Triết học tinh thần

Vấn đề 4. Về những điều cần để đạt hạnh phúc. Mục 6

 

VẤN ĐỀ 4

VỀ NHỮNG ĐIỀU CẦN ĐỂ ĐẠT HẠNH PHÚC

 

THOMAS AQUINAS (1225-1274)

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học: Về hạnh phúc của con người. Phần I-II, vấn đề 1-5. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng tác viên phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 2003. | Xem thêm: Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

MỤC 6

Sự hoàn bị nào đó của thân thể

tự có cần cho hạnh phúc chăng?

 

NGHI VẤN. Hình như sự hoàn bị của thân thể không cần cho hạnh phúc hoàn bị của con người.

1. Thực vậy, sự hoàn bị của thân thể là một điều thiện nào đó của thân thể. Nhưng trên đây (vđ.2), chúng tôi đã chứng minh rằng: hạnh phúc không hệ tại những điều thiện của thân thể. Cho nên, sự bố trí hoàn bị nào đó về thân thể không cần thiết cho hạnh phúc của con người.

2. Vả lại, như đã trình bày ở trên (vđ.3, m.8), hạnh phúc của con người hệ tại việc nhìn thấy yếu tính của Thiên Chúa. Nhưng thân thể không cộng tác chi hết vào công việc đó, như đã được trình bày ở trên (m.5). Cho nên, không có sự bố trí nào về thân thể là cần thiết cho hạnh phúc.

3. Vả lại, trí khôn càng thoát ly khỏi thân thể thì càng hiểu biết cách hoàn bị hơn. Mà hạnh phúc hệ tại hoạt động hoàn bị nhất của trí khôn. Thành thử, linh hồn phải thoát ly khỏi thân thể bằng mọi cách. Cho nên, không có sự bố trí nào về thân thể là cần thiết cho hạnh phúc.

NHƯNG. Hạnh phúc là phần thưởng của nhân đức: vì thế, trong Tin mừng (Ga 13,17) có chép: Nếu anh em thi hành (những điều đó) thì thật phúc cho anh em. Nhưng điều được hứa cho chư Thánh như phần thưởng không những là sự nhìn thấy và vui hưởng Thiên Chúa, mà còn là sự bố trí hoàn hảo về thân thể: vì trong sách Isaias (Is 66, 14) có chép: Nhìn thấy thế, lòng các bạn sẽ đầy hoan lạc, thân mình được tươi tốt như cỏ đồng xanh. Cho nên sự bố trí hoàn hảo về thân thể thì cần cho hạnh phúc.

LUẬN GIẢI. Nếu chúng ta nói về hạnh phúc như có thể có ở đời này, thì hiển nhiên là để được hạnh phúc nhất thiết phải có sự bố trí hoàn bị về thân thể. Vì theo nhà Hiền triết, hạnh phúc này hệ tại hành động của nhân đức hoàn bị. Nhưng hiển nhiên là do sự ốm yếu của thân thể con người có thể bị cản trở trong mọi hoạt động nhân đức.

Nhưng nếu nói về hạnh phúc hoàn bị, thì một số người cho rằng, để được hạnh phúc không cần sự bố trí nào cả về thân thể: hơn nữa để được hạnh phúc, linh hồn phải hoàn toàn thoát ly khỏi thân thể. Vì thế, trong cuốn XXII (De Civ.Dei) thánh Augustinus đã trích dẫn câu nói của Porphyrius rằng: Để linh hồn được hạnh phúc, thì phải thoát ly mọi vật thể. Nhưng đó là điều phi lý. Vì cứ tự nhiên linh hồn phải phối hợp với thân thể, nên không thể có thứ hoàn bị nào của linh hồn lại khai trừ sự hoàn bị tự nhiên của nó.

Vì thế, phải nói rằng, để được hạnh phúc hoàn bị bằng mọi cách thì cần phải có sự bố trí hoàn bị tiền suất và hậu suất về thân thể. Tiền suất, vì như thánh Augustinus viết trong cuốn XII (Super Genes. ad Litt.): Nếu là thứ thân thể mà sự điều khiển nó đã khó khăn và nặng nhọc, như thân xác bị hư nát và đè nặng lên linh hồn, thì tâm trí cũng bị lơ là trong việc ngắm nhìn thiên cung cao chót vót. Cho nên thánh nhân kết luận rằng: Khi thân thể này không còn là thân thể súc vật nữa, mà là thân thể thiêng liêng, thì lúc đó nó sẽ được ngang hàng với các thiên thần, và điều đã là gánh nặng sẽ là vinh quang cho linh hồn.— Hậu suất, vì hạnh phúc của linh hồn sẽ tràn sang thân thể, để chính thân thể cũng được hưởng sự hoàn bị của linh hồn. Vì thế, trong thư gửi Dioscorum, thánh Augustinus viết rằng: Thiên Chúa ban cho linh hồn bản tính mãnh liệt, đến độ từ hạnh phúc rất sung mãn của linh hồn, một sức cường tráng của sự bất hoại tuôn tràn sang bản tính thấp kém.

GIẢI ĐÁP1. Hạnh phúc không hệ tại điều thiện vật thể như đối tượng của hạnh phúc; nhưng điều thiện thể xác có thể làm cho hạnh phúc được phần nào rạng rỡ hoặc hoàn bị thêm.

2. Dẫu thân thể không tham gia vào hoạt động của trí khôn trong việc nhìn thấy yếu tính của Thiên Chúa, lại có thể cản trở hoạt động đó nữa. Cho nên sự hoàn bị của thân thể thì cần thiết, để nó không cản trở việc nâng cao tâm trí lên.

3. Để hoạt động của trí khôn được hoàn bị, sự siêu thoát của trí khôn khỏi thân thể khả hoại, đè nặng lên linh hồn, thì cần thiết: chứ không phải thân thể thiêng liêng, là thân thể hoàn toàn tùng phục linh hồn. Đây là vấn đề sẽ được bàn tới trong phần III của bộ Tổng Luận này.

 


Bài trước -- Bài tiếp theo

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt