Triết học tinh thần

Vấn đề 4. Về những điều cần để đạt hạnh phúc. Mục 3

 

VẤN ĐỀ 4

VỀ NHỮNG ĐIỀU CẦN ĐỂ ĐẠT HẠNH PHÚC

 

THOMAS AQUINAS (1225-1274)

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học: Về hạnh phúc của con người. Phần I-II, vấn đề 1-5. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng tác viên phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 2003. | Xem thêm: Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

MỤC 3

Sự nắm vững có cần để được hạnh phúc chăng?

 

NGHI VẤN. Hình như sự nắm vững không cần để được hạnh phúc.

1. Thực vậy, thánh Augustinus viết trong thư (Ad Paulinam, De videndo Deum): Hạnh phúc lớn lao là dùng trí khôn mà đạt tới Thiên Chúa, còn nắm vững là chuyện không thể có. Cho nên để được hạnh phúc không cần đến sự nắm vững.

2. Vả lại, hạnh phúc là sự hoàn bị của con người về mặt hiểu biết, trong đó không có tài năng nào khác ngoài trí khôn và ý chí, như đã trình bày trong Phần I (vđ.79 tt). Nhưng trí khôn được kiện toàn đầy đủ bằng sự nhìn thấy Thiên Chúa, và ý chí thì bằng sự vui thú trong Ngài. Cho nên, không cần sự nắm vững, như yếu tố thứ ba nào cả.

3. Vả lại, hạnh phúc hệ tại hoạt động. Mà những hoạt động được qui định theo đối tượng. Nhưng có hai đối tượng tổng quát, là chân lý và điều thiện: chân lý thì ứng đối với sự nhìn thấy, và điều thiện thì ứng đối với sự vui thú. Cho nên, không cần sự nắm vững như yếu tố thứ ba nào cả.

NHƯNG. Trong thư (1Cr 9,24), thánh Tông đồ viết: Anh em hãy chạy thế nào để nắm vững phần thưởng. Nhưng cuộc chạy thiêng liêng thì kết thúc ở hạnh phúc: vì thế chính thánh nhân viết trong thư (2Tm 4,7.8): Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây, tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính. Cho nên, sự nắm vững thì cần để được hạnh phúc.

LUẬN GIẢI. Vì hạnh phúc hệ tại đạt tới mục đích tối hậu, nên những điều cần để đạt hạnh phúc phải được suy cứu do chính sự qui hướng của con người về mục đích. Mà con người được qui hướng về mục đích khả hội phần thì bằng trí khôn của mình, phần thì bằng ý chí. Bằng trí khôn, vì nơi trí khôn đã có sẵn sự nhận thức khiếm khuyết nào đó về một mục đích. Bằng ý chí, trước tiên bằng tình yêu, là động tác thứ nhất của ý chí tới một điều gì đó; thứ đến bằng tương quan thực hữu của người yêu với hữu thể được yêu mến, tương quan này có thể thể hiện ba cách. Thực vậy, đôi khi hữu thể được yêu mến đã hiện diện trước mặt người yêu mến: lúc đó nó không được tìm kiếm nữa. Đôi khi hữu thể được yêu mến không hiện diện, nhưng không thể đạt được: trong trường hợp này, nó cũng không được tìm kiếm nữa. Còn đôi khi có thể đạt được hữu thể này, nhưng nó lại trổi vượt trên khả năng của kẻ muốn đạt tới nó, đến nỗi không thể đạt được ngay tức khắc: đây là tương quan của kẻ hy vọng với đối tượng được hy vọng; đây là tương quan duy nhất phát sinh sự tìm kiếm mục đích. Trong chính hạnh phúc có những điều ứng đối với ba cách đó. Như sự nhận biết hoàn bị về mục đích, ứng đối với sự nhận biết khiếm khuyết; còn sự hiện diện của mục đích ứng đối với niềm hy vọng; nhưng sự vui thú trong mục đích đã hiện diện thì đi theo lòng mến, như chúng tôi đã nói trên đây (m.2, gđ.3). Và vì thế, để đạt hạnh phúc cần phải có sự hiệp lực của ba điều sau đây : ấy là sự nhìn thấy, tức là sự nhận thức hoàn bị về mục đích khả hội; sự nắm vững hàm súc sự hiện diện của mục đích; sự vui thú hay là sự thưởng thức, hàm chứa sự an nguôi của chủ thể yêu mến trong hữu thể được yêu mến.

GIẢI ĐÁP1. Có thể hiểu sự nắm vững hai cách. Một là, hữu thể nằm trong nội hàm của một chủ thể: và như thế, phàm chi nằm trong nội hàm của một chủ thể hữu hạn cũng là hữu hạn. Cho nên, theo cách này Thiên Chúa không thể được nắm vững bởi bất cứ trí khôn thụ tạo nào. Hai là, sự nắm vững chỉ biểu thị sự cầm giữ đối tượng đã hiện diện, chứ không là chi khác: như ai nắm vững người nào thì được kể là cầm giữ người ấy một cách nào đó. Và theo cách này, sự nắm vững thì cần để được hạnh phúc.

2. Như hy vọng và tình yêu thuộc về ý chí, vì cũng một chủ thể yêu mến đối tượng và hướng về đối tượng ấy khi chưa có nó; thì sự nắm vững và sự vui thú cũng thuộc về ý chí, vì việc chiếm hữu một đối tượng và an nguôi trong đối tượng đó thì thuộc về cũng một chủ thể.

3. Phải nói rằng sự nắm vững không phải là một hoạt động khác biệt với sự nhìn thấy: nhưng là một tương quan nào đó với mục đích đã được chiếm hữu. Cho nên chính sự nhìn thấy hay sự vật được nhìn thấy, xét như đang hiện diện, đều là đối tượng của sự nắm vững.

 


Bài trước -- Bài tiếp theo

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt