BÁCH GIA CHƯ TỬ
NGUỒN GỐC CỦA BÁCH GIA CHƯ TỬ
TRẦN VĂN HẢI MINH
Thảo Đường cư sĩ Trần Văn Hải Minh. Bách gia chư tử. Các môn phái triết dưới thời Xuân thu Chiến quốc. Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học Tp. Hồ Chí Minh, 1991.
Ở nước Trung Hoa, từ thời Chu, Tần, (trước Chúa giáng sinh) có rất nhiều học giả ra đời, mỗi nhà đều có viết sách, trình bày học thuyết của mình, với mục đích sửa đổi chế độ, mong đem lại hạnh phúc ấm no cho con người. Số học giả ấy không phải chỉ một vài người, và số tác phẩm viết ra không phải chỉ một vài cuốn, cho nên mới gọi là Bách Gia Chư Tử, hay gọi một cách giản dị hơn là Chư Tử. Người xưa cũng gọi Chư Tử là các tác phẩm của những nhà học giả ấy viết ra. Danh từ này được thấy dùng đầu tiên trong pho sách Thất lược. Dưới thời Tây Hán (206 trước T.L.) vua Thành Đế sai Lưu Hướng làm chức Hiệu Trung bí thơ, Lưu Hướng lo hiệu đính các loại sách Kinh, Truyện, Chư Tử, Thi Phú; quan Bộ binh Hiệu úy Nhiệm Hoằng hiệu đính các sách Binh thơ; quan Thái Sử Lịnh Doãn Hàm hiệu đính các sách Số thuật, quan Ngự y Lý Trụ Quốc hiệu đính các sách Y học. Sau khi Lưu Hướng mất, vua Ai đế sai con Lưu Hướng là Lưu Hàm, lo hoàn thành công việc của cha còn bỏ dở. Lưu Hàm liền tổng kết hết các loại sách làm pho Thất lược, gồm có Tập lược, Lục Nghệ lược, Chư Tử lược, Thi phí lược, Binh thơ lược, Số thuật lược, Phương Kỷ lược (sách về Y học). Pho Tập lược là pho Tổng mục về tất cả các pho sách khác, còn lại 6 pho lược sau, thì chia cổ thơ ra làm 6 loại như đã kể. Như thế thì Thất lược là một pho Cổ thơ của Trung quốc, gom góp tất cả các loại sách lại, phân chia ra thành từng loại, mà Chư Tử là một loại trong pho sách ấy. Nguyên bản của pho Thất lược đã thất lạc, đến đời Đông Hán (25-214 T.L.) Ban Cố mới cố gắng gom góp lại những điểm trọng yếu để viết thành pho Hán thư Nghệ văn chí, nhờ đó mà mới có thể biết qua đại khái pho Thất lược như thế nào. Kể từ đó trở đi, dưới thời nhà Tống (420-477 T.L.) có pho Thất chí của Vương Kiệm, bên trong có phần Chư Tử chí, rồi dưới thời nhà Lương (502-555 T.L.) có pho Thất Lục của Nguyễn Hiến Tự, bên trong có phần Tử Binh Lục, tức hợp Chư Tử và Binh thơ lại làm một. Pho Kinh tịch chí dưới thời nhà Tuỳ (589-614 T.L.) và pho Tứ Khố toàn thư dưới thời nhà Thanh (1667-1911 T.L.) cũng đều có riêng một phần về Chư Tử. Truy nguyên các sách kể trên đều bắt nguồn từ pho Thất lược, cho nên Chư Tử là tên gọi một loại sách Cổ thơ bắt đầu từ pho Thất lược. Ông Nhiệm Hoằng, với chức Bộ Binh Hiệu Úy, sở trường về quân sự, cho nên hiệäu đính Binh thơ, Doãn Hàm với chức Thái Sử Lịnh, thì hiệu đính sách Số thuật, Lý Trụ Quốc là Ngự Y thì hiệu đính sách Y học. Trong 3 loại sách này, đều có người chuyên môn hiệu đính, như thế là hợp lý, vì tính chất của mọi loại sách đều khác biệt nhau, và cũng vì thế mà phải phân ra từng loại riêng biệt. Về các loại sách Lục Nghệ, Chư Tử, Thi Phú, đều do Lưu Hướng hiệu đính. Các loại sách này phải phân loại là vì tính chất và thể tài của mỗi loại cũng đều khác nhau. Thi Phú khác với Lục Nghệ và Chư Tử, điều này rất dễ thấy, còn Lục Nghệ và Chư Tử sở dĩ phải phân làm 2 loại, chẳng những là vì Hán Nho tôn trọng loại sách kinh điển, mà cũng vì tích chất và thể tài của hai loại sách này cũng đều khác nhau. Dưới thời Tây Hán gọi Lục Kinh: Dịch, Thơ, Thi, Lễ, Nhạc, Xuân Thu là Lục Nghệ (khác với Lục Nghệ trong sách Chu Lễ là Lễ, Nhạc, Xạ, Ngự, Thư, Số). Thế nên trong pho Lục Nghệ lược, người ta ghi chép Lục kinh và các truyện ký như Luận ngữ, Hiếu kinh, và Tiểu Học, gồm tất cả 3 loại, nhưng 3 loại nầy chỉ được xem như là phụ dung cho Lục Kinh mà thôi. Trong pho Lục Kinh, chỉ có Nhạc là không có kinh sách (hay cũng có thể nói là Nhạc không có kinh sách riêng, mà chỉ phụ trong Kinh thi, hay cũng có kẻ nói Nhạc cũng có kinh sách, mà bị mất trong cuộc đốt sách dưới thời nhà Tần). Trong sách Lục Nghệ lược, chắc chắn nhứt là các phần: Dịch, Thơ, Thi, Lễ, Xuân Thu tổng cộng là 5 Kinh (Ngũ Kinh). * Kinh Dịch lấy Quái từ, Hào từ làm kinh, do vua Văn Vương viết, (cũng có người nói Hào từ do Châu Công viết). * Kinh Thơ do các Sử quan đời Hạ, Thương, Châu ghi chép những văn cáo được bảo tồn, truyền đến đời sau thành những sử liệu (thiên Tần thệ, thuộc thời kỳ sau cùng, đến thời Tần mục Công do Sử quan nhà Tần chép). Phần Tụng trong Kinh Thi là những nhạc chương trong giao miếu dưới thời Châu, Thương và của nước Lỗ (thiên Thương Tụng, có người cho là tác phẩm dưới thời nhà Tống) Về phần Phong trong Kinh Thi, đó là ca dao trong dân gian ở các nơi; về phần Nhã, thì đó là những bài thơ chê hay khen nền chánh trị đương thời. Những phần kể trên do quan lại sưu tập, đưa đến cho quan Thái Sử phổ âm nhạc, vì thế mà cùng với phần Tụng trong Kinh Thi, do nhạc quan bảo tồn. * Kinh Lễ có 17 thiên (tức là phần nghi lễ trong Thập tam kinh ngày nay) nguồn gốc là do Nghi chú mà ra, cũng do Lễ quan bảo tồn. * Kinh Xuân Thu là sử nước Lỗ, do Sử quan nước Lỗ ghi chép và bảo tồn. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng, Ngũ Kinh đều là Quan thơ (sách của quan) đó là học thuyết của các nhà Kinh học cổ văn. Các nhà Kinh học kim văn thì lại cho rằng Ngũ Kinh do Khổng Tử viết ra, phần Thoán truyện và Tượng truyện là do Khổng Tử thêm vô, phần Văn ngôn, Hệ từ, tuy chẳng phải tự tay Khổng Tử viết, nhưng đó cũng là của kẻ hậu học ghi thuật những lời nói của Khổng Tử, vì thế mà từ thuyết Thiên đạo đi lần đến Nhơn sự, và từ sách Bói toán, đi lần đến thành sách Triết học. Kinh Thơ bắt đầu từ thiên Đế điển và chấm dứt ở thiên Tần thệ, toàn bộ quyển sách gồm 28 thiên. Thời xưa, cổ thi có đến hơn 3000 thiên, có thuyết cho là Khổng Tử san định lại còn số 305 thiên. Mặc dù thuyết nầy không có gì đáng tin, nhưng chánh Nhạc là phải chánh Thi, làm cho các phần Nhã và Tụng đúng với vị trí và công dụng, đó là điều có thể tin được. Chính Khổng Tử cũng đã xác nhận điều đó (trong thiên Tử Hãn, sách Luận ngữ, Khổng Tử nói: "Ta từ nước Vệ, trở về nước Lỗ rồi sau đó chính Nhạc, làm cho hai thiên Nhã và Tụng đúng chỗ... ") Về phần luận về Thi, Khổng Tử cũng có những ý kiến độc đáo, như phân loại Thi thuộc về các thể: Hứng, Quan, Quần, Oán và Tư vô tà, v.v... Về Lễ, thì Lễ quan chỉ bảo tồn được có 17 thiên, những thiên ấy thuộc về phần Sĩ Lễ, chỉ áp dụng cho các quan chức nhưng Khổng Tử dùng những điều ấy để dạy học trò. Kinh Xuân Thu là sử nước Lỗ, Khổng Tử thêm bớt, phê phán, để làm thành những gương...những bài học, cho nên Mạnh Tử mới cho là Khổng Tử viết Kinh ấy (xem thiên Đằng văn Công trong sách Mạnh Tử). Ngũ Kinh là sách do các quan chức thời ấy ghi chép và sưu tập, Khổng Tử sửa chữa và sắp xếp lại cho có thứ tự, vì thế ông mới bảo rằng: "Thuật nhi bất tác" (Thuật lại mà chẳng có viết gì) (xem trong thiên Thuật nhi sách, Luận ngữ). Nhưng sau khi được Khổng Tử biên soạn lại, Ngũ Kinh lại có được những ý nghĩa mới và những giá trị mới, như thế là có thể nói: Khổng Tử "thuật" mà có "sáng tác"... Ngũ Kinh nguyên là Quan thơ (sách của quan lại biên soạn) còn sách của Chư Tử là sách sáng tác của tư nhân, khác hẳn với loại Quan thơ. Khổng Tử đã san định Ngũ Kinh, lấy "thuật" làm sáng tác, nhưng kể cho đúng là phải nói "thuật chớ không có sáng tác gì cả". Trong pho Lục Nghệ lược, có ghi chép những phần: Truyện, Ký, Thuyết, Cố sự, mặc dù đó là những trước thuật của tư nhân, nhưng đó cũng là những tác phẩm giải thích thêm Kinh, truyện cũ, cho nên cũng phải kể là "thuật" chớ không có "sáng tác" gì thêm. Về phần sách của Chư Tử, thì mỗi người ghi chép ý kiến riêng của mình để lập thành một học thuyết riêng biệt, không cần dựa vào một tác phẩm sẵn có nào để ký thác tâm tư riêng của mình, vì thế phải gọi là sáng tác chớ không phải thuật, vì những tác phẩm ấy có những tính chất và thể tài riêng biệt khác hẳn với các loại cổ thơ. Đó là chỗ khác biệt giữa hai loại sách Lục Nghệ và Chư Tử vậy. Tại sao các tác phẩm sáng tác ấy lại được gọi là của ông "Tử" này, ông "Tử" nọ? Là vì thuở ấy học trò thường gọi thầy là "Tử" rồi thêm vào cái họ của thầy để phân biệt người này với người khác... ví dụ như Mặc Tử, Trang Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, v.v... Đa số sách của Chư Tử, đều không phải do chính tay của người ấy viết mà chỉ do đệ tử hay kẻ hậu học ghi chép lại. Ban đầu những lời ghi chép thật đơn giản, rồi sau đó lần lần được biên soạn thêm cho đầy đủ gom thành sách. Sau khi thành sách rồi, bất câu là do của ai ghi chép, chỉ noi theo những lời ấy của ai đã nói ra mà ghi tên người ấy lên đầu sách để biểu thị cuốn sách ấy nguyên do là của người ấy xướng xuất ra. Như các sách của Trang Tử, Mặc Tử, v.v... đều do học trò ghi chép lại những lời của thầy, gom góp, sắp xếp lại thành sách và ghi lên trên tên của thầy. Gom tất cả các loại sách ấy lại nói chung là Chư Tử vậy. Chúng ta cũng nên tìm hiểu tại sao lúc ấy người ta dùng chữ Tử để gọi thầy. Uông Trung trong quyển Thuật học đã viết: "Đời xưa các chức Khanh, Đại Phu đều gọi là Tử. Tử là tước ngũ đẳng..." Gần đây, ông Chương Bính Lân trong sách Chư Tử lược khảo cũng có viết: "Chư Tử cũng y như ngày nay chúng ta gọi là "ông". Đệ tử ghi chép lời Khổng Tử, hay trước mặt thầy đều dùng chữ Tử, còn người khác khi đề cập đến Khổng Tử thì dùng từ ngữ "Phu Tử" (xem thiên thứ 10 trong sách Thượng luận... vấn đề nầy được phân biệt rất nghiêm minh). Chữ "Tử" cũng như ngày nay chúng ta gọi "Tiên sinh", chữ "Phu Tử" cũng có nghĩa là "Tiên sinh ấy". Cũng có thể vì các học giả ấy đã từng làm quan (thường là chức Tư khấu) nên mới gọi là Tử. Khổng Tử đã từng giữ chức Tư khấu, sau đó, Mặc Tử làm Đại Phu nước Tống, Mạnh Tử làm chức Khanh ở Tề, cho nên đệ tử mới dùng chữ Tử để gọi. Xưng hô như thế, đời nầy truyền sang đời nọ thành thói quen, cũng có khi một người nào đó chưa từng làm quan cũng được đệ tử gọi là Tử như trường hợp của Trang Tử. Truy nguyên, chữ "Tử" thấy dùng đầu tiên ở môn phái Khổng Tử, rồi kế tiếp sau đó các phái khác dùng theo. Đời sau cũng có người dùng từ ngữ Bách Gia Chư Tử, cũng đồng với ý nghĩa Chư Tử, nhưng sở dĩ dùng thêm Bách Gia là muốn nêu lên ý nghĩa số nhiều trong nền học thuật phong phú của thời đại ấy.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC