Triết học tinh thần

Vấn đề 4. Về những điều cần để đạt hạnh phúc. Mục 5

 

VẤN ĐỀ 4

VỀ NHỮNG ĐIỀU CẦN ĐỂ ĐẠT HẠNH PHÚC

 

THOMAS AQUINAS (1225-1274)

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học: Về hạnh phúc của con người. Phần I-II, vấn đề 1-5. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng tác viên phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 2003. | Xem thêm: Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

MỤC 5

Thân thể có cần cho hạnh phúc của con người chăng?

 

NGHI VẤN. Hình như thân thể không cần cho hạnh phúc của con người.

1. Thực vậy, sự hoàn bị của nhân đức và của ân sủng ngầm hiểu sự hoàn bị của bản tính. Mà hạnh phúc là sự hoàn bị của nhân đức và của ân sủng. Nhưng linh hồn mà không có thân thể thì không có sự hoàn bị về bản tính: vì cứ tự nhiên linh hồn là một phần của bản tính nhân loại, nhưng mọi thành phần tách rời khỏi tổng thể của mình đều là khiếm khuyết. Cho nên linh hồn mà không có thân thể thì không thể được hạnh phúc.

2. Vả lại, như đã trình bày trên đây (vd.3, m.2, 5): hạnh phúc là thứ hoạt động hoàn bị. Nhưng hoạt động hoàn bị thì phát xuất từ hữu thể hoàn bị: vì không chi hoạt động nếu không phải là hữu thể trong hiện thể. Vậy vì bao lâu linh hồn tách rời khỏi thân thể bấy lâu nó không có hiện hữu hoàn bị, cũng như không một thành phần nào tách rời khỏi tổng thể là hoàn bị; cho nên hình như linh hồn không có thân thể thì không thể được hạnh phúc.

3. Vả lại, hạnh phúc là sự hoàn bị của con người. Nhưng linh hồn không có thân thể thì không phải là con người. Cho nên, hạnh phúc không thể có nơi linh hồn không có thân thể.

4. Vả lại, như nhà Hiền triết viết trong cuốn VII Ethic.: hạnh phúc hệ tại hoạt động của vinh phúc không bị cản trở. Mà hoạt động của linh hồn tách rời thì bị cản trở: vì như thánh Augustinus viết trong cuốn XII Super Gen. ad Litt.: một ước vọng thiên phú trong linh hồn là điều khiển thân thể, do ước vọng đó mà nó bị chậm trễ cách nào đó trong cái đà tiến tới thiên cung cao chót vót, nghĩa là tới sự nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa. Cho nên, linh hồn không có thân thể thì không thể hạnh phúc.

5. Vả lại, hạnh phúc là điều thiện đầy đủ làm cho ước muốn được mãn nguyện. Nhưng điều này không phù hợp với ly hồn: vì như thánh Augustinus viết trong cuốn XII Super Gen. ad Litt.: linh hồn vẫn ao ước kết hợp với thân thể. Cho nên, bao lâu linh hồn còn tách rời khỏi thể xác bấy lâu chưa được hạnh phúc.

6. Vả lại, con người được ngang hàng với thiên thần về hạnh phúc. Nhưng, như thánh Augustinus viết trong cuốn XII Super Gen. ad Litt.: linh hồn không có thân thể thì không được ngang hàng với thiên thần. Cho nên không được hạnh phúc.

NHƯNG. Ta đọc thấy trong sách Khải huyền (14,13): Phúc thay những người đã chết, mà được chết trong Chúa.

LUẬN GIẢI. Có hai thứ hạnh phúc: một là khiếm khuyết ở đời này; hai là hạnh phúc hoàn bị, hệ tại nhìn thấy Thiên Chúa. Hiển nhiên là để được hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại thì cần phải có thân thể. Vì hạnh phúc ở đời này là hoạt động của trí khôn, trừu tượng hay thực hành. Mà ở đời này trí khôn không thể hoạt động mà không có giác tượng, là đều chỉ có thể có nơi cơ thể xác, như đã được trình bày ở PHẦN I (vđ.84 m.6.7) Như thế, hạnh phúc có thể có ở đời này thì phần nào lệ thuộc vào thân thể.

Nhưng đối với hạnh phúc hoàn bị, hệ tại nhìn thấy Thiên Chúa, thì có người chủ trương rằng, hạnh phúc ấy không thể ban cho linh hồn hiện hữu ngoài thân thể: và họ nói rằng, linh hồn của chư thánh đã lìa ra khỏi thân thể chỉ đạt được hạnh phúc đó vào ngày phán xét chung, khi linh hồn tái hiệp với thân thể. — Căn cứ vào thế giá và vào lý lẽ thì chủ trương đó sai nhầm. Về thế giá, vì thánh Tông đồ viết trong thư 2 gửi dân Corintô (5, 6) rằng: Bao lâu còn ở trong thân thể, bấy lâu chúng ta lưu lạc xa Chúa; và thánh nhân đã vạch ra lý do của việc lưu lạc, khi ngài viết thêm (c.7): Vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa. Do đó hiển nhiên là, bao lâu ai còn tiến bước nhờ lòng tin, chứ không nhờ sự hiển minh, thì người ấy vẫn không nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa, vẫn chưa hiện diện trước thánh nhan Thiên Chúa. Nhưng linh hồn chư thánh đã tách ra khỏi thân thể thì hiện diện trước nhan Thiên Chúa; nên thánh Tông đồ thêm: Vậy chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa (2 Cr 5,8). Như thế hiển nhiên là, linh hồn chư Thánh, đã lìa ra khỏi thân thể, tiến bước trong sự hiển minh, được nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa, hạnh phúc chân thật hệ tại điều đó.

Hơn nữa, lý lẽ cũng làm sáng tỏ điều đó. Quả thực trí khôn chỉ cần đến thân thể để hoạt động vì những giác tượng, bởi trong những giác tượng này, nó nhìn thấy một trật chân lý khả tri, như đã được bàn giải trong PHẦN I (vđ.84, m.7). Nhưng hiển nhiên là ta không thể nhờ những giác tượng mà nhìn thấy yếu tính của Thiên Chúa, như đã được trình bày trong PHẦN I (vđ.12, m.3). Vậy vì hạnh phúc hoàn bị của con người hệ tại sự nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa, nên hạnh phúc hoàn bị của con người không lệ thuộc vào thân thể. Cho nên, dù không có thân thể linh hồn vẫn có thể được hạnh phúc.

Nhưng chúng ta nên biết rằng một vật có thể thuộc về sự hoàn bị của vật khác hai cách. Một là để cấu thành yếu tính của vật đó: như linh hồn thì cần thiết cho sự hoàn bị của con người. Hai là để cho yếu tính ấy được hoàn bị: như sự kiều diễm của thân thể và sự linh lợi của tài trí thuộc về sự hoàn bị của con người. Cho nên dù thân thể không thuộc về sự hoàn bị của hạnh phúc con người theo cách thứ nhất, thì cũng thuộc về sự hoàn bị của hạnh phúc con người theo cách thứ hai. Thực vậy, vì hoạt động thì lệ thuộc vào bản tính của mỗi vật, nên linh hồn nào càng hoàn bị trong bản tính, thì càng hoạt động cách độc đáo và hoàn bị hơn, mà hạnh phúc hệ tại hoạt động độc đáo này. Vì thế, trong cuốn XII Super Gen. ad Litt., thánh Augustinus sau khi tự hỏi: Hạnh phúc tuyệt đỉnh có được ban cho các linh hồn thiếu thân thể của những người quá cố chăng? Ngài đã trả lời: Các linh hồn ấy không thể nhìn thấy bản thể bất khả biến như các thiên thần nhìn thấy; hoặc vì một căn nguyên bí ẩn nào đó, hoặc vì nơi các linh hồn vẫn tồn tại nguyện vọng tự nhiên là điều khiển thân thể của mình.

GIẢI ĐÁP1. Hạnh phúc là sự hoàn bị của linh hồn về phần trí khôn, theo đó linh hồn trổi vượt trên các cơ quan của thân thể: chứ không phải vì linh hồn là mô thể tự nhiên của thân thể. Và vì thế, nơi ly hồn vẫn tồn tại sự hoàn bị tự nhiên của bản tính, theo đó hạnh phúc được ban tặng cho nó; mặc dầu nơi ly hồn không tồn tại sự hoàn bị của bản tính, xét như là mô thể của thân thể.

2. Tương quan của linh hồn với hữu thể của con người thì không như tương quan của nó với các thành phần khác của con người. Vì hữu thể của toàn thể không phải là hữu thể của một thành phần nào trong các thành phần: vì thế, hoặc thành phần hoàn toàn tiêu tan, khi toàn thể bị tiêu diệt: như các thành phần của thú vật, khi chính thú vật bị tiêu diệt; hoặc, nếu các thành phần vẫn tồn tại, thì sẽ có thứ hữu thể khác trong hiện thể, như một phần của con đường có hữu thể khác với toàn thể con đường. Nhưng sau khi thân thể bị tiêu tan, hữu thể của linh hồn vẫn còn là hữu thể của phức thể: sở dĩ như thế là vì hữu thể của mô thể và của chất thể chỉ là một và đây là hữu thể của phức thể. Vậy linh hồn thì lập hữu tại hữu thể của mình, như chúng tôi đã chứng minh trong phần I (vđ.75, m.2). Thành thử sau khi lìa ra khỏi thân thể, linh hồn phải có hữu thể hoàn bị, và vì thế cũng có thể có hoạt động hoàn bị; dẫu nó không có bản tính hoàn bị về loại.

3. Hạnh phúc thì thuộc về con người theo trí khôn; và vì thế, bao lâu còn trí khôn bấy lâu hạnh phúc vẫn có thể trụ tại nơi con người. Như vì những chiếc răng mà người Aethiops được gọi là bạch nhân, thì những chiếc răng của người Aethiops ấy vẫn có thể trắng, kể cả khi đã bị nhổ đi.

4. Một vật bị cản trở bởi một vật khác hai cách. Một là vì sự tương phản: như khí lạnh cản trở hoạt động của sức nóng; và sự cản trở về hoạt động như thế thì tương phản với hạnh phúc. Hai là vìnhững cách thức thiếu hụt nào đó, nghĩa là vì vật bị cản trở không có tất cả những chi mà sự hoàn bị mọi đàng của nó đòi hỏi: và trở ngại về hoạt động như thế thì không tương phản với hạnh phúc, nhưng tương phản với sự hoàn bị mọi đàng của nó. Và vì thế, sự lìa ra khỏi thân thể xác được coi là làm trì chậm, kẻo linh hồn đem hết nghị lực qui hướng về việc chiêm ngưỡng yếu tính Thiên Chúa. Thực vậy, linh hồn mong muốn vui hưởng Thiên Chúa một cách sung mãn để chính sự vui hưởng ấy lan toả sang thân thể. Và vì thế, bao lâu linh hồn được vui hưởng Thiên Chúa mà không có thân thể, bấy lâu lòng khao khát của nó được an nguôi trong điều nó hiện có, nhưng vẫn muốn cho thân thể của nó được thông dự.

5. Sự ước muốn của ly hồn thì được hoàn toàn thoả mãn về phía đối tượng được ước muốn; vì đối tượng này hội đủ những chi thoả mãn niềm ước mong của ly hồn. Nhưng về phía chủ thể ước muốn, thì không được hoàn toàn toại nguyện: vì nó không chiếm hữu điều thiện đó theo mọi cách thức mà mong muốn chiếm hữu. Cho nên, sau khi đã lấy lại được thân thể, thì hạnh phúc của nó gia tăng, không phải về cường độ, nhưng về trương độ.

6. Câu nói trên kia, trong đó chủ trương rằng: linh hồn của những người quá cố không nhìn thấy Thiên Chúa cũng một cách như các thiên thần, thì chúng ta không nên hiểu câu đó theo sự chênh lệch về lượng: vì hiện nay, một số linh hồn của các Phúc nhân được đưa vào hàng ngũ cao cấp của các thiên thần, đang nhìn thấy Thiên Chúa cách tỏ tường hơn các thiên thần cấp dưới. Nhưng ở đây có ý nói đến sự chênh lệch về tỷ lệ: vì các thiên thần, kể cả những thiên thần ở cấp thấp nhất, cũng có toàn thể sự hoàn bị của hạnh phúc mà vào lúc nào đó các vị sẽ chiếm hữu, nhưng ly hồn của chư thánh không được như vậy. 

 


Bài trước -- Bài tiếp theo

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt