegger, Những vấn đề cơ bản của hiện tượng học. tr.111. [6] Heidegger M., Discourse on Thinking / Bàn về tư duy. New York: Harper and Row, 1966, p. 7. [7] Nietzsche, vol. 4, p. 106. [8] Heidegger, M. History of the Concept of Time / Lịch sử của khái niệm thời gian. Bloomington: Indiana University Press, 1992, pp. 316-31 |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC