MẠNH TỬ THIÊN LƯƠNG HUỆ VƯƠNG THƯỢNG 梁惠王上 (GỒM 7 CHƯƠNG)
III
Nguồn: Tú tài Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Tú tài Tùng Văn Nguyễn Đôn Phục. Mạnh tử quốc văn giải thích 孟子國文解释. Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1992. | Bản chữ Hán: 中國哲學書電子化計劃
DỊCH ÂM Lương Huệ vương viết: Quả nhân chi ư quốc dã, tận tâm yên nhĩ hĩ. Hà nội hung, tắc di kỳ dân ư Hà đông, di kỳ túc ư Hà nội; Hà đông hung diệc niên. Sát lân quốc chi chính, vô như quả nhân chi dụng tâm giả; lân quốc chi dân bất đa thiểu, quả nhân chi dân bất gia đa, hà dã?” DỊCH NGHĨA Vua Huệ vương nước Lương khoe với thầy Mạnh rằng: “Quả nhân này xử với dân trong nước thật đã hết lòng lắm. Gặp khi xứ Hà nội mất mùa, thì dời dân xứ Hà nội sang xứ Hà đông, dời thóc xứ Hà đông sang xứ Hà nội; hoặc khi xứ Hà đông mất mùa, cũng y phép đó mà làm. Xét ra chính sách nước láng diềng, không nước nào dụng tâm được như quả nhân này. Thế mà dân nước láng diềng chẳng thấy ít đi, dân của quả nhân này chẳng thấy nhiều ra, là cớ sao?” CHÚ GIẢI Quả nhân = Tiếng nhà vua tự xưng mình, là ý nói khiêm mình là người kém đức. Hà nội, Hà đông = Đều là đất trong cõi nước Lương. Nước Lương xưa gọi nước Ngụy. Di dân = Dời người dân khỏe mạnh tới chỗ có thóc mà ăn. Di túc = Đem thóc đến để cấp cho dân già trẻ không đi được.
DỊCH ÂM Mạnh tử đối viết: “Vương hiếu chiến, thỉnh dĩ chiến dụ; điền nhiên cổ chi, binh nhận ký tiếp, khí giáp duệ binh nhi tẩu, hoặc bách bộ nhi hậu chỉ, hoặc ngũ thập bộ nhi hậu chỉ, dĩ ngũ thập bộ tiếu vách bộ, tắc hà như?” Viết: “Bất khả, trực bất bách bộ nhĩ, thị diệc tẩu dã.” Viết: “Vương như tri thử, tắc vô vọng dân chi đa ư lân quốc dã.” DỊCH NGHĨA Thầy Mạnh thưa rằng: “Vua thích việc chiến tranh, xin đem việc chiến tranh ra thí dụ. Như đôi bên đối trận, ầm ầm thúc trống, đồ binh nhận đã tiếp xúc nhau, một bên thua thì bỏ áo giáp kéo đồ binh mà chạy. Hoặc đứa chạy được trăm bước rồi thì dừng, đứa chạy được năm mươi bước rồi thì dừng; cái đứa chạy năm mươi bước kia, lại cười cái đứa chạy trăm bước nọ, thì vua cho là thế nào?” Vua nói: “Không nên cười nhau, cái đứa kia chẳng qua không chạy được trăm bước đấy thôi, cũng là tuồng thua chạy cả.” Thầy nói: “Vua nếu hiểu lẽ ấy, thì đừng mong dân mình nhiều hơn dân nước láng diềng nữa. CHÚ GIẢI Điền nhiên = Ầm vậy, tiếng trống trận. Binh pháp đời xưa nghe hiệu trống thì tiến quân, nghe hiệu chiêng thì lui quân. Nhận = Cái đồ nhọn, tức loài binh khí. Trực cũng như chữ đãn nghĩa là những. Trực bất bách bộ = Những không chạy được tới trăm bước. Đây là thí dụ nước láng diềng không biết thương dân là tệ, cũng như đứa chạy trăm bước là nhát đã đành; vua Huệ làm được ơn nhỏ, không phải là thực huệ, cũng như đứa chạy năm mươi bước, không phải là mạnh bạo. Tóm lại thì đều là ông vua không biết thực hành vương đạo để nuôi dân cả, khác nào cũng là một tuồng thua chạy đó thôi, không nên kẻ kia cười người nọ vậy.
DỊCH ÂM “Bất vi nông thời, cốc bất khả thăng thực dã; sác cổ bất nhập ô trì, ngư miết bất khả thăng thực dã; phủ cân dĩ thời nhập sơn lâm, tài mộc bất khả thăng dụng dã; cốc dữ ngư miết bất khả thăng thực, tài một bất khả thăng dụng thị sử dân dưỡng sinh táng tử vô hám dã, dưỡng sinh táng tử vô hám, vương đạo chi thủy dã.” DỊCH NGHĨA “Không làm hại mất mùa làm ruộng của dân thì thóc tha hồ mà ăn; lưới mau không cho vào chuôm ao, thì cá, ba ba tha hồ mà ăn; rìu búa tùy mùa mới cho vào rừng núi, thì săng gỗ tha hồ mà dùng. Thóc với cá, ba ba ăn không hết, săng gỗ dùng không hết, thế là khiến cho dân những việc nuôi người sống chôn người chết, không ân hận gì cả; những việc nuôi người sống chôn người chết, không ân hận gì là bắt đầu làm vương đạo đó.” CHÚ GIẢI Nông thời = Trỏ mùa xuân cày ruộng, mà hạ làm cỏ, mùa thu gặt hái, trong những mùa ấy không nên bắt dân đi phu dịch, mới không hại mùa làm ruộng của dân. Ô = Chỗ đất trũng nước đọng, tức là cái chuôm. Vương đạo = Cái đạo trị nước của tiên vương. Dân chỉ cần những việc ăn uống, cửa nhà để nuôi người sống, việc tế tự quan quách để chôn người chết. Đây mới là nhân cái lợi tự nhiên của trời mà gìn giữ để cho dân thừa ăn thừa dùng, để giúp dân về những việc dưỡng sinh tống tử, đó mới là những việc bắt đầu làm vương đạo vậy.
DỊCH ÂM “Ngũ mẫu chi trạch, thụ chi dĩ tang, ngũ thập giả khả dĩ ý bạch hĩ; kê đồn cẩu trệ chi súc, vô thất kỳ thời, thất thập giả khả dĩ thực nhục hĩ; bách mẫu chi điền, vật đoạt kỳ thời, sổ khẩu chi gia, khả dĩ vô cơ hĩ; cẩn tường tự chi giáo, thân chi dĩ hiếu đễ chi nghĩa, ban bạch giả bất phụ đái ư đạo lộ hĩ; thất thập giả ý bạch thực nhục, lê dân bất cơ bất hàn, nhiên nhi bất vượng giả, vị chi hữu dã.” DỊCH NGHĨA “Khu đất ở năm mẫu, bảo dân trồng lấy dâu, thì người năm mươi tuổi có thể được lụa mà mặc. Những giống súc như kê, đồn, cẩu, trệ, bảo dân chớ làm hại cái mùa sinh đẻ của nó, thì người bảy mươi tuổi có thể được thịt mà ăn. Khu ruộng trăm mẫu, chớ làm thiệt những mùa cày cấy thu gặt của dân, thì một nhà vài miệng ăn, có thể không đến nỗi đói. Lại cẩn thận về việc giáo dục trong nhà Tường, nhà Tự, răn bảo dân cho biết nghĩa hiếu đễ, thì những người đầu đốm bạc, không phải vác đội vất vả ở đường sá. Người già được mặc áo lụa, ăn cơm thịt, người trẻ không đến nỗi đói rét; thế mà nước không hưng vượng không có thế bao giờ.” CHÚ GIẢI Xét nhà Châu định phép tỉnh điền, nghĩa là chia ruộng vạch như hình chữ tỉnh ra làm chín khi, mỗi khu trăm mẫu, khu giữa là công điền, còn tám khu xung quanh thì mỗi một người dân được một phần ruộng là trăm mẫu, ngoài trăm mẫu ra lại còn được một khu đất ở là 5 mẫu. Đồn = Lợn con. Trệ = Lợn nái. Tường, Tự = Đều là tên nhà học. Thân = Ý đinh ninh răn bảo kỹ lưỡng. Ban = Đốm; ban bạch là người già đốm bạc. Phụ = Cõng ở lưng. Đái = Đội ở đầu. Dân đã biết hiếu đễ thì biết đỡ việc vác đội cho người già khỏi vất vả. Lê = Đen. Lê dân 黎民 = Người dân tóc còn đen, tuổi còn trẻ. Đây là kể ra những việc thực hành vương đạo kiêm cả giáo, dưỡng, đến thế mới là hoàn toàn.
DỊCH ÂM “Cẩu trệ thực nhân thực nhi bất tri kiểm, đồ hữu ngả biểu nhi bất tri phát, nhân tử tắc viết phi ngã dã, tuế dã, thị hà dị ư thích nhân nhi sát chi, viết phi ngã dã. Vương cô tôi tuế, tư thiên hạ chi dân chí yên.” DỊCH NGHĨA “Nay vua để cho chó lợn ăn của người, mà không biết kiềm chế; ngoài đường có xác kẻ chết đói, mà không biết phát thóc để chẩn bần. Dân chết đói thì vua nói rằng không phải tại ta đâu, tại năm mất mùa đấy. Thế thì khác nào đâm người cho chết, lại bảo rằng không phải tại ta đâu, tại đồ binh sắc đấy. Vua nếu không đổ tội cho năm mất mùa, thì dân trong thiên hạ về với vua cả”. CHÚ GIẢI Kiểm 檢 = Xem xét tỉnh giảm. Biểu 莩= Cái thây người chết đói. Đây là nhân vua Huệ vương chỉ biết làm điều tiểu huệ di túc chẳng qua là dời thóc của dân cấp lại cho dân mà thôi. Còn như dân đói mà chết, thì lại không biết kiểm xét, không biết phát chẩn, thế là lỗi tại vua. Bởi vậy, thầy Mạnh khuyên vua nên nhận lấy lỗi mình, thì khắp cả nhân dân thiên hạ ai nấy đều vui lòng qui phụ với vua, há những dân số nhiều hơn lân quốc mà thôi đâu. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC