Góc đọc sách

"Triết học Bergson" của Lê Chí Thiệp

Tạp chí Tri Tân, số 52, tháng 6-1942, trang 10-11

TRIẾT HỌC BERGSON CỦA  LÊ CHÍ THIỆP

KIỀU THANH QUẾ

 

Xuất thân nơi sân Trình cửa Khổng, đa số nho sĩ xứ ta ngày xưa và cả chúng ta ngày nay nữa, sẳn có bộ óc thực nghiệm cố hữu hồ dễ mấy ai thấu triệt được trong thoáng chốc những thuyết siêu hình, huyền mặc. Nho sĩ xứ ta có quan niệm nhịnguyên (Dualisme) về vũ trụ: thảo nào ta có bao giờ được nghe một cụ đồ nho thi sĩ xứ ta khẩu chiến hay viết nên đôi câu thơ na ná như thế này đâu: “Vũ trụ với ta là một…” hay đời ta như thể chén nước mà vũ trụ là con sông dài… đem chén nước phả vào con sông ấy, thì dẫu ai có cúi xuống nhìn cũng không tài nào phân biệt được!”

Phải là một bực thi hào – như thi hào Tagore là cây bút viết ra những giòng sau này chẳng hạn – có quan niệm nhứt nguyên (monisme) về vũ trụ, mới khả dĩ đi sâu vào được những thuyết siêu hình huyền mặc, vạn vật nhứt thể.

Hiểu được dễ dàng một triết học như triết học Bergson, một thuyết như thuyết trực giác của Bergson, hẳn phải là hạng người sau này – hạng người có quan niệm như nhứt nguyên về vũ trụ. Bergson tuy sanh sau Targo đôi năm, nhưng triết học Bergson với tư tưởng Targo vẫn có chỗ dị đồng. Vẽ rõ những chỗ dị đồng ấy chúng tôi đã có một tác phẩm (quyển Thi hào Tagore) sắp xuất bản. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn tỏ rằng hiểu Tagore cũng như hiểu Bergson, không phải là chuyện dễ. Ngay như văn hào André Gide, khi dịch tập Tụng thần ca (L’Offrande lyrique) của Tagore cũng phải thú nhận rằng: tôi chỉ nhận thức được vẻ đẹp của thơ Tagore thôi, chớ hiểu thơ Tagore vị tất tôi đã hiểu.

Một người bạn của chúng tôi hồi ở Pháp thi cử nhân văn chương có viết một bài luận dài về triết học Bergson đối chiếu với thuyết của Schopenfrauer. Bạn tôi đã đậu cử nhân với bài luận ấy. Thế mà ngày nay, bạn tôi vẫn chịu rằng không hiểu nổi Bergson.

André Gide không hiểu Tagore! Bạn tôi, sức học cao kiến hơn tôi, không hiểu Bergson! Thử hỏi tôi làm sao hiểu nổi  triết học Bergson mà hòng nói chuyện với bạn đọc hôm nay?

Ôi! Chẳng qua là một trò hí ngôn lộng bút đó thôi.

..Tội tôi, nếu không phải vì muốn mạo muội nối đuôi với công việc của tác giả Triết học Bergson, thì đáng kết án lắm!!

Giảng về trực giác của Bergson, Lê Chí Thiệp giản dị và minh bạch lắm. Nhưng ông thiếu những sự đối chiếu (rapprochements), thành thử những lời bàn giải của ông lửng lơ không có căn bản chắc chắn.

Ước gì ông vừa bàn về ‘trực giác” của Bergson lại vừa nói chút đỉnh đến “trí lương tri” của Vương Dương Minh” thì hay biết mấy. Chỗ dị đồng giữa Vương Dương Minh và Bergson cũng như chỗ dị đồng giữa Bergson và Targo, chắc hẳn là không phải không có!

“Sau Vương Dương-Minh, như lời ông Aurousseau ở trường Viễn đông Bác cổ Hà Nội, bảo nền triết học nước Tàu như ngọn đèn đã tắt; ánh sáng còn đâu?” Tôi chỉ nhớ mà chép đại khái như thế không biết có được đúng không? Nhưng theo Aurousseau, thì Vương Dương Minh là một triết học đại gia cần phải nói đến trong bất kỳ trường hợp nào liên hệ đến ông: Tác giả Triết học Bergson quên nghĩ đến Vương Dương-Minh! Tưởng cũng là một điều đáng tiếc!

Phê bình nền triết học nước Tàu, hình như cũng chính ông Aurousseau bảo, trước Vương Dương Minh còn có Lão tử.

Thế nghĩa là: triết học Vương DươngMinh với triết học Lão tử vẫn có chỗ dị đồng nhau.

Mà nếu khả dĩ đem đối chiếu triết học Bergson với triết học Vương Dương Minh được, sao lại chẳng thể khi nói đến triết học Bergson nói luôn đến triết học Lão tử?

Bergson chú trọng trực giác, thì Lão tử nói đến quan năng.

Lão-tử sanh nhằm một thời đạo chưa phát kiến ra khoa học, chưa có kính hiển vi, gương phóng đại v.v.., thảo nào chẳng lấy quan năng làm căn bản cho sự xét đoán: cái gì chẳng thể dùng quan năng mà hiểu được, đều cho là không có!

Triết học Lão tử, đối với vũ trụ, là một ức thuyết như bao nhiêu ức thuyết khác. Nhưng đã hơn hai ngàn năm nay, khoa học phát đạt cực điểm, mà thiên hạ vẫn chưa ai dám quả quyết bảo triết học Lão tử là một học thuyết xa hẳn thật tế. Vì đối với căn nguyên và sự cấu tạo của vũ trụ, thiên hạ vẫn chưa ai tầm được cái gì khác khả dĩ gọi là sự thật được!

Triết học Bergson, tuy chỉ chú trọng có trực giác, vẫn không phải là một học thuyết xa sự thật. Trong bài “Tiểu dẫn”, Lê Chí – Thiệp bảo “học thuyết Bergson gần sự thật, sự sống hơn hết” Trong chương thứ hai, tức là chương bàn về Trực giác pháp, Lê quân lại thuật:

“Trong một cuộc tranh biện về triết học, vì không hiểu cái thâm ý của Bergson, khi ông dùng đến tiếng ‘trực giác”, nên có người cho rằng triết học của ông là một triết học thiên về thần bí (mysticisme) Ông Bergson trả lời như vầy: “nếu định nghĩa chữ thần bí là một cách phản động lại với khoa học thực nghiệm, thì học thuyết của tôi từ đầu chí cuối, chỉ là một sự phản kháng cái thần bí đó, vì học thuyết tôi cố tìm cách nối lại cái cầu bắc ngang giữa siêu hình và khoa học, cầu ấy đã đứt từ đời nhà triết học Kant… Còn nếu định nghĩa chữ thần bí là một cách khêu gợi đến nội tâm sinh hoạt thì chẳng những học thuyết của tôi, mà triết học nào cũng là thần bí cả”.

“Không nên lầm tưởng, vẫn lời Lê quân, rằng trực giác là một phương pháp dễ dàng, không cần đến sự suy nghĩ sấu xa mệt nhọc của trí não. Trực giác là một phương pháp nhận thức, biệt hẳn ra ngoài lý trí, nhưng không phản trái với lý trí, Thực tại nào mà trực giác đã tìm ra cũng có thể dùng lý trí đặng thí nghiệm xem xét lại. Thế thì tiếng “trực giác” đây không phải là theo nghĩa thông thường, chỉ một cách ức đoán, một sự cảm giác thuần thuộc về chủ quan, một cái tâm trạng thuộc về tình cảm đâu. Trái lại, đó là một cách suy nghĩ, một cách chú ý thâm trầm, không thiết đến sự hành-động ở ngoài, bỏ cả những tiếng nói là lý luận thường để mà trực tiếp cảm xúc lấy cái chân tướng”.

Trực giác của Bergson là trực giác suy lý (intuition discursive). Nó có khác với trực giác của nhà Phật, là trực giác thần bí (intuition mystique).

Đức Thích Ca lúc mới dời bỏ hoàng cung tầm đạo, hiểu lầm rằng muốn được chóng đắc đạo, tất phải khổ hạnh nhiều. Nhưng mãi đến khi hình thể đã suy nhược mà chánh đạo vẫn chưa tìm ra đặng, bấy giờ ngài mới tự nghĩ: tu theo khổ hạnh là lầm lạc! Đi đến bờ sông Nihèn (Nairandlaha) ngài gặp được hai cô bé chăn trâu là Nan Đà và Ba La đem mật và sữa cho ngài dùng. Dùng xong thấy khỏe lại, ngài xuống sông tắm, càng thấy trong người thêm khoan khoái. Từ đó quyết tâm bỏ điều khổ hạnh vô lối đeo đuổi trong 6 năm lầm lạc, đức Thích Ca đến ngồi dưới sội Bồ đề ở bãi tha ma, tham thiền nhập định, giữ lấy “trung đạo” là con đường giữa, không say mê sự đời, dùng trực giác nói đến lẽ nhiệm mầu của đạo lý, Ngài đắc đạo nhờ trực giác. Nhưng cái trực giác của ngài thần bí lắm. Mãi đến nay các cao tăng xứ ta vẫn lúng túng không cắt nghĩa rõ đặng.

Trái lại, trực giác suy lý của Bergson có thể giảng giải hiểu được “Đứng bên vệ đường, Lê Chí Thiệp thuật, ngó một cái xe hơi chạy thật mau trên con đường tráng nhựa. Vịn theo hai hàng cây mọc hai bên đường, ta có thể đoán sự mau của cái xe. Biết tốc độ của cái xe như thế là biết theo cách ngoài. Còn nếu ngồi trên cái xe hơi đó, ta cũng vịn theo hai hàng cây mà đoán; nhưng sự hiểu biết của ta bây giờ khác với sự hiểu biết hồi nãy. Ta biết một cách trực tiếp, đầy đủ với bao nhiêu là cảm giác!”

Bàn thuần về triết học Bergson, quyển sách ra đời mười mấy năm về trước có lẽ hợp thới hơn, Vì bấy giờ triết học Bergson đang thạnh hành. Chớ bây giờ, triết học Brgson cơ hồ đã nguội lạnh như đống tro tàn.

Muốn gợi đống tro tài ấy lại mốc lên thành khói lửa, phải đem đối chiếu triết học Brgson với một vài học thuyết của Đông phương dị đồng với nó.

Việc làm của Lê Chí Thiệp là việc đầu tay, Chả trách nó hơi khô và suông!

Sau Lê quân, học giả nào biên tập về triết học Bergson nên làm sống triết học ấy thêm một chút. Làm sống bằng những sự đối chiếu mà chúng tôi đã mạo muội trình bày. Đó là còn quên kể sự đem đối chiếu quan niệm về chiêm bao của Bergson với quan niệm về chiêm bao của Freud.

 


Nguồn: Tạp chí Tri Tân, số 52, tháng 6-1942, trang 10-11. Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt