Trần Đức Thảo

Triết lý đã đi tới đâu [Phần 02]

 

TRIẾT LÝ ĐÃ ĐI ĐẾN ĐÂU?

[tiếp theo phần 1]

 

III

Giai đoạn trưởng giả cách mệnh:

Từ đời trung cổ đến Hegel

 

Giáo đồ Gia Tô là kết quả của văn minh thượng cổ, đã phá hủy hết dây liên quan với tự nhiên, nhưng còn chưa gây nên được những phương diện thiết thực để thực hiện một tự nhiên mới, có giá trị phổ biến tích cực.

Vậy thế giới mới xuất hiện chưa có nội dung cụ thể, nhưng ý nghĩa thực hiện trong giáo đồ Gia Tô đã gây ra một hình thức hoàn toàn phổ biến trong phạm vi trừu tượng. Nhờ hình thức này, xã hội Âu Tây đã tạo tác được những phương tiện vật chất, để gây ra một nội dung thiết thực đúng với cái lý tưởng siêu nhiên, nghĩa là những phương tiện có thể thực hiện trong đời này cái hạnh phúc mà tôn giáo đã mơ mộng trong đời kia. Nghĩa là nhờ cái ý tưởng phóng khí, bãi bỏ hết ý nghĩa của đời này, những công việc thiết thực đã đưa vào một cái khuôn phổ biến trừu tượng, gây ra những lực lượng sản xuất tư bản: mỗi hành động đã mất hết ý nghĩa tự nhiên, và chỉ coi như là một cách xuất hiện của một số tiền, tất cả các số tiền tổng cộng lại thành một cuộc biến chuyển phổ biến.

Trong cách sản xuất theo chế độ tư bản, mỗi thực thể chỉ là một nhịp trừu tượng trong cuộc triển khai của một số tiền vốn, chia ra thành những hàng hóa và nhân công (nhân công cũng là một thứ hàng hóa, mua bán theo lệ tư bản), sản xuất rồi bán đi nghĩa là trở lại thành vốn. Nhờ cách sản xuất trừu tượng đó, công nghệ Âu Tây đã tạo tác những lực lượng vật chất có thể làm cho đời sống đầy đủ, nhưng những sản vật lại vào tay bọn tư bản và dùng để duy trì chế độ tư bản, chứ không bao giờ đưa cho toàn thể xã hội để gây cái hạnh phúc cho nhân loại: vì theo cái hình thức mà tôn giáo Gia Tô đã gắn chặt trong não Âu Tây, đời này là một đời luân lạc, không đáng để ý tới. Vậy những sản vật không có ý nghĩa là sản vật của nhân loại, dành cho hạnh phúc của nhân loại, mà chỉ có nghĩa là biểu trưng cho một số tiền, và thực hiện một nhịp trừu tượng trong cuộc sản xuất tư bản.

Nghĩa là những phương tiện thiết thực để hành động và sinh sống, mà văn min Âu Tây đã tạo tác, thì lại không thể hữu dụng được một cách chính đáng, vì cái não duy tâm trừu tượng làm cho vật thể hết ý nghĩa, vậy không thể nào tự nhận và hưởng thụ được. Vậy cái tính cách phóng khí của văn minh Âu Tây càng ngày càng nặng nề, khuyến khích những cuộc cách mạng càng ngày càng cương quyết, vì không thể nào nhân loại đã tạo tác những phương tiện để thực hiện hạnh phúc trong đời này, mà lại chịu để một hình thức lý tưởng viển vông cướp hết cái ý nghĩa của đời sống và mang đặt lên một giới siêu nhiên, rồi lấy cái chân lý tưởng tượng ấy để chống cái chân lý thiết thực hiện tại.

Lịch sử Âu Tây là lịch sử nhân loại chống Thượng đế: tôn giáo đã lột hết những sự tốt đẹp của đời người để kiến trúc một Thượng đế siêu nhiên, và dùng cái ý tượng đó để áp phục nhân loại. Và nhân loại phục tòng là vì bao nhiêu ý nghĩa thiết thực đã bị lột hết và đưa cả vào ý tượng Thượng đế; vậy thờ Thượng đế tức là mình lại thờ mình, bằng cách tự bỏ mình. Nhưng cách hưởng thụ tiêu cực phóng khí ấy chỉ có hiệu quả trong lúc nhân loại chưa có đủ phương tiện thiết thực, vậy không thể nào duy trì mãi. Vì trong lúc chịu làm nô lệ của Thượng đế, nhân loại lại tạo tác những khí giới để chống lại chủ tể.

Cuộc chiến đấu chia làm hai giai đoạn: đoạn đầu đi từ đời Trung Cổ đến Cách Mệnh 1789; đoạn thứ hai đi từ đế quốc Napoléon đến bay giờ.

Ngày văn minh thượng cổ tiêu diệt, hạng trưởng giả mất hết và biến đổi thành quan liêu trong Đế quốc La Mã trụy lạc, rồi nhập vào Giáo hội và thành tăng lữ, bảo đảm cho chế độ phong kiến Trung cổ một hình thức duy nhất phổ biến trong phạm vi đời sống tự nhiên của một xã hội đã trở lại trình độ canh nông. Nghĩa là người nào cũng có nhân phẩm hoàn toàn phổ biến trong Giáo hội, và xã hội Trung cổ Âu Tây đã duy nhất dưới giáo quyền của Giáo hoàng, nhưng đó chỉ là nguyên tắc hình thức tượng trưng, vì đời sống thiết thực lại trở lại trình độ chia rẽ theo huyết thống và lân ấp, đặc tính của xã hội canh nông. Nhưng nhờ hình thức đó, văn minh tỉnh thành lại phục hưng một cách mau chóng, gây ra một giai cấp trưởng giả mới, đưa xã hội Trung cổ tới chế độ quốc gia cận đại. Đó là giai đoạn trưởng giả cách mệnh, chứa chan ý nghĩa thiết thực, nhưng hoàn toàn trừu tượng đối với đời sống trực tiếp, vì giai cấp trưởng giả có đủ phương tiện để phân ly với tự nhiên bằng cách chủ trương công việc sản xuất duy lý, nhưng chính vì phân ly lại gây ra một đời sống trừu tượng, hết tính cách tự nhiên. Thời đại đó đã biểu lộ trong một số chủ nghĩa duy lý tiêu biểu cho những lực lượng sản xuất mới của nhân loại, phá hủy cái hình thức siêu nhiên của tôn giáo. Nhưng vì đời sống trưởng giả phân ly với tự nhiên, những thuyết duy lý đời ấy vẫn giữ tính cách trừu tượng duy tâm, vậy về mặt nội dung thì chống tôn giáo, nhưng về mặt hình thức thì vẫn giữ ý niệm Thượng đế để giải quyết những vấn đề tồn tại cụ thể. Cuộc triển khai đó đạt tới Hegel là nhà triết học cuối cùng của thời đại trưởng giả cách mệnh.

Sau cuộc cách mệnh 1789, giai cấp trưởng giả mới cướp chính quyền đã sa ngay vào con đường trụy lạc, vì những ý niệm trừu tượng do chế độ tư bản sinh ra chỉ có thể dùng để đánh đổ xã hội phong kiến, chứ không thể nào áp dụng vào việc tổ chức xã hội mới một cách tích cực. Vậy triết lý cũng thoái bộ, hoặc trở lại tôn giáo, theo Kierkeggard, hoặc đưa về những ý nghĩa mờ ám của đời khuyết sử dã man, theo Schopenhauer và Nietzsche và rốt cục đạt tới một chủ nghĩa hoàn toàn phản lý là chủ nghĩa tồn tại thế kỷ thứ hai mươi.

Đồng thời tư tưởng duy lý nhập vào giai cấp cách mệnh mới, là giai cấp vô sản, và xuất hiện trong một chủ nghĩa hoàn toàn tích cực cụ thể, xóa hẳn cái nạn phóng khí và phân ly của văn minh trưởng giả, là chủ nghĩa duy vật sử quan và biện chứng pháp. Thuyết này là kết quả của triết lý nhờ Karl Marx và Engels đã bỏ hết mơ mộng duy tâm và trở lại đời sống thiết thực, rồi nhờ Lénine và Staline đưa nhân loại tới một văn minh mới, thực hiện những nguyện vọng sâu xa của dân chúng, trong lúc xã hội trưởng giả càng ngày càng trụy lạc, và quay thành dã man.

Triết lý trưởng giả thời đại tân tiến chia làm ba đoạn: đoạn Trung cổ, đoạn cận đại giáo khoa và đoạn cách mệnh thế kỷ thứ mười tám.

Đời trung cổ là đời giai cấp trưởng giả phát sinh trong xã hội phong kiến và đòi quyền tự do công nghệ, và thương mại, hoặc tranh đấu trực tiếp, hoặc dùng cách bảo hộ nhà vua để hạn chế gián tiếp quyền thế của bọn quý phái. Hai xu hướng ấy biểu lộ trong triết lý bằng cuộc tranh biện giữa hai phái duy danh và duy thể, về vấn đề tồn tại của ý nghĩa phổ biến.

Theo phái duy danh, những ý niệm phổ biến chỉ là danh từ chứ không tồn tại một cách thiết thực. Thiết thực chỉ có những cá thể hiện tại: con ngựa này hay con ngựa kia chứ không có con Ngựa phổ biến. Vậy loài ngựa chỉ là cái tên đặt để chỉ những con ngựa đã có hay có thể có.

Nhưng nói như thế thì lại không hiểu vì sao những danh từ chỉ là tiếng nói hay chữ viết mà lại có ý nghĩa phổ biến. Vậy phái duy thể khả quyết rằng ý niệm phổ biến là thực thể tồn tại một cách thiết thực, trước hết cá thể. Ví dụ như con ngựa này hay con ngựa kia có là nhờ một thực thể siêu nhiên là loài Ngựa. Nếu không có loài Ngựa phổ biến, thì sao ta lại biết rằng con vật này chính là con ngựa, và sao ta biết gọi hết các con ngựa là ngựa? Ý niệm ngựa là cái kiểu mẫu trong lý trí của Thượng đế, theo kiểu mẫu đó Thượng đế đã chế tạo các con ngựa cá thể: vì vậy mà con ngựa nào cũng thuộc về loài ngựa.

Rõ ràng là hai phái tiêu biểu cho hai hạng trưởng giả và hai cách bênh vực quyền lợi trưởng giả.

Cách thứ nhất là nhờ quyền thế nhà vua và giáo hội để đặt những luật lệ phổ biến xếp các cá thể vào từng loài từng giống, vậy dễ đường sản xuất và buôn bán theo hình thức nhất định ai ai cũng phải công nhận. Nghĩa là những loài phổ biến là thực thể tồn tại trước cá thể và định nghĩa cá thể theo quyền tuyệt đối của Thượng đế, vì Thượng đế là ý tượng tiêu biểu cho ý nghĩa phổ biến của xã hội và quyền thế của chính phủ.

Cách thứ hai là tranh đấu để dành tự do hoàn toàn trong việc sản xuất và buôn bán, vì nhiều điều kiện do kinh nghiệm biểu lộ lại đi ra ngoài luật lệ chật hẹp của chính thể cựu truyền. Nghĩa là sự bành trướng của những lực lượng sản xuất đã làm cho hệ thống ý niệm cũ hết chân lý, vậy tất phải trở lại kinh nghiệm trực tiếp và coi những cá thể thực hiện trước cảm giác là thực thể, còn những loài phổ biến chỉ là những danh từ để gọi chung một số cá thể, chứ không có gì thiết thực.

Thuyết duy danh tiêu biểu cho phong trào cách mệnh trưởng giả, nhất định phải bỏ hệ thống ý niệm cựu truyền, nhưng chưa đủ lực lượng để sáng tạo những phương tiện cần thiết để tiên kiến một hệ thống mới. Những kết quả của thời đại trung cổ lại là phát sinh những phương tiện đó, vậy đến thế kỷ thứ mười sáu, giai cấp trưởng giả đã đủ lực lượng để nổi dậy tạo tác một nền văn minh mới phấn khởi nhân phẩm và phá bỏ những hư tục chật hẹp của đời phong kiến. Đó là thời đại Văn nghệ Phục hưng, trở lại tinh thần nhân bản của đời thượng cổ, nhưng đồng thời lại sáng tạo một khoa học mới dựa vào kinh nghiệm và toán pháp.

Nhờ đó nhân loại ra khỏi vòng phong kiến. Chế độ tư bản cận đại đã đặt một hính thức duy lý, nhờ hình thức đó mà nẩy ra khoa học toán lý, đưa cho Âu Tây những lực lượng mới để chủ quan tự nhiên, và gây ra một đời sống hoàn toàn phổ biến.

Đó là căn bản thiết thực của triết lý giáo khoa cận đại, do Descartes, Spinoza và Leibniz sáng tạo vào thế kỷ thứ mười bảy. Chân lý bây giờ không có định nghĩa như trước, bằng những ý niệm loài giống, nhưng bằng hàm số rõ rệt; vậy sự mâu thuẫn giữa các cá thể và ý niệm phổ biến không có nữa. Một ý niệm loài giống như ý niệm ngựa hoàn toàn mâu thuẫn với những con ngựa thiết thực vì ý niệm ngựa chỉ thị hết cả các con ngựa, trong phạm vi phổ biến, chứ không định nghĩa con ngựa này hay con ngựa kia. Trái lại, sự triển khai một hàm số bao bọc vô số trường hợp đặc biệt, vậy ý niệm toán lý định nghĩa mỗi cá thể, theo giới hạn đặc biệt. Ví dụ như luật Galilée nói rằng những trường độ mà một vật rơi trong không trung đi qua, tương xứng với bình phương của những thời gian đã qua trong lúc rơi: đó là một hàm số định nghĩa mỗi trường hợp trong không trung, theo thời gian đặc biệt. Vậy nhờ khoa học cận đại, ý niệm phổ biến đã bao hàm cá thể theo điều kiện cá thể. Triết lý giáo khoa kết luận rằng lý trí có đủ năng lực để kiến trúc chân lý của thực thể nhờ toán lý.

Chủ nghĩa duy lý cận đại giáo khoa tiêu biểu cho một nhân loại mới, dùng công nghệ trong phạm vi phổ biến của kinh tế tư bản để thiết lập một văn minh hoàn toàn nhân vi và thế vào đời sống còn dính líu với điều kiện tự nhiên của thời đại phong kiến. Lòng tín nhiệm hoàn toàn mà Descartes, Spinoza và Leibniz đã đặt vào nhân lý biểu lộ những lực lượng tạo tác của nhân loại cận đại. Nhưng trong thế kỷ thứ mười bảy, những lực lượng đó chưa đi đến chỗ tự chủ, vẫn giữ hình thức của xã hội phong kiến duy trì trong chế độ quân chủ độc đoán, vậy duy lý luận giáo khoa cận đại cũng chưa có đủ can đảm để xác nhận giá trị tuyệt đối của lý trí trong phạm vi nhân loại, và vẫn còn cần dùng ý niệm Thượng đế để đảm bảo sự điều hòa và chân thực của đời sống và khoa học mới.

Vậy thế kỷ thứ mười bảy, giá trị của nhân lý vẫn còn giữ tính cách chủ quan cá nhân, chưa dám áp dụng vào những vấn đề đời sống thiết thực trong xã hội.

Thế kỷ thứ mười tám là thời đại cách mệnh. Giai cấp trưởng giả đã đủ lực lượng để đả đảo những hình thức cựu truyền: giáo quyền và chính quyền quân chủ độc đoán. Triết lý khả quyết rằng tinh thần không phải là do Thượng đế từ trên trời đưa xuống cho nhân loại, nhưng chỉ là kết quả của kinh nghiệm đời sống thiết thực, nâng nhân tâm từ cảm giác lên lý trí. Xu hướng đó xuất hiện trong thuyết duy cảm của Cndillac và phái duy vật trừu tượng do Diderot, Holbach, Helvetius sáng tạo.

Chủ nghĩa duy vật tiêu biểu cho lòng tín nhiệm hoàn toàn của bọn trưởng giả cách mệnh, trong lực lượng tạo tác của nhân nghệ, nhưng vì chế độ tư bản chỉ có thể chủ quan tự nhiên bằng vật thuật, chứ không có phương tiện để bảo đảm công việc chủ quan xã hội một cách duy lý, vậy thuyết duy vật thế kỷ thứ mười tám còn giữ tính cách trừu tượng, chỉ hiểu cuộc cơ hóa của những sự biến trong vật giới, chứ chưa hiểu vì sao vật sinh tâm, và chưa định nghĩa được những luật biến chuyển của xã hội linh giới.

Một phương diện trừu tượng nữa là chỉ định nghĩa cảm giác một cách tiêu cực, bằng tính thụ động, chứng không hiểu rằng cảm giác chỉ xuất hiện trong sự hoạt động thực tế. Vậy không hiểu tính cách hoạt động của quan hệ chủ quan và khách quan, và công trình của chủ thể đã gây dựng một thế giới có ý nghĩa phổ biến. Chủ nghĩa duy vật thế kỷ thứ mười tám không có phương tiện để giải thích tính cách đặc biệt của đời sống nhân loại và đồng hóa những hiện tượng tinh thần với cuộc cơ biến của vật thể.

Vì trạng thái bất toàn, thuyết duy vật cơ giới lại khuyến khích một chủ nghĩa duy tâm, do một nhà triết học Đức, Emmanuel Kant sáng tạo, giải thích thực thể bằng sự hoạt động của linh tâm. Thực thể chỉ là những ý tượng xuất hiện trước ý thức, chứ không tồn tại một cách thiết thực ngoài chủ thể. Tính cách khách quan của đối tượng do ở những luật phổ biến tất nhiên, hướng dẫn dòng biến chuyển của ý tưởng trong nhân tâm. Vì những luật định nhất định đó, ta có thể định nghĩa thực thể khách quan đối với tưởng tượng chủ quan. Nhưng thiết thực và khách quan cũng chỉ là do ở nhịp tất nhiên trong chủ quan.

Ví dụ như trông thấy một vật có một độ lớn nhất định trước mắt, ai cũng tưởng là vật ấy tồn tại một cách bản nhiên ngoài hết ý thức. Sự thực đó chỉ là một số cảm giác và hình tượng trong ý thức, nhưng lại thu thập thành một đơn vị khách quan, vì theo một luật định nhất định. Nghĩa là nếu ta đưa mắt theo bất kỳ xu hướng và bất kỳ thứ tự nào, những cảm giác kế tiếp xuất hiện sẽ thu nhập theo luật phân lượng, vậy ta sẽ thấy một vật duy nhất có một độ lớn nhất định.

Vì thế giới chỉ là kết quả của sự hoạt động tinh thần trong ý thức, thu nhập ý tưởng thành đơn vi phổ biến, vật thể có tính cách duy tâm, và Emmanuel Kant có đủ phương tiện để phục hưng những tín ngưỡng cựu truyền về Thượng đế và Thiên mệnh. Vì nếu không có Thượng đế thì tại sao những cảm giác ngẫu nhiên lại qui thuận sự hoạt động tinh thần theo luật duy tâm của ý thức, và đạt tới một thế giới đầy đủ tốt đẹp, điều hòa với nhân loại tuy nhân loại chỉ là một thực thể trơ trọi giữa các thực thể khác? Tự nhiên khoa học duy lý không có cách nào mà chứng tỏ rõ rệt sự tồn tại của Thượng đế, nhưng lúc hoạt động có hiệu quả thì không thể nào không tin ở Thiên mệnh. Đó là một tín ngưỡng tất nhiên, tuy có tính cách chủ quan, vì nếu không tin thì đời sống hết ý nghĩa.

Vậy triết lý Kant là một cách gắng công để giữ lại trong thế giới cách mệnh những hình thức cựu truyền xã hội phong kiến để lại và chế độ quân chủ duy trì. Kant công nhận và biện chính ý nghĩa nhân vi phổ biến của đời sống mới theo khoa học toán lý, nhưng lại hạn chế cái ảnh hưởng của ý nghĩa đó và biến đổi thành hình thức duy tâm, vật về mặt thiết thực vẫn giữ hình thức cựu truyền.

Kant tiêu biểu cho giai cấp trưởng giả Đức, không đủ lực lượng để cách mệnh xã hội, vậy chỉ có thể phản ảnh trong tinh thần cái cuộc cách mệnh thiết thực đương thực hiện về mặt kinh tế ở bên Anh và về mặt chính trị ở bên Pháp. Vậy Kant tán tụng công trình kiến trúc của nhân loại trong phạm vi duy tâm, nhưng vẫn gắng công nhận quyền thế tuyệt đối của Thượng đế, nghĩa là không hiểu rằng nhân loại đã tạo tác một thế giới mới hoàn toàn nhân vi phổ biến, vậy đã đủ phương tiện để tự chủ hoàn toàn, và không cần đến Thiên mệnh che chở.

Đến lúc cách mệnh trưởng giả thành công, và Napoléon tổ chức xã hội mới gây dựng một chính thể bảo đảm quyền chỉ huy cho giai cấp tư bản, triết lý Đức cũng phản ảnh trong tinh thần cái ý nghĩa thiết thực của thời sự. Hegel hoàn thành phương pháp biện chứng duy tâm, và kiến thiết một triết hệ bao bọc tạo hóa và lịch sử trong cuộc biến chuyển của Ý niệm.

Ý niệm nguyên khởi là thực tại trừu tượng, nhưng lại triển khai, tự ra khỏi mình và biến đổi thành Tự nhiên, rồi trở lại mình và trở nên Tinh thần. Tinh thần là thực thể đã tự giác, và nhờ sự tự giác đó đã hoàn thành Ý niệm. Vậy cuộc biến chuyển thiết thực từ vật thể đến tinh thần chỉ là cách thực hiện của Ý niệm. Ý niệm tự bỏ phạm vi trừu tượng và thực thể hóa, rồi trở lại duy tâm. Triết thuyết Hegel thực hiện trong phạm vi ý niệm duy lý cái ý tượng mà tôn giáo Gia tô đã biểu lộ trong phạm vi trực giác bằng chủ nghĩa giáng sinh cứu thế: Thượng đế đã trần hóa và trần gian đã thần hóa.

Tôn giáo giải thích sự biến hóa một cách trực quan, bằng sự hy sinh của Thần nhân Gia tô. Hegel trưng bày một giải pháp duy lý, chứng tỏ rằng mỗi ý niệm trừu tượng bao hàm mâu thuẫn, vậy tất nhiên đưa đến một ý niệm cao hơn và cụ thể hơn.

Ý nghĩa của một ý niệm là chỉ thị một cách hoạt động đặc biệt, cách đó định nghĩa một hình thức nhất định thiết lập tính cách trừu tượng của ý niệm, vì hình thức đó đã phân tách ý niệm và tự nhiên. Nhưng trong lúc hoạt động thiết thực lại nẩy ra một nội dung mâu thuẫn với hình thức nguyên thủy. Sự mâu thuẫn đó không phải là do một ảnh hưởng từ ngoài đưa vào, nhưng chính là sự thực thể hóa của Ý niệm. Ý niệm trừu tượng là chính đề gây ra một thực thể tương phản với mình là phản đề. Nhưng cái thực thể đó lại là thực thể của ý niệm, vậy rốt cục ý niệm tự nhận cái thực thể của mình và lập lại điều hòa trong sự mâu thuẫn: đó là hiệp đề, thu nhập chính đề và phản đề trong một hình thức duy nhất cao hơn và cụ thể hơn.

Ví dụ như trong luân lý, ý niệm thực tại triển khai qua ba hình thức là tính, lượng, độ. Thực tại nguyên thủy xuất hiện một cách trực tiếp, vậy định nghĩa bằng tính, vì tính là hình thức trực tiếp của thực tại trong cảm giác: một vật tự nhiên có một đặc tính. Nhưng mỗi tính lại ám chỉ một cách hoạt động. Nhờ sự hoạt động đó, các vật tự nhiên ngăn xếp thành loài, thành giống, vậy vật thể đã biến đổi thành những đơn vị trong các loại, những đơn vị đó có thể đo lường và kế toán theo số lượng. Vậy thực thể trước kia xuất hiện dưới hình thức tính bây giờ lại thực tại dưới hình thức lượng, nghĩa là chính đề là tính, bây giờ đã biến đổi thành phản đề là lượng. Lượng là nội dung thiết thực, lúc đầu phủ định tính, là hình thức nguyên thủy, nhưng trong cuộc triển khai lại biểu lộ là chân lý của hình thức đó, vì mỗi vật có một số lượng đặc tính nhất định. Số lượng đó là độ, điều kiện sự thực tại, vì cái gì theo độ thì mới còn, chứ quá độ thì hết. Vậy thực tại bây giờ lại xuất hiện dưới hình thức độ, nghĩa là phản đề đã trở lại và thu nhập với chính đề là tính, gây ra một hình thức cao hơn và cụ thể hơn là độ. Độ là hiệp đề, bao bọc tính và lượng, vì độ là số lượng nhất định, định nghĩa đặc tính của mỗi thực thể.

Một thí dụ khác là xã hội, biến chuyển qua ba hình thức, là gia đình, kinh tế và chính thể. Gia đình là hình thức tự nhiên nguyên thủy, bao hàm những sự hoạt động làm cho mỗi nhà có đủ phương tiện để sinh sống một cách tự chủ. Nhưng công trình hoạt động trong gia đình lại gây nên những cơ hội bắt buộc phải ra ngoài và giao dịch với các gia đình khác, vì sản vật thừa thiếu. Sự giao dịch đó triển khai thành đời kinh tế, mâu thuẫn với hình thức gia đình, vì buôn bán phải theo quy củ và phổ biến, ai ai cũng công nhận, chứ không thể làm tự nhiên như ở nhà được. Nhờ tiền tài giao thông, mỗi cá nhân được một đời sống chủ quan, dựa vào luật lệ phổ biến, phá bỏ những dây liên quan trực tiếp trong gia đình. Vậy chính đề là gia đình đã gây ra phản đề là kinh tế, lúc đầu phá hủy những tình cảm tự nhiên và phân ly mỗi cá nhân thành một đơn vị cô độc, chỉ biết tính toán những quyền lợi lý tài. Nhưng trong cái đời sống phóng khí đó lại xuất hiện một tự nhiên mới nhờ chính thể hiệp nhất xã hội và gây lại trong phạm vi phổ biến những dây tình cảm trực quan. Chính thể là hiệp đề, thu nhập gia đình và kinh tế, thiết lập trong sự giao thông phổ biến của xã hội văn minh tính cách tự nhiên trực tiếp của đời sống trong gia đình.

Vậy mỗi hình thức bao hàm một sức triển khai đưa đến một hình thức cao hơn. Đó là lực lượng tạo tác của nhân loại hoạt động, mà Hegel phản ảnh trong hệ thống duy tâm biện chứng. Triết thuyết Hegel, xuất hiện đầu thế kỷ thứ mười chín, tiêu biểu cho cách mệnh trưởng giả thành công thiết lập một xã hội mới tiêu hóa những hình thức cũ do đời thượng cổ và trung cổ đại để lại. Trong xã hội trưởng giả mới xuất hiện, mỗi vật đã hết bản tính tự nhiên, vì chỉ có quan hệ với cái giá tiền mua bán, vậy đã đồng hóa với công cuộc sản xuất giai dịch của chế độ tư bản. Hegel biểu lộ ý nghĩa đó bằng chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối, nói rằng chân lý của tự nhiên trực tiếp là tiêu diệt và tự tỷ trong ý niệm gián tiếp. Vậy những hình thức cựu truyền còn liên đới với tự nhiên, chỉ là những nhịp trừu tượng trong toàn cuộc biến chuyển đưa nhân loại từ tự nhiên đến văn minh, gây ra một đời sống toàn toàn nhân vi phổ biến.

Nhưng xã hội tư bản, tổ chức theo quyền lợi ích kỷ của một nhóm tư gia, không thể nào cho mỗi cá nhân hưởng thụ cái ý nghĩa đó một cách thiết thực. Đành rằng một vật định giá bằng tiền, đã nhập vào cái luồng phổ biến của công cuộc sản xuất và giao dịch, nhưng đó chỉ là một cách tiêu diệt những mối tình cảm đời sống tự nhiên, chứ không gây dựng được một tự nhiên mới, làm giàu cho đời văn minh có ý nghĩa trực quan thiết thực trong phạm vi phổ biến. Thế giới mới chỉ xuất hiện bằng cách tiêu cực, phá bỏ tự nhiên, và chính thể trưởng giả sáng lập để bảo đảm cái đời sống đó, chỉ thực hiện ý nghĩa phổ biến bằng cách bóc lột và áp chế dân chúng, chứ không có nội dung thiết thực tương đương với lý tưởng.

Vì vậy, triết thuyết của Hegel cũng chỉ phản ảnh trong phạm vi duy tâm công trình tạo tác của nhân loại, nói rằng mỗi hình thức bao hàm lực lượng hoạt động tiêu hóa cá thể trực tiếp gây ra ý nghĩa phổ biến, vậy biểu diễn tự nhiên của thực thể chỉ là cái ảo ảnh trừu tượng, tất nhiên phải tiêu diệt trong ý niệm duy lý. Nhưng cái nội dung của ý niệm lại chỉ định nghĩa bằng sự tiêu diệt đó, vậy không có tính thiết thực, vậy chỉ phát hiện trong tinh thần, bằng danh từ duy tâm.

Lời nói là đi từ trừu tượng đến cụ thể, nhưng sự thực vẫn không ra khỏi cái vòng ý niệm trừu tượng. Hegel có nhận rõ của lịch sử phá hủy tự nhiên và thiết lập một thế giới nhân vi, nhưng lại giải thích công cuộc đó bằng sự hoạt động duy tâm của ý niệm, không hiểu rằng sự tiêu hóa tự nhiên là nhờ ở công trình động tác thiết thực của nhân loại. Hegel chỉ biết lao tâm trừu tượng trong tinh thần, chứ không hiểu rằng ý nghĩa thực hiện lại nhờ ở công lao động vật chất. Vì cuộc sản xuất giao dịch gây ra những sản vật có ý nghĩa nhân vi, tự nhiên đã trở nên phổ biến. Nhưng Hegel chỉ thấy cái phản ảnh trong tinh thần, và nói rằng đó là công trình của ý niệm.

Ý thức trưởng giả không thể nào công nhận rằng động tác vật chất là nguyên nhân của ý nghĩa phổ biến, vì giai cấp trưởng giả sống là nhờ sự bóc lột, vậy phải che đậy công trình thiết thực của giai cấp lao động, và nói rằng giá trị đời sống là do ở ý niệm duy tâm. Triết hệ Hegel là một cách biện chính cực điểm chế độ tư bản mới nẩy nở, bày tỏ toàn thể Tạo hóa và lịch sử chỉ là sự biểu diễn và triển khai trong thời gian của ý niệm vĩnh cửu, đưa đến thế giới đời nay là hình thức hoàn toàn tuyệt đối. Nghĩa là lịch sử không thể nào đi xa hơn hệ thống của tác giả, và chế độ tư bản hiện tại là trình độ của nhân loại.

Nhờ lập trường duy tâm, Hegel chỉ công nhận cuộc biến chuyển đã qua trong dĩ vãng, vậy hãm hẳn sự tiến bộ của thời gian, giải thích rằng chính thể hiện tại là thực thể thực hiện ý niệm tuyệt đối, vậy không ai có quyền công kích những phương tiện tổ chức để bảo trị xã hội tư bản. Hegel tán thành công trình của giai cấp trưởng giả trong lịch sử, chỉ huy việc tiêu hóa tự nhiên và đưa nhân loại từ đời cảm giác trực quan đến ý niệm phổ biến, nhưng không hiểu rằng kết quả đó là nhờ ở công giai cấp lao động bị bóc lột, vậy tưởng tượng rằng phủ định tự nhiên là đủ để đưa đến trình độ phong kiến, nhưng lại không có phương tiện để kiến thiết một xã hội hiệp nhất trong phạm vi gián tiếp duy lý. Theo tác giả, sự hiệp nhất ấy đã thực hiện cụ thể nhờ quyền tuyệt đối của chính thể. Nhưng đó chỉ là một cách biện chứng duy tâm, vì chính thể mà tác giả bình luận lại là chính thể tư bản, dùng hết cách để áp chế dân chúng và bảo đảm quyền lợi một số cá nhân.

Từ ngày Platon sáng tạo triết lý ý niệm, biểu lộ giá trị phổ biến của đời văn minh bằng cách phân ly ý nghĩa và vật thể, chân thực và thiết thực, các nhà triết học đều gắng công để tìm lại được cái nội dung cụ thể, nhưng vẫn thiếu cách giải thích thế giới thực tại. Hegel hoàn thành công việc ấy, bao hàm toàn cuộc biến chuyển của Tạo hóa và lịch sự trong cuộc biểu diễn và triển khai của ý niệm. Vậy hệ thống Hegel là thành tựu tối thượng của triết lý trưởng giả cấp tiến, nhưng chính vì vậy lại là hình thức tối hậu. Sau khi cách mệnh thành công, thiết lập xã hội tư bản, giai cấp trưởng giả tất nhiên đã hết nhiệm vụ và sa vào con đường trụy lạc, vậy thiết lý trưởng giả cũng hết tính cấp tiến và bãi bỏ những sở vọng cựu truyền của chủ nghĩa giáo khoa. Truyền thuyết ý niệm từ Platon đến Hegel, đành rằng hình thức duy tâm, nhưng vẫn ám chỉ nội dung thiết thực, vì tán thành nhân lý, biểu lộ và biện chính lòng tự tín của nhân loại, động tác một thế giới chứa chan ý nghĩa. Trái lại, từ thế kỷ thứ mười chín, triết lý trưởng giả tìm hết cách phủ định hoặc hạn chế cái giá trị của khoa học và nhân lý, vì sợ luân lý của thực thể tiết lộ cái nạn phóng khí của xã hội tư bản và phạm đến quyền lợi của giai cấp trưởng giả.

Một nhóm tác giả chọn con đường hoàn toàn phân ly, bác biện khoa học, công nhận tính cách phóng khí của đời sống hiện tại nhưng lại tìm những giải pháp hậu thoái, và phủ định những lực lượng tạo tác thiết thực của nhân loại lao động. Nhóm ấy gồm những tên như Kierkeggard, Schopenhauer, Nietzsche, Bergson, rốt cuộc đưa đến phái tồn tại hiện nay, do Martin Heidegger chủ trương và Jean-Paul Sartre truyền bá và tục hóa. Nhóm này được nhiều ảnh hưởng trong văn giới.

Một nhóm khác bành trướng trong giáo giới, tìm cách duy trì tư tưởng duy lý, nhưng hạn chế giá trị của khoa học, biện chính việc khảo xét thực tế, nhưng không công nhận cái giá trị tuyệt đối của nhân lý. Nhóm ấy gồm nhiều tên như Auguste Comte, Natorp, Brunschvicg và những phái chuyên môn tâm lý và xã hội học.

Đặc biệt là Edmond Husserl sáng lập phái hiện tượng, phục hưng sở vọng cựu truyền kiến thiết một nền khoa học hoàn toàn, gắng tìm giải pháp duy lý cho hết các  vấn đề trong đời sống nhân loại. Nhưng đó vẫn chỉ là nguyện vọng trừu tượng, tuy tác giả cũng có thực hiện một vài kết quả chi tiết trong cách mô tả và giải thích hiện tượng ý thức.

Trong lúc khoa học trưởng giả biểu lộ tính cách trừu tượng, chia ra thành một số chuyên môn phân ly, giai cấp lao động nhận lại nhiệm vụ cách mệnh, phấn khởi nhân phẩm và triển khai một chủ nghĩa hoàn toàn duy lý. Trung gian thế kỷ thứ mười chín, Karl Marx và Engels sống gần thợ thuyền, sáng tạo chủ nghĩa duy vật sử quan và biện chứng pháp, bày tỏ ý nghĩa và nhiệm vụ của giai cấp vô sản. Đến thế kỷ thứ hai mươi là thời đại thực hiện chủ nghĩa mácxít, nhờ công Lenine, Staline và Mao Trạch Đông triển khai và áp dụng, đã đạt tới trình độ chỉ đạo đời sống một phần ba nhân loại.

 

(xem tiếp phần 3)

 


Nguồn: Trần Đức Thảo. Triết lý đã đi đến đâu?. Nxb. Minh Tân, Paris, 1950. Tài liệu do nhà giáo Hoàng Phong Tuấn cung cấp. Bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt