Triết học tinh thần

Hình ma người sống

 

HÌNH MA NGƯỜI SỐNG

(Fantômes des Vivants)

HENRI BERGSON

 

Trước hết xin các Ngài cho phép tôi được thưa với các Ngài là tôi cám ơn các Ngài vô cùng vì đã cho tôi cái vinh dự được làm Chủ-tịch Quí-Hội. Vinh dự ấy, chẳng may tôi lại không xứng-đáng lãnh nhận. Tôi chỉ biết đến các hiện tượng mà Quí Hội khảo-sát qua sách vở; tự tôi, tôi đã không thấy được gì, không quan sát được gì. Làm sao các Ngài lại có thể bảo tôi kế-vị những người danh-tiếng đã lần lượt ngồi ở chỗ nầy và tất cả đã theo đuổi những cuộc sưu-tầm như các Ngài. Tôi đoán là ở đây đã có một thứ “thấu thị” (clairvoyance) hay một thứ “viễn cảm” (télépathie) khiến các Ngài ở xa đã cảm thấy là tôi thích những cuộc khảo cứu của các Ngài và, mặc dầu xa cách bốn trăm cây số, các Ngài đã nhìn thấy tôi đang chú ý đọc các bản phúc trình của các Ngài, đang theo dõi công việc của các Ngài với một lòng hiếu-kỳ nồng-nhiệt. Các Ngài đã tốn bao nhiêu tài giỏi, bao nhiêu nhuệ-trí, bao nhiêu nhẫn-nại, bao nhiêu kiên-quyết để thám-hiểm cái đất xa lạ của các hiện-tượng tâm-linh, điều đó quả thực tôi đã luôn luôn lấy làm thán-phục. Nhưng hơn cái tài-giỏi ấy, hơn cái nhuệ-trí ấy, hơn cái kiên quyết không biết mõi mệt ấy, tôi phải thán-phục sự can-đảm mà các Ngài đã phải có, nhất là trong mấy năm đầu, để chống lại với những thành-kiến của phần lớn công chúng và để coi thường những sự nhạo-báng mà những kẻ can-trường nhất cũng phải sợ. Cho nên tôi hết sức hãnh-diện được các Ngài chọn làm Chủ-tịch Hội Khảo-cứu tâm-linh này. Tôi đã đọc, không nhớ là ở đâu, chuyện một vị Thiếu-úy, vì sự tình-cờ của trận chiến, vì các vị chỉ-huy của ông đã bị tử trận, hoặc bị thương, nên đã được vinh-dự gọi ra chỉ-huy cả trung đoàn: suốt đời ông, ông đã nghĩ tới chuyện đó, suốt đời ông, ông đã nói đến chuyện đó, và sự tưởng nhớ lại những giờ ấy đã thấm nhuần cả cuộc đời ông. Tôi là vị Thiếu-úy đó và luôn luôn tôi sẽ sung sướng vì nhờ sự may mắn bất ngờ, tôi đã được đưa lên cầm đầu cả một trung-đoàn anh-dũng, không phải là trong một ít giờ, nhưng là trong một ít tháng.

Làm sao cắt nghĩa được những thành-kiến chống đối các khoa-học tâm-linh mà hiện nay nhiều người vẫn bo-bo giữ lại. Thực ra đặc-biệt chỉ có những nhà bác học nửa mùa mới nhân-danh khoa-học mà lên án sự khảo-cứu như của các ngài đây: nhiều nhà vật-lý, hóa-học, sinh-lý-học và bác-sĩ có chân trong Quí-Hội và nhiều khoa-học-gia, mặc dầu không có tên trong Quí Hội, nhưng vẫn quan-tâm đến các công cuộc sưu-tầm của các Ngài. Tuy nhiên, vẫn còn một số bác-học-gia chính-cống, hoàn-toàn sẵn sàng đón nhận bất cứ công cuộc khảo-cứu nào, dẫu nhỏ bé đến đâu, nhưng nhất thiết loại trừ những gì các Ngài đưa ra và vất bỏ toàn diện những gì các Ngài đã thực-hiện. Tại sao thế? Tôi không muốn phê-bình sự phê-bình của họ để đến lượt tôi cũng được hưởng cái thú phê-bình như họ. Tôi thiết-tưởng trong phạm-vi triết-học thời giờ dùng để phỉ bác là thời giờ bỏ đi. Biết bao học-giả đã đưa ra vô số tư-tưởng chống đối nhau, nhưng ngày nay còn gì lại? Thực chẳng còn gì, hoặc chỉ còn rất ít. Nhưng ở đây chúng tôi muốn chuyện khác, chứ không phải là phỉ bác hay là bình luận. Tôi muốn chứng-minh rằng đàng sau những chỉ-trích của người này và những nhạo-báng của người khác, luôn luôn dấu ẩn một thứ siêu-hình thiếu ý-thức về chính mình, thiếu ý-thức và do đó bất-lực, không thể tự luôn luôn uốn nắn mình cho đúng với sự quan-sát và thí-nghiệm, như một triết-học xứng danh-hiệu triết-học phải làm. Vã chăng, thứ siêu-hình ấy là dĩ-nhiên, và dù sao, nó cũng là do một tập-quán cố-hữu của tinh-thần con người tạo ra, mà đó là lý do làm cho nó trường-tồn và được người ta ưa thích. Tôi muốn vén cái màn che nó lên, đi thẳng vào để xem giá-trị của nó thế nào. Nhưng trước khi làm việc đó và trước khi đi đến vấn-đề các Ngài đang tìm kiếm, tôi xin nói một đôi lời về phương pháp của các Ngài đã, một phương pháp mà tôi biết là đang làm cho một số bác-học-gia phải ngạc-nhiên.

Không có gì làm cho các nhà Bác-học chuyên-nghiệp khó chịu cho bằng thấy người ta đem áp-dụng cho một khoa-học đồng loại với khoa-học của họ những phương-pháp sưu-tầm và chứng-minh mà họ đã luôn cẩn-thận tránh. Họ sợ bị lấy. Họ giữ lấy phương-pháp của họ cũng như người thợ giữ lấy dụng-cụ của mình, một cách rất hợp pháp. Họ yêu phương-pháp của họ, mà không xét đến kết quả nó đem lại. Tôi tưởng, theo William James, chính đó là điều phân-biệt nhà bác-học hiếu-kỳ với nhà bác-học chuyên-nghiệp, người thứ nhất cốt chú ý đến kết-quả, còn người thứ hai lại chú ý đến những phương-pháp cần dùng để đi đến kết quả. Mà những hiện-tượng các Ngài khảo-cứu quả thật cũng thuộc về một loại như các hiện-tượng mà khoa-học thiên-nhiên khảo-cứu, còn phương-pháp mà các Ngài áp-dụng và bắt buộc phải áp-dụng, thường lại không có gì tương-tự với phương-pháp của các khoa-học thiên-nhiên.

Tôi nói đó là những hiện-tượng cùng một loại, nghĩa là các hiện-tượng cũng chắc-chắn phát-biểu ra những định-luật và cũng có thể được lặp lại mãi mãi trong không-gian và thời-gian. Chúng không phải là những hiện-tượng như những hiện-tượng mà sử gia khảo-cứu chẳng hạn. Lịch sử không tái-diễn; trận chiến-tranh Austerlitz đã xảy ra chỉ một lần và sẽ không bao giờ xảy ra lại lần thứ hai. Vì sự-kiện lịch-sử không thể tái-diễn, cho nên một hiện-tượng lịch-sử không thể xuất-hiện lại. Và vì một định-luật nhất-thiết có nghĩa là cùng một căn-do bao giờ cũng đưa đến cùng một hiệu-quả, cho nên sử-học không áp-dụng cho những định-luật, nhưng cho những hiện-tượng riêng-biệt với những hoàn-cảnh riêng-biệt của chúng. Vấn-đề độc nhất phải biết ở đây là phải chăng biến-cố đã thực-sự xảy ra ở một khoảng khắc nhất-định trong thời-gian và ở một chỗ nào nhất định trong không-gian và nó đã xảy ra cách nào? Trái lại một ảo-giác thực có, chẳng hạn một người bệnh hay một người sắp chết hiện ra với một người bà con, hay bạn hữu ở rất xa, có lẽ là ở bên kia địa-cầu, là một hiện-tượng nếu có thực, thì cũng chắc chắn cùng phát biểu một định-luật tương-tự như các định-luật lý, hóa, sinh. Tôi tạm giả-thiết rằng hiện-tượng ấy là do ý-thức này tác-động đến ý-thức khác; hai ý-thức có thể thông-cảm như thế với nhau mà không cần có trung-gian hữu-hình và hiện-tượng viễn-cảm, như các Ngài nói, là có thực. Nếu viễn-cảm là một hiện-tượng có thực, thì đó là một hiện-tượng có thể lặp lại mãi mãi. Tôi còn đi xa hơn: nếu viễn cảm có thực, thì có thể nó tác động mỗi lúc và nơi mọi người, nhưng một cách quá yếu ớt không thể nhận ra được, hoặc là nó tác-động một cách nào đó khiến cho một then máy của óc não, vì lợi-ích lớn lao của chúng ta, đã ngừng được hiệu-quả của nó lại, lúc nó sắp sửa bước qua ngưỡng cửa ý-thức của chúng ta. Chúng ta phát điện luôn, không-khí luôn luôn trữ điện, chúng ta đi lại giữa những luồng điện, vậy mà hàng triệu người đã sống trong hằng ngàn năm không ngờ có điện. Có lẽ chúng ta cũng đã đi qua bên cạnh viễn cảm mà không nhận thấy nó. Nhưng không hề gì. Có một điểm đường nào cũng không chối cãi được, đó là, nếu viễn-cảm có thực, thì nó là một hiện-tượng tự-nhiên và ngày nào mà chúng ta biết được các điều-kiện của nó, thì chúng ta sẽ không còn cần đợi chờ một “hình ma người sống” để có một hiệu-quả viễn-cảm, cũng như bây giờ, để thấy tia điện, chúng ta không cần phải chờ trời nổi cơn giông-tố như ngày xưa.

Vậy hiện-tượng viễn-cảm là một hiện-tượng, xét theo bản tính của nó, hình như phải được khảo-cứu cùng một cách như các hiện-tượng lý, hóa, sinh. Nhưng ở đây các Ngài không xử-trí như thế: các Ngài phải áp-dụng một phương-pháp khác hẳn, nửa giống phương-pháp của sử-gia, nửa giống phương pháp của vị dự-thẩm. Nếu hiện-tượng ảo-giác thực có kia thuộc về quá khứ, thì các Ngài khảo-cứu các tài-liệu, các Ngài phê-phán các tài liệu ấy, các Ngài viết một trang sử. Nếu là một hiện-tượng vừa xảy ra hôm qua, thì các Ngài tiến-hành một cuộc thẩm-vấn; các Ngài tiếp-xúc với các chứng-nhân, các Ngài đối chất họ, các Ngài điều-tra về họ. Về phần tôi, khi tôi nhớ lại những kết-quả của những cuộc điều tra lạ lùng mà các Ngài đã kiên-quyết theo đuổi suốt hơn ba mươi năm trời, khi tôi nghĩ đến những sự đề-phòng mà các Ngài đã gìn giử để tránh lầm lạc, khi tôi thấy những chuyện ảo-giác trong phần nhiều các trường-hợp được các Ngài chấp nhận đã được tường thuật cho một hay nhiều người, nhiều lúc đã được ghi chép lại thế nào, trước khi những chuyện ảo-giác ấy được coi là có thực, khi tôi xét đến con số khổng lồ các hiện-tượng và nhất là xét đến sự giống nhau của chúng, xét đến bộ mặt họ hàng của chúng, đến sự trùng-hợp của các chứng-cứ không liên-lạc với nhau, mà tất cả đều được kiểm-điểm, phê-phán, thì tôi sẵn sàng tin có viễn-cảm như tôi tin sự thất trận của “Đoàn tàu bất khả thắng” (L’Invincible Armada). Đó không phải là một sự xác thực toán-học do chứng-minh định đề Pythagore đem lại; đó không phải là một sự xác-thực vật-lý do sự chứng minh định-luật Galilée đem lại. Nhưng ít ra đó là tất cả sự xác thực người ta có được trong phạm-vi sử-học hay là tài-phán.

Nhưng đó chính là điều làm cho nhiều người bối rối; không nhận định rõ ràng lý do bất bình của mình, họ lấy làm kinh-ngạc vì người ta theo phương-pháp sử học hoặc phương-pháp tài phán mà khảo sát những hiện-tượng, nếu thực có, thì chắc chắn là phải tuân theo định-luật khoa-học và như thế phải được khảo cứu theo phương-pháp quan-sát và thí-nghiệm của các khoa-học thiên-nhiên. Các Ngài tập hiện-tượng thế nào cho nó xuất-hiện được ở một phòng thí-nghiệm, thì người ta sẽ sẵn-sàng tiếp-nhận nó; chưa được như thế, thì người ta sẽ còn nghi hoặc nó. Vì “sự khảo-cứu tâm-linh” không thể tiến-hành như vật-lý và hóa-học được, nên người ta kết luận rằng nó không có tính-cách khoa-học; và vì “hiện tượng tâm-linh” chưa mặc lấy hình-thức đơn giản và trừu-tượng để trở nên một hiện-tượng có thể đem ra quan sát được ở phòng thí-nghiệm, nên tự-nhiên người ta cho nó là huyền ảo. Tôi tưởng đó là lý-luận “tiềm thức” của một số bác-học-gia.

Đàng sau những khích bác mà người ta đưa ra để chống lại với kết-luận nọ hay kết-luận kia của các Ngài, tôi cũng lại tìm thấy một tâm-tình, một sự khinh rẽ “cái cụ-thể” như thế. Tôi xin đem ra đây một ví-dụ. Cách đây ít lâu, trong một cuộc hội họp xã giao có tôi tham dự, người ta đem các vấn-đề các Ngài đang khảo-cứu ra bàn chuyện. Một bác-sĩ tên tuổi của chúng ta có mặt ở đó mà ông cũng là một nhà đại bác-học. Sau khi đã chăm chú nghe, ông lên tiếng và phát biểu ý-kiến của ông như sau: “Tất cả những điều Quí Ngài nói, rất hay, nhưng, xin Quí Ngài cho tôi suy nghĩ đã, rồi mới có thể rút ra một kết luận. Chính tôi cũng được biết một hiện-tượng kỳ lạ. Và hiện-tượng đó tôi cam đoan là chắc chắn có, bởi vì tôi đã được nghe thuật lại bởi một bà khá thông minh và lời nói hoàn toàn đáng tin cậy. Chồng bà là một sĩ-quan. Ông bị giết chết trong một trận chiến-tranh. Mà chính lúc ông ngã gục ở trận địa, thì bà vợ ở nhà đã nhìn thấy thảm kịch, nhìn thấy rõ ràng, mọi sự đúng như việc đã xảy ra. Có lẽ Quí Ngài sẽ kết luận cũng như chính bà kia đã kết luận rằng đấy là một hiện tượng thấu thị, viễn cảm v.v… Các Ngài chỉ quên một điều: là có nhiều bà vợ đã mộng thấy chồng chết hay đang hấp hối mà thực ra chồng đang khỏe mạnh. Người ta chú ý đến những trường-hợp mộng đúng với thực, mà người ta không xét đến các trường hợp khác. Nếu làm bản lược kê, người ta sẽ thấy rằng sự trùng-hợp mộng với thực chỉ là một việc tình cờ”. Câu chuyện đến đó được chuyển sang một hướng khác, vã chăng người ta cũng không thể mở ra một cuộc bàn cải triết-lý được, vì không phải chỗ và cũng không phải lúc. Nhưng ở bàn tiệc ra, một thiếu nữ rất trẻ tuổi là người đã chú ý theo dỏi câu chuyện, đến nói với tôi rằng: “Tôi tưởng hồi nãy bác-sĩ kia đã lý luận sai. Tôi không biết là lý-luận của ông khuyết-điểm ở chỗ nào, nhưng chắc là có khuyết-điểm”. Phải lắm! Có khuyết-điểm. Chính là cô thiếu nữ đúng và nhà bác học tên tuổi kia đã sai. Ông đã không nhìn thấy tính-cách cụ-thể của hiện-tượng. Ông đã lý-luận thế này: “Khi một giấc mộng, hay một ảo-giác báo cho chúng ta biết một người bà con chết hay đang hấp-hối, thì hoặc là chuyện đó đúng, hoặc là chuyện đó sai, hoặc là người kia chết, hoặc là không chết.” Và bởi đó, nếu sự mộng thấy là đúng sự thực, thì cần phải so-sánh số trường-hợp đúng với số trường hợp sai, mới có thể chắc chắn được rằng đấy không phải là hiệu-quả của một sự tình cờ, ông bác sĩ kia không thấy là lý-luận của ông dựa trên một sự thay thế: ông đã thay thế sự diễn tả cái cảnh tượng cụ-thể và sống động -- vị sĩ-quan ngã chết vào một giờ khắc nào đó, tại một nơi nào đó những binh-sĩ nào đó chung quanh ông -- bằng cái câu khô khằng và trừu-tượng nầy: “Bà vợ đã thấy đúng, chứ không thấy sai”. Nếu chúng ta chấp-nhận sự thay thế cái cụ thể bằng cái trừu-tượng, thì chúng ta sẽ phải so sánh trong trừu-tượng số trường-hợp đúng với số trường hợp sai và có lẽ chúng ta sẽ thấy trường hợp sai nhiều hơn trường-hợp đúng và bác sĩ kia đã có lý. Nhưng chính sự trừu-tượng ấy đã bỏ mất những gì cốt-yếu, đã bỏ mất cái cảnh tượng mà bà vợ đã trông thấy và là một cảnh-tượng diễn lại y hệt cả một màn kịch rất phức-tạp và ở cách xa bà. Các Ngài có quan-niệm một họa sĩ vẽ ra trên bức vải của ông một trận chiến-đấu và chỉ dùng trí tưởng-tượng mà thôi, lại có thể tình cờ vẽ đúng chân dung những người lính thực, đã thực chiến đấu trong trận ấy với những bộ-điệu mà nhà họa sĩ đã gán cho họ được không? Cố nhiên là không. Nếu người ta dùng phép tính xác-suất, người ta sẽ thấy là chuyện đó không thể có được, bởi vì một bức họa gồm những nhân-vật nhất-định với những bộ-điệu nhất định là một cái gì độc nhất trong loại của chúng và bởi đó mỗi một nhân vật và nhất là bức họa bao gồm các nhân vật có thể phân chia ra vô số thành-phần tự lập với nhau đối với chúng ta; cho nên phải có một số trường-hợp vô cùng lớn, thì sự tình cờ mới làm cho bức họa tưởng-tượng hoàn toàn đúng với quang cảnh thực: nói cách khác, xét về mặt toán học, thì không thể nào mà một bức họa do trí tưởng tượng của họa sĩ tạo ra, lại vẽ ra một biến-cố của trận chiến tranh đúng như nó đã xảy ra thực. Vậy mà trường-hợp của bà vợ thấy chồng chết ở mặt trận kia cũng giống trường-hợp của họa-sĩ: trí tưởng tượng của bà vẽ ra một quang cảnh. Nếu quang-cảnh ấy vẽ lại một quang cảnh có thực thì nhất thiết bà đã thấy cái quang cảnh có thực ấy, hoặc là bà đã liên-lạc với một ý-thức đang nhìn thấy quang cảnh ấy. Tôi không cần gì so-sánh các “trường-hợp đúng” với “các trường-hợp sai”, ở đây thống kê là vô ích; cái trường-hợp độc-nhất người ta trình bày cho tôi đã đủ, miễn là tôi nhận nó với tất cả nội-dung và chi-tiết của nó. Cho nên nếu còn là lúc phải bàn cải với bác-sĩ kia, thì tôi đã nói với ông: “Tôi không biết câu chuyện người ta thuật lại với ông có đáng tin hay không; tôi cũng không biết bà kia đã nhìn thấy đúng sự việc đã xảy ra ở xa bà hay không; nhưng nếu người ta chứng-minh cho tôi được điểm đó, nếu tôi có thể tin chắc được một điều này mà thôi là hình-dung của một tên lính bà không quen biết, hiện diện trong quang-cảnh bà nhìn thấy, quả là đúng với sự thực, thì lúc đó, mặc dầu người ta đã chứng minh có hằng ngàn trường hợp ảo-mộng sai lạc và không có trường-hợp ảo mộng nào khác đúng, duy chỉ có một trường hợp này mà thôi, thì tôi vẫn nhìn nhận viễn cảm là một thực tại đã được biện-minh chắc chắn và dứt khoát, hay nói một cách tổng-quát là người ta có thể tri giác được những sự vật và những biến-cố mà giác quan chúng ta không thể đạt đến được, dầu là với những khí-cụ tăng cường tầm lực của chúng thêm.”

Nhưng về điểm đó bấy nhiêu đã đủ. Nay tôi bàn đến cái căn-do sâu xa đã hướng hoạt-động các nhà bác-học về một phía khác và do đó đã làm ngưng trể “công cuộc khảo-cứu tâm-linh” từ trước đến nay. Đôi khi người ta ngạc nhiên vì khoa-học thời này đã bỏ qua những hiện-tượng các Ngài lưu ý đến; là khoa-học thực-nghiệm, lẽ ra nó phải tiếp nhận tất cả những gì thuộc về phạm-vi quan-sát và thực-nghiệm. Nhưng người ta cần phải đồng ý với nhau về đặc-tính của khoa học thời nay. Khoa-học thời nay đã sáng tạo ra phương pháp thực-nghiệm, điều đó đã chắc chắn nhưng điều đó không có nghĩa là khoa-học thời nay đã nới rộng về mọi phía phạm vi thí-nghiệm của khoa-học thời trước. Trái lại nó đã rút hẹp phạm-vi ấy lại, vã chăng đó là điều đã làm cho khoa-học ngày nay có hiệu lực. Người xưa đã quan sát rất nhiều và cũng đã thí-nghiệm rất nhiều. Nhưng họ quan-sát theo tình cờ, không có định-hướng. Phương-pháp thực-nghiệm đã được tạo ra cốt ở chỗ nào? Cốt ở chỗ dùng những thể-thức quan-sát và thí-nghiệm mà trước kia người ta đã dùng, nhưng không đem áp-dụng chúng vào hết mọi hướng, mà chỉ qui tụ chúng vào một điểm duy-nhất, nghĩa là vào sự đo lường -- đo lường độ lớn khả biến nọ hoặc độ lớn khả biến kia mà người ta nghi là hàm số của những độ lớn khả biến khác cũng cần phải đo lường. Định luật theo nghĩa ngày nay của danh-từ chính là biểu thái của một tương quan hằng cửu giữa những độ lớn thay-đổi. Vậy khoa-học ngày nay là con đẻ của toán-học; nó đã ra đời ngày mà đại-số-học đã thu được đủ sức và đủ mềm dẻo để ôm lấy thực thể, và bắt nó tuân theo đường lối tính toán của mình. Trước hết thiên-văn-học và cơ-học đã xuất-hiện dưới hình-thức toán-học như các nhà bác-học tân-thời đã mặc cho chúng. Rồi đến lượt vật-lý-học cũng phát-triển thành một vật-lý toán-học. Vật-lý-học lại làm phát-xuất hóa-học, cũng căn-cứ vào những đo-lường, vào những so-sánh trọng-lượng và thể-tích. Sau hóa-học là sinh-học, cố-nhiên môn này chưa mặc lấy được hình-thức toán-học và cũng còn lâu mới mặc lấy được, tuy nhiên nó vẫn mong muốn lấy sinh-lý-học làm trung-gian để rút các định-luật của sự sống vào các định-luật lý-hóa, nghĩa là một cách gián-tiếp, vào các định-luật cơ-học. Như thế, rút cục, khoa-học của chúng ta luôn luôn hướng đến toán học như hướng đến một lý-tưởng: cốt-yếu, nó nhằm đo lường và chỗ nào mà toán-học chưa thể đem áp-dụng vào được và khoa-học đành phải diễn-tả hay là phân-tích đối-tượng, thì nó cũng thu-xếp thế nào để chỉ khảo-sát cái khía-cạnh sau này có thể đo lường được.

Mà yếu-tính của thực-thể tinh-thần là không thể để cho chúng ta đo được; vậy chắc chắn cử-chỉ đầu tiên của khoa-học ngày nay là tìm cho biết có thể thay thế các hiện-tượng tinh-thần bằng những hiện-tượng tương-đương với chúng nhưng là có thể đo được. Mà trong thực-tế chúng ta thấy ý thức liên-quan với óc não, nên người ta đã nắm lấy óc não, đã qui chú vào thực tại óc não, cố nhiên là người ta không nhận định được bản tính của nó, nhưng người ta biết chắc là cuối cùng nó cũng chỉ là những chuyển động phân-tử và nguyên-tử, nghĩa là những hiện-tượng thuộc phạm-vi cơ-học và người ta đã chấp nhận xử-trí như thể là hiện-tượng óc não tương-đương với hiện-tượng tinh-thần. Tất cả khoa-học về tinh-thần của chúng ta, tất cả siêu-hình-học của chúng ta, từ thế-kỷ XVII cho đến ngày nay đều tuyên-bố sự tương-đương ấy. Người ta cho tư-tưởng và óc não là như nhau, hoặc người ta coi tinh-thần như một phụ tượng của óc não, như thuyết duy-vật chủ-trương, hoặc người ta coi tinh-thần và óc não là ngang hàng với nhau, xem chúng như hai bản dịch cùng một tập nguyên-văn ra hai thứ tiếng khác nhau. Nói tóm lại, giả thuyết óc não và tâm-linh song đối chặt chẽ được coi như là một giả-thuyết đặc biệt khoa-học; tự nhiên triết-học và khoa-học có khuynh-hướng loại bỏ tất cả những gì phản đối hay là trái ngược với giả thuyết ấy. Và thoạt tiên, hình như đó là trường-hợp của các hiện-tượng liên-hệ đến “sự sưu-tầm tâm-linh”, hay ít ra là những trường-hợp của phần nhiều các hiện-tượng ấy. Vậy đã đến lúc phải nhìn thẳng vào giả thuyết ấy và xem nó có giá-trị gì không. Tôi sẽ không nhấn mạnh về những khó-khăn mà giả-thuyết ấy nêu ra.

Ở chỗ khác tôi đã chứng minh là xét ngay trong lời lẻ của nó, giả-thuyết ấy đã tự mâu-thuẫn với chính mình. Tôi xin thêm rằng thiên-nhiên đã không cần uổng-phí lặp lại bằng từ-ngữ ý-thức những cái mà vỏ não đã phát biểu bằng những chuyển-động nguyên-tử hay phân-tử. Hết mọi cơ-quan thừa đều phải hao mòn, hết mọi chức-vụ vô dụng đều phải tan biến. Nếu ý thức chỉ là một món đồ thừa, thì mặc dầu nó đã xuất hiện ở vũ-trụ, nó cũng đã biến mất từ lâu: há chúng ta lại không thấy rằng các hành-động của chúng ta càng bị tập-quán máy móc hóa thì càng trở nên vô-thức sao?

Nhưng tôi không muốn nhấn mạnh về những nhận xét thuyết lý ấy. Điều mà tôi muốn quả quyết là các thực tại, được cứu xét một cách không tây vị, nhất thiết không xác nhận và cũng không gợi ra giả thuyết song đối.

Quả thế chỉ có một cơ-năng trí-thức là người ta có thể tin được rằng thực-nghiệm cho phép nói đến một sự định xứ rõ-ràng trong óc não: đó là ký ức, nhất là ký-ức các danh-từ; về phán-đoán và lý luận cũng như về bất cứ một tác động tư-tưởng nào khác, thì chúng ta không có một lý do cỏn con nào để giả thiết là chúng tùy thuộc vào những chuyển-động óc não mà chúng vạch ra dấu vết. Trái lại các bệnh về ký-ức danh-từ bao giờ cũng đi liền với sự hư-hỏng những não hồi nào đó: vì thế người ta có thể coi ký-ức như chỉ là một chức-vụ của óc não và tin-tưởng rằng các hoài-niệm thị-giác, thính giác, động-cơ của danh-từ, đã được sắp xếp ở trong vỏ não như những tấm kính ảnh lưu giữ những ấn tượng màu sắc hay là những dĩa thu thanh ghi nhận những chấn động âm-thanh? Các Ngài hãy khảo sát cho kỹ các thực-tại mà người ta tuyên-bố là chứng-cớ của một sự đối-chiếu chặt-chẽ giữa sinh-hoạt tinh-thần và sinh-hoạt óc não như thể là sinh-hoạt tinh-thần dính liền với sinh-hoạt óc não (cố nhiên là tôi không nói đến các cảm-giác và các cử-động vì chắc chắn óc não là một cơ-quan cảm-động (sensoir’-moteur)), các Ngài sẽ thấy các thực tại ấy chỉ là những hiện-tượng ký-ức và chính là sự định trí các bệnh mất trí nhớ từ-ngữ, và chỉ là sự định-xứ ấy đã có vẻ đem lại cho thuyết tâm-lý sinh-lý song đối một chút chứng-minh thực-nghiệm mà thôi. Vậy mà một sự khảo-cứu kỹ-càng hơn về các thứ bệnh mất trí nhớ từ-ngữ sẽ cho chúng ta thấy rõ ràng là không thể đồng hóa các hoài-niệm với những tấm-kính ảnh hay là những ký-âm đã được ghi vào óc não: theo ý tôi thì óc não không lưu trữ các quan-niệm hay hình ảnh của quá-khứ, nó chỉ thu nhận những tập quán vận động. Tôi không nhắc lại ở đây sự bình-phẩm của tôi ngày trước đối với lý-thuyết thông-dụng về các bệnh mất trí nhớ từ-ngữ, một sự phê-bình mà hồi đó có vẻ trái ngược vì đã động-chạm đến một tín-điều khoa-học, nhưng về sau đã được xác-nhận nhờ sự tiến-bộ của ngành giải-phẩu bệnh-lý, (các Ngài đã biết những công-cuộc khảo-cứu của giáo-sư Pierre Marie và các đồ-đệ của ông). Tôi xin nhắc lại các kết luận của tôi. Điều mà sự khảo-cứu cẩn-thận các thực-tại cho chúng ta nhận thấy rõ ràng chính là điều này: những sự hư-hỏng óc não đặc-biệt của các bệnh mất trí nhớ từ ngữ không động đến chính các hoài niệm và bởi đó các hoài-niệm không lưu-trữ ở chỗ nọ hay chỗ kia, trong vỏ não để rồi bệnh sẽ phá-hủy được. Những sự hư-hỏng vỏ não thực ra chỉ làm cho việc khêu-gợi các hoài niệm trở nên không có thể hoặc trở nên khó khăn; những sự hư-hỏng ấy động đến then máy của sự khêu gợi hoài-niệm và chỉ động đến then máy ấy mà thôi. Nói một cách chính xác hơn, vai trò của óc não là làm cho tinh-thần, khi cần đến một hoài-niệm, thì có thể đòi hỏi được ở thể xác một thái-độ hoặc một cử-động chớm nở khả dĩ đem lại cho hoài-niệm đang được tìm kiếm một cái khung vừa vặn. Nếu cái khung có đó, thì hoài niệm sẽ tự đến mà lắp mình vào. Cơ-quan óc não chuẩn bị cái khung, nó không cung cấp hoài-niệm. Đó là điều mà các bệnh ký-ức từ ngữ cho chúng ta biết và là điều mà sự phân-tích tâm-lý về ký-ức cũng làm cho chúng ta đoán thấy.

Nếu chúng ta xét đến các cơ-năng khác của tư-tưởng, thì giả-thuyết mà các thực-tại gợi ra trước hết, không phải là giả-thuyết sinh-hoạt tinh-thần và sinh-hoạt óc não song đối chặt-chẽ. Trong hoạt-động của tư-tưởng nói chung cũng như trong tác-động ký-ức, óc não chỉ được coi như thể là phụ-trách gây ra nơi thể-xác những vận-động và những thái-độ múa máy những gì tinh-thần suy-tưởng hay là những gì mà hoàn-cảnh bắt tinh-thần phải suy-tưởng. Đó là điều mà tôi đã phát-biểu ở chỗ khác, khi tôi nói rằng óc não là một cơ-quan làm tuồng câm (organe de pantomime). Tôi cũng đã nói thêm: “giả sử có người nào nhìn được vào trong một bộ óc đang hoạt-động, theo dõi những bước đi lại của các nguyên-tử và giải thích được các hành-động của chúng, thì chắc người ấy cũng biết được ít nhiều những gì xảy ra trong tinh-thần, nhưng biết được rất ít. Người ấy chỉ có thể biết được những cái có thể phát-biểu thành giáng điệu, thái-độ và cử-chỉ của thân-xác, những cái mà trạng-thái tinh-thần bao hàm như hành-động sắp thực-hiện hay chỉ mới chớm phát: những gì còn lại, người ấy sẽ không biết được. Đối với những tư-tưởng và tình-cảm diễn ra trong ý-thức, người ấy cũng ở trong hoàn-cảnh một khán-giả nhìn thấy rõ ràng tất cả những điều các kịch-sĩ làm trên sân-khấu, nhưng không hiểu được một tiếng nào của những lời họ nói”. Hay là người ấy cũng như con người trong một bản hòa nhạc chỉ thấy những chuyển-động của cái gậy trong tay ông nhạc-trưởng. Quả-thế, các hiện-tượng óc não đối với sinh-hoạt tinh-thần cũng giống như bộ điệu của viên nhạc-trưởng đối với khúc nhạc; chúng chỉ vạch ra những tiết điệu cử-động, chứ không làm gì khác hơn; cho nên trong vỏ não người ta sẽ không thấy được một chút gì của những động-tác cao cấp của tinh-thần. Ngoài những chức-vụ cảm-giác của nó, óc não không có vai trò nào khác hơn là múa máy nhại lại (mimer) sinh-hoạt tinh-thần, múa máy nhại lại theo nghĩa rộng rãi nhất của danh-từ.

Vã chăng tôi xin nhìn nhận sự múa máy nhại lại ấy là rất mực quan-trọng. Chính là nhờ đó mà chúng ta nhập được vào thực-thể, thích-nghi được với thực-thể, và đáp lại được những đòi hỏi của hoàn-cảnh bằng những hành-động xứng-hợp. Nếu ý-thức không phải là một chức-vụ của óc não, thì ít ra óc não cũng làm cho ý-thức qui chú được vào thế-giới chúng ta đang sống: óc não là cơ-quan qui-chú vào cuộc sống. Cho nên một sự thay đổi nhẹ nhẹ trong óc não, một sự đầu-độc thoáng qua gây ra bởi rượu hay nha phiến và nhất là những sự đầu-độc lâu bền thường-trực được coi như là căn-do của bệnh điên-cuồng, có thể làm cho sinh-hoạt tinh-thần bị rối loạn hoàn-toàn. Không phải là tinh-thần trực-tiếp bị phá-hoại. Không nên tưởng như người ta thường tưởng rằng chất độc đã đến tìm trong vỏ não một thứ then máy, khía cạnh vật-chất của lý-luận, để phá-hủy và do đó người bệnh thành ra nói nhảm. Hiệu-quả của sự hư-hỏng vỏ não là làm lệch lạc sự ăn-khớp, nghĩa là làm cho tư-tưởng không còn tháp-nhập đúng vào sự vật. Một người bị bệnh điên vì tưởng mình bị bách hại còn có thể lý-luận hợp lý, nhưng lý-luận bên cạnh thực tế, ngoài thực-tế như chúng ta lý-luận trong mộng. Hướng tư-tưởng chúng ta đến hành-động, làm cho tư-tưởng chuẩn-bị chính cái hành-động mà hoàn-cảnh đòi hỏi, đó là công việc của óc não. Nhưng vì đó mà óc não tự hợp và giới-hạn sinh hoạt của tinh-thần. Nó cản-trở không cho chúng ta đưa mắt nhìn bên mặt và bên trái và nhiều khi cũng không để cho chúng ta nhìn về phía sau nữa. Nó muốn chúng ta nhìn thẳng về đàng trước, theo hướng mà chúng ta phải tiến bước. Điều đó há chẳng đã rõ ràng trong tác động của ký-ức? Nhiều thực tại hình như cho chúng ta thấy rằng quá khứ được lưu giữ lại với hết mọi chi tiết nhỏ bé nhất của nó và chúng ta không quên mất gì thực. Các Ngài đã nghe nói chuyện những người bị chết đuối và bị thắt cổ khi được hoàn sinh thuật lại họ đã nhìn thấy toàn diện tất cả quá khứ của họ trong một chớp nháy thế nào. Tôi còn có thể kể ra nhiều ví dụ khác vì hiện-tượng này không phải là triệu-chứng nghẹt thở, như người ta tưởng. Nó cũng có thể xảy ra nơi một người trèo núi bị trượt chân sa xuống một đáy hồ hay là nơi một người lính đang bị địch quân nhắm bắn và cảm thấy nguy-kịch đến nơi. Chính là vì quá khứ của chúng ta còn đó, toàn-thể, liên-tiếp và chúng ta chỉ cần phải quay trở lại là nhìn thấy. Nhưng chúng ta không thể và không được quay trở lại. Chúng ta không được quay trở lại là vì chúng ta có sứ-mệnh phải sống, phải hành-động: sống và hành-động là nhìn về phía trước. Chúng ta không thể quay trở lại, vì chính chức-vụ của then máy óc não là che dấu không cho chúng ta thấy quá-khứ và chỉ để xuất hiện ra, ở mỗi giây phút, những gì có thể soi sáng cho tình thế hiện tại và giúp đỡ cho hành-động. Chính là bằng cách che đậy hết mọi hoài-niệm, trừ một cái -- trừ cái hoài-niệm chúng ta cần đến và thân xác chúng ta đã phác-họa ra bằng sự múa máy của nó -- mà then máy óc não gợi lại cái hoài-niệm hữu-ích kia. Bây giờ giả sử sự chú ý vào cuộc sống lệch lạc đi trong chốc lát -- chú ý, tôi nói đến đây không phải là sự chú ý cố ý, có tính-cách chốc lát và cá-nhân, nhưng là sự chú ý thường xuyên, chung cho hết mọi người mà thiên-nhiên bắt phải có và người ta có thể gọi là “sự chú ý của chủng loại” -- lúc đó tinh-thần đang buộc phải nhìn về đàng trước, sẽ nới dãn ra, và do đó quay trở lại đàng sau, để sẽ gặp lại ở đó tất cả lịch sử của nó. Vậy sự nhìn thấy toàn-diện quá khứ là do một sự ly thoát đột ngột với cuộc sống, gây ra bởi một sự tin-tưởng thình-lình rằng mình sắp chết lập tức. Qui tụ sự chú ý vào cuộc sống, thu hẹp ký-ức-trường lại trong phạm vi hữu-ích, đó là công việc mà óc não kể là cơ-quan của ký ức, đã làm từ trước đến nay.

Nhưng những điều tôi nói về ký-ức cũng sẽ đúng cho tri-giác. Ở đây tôi không thể đi vào chi-tiết của một sự chứng-minh mà tôi đã thử hồi trước: tôi chỉ cần nhắc lại rằng tất cả sẽ trở nên tối tăm và không thể hiểu được, nếu người ta coi các trung-tâm óc não như là những cơ-quan có thể biến đổi những chấn-động vật-chất thành những trạng-thái tinh-thần, và trái lại tất cả sẽ trở nên rõ ràng, dễ hiểu, nếu người ta chỉ coi các trung-tâm óc não ấy như là những khí cụ tuyển lựa, mục-đích là để chọn lấy trong trường mênh-mông các trí-giác tiềm thế của chúng ta những tri-giác nào cần phải được thực-hiện hóa. Leibniz nói rằng mỗi một đơn-tử (monade) nhất là mỗi một đơn tử thuộc về các đơn tử mà ông gọi là những tinh-thần đều nhìn thấy một cách có ý-thức hay là vô ý-thức toàn thể thực thể. Tôi không dám đi xa như thế, nhưng tôi tưởng rằng chúng ta tri-giác trong tiềm thế (virtuellement) nhiều sự vật hơn là chúng ta tri-giác trong hiện thế (actuellement) và ở đây cũng thế, vai trò của thân xác chúng ta là đuổi xa khỏi ý thức tất cả những gì không ích-lợi thực-tế cho chúng ta, tất cả những gì không vào khuôn-khổ hành-động của chúng ta. Vậy các giác-quan, các thần-kinh cảm giác, các trung-tâm óc não tập hợp các ảnh-hưởng từ bên ngoài đến và nhờ thế vạch hướng cho chúng ta hành-động. Nhưng do đó chúng giới-hạn cái nhìn của chúng ta về hiện tại, cũng như các then máy óc não thu hẹp cái nhìn của chúng ta về quá khứ. Vậy nếu một số hoài-niệm vô-ích, hay là những hoài-niệm của mộng, thừa cơ một lúc thiếu chú ý vào cuộc sống, có thể lướt vào vùng ý-thức, thì chung quanh cái tri-giác bình thường của chúng ta, há lại không có thể có một vùng biên bỉ gồm những tri-giác, thường là vô ý-thức, nhưng tất cả đều sẵn sàng để lấn nhập vào cỏi ý-thức và thực ra trong những trường-hợp đặc-biệt, hoặc là nơi một số người mang sẵn tố tính, chúng nhập vào thực. Nếu có những thứ tri-giác như thế, thì chúng không phải chỉ tùy thuộc vào tâm-lý học cổ-điển nữa, chúng phải là đối-tượng của môn “khảo-cứu tâm-linh”.

Vả chăng chúng ta đừng quên rằng không-gian tạo ra những sự phân chia rành mạch. Thân xác chúng ta ở ngoài nhau trong không gian và ý thức của chúng ta, vì ràng buộc với thể-xác của chúng ta, nên cũng phân-cách với nhau. Nhưng nếu các ý-thức chỉ nối kết với thân-xác bởi một phần nào của chúng thôi, thì chúng ta được phép giả thiết rằng trong phần còn lại, các ý-thức có thể lấn nhập vào nhau. Ở giữa các ý-thức, từng giây phút một, có thể có những sự trao đổi tương-tự như những hiện-tượng sấm nhập giữa các cơ-quan trong thân-xác. Nếu giữa các ý-thức có sự giao-thông như thế, thì thiên-nhiên đã phải phòng bị thế nào cho sự giao-thông ấy khỏi gây hại và có lẽ một số then máy đã được đặc biệt sắp đặt để đẩy lùi vào cõi vô ý thức những hình ảnh đã nhập vào như thế, vì nếu không, các hình ảnh này có lẽ sẽ gây nhiều bất tiện trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, một hình ảnh nào đó có thể nhập lậu vào, nhất là lúc những then máy cấm đoán không chạy đúng và hình-ảnh này cũng là đối-tượng khảo-cứu của khoa-học “sưu tầm tâm-linh”. Như thế, có thể có những ảo-giác chân-thực, “hình ma người sống” có thể xuất hiện. Chúng ta càng quen với ý-tưởng nhìn nhận ý-thức vượt quá cơ-thể, thì chúng ta càng cho sự linh-hồn tồn tại sau lúc thể-xác tan-rã là một điều tự-nhiên. Cố nhiên, nếu hiện-tượng tinh-thần là đổ phỏng đúng theo hiện-tượng óc não, nếu trong ý-thức của con người chỉ có những gì đã ghi ký vào óc não, thì chúng ta có thể nhìn nhận là ý-thức cùng theo số kiếp của thể xác và cùng chết với nó. Nhưng trái lại, nếu các thực tại được khảo-cứu một cách độc-lập đối với mọi hệ-thống, bắt buộc chúng ta nhìn nhận rằng sinh hoạt tinh-thần rộng rải hơn sinh-hoạt óc não nhiều, thì sự bất-tử của linh-hồn trở nên một điều khá hữu-lý, đến nổi nhiệm-vụ chứng minh là phận sự của người phủ nhận hơn là của người chấp nhận. Vì như tôi đã nói ở chỗ khác “lý do duy nhất để tinh-thần tan biến, sau lúc người ta chết, là chúng ta thấy thể xác tan rã, nhưng lý do ấy không còn giá-trị, nếu hầu như toàn thể ý-thức không lệ thuộc thể-xác cũng là một hiện-trạng quan-sát được.”

Đó là tóm tắt những kết luận tôi đã đạt được, sau một sự khảo-sát vô tư các thực tại được biết; nghĩa là tôi cho rằng trường hoạt-động của công cuộc khảo-cứu tâm linh rất là rộng lớn và hầu như vô giới hạn. Khoa học mới mẽ này chẳng bao lâu sẽ kéo lại được thời-gian đã uổng mất. Toán-học đã phát xuất từ đời thượng-cổ Hy-lạp; vật-lý-học đã có ba bốn trăm năm nay; hóa-học đã xuất-hiện ở thế-kỷ mười tám; sinh-học hầu như cũng đồng tuổi, nhưng tâm-lý-học thì mới ra đời không bao lâu và khoa khảo-cứu tâm linh lại còn mới hơn nữa. Chúng ta có nên phàn nàn về sự chậm trể ấy không? Đôi khi tôi đã tự hỏi, nếu khoa-học ngày nay, thay vì khởi từ toán-học để đi theo hướng cơ-học, thay vì tập-trung mọi cố-gắng vào sự nghiên-cứu vật-chất, đã bắt đầu bằng sự khảo sát tinh-thần, nếu Kepler, Galilée, Newton chẳng hạn đã là những nhà tâm-lý-học, thì tình-trạng sẽ là thế nào. Chắc có lẽ chúng ta đã có một tâm-lý-học mà ngày nay chúng ta không thể quan-niệm được, cũng như trước thời Galilée người ta đã không thể tưởng-tượng được khoa vật-lý ngày nay của chúng ta. Thứ tâm-lý-học ấy sánh với tâm-lý-học ngày nay của chúng ta có lẽ cũng như là vật-lý-học của chúng ta sánh với vật-lý-học của Aristote vậy. Xa lạ với mọi ý-tưởng cơ-giới thuyết, lúc ấy có lẽ khoa học đã không độc đoán loại bỏ mà trái lại đã niềm nở tiếp nhận những hiện-tượng các Ngài đang khảo-cứu: có lẽ “khoa khảo cứu tâm-linh” đã nằm trong vô số các công việc chính-yếu của khoa-học rồi. Một khi đã khám phá ra các định-luật tổng-quát nhất của hoạt-động tinh-thần như, thực ra, người đã khám được cái nguyên-tắc căn-bản của cơ-giới-học, có lẽ người ta đã đi được từ tinh-thần thuần túy đến sự sông: sinh học đã được xây-dựng, nhưng là một thứ sinh-học chủ sinh lực (biologie vitaliste) khác hẳn với sinh-học của chúng ta, đàng sau các hình-thức bên ngoài của sinh-vật, nó đã muốn tìm ra một sức mạnh vô hình bên trong mà các hình-thức kia chỉ là những biểu hiện. Đối với sức mạnh ấy chúng ta bất lực, chính vì khoa-học tinh-thần của chúng ta hãy còn ấu trỉ và vì thế các nhà bác-học không lầm lỗi khi họ trách thuyết chủ sinh-lực (vitalisme) là một thuyết vô ích: ngày nay nó vô ích, nhưng nó sẽ không vô ích mãi mãi và nó đã không vô ích, nếu ở nguyên-thủy khoa-học ngày nay đã khảo sát sự vật từ đầu múi khác. Đồng thời với thứ sinh-học này, có lẽ đã phát xuất một thứ y khoa có thể sữa trị trực tiếp những yếu nhược của sinh-lực, một thứ y-khoa nhắm vào căn do, chứ không phải hiệu quả, nhằm vào trung-tâm, chứ không phải là chu vi; phương-pháp chữa bệnh bằng ám thị, hay tổng quát hơn, bằng ảnh hưởng tinh-thần trên tinh-thần, có lẽ đã có thể mặc lấy những thể-thức lạ lùng và đạt đến những mực-độ bất-ngờ. Như thế khoa-học về hoạt-động tinh-thần đã được thành-lập và phát-triển. Nhưng theo dõi các biểu-diễn của tinh-thần từ trên xuống dưới, và băng qua sự sống và vật chất hữu sinh, dần dần khoa-học ấy sẽ gặp phải vật chất vô cơ, lúc đó nó sẽ đột ngột ngừng lại, ngơ ngác như bị lạc hướng. Có lẽ nó đã thử áp-dụng cho đối-tượng mới này các phương-pháp cố hữu của nó nhưng không ăn thua gì, cũng như các phương-pháp tính-toán, đo lường ngày nay không ăn thua gì đối với những sự kiện tinh-thần. Và chính vật chất, đã là xứ sở của bí-nhiệm, chứ không phải là tinh-thần. Giả sử một thứ khoa-học, giống như khoa-học của chúng ta hiện nay, với tất cả mọi áp-dụng cơ-giới của nó, đã được phát triển ở một xứ xa lạ, chẵng hạn ở Mỹ-châu, nhưng là một Mỹ-châu chưa được người Âu-châu khám phá và nhất định không liên-lạc gì với chúng ta. Thỉnh-thoảng có những người chài lưới từ ven biển Ý-nhĩ-lan, hoặc Bơ-rơ-tanh, ra đánh cá ngoài khơi và trông thấy ở chân trời một chiếc tàu Mỹ, đang chạy ngược gió, với một tốc lực rất nhanh -- thứ tàu mà chúng ta gọi là tàu chạy bằng hơi nước. Trở về nhà, những người chài lưới ấy thuật lại điều họ đã trông thấy. Người ta có tin họ không. Có lẽ là không. Người ta càng thông thái, càng thấu hiểu khoa-học thuần tâm-lý đã được hướng theo một đường lối trái nghịch với vật-lý và cơ-học, thì người ta lại càng không tin lời họ. Và lúc đó người ta đã phải lập ra một hội như hội của các Ngài, nhưng lần nầy là “một hội khảo-cứu vật-lý”; hội nầy đã mời các chứng nhân đến, kiểm-soát và phê-phán các lời họ thuật lại, rồi xác-định tính-cách xác-thực của những sự xuất-hiện các tàu chạy bằng hơi nước. Tuy nhiên, vì chỉ sử-dụng được phương-pháp sử-học hay phương-pháp phê-bình, hội ấy đã không thể thắng được mối hoài-nghi của một số người; vì hội tin có những chiếc tàu lạ lùng kia, những người này đã bắt buộc hội phải làm ra những chiếc tàu như thế và cho chạy, thì họ mới tin.

Đó là điều mà nhiều lúc tôi đã đùa mơ nghĩ. Nhưng lúc vừa mơ nghĩ như thế, thì tôi lại thôi và tự bảo: không! Tinh-thần nhân-loại không thể và cũng không nên đi theo một con đường như thế. Điều đó không thể được vì ngay từ buổi bình minh của thời đại mới, toán-học đã có rồi và nhất-thiết người ta phải bắt đầu rút ở toán-học ra tất cả những gì nó có thể đem lại để hiểu biết cái thế-giới mà chúng ta đang sống: người ta không thả mồi để bắt bóng. Nhưng nếu điều đó có thể làm được đi nữa, thì vì lợi ích cho chính khoa-học tâm-lý, tinh-thần nhân-loại cũng không nên chăm chú vào đó trước hết. Vì thực ra nếu người ta đã dùng vào việc khảo cứu tinh-thần những công lao, những tài-năng, những nhuệ-trí mà người ta đã dùng vào các khoa-học vật chất, thì có lẽ sự hiểu biết về tinh thần tiến được những bước khá xa; nhưng nó vẫn luôn luôn thiếu mất một cái gì rất quý-hóa mà nếu không có cái đó thì phần còn lại sẽ mất đi rất nhiều giá-trị: cái đó là sự chính xác, sự chặt chẽ, sự lo-lắng tìm chứng minh, tập-quán phân-biệt cái có thể hay cái có lẽ với cái chắc chắn và xác-thực. Xin đừng tưởng rằng đó là những đức-tính tự-nhiên của trí-tuệ con người? Trong một thời gian khá lâu, nhân-loại đã bỏ qua các đức-tính ấy, và có lẽ chúng đã không bao giờ xuất hiện ra ở trần thế, nếu xưa kia ở một góc trời Hy-lạp đã không phát sinh một dân-tộc nhỏ bé, không đành nhận cái đại-khái và đã phát-minh ra sự chính-xác. Chứng minh toán-học, một phát-minh của thiên-tài Hy-lạp, là hiệu quả hay căn-do ở đây? Điều đó tôi không biết. Nhưng chắc-chắn là nhờ toán-học mà nhu-cầu chứng minh đã được truyền-bá từ trí-tuệ này đến trí-tuệ khác, và ngày càng nảy nở thêm trong trí óc con người, khi khoa toán-học, nhờ cơ-học làm trung-gian, đã bao-quát được một số lớn hơn các hiện-tượng vật-chất. Đem vào sự khảo-cứu thực thể cụ thể chính những đòi hỏi chính xác và chặt chẽ trong lý-luận, đặc-điểm của tư-tưởng toán-học, đó là một tập-quán mà chúng ta đã có được nhờ các khoa-học về vật-chất; nếu không có các khoa-học nầy thì chúng ta không có được tập-quán ấy. Cho nên một khoa-học, áp dụng lập-tức cho các sự kiện tinh thần, sẽ là một khoa học mơ hồ, không xác-thực, dẫu nó tiến xa đến đâu. Có lẽ một khoa học như thế đã không bao giờ phân-biệt được cái chỉ đáng thừa nhận với cái nhất-thiết phải được thừa-nhận. Nhưng ngày nay, nhờ sự khảo-cứu sâu xa của chúng ta về vật-chất, chúng ta đã biết phân-biệt như thế và chúng ta đã có được những tính-cách mà sự phân biệt ấy bao hàm, nên chúng ta có thể không sợ sệt mạo-hiểm tiến vào khu-vực các thực-thể tâm-linh, một khu-vực hầu như chưa được thám-sát. Chúng ta hãy can-đảm, khôn-khéo tiến vào, hãy vất bỏ cái thứ siêu-hình đồi-tệ đang cản trở bước tiến của chúng ta và khoa-học về tinh-thần sẽ có thể đem lại những kết quả vượt quá mọi hy-vọng của chúng ta.

CAO VĂN LUẬN dịch

(Đại học, số 4, tháng 8-1961, tr. 58-74)

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt