Triết học tinh thần

Hạnh phúc của con người có hệ tại khoái lạc chăng?

VẤN ĐỀ 2

 

HẠNH PHÚC CỦA CON NGƯỜI HỆ TẠI 

NHỮNG ĐIỀU THIỆN NÀO?

 

THOMAS AQUINAS (1225-1274)

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học: Về hạnh phúc của con người. Phần I-II, vấn đề 1-5. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng tác viên phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 2003.


 

MỤC 6

Hạnh phúc của con người có hệ tại 

khoái lạc chăng?

 

NGHI VẤN. Hình như hạnh phúc của con người hệ tại khoái lạc. 

1. Thực vậy, vì hạnh là mục đích tối hậu, nên nó không được ham muốn vì một điều khác, nhưng tất cả mọi điều khác đều vì nó. Nhưng điều này đặc biệt phù hợp với sự khoái lạc: vì hỏi ai đó vì đâu mà hắn muốn được khoái lạc thì quả là nực cười, như thấy trong cuốn X. Ethic.. Cho nên, hạnh phúc chủ yếu hệ tại khoái lạc và vui thú.

2. Vả lại, căn nguyên đệ nhất thì ảnh hưởng mãnh liệt hơn căn nguyên đệ nhị, như đã ghi trong sách De Causis. Nhưng ảnh hưởng của mục đích thì được lường định theo việc nó được ham muốn. Cho nên hình như điều lôi cuốn lòng ham muốn nhất thì là điều có lý tính của mục đích tối hậu. Mà khoái lạc là như thế: bằng chứng là sự vui thú thu hút ý chí và lý trí của con người đến độ làm cho con người khinh miệt mọi điều thiện khác. Cho nên, hình như mục đích tối hậu của con người, tức là hạnh phúc, chính yếu hệ tại khoái lạc.

3. Vả lại, vì sự ham muốn thì hướng về điều thiện, nên hình như điều mà mọi vật đều ham muốn là điều tuyệt hảo. Nhưng mọi vật, người thông minh cũng như kẻ đần độn, thậm chí cả những vật thiếu lý trí, cũng đều ham muốn sự vui thú. Cho nên sự vui thú là điều tuyệt hảo. Thành thử, hạnh phúc, tức là điều tuyệt hảo, hệ tại khoái lạc.

NHƯNG. Boetius viết trong cuốn III De Cons.: Bất cứ ai muốn hồi tưởng lại những dật lạc của mình, cũng thấy rằng hệ quả của khoái lạc thì buồn bực. Nếu những khoái lạc có thể làm cho chúng ta được hạnh phúc, thì hà cớ gì mà các súc vật không được coi là hạnh phúc.

LUẬN GIẢI. Sở dĩ những vui thú nhục thể được dành cho cái tên “những khoái lạc” là vì chúng được nhiều người biết đến, như thấy trong cuốn VII Ethic.: mặc dầu còn có những vui thú khác mãnh liệt hơn. Nhưng hạnh phúc không chính yếu hệ tại những khoái lạc ấy. Vì nơi mỗi vật, điều thuộc về yếu tính của nó thì khác với điều thuộc về thuộc tính của nó; như nơi con người, là động vật suy lý khả hoại thì khác với là động vật khả tiếu. Vì thế phải suy rằng mọi vui thú là một thuộc tính theo sau hạnh phúc, hoặc theo sau phần hạnh phúc nào đó: sở dĩ ai đó vui thú là vì người ấy chiếm được điều thiện phù hợp với mình, hoặc trong thực tế hoặc trong hy vọng, hay ít ra trong ký ức. Mà một điều thiện phù hợp, nếu quả thực là hoàn bị, thì là chính hạnh phúc của con người; còn nếu là điều thiện khiếm khuyết, thì cũng thông phần hạnh phúc, hoặc gần hoặc xa, hay ít ra có vẻ như thế. Cho nên, hiển nhiên là chính sự vui thú theo sau điều thiện hoàn bị không phải là chính yếu tính của hạnh phúc, mà chỉ là hậu quả của hạnh phúc, hay thuộc tính của nó.

Nhưng khoái lạc nhục thể, trong cả cách thức nói trên, không thể là hậu quả của điều thiện hoàn bị. Vì nó theo sau một điều thiện được giác quan thâu nhận, mà giác quan là khả năng của linh hồn sử dụng thân thể. Mà điều thiện thuộc về thân thể, và được giác quan thâu nhận, không thể là điều thiện hoàn bị của con người. Thực vậy, linh hồn suy lý trổi vượt trên tầm mức của chất thể hữu hình, nên phần linh hồn, độc lập với cơ quan nhục thể, thì được hưởng một thứ vô tận nào đó, khi so sánh với chính thân thể, và với những phần của linh hồn cụ thể nơi thân thể; cũng như những thực tại vô chất là vô tận một cách nào đó khi so sánh với những thực tại hữu chất, vì mô thể thì bị co cụm và bị giới hạn bởi chất thể, cho nên mô thể độc lập với chất thể thì vô hạn một cách nào đó. Thành thử giác quan, là năng lực thể xác, thì nhận biết điều riêng lẻ, là điều được hạn định bởi chất thể; trái lại trí khôn, là năng lực độc lập với chất thể, thì nhận biết điều phổ quát, là điều được trừu xuất khỏi chất thể, và bao hàm vô số những điều riêng lẻ. Như vậy, hiển nhiên là điều thiện phù hợp với thân thể, - thứ điều thiện, qua sự nhận thức của giác quan, phát sinh sự vui thú nhục thể, không phải là điều thiện hoàn bị của con người, mà chỉ là điều thiện cỏn con khi so sánh với điều thiện của linh hồn. Vì thế, sách Khôn Ngoan (7, 9). dạy in rằng: Tất cả vàng ròng trên thế giới, so với sự thông thái, cũng chỉ là một nắm cát. Cho nên, sự khoái lạc nhục thể không phải là chính hạnh phúc, cũng không phải là thuộc tính của hạnh phúc.

GIẢI ĐÁP. 1. Cũng một lý do khiến ta ham muốn điều thiện và sự vui thú, tức là sự an nghỉ của ước muốn trong đi điều thiện: như do cũng một năng lực tự nhiên làm cho vật nặng lăn xuống chỗ thấp và an tĩnh tại đó. Do đó, như điều thiện được ham muốn vì chính nó, thì sự vui thú cũng được ham muốn vì chính nó, chứ không vì điều nào khác, nếu tiếng “vì” biểu thị căn nguyên cứu cánh. Trái lại, nếu nó biểu thị căn nguyên mô thể, hơn nữa nếu biểu thị tác nhân, thì sự vui thú sẽ đáng ham muốn vì một điều khác, nghĩa là vì điều thiện, là đối tượng của sự vui thú, và do đó là nguyên khởi của nó, và cung cấp mô thể cho nó; thực vậy, sự vui thú được ước muốn vì nó là sự an nghỉ nơi điều thiện được ước muốn.

2. Sở dĩ sự ham muốn vui thú giác cảm thì mãnh liệt là vì phát sinh do hoạt động của các giác quan, - những đầu mối khởi động sự nhận biết của chúng ta, - là những thứ dễ cảm nhận hơn. Cho nên, những vui thú giác cảm cũng được nhiều người ham muốn.

3. Mọi người đều ham muốn sự vui thú một cách như ham muốn điều thiện: tuy nhiên họ ham muốn sự vui thú vì điều thiện, chứ không ngược lại, như đã trình bày ở trên (gđ.1). Do đó, không tất nhiên rằng sự vui thú là điều thiện vĩ đại nhất và là điều thiện tự thể: nhưng mỗi vui thú phát sinh từ một điều thiện, và một vui thú nào đó phải phát sinh từ điều là điều thiện tự thể và vĩ đại nhất.

 

Bài trước -- Bài tiếp theo

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt