Triết học tinh thần

Vấn đề 4. Về những điều cần để đạt hạnh phúc. Mục 2

VẤN ĐỀ 4

VỀ NHỮNG ĐIỀU CẦN ĐỂ ĐẠT HẠNH PHÚC

 

THOMAS AQUINAS (1225-1274)

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học: Về hạnh phúc của con người. Phần I-II, vấn đề 1-5. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng tác viên phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 2003. | Xem thêm: Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

MỤC 2

Trong hạnh phúc sự nhìn thấy

có chính yếu hơn là sự vui thú chăng?

 

 

NGHI VẤN. Hình như trong hạnh phúc, sự vui thú thì chính yếu hơn sự nhìn thấy.

1. Thực vậy, sự vui thú là sự hoàn bị của hoạt động, như đã được ghi trong cuốn X Ethic..Nhưng sự hoàn bị thì cao trọng hơn là có thể được hoàn bị. Cho nên, sự vui thú thì cao trọng hơn là hoạt động của trí khôn, tức là sự nhìn thấy.

2. Vả lại, điều làm cho một vật đáng ham muốn thì cao trọng hơn chính vật này. Nhưng những hoạt động được ham muốn vì sự vui thú của những hoạt động: thành thử thiên nhiên gắn liền sự vui thú với những hoạt động cần thiết để bảo tồn cá vật và chủng loại, kẻo những hoạt động đó bị các thú vật lơ là. Cho nên, trong hạnh phúc, sự vui thú nhìn thì chính yếu hơn là hoạt động của trí khôn, tức là sự thấy.

3. Vả lại, sự nhìn thấy ứng đối với đức tin; còn sự vui thú hay sự thưởng thức thì đối ứng với đức mến. Mà đức mến thì cao trọng hơn đức tin, như thánh Tông đồ đã viết (1 Cr 13,13). Cho nên, sự vui thú hay sự thưởng thức thì cao trọng hơn là sự nhìn thấy.

NHƯNG. Căn nguyên thì cao trọng hơn là công hiệu. Mà sự nhìn thấy là căn nguyên của sự vui thú. Cho nên, sự nhìn thấy thì cao trọng hơn là sự vui thú.

LUẬN GIẢI. Vấn đề này đã được nhà Hiền triết đề cập tới trong cuốn X Ethic., song ông để đó mà chưa giải quyết. Nhưng phàm ai chăm chú suy cứu, thì hoạt động của trí khôn, tức là sự nhìn thấy, nhất thiết phải cao trọng hơn sự vui thú. Vì sự vui thú hệ tại sự an nguôi nào đó của ý chí. Vậy sở dĩ ý chí an nguôi trong điều nào đó thì cũng chỉ vì sự thiện hảo của điều làm cho nó an nguôi. Vì thế, nếu ý chí an nguôi trong một hoạt động nào đó, thì sự an nguôi của nó cũng chỉ phát sinh do sự thiện hảo của hoạt động. Ý chí không tìm kiếm điều thiện hảo vì sự an nguôi: vì như thế chính hành vi của ý chí sẽ là mục đích, tương phản với những điều đã trình bày trên đây (vđ.1, m.1, gđ.2; vđ.3, m.4). Nhưng sở dĩ ý chí tìm kiếm sự an nguôi trong hoạt động, vì hoạt động là điều thiện của nó. Vì thế hiển nhiên rằng, chính hoạt động trong đó ý chí được an nguôi là điều thiện chính yếu hơn là sự an nguôi của ý chí trong điều thiện đó.

GIẢI ĐÁP1. Như nhà Hiền triết đã viết trong cuốn X Ethic.: sự vui thú kiện toàn hoạt động như sự duyên dáng kiện toàn tuổi thanh xuân, vì đi theo tuổi thanh xuân. Thành thử, sự vui thú là một sự hoàn bị tháp tùng sự nhìn thấy; chứ không phải là một sự hoàn bị làm cho sự nhìn thấy được hoàn chỉnh theo loại của nó.

2. Phải nói rằng sự trực giác giác quan không đạt tới lý tính tổng quát của điều thiện, nhưng đạt tới điều thiện đặc thù nào đó, làm cho vui thú. Và vì thế, đối với dục vọng giác cảm nơi các thú vật, thì hoạt động được tìm kiếm vì sự vui thoả. Nhưng trí khôn lãnh hội được lý tính phổ quát của điều thiện, là điều hễ đã chiếm được thì phát sinh sự vui thú; vì thế, trí khôn nhằm vào điều thiện cách chính yếu hơn là vào sự vui thú. Và do đó, trí khôn của Thiên Chúa, thiết định tính tự nhiên, đã vì những hoạt động mà thêm sự vui thú vào. Nhưng không nên thẩm định điều gì cách đơn thuần theo trật tự của giác dục, mà theo trật tự của ý muốn thì hơn.

3. Phải nói rằng, đức mến không vì sự vui thú mà tìm điều thiện được nó yêu mến: nhưng công quả của đức mến là, được vui thú trong điều thiện, mà nó yêu mến, đã được chiếm hữu. Và như thế, sự vui thú không ứng đối với đức ái như mục đích, nhưng sự nhìn thấy thì đúng hơn, vì nhờ đó mà mục đích xuất hiện trước tiên trước đức ấy.


Bài trước -- Bài tiếp theo

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt