Triết học tinh thần

Vấn đề 3. Hạnh phúc là gì? Mục 2

 

VẤN ĐỀ 3

HẠNH PHÚC LÀ GÌ

 

THOMAS AQUINAS (1225-1274)

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học: Về hạnh phúc của con người. Phần I-II, vấn đề 1-5. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng tác viên phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 2003. | Xem thêm: Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

MỤC 2

Hạnh phúc có phải là một hoạt động chăng?

 

NGHI VẤN. Hình như hạnh phúc không phải là một hoạt động.

1. Thực vậy, thánh Tông đồ viết (Rm 6, 22): Anh em thu được kết quả trong sự thánh hoá, còn cùng đích là sự sống đời đời. Nhưng sự sống không phải là một hoạt động, mà là chính việc hiện hữu của các sinh vật. Cho nên cùng đích tối hậu, tức là hạnh phúc, không phải là một hoạt động.

2. Vả lại, Boetius viết trong cuốn III De Cons. rằng: hạnh phúc là trạng thái hoàn bị gồm thâu mọi điều thiện. Nhưng trạng thái không biểu thị hoạt động. Cho nên, hạnh phúc không phải là một hoạt động.

3. Vả lại, hạnh phúc biểu thị điều gì đó hiện hữu trong người hạnh phúc: vì nó là sự hoàn bị tối hậu của con người. Nhưng hoạt động không biểu thị điều gì đó như hiện hữu trong chủ thể hoạt động, nhưng như phát xuất từ chủ thể hoạt động thì đúng hơn. Cho nên hạnh phúc không phải là một hoạt động.

4. Vả lại, hạnh phúc thì tồn tại nơi phúc nhân. Mà hoạt động thì không tồn tại, nhưng chỉ kinh qua. Cho nên, hạnh phúc không phải là một hoạt động.

5. Vả lại, đối với mỗi người chỉ có một hạnh phúc. Nhưng có nhiều hoạt động. Cho nên, hạnh phúc không phải là một hoạt động.

6. Vả lại, hạnh phúc trụ tại phúc nhân một cách không gián đoạn. Nhưng hoạt động của con người thì bị gián đoạn thường xuyên: như do giấc ngủ, do công việc khác nào đó, hay do sự nghỉ ngơi. Cho nên, hạnh phúc không phải là một hoạt động.

NHƯNG. Trong cuốn I Ethic. nhà Hiền triết viết: Hạnh phúc là một hoạt động theo nhân đức hoàn bị.

LUẬN GIẢI. Phải nói rằng, nếu hiểu hạnh phúc của con người là một điều thụ tạo nào đó hiện hữu trong chính con người, thì hạnh phúc là một hoạt động. Thực vậy hạnh phúc là sự hoàn bị tuyệt đỉnh của con người. Mà mỗi hữu thể ở trong hiện thể chừng nào thì được hoàn bị chừng ấy: vì tiềm thể mà không hiện thể thì bất toàn. Cho nên, hạnh phúc phải hệ tại hiện thể tối hậu của con người. Nhưng rõ ràng hoạt động là hiện thể tối hậu của chủ thể hoạt động; thành thử trong cuốn II De Anima, nhà Hiền triết gọi hoạt động là hiện thể đệ nhị cấp; vì chủ thể có mô thể thì có thể là chủ thể hoạt động trong tiềm thể; cũng như người thức giả là người đang suy nghĩ trong tiềm thể. Và vì thế mà đối với cả các vật khác, vật nào cũng được cho là hiện hữu vì hoạt động của mình, như ta thấy trong cuốn II De Caelo. Cho nên, hạnh phúc của con người nhất thiết là một hoạt động. 

GIẢI ĐÁP1. Sự sống được hiểu hai cách. Một là chính hữu thể của sinh vật. Và như thế, hạnh phúc không phải là sự sống: thực vậy, chúng ta đã chứng minh (vđ.2, m.5) rằng, hữu thể của con người, dù là thế nào đi nữa, không phải là hạnh phúc của con người; chỉ hữu thể của một mình Thiên Chúa là hạnh phúc của Người.- Thứ đến, chính sự sống được gọi là hoạt động của sinh vật, nhờ đó mà nguyên ủy của sự sống được trở thành hiện thể; theo cách đó, chúng ta nói về đời sống hoạt động, chiêm niệm, hoặc dật lạc. Và theo cách này, sự sống đời đời được gọi là cùng đích tối hậu. như Tin mừng Gioan (17, 3) nói rõ: Sự sống đời đời, đó là họ nhận biết Cha, một Thiên Chúa chân thật.

2. Khi định nghĩa hạnh phúc, Boetius chỉ suy cứu lý tính khái quát của hạnh phúc. Thực vậy theo lý tính khái quát, hạnh phúc là điều thiện khái quát và hoàn bị, và đây là điều mà ông muốn biểu thị khi khẳng định rằng: hạnh phúc là trạng thái hoàn bị gồm thâu mọi điều thiện, qua đó ông chỉ biểu thị rằng, phúc nhân ở trong tình của điều thiện hoàn bị, chứ không biểu thị điều gì khác. Nhưng Aristoteles diễn tả chính yếu tính của hạnh phúc, khi giãi bày cho thấy nhờ đâu mà con người được ở trong tình trạng đó, ấy là nhờ một hoạt động nào đó. Và vì thế trong cuốn I Ethic., ông cũng chứng minh rằng, hạnh phúc là điều thiện hoàn bị.

3. Như được trình bày trong cuốn IX Metaphys., có hai thứ hoạt động: Một là hoạt động phát xuất từ người hoạt động sang chất thể bên ngoài, như thiêu đốt và cưa cắt. Và hoạt động này không thể là hạnh phúc: vì thứ hoạt động đó không phải là hành vi và sự hoàn bị của tác nhân, mà của thụ nhân thì đúng hơn, như được trình bày trong cũng một trích văn. Một hoạt động khác, trụ tại nơi tác nhân, như cảm giác, hiểu biết, và ưa muốn: thứ hoạt động này là sự hoàn bị và là hiện thể của tác nhân. Và hoạt động đó có thể là hạnh phúc.

4. Vì hạnh phúc biểu thị một sự hoàn bị tối hậu nào đó; tùy theo những vật khác nhau khả dĩ được hạnh phúc có thể đạt tới những mức độ hoàn bị khác nhau, theo đó cần phải hiểu hạnh phúc một cách khác nhau. Nơi Thiên Chúa có hạnh phúc theo yếu tính: vì chính hiện hữu của Người là hoạt động của Người, nhờ đó Người vui hưởng chính mình, chứ không vui hưởng điều gì khác. Nơi các thiên thần và các phúc nhân có sự hoàn bị tối hậu theo một hoạt động nào đó, làm cho các vị kết hợp với điều thiện tự hữu: và nơi các vị hoạt động này là một hoạt động duy nhất và vĩnh cửu. Nhưng nơi con người, theo tình trạng của đời sống hiện tại, sự hoàn bị tối hậu thì tùy theo hoạt động, nhờ đó con người được kết hợp với Thiên Chúa: nhưng hoạt động này cũng không thể là liên tục, nhiên hậu cũng không phải là duy nhất, vì hoạt động được gia tăng do sự gián đoạn. Và vì thế, trong tình trạng của cuộc sống hiện tại, con người không thể đạt tới hạnh phúc hoàn bị. Do đó, trong cuốn I Ethic., vì nhà Hiền triết công nhận có hạnh phúc ở đời này, nên ông cho đây là thứ hạnh phúc bất toàn, và sau nhiều lý luận ông kết luận: Chúng tôi cho họ, như những con người, là hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc hoàn bị được Thiên Chúa hứa cho chúng ta khi chúng ta được nên như thiên thần trên trời, ăn nhịp với lời thánh Matthaeus (22, 30).

Cho nên về hạnh phúc hoàn bị thì không còn vấn nạn nữa: vì trong trạng thái hạnh phúc đó, tâm trí của con người kết hợp với Thiên Chúa bằng một hoạt động duy nhất, liên tục và vĩnh cửu. Nhưng trong cuộc sống hiện tại, hoạt động của chúng ta càng thiếu tính cách thuần nhất và liên tục bao nhiêu, chúng ta càng thiếu hạnh phúc hoàn bị bấy nhiêu. Tuy nhiên, ta vẫn được dự phần hạnh phúc, và hoạt động càng liên tục và thuần nhất ngần nào, thì sự dự phần đó càng lớn lao ngần ấy. Và vì thế, đời sống hoạt động, bận rộn với nhiều công việc, thì ít hạnh phúc hơn đời sống chiêm niệm, là đời sống chỉ chuyên chú vào một việc, là chiêm niệm chân lý. Và dù đôi khi con người không thi hành trong thực tế hoạt động đó, nhưng vì con người sẵn sàng để luôn luôn thực hiện hoạt động đó; và vì con người qui hướng chính sự gián đoạn, như do giấc ngủ hoặc do công việc tự nhiên nào khác, về hoạt động được bàn trên đây, nên hoạt động đó được kể là như liên tục.

Điều đó cũng đủ để giải đáp những nghi vấn 5 và 6.

 


Bài trước -- Bài tiếp theo

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt