Trần Đức Thảo

Triết lý đã đi đến đâu? (Phần 1)

 

TRIẾT LÝ ĐÃ ĐI ĐẾN ĐÂU?

[Phần 01]

TRẦN ĐỨC THẢO

 

I
Căn bản thiết thực của triết lý. – Âu và Á

Triết lý là ý niệm của nhân loại, tự giác đã đi ra khỏi cách sinh sống thời đại dã man, và nhờ văn minh có nâng đời sống lên phương diện phổ biến: nghĩa là mỗi người có một nhân phẩm ai ai cũng phải công nhận không kể đến hoàn cảnh đặc biệt, nhưng chỉ vì một người là một người, có giá trị làm người.

Trong thời đại dã man, đời sống chỉ tổ chức theo từng họ và từng làng, vậy giá trị của một người không ra khỏi giới hạn hẹp hòi của huyết thống và lân ấp. Nhưng dần dần lực lượng sản xuất bành trướng, tăng gia nông vật và công phẩm, triển khai giao dịch: đời sống càng ngày càng ra ngoài cái khuôn khổ chặt chẽ của họ và làng, vậy dần dần đã thực hiện một ý nghĩa phổ biến.

Nhân phẩm mới đầu tiên xuất hiện trong một vài người có đủ năng lực độc chiếm và phòng thủ những tài sản mới, gây nên một đời sống chủ quan, có giá trị đối với hết thiên hạ. Đó là chế độ phong kiến, bảo đảm cho một nhóm đại điền chủ một địa vị tuyệt đối, bằng cách áp phục nông phu. Hạng này đã mất đi những quyền tự do mà trước kia được hưởng trong xã hội dã man, và đã biến đổi thành nô lệ. Giữa các chủ nhân thì chưa có dây liên quan thiết thực, trừ một vài tục lệ nghĩa hiệp duy tâm, tiêu biểu cho thế lực quân hoành: nhưng mỗi bên bao giờ cũng sẵn sàng tranh đấu sống chết. Vậy mỗi chủ nhân đã thực hiện ý nghĩa phổ biến trong đời sống cá nhân. Nhưng đại đa số lại biến thành nô lệ, nghĩa là mất hết tính cách nhân loại.

Đồng thời lực lượng mới phát triển. Nhờ công nghiệp và thương mại, nẩy ra một số người làm nguồn cho giai cấp trưởng giả sau đây, tạo tác những điều kiện thực tế để ra khỏi giới hạn chật hẹp của đời sống trong thái ấp, và bước lên một trình độ cao hơn, thực hiện để cho toàn thể dân chúng giá trị và nhân phẩm phổ biến trong phạm vi quốc gia.

Các thái ấp không thể nào duy trì tự chủ giữa sự giao dịch càng ngày càng nhiều và càng rộng. Giai cấp trưởng giả phát sinh trong xã hội phong kiến, lúc bành trướng lại phá bỏ cái xã hội ấy, và thiết lập một đời sống mới dựa vào chính thể quốc gia. Những lực lượng sản xuất mới làm những cổ tục bản địa phải lùi trước luật pháp, do quyền thế tuyệt đối của chính phủ quốc gia bảo đảm. Vậy mỗi cá nhân đã trở lên phương diện phổ biến, nghĩa là thực hiện một nhân phẩm toàn thể xã hội công nhận, vì mỗi hành vi, xuất hiện trong phạm vi luật pháp, tự nhiên có giá trị đối với toàn thể xã hội, và thực thể của xã hội cũng chỉ là những hành vi của cá nhân trong phạm vi luật pháp.

Trong lịch sử nhân loại, Ai Cập và Lưỡng Hà Địa đã quá thời đại phong kiến, và đã bước tới chính thể quốc gia từ Thiên niên kỷ thứ ba trước Gia tô. Nhưng đó là sự biến chuyển đặc biệt của hai xứ ấy. Đứng về phương diện hoàn cầu, chính thể quốc gia xuất hiện vào giữa Thiên niên kỷ thứ nhất trước Gia tô. Trung Hoa trải qua thời đại Chiến Quốc, ra khỏi chế độ phong kiến và đạt tới chính thể duy nhất độc đoán của nhà Tần và nhà Hán. Đồng thời Ấn Độ, nhờ kỹ nghệ thương mại phát đạt, dần dần tổ chức từng nước quân chủ, phá bỏ những thái ấp phong kiến thiết lập từ ngày dân tộc Aryen chiếm đóng, rồi đến thế kỷ thứ ba trước Gia tô hiệp nhất dưới Đế quốc Maurya. Về phía Tây, thế kỷ thứ sáu và thứ năm là một thời đại văn minh rực rỡ. Đế quốc Ba Tư gồm được những xứ Iran, Lưỡng Hà Địa, Tiểu Á Tế Á, Ai Cập, và phần Tây Ấn Độ. Rốt cục Hy Lạp được một số thành thị phát đạt một cách lạ lùng.

Trong những nước kể trên, giai cấp trưởng giả mới đã bảo đảm quyền lợi công nghiệp và thương mại bằng cách ủng hộ một nhà nước phong kiến chiến thắng những nhà phong kiến khác và đặt một chế độ quân chủ độc đoán. Nghĩa là hạng trưởng giả ngày ấy, vì chưa đủ lực lượng để chi phối xã hội, phải dùng đến chính quyền tuyệt đối của nhà vua để cấm chế bọn đại điền chủ và thiết lập một pháp chế phổ biến ai ai cũng phải công nhận để dễ đường lối buôn bán. Vậy những quyền lợi kinh tế trưởng giả đã thực hiện bằng cách hy sinh tự do chính trị và tư tưởng. Đặc biệt là xứ Hy Lạp chia ra từng thành thị độc lập, địa phận rất nhỏ, nhưng cực kỳ phú cường, đã được một giai cấp trưởng giả có đủ lực lượng để thống trị xã hội, vậy ra khỏi chế độ quân chủ và hưởng tự do chính trị và tư tưởng trong chế độ cộng hòa dân chủ.

Sự thiết lập chính thể mới là do ở một cuộc cách mệnh đầy ý nghĩa, biểu hiện trong một số chủ nghĩa trọng yếu, những chủ nghĩa này làm nguồn cho đời sống tinh thần của nhân loại văn minh. Trung gian Thiên niên kỷ thứ nhất trước Gia tô là thời đại tự giác của nhân loại, sự tự giác đó biểu lộ những lực lượng sản xuất mới nảy nở trong xã hội phong kiến, đưa đời sống nhân loại ra khỏi giới hạn tự nhiên và trực tiếp của huyết thống và thái ấp, và nâng lên trình độ duy tâm phổ biến. Trung Hoa có Lão tử và Khổng tử (thế kỷ thứ sáu và thứ năm), Ấn Độ có Phật Thích Ca (thế kỷ thứ năm), Ba Tư có Zoroastre (thế kỷ thứ sáu). Hy Lạp có Socrate và Platon (thế kỷ thứ năm và thứ tư) và rất nhiều nhà triết học đại tài. Bấy nhiêu bậc hiền nhân cùng nhận cái ý nghĩa mới trong đời sống thiết thực, nhưng hiểu theo mỗi hoàn cảnh thiết thực.

Lão tử dùng nhữn quan niệm phù thủy, do thời đại khuyết sử truyền lại, để sáng tạo một thần thuật nâng hiền nhân lên một phương diện tự chủ hoàn toàn. Nhờ cách đồng hóa với sinh lực của Tự nhiên, cá nhân sẽ hưởng được một sức mạnh tuyệt đối và bất tử. Đạo giáo tiêu biểu cho hạng nông phu, hiểu đoán trong phạm vi nông nghiệp, theo cái kinh nghiệm của một đời sống trực tiếp với sinh khí tự nhiên của cây cỏ và động vật, những ý kiến phổ biến của xã hội mới.

Khổng giáo thì tiêu biểu cho hạng tiểu phong kiến, tìm cách nâng cao những quan niệm quân tử nghĩa hiệp, những lễ nghi cựu truyền, xuất hiện từ đời thượng cổ trong phạm vi thái ấp, bây giờ phải phục hưng trong phạm vi phổ biến, để thống trị những lực lượng công nghệ và thương mại đương phát triển. Vậy vẫn phải dùng phương tiện cũ để giải quyết vấn đề mới, và nói rằng những lễ nghi cựu truyền và những quan niệm quân tử không có giá trị trước pháp luật phổ biến, do quyền tuyệt đối của chính thể quốc gia thiết lập và bảo đảm. Phái này tiêu biểu cho giai cấp trưởng giả ủng hộ quân chủ để chống phong kiến, vậy bị những người tiêu biểu cho phong kiến phản đối. Một hôm, nhà vua ra lệnh đúc một số nồi lớn bằng sắt rồi khắc những hình luật vào đấy, có ý tỏ rằng người nào phạm tội thì sẽ bị đun sôi. Mấy cái nồi ấy biểu thị ý chí của toàn xã hội, vì cái sắt dùng để đúc là do toàn thể dân chúng mỗi người góp vào một phần. Nghĩa là quyền lợi cá nhân đã hết giá trị trước ý chí phổ biến của xã hội, không kể đến địa vị đặc biệt của từng người. Nhưng Khổng tử tỏ ý bất bình, nói rằng như vậy thì dân chỉ biết mấy cái nồi đó và hết phục tòng mấy người quý tộc. Phái Pháp học được ảnh hưởng trong lúc thiết lập chính thể quốc gia. Nhưng sau khi quân chủ đã thắng, giai cấp trưởng giả Trung Hoa lại hết tư tưởng cách mệnh, vì không có đủ lực lượng để đi xa hơn và gánh lấy trách nhiệm chi phối xã hội. Vậy chế độ quân chủ lại quay về bọn phong kiến và phục hưng những quan niệm quân tử cựu truyền.

Vì công nghiệp và thương mại Á Đông không chủ quan hoàn toàn những lực lượng nông nghiệp, do bọn phong kiến thống ngự, ý nghĩa phổ biến của đời sống trưởng giả chỉ tự giác một cách tiêu cực trong Phật giáo. Các hành động của giai cấp trưởng giả đã làm cho đời người ra khỏi cái vòng trực tiếp của đời sinh sống tự nhiên còn duy trì trong nông nghiệp. Vì ý nghĩa một sản vật chỉ là thực hiện một số tiền, vì trong lúc buôn bán chỉ để ý đến số tiền ấy, vậy các thực thể đã mất đặc tính tự nhiên và chỉ xuất hiện dưới hình thức phổ biến, là giá tiền mà toàn thể công chúng công nhận: từ đấy, mỗi đời sống cá nhân xếp đặt theo một cách có giá trị đối với toàn thể xã hội, nghĩa là thực hiện một ý nghĩa duy tâm, đưa đời người ra khỏi những điều kiện đặc biệt của mỗi hoàn cảnh vật chất. Nhưng vì thiếu phương tiện để biểu lộ và bảo đảm cái ý nghĩa đó một cách thiết thực, cá nhân lúc bãi bỏ những giới hạn tự nhiên và trực tiếp của vật thể và trở nên phương diện phổ biến, thì lại chỉ thấy cái sự bãi bỏ ấy, nghĩa là hư không trên cõi Niết bàn.

Văn minh Á Đông không có bày tỏ ý nghĩa phổ biến một cách tích cực, vì đời sống không chủ quan những điều kiện tự nhiên một cách thiết thực. Trái lại, văn minh Âu Tây có tính cách phân ly đối với những điều kiện tự nhiên.

Nguồn gốc là Hy Lạp thượng cổ đã được một giai cấp trưởng giả có đủ năng lực để thực hiện đời sống mới một cách hoàn hảo và tự chủ. Dân tộc Hy Lạp đã được cái hạnh phúc ra khỏi chế độ dã man một cách dễ dàng, và đã được hưởng những thành tích của công trình khó nhọc của Ai Cập và Lưỡng Hà Địa đã gây nên hình thức nguyên thủy của đời sống văn minh. Vậy Hy Lạp đã được hưởng văn minh một cách tự nhiên, và nhờ sự bành trướng vĩ đại của lực lượng công nghệ và thương mại trong những địa phận rất nhỏ của các thành thị độc lập, ý nghĩa phổ biến của xã hội mới đã thực hiện một cách tích cực trong đời sống hàng ngày của mỗi công dân. Từ đấy nẩy ra chế độ dân chủ trực tiếp, cho mỗi công dân từ trẻ đến già chỉ chuyên tâm làm việc chính trị, đi dự đại hội đồng và các ban chuyên trị, lúc chiến tranh thì nhập vào bộ đội, vì bộ đội là sự biểu tình của xã hội. Vậy đời sống chỉ xuất hiện trong phạm vi ý niệm phổ biến, mỗi cử chỉ thực hiện một ý nghĩa có giá trị đối với toàn thể dân chúng, vậy thực thể đã mất cái hình thức tự nhiên trong cảm giác cá nhân, và chỉ tồn tại trong ý niệm phổ biến của toàn thể xã hội.

Vì vậy Socrate và Platon tiêu biểu cho văn minh thành thị Hy Lạp, ráng sức ra khỏi phạm vi cảm giác tự nhiên và tìm cái chân lý của thực thể hữu hình trong một giới siêu nhiên, là giới Ý niệm. Vật giới chỉ là một dòng biến chuyển vô lý và bất định, vậy sự tồn tại chân thực chỉ có ở trong Ý niệm. Ví dụ như con ngựa chân thực không phải là con ngựa hữu hình ta trông thấy trước mắt, nhưng là con Ngựa bản tính. Ý niệm Ngựa trên Lý giới. Vì lúc ta định nghĩa và nói chuyện về con ngựa thì ta chỉ thị tất cả các con ngựa chứ không phải riêng con ngựa đặc biệt mà ta trông thấy trước mắt. Vậy con ngựa mà ta nghĩ đến là con Ngựa phổ biến, Ý niệm ngựa, và nếu những con ngựa hữu hình ta trông thấy có tính cách ngựa, đó chỉ là nhờ Ý niệm ngựa : vì nếu không có Ý niệm ngựa thì không ai có thể biết rằng con vật này chính là con ngựa. Một người đẹp không phải là vì cái hình dáng đặc biệt trong cảm giác, nhưng chỉ vì Ý niệm đẹp, cá Đẹp phổ biến trên Lý giới siêu nhiên. Vì nếu ta chưa hiểu biết một cách phổ biến, theo ý niệm, cái đẹp là gì, thì ta cũng không biết được rằng người này đẹp, vì trông thấy cái vật thể đó ta không có cách gì mà nhìn nhận rằng đó là một người đẹp.

Rõ ràng đó là một triết thuyết tiêu biểu cho đời sống văn minh tỉnh thành; những vật thể chỉ có ý nghĩa trong sự mua bán, chế nhạo và bình phẩm, nghĩa là trong những cử chỉ của một dân tộc đã mất dây liên quan với Tự nhiên, và chỉ sống một đời sống nhân vi theo ý niệm phổ biến. Nhờ những ý niệm này, mỗi sự biến xuất hiện dưới một hình thức có giá trị đối với toàn thể xã hội. Nghĩa là thực thể bây giờ đã có tính cách duy tâm, định nghĩa bằng ý niệm, ngoài hết cảm giác tự nhiên. Nghĩa là đời sống đã biến đổi thành trừu tượng, phân ly một cách hoàn toàn nhân loại và tự nhiên, chính sự phân ly đó đã biểu lộ trong triết thuyết duy tâm của Platon.

Chủ nghĩa ý niệm đã trải một màu vĩnh viễn lên tư tưởng trưởng giả Âu Tây. Vì tuy cái nguyện vọng của nhà triết học đi sau Platon là trở lại trần gia và đạt tới vật thể, nhưng những vật thể đó bao giờ cũng hiểu trong phạm vi ý niệm. Tư tưởng Âu Tây đã quên hẳn cái dây liên quan giữa nhân loại và Tạo hóa, tinh thần và vật chất trong đời sống thiết thực. Lúc nói đến thực thể thì lại hiểu là ý niệm thực thể, nói đến cảm giác thì hiểu là ý niệm cảm giác, vì vậy không bao giờ giải thích được tại sao vật sinh tâm, cảm giác biến đổi thành ý niệm trong đời sống nhân loại: vì tất nhiên ý niệm vật thể hoàn toàn mâu thuẫn với ý niệm ý niệm. Nghĩa là bao giờ cũng đứng vào phương diện phân ly trừu tượng, lấy ý niệm mà thế vào thực thể, và lý luận trong phạm vi ý niệm, không bao giờ trực tiếp với thực thể, vậy không thể nào giải quyết những sự mâu thuẫn giữa các ý niệm. Chính sự trực tiếp cũng lại hiểu theo ý niệm trực tiếp, ý niệm này hoàn toàn mâu thuẫn với ý niệm lý luận gián tiếp, thành ra vẫn không có cách giải thích vì sao từ trình độ trực tiếp tự nhiên, nhân loại sáng tạo ra những phương pháp duy lý.

Những mâu thuẫn ấy do ở đời sống thiết thực của giai cấp trưởng giả Âu Tây, bành trướng rực rỡ trong đời thượng cổ, đến đời trung cổ thì dựa vào quyền thế của giáo hội để duy trì những thành tích của văn minh thượng cổ, rồi sau phục hưng và phát triển trên khắp hoàn cầu, cho đến thế kỷ thứ mười chín là lúc bắt đầu đi vào thời đại trụy lạc. Trong cuộc bành trướng, trưởng giả Âu Tây gây nên một đời sống trừu tượng, bằng cách chế tạo những điều kiện sinh sống theo ý niệm nhân vi, kiến thiết một xã hội tương phản với tự nhiên. Sự tương phản này biểu lộ trong cách tư tưởng duy tâm trừu tượng và trong khoa học chính xác, dùng những ý niệm hoàn toàn phổ biến và khách quan, độc lập đối với cảm giác, hình tượng và hoàn cảnh đặc biệt của mỗi cá nhân. Chính khoa học và cách tư tưởng đó, chủ nghĩa Ý niệm của Platon đã khai thủy một cách vĩ đại.

Đó là chỗ xung khắc với Á Đông, vì tư tưởng Á Đông không bao giờ phân ly tinh thần và vật thể, ý niệm và cảm giác, lý thuyết và thực tế, nhân loại và Tạo hóa. Trưởng giả Á Đông từ đời thượng cổ chưa lúc nào có đủ năng lực để tiêu diệt bọn phong kiến và chỉ huy xã hội để kiến thiết một đời sống hoàn toàn phổ biến. Vậy ý nghĩa nhân loại vẫn căn cứ trực tiếp vào những điều kiện tự nhiên và cụ thể, biểu lộ trong cảm giác và hình tượng chủ quan. Vì sự phân ly không có trong đời sống thiết thực, tư tưởng cựu truyền của Á Đông không có tính cách khoa học khách quan chính xác, nhưng cũng từ đó mà tránh được những sự mâu thuẫn giữa ý niệm trừu tượng.

Trưởng giả Âu Tây, vì đã rời tự nhiên, thành công trong việc sản xuất những điều kiện sinh sống bằng cách khoa học duy lý và tạo tác một thế giới nhân vi có ý nghĩa phổ biến. Nhưng cái ý nghĩa ấy lại thiết lập ngoài cái đời sống tự nhiên và trực tiếp, vậy cá nhân tuy bắt buộc phải công nhận nhưng không thể nào tự nhận và hưởng thụ một cách thiết thực. Ý thức trưởng giả không ra khỏi cái vòng duy tâm trừu tượng vì địa vị và nhiệm vụ trong xã hội chỉ là tiền đồ kế hoạch và chỉ huy công việc chứ không bao giờ làm việc vật chất, mà lại quên rằng những kế hoạch đó nếu được thực hiện cũng là nhờ công lao của giai cấp bị áp phục và bóc lột, nô lệ đời xưa hay vô sản đời nay. Chính công lao vật chất đó là dây liên quan thiết thực giữa thực thể tự nhiên và ý nghĩa phổ biến. Nhưng vì muốn giữ quyền lợi đặc biệt và biện chính địa vị thống trị trong xã hội, giai cấp trưởng giả không bao giờ nhìn nhận cái dây liên quan đó. Nghĩa là chỉ thấy sự phá bỏ vật thể tự nhiên chứ không hiểu rằng cái dây của sự phá bỏ ấy cũng là ở vật thể mà ra, vì công lao sản xuất chỉ là một cách biến chuyển của vật thể. Vậy những ý nghĩa văn minh tất nhiên xuất hiện trước ý thức trưởng giả dưới hình thức trừu tượng, tương phản với tự nhiên.

Tinh thần duy tâm là do ở điều kiện sinh sống của giai cấp trưởng giả; vì muốn dễ bóc lột và áp phục giai cấp lao động thì phải chối cãi và phủ định cái công phu thiết thực của họ, và đặt ý nghĩa của đời sống trên một giới siêu nhiên, là giới Ý niệm. Từ đấy nẩy ra vấn đề cốt yếu của triết lý Âu Tây: tại sao thực thể lại có ý nghĩa, mà  vì sao cá nhân, là một thực thể giữa vô số thực thể khác, lại có giá trị phổ biến, nghĩa là giá trị đối với hết cả thiên hạ?

Đời sống đã đặt ngoài tự nhiên, giai cấp trưởng giả không thể nào tự nhận và hưởng thụ một cách thiết thực và cụ thể cái chân lý của những sản vật chế tạo theo ý niệm phổ biến, nhưng sự thực vẫn là căn cứ vào tự nhiên. Vì vậy mà các nhà triết học cố tìm một con đường duy tâm để thực hiện trong tinh thần sự hưởng thụ đó. Phương tiện phổ biến thường dùng để mở con đường ấy là ý niệm Thượng đế.

 

II
TỪ PLATON ĐẾN GIÁO GIA TÔ

Kết quả của thời đại thành thị Hy Lạp, là văn minh lan hết xung quanh Địa Trung Hải, nhưng chính vì thế lại mất cái điều hóa nguyên thủy, rồi dần dần thoái bộ.

Vì lực lượng sản xuất tràn ra khỏi giới hạn chật hẹp của thành thị, rồi đến thế kỷ thứ nhất đạt tới Đế quốc La Mã, nhưng ý nghĩa phổ biến không thể tiếp tục xuất hiện một cách tự nhiên trong đời sống hàng ngày nhưng bây giờ là nhờ ở quyền lực tuyệt đối của chính thể quân chủ cưỡng bách. Kỳ công của văn minh Hy Lạp là giữ được tính cách tự nhiên trong lúc thiết lập một đời sống trừu tượng theo ý niệm duy tâm. Nghĩa là bãi bỏ hoàn toàn tự nhiên, nhưng lại thực hiện sự bãi bỏ ấy trong phạm vi tự nhiên. Bãi bỏ tự nhiên trong phạm vi tự nhiên, đó là lý tưởng của mỹ thuật: vì sự đẹp là tính cách một vật thể thực hiện giá trị phổ biến một cách tự nhiên. Văn minh Hy Lạp là một văn minh mỹ thuật, lấy sự đẹp làm lý tưởng tối thượng, và đã tạo tác một số tác phẩm điều hòa tuyệt đối, nhưng tất phải trụy lạc sau khi lan hết Địa Trung Hải.

Văn minh La Mã là văn minh luật pháp, gây ra một đời sống hoàn toàn trừu tượng, bãi bỏ tự nhiên một cách nhân vi, thực hiện một thế giới mới, ngoài tự nhiên. Vậy mỗi người bị tiêu diệt hoàn toàn trong đời sống tự nhiên, nhưng đồng thời lại được một giá trị hoàn toàn phổ biến trong phạm vi cá nhân. Nghĩa là nhân phẩm đã hết liên quan với những giới hạn tự nhiên của đời sống thiết thực trong thành thị, vậy không cần đến một sự điều hòa đặc biệt, nhưng nhờ luật pháp đã thực hiện một cách hoàn toàn phổ biến, vì đối với luật pháp, người nào cũng là người có giá trị làm người.

Chủ nghĩa duy tâm Platon tiêu biểu cho sự bành trướng rực rỡ của giai cấp trưởng giả trong thời đại thành thị. Những thực thể trong lúc chế tạo, buôn bán và bình phẩm, tự nhiên biến hẳn trong ý niệm phổ biến, và nhà triết học phô diễn sự biến đổi ấy bằng cách phủ định vật thể, và khả quyết rằng chân lý của vật thể lại là ý niệm phổ biến tồn tại trên giới siêu nhiên. Phương diện đó có ý nghĩa vì ngày ấy những thực thể tự nhiên hãy còn duy trì trong căn bản, vậy ý niệm xuất hiện bằng cách tương phản tự nhiên.

Nhưng đời sau, chính vì sự bành trướng của văn minh thành thị, chế độ dã man đã biến mất, đời sống đã có tính cách phổ biến trong phạm vi thực thể, vậy sự tương phản giữa ý niệm và thực thể không thấy nữa. Những ý nghĩa mà Platon đặt trên giới siêu nhiên, bằng cách phủ định thực thể, bây giờ đã biểu lộ là hình thức của thực thể và chỉ tồn tại trong vật thể. Vậy triết lý Hy Lạp sau Platon bãi bỏ cái giới Ý niệm và trở lại trần gian.

Theo Aristote, cựu môn sinh của Platon, sống vào thế kỷ thứ tư trước Gia Tô, thực thể là do vật chất và ý niệm phối hợp, vậy ý niệm không có ở ngoài thực thể, vì chính là hình thức của thực thể.

Đến phái Khắc kỷ, do Zénon sáng tạo (thế kỷ thứ ba trước Gia Tô), thì ý nghĩa đã biến đổi hoàn toàn thành thực thể. Lý là một chất cũng như vật chất, chỉ khác một chỗ là chất động cơ, Hỏa lực, tương phản vật chất, là chất thụ động – Thế giới do ở Hỏa lực nguyên thủy, là Thượng đế, một phần biến đổi thành chất thụ động, còn lại thì khuyến khích chất này thành những cá thể điều hòa. Thế giới có tính cách duy lý và duy nhất, vì tất cả các thực thể là do cùng một Hỏa lực nguyên thủy tạo tác và khuyến khích. Vậy hiền nhân chỉ có một thái độ là hoàn toàn công nhận và chuẩn y hết sự biến, vì mỗi sự biến là một cách biểu lộ của Thần lý, Hỏa lực nguyên thủy, vậy chuẩn y và đồng hóa với Thần lý, nghĩa là đồng hóa với Thượng đế. Nghĩa là nhiệm vụ làm người là chịu một cách khắc kỷ những sự không may xảy ra, vì những sự không may ấy chỉ là một phương diện trừu tượng trong toàn thể thiên hạ điều hòa và tốt đẹp. Và mỗi cá nhân có cái bổn phận là hiệp lực vào sự trật tự phổ biến để tham dự vào sự tốt đẹp của thế giới.

Phái Khắc kỷ tiêu biểu cho hạng đại trưởng giả Hy Lạp, không thể nào tiếp tục thống trị xã hội theo chế độ dân chủ thành thị, vì lực lượng sản xuất đã tràn ra khỏi giới hạn của các thành cô lập: mà trong phạm vi Địa Trung Hải thì không có đủ phương tiện để tổ chức xã hội theo cách dân chủ, vậy phải công nhận quyền thế quân chủ duy nhất do Alexandre thiết lập, và dần dần đưa đến đế quốc La Mã. Chính cái chế độ độc đoán ấy là cách độc nhất để bảo đảm những quyền lợi kinh tế của hạng đại trưởng giả và duy trì những thành tích của văn minh thành thị. Thành tích ấy là những ý nghĩa duy lý phổ biến, trước khi xuất hiện dưới hình thức ý niệm siêu nhiên, bây giờ thực hiện trong phạm vi thực thể, trong một thế giới duy lý và duy nhất. Nhưng vì sự duy nhất đó mới thực hiện về mặt hình thức đại cương, nhờ quyền độc đoán của nhà vua, chứ chưa đủ phương tiện để chứng tỏ trong chi tiết nội dung, vậy ý nghĩa phổ biến cũng chỉ có thể xuất hiện theo hình thức đại cương, dưới ý niệm Thượng đế.

Đồng thời hạng tiểu trưởng giả càng ngày càng trụy lạc. Đối với hạng ấy, thế giới mới biểu lộ ý nghĩa phổ biến bằng cách tiêu cực, phá hủy hết ý niệm cũ, và chứng tỏ rằng chân lý của những ý niệm ấy chỉ là những vật thể xuất hiện trong cảm giác. Nghĩa là tính cách phổ biến hoàn toàn của thế giới mới xuất hiện dưới hình thức vô lý của một đời sống đã hết ý nghĩa, vì đã hết căn bản.

Phái Épicure, tiêu biểu cho giai cấp ấy, tán thành chủ nghĩa khoái lạc, nói rằng sự hiểu biết chỉ có trong cảm giác và sự tốt đẹp trong sự khoái lạc. Và đời sống chỉ có ý nghĩa trong chốc lát đương sống, mà chính vì không đi xa hơn cái cảm giác trực tiếp, lại được một giá trị tuyệt đối.

Các phái hoài nghi đưa xu hướng đó tới cùng, phủ định hết sở vọng của nhân tâm rán tới chân lý hạnh phúc, lương thiện, nhưng trong lúc phủ định như thế thì lại thực hiện trong tinh thần cái cảm tưởng rằng ta đây là hơn hết cả những ý nghĩa đương phủ định, vậy thực hiện giá trị phổ biến tuyệt đối bằng cách phủ định hết giá trị mà người thường công nhận.

Hạng tiểu trưởng giả trụy lạc hưởng thụ sự tự phá hủy, vì không hiểu rằng cái giá trị phổ biến đương hưởng thụ chính là sự tiêu trừ đời sống tự nhiên và thiết thực của mình. Họ cảm sống[1] sự tiêu trừ trong chủ quan, nhưng không nhìn nhận rằng họ đã bị tiêu trừ, vì sự tiêu trừ đó là do lực lượng tự ngoài tràn vào không phải là do công trình của họ. Chính là những lực lượng sản xuất bành trướng trong phạm vi toàn thế giới, đối với người bấy giờ là Địa Trung Hải, biểu lộ trong chế độ quân chủ duy nhất, và phá hủy những ý nghĩa do văn minh thành thị tạo tác. Những ý nghĩa đó đã gây nên một quan niệm tinh thần phân ly với vật chất, hưởng thụ một cách trực tiếp cái chân lý tốt đẹp. Sự hưởng thụ đó đã thực hiện trong mỹ thuật Hy Lạp và triết thuyết Platon, nhưng bây giờ dần dần biến mất, vì căn bản thiết thực là đời sống không đi ra ngoài giới hạn của thành thị, không thể nào hiểu cái nguyên nhân của sự phá hủy, vậy chỉ biết phủ định những giá trị cũ, trở lại cảm giác trực tiếp, và hưởng thụ ý nghĩa phổ biến mới bằng cách tích cực.

Đứng về phương diện tích cực, thế giói La Mã thực hiện một đời sống mới, trong lúc tiêu trừ những giá trị cũ. Những ý nghĩa duy tâm thu thập trong ý niệm Thượng đế, trước kia đặt trên một giới siêu nhiên, bây giờ đã biểu lộ chỉ là thực thể của đời người, và đồng thời đời người lại trở nên hoàn toàn phổ biến: nghĩa là trong thế giới mới, Thượng đế đã nhân hóa và nhân loại đã thần hóa.

Đó là hai điểm mấu chốt trong Gia Tô giáo, phát sinh và bành trướng trong đế quốc La Mã, biểu lộ một đời sống hoàn toàn phổ biến, thực hiện nhờ sự phân ly hoàn toàn với tự nhiên trực tiếp. Đối với ý thức cá nhân, những giá trị cựu truyền đã đưa đến một cái thực thể mới, nhờ thực thể này mà nhân loại đã bỏ được những khuyết điểm của một đời sống hẹp hòi liên quan với những điều kiện vật chất: những khuyết điểm đó là những tội lỗi của người cũ, bây giờ đã bãi trừ để thành người mới. Nghĩa là Thượng đế đã cho con ngài giáng sinh để cứu nhân loại.

 Trong sự giáng sinh đó, lý tưởng siêu nhiên của đời cũ đã nhập vào thực thể của trần gian để biến đổi thành thực thể. Nghĩa là Thượng đế đã kết hôn với một xử nữ của trần gian và con ngài là Thần nhân vì chính là ngài, biến đổi thành người.

Dưới chế độ quân chủ chuyên chế của đế quốc La Mã, toàn thể dân chúng đã biến đổi thành nô lệ dưới quyền độc đoán của hoàng đế, nhưng nhờ sự độc đoán ấy lại tiêu trừ được những hình thức bản địa cựu truyền, và thiết lập một đời sống hoàn toàn phổ biến, trong phạm vi luật pháp trừu tượng, vậy đã gây cho mỗi cá nhân một nhân phẩm tuyệt đối. Giáo đồ Gia Tô là hình thức tự giác cái ý nghĩa đó. Đời sống thiết thực phản tỉnh trong nhân tâm bằng cái cảm tưởng rằng chính sự tiêu trừ những giá trị cũ lại nâng đời người ta lên một trình độ chân thực phổ biến: nghĩa là Thượng đế đã tích diệt[2] để cứu nhân loại.

Lẽ cố nhiên là cái chân lý đó chỉ xuất hiện trong phạm vi duy tâm, biểu lộ cái ý nghĩa lý tưởng mà mỗi cá nhân hiểu một cách ngấm ngầm trong nguyện vọng sâu xa. Vì về mặt thiết thực, thì chỉ thấy những sự đau khổ trong đời sống đã hết ý nghĩa. Vậy đời người chia ra làm hai phần : một phần là đời này luân lạc trong trần gian, một phần là đời kia, thực hiện chân lý tốt đẹp trên linh giới.

Thực thể là thế giới này nhưng chân lý là thế giới kia. Một cái chân lý lại chính là chân lý của thực thể, vì ai hiểu được cái ý nghĩa chân thực của giới này là một giới luân lạc tuyệt vọng, tất đã bước lên giới kia, nghĩa là đã được cứu thoát. Nhưng giới kia lại chỉ tồn tại một cách tiêu cực, xuất hiện trong sự tiêu trừ giới này, nghĩa là chịu sự đau khổ thiết thực trong đời này, mới có cái hạnh phúc chân thực trong đời kia.

Thiết thực tương phản với chân thực, đó là đặc tính của văn minh Âu Tây do giáo đồ Gia Tô đào tạo. Vậy văn minh Âu Tây là văn minh phóng khí hoàn toàn, nhân loại đã tự bỏ mình, bỏ hết cái hạnh phúc trong đời này và đặt hết ý nghĩa của đời sống trên một giới tưởng tượng, lấy cái hưởng thụ tưởng tượng để che đậy và duy trì những sự vô lý và bất công thiết thực. Nhiệm vụ một người theo giáo Gia Tô là bỏ đời cũ để nhập đời mới, nhưng đời mới lại chỉ xuất hiện trên một giới siêu nhiên tưởng tượng, còn thiết thực thì chỉ vẫn là những thực thể vô ý nghĩa.

 

(xem tiếp phần 2)

 


Nguồn: Trần Đức Thảo. Triết lý đã đi đến đâu?. Nxb. Minh Tân, Paris, 1950. Tài liệu do nhà giáo Hoàng Phong Tuấn cung cấp. Bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.



[1] Chúng tôi đánh máy đúng theo nguyên bản – (chú thích của triethoc.edu.vn).

[2] Có lẽ là chữ “tịch diệt”, nhưng ở đây chúng tôi đánh máy đúng theo nguyên bản – (chú thích của triethoc.edu.vn).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt